Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Người xuyên tạc Như Lai

Do vô tình hay cố ý mà người ta xuyên tạc lời Phật dạy, kinh điển, lặp lại lời Phật, Tổ hay trình bày giáo pháp sai lệch, không đúng sự thật. Trong trường hợp cố ý, người ta sẽ diễn giải kinh pháp theo chiều hướng phục vụ mục đích riêng của mình. Xuyên tạc lời Phật dạy, xuyên tạc giáo pháp cũng chính là xuyên tạc Đức Phật.
Mục lục
Xuyên tạc lời Phật dạy, xuyên tạc giáo pháp cũng chính là xuyên tạc Đức Phật
Kinh Tăng chi bộ (tập 1, chương Hai pháp, phẩm Người ngu), Đức Phật có nói đến hai hạng người xuyên tạc Như Lai: “Này các Tỷ-kheo, có hai hạng người này xuyên tạc Như Lai. Thế nào là hai? Người độc ác với tâm đầy sân hận, và người có lòng tin với tà kiến. Này các Tỷ-kheo, có hai hạng người này xuyên tạc Như Lai”. Đức Phật cho biết hạng người thứ nhất là người độc ác với tâm đầy sân hận. Hạng người thứ hai là người có lòng tin với tà kiến, tức là người có niềm tin mê lầm (không có chánh kiến, xây dựng niềm tin trên cơ sở tà kiến, nhận thức hiểu biết sai lầm, lệch lạc).
 
Hạng người độc ác với tâm đầy sân hận là những ai? Là người đại diện cho cái xấu, cái ác, không có niềm tin và nếp sống hướng thiện, không tin nhân quả, kiêu mạn, hiếu chiến, oán ghét người đạo đức, người tu hành. Đó là ác ma và quyến thuộc, bè đảng của ác ma. Ngoài ra còn có một số thành phần ngoại đạo và các thế lực đen tối luôn sống trong sân hận, thù hằn, ganh ghét, đố kỵ, nghi ngờ, họ luôn có thành kiến, ác cảm với đạo Phật, với người tu học Phật và luôn tìm mọi cách chống phá.
 
Hạng người này xuyên tạc Đức Phật và giáo pháp của Ngài như thế nào? Để ngăn chặn cái thiện phát triển, chống phá người tu hành và những thành quả của họ, hạng người này tìm cách dẫn dụ những người có niềm tin chưa vững chắc, thiếu hiểu biết Chánh pháp, đầu độc họ bằng niềm tin lệch lạc, mê lầm (tà kiến), bằng hành vi và lối sống buông thả, phóng túng, trái với giới luật và giáo pháp của Đức Phật. Chúng có thể giả làm người xuất gia, cư sĩ hoặc người đang tìm hiểu đạo để tiếp cận môi trường Phật giáo, trình bày sai lạc Chánh pháp, giới luật, khiến Phật tử tu học không đúng Chánh pháp, sống đời sống vượt ra ngoài nền nếp đạo đức. Họ xuyên tạc sự thật, phỉ báng Tăng Ni, khiến cho những người Phật tử thuần thành bỏ đạo, mất niềm tin thanh tịnh, nội bộ Phật giáo chia rẽ, mất hòa hợp. Hoặc chúng lôi kéo, dẫn dắt người Phật tử theo con đường mê tín dị đoan, tà kiến ngoại đạo.
 
Để phá hoại Phật pháp, ác ma và quyến thuộc của ác ma có thể xúi giục người tu hành phạm trai phá giới, gian dối, rượu bia, tà dâm; không ngồi thiền, niệm Phật, tụng kinh; lười biếng, giải đãi trong tu học, cho rằng như thế vẫn có thể giác ngộ, chứng thánh quả, như thế là giải thoát, tự tại, vô trụ chấp. Những ai không sống đúng Chánh pháp, thiếu hiểu biết, thiếu niềm tin chơn chánh, thiếu sự hành trì thì dễ rơi vào bẫy rập của ác ma.
 
Tinh vi hơn là ác ma đánh lừa người tu hành, khiến người tu hành có những lý do ngụy biện cho những việc làm chạy theo danh tiếng, lợi dưỡng, uy quyền, thế lực, địa vị… Những thứ này có sức hấp dẫn, lôi cuốn rất lớn, nếu thiếu chánh niệm, thiếu định lực và tuệ giác, không có công phu tu hành thì người tu dễ mất tự chủ, dễ bị chúng dẫn dắt.
 
Còn hạng người thứ hai xuyên tạc Đức Phật và giáo pháp của Ngài là người có lòng tin tà kiến. Họ là những ai? Đó là những người mê tín (không có chánh kiến), cuồng tín, những người có niềm tin cực đoan và những người kiêu mạn. Họ tin vào nhận thức hiểu biết sai lầm, lệch lạc, tiêu cực, không phù hợp chân lý, không có giá trị lợi ích cho bản thân và người khác, thậm chí gây ra nhiều tác hại từ nhận thức và niềm tin mê lầm đó. Đa phần hạng người này là ngoại đạo, còn gọi là tà kiến ngoại đạo.
 
Còn trường hợp khác là, do hiểu sai lời Phật dạy, hiểu không đúng giáo pháp hoặc hiểu không đến nơi đến chốn, thấy biết một bên, không đầy đủ, không chính xác mà người ta nói, trình bày không đúng về Đức Phật và giáo pháp. Đây là hạng người xuyên tạc Đức Phật một cách không cố ý (vô tình). Hạng người này rất nhiều, không chỉ những người mới tìm hiểu đạo Phật, mà có cả người xuất gia, cư sĩ Phật tử và các học giả. Phật pháp mênh mông như biển, lại cần trải qua quá trình tu học, tự thể nghiệm, thực chứng mới có thể thông suốt, quán triệt; mà học tới đâu thì biết tới đó, lãnh hội được gì, thể nghiệm như thế nào thì chỉ biết như thế ấy thôi, vì thế việc hiểu sai, hiểu mơ hồ, nhận thức không đầy đủ là lẽ thường. Có khi nói là ý kinh, ý Phật nhưng thật ra là ý của người nói, người viết do hiểu không đúng kinh điển; dùng những từ ngữ Phật học nhưng nội dung trình bày, diễn giải không đúng khái niệm, không hợp ý kinh. Trường hợp này rất nhiều, như chỉ giáo lý Nhân quả-Nghiệp báo thôi, dù cơ bản và có vẻ dễ hiểu nhưng không phải ai cũng có hiểu biết đúng và đầy đủ. Hoặc dễ hiểu lầm nhất là giáo lý Không, Vô ngã. Đây là giáo lý cao siêu và nòng cốt của đạo Phật, nhưng đòi hỏi sự thấy biết về Vô ngã là thấy biết bằng tuệ giác thông qua sự tu tập và thể nghiệm, thực chứng chứ không phải bằng tư duy suy luận. Ngay ở bước đầu tiếp cận tìm hiểu thôi, đã có không ít người hiểu sai về Vô ngã dù chỉ trên ý nghĩa ngôn từ, khái niệm. Và càng khó khăn hơn để trực nhận, thực chứng lý Vô ngã thông qua sự tu hành. Nó đòi hỏi thời gian, công sức và phương pháp tu tập đúng đắn.
 
Trên tinh thần cầu thị, cùng nghiên cứu, trao đổi học tập lẫn nhau, thay vì nói: “Theo tôi thì (vấn đề gì đó)… là như vậy, như vậy…”, “Theo tôi nghĩ, theo tôi hiểu thì vấn đề đó là….”, người đó lại bảo là: “Đức Phật dạy rằng…”, “Đức Phật có nói:…..”, “Đức Phật đã nói như vậy”. Thay vì tôn trọng niềm tin, pháp học, pháp hành của người khác thì có người lại chủ quan, cực đoan, chỉ cho niềm tin, pháp học, pháp hành của mình là đúng, là duy nhất, tối thượng. Với kiến chấp, họ cho rằng những pháp học, pháp hành khác với họ là sai, là tà kiến, là không đúng Chánh pháp. Trong khi đó, thực tế thì giáo pháp chỉ là phương tiện (là chiếc thuyền đưa người qua sông mê, đến bờ giác ngộ, là ngón tay chỉ mặt trăng), đó không phải là chân lý cứu cánh. Nhân duyên, căn cơ trình độ mỗi người mỗi khác, vì thế con đường tiếp cận đạo, cách thức tu học, hành đạo của mỗi người cũng không giống nhau. Vì thế mà các bậc tiền nhân đi trước đã đúc kết kinh nghiệm: Chỉ có thể hóa độ người hữu duyên, và phải khế lý, khế cơ, khế thời, khế xứ. Không có một bài thuốc chung cho tất cả người bệnh. Dù cùng một bệnh, nhưng thể chất, tâm lý, cơ địa, lối sống và tiền sử bệnh khác nhau thì nhất định phải có cách chữa trị khác nhau.
 
Đức Phật nói rõ như thế nào là xuyên tạc Ngài: “Này các Tỷ-kheo, có hai hạng người này xuyên tạc Như Lai. Thế nào là hai? Người nêu rõ Như Lai có nói, có thuyết là Như Lai không nói, không thuyết, và người nêu rõ Như Lai không nói, không thuyết là Như Lai có nói, có thuyết. Này các Tỷ-kheo, có hai hạng người này xuyên tạc Như Lai” (sđd).
 
Ở đây Đức Phật cho biết: Những điều Ngài không nói, không thuyết mà cho là Ngài có nói, có thuyết. Những điều Ngài có nói, có thuyết mà cho là Ngài không nói, không thuyết, như thế là xuyên tạc Ngài.
 
Chúng ta thấy, vì mục đích riêng, vì ý đồ xấu mà người ta xuyên tạc Đức Phật như những gì Ngài nói: Chuyện có thì nói không, chuyện không thì nói có, trình bày sai về giáo pháp, sửa đổi, thêm bớt kinh điển.
 
Kinh điển Phật giáo quá nhiều, cả một kho tàng đồ sộ. Ai đã đọc qua tất cả? Ai đã hiểu hết lời Phật dạy trong các kinh? Có lẽ hiếm ai làm được việc này. Chưa kể là trải qua mấy ngàn năm lưu truyền, nhiều lần trùng tụng khẩu truyền, kết tập, ghi chép, không ai dám đảm bảo từng câu, từng lời đều xuất phát từ kim khẩu Đức Thế Tôn. Đến khi phiên dịch ra từng ngôn ngữ để truyền bá thì có thể không còn đảm bảo độ chính xác do giới hạn của ngôn từ và trình độ người làm công tác phiên dịch. Trong khi đọc, hiểu rồi dùng từ ngữ để dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, diễn đạt ý kinh, có thể có sai lầm, khiếm khuyết. Thêm hoặc bớt một đoạn, một câu, một từ có thể dẫn đến sai ý kinh nguyên bản.
 
Tuy nhiên không phải vì thế mà chúng ta không học được kinh Phật. Bất luận kinh, luật, luận đó thuộc tạng kinh nào, ngôn ngữ nào, là hệ kinh Nguyên thủy hay hệ kinh Phát triển, hễ nội dung xoay quanh các nền tảng căn bản Vô thường, Khổ, Vô ngã, Tứ Thánh đế, Duyên khởi, Nhân quả-Nghiệp báo, Luân hồi-Tái sinh, Từ bi, Trí tuệ, v.v…, thì nó không đi ra ngoài hệ thống giáo lý của đạo Phật. Theo tôi, dù hình thức có sai biệt nhưng vẫn đảm bảo nội dung, chất lượng bên trong thì an toàn sử dụng. Chúng ta chỉ sợ sự tha hóa, biến chất thôi. Hễ hình thức, phương pháp tu tập nào đưa đến thành tựu Giới-Định-Tuệ thì đó là pháp hành chơn chánh, là đạo lộ đúng đưa đến an lạc, giác ngộ, giải thoát. Trái lại, nêu ra những quan điểm ngược với giáo lý Vô thường, Khổ, Vô ngã, Duyên sinh, Nhân quả-Nghiệp báo,… và nội dung tu tập không đưa đến thành tựu Giới-Định-Tuệ thì đó không phải là Phật pháp. Nếu cho rằng đó là Phật pháp, như thế là xuyên tạc Đức Phật.

Minh Hạnh Đức (Báo Giác Ngộ số 1016)
Theo GIÁC NGỘ online

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm