Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Đại Chánh Tạng - Lời giới thiệu

Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh nói tắt là Đại Chánh Tạng, là bộ Đại Tạng Kinh hiện nay được giới học thuật nghiên cứu hoan nghênh ưa thích nhất. Đại Chánh Tạng được bắt đầu biên tập trong thời gian niên hiệu Đại Chánh (Nhật Bổn) (1912-1925), vì thế còn có tên là Đại Nhật Bổn Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh
Mục lục

ĐẠI CHÁNH TÂN TU ĐẠI TẠNG KINH

LỜI GIỚI THIỆU

Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh nói tắt là Đại Chánh Tạng, là bộ Đại Tạng Kinh hiện nay được giới học thuật nghiên cứu hoan nghênh ưa thích nhất. Đại Chánh Tạng được bắt đầu biên tập trong thời gian niên hiệu Đại Chánh (Nhật Bổn) (1912-1925), vì thế còn có tên là Đại Nhật Bổn Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh. Do Cao Nam Thuận Thứ Lang (1866-1945), Độ Biên Hải Hức (1872-1933) chủ biên, Thiếu Dã Huyền Diệu (1883-1939) chủ nhiệm biên tập hiệu đính, cùng với sự đóng góp tích cực của rất nhiều nhà học giả Phật giáo, từ niên hiệu Đại Chánh thứ 11 (1922) đến năm thứ 9 Thiệu Hòa (1934), trải qua 13 năm mới hoàn thành bộ Đại Tạng Kinh này. Năm 1934 Đại Chánh Tạng được Đại Chánh Nhất Thiết Kinh Khan Hành Hội (do Cao Nam Thuận Thứ Lang, Độ Biên Hải Hức khởi xướng) xuất bản ấn hành.

Toàn bộ Đại Tạng chia làm 3 phần : Chánh tạng 55 tập, Tục tạng 30 tập, Biệt quyển 15 tập (đồ họa 12 tập, tổng mục lục 3 tập), tổng cộng 100 tập. Thâu tập Kinh Luật Luận và các trước tác soạn thuật của Trung Quốc, Nhật Bổn nhiều hơn các loại Đại Tạng Kinh từ trước đến nay, gồm có 3493 bộ, 13520 quyển.

Chánh tạng 55 tập, chia làm 2 phần : Phần kinh điển phiên dịch gồm có 32 tập (từ tập 1 đến tập 32) : A hàm bộ, Bổn duyên bộ, Bát nhã bộ, Pháp hoa bộ, Hoa nghiêm bộ, Bảo tích bộ, Niết bàn bộ, Đại tập bộ, Tập kinh bộ, Mật giáo bộ. Luật bộ, Thích kinh luận bộ, Tỳ đàm bộ, Trung quán bộ, Du già bộ, Luận tập bộ. Phần trước tác soạn thuật của các bậc Cao Tăng cổ đức Trung Quốc còn gọi là Tạp tạng, gồm 23 tập (từ tập 33 đến tập 55) : Kinh sớ bộ, Luật sớ bộ, Luận sớ bộ, Chư tông bộ, Sử truyện bộ, Sự hối bộ, Ngoại giáo bộ và Mục lục bộ. Cộng 2276 bộ, 9042 quyển.

Chánh tạng nếu phân chia theo Kinh Luật Luận thì A hàm bộ, Bổn duyên bộ, Bát nhã bộ, Pháp hoa bộ, Hoa nghiêm bộ, Bảo tích bộ, Niết bàn bộ, Đại tập bộ, Tập kinh bộ, Mật giáo bộ thuộc về Kinh tạng. Luật bộ như Di sa tắc bộ, Ma ha tăng kỳ bộ, Đàm vô đức bộ, Tát bà đa bộ, Giải thuyết giới kinh (Ca Diếp di bộ), Bồ tát giới v.v... thuộc Luật tạng. Thích kinh luận bộ, Tỳ đàm bộ, Trung quán bộ, Du già bộ, Luận tập bộ thuộc Luận tạng. Kinh sớ bộ, Luật sớ bộ, Luận sớ bộ, Chư tông bộ, Sử truyện bộ, Sự hối bộ, Ngoại giáo bộ và Mục lục bộ thuộc Tạp tạng.

Tục tạng gồm 30 tập (từ tập 56 đến tập 85), chia làm Tục kinh sớ bộ, Tục luật sớ bộ, Tục luận sớ bộ, Tục Chư tông bộ, Tất đàm bộ, Cổ dật bộ, Nghi tự bộ. Trong đó ngoài 2 bộ Cổ dật bộ, Nghi tự bộ thâu tập kinh điển Đôn Hoàng ra, các phần còn lại đều là các trước tác của Nhật Bổn thuộc về Tục kinh sớ bộ, Luật sớ bộ, Luận sớ bộ, Chư tông bộ và Tất đàm bộ.

Đồ tượng bộ gồm 12 tập, chuyên thu thập các loại hình tượng Phật nổi tiếng lưu truyền qua các triều đại ở Nhật Bổn, và tượng Kim Cang, tượng Minh Vương Mật tông, cùng với các loại họa đồ Mạn đà la (1). Tổng cộng có 367 bộ, 1345 quyển.

Tổng mục lục 3 tập thâu tập mục lục các bản Đại Tạng Kinh các triều đại Trung Quốc và mục lục Tạng kinh các bản khắc, bản viết tay ở các tự viện Nhật Bổn, cùng với tổng mục lục, bảng chỉ dẫn Đại Chánh Tạng, mục lục người dịch v.v… tất cả 77 loại.

Đại Tạng Kinh có những đặc điểm quan trọng sau :

- Về phương diện sắp xếp bộ quyển : sáng tạo phương pháp phân loại, sắp xếp thứ tự trước sau y cứ theo lịch sử phát triển kinh điển. Phương pháp phân loại mới này rất phù hợp quan điểm của các nhà học giả thời nay đối với sự lịch sử phát triển kinh điển.

- Về phương diện khảo đính : y cứ bản “Cao Ly tạng”, tham khảo và so sánh các bản Đại Tạng Kinh Nhật Bổn, các bản Đại Tạng Kinh Trung Quốc (các bản khắc đời Tống, Minh, Nguyên), cùng với các bản kinh được sưu tập cất giữ trong Thư viện Đại học và liệt kê bản khảo đính ở dưới mỗi trang sách.

- Ngoài việc nghiệm mật khảo đính, còn đối chiếu với bản Pali, Phạn ngữ. Dòng khảo đính dưới mỗi trang còn chú thêm các danh từ Pali, Phạn ngữ. Ngoài ra còn có dấu chấm câu, đây cũng là một trong những đặc sắc của Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh không giống với các bản khác.

Đại Chánh Tạng do vì thâu tập kinh điển đầy đủ, khảo đính rõ ràng cẩn thận, cách sắp xếp bộ quyển cũng phù hợp với yêu cầu của giới học thuật£¬vì thế trở thành bộ Đại Tạng Kinh thông dụng nhất của các nhà học giả nghiên cứu Phật giáo. Các tác phẩm học thuật dẫn dụng Kinh điển Phật giáo, đều dùng Đại Chánh Tạng làm y cứ, và ghi rõ số quyển, số trang. Do đó có thể thấy được tính chất quan trọng của bộ Đại Tạng Kinh này.


(Tuệ Liên lược dịch theo “Từ điển Phật học”,
“Trung Hoa Phật giáo bách khoa toàn thư”)

 

 

Mạn đà la : Tàu dịch là Luân chuyển viên mãn cụ túc, Tụ tập, Đàn, Đạo trường…Ấn Độ thuở xưa, khi tu Mật pháp, vì để ngăn ngừa chúng ma xâm nhập quấy nhiễu, nên vẽ nhưng khu vực hình vuông hoặc hình tròn, hoặc xây dựng Đàn, trong Đàn vẽ hình tượng Phật, Bồ tát để cúng dường, lễ bái. Thường gọi những khu vực hình vuông hoặc tròn này là Mạn Đà La. Đứng về mặt thể mà nói, Đàn hoặc Đạo trường là Chánh ý, Luân viên cụ túc là Bổn ý, xây dựng Đàn trong có hình Phật, Bồ tát để cúng dường lễ bái, đó là bổn thể của Mạn Đà La. Nay Mạn Đà La thường chỉ cho đồ họa, hình vẽ của Đàn hoặc Đạo trường.


Theo nigioikhatsi.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm