Nói đến tinh thần "Hòa quang đồng trần" tức là nói đến tinh thần nhập thế của đạo Phật, lấy ánh sáng của đức Phật để thắp sáng trần gian, “sống trong lòng thế tục, hòa ánh sáng của mình trong cuộc đời bụi bặm”, và biết cách biến sứ mệnh đạo Phật thành lý tưởng phụng sự cho đời, giải thoát khổ đau cho cá nhân và xã hội.
Thời đại nhà Trần và đặc biệt vua Trần Nhân Tông (1258-1308) đã làm được điều này thành công rực rỡ, mở ra trang sử huy hoàng cho dân tộc.
Thực hiện đạo đức Phật giáo vào nếp sống cá nhân và xã hội
Nhìn xuyên suốt đối với quá trình lịch sử phát triển của dân tộc, không ai có thể phủ nhận sự đóng góp to lớn của các thiền sư như Pháp Thuận, Khuông Việt, Vạn Hạnh, Mãn Giác và Không Lộ… trong sự nghiệp cố vấn chính trị cho các triều đại trước thời nhà Trần.
Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, năm 1055, trời đông giá rét, vua Lý Thánh Tông bảo các quan rằng: “Trẫm ở trong cung nào lò sưởi, ngự bào mà còn rét thế này, nghĩ đến người giam trong ngục, khổ sở gông cùm, chưa biết rõ ngay gian, mà ăn không no bụng, áo không kín mình, gió rét khổ thân, hoặc có kẻ chết không nơi nương tựa, trẫm rất thương xót. Vậy hạ lệnh cho hữu ty phát chăn chiếu và mỗi ngày cho ăn hai bữa cơm.” Năm 1065, vua lại truyền lệnh cho quan cai ngục rằng: “Ta yêu dân như con. Dân không biết mà phải tội hình pháp, ta rất thương. Từ nay về sau, tội nặng nhẹ nhất luật đều tha thứ.”
Đến vua Lý Nhân Tông đã ra lệnh không cho giết trâu vì sợ không có trâu cày. Thái hậu Ỷ Lan lấy của kho chuộc những người đàn bà con gái vì nghèo phải đem thân trả thuế nợ, không thể lấy chồng, sợ tình trạng có đất mà không có dân…
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư còn cung cấp rất nhiều tư liệu tương tự, chứng tỏ thời Lý là một triều đại hùng cường – bình Chiêm, phạt Tống – làm cho dân giàu, nước mạnh.
Trong sách Lý Thường Kiệt, giáo sư Hoàng Xuân Hãn viết: “Đời Lý có thể gọi là đời thuần từ nhất trong lịch sử nước ta. Đó chính là nhờ ảnh hưởng đạo Phật.” Đạo đức xã hội thời Lý đã như vậy, chắc chắn đời sống cá nhân và xã hội lúc bấy giờ đã trở thành nếp sốnglành mạnh, tạo được sức mạnh đoàn kết, tương thân tương ái, đùm bọc lẫn nhau để tồn tại và phát triển. Nghĩa là, thời Lý tạo nền tảng luân lý đạo đức xã hội vững chắc, làm cơ sở cho triều đại nhà Trần phát triển sau này.
Đến đời Trần, chúng ta vẫn còn thấy vấn đề an sinh xã hội rất ổn định, không có nhiều sự mâu thuẫn đối kháng trong tầng lớp nhân dân. Thậm chí cuộc cách mạng phế Lý lập Trần cũng diễn ra rất đằm thắm, hợp ý dân và không có sự tạo phản, nổi loạn hay bạo động(trường hợp tự phát của Nguyễn Nộn không thuận theo triều đình là rất hiếm), được kết quả như vậy chắc phải có sự ảnh hưởng của Phật giáo trong đời sống chính trị và dân sự lúc bấy giờ.
Hơn nữa, không phải Trần Thái Tông ưa làm vua mà bị buộc phải làm vua khi mới 8 tuổi, lại được dân chúng và tướng sĩ đồng tình ủng hộ. Bên cạnh ý chí tự học rất chuyên cần, thỉnh thoảng vua học đạo với các thiền sư như: Phù Vân, Ứng Thuận, Đại Đăng, nên cả thế học lẫn Phật học đều tinh thông, sau này có đủ tài đức lãnh đạo đất nước[2] một cách sáng suốt, nhân từ và rất hiệu quả.
Những sự kiện như vua Trần Thái Tôn 30 tuổi đã viết nhiều sách Phật giáo rất phổ biến: Thiền Tông Chỉ Nam; Lục Thời Sám Hối Khoa Nghi; Khoá Hư Lục; Chú giải kinh Kim Cương… 40 tuổi vua nhường ngôi cho con, làm vua 32 năm, Thái thượng hoàng 20 năm và tu học theo Phật ít nhất 40 năm.
Vua đã được nhân dân tôn kính như vị Bồ Tát sống, đã có công phát thảo kế hoạch biến núi Yên Tử thành thánh địa tâm linh Phật giáo đầu tiên, làm nền tảng cho trung tâm Phật giáo Trúc Lâm hình thành sau này.
Chắc chắn, vua đã thấy rõ vấn đề sinh hoạt Phật giáo là cần thiết cho nhân dân và xã hội, nếu không như vậy thì đạo Phật Đại Việt vẫn phải lệ thuộc tinh thần vào đạo Phật Trung Hoa. Trong khi đó Nguyên Mông vẫn còn là mối đe dọa xâm lấn nước ta bất cứ lúc nào. Do đó, Yên Tử phải là điểm tựa tinh thần và là trung tâm tín ngưỡng cho toàn dân hướng về.
Kế tiếp, vua Thánh Tông và Tuệ Trung Thượng sĩ là hai vị cư sĩ tu tại gia, kết bạn và chơi thân với nhau như huynh đệ và đều chứng ngộ giải thoát. Tuy tu hành nhưng không rời xa công việc thế tục, vua tu Phật để độ mình và cứu đời, một vị vua sáng suốt, vạch ra đường lối xã hội, chính trị, quân sự và ngoại giao vô cùng ôn hòa nhưng mạnh mẽ và có kết quả.
Còn Tuệ Trung Thượng sĩ mặc dù tu hành rất tinh tấn, giảng đạo khắp nơi, từng làm thầy vua Trần Nhân Tông, nhưng đã từng hai lần chống giặc ngoại xâm thành công và làm quan Tiết độ sứ tỉnh Thái Bình. Điều đáng nói là cả hai đã đóng góp vai trò Bồ Tát cư sĩcủa mình cho tiến trình tổ chức xã hội hoá Phật giáo bên cạnh Giáo hội Tăng lữ.
Đến triều đại Trần Nhân Tông, tinh thần "hòa quang đồng trần" của Phật giáo được phát huy một cách toàn diện, cũng có thể nói Phật giáo lúc bấy giờ đã trở thành quốc giáo. Điểm cần lưu ý, từ nhỏ đến 16 tuổi, vua Trần Nhân Tông đã học thông tam giáo và tinh tường giáo lý Phật đà, ngay cả thiên văn, lịch số, binh pháp, y thuật, âm luật, không thứ gì là không biết (Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ) và là học trò của Tuệ Trung Thượng sĩ.
Do đó, khi lên ngôi (1278) vua tiến hành một lúc hai việc: 1) Thống nhất các thiền phái Phật giáo, như Tỳ-ni-đa-lưu-chi, Lâm Tế, Vô ngôn Thông và Thảo Đường thành một phái thiền Trúc Lâm Yên Tử, người sáng lập không phải ai khác mà chính là vua Trần Nhân Tông.
Đây là việc làm vô cùng ý nghĩa, tạo được sức mạnh đoàn kết trong hàng ngũ đồng bào Tăng Ni Phật tử, gây dựng được ý thức đạo Phật Việt Nam trong lòng dân tộc. Nói rõ hơn, vua đã khéo léo vận dụng đạo Phật Ấn Độ và đạo Phật Trung Hoa thành đạo Phật Việt Nam. Dĩ nhiên, đạo Phật Việt Nam phải có tư tưởng độc lập phù hợp với văn hoá và truyền thống của người Việt Nam.
Kế thừa được nền tảng đạo đức Phật giáo trong xã hội thời Lý, vua Trần Nhân Tông thực hiện 10 điều thiện và Bồ Tát giới của Phật giáo trong mọi sinh hoạt xã hội, vận dụng tinh thần từ bi, cứu khổ, độ sinh của đạo Phật vào chiến lược chính trị, phát huy được sức mạnh đoàn kết và yêu nước của toàn dân, đánh tan chủ nghĩa xâm lược của Nguyên Mông, xây dựng đất nước Đại Việt độc lập, hùng cường và hưng thịnh.
Chính sách của vua Trần Nhân Tông khéo léo và tài tình ở chỗ thống nhất được các thiền phái Phật giáo thành một để đất nước Đại Việt của vua có được một đạo Phật đủ tiềm lựctôn giáo, phát triển nội lực cá nhân và tập thể, có thể làm lợi ích cho bản thân mình và đồng loại, trong đó có lợi nhiều mặt cho quốc gia và xã hội.
Ví dụ: đạo Phật khuyên con người từ bỏ tham, sân, si được chừng nào thì bớt khổ được chừng ấy, giảng dạy thuyết nhơn quả, nghiệp báo, luân hồi, tái sinh, tu sửa theo 10 thiện nghiệp, nêu cao lý tưởng Bồ-tát cứu khổ độ sanh… Sạch giới lòng, dồi giới tướng, nội ngoại nên Bồ-tát trang nghiêm; Ngay thờ vua, thảo thờ cha, thế mới thật trượng phu trung hiếu. (Cư Trần Lạc Đạo phú)”
Chưa nói thành Phật - Thánh, nhưng nếu có bất kỳ ai làm được những điều khuyên ấy, đều là người có ích cho mình và mọi người, nếu xã hội thực hiện những lời khuyên ấy thì xã hội ổn định và phát triển. Có lẽ nhờ vậy nên nhân dân ta đã đánh thắng quân Nguyên chăng…? Đây là vấn đề đạo đức và luân lý xã hội hết sức nhạy cảm trong xã hội ngày nay.
Dùng đạo Phật trong chính trị để phụng sự dân tộc
Chúng ta thường nghĩ: đạo Phật là đạo xa lánh cuộc đời, ẩn mình nơi sơn lâm cùng cốc, làm gì có can dự vào chính trị. Đó là sự nhầm lẫn đáng tiếc. Cần phải biết rằng, trước khi đức Phật đi tu Ngài cũng là một Thái tử tại vị 29 năm. Sau khi tu hành đắc đạo, Ngài quy ycho hai vị vua của hai nước lớn là Kô-sa-la và Ma-kiệt-đà và các vị vua của 14 nước chư hầu. Một hôm có hai nước đánh nhau vì tranh giành nước tưới ruộng từ dòng sông Rohini.
Khi trận chiến sắp xảy ra, quần chúng Phật tử kéo nhau đến cầu cứu đức Phật, xin Phật giải quyết. Đức Phật bảo dân trở về mời hai vị vua của hai nước tới đây. Hai vị vua tới, đức Phật khuyên họ: Bây giờ hai vua thấy nước sông Rohini quý hay máu của con ngườiquý ? Cả hai vua đều trả lời: máu của con người quý.
Phật dạy: thế thì bỏ cái quý để giành cái không quý là dại dột, điên đảo vô cùng. Do đó, hai bên phải biết chia nước cho thật đồng đều, hoặc mỗi bên ngăn sông một ngày thì cả hai bên đều có nước tưới mà dân không có ai phải chết.
Những lời khuyên như vậy quả là rất chính trị và trong kinh điển còn có nhiều lời tương tựnhư vậy. Chắc chắn vua Trần Nhân Tông đã học được rất nhiều ở trong giáo lý nhà Phật.
Hơn nữa, vào thế kỷ 13-14 nước ta phải đương đầu với sự đe doạ của quân xâm lược, không gì hơn vua Trần Nhân Tông phải củng cố lòng dân bằng niềm tin tôn giáo, vì tôn giáo là sản phẩm của tập thể, là kết tinh tinh thần của xã hội.
Nhưng Đại Việt lúc bấy giờ có 3 tôn giáo, cần phải chọn một. Khổng giáo hay Nho giáo bắt nguồn từ Trung Hoa, nếu vua chọn thì lại sợ ý thức hệ dân tộc sẽ dần dần mất gốc. Phật giáo tuy của Ấn Độ nhưng không chủ trương cố chấp, biến tinh thần vô ngã – vị tha thành hành động Bồ-tát, lấy lý tưởng từ bi để phụng sự cho con người. Một tôn giáo tốt như vậy không dùng không được.
Bên cạnh đó, dùng Phật giáo như để tuyên bố điểm tựa tinh thần cho nhân dân vào lúc này là việc làm rất chính trị. Vì công việc đối ngoại của triều đình đều thuận lợi. Đứng về mặt đối nội, đạo Phật rất phù hợp với truyền thống tín ngưỡng dân gian của mọi dân tộc (thiểu số) trên đất nước ta thời ấy.
Ai ai cũng tôn sùng và thờ tự tổ tiên ông bà, thần hoàng, tiền hiền, tiền bối hữu công .v.v… Đạo Phật không những không mâu thuẫn với dân tộc mà còn đồng hành cùng dân tộc giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp ấy.
Về mặt đối ngoại, đạo Phật giúp cho triều đình dễ dàng giao hảo với nhân dân phương bắc, quan hệ ngoại giao với triều đình nhà Nguyên, đồng thời cũng rất thuận lợi về mối quan hệ với Chiêm Thành và Ai Lao. Vua Trần Nhân Tông chọn đạo Phật là đã có lập trường chính trị, vừa đủ sức thuyết phục đối phương, vừa có cơ sở tin cậy của quần chúng nhân dân.
Điểm nổi bậc là vào thời Đinh, Lê và Lý thì vua rất cần các vị cao Tăng cố vấn các công việc triều chính, nhiều khi lập chùa ngay trong nội phủ để tiện cho Sư tăng lui tới giúp vua tu học, đàm đạo Phật pháp, bàn luận chính sự…
Nhưng đến đời Trần, các vị vua và tướng sĩ đều là những người Phật tử thuần thành, không những tinh thông về Phật học mà còn giỏi thế học; không những tu thân rèn đức để trở thành những bậc lãnh đạo tốt của nhân dân mà còn là những nhà chính trị và quân sự rất tài tình xuất chúng.
Như vua Trần Nhân Tông cũng lo phát huy Khổng giáo và Nho giáo, vẫn tiếp tục giáo dụcđào tạo theo hình thức Tam Giáo Đồng Nguyên, tổ chức thi cử tại Quốc Học Viện bằng chữ Hán, chữ Nôm, Nho học, Đạo học và Phật học, chọn được nhiều người tài đức ra giúp dân giúp nước.
Trong Kiến Văn Tiểu Lục, Lê Quý Đôn đã viết: “Bởi vì nhà Trần đãi kẻ sĩ một cách khoang dung, không hẹp hòi, hoà vị mà có lễ phép, cho nên nhân sĩ thời ấy ai cũng biết tự lập, anh hào tuấn vĩ vượt ra ngoài lưu tục, làm cho quang vinh cả sử sách, không thẹn với đất trời, há phải dễ đời sau sánh kịp.”
Đức Phật dạy: “Muốn bảo vệ chân lý, các ngươi chỉ được nói rằng: Đây là sự thật. Và không được nói: chỉ có đây là sự thật, ngoài ra đều là sai lầm (Trung Bộ kinh).”
Tinh thần này được các người con Phật áp dụng một cách triệt để, nhờ đó mà tính độlượng, khoang dung, không cố chấp trở thành nếp sống của Phật giáo Đại Việt, trong đó có vua Trần Nhân Tông.
Hơn nữa, cái nhìn về đạo Phật của vua Trần Nhân Tông rất rõ ràng: Bụt không nên cầu ở ngoài mà chính phải tìm ngay ở chính mình, nếu biết “tích nhân nghì, tu đạo đức, ai hay này chẳng Thích Ca.”, làm theo 10 nghiệp lành, ai bảo đó không là Bồ Tát, không phải là Phật Thích ca. Trong Cư Trần Lạc Đạo phú, vua viết:
"Mình ngồi thành thị, nết dụng sơn lâm, muôn nghiệp lặng an nhàn thể tính… Dứt trừ nhân ngã, thì ra tướng thật Kim cương; dứt hết tham sân, mới lảu lòng màu viên giác. Tịnh độ là lòng sạch, Chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương… ; Vậy mới hay! Bụt ở trong nhà; chẳng phải tìm xa. Nhân khấy bản (quên gốc) nên ta tìm Bụt, Đến cốc hay chỉn (chính) Bụt là ta…
Đối với vua Trần Nhân Tông, tịnh độ là lòng sạch não phiền, nghiệp chướng thì Tây phương Phật cảnh hiện tiền. Sống ngay nơi trần thế mà tìm ra cái vui của Bụt, tâm thể an nhàn, các nghiệp được thanh tịnh (muôn nghiệp lặng) ngay giữa cuộc đời rối ren này.
Đây cũng là tư tưởng chủ chốt để thống nhất Thiền - Tịnh - Mật thành một, lãnh đạo Phật giáo đi cùng với đồng bào Phật tử Việt Nam, trải qua nhiều biến cố thăng trầm của thời cuộc và vẫn tồn tại cho tới ngày nay.
Ngay cả lúc đang làm vua hoặc sau khi đi tu, vua vẫn thường tinh tấn tu tập nhưng không bao giờ xao lãng công việc triều chính, lo cho dân cho nước tới giờ phút cuối cùng.
Cụ thể nhất là vua đã đi khắp nơi để dẹp bỏ quan dâm, quan tham khiến dân đói rách, lầm than cực khổ, đem 10 điều thiện và giới Bồ Tát giảng bày cho dân chúng làm theo, gia đình và xã hội nhờ đó được yên, bằng chứng là vua Anh Tông, con của vua Trần Nhân Tông, được truyền ngôi nhưng chỉ có một hôm lỡ uống rượu quá chén vẫn bị vua trừng phạt.
Một vị vua đang tại vị, chỉ hơi quá chén một chút, ngủ qua đêm và ngày mai thì mọi chuyện bình thường, có gì tội lỗi đâu? Nhưng đối với vua Trần Nhân Tông thì không phải như vậy. Vua là cha của thiên hạ, cha say thì con cũng say, quan say thì dân cũng say, người lớn say thì con nít cũng say, cả nước mọi người đều say là tại vua quan say trước, do đó mất gia đình, mất dân tộc, và cuối cùng mất nước. Nếu điều này là chuyện nhỏ thì sách sử ghi lại để làm gì ?
Ngoài ý nghĩa giáo dục như một bài học chính trị quí giá, chúng ta thấy đạo đức Phật giáođã ngấm sâu vào lòng dân tộc, nếu bất cứ ai, dù là vua mà đi ngược lại đạo đức dân tộc, đều bị dân tộc lên án.
Càng rõ hơn nữa, nếu triều đình coi thường dân đen thì làm gì có chuyện Hội nghị Diên Hồng, nếu xem thường tuổi trẻ thì làn gì có chuyện Trần Quốc Toản bóp nát quả cam để xin vua can dự vào việc nước. Kết quả cuối cùng, đánh đuổi xâm lăng ra khỏi bờ cõi, xây dựng nước nhà hưng thịnh, nhân dân an lạc, vui hưởng thái bình. Ấy không phải là cảnh tịnh độ tại thế gian này hay sao…!
Đạo đức học dân tộc, thể chế chính trị và đạo Phật triều Trần là ba cạnh của một tam giác. Muốn nghiên cứu Lịch sử tư tưởng về tam giác này phải có một công trình nghiên cứukhoa học độc lập. Những trang sử tốt đẹp và vẻ vang của dân tộc cần phải được truyền dạy thấu đáo cho giới trẻ bởi tương lai của đất nước này nằm trong tay những người như thế!
Trần Nhân Tông (1258-1308) là vị Hoàng đế thứ 3 triều Trần. Năm 21 tuổi lên ngôi Hoàng đế, hai lầnlãnh đạo toàn dân đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông. Năm 35 tuổi, lên làm Thái Thượng Hoàng và năm 41 tuổi chính thức xuất gia tu hành tại chùa Hoa Hiên-Yên Tử (Quảng Ninh), lấy Đạo hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà, là người khai sinh ra thiền phái Trúc Lâm – Yên Tử.
Trần Nhân Tông đã để lại cho dân tộc Việt Nam nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể giá trị. Một trong những lý tưởng sống nổi tiếng của ông chính là tinh thần "hòa quang đồng trần” (sống trong lòngthế tục, hòa ánh sáng của mình trong cuộc đời bụi bặm).
Nhân kỉ niệm ngày mất của ông, (1/11/1308-1/11/2008) Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với BanTôn giáo Chính phủ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Lễ Tưởng niệm 700 năm ngày Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết-bàn, diễn ra từ ngày 25-27/11/2008 tại Quảng Ninh.
Tại lễ Tưởng niệm sẽ diễn ra Hội thảo chuyên đề về Trần Nhân Tông với sự tham dự của nhiều học giả, nhà nghiên cứu ở trong và ngoài nước.
Ghi chú:
[1]. Tuệ Trung Thượng Sĩ Hành Trạng.
[2]. Bài tựa Thiền Tông Chỉ Nam ghi lời của thiền sư Phù Vân dạy lúc vua bỏ triều chính đi tu: “Đã làm vua thì không còn có thể theo ý thích riêng mình được nữa. Phải lấy ý muốncủa dân làm ý muốn của mình, phải lấy lòng dân làm lòng của mình. Nay dân đã muốn vua về thì vua không về làm sao được?...”
Hoà thượng Thích Hải Ấn (Phó trưởng ban thường trực - Ban Văn hóa Giáo hội PGVN) Nguồn : phatgiao.org.vn