Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Thấy biết như thật

Vì chỉ khi trí tuệ được chứng đắc, chánh quán được thành tựu, sự thấy biết như thật được phát huy, nghĩa là sự thật vô thường, khổ, vô ngã của hết thảy sự vật và hiện tượng được phô bày, thì con người mới sinh tâm nhàm chán (đối với khổ đau của tự thân và của thế giới do tự thân nhận thức), mới dứt bỏ lòng tham, mới thoát ly hoàn toàn khổ đau sinh tử luân hồi.
Mục lục


Thấy biết như thật (jànam passam yathàbhùtam) hay như thật tuệ tri (yathàbhùtam pajànàti) là thuật ngữ Phật học dùng để nói về sự thấy biết của một người hành sâu lời Phật dạy, cảm nghiệm sâu sắc về bản chất duyên sinh, vô thường, khổ, vô ngã của các pháp (con người và thế giới chung quanh), có khả năng nhiếp phục các phiền não khổ đau nhờ chuyển hóa và phát triển nội tâm thông qua sự thực hành giáo pháp Giới-Định-Tuệ của Đức Phật. Đạo Phật xem vô minh (avijjà) hay si mê (moha) là gốc rễ của mọi phiền toái khổ đau (dukkha) và nhấn mạnh sự phát triển trí tuệ (nàna/pannà), có công năng xua tan si mê, đưa đến chấm dứt khổ đau. Để thực hiện điều đó, đạo Phật đề xuất việc nắm bắt và thực hành Bát Thánh đạo hay con đường Giới-Định-Tuệ, tức một nếp sống phát huy đầy đủ các phẩm chất đạo đức, tâm thức và trí tuệ tự nội đưa đến đoạn tận các lậu hoặc, chấm dứt khổ đau sanh tử luân hồi.

Thông thường, sự thấy biết hay nhận thức của một người có ảnh hưởng quyết định rất lớn đối với đời sống của người ấy. Đạo Phật đề cao trí tuệ (Duy tuệ thị nghiệp), nói đến các cấp độ hiểu biết hay nhận thức khác nhau tùy thuộc vào lối sống và kinh nghiệm riêng biệt của mỗi người[1].

Chẳng hạn, một người không có cơ duyên học tập và thực hành lời Phật dạy thì chỉ có sự hiểu biết hay nhận thức thông thường gọi là tưởng tri (sanjànàti) và thức tri (vijànàti).

Tưởng tri (Sanjànàti) tức là sự nhận biết về sự vật hay hiện tượng theo thói quen, mang tính bản năng, phát sinh do duyên sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) tiếp xúc với sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp); sự nhớ lại, hồi ức, tưởng tượng, không phân biệt đúng sai, thiện ác, tốt xấu; sự hiểu biết mang tính tập quán, đi đôi với tham ái, gắn liền với ý niệm “tôi” và “của tôi”, nuôi lớn tham-sân-si, dẫn đến phiền não khổ đau.

Thức tri (Vijànàti) nghĩa là sự nhận thức sự vật hay hiện tượng theo kinh nghiệm thường nhật, thuộc tư duy nhị nguyên, phát sinh do duyên sáu căn tiếp xúc với sáu trần, vận hành theo tập quán phân biệt cơ bản do tham ái và chấp thủ dẫn dắt; sự hiểu biết đi đôi với kinh nghiệm thế gian hay tri thức thế tục, bị giới hạn ở dục giới, không vượt khỏi trần thế, không thấy rõ khổ đau sinh tử, không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.

Ngoài những hiểu biết hay tri thức thông thường thuộc phạm vi thế gian gọi là tưởng tri hay thức tri, đạo Phật nói đến các cấp cấp độ hiểu biết khác thuộc Tăng thượng tâm (Adhicitta), Tăng thượng trí tuệ (Adhipannà), đạt được do công phu tu tập, chuyển hóa nội tâm, thông qua sự thực hành Bát Thánh đạo hay tu tập con đường Giới-Định-Tuệ. Đó là thắng tri (abhijànàti), tuệ tri (pajànàti) và liễu tri (parijànàti).

Thắng tri (Abhijànàti) là sự hiểu biết trực tiếp của tâm thức thông qua Thiền định; sự thấy biết của công phu nội quán, của tâm định tĩnh trong sáng, không có bóng dáng các tập quán tham-sân-si, không tưởng tượng, không suy luận, thấy sự vật và hiện tượng đúng như thật, nghĩa là mọi sự vật và hiện tượng là hiện thân của khổ đau vì chúng do duyên sinh, là vô thường, vô ngã. Đây là sự thấy biết của tâm giác ngộ, siêu việt nhận thức thế gian, có khả năng chuyển hóa tập quán tham ái và chấp thủ, hướng đến diệt trừ tham-sân-si, đoạn tận các lậu hoặc, chấm dứt khổ đau.

Tuệ tri (Pajànàti) nghĩa là sự hiểu biết sáng suốt, đúng như thật về các sự vật hay hiện tượng theo quy luật duyên sinh, vô thường, khổ, vô ngã, đạt được nhờ công phu hành sâu Thiền định, phát triển trí tuệ, có công năng dứt trừ tập quán tham ái và chấp thủ, tức tham-sân-si, gốc rễ của khổ đau, đưa đến tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Tuệ tri chính là cái thấy biết tiếp theo của thắng tri, tức sự diễn tiến lớn mạnh của trí tuệ nhờ hành sâu Thiền quán (vipassanà), sự chứng nghiệm sâu sắc bản chất vô thường, khổ, vô ngã của hết thảy hiện tượng, có công năng làm thay đổi hoàn toàn khuynh hướng tâm thức từ mê lầm sang giác ngộ, gọi là “hướng đến nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn”.

Liễu tri (Parijànàti) tức là sự hiểu biết rốt ráo của một người đã hành trì đầy đủ Bát Thánh đạo hay con đường Giới-Định-Tuệ, đã chứng ngộ tứ Thánh đế, đã đạt đến Chánh trí và Chánh giải thoát. Nói cách khác, đó là tuệ giác của một người đã đoạn tận các lậu hoặc, đã hoàn tất 10 Thánh đạo[2], đã đắc quả A-la-hán, đã dứt trừ khổ đau, không còn tái sanh hay sanh tử luân hồi.

Cắt nghĩa và so sánh về tưởng tri, thức tri và tuệ tri, Buddhaghosa nói rằng mặc dù trạng thái biết cũng có mặt trong tưởng, trong thức, và trong tuệ, song tưởng chỉ là sự nhận biết một đối tượng, như xanh hay vàng, nó không đem lại sự thấu hiểu sâu xa bản chất của đối tượng ấy là vô thường, khổ, vô ngã. Thức biết được đối tượng là xanh hay vàng, và cũng phát sinh sự thấu hiểu bản chất, nhưng không phát sinh do tinh cần, sự xuất hiện đạo lộ siêu thế. Tuệ vừa biết đối tượng theo cách đã nói, vừa phát sinh sự thấu hiểu sâu xa, vừa đem lại sự thể hiện đạo lộ siêu thế do tinh cần tinh tấn.

Giả sử có ba người, một đứa trẻ không biết gì, một người nhà quê, và một người đổi tiền, cùng thấy một đồng tiền kim loại nằm trên quầy của người đổi tiền... Tưởng tri là giống như đứa trẻ không biết gì khi trông thấy đồng tiền, vì nó chỉ thấy cái tướng của đối tượng như màu xanh... Thức tri là như người nhà quê trông thấy đồng tiền biết được nó màu gì, và còn đi xa hơn, thấu hiểu những đặc tính của nó. Còn tuệ tri là như người đổi tiền thấy đồng tiền biết được màu sắc v.v., mà còn đi xa hơn, đạt đến sự thể hiện đạo lộ giải thoát[3].

Như vậy, có hai loại thấy biết được nói đến trong đạo Phật tương ứng với hai lối sống khác nhau giữa những người chưa có cơ duyên học tập giáo pháp giác ngộ của Phật, còn thích thú, mê say, tìm cầu các mục tiêu trần thế và những người nhận ra sự kiện khổ đau của hiện hữu, chuyên tâm hành trì lời Phật dạy với mục đích đọan tận các lậu hoặc, chấm dứt khổ đau sinh tử luân hồi. Loại thứ nhất gồm các tri thức hữu hạn, gọi là tưởng tri và thức tri, thuộc thế gian, hữu lậu, chỉ có thể giúp con người nhận biết và thay đổi sự sống trong phạm vi nhân thế, trong các cảnh giới sinh tử luân hồi, không có khả năng đưa đến chấm dứt khổ đau. Loại thứ hai gồm các tri kiến siêu thế, gọi là thắng tri và tuệ tri, thuộc Thánh đạo, vô lậu, có khả năng giúp con người phát huy đầy đủ các tiềm lực giác ngộ để ra khỏi khổ đau.

Theo cách nói của Đức Phật thì loại thứ nhất là sự thấy biết không như thật, đưa đến tham ái, đưa đến khổ đau sinh tử luân hồi. Loại thứ hai là sự thấy biết như thật, có khả năng dứt trừ tham ái, đưa đến đoạn tận khổ đau sinh tử luân hồi.
 

Bậc Giác ngộ tuyên bố:

“Này các Tỳ-kheo, không biết, không thấy như chơn mắt, không biết không thấy như chơn các sắc, không biết không thấy như chơn nhãn thức, không biết không thấy như chơn nhãn xúc; do duyên nhãn xúc này khởi lên lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ, không biết không thấy như chơn cảm thọ ấy, vị ấy ái trước đối với mắt, ái trước đối với các sắc, ái trước đối với nhãn thức, ái trước đối với nhãn xúc. Do duyên nhãn xúc này khởi lên lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ, vị ấy ái trước đối với cảm thọ ấy. Khi vị ấy trú, quán sát vị ngọt, bị ái trước, hệ lụy và tham đắm, nên năm thủ uẩn đi đến tích trữ trong tương lai. Và ái của vị ấy đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm sự hoan lạc chỗ này, chỗ kia; ái ấy được tăng trưởng; những thân ưu não tăng trưởng; những tâm ưu não tăng trưởng; những thân nhiệt não tăng trưởng; những tâm nhiệt não tăng trưởng; những thân khổ não tăng trưởng; những tâm khổ não tăng trưởng. Vị ấy cảm thọ thân khổ và tâm khổ.

Này các Tỳ-kheo, không thấy và không biết như chơn tai; này các Tỳ-kheo, không thấy và không biết như chơn mũi; này các Tỳ-kheo, không thấy và không biết như chơn lưỡi; này các Tỳ-kheo, không thấy và không biết như chơn thân; này các Tỳ-kheo, không thấy và không biết như chơn ý; này các Tỳ-kheo, không thấy và không biết như chơn các pháp; này các Tỳ-kheo, không thấy và không biết như chơn ý thức; này các Tỳ-kheo, không thấy và không biết như chơn ý xúc. Do duyên ý xúc này khởi lên lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ; không thấy và không biết như chơn cảm thọ ấy, vị ấy ái trước đối với ý, ái trước đối với pháp, ái trước đối với ý thức, ái trước đối với ý xúc. Do duyên ý xúc này khởi lên lạc thọ, khổ thọ, hay bất khổ bất lạc thọ, vị ấy ái trước đối với cảm thọ ấy. Khi vị ấy trú, quán sát vị ngọt, bị ái trước, hệ lụy và tham đắm, nên năm thủ uẩn đi đến tích trữ trong tương lai. Và ái của vị ấy đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm sự hoan lạc chỗ này, chỗ kia; ái ấy được tăng trưởng; những thân ưu não tăng trưởng; những tâm ưu não tăng trưởng; những thân nhiệt não tăng trưởng; những tâm nhiệt não tăng trưởng; những thân khổ não tăng trưởng; những tâm khổ não tăng trưởng. Vị ấy cảm thọ thân khổ và tâm khổ.

Này các Tỳ-kheo, thấy và biết như chơn mắt, thấy và biết như chơn các sắc, thấy và biết như chơn nhãn thức, thấy và biết như chơn nhãn xúc. Do duyên nhãn xúc này khởi lên lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ, thấy và biết như chơn cảm thọ ấy; vị ấy không ái trước đối với con mắt, không ái trước đối với các sắc, không ái trước đối với nhãn thức, không ái trước đối với nhãn xúc. Do duyên nhãn xúc này khởi lên lạc thọ, khổ thọ, hay bất khổ bất lạc thọ; vị ấy không ái trước đối với cảm thọ ấy. Khi vị ấy trú, quán sát vị ngọt, không bị ái trước, hệ lụy và tham đắm, nên năm thủ uẩn đi đến tàn diệt trong tương lai. Và ái của vị ấy, đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm sự hoan lạc chỗ này chỗ kia; ái ấy được đoạn tận; những thân ưu não của vị ấy được đoạn tận; những tâm ưu não được đoạn tận; những thân nhiệt não được đoạn tận; những tâm nhiệt não được đoạn tận; những thân khổ não được đoạn tận; những tâm khổ não được đoạn tận. Vị ấy cảm thọ thân lạc và tâm lạc.

Này các Tỳ-kheo, thấy và biết như chơn tai; này các Tỳ- kheo, thấy và biết như chơn mũi; này các Tỳ-kheo, thấy và biết như chơn lưỡi; này các Tỳ-kheo, thấy và biết như chơn thân; này các Tỳ-kheo, thấy và biết như chơn ý; này các Tỳ-kheo, thấy và biết như chơn các pháp; này các Tỳ- kheo, thấy và biết như chơn ý thức; này các Tỳ-kheo, thấy và biết như chơn ý xúc. Do duyên ý xúc này khởi lên lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ; thấy và biết như chơn cảm thọ ấy, vị ấy không ái trước đối với ý, không ái trước đối với các pháp, không ái trước đối với ý thức, không ái trước đối với ý xúc. Do duyên ý xúc này khởi lên lạc thọ, khổ thọ, hay bất khổ bất lạc thọ; vị ấy không ái trước đối với cảm thọ ấy. Khi vị ấy trú, quán sát vị ngọt, không bị ái trước, hệ lụy và tham đắm, nên năm thủ uẩn đi đến tàn diệt trong tương lai. Và ái của vị ấy, đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm sự hoan lạc chỗ này chỗ kia; ái ấy được đoạn tận; những thân ưu não của vị ấy được đoạn tận; những tâm ưu não được đoạn tận; những thân nhiệt não được đoạn tận; những tâm nhiệt não được đoạn tận; những thân khổ não được đoạn tận; những tâm khổ não được đoạn tận. Vị ấy cảm thọ thân lạc và tâm lạc”[4].

Nhìn chung, có hai khuynh hướng hiểu biết hay nhận thức khác nhau đưa đến hai lối sống khác nhau được nói đến trong kinh Phật. Một là khuynh hướng hiểu biết không chân thật, đưa đến phiền não khổ đau, tiếp tục trôi lăn trong sinh tử luân hồi, gọi là không thấy biết như chân, khiến những thân ưu não, những tâm ưu não tăng trưởng; những thân nhiệt não, những tâm nhiệt não tăng trưởng; những thân khổ não, những tâm khổ não tăng trưởng. Khuynh hướng thứ hai là hiểu biết chân thật, đưa đến an lạc, thoát ly khổ đau, chấm dứt sinh tử luân hồi, gọi là thấy biết như thật, khiến những thân ưu não, những tâm ưu não được đoạn tận; những thân nhiệt não, những tâm nhiệt não được đoạn tận; những thân khổ não, những tâm khổ não được đoạn tận.

Khuynh hướng thứ nhất là sự hiểu biết hay nhận thức không như thật về con người (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) và thế giới do con người nhận thức (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp), dẫn đến khổ đau; nghĩa là không thấy rõ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp cùng với các pháp khác sinh khởi do duyên sáu căn tiếp xúc với sáu trần cảnh là vô thường, khổ đau và vô ngã, nên ái sinh khởi, thủ sinh khởi, hữu sinh khởi, sanh sinh khởi, già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não sinh khởi. Như vậy, do không thấy biết như thật bản chất duyên sinh, vô thường, khổ, vô ngã của các pháp nên con người rơi vào ái luyến đối với tự thân (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) và hết thảy những gì tự thân nhận thức được, cảm nhận được, sở hữu được; do sống với tâm ái luyến mê đắm đối với những thứ vô thường, khổ đau như vậy nên ngay trong hiện tại con người không thoát khỏi khổ đau, đồng thời tiếp tục nuôi lớn các nhân tố tạo nên tái sanh khổ đau gọi là năm thủ uẩn đi đến tích trữ trong tương lai. Đây chính là hệ quả của lối sống thiếu trí tuệ, đưa đến trói buộc khổ đau, do không thấy biết như thật về tự thân và thế giới do tự thân nhận thức.

Khác với khuynh hướng tri thức thứ nhất, khuynh hướng thứ hai là sự thấy biết như thật về con người (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) và thế giới do con người nhận thức (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp), tức là thấy rõ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp cùng với các pháp khác sinh khởi do duyên sáu căn tiếp xúc với sáu trần cảnh là vô thường, khổ đau và vô ngã, nên ái không sinh khởi, thủ không sinh khởi, hữu không sinh khởi, sanh không sinh khởi, già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não không sinh khởi. Nói khác đi, nhờ có học tập và hành trì giáo pháp Giới-Định-Tuệ của Phật, cụ thể là hành sâu Thiền định, nên con người có sự chuyển hóa nội tâm, đạt được sự hiểu biết tăng thượng gọi là thắng tri và tuệ tri, thấu rõ tính chất biến hoại bất an của tự thân và thế giới, nên không còn ham thích, ái luyến tự thân và những gì tự thân cảm nhận. Không ái luyến nên không có khổ đau, không có tái sanh diễn ra trong tương lai gọi là năm thủ uẩn đi đến tàn diệt. Đây là lối đi của giải thoát, lối đi của trí tuệ, hướng đến đoạn tận các kiết sử, chấm dứt khổ đau sinh tử luân hồi.

Đáng chú ý rằng để có được sự thấy biết như thật đưa đến loại bỏ tham ái, chấm dứt khổ đau luân hồi thì ngoài tưởng tri và thức tri, con người cần trang bị thêm cho mình những hiểu biết khác siêu việt tri thức nhân thế. Đó là thắng tri và tuệ tri, phát sinh do kinh nghiệm tu tập, chuyển hóa nội tâm, cụ thể là thực hành Bát Thánh đạo hay Giới-Định-Tuệ, có công năng chuyển hóa nhận thức, làm thay đổi tập quán tham ái và chấp thủ, tức những cảm thức mê lầm giam hãm chúng sinh trong vòng luân hồi khổ đau. Nói cách khác, chỉ tri thức nhân loại không thôi thì không đủ giúp cho con người thoát ly khổ đau; muốn rời xa khổ đau, con người cần phải học cách nuôi lớn trí tuệ; vì chỉ có trí tuệ mới có khả năng chặt đứt tham-sân-si, mới có đủ sức mạnh làm thay đổi và dứt trừ tập quán tham ái và chấp thủ, mới giải thoát con người khỏi mọi mê lầm khổ đau.
 

Trong đạo Phật, trí tuệ được định nghĩa khác với tri thức thế gian; tri thức chỉ là hệ quả của tưởng tri và thức tri, vận hành theo hướng phân biệt, chấp thủ, nhưng trí tuệ có nghĩa là thắng tri (abhinnattha), có nghĩa là liễu tri (parinnattha), có nghĩa là đoạn tận (pahanattha) (tham- sân-si hay tập quán tham ái và chấp thủ)[5]. Trí tuệ có công năng đoạn tận tham-sân-si hay tập quán tham ái và chấp thủ, đưa đến chấm dứt khổ đau, vì trí tuệ là kết quả của lối sống tu tập và chuyển hóa tự nội, là đỉnh cao của nếp sống phát triển đạo đức và chuyển hóa tâm thức thông qua Thiền định. Kinh Pháp Cú nhấn mạnh:

Không trí tuệ, không thiền,
Không thiền, không trí tuệ;
Người có thiền có tuệ,
Nhất định gần Niết-bàn
[6].

Tiếp theo là lời khuyên của bậc Giác ngộ về cách thức phát triển trí tuệ hay phương pháp chứng đạt sự thấy biết như thật:

“Này các Tỳ-kheo, hãy tu tập Thiền định. Này các Tỳ- kheo, Tỳ-kheo được Thiền định, hiểu rõ như thật.

Và hiểu rõ như thật cái gì?

Như thật hiểu rõ mắt là vô thường, như thật hiểu rõ các sắc là vô thường, như thật hiểu rõ nhãn thức là vô thường, như thật hiểu rõ nhãn xúc là vô thường. Phàm duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; như thật hiểu rõ cảm thọ ấy là vô thường.

Như thật hiểu rõ tai là vô thường, như thật hiểu rõ các tiếng là vô thường, như thật hiểu rõ nhĩ thức là vô thường, như thật hiểu rõ nhĩ xúc là vô thường...

Như thật hiểu rõ mũi là vô thường, như thật hiểu rõ các hương là vô thường, như thật hiểu rõ tỷ thức là vô thường, như thật hiểu rõ tỷ xúc là vô thường...

Như thật hiểu rõ lưỡi là vô thường, như thật hiểu rõ các vị là vô thường, như thật hiểu rõ thiệt thức là vô thường, như thật hiểu rõ thiệt xúc là vô thường...

Như thật hiểu rõ thân là vô thường, như thật hiểu rõ các xúc là vô thường, như thật hiểu rõ thân thức là vô thường, như thật hiểu rõ thân xúc là vô thường...

Như thật hiểu rõ ý là vô thường, như thật hiểu rõ các pháp là vô thường, như thật hiểu rõ ý thức là vô thường, như thật hiểu rõ ý xúc là vô thường. Phàm duyên ý xúc, khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; như thật hiểu rõ cảm thọ ấy là vô thường.

Này các Tỳ-kheo, hãy tu tập Thiền định. Này các Tỳ-kheo, vị Tỳ-kheo được Thiền định, hiểu rõ như thật”[7].

Bậc Giác ngộ xác chứng Thiền định là phương tiện để đạt được sự thấy biết như thật, là pháp môn nuôi lớn trí tuệ, đưa đến đoạn tận tham-sân-si, chấm dứt khổ đau sinh tử luân hồi. Nói cách khác, đây là lối đi của Bát Thánh đạo hay Giới-Định-Tuệ, lối đi của thắng tri, tuệ tri và liễu tri, đưa đến chứng ngộ sự thật vô thường, khổ, vô ngã của hết thảy hiện hữu, có công năng dứt trừ tập quán tham ái và chấp thủ, hướng đến đoạn tận tham-sân-si, giải thoát khổ đau sinh tử luân hồi.

Một bận, Tỳ-kheo Ràdha bạch hỏi Đức Phật về mục đích của chánh quán (vipassanà), tức mục đích của sự thấy biết như thật về tính chất vô thường, khổ, vô ngã của các pháp nhờ hành sâu Thiền định và phát triển trí tuệ:

- Bạch Thế Tôn, chánh quán với mục đích gì?
- Chánh quán, này Ràdha, với mục đích nhàm chán.
- Bạch Thế Tôn, nhàm chán với mục đích gì?
- Nhàm chán, này Ràdha, với mục đích ly tham.
- Bạch Thế Tôn, ly tham với mục đích gì?
- Ly tham, này Ràdha, với mục đích được giải thoát.
- Bạch Thế Tôn, giải thoát với mục đích gì?
- Giải thoát, này Ràdha, với mục đích Niết-bàn
[8].

Lời Phật xác tín cho chúng ta rằng muốn thay đổi hoàn toàn tập quán tham ái và chấp thủ (đối với tự thân và thế giới chung quanh), muốn thoát ly tham-sân- si đưa đến chấm dứt khổ đau, thành tựu Niết-bàn thì cần phải nuôi dưỡng trí tuệ, phát triển chánh quán hay phát huy sự thấy biết như thật về bản chất duyên sinh, vô thường, khổ, vô ngã của các pháp. Vì chỉ khi trí tuệ được chứng đắc, chánh quán được thành tựu, sự thấy biết như thật được phát huy, nghĩa là sự thật vô thường, khổ, vô ngã của hết thảy sự vật và hiện tượng được phô bày, thì con người mới sinh tâm nhàm chán (đối với khổ đau của tự thân và của thế giới do tự thân nhận thức), mới dứt bỏ lòng tham, mới thoát ly hoàn toàn khổ đau sinh tử luân hồi.

 


Chú thích:

1. Kinh Thiện Tinh, Trung Bộ.
2. Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định, Chánh trí, Chánh giải thoát; xem Đại kinh Bốn mươi, Trung Bộ.

3. Thanh tịnh đạo, Thích nữ Trí Hải dịch, tr.156-158, Nxb Hồng Đức, 2014.
4. Đại kinh Sáu xứ, Trung Bộ.
5. Đại kinh Phương quảng, Trung Bộ.
6. Kinh Pháp Cú, kệ số 372.
7. Kinh Thiền định, Tương Ưng Bộ.
8. Kinh Màra, Tương Ưng Bộ.


Theo Văn hoá Phật giáo số 269 ngày 15-03-2017

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm