Kinh Pháp cú lưu nhắc mọi người về tầm quan trọng của việc được sinh ra làm người và được nghe diệu pháp do Đức Thế Tôn chứng ngộ và tuyên thuyết, qua bài kệ:
Khó thay, được làm người,
Khó thay, được sống còn,
Khó thay, nghe diệu pháp,
Khó thay, Phật ra đời![1]
Đức Phật dạy khó thay được làm người, khó thay nghe diệu pháp, vì theo tri kiến của bậc Giác ngộ thì trong thế giới sinh tử luân hồi, số lượng chúng sinh được sinh ra làm người là nhỏ nhoi so với vô số loài chúng sinh khác[2]. Do nghiệp duyên tích tập, cơ hội được tái sinh làm người là hết sức hãn hữu. Phần lớn chúng sinh có khuynh hướng đánh mất vị trí tốt đẹp của mình và rơi vào các loài hạ sanh sau khi thân hoại mạng chung[3]. Ngay cả khi được sinh ra làm người thì cơ hội thăng tiến tâm thức hướng đến giải thoát cũng không có nhiều, vì phần lớn loài người không có cơ duyên được nghe Pháp Luật do Như Lai thuyết giảng, không học tập, không hành trì, không thể nhập Thánh trí [4].
Mặc dù còn nằm trong vòng luân hồi khổ đau, nhưng những chúng sinh được sinh ra làm người và sống trọn kiếp người là một may mắn lớn; vì so với nhiều loại chúng sinh khác thì thế giới loài người có nhiều nhân duyên thuận lợi cho sự tu tập thăng tiến tuệ giác giải thoát.
Trước hết, đó là thế giới chư Phật thường xuất hiện và tuyên thuyết diệu pháp; các cảnh giới của các chúng sinh khác, vì nghiệp duyên, không thích hợp cho sự ra đời và thuyết pháp của chư Phật. Theo kinh Đại bổn, Trường bộ thì sáu vị Phật quá khứ và Đức Phật Thích-ca Mâu-ni đều sinh ra trong thế giới loài người ở các thời điểm khác nhau. Kinh tạng Pàli ghi nhận chư Như Lai có khả năng thuyết pháp cho nhiều cảnh giới khác nhau, nhưng sự thuyết giảng của chư vị chủ yếu diễn ra trong thế giới loài người. Các chúng sinh ở các cõi giới bất hạnh như địa ngục, bàng sanh hay ngạ quỷ chịu quả báo của các ác nghiệp đoanh vây không có cơ hội được biết đến Phật pháp[5]. Các cảnh giới chư Thiên do phước báo của các thiện nghiệp có đời sống thoải mái tồn tại lâu dài ít tha thiết học hỏi giáo lý vô thường, khổ, vô ngã của chư Phật[6]. Chỉ có cảnh giới loài người ở giữa hai cực kia mới nhận ra sự trói buộc nguy hại của khổ và lạc nên mới có đủ sức tinh tấn để thực hành lời Phật dạy. So với các chúng sinh khác, theo lời Phật, loài người có ba phương diện vượt trội[7]:
Thứ nhất, loài người là anh hùng, tức có ý chí và khát vọng tiến hóa, có nhân duyên thuận lợi để theo đuổi mục tiêu tiến bộ.
Thứ hai, loài người có an trú niệm, tức có năng lực tập trung quán sát các đối tượng, thấu suốt bản chất vô thường, khổ, vô ngã của các pháp.
Thứ ba, loài người có duyên tu Phạm hạnh, tức có đủ nhân duyên thuận lợi để thực hành Bát Thánh đạo hay con đường Giới-Định-Tuệ của chư Phật, có ý chí tu tập làm cho mình thanh tịnh, giải thoát, đạt đến Niết-bàn.
Nói cách khác, loài người có các căn tín, tấn, niệm, định, tuệ vận hành tương đối đủ mạnh và có nhân duyên được Phật pháp soi sáng và khích lệ hướng đến hoàn thiện các phẩm chất giác ngộ. Đây chính là cơ hội may mắn cho những ai được sinh ra làm người, tức có đủ nhân duyên thuận lợi để học hỏi và thực hành lời Phật dạy cho mục đích giải thoát luân hồi khổ đau. Đây cũng là lý do vì sao Đức Phật dạy khó thay được làm người, khó thay nghe diệu pháp nhằm nhắc nhở mọi người phải biết vận dụng tối đa cơ duyên thuận lợi được làm người của mình để tu tập thăng tiến tuệ giác giải thoát. Vì nếu không thì cơ may làm người cũng không khác gì số phận kém may mắn của các chúng sinh mê muội khác.
Trong bản kinh Không phải thời thuộc Tăng chi bộ, Đức Phật nói cho chúng ta có tám trường hợp không may cho các chúng sinh không được nghe Chánh pháp, trong số đó có bốn trường hợp được sinh ra làm người nhưng không may mắn vì không có nhân duyên được nghe Chánh pháp. Chỉ duy nhất trường hợp thứ chín được xem là may mắn vì được sinh ra làm người và được nghe Chánh pháp của Như Lai. Điều này gián tiếp cho thấy được sinh ra làm người vốn rất khó khăn nhưng làm người mà có nhân duyên được nghe diệu pháp lại càng khó hơn.
Nguyên văn lời Phật dạy:
“Làm việc đúng thời là thế giới, làm việc đúng thời là thế giới “, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu nói như vậy, nhưng vị ấy không biết đúng thời và phi thời. Này các Tỷ-kheo, có tám phi thời, phi thời tiết cho đời sống Phạm hạnh. Thế nào là tám?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Như Lai xuất hiện ở đời, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Và pháp được giảng đưa đến an tịnh, đưa đến tịch tịnh, đưa đến giác ngộ, được bậc Thiện Thệ tuyên bố. Và người này lại bị sanh vào địa ngục. Này các Tỷ-kheo, đây là phi thời, phi thời tiết thứ nhất cho đời sống Phạm hạnh.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Như Lai xuất hiện ở đời, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác... Phật, Thế Tôn và pháp được giảng đưa đến an tịnh, đưa đến tịch tịnh, đưa đến giác ngộ, được bậc Thiện Thệ tuyên bố. Và người này lại bị sanh vào loại bàng sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là phi thời, phi thời tiết thứ hai cho đời sống Phạm hạnh.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Như Lai xuất hiện ở đời, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác... Phật, Thế Tôn và pháp được giảng đưa đến an tịnh, đưa đến tịch tịnh, đưa đến giác ngộ, được bậc Thiện Thệ tuyên bố. Và người này lại bị sanh vào cõi ngạ quỷ... Này các Tỷ-kheo, đây là phi thời, phi thời tiết thứ ba cho đời sống Phạm hạnh.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Như Lai xuất hiện ở đời, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác... Phật, Thế Tôn và pháp được giảng đưa đến an tịnh, đưa đến tịch tịnh, đưa đến giác ngộ, được bậc Thiện Thệ tuyên bố. Và người này lại bị sanh vào giữa chư Thiên có thọ mạng lâu dài... Này các Tỷ-kheo, đây là phi thời, phi thời tiết thứ tư cho đời sống Phạm hạnh.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Như Lai xuất hiện ở đời, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác... Phật, Thế Tôn và pháp được giảng đưa đến an tịnh, đưa đến tịch tịnh, đưa đến giác ngộ, được bậc Thiện Thệ tuyên bố. Và người này lại bị sanh vào các biên địa, giữa những kẻ vô trí mọi rợ, tại đây, không có hướng đi cho các Tỷ-kheo, cho các Tỷ-kheo-ni, cho nam cư sĩ, nữ cư sĩ... Này các Tỷ-kheo, đây là phi thời, phi thời tiết thứ năm cho đời sống Phạm hạnh.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Như Lai xuất hiện ở đời, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác... Phật, Thế Tôn và pháp được giảng đưa đến an tịnh, đưa đến tịch tịnh, đưa đến giác ngộ, được bậc Thiện Thệ tuyên bố. Và người này lại bị sanh vào chánh địa, nhưng lại có tà kiến, có tri kiến đảo ngược: ‘Không có bố thí, không có lễ hy sinh, không có tế tự, không có quả dị thục, các nghiệp thiện ác, không có đời này, không có đời khác, không có mẹ, không có cha, không có hóa sanh, ở đời không có những Sa-môn, những Bà-la-môn chánh hướng chánh hạnh, đã tự mình chứng tri giác ngộ ở đời này, đời khác và truyền dạy lại’. Này các Tỷ-kheo, đây là phi thời, phi thời tiết thứ sáu cho đời sống Phạm hạnh.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Như Lai xuất hiện ở đời, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác... Phật, Thế Tôn và pháp được giảng đưa đến an tịnh, đưa đến tịch tịnh, đưa đến giác ngộ, được bậc Thiện Thệ tuyên bố. Và người này lại bị sanh vào chánh địa, nhưng người ấy lại ác tuệ, si mê, câm điếc, không có thể hiểu rõ ý nghĩa của một lời nói khéo, nói hay, nói dở. Này các Tỷ-kheo, đây là phi thời, phi thời tiết thứ bảy cho đời sống Phạm hạnh.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Như Lai không xuất hiện ở đời, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Và pháp được giảng đưa đến an tịnh, đưa đến tịch tịnh, đưa đến giác ngộ không được bậc Thiện Thệ tuyên bố. Và người này được sanh vào chánh địa, vị ấy có trí tuệ, không si mê, không câm điếc, có thể hiểu rõ ý nghĩa của một lời nói khéo, nói hay, nói dở. Này các Tỷ-kheo, đây là phi thời, phi thời tiết thứ tám cho đời sống Phạm hạnh.
Này các Tỷ-kheo, có tám phi thời, phi thời tiết này cho đời sống Phạm hạnh.
Này các Tỷ-kheo, chỉ có một chánh thời, một chánh thời tiết này cho đời sống Phạm hạnh. Thế nào là một?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thế Tôn xuất hiện ở đời, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Và pháp được giảng đưa đến an tịnh, đưa đến tịch tịnh, đưa đến giác ngộ, được bậc Thiện Thệ tuyên bố. Và người này được sanh vào chánh địa, vị ấy có trí tuệ, không si mê, không câm điếc, có thể hiểu rõ ý nghĩa của một lời nói khéo, nói hay, nói dở. Này các Tỷ- kheo, đây là chánh thời, chánh thời tiết độc nhất cho đời sống Phạm hạnh.
Ai được sanh làm người,
Khi diệu pháp được giảng,
Lại không nắm được thời,
Họ vượt qua khỏi thời.
Nhiều phi thời được nói,
Làm chướng ngại con người,
Chỉ năm khi mười họa,
Như Lai hiện ở đời.
Được giáp mặt với Ngài,
Rất khó được ở đời,
Được sanh ra làm người,
Và diệu pháp được giảng.
Vừa đủ để tinh tấn,
Với ai muốn lợi ích,
So biết rõ diệu pháp,
Lại để thời vượt qua!
Kẻ để thời gian qua,
Sầu muộn tại địa ngục,
Ở đây ai bỏ rơi,
Quyết định tánh diệu pháp,
Như kẻ buôn mất của,
Sẽ sầu não lâu ngày.
Người vô minh bao phủ,
Vi phạm đến diệu pháp,
Phải chịu đựng lâu ngày,
Lưu chuyển trong sanh tử.
Ai được sanh làm người,
Trong thời pháp khéo giảng,
Quá khứ, hiện, vị lai,
Làm theo lời Đạo sư,
Nắm được thời ở đời,
Cho vô thượng Phạm hạnh.
Ai đã bước con đường,
Do Như Lai thuyết giảng,
Những ai sống chế ngự,
Do bậc pháp nhãn dạy,
Như đã được thuyết giảng,
Bậc Bà con mặt trời,
Hãy sống thường chánh niệm,
Hộ trì không tham dục,
Chặt đứt mọi tùy miên,
Không chạy theo ma giới,
Các vị ấy ở đời,
Đến được bờ bên kia,
Và họ cũng đạt được,
Các lậu hoặc đoạn tận” [8].
Bậc Giác ngộ lưu nhắc mọi người về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc nhận ra con đường thoát ly khổ đau luân hồi do Như Lai tuyên bố. Con đường đã được chư Phật mở ra từ lâu nhưng không phải chúng sinh nào cũng biết đến. Có những chúng sinh không may bị sanh vào các cảnh giới bất hạnh như địa ngục, bàng sanh hay ngạ quỷ thì hoàn toàn không được nghe Chánh pháp, đã đành; ngay cả các cảnh giới chư Thiên có đời sống thoải mái cũng ít có cơ duyên biết đến con đường thoát ly khổ đau tái sanh. Vì sao? Vì các chúng sinh ấy chưa có nhân duyên tiếp xúc với Phật pháp, chưa sửa soạn đủ duyên để được nghe và hiểu ra lợi ích của lời Phật dạy. Chỉ có thế giới loài người là có nhân duyên tương đối thuận lợi để được nghe diệu pháp, nhưng như Đức Phật đã phân tích, cơ duyên may mắn ấy cũng chỉ đến với một số ít người.
Kinh Pháp cú xác nhận:
Ít người giữa nhân loại,
Đến được bờ bên kia (Niết-bàn),
Còn số người còn lại,
Xuôi ngược chạy bờ này (sinh tử)[9].
Không được nghe diệu pháp thì không đến được Niết-bàn, không có cơ may thoát ly khổ đau sinh tử luân hồi. Sinh ra ở đời mà không được nghe diệu pháp tức là một thiệt thòi lớn cho con người, vì diệu pháp là phương tiện duy nhất giúp cho loài người chuyển hóa số phận khổ đau, thoát ly sự trói buộc của vòng sinh tử luân hồi. Đánh mất cơ hội nghe diệu pháp thì cơ may làm người thành ra uổng phí.
Rõ là nhờ tri thức và ý chí, nhân loại đã trải qua các giai đoạn tiến hóa và phát triển đáng kể trong lịch sử, nhất là về phương diện xây dựng đời sống văn minh vật chất; tuy vậy, khả năng chuyển hóa khổ đau tâm thức không hề xảy ra, vì sự tiến bộ của loài người không đi đôi với sự chuyển hóa nội tâm. Chính vì thế mà mặc dù thừa hưởng một đời sống tiện nghi vật chất đầy đủ, nhân loại vẫn không thoát khỏi sầu, bi, khổ, ưu, não do tâm thức không được tu tập và chuyển hóa. Đức Phật gọi sự hiện hữu không có cơ may chuyển hóa tâm thức như vậy là vô ích, không phải thời, không may mắn, vì đó chỉ là sự trôi lăn sinh tử luân hồi, sự vận hành của nghiệp, không thức tỉnh, không làm sinh khởi đạo lộ giải thoát, không đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Chỉ có sự hiện hữu gắn liền với việc nhận biết con đường chuyển hóa tâm thức ra khỏi mê lầm khổ đau mới được xem là lợi ích, đúng thời và may mắn, vì nó đánh dấu bước ngoặt quan trọng của chúng sinh trong tiến trình phát khởi tâm thức hướng đến giác ngộ. Theo lời Phật, điều kiện căn bản để có được cơ hội chuyển hóa may mắn như vậy là con người cần phải biết nuôi dưỡng lòng tin đối với Tam bảo, phải biết gần gũi thân cận các bậc giác ngộ để có cơ duyên được nghe diệu pháp, học hỏi diệu pháp và thực hành diệu pháp. Tiếp cận theo cách như vậy thì con đường giác ngộ dần dần được mở ra, soi sáng niềm tin và hướng đi giải thoát cho con người.
Nói cách khác, không được nghe diệu pháp thì con người không thấy ra con đường thoát ly khổ đau sinh tử luân hồi, sẽ thực thi lối sống nghe theo tập quán mê lầm tự mời gọi khổ đau[10], gọi là phi Thánh cầu (Anariyapariyesàna), nghĩa là tự mình bị sanh lại tìm cầu cái bị sanh; tự mình bị già lại tìm cầu cái bị già; tự mình bị bệnh lại tìm cầu cái bị bệnh; tự mình bị chết lại tìm cầu cái bị chết; tự mình bị sầu lại tìm cầu cái bị sầu; tự mình bị ô nhiễm lại tìm cầu cái bị ô nhiễm[11].
Trái lại, có nghe diệu pháp thì cơ duyên giải thoát khổ đau sinh tử luân hồi được mở ra, con người sẽ hiểu rõ thế nào là khổ, do đâu mà có khổ, thế nào là sự diệt khổ và giải pháp nào để chấm dứt khổ đau, sẽ biết cách thực thi nếp sống sáng suốt đi ra khỏi khổ đau[12], gọi là Thánh cầu (Ariyapaeiyesàna), tức tự mình bị sanh, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị sanh, tìm cầu cái không sanh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị già, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị già, tìm cầu cái không già, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết- bàn; tự mình bị bệnh, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị bệnh, tìm cầu cái không bệnh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị chết, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị chết, tìm cầu cái không chết, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị sầu, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị sầu, tìm cầu cái không sầu, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị ô nhiễm, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị ô nhiễm, tìm cầu cái không bị ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn[13].
Nhìn chung, được sinh ra làm người là cơ hội may mắn và thuận lợi để cho con người chuyển hóa số phận khổ đau trầm luân. Nhân loại đã tích lũy được nhiều hiểu biết và kinh nghiệm hữu ích liên quan đến lịch sử tiến hóa của loài người, nhờ đó đã cải thiện được nhiều khía cạnh khó khăn của cuộc sống và tiến lên xây dựng các xã hội văn minh thịnh vượng. Nỗ lực của con người về phương diện này là đáng trân trọng, nhưng điều đó vẫn chưa đủ để cho nhân thế chuyển hóa số phận khổ đau. Nhân loại vẫn cần đến một nguồn lực chuyển hóa khác mới có thể đối đầu với những thách thức phát sinh và tồn tại ngay trong đời sống của con người. Đó là sự chuyển hóa tâm thức thông qua nếp sống Bát Thánh đạo do Đức Phật chứng ngộ và giảng dạy, một sự chuyển hóa tự nội, nhắm thẳng vào sự thật khổ đau của con người nhằm giải quyết tận gốc rễ vấn đề khổ đau nhân sinh, tức các sự kiện sanh, già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não gắn liền với sự hiện hữu của con người trong cuộc đời và cách thức vượt qua chúng.
Đức Phật đến với thế giới loài người với sứ mạng cao cả nói lên sự khổ và sự diệt khổ để thức tỉnh mọi người về lẽ sống sáng suốt đi ra khỏi khổ đau. Lẽ sống giác ngộ của chư Phật không dành riêng cho hạng chúng sinh nào nhưng nó thích hợp phát triển trong điều kiện môi trường của thế giới loài người. Tất cả chư Phật đều chứng nhập Thánh trí trong thế giới loài người và dùng cảnh giới loài người làm tâm điểm cho sự nghiệp thuyết pháp độ sinh. Đó là vận may lớn cho thế giới loài người, các cảnh giới chúng sinh khác không có duyên may được Phật pháp soi sáng giống như thế giới loài người. Do đó, dù mang thân phận thế nào, được sinh ra làm người là cơ hội may mắn cho con người để chuyển hóa số phận khổ đau.
Phải biết vận dụng tốt nhất cơ hội ngàn năm có một này để thoát ly khổ đau sinh tử luân hồi, hoặc chí ít nhận ra có một con đường khiến cho mình không còn chịu khổ đau sanh, già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não ở phía trước, xứng đáng cho mình tiếp xúc học hỏi và tiến bước.
Kinh Pháp cú nói rằng: “Ai sống một trăm năm, không thấy pháp bất tử, tốt hơn sống một ngày, thấy được pháp bất tử”[14]. Thấy pháp bất tử tức là thấy ra con đường thoát ly khổ đau sinh tử luân hồi, khởi lòng tin và thanh thản bước đi trên đó, dầu chỉ một ngày thôi vẫn lợi ích hơn cả một kiếp người bôn ba.
Chú thích:
1. Kinh Pháp cú, kệ số 182.
2&3&4. Kinh Một pháp, Tăng chi bộ.
5. Kinh Hiền Ngu, Trung bộ.
6. Kinh Phạm Thiên cầu thỉnh, Trung bộ.
7. Kinh Trong ba phương diện, Tăng chi bộ.
8. Kinh Không phải thời, Tăng chi bộ.
9. Kinh Pháp cú, kệ số 85.
10&12. Đại kinh Đoạn tận ái, Trung bộ.
11&13. Kinh Thánh cầu, Trung bộ.
14. Kinh Pháp cú, kệ số 114.
Theo Văn hoá Phật giáo số 330 ngày 01-10-2019