Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Thấy khổ để buông khổ

Trong một cuộc đàm luận với biện thuyết gia danh tiếng Niganthaputta Saccaka thuộc phái Kỳ-na giáo, sau khi thuyết minh cho Saccaka thấy rõ năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) là vô thường, khổ, vô ngã, Đức Phật nêu một câu hỏi để đi đến kết luận rằng người nào ái luyến khổ, chấp trước khổ, tham đắm khổ, quán khổ và nói...
Mục lục


Trong một cuộc đàm luận với biện thuyết gia danh tiếng Niganthaputta Saccaka thuộc phái Kỳ-na giáo, sau khi thuyết minh cho Saccaka thấy rõ năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) là vô thường, khổ, vô ngã, Đức Phật nêu một câu hỏi để đi đến kết luận rằng người nào ái luyến khổ, chấp trước khổ, tham đắm khổ, quán khổ và nói: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi” thì người ấy không có thể liễu tri cái khổ của tự mình và không có thể sống trừ diệt đau khổ. Nói cách khác, Phật dạy năm uẩn (thân thể, cảm giác, nhận biết, ý chí, tri thức) là biến hoại, khổ đau, không phải của mình mà cứ mê lầm rơi vào ái luyến chúng, ôm ấp chúng, cho rằng chúng là của mình thì không thoát khỏi khổ đau.

Nguyên văn mẩu đối thoại:

- Này Aggivessana, Ông nghĩ thế nào? Sắc là thường hay vô thường?
- Vô thường, Tôn giả Gotama.

- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
- Là khổ, Tôn giả Gotama.
- Cái gì vô thường, khổ, biến hoại; có hợp lý chăng khi  chánh quán cái ấy là: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”?
- Thưa không, Tôn giả Gotama.

- Này Aggivessana, Ông nghĩ thế nào? Thọ... Tưởng... Các hành... Này Aggivessana, Ông nghĩ thế nào? Thức là thường hay vô thường?
- Vô thường, Tôn giả Gotama.
- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
- Là khổ, Tôn giả Gotama.
- Cái gì vô thường, khổ, biến hoại; có hợp lý chăng khi
chánh quán cái ấy là: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”?
- Thưa không, Tôn giả Gotama.
- Này Aggivessana, Ông nghĩ thế nào? Ai ái luyến khổ, 
chấp trước khổ, tham đắm khổ, quán khổ và nói: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”. Người ấy có thể liễu tri cái khổ của tự mình hay có thể sống trừ diệt khổ không?
- Làm sao có thể được, Tôn giả Gotama? Không thể như vậy, Tôn giả Gotama[1].

Mẩu đối thoại gợi lối đi giải thoát khổ đau cho con người và cho cuộc đời. Đó là thiếu hiểu biết đúng đắn (có tà kiến) về bản thân mình (năm uẩn) thì rơi vào khổ đau; trái lại, có hiểu biết đúng đắn (có chánh kiến) về bản thân mình (năm uẩn) thì giải thoát khổ đau.

Trước hết, thiếu hiểu biết đúng đắn về bản thân mình tức là không nhận thức được bản thân mình do năm yếu tố sắc, thọ, tưởng, hành, thức nhóm họp lại mà thành; năm yếu tố ấy thường xuyên thay đổi và biến hoại nên chúng là khổ và chúng tạo ra khổ đau; năm yếu tố ấy chịu sự thay đổi, biến hoại, gây ra khổ đau mà mình không làm chủ được, không can thiệp được nên gọi là vô ngã. Đây gọi là thiếu hiểu biết đúng đắn về bản thân mình, tức không hiểu rõ năm uẩn do nhân duyên sinh, là pháp vô thường, biến hoại, khổ đau, vô ngã. Chính sự thiếu hiểu biết này là nguyên nhân dẫn đến khổ đau. Tôn giả Sàriputta giảng giải cho gia chủ Nakulapità:

“Ở đây, này gia chủ, có kẻ vô văn phàm phu không thấy rõ các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không thấy rõ các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân, quán sắc như là tự ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong sắc. Vị ấy bị ám ảnh: “Sắc là ta, sắc là của ta”. Do bị ám ảnh: “Sắc là ta, sắc là của ta!” khi sắc biến hoại, đổi khác; nên do sắc biến hoại, đổi khác, vị ấy khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não.

Vị ấy quán thọ như là tự ngã, hay tự ngã như là có thọ, hay thọ ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thọ. Vị ấy bị ám ảnh: “Thọ là ta, thọ là của ta”. Do bị ám ảnh: “Thọ là ta, thọ là của ta” khi thọ biến hoại, đổi khác; nên do thọ biến hoại, đổi khác, vị ấy khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não.

Vị ấy quán tưởng như là tự ngã, hay tự ngã như là có tưởng, hay tưởng ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong tưởng. Vị ấy bị ám ảnh: “Tưởng là ta, tưởng là của ta”. Do bị ám ảnh: “Tưởng là ta, tưởng là của ta” khi tưởng biến hoại, đổi khác; nên do tưởng biến hoại, đổi khác, vị ấy khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não.

Vị ấy quán các hành như là tự ngã hay tự ngã như là có các hành, hay các hành ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong các hành. Vị ấy bị ám ảnh: “Các hành là ta, các hành là của ta”. Do bị ám ảnh: “Các hành là ta, các hành là của ta” khi các hành biến hoại, đổi khác; nên do các hành biến hoại, đổi khác, vị ấy khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não.

Vị ấy quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức. Vị ấy bị ám ảnh: “Thức là ta, thức là của ta”. Do bị ám ảnh: “Thức là ta, thức là của ta” khi thức biến hoại, đổi khác; nên do thức biến hoại, đổi khác, vị ấy khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não”[2].

Như vậy, sắc, thọ, tưởng, hành, thức là pháp chịu sự thay đổi, biến hoại, khổ đau, không phải của mình mà cho rằng chúng của mình thì không tránh khỏi phiền não khổ đau. Khổ bởi thái độ mê lầm rơi vào ái luyến, ôm ấp, nhận làm của mình những thứ chịu sự biến hoại khổ đau. Đây gọi là không thấy khổ thì không thoát khổ.

Trái lại, có hiểu biết đúng đắn về bản thân mình thì thoát khổ, nghĩa là nhận ra ngũ uẩn là pháp duyên sinh, chịu sự thay đổi, biến hoại, khổ đau, không phải của mình, nên không ái luyến, không chấp trước, không cho rằng chúng là của mình. Tôn giả Sàriputta tiếp tục cắt nghĩa:

“Ở đây, này gia chủ, vị Đa văn Thánh đệ tử hiểu rõ các bậc Thánh, thuần thục pháp các bậc Thánh, tu tập pháp các bậc Thánh, hiểu rõ các bậc Chân nhân, thuần thục pháp các bậc Chân nhân, tu tập pháp các bậc Chân nhân, không quán sắc như là tự ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong sắc. Vị ấy khôngbịámảnh:“Sắc là ta, sắc là của ta”. Do vị ấy không bị ám ảnh: “Sắc là ta, sắc là của ta” khi sắc biến hoại, đổi khác; nên không do sắc biến hoại, đổi khác mà khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não.

Vị ấy không quán thọ như là tự ngã, hay tự ngã như là có thọ, hay thọ ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thọ. Vị ấy không bị ám ảnh:“Thọ là ta, thọ là của ta”. Do vị ấy không bị ám ảnh: “Thọ là ta, thọ là của ta” khi thọ biến hoại, đổi khác; nên không do thọ biến hoại, đổi khác mà khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não.

Vị ấy không quán tưởng như là tự ngã, hay tự ngã như là có tưởng, hay tưởng ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong tưởng. Vị ấy không bị ám ảnh: “Tưởng là ta, tưởng là của ta”. Do vị ấy không bị ám ảnh: “Tưởng là ta, tưởng là của ta” khi tưởng biến hoại, đổi khác; nên không do tưởng biến hoại, đổi khác mà khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não.

Không quán các hành như là tự ngã, hay tự ngã như là có hành, hay các hành ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong các hành. Vị ấy không bị ám ảnh: “Các hành là ta, các hành là của ta”. Do vị ấy không bị ám ảnh: “Các hành là ta, các hành là của ta” khi các hành biến hoại, đổi khác; nên không do các hành biến hoại, đổi khác mà khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não.

Không quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức. Vị ấy không bị ám ảnh: “Thức là ta, thức là của ta”. Do vị ấy không bị ám ảnh: “Thức là ta, thức là của ta” khi thức biến hoại, đổi khác; nên không do thức biến hoại, đổi khác mà khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não”[3].

Nhìn chung, nhận thức cho thật đúng về năm uẩn và có thái độ đúng đắn đối với năm uẩn tức là có khả năng thoát ly khổ đau. Đây gọi là thấy khổ thì thoát khổ. Thấy khổ nghĩa là thấy rõ năm uẩn là chỗ tích tập và hiện hành của mọi phiền toái khổ đau (sanh, già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não) gọi là khổ uẩn (dukkhakkhandha), nhưng năm uẩn do nhân duyên mà có mặt, là vô thường, biến hoại, trống không, không thực thể, không tồn tại mãi. Khổ có mặt do duyên năm uẩn, nhưng năm uẩn là vô thường, vô ngã, không phải của mình; vậy nên khổ cũng vô thường, vô ngã, không phải của mình. Đó là cái nhìn đúng đắn về khổ theo đó con người có thể thoát ly khổ đau, sống đối diện với khổ mà không khổ, không rơi vào sầu, bi, khổ, ưu, não, gọi là sống với thân bệnh nhưng tâm không bệnh[4].

Về cách thức tu tập buông bỏ khổ đau, Đức Phật khuyên nhắc mọi người thường xuyên quán sát (Thiền quán) về năm uẩn, tập thấy rõ sắc, thọ, tưởng, hành, thức là trống không, rỗng không, không có thực thể, không tồn tại mãi. Bậc giác ngộ gợi cách quán thực tại vô ngã của năm uẩn:

“Ví như, này các Tỷ-kheo, sông Hằng này chảy mang theo đống bọt nước lớn. Có người có mắt nhìn đống bọt nước ấy, chuyên chú, như lý quán sát. Do nhìn chuyên chú, như lý quán sát nó, đống bọt nước ấy hiện rõ ra là trống không, hiện rõ ra là rỗng không, hiện rõ ra là không có lõi cứng. Làm sao, này các Tỷ-kheo, lại có lõi cứng trong đống bọt nước được?

Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm có sắc gì thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần; vị Tỷ-kheo thấy sắc, chuyên chú, như lý quán sát sắc. Do vị Tỷ-kheo nhìn chuyên chú, như lý quán sát sắc, sắc ấy hiện rõ ra là trống không, hiện rõ ra là rỗng không, hiện rõ ra là không có lõi cứng. Làm sao, này các Tỷ-kheo, lại có lõi cứng trong sắc được?

Ví như, này các Tỷ-kheo, trong mùa thu, khi trời mưa những giọt mưa lớn, trên mặt nước, các bong bóng nước hiện ra rồi tan biến. Một người có mắt nhìn chuyên chú, như lý quán sát nó, bong bóng nước ấy hiện rõ ra là trống không, hiện rõ ra là rỗng không, hiện rõ ra là không có lõi cứng. Làm sao, này các Tỷ-kheo, lại có lõi cứng trong bong bóng nước được?

Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm có thọ gì thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần; Tỷ-kheo nhìn chuyên chú, như lý quán sát thọ ấy. Do Tỷ-kheo nhìn chuyên chú, như lý quán sát nó, thọ ấy hiện rõ ra là trống không, hiện rõ ra là rỗng không, hiện rõ ra là không có lõi cứng. Làm sao, này các Tỷ-kheo, lại có lõi cứng trong thọ được?

Ví như, này các Tỷ-kheo, trong tháng cuối mùa hạ, vào đúng giữa trưa đứng bóng, một ráng mặt trời rung động hiện lên. Một người có mắt nhìn chuyên chú, như lý quán sát nó. Do người ấy nhìn chuyên chú, như lý quán sát, nên ráng mặt trời ấy hiện rõ ra là trống không, rỗng không, không có lõi cứng... Làm sao, này các Tỷ-kheo, lại có lõi cứng trong ráng mặt trời được?

Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm có tưởng gì thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần; Tỷ-kheo nhìn chuyên chú, như lý quán sát tưởng ấy. Do Tỷ-kheo nhìn chuyên chú, như lý quán sát nó, tưởng ấy hiện rõ ra là trống không, hiện rõ ra là rỗng không, hiện rõ ra là không có lõi cứng. Làm sao, này các Tỷ-kheo, lại có lõi cứng trong tưởng được?

Ví như, này các Tỷ-kheo, một người cần có lõi cây, tìm cầu lõi cây, đi tìm lõi cây, cầm cái búa sắc bén đi vào ngôi rừng. Ở đây, người ấy thấy một cụm cây chuối lớn, mọc thẳng, mới lớn, cao vút. Người ấy chặt rễ cây ấy. Sau khi chặt rễ, người ấy chặt ngọn. Sau khi chặt ngọn, người ấy lột vỏ chuối ngoài. Khi lột vỏ chuối ngoài, giác cây còn tìm không được, tìm đâu cho có được lõi cây? Một người có mắt nhìn chuyên chú, như lý quán sát cụm chuối ấy. Khi người ấy nhìn chuyên chú, như lý quán sát cụm chuối ấy, cụm chuối ấy hiện rõ ra là trống không, hiện rõ ra là trống rỗng, hiện rõ ra là không có lõi cây. Làm sao, này các Tỷ-kheo, lại có lõi cây trong cụm chuối được?

Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm các hành gì thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần; Tỷ-kheo nhìn chuyên chú, như lý quán sát hành ấy. Khi người ấy nhìn chuyên chú, như lý quán sát, hành ấy hiện rõ ra là trống không, hiện rõ ra là trống rỗng, hiện rõ ra là không có lõi cứng. Làm sao, này các Tỷ-kheo, lại có lõi cứng trong các hành được?

Ví như, này các Tỷ-kheo, một ảo thuật sư hay đệ tử một ảo thuật sư, tại ngã tư đường bày trò ảo thuật. Một người có mắt nhìn chuyên chú, như lý quán sát trò ảo thuật ấy. Do người ấy nhìn chuyên chú, như lý quán sát, ảo thuật ấy hiện rõ ra là trống không, hiện rõ ra là trống rỗng, hiện rõ ra là không có lõi cứng. Làm sao, này các Tỷ-kheo, lại có lõi cứng trong ảo thuật được?

Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm thức gì thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại... hoặc xa hay gần; Tỷ-kheo nhìn chuyên chú, như lý quán sát, thức ấy hiện rõ ra là trống không, hiện rõ ra là trống rỗng, hiện rõ ra là không có lõi cứng. Làm sao, này các Tỷ-kheo, lại có lõi cứng trong thức được?

Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Đa văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với sắc, nhàm chán đối với thọ, nhàm chán đối với tưởng, nhàm chán đối với các hành, nhàm chán đối với thức. Do nhàm chán, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên: “Ta đã giải thoát... không còn trở lui trạng thái này nữa”. Vị ấy biết rõ như vậy.

Thế Tôn thuyết như vậy. Bậc Thiện Thệ sau khi nói như vậy, bậc Đạo Sư lại nói thêm:

Sắc ví với đống bọt,
Thọ ví bong bóng nước,
Tưởng ví ráng mặt trời,
Hành ví với cây chuối,
Thức ví với ảo thuật,
Đấng bà con mặt trời,
Đã thuyết giảng như vậy.
Nếu như vậy chuyên chú,
Như lý chơn quán sát,
Như lý nhìn (các pháp),
Hiện rõ tánh trống không.
Bắt đầu với thân này,
Bậc Đại Tuệ thuyết giảng,
Đoạn tận cả ba pháp,
Thấy sắc bị quăng bỏ.
Thân bị quăng, vô tri,
Không thọ, sức nóng, thức,
Bị quăng đi, nó nằm,
Làm đồ ăn kẻ khác.
Cái thân liên tục này,
Ảo sư, kẻ ngu nói,
Được gọi kẻ sát nhân,
Không tìm thấy lõi cây.
Hãy quán uẩn như vậy,
Vị Tỷ-kheo tinh cần,
Suốt cả đêm lẫn ngày,
Tỉnh giác, chánh tư niệm.

Hãy bỏ mọi kiết sử,
Làm chỗ mình nương tựa,
Sống như lửa cháy đầu,
Cầu chứng cảnh bất động
[5].

Năm uẩn là chỗ tích tập và hiện hành của mọi khổ đau gọi là khổ uẩn (dukkhakkhandha) mà biết rõ sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn là trống không, rỗng không, không thực thể, không tồn tại thì khổ cũng trống không, rỗng không, không thực thể, không tồn tại. Đây gọi là thấy khổ thì hết khổ, hay thấy khổ thì biết cách buông bỏ khổ. Vì lẽ một khi thấy rõ sắc, thọ, tưởng, hành, thức là trống không, rỗng không, không thực thể rồi thì sanh tâm nhàm chán, ly tham, không còn muốn ôm ấp chấp trước năm uẩn, không còn xem năm uẩn là của mình. Năm uẩn không phải của mình thì khổ do duyên năm uẩn khởi lên cũng không phải của mình. Đạo Phật gọi cái thấy buông rơi khổ đau như vậy là Chánh trí ngay trong hiện tại (ditthadhamme annà), là giải thoát trong ràng buộc, tự tại giữa khổ đau; tức là thực chứng tâm giải thoát, tuệ giải thoát, thấy rõ có sự kiện khổ đau do có năm uẩn hiện hành nhưng không có người khổ đau, vì năm uẩn là vô thường, vô ngã.

Trong một văn cảnh khác, bậc Giác ngộ khuyên các học trò mình buông rơi khổ theo cách như vầy:

“Này các Tỷ-kheo, cái gì không phải của các Ông, các Ông hãy từ bỏ. Các Ông từ bỏ, sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc lâu dài cho các Ông. Chư Tỷ-kheo, cái gì không phải của các Ông? Chư Tỷ-kheo, sắc không phải của các Ông, hãy từ bỏ sắc. Các Ông từ bỏ sắc sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc lâu dài cho các Ông. Chư Tỷ-kheo, thọ không phải của các Ông, hãy từ bỏ thọ. Các Ông từ bỏ thọ sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc lâu dài cho các Ông. Chư Tỷ-kheo, tưởng không phải của các Ông, hãy từ bỏ tưởng. Các Ông từ bỏ tưởng sẽ đem lại hạnh phúc, an lạc lâu dài cho các Ông. Chư Tỷ-kheo, các hành không phải của các Ông, hãy từ bỏ các hành. Các Ông từ bỏ các hành sẽ đem lại hạnh phúc, an lạc lâu dài cho các Ông. Chư Tỷ-kheo, thức không phải của các Ông, hãy từ bỏ thức. Các Ông từ bỏ thức sẽ đem lại hạnh phúc, an lạc lâu dài cho các Ông”[6].

Năm uẩn chịu sự biến hoại khổ đau mà thích thú ôm ấp chúng, cho rằng chúng là của mình tức là tự mời gọi khổ đau. Trái lại, buông bỏ ý niệm “tôi” và “của tôi” đối với sắc, thọ, tưởng, hành, thức thì khổ đau trên cuộc đời chỉ là giọt nước lá sen.


Chú thích:

1. Đại kinh Saccaka, Trung bộ.
2. Kinh Nakulapità, Tương ưng bộ.
3. Kinh Nakulapità, Tương ưng bộ.
4. Kinh Nakulapità, Tương ưng bộ.
5. Kinh Bọt nước, Tương ưng bộ.
6. Kinh Xà dụ, Trung bộ.


Theo Văn hoá Phật giáo số 308 ngày 01-11-2018

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm