Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Bốn cấp độ thiền định

Bốn cấp độ thiền định hay tứ thiền là bốn bậc thiền mà hành giả có thể đạt được khi thực hành thiền. Khi thực hành thiền chỉ bằng cách ngồi kiết-già, lưng thẳng, để niệm trước mặt, an trú vào hơi thở bằng phương pháp sổ tức hoặc tùy tức... dần dần tâm hành giả trở nên an tịnh rồi đi vào các tầng thiền. Hành giả cũng có thể chọn một trong bốn mươi đề mục thiền để thực tập và cũng đạt đến các cấp độ thiền tương tự.
Mục lục

Bốn cấp độ thiền định hay tứ thiền là bốn bậc thiền mà hành giả có thể đạt được khi thực hành thiền. Khi thực hành thiền chỉ bằng cách ngồi kiết-già, lưng thẳng, để niệm trước mặt, an trú vào hơi thở bằng phương pháp sổ tức hoặc tùy tức... dần dần tâm hành giả trở nên an tịnh rồi đi vào các tầng thiền. Hành giả cũng có thể chọn một trong bốn mươi đề mục thiền để thực tập và cũng đạt đến các cấp độ thiền tương tự.

Phương pháp thiền tập này có từ khi thái tử Tất-đạt-đa ngồi dưới cây hồng táo nhập định trong buổi lễ hạ điền đã tuần tự đạt được các cấp độ thiền. Trên lộ trình giác ngộ giải thoát không thể không có tứ thiền. Đây là nền tảng căn bản đi đến đạo quả giác ngộ. Một vị thánh A-la-hán phải hoàn thiện tứ thiền. Trước khi chứng tam minh, lục thông và thành tựu đạo quả Vô thượng Bồ-đề, Đức Phật cũng phải ngang qua Tứ thiền. Điều này cho thấy tầm quan trọng của tứ thiền trên con đường giác ngộ, giải thoát. Kinh tạng Pali mô tả chi tiết về bốn cấp độ thiền định.

Sơ thiền

Sau khi chọn một trong bốn mươi đề mục thiền định như được trình bày chi tiết trong Thanh tịnh đạo luận, hành giả ngồi kiết-già, lưng thẳng, để niệm trước mặt với thân thư giãn, tâm buông xả. Vị ấy tinh tấn hướng tâm tiếp cận đối tượng, không quá cố gắng, cũng không lơ là, chỉ cần vừa đủ để tâm vượt qua trạng thái hôn trầm thụy miên, không còn lười biếng giải đãi thì có thể chú hướng vững vàng về phía đối tượng ấy, đó là trạng thái tầm. Khi đã không còn lười biếng bỏ rơi đối tượng, tâm bắt đầu tìm cách áp sát trên đối tượng, tâm hành giả đã lấy lại được thăng bằng, không nghi hoặc, không phân vân do dự nữa, đó là trạng thái tứ.

Nhờ tâm thăng bằng, không nghi hoặc đã cảm giác được sự vui thích, hứng thú trên đối tượng, không còn bực bội, chán nản hay sân hận nữa, đó là trạng thái hỷ. Sự hoan hỷ, phấn khởi này lắng dịu dần, để lại một sự bình an, tĩnh lặng, không còn một gợn sóng của dao động bất an, đó là trạng thái lạc của thiền. Đến đây tâm đã có thể an trú, tĩnh chỉ, nhất tâm và hoàn toàn quân bình (xả), không còn khởi lên một tham muốn nào đối với ngũ dục. Đó là trạng thái nhất tâm hay an chỉ định. Với những trải nghiệm trên, hành giả đã chứng sơ thiền sắc giới, tâm vị ấy có đủ năm thiền chi: tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm.

Đức Phật dạy:

“Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ly dục, ly bất thiện pháp... chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất với tầm, với tứ, với hỷ lạc do ly dục sanh. Vị ấy thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân mình với hỷ lạc do ly dục sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do ly dục sanh ấy thấm nhuần. Ví như, này các Tỷ-kheo, như một người hầu tắm hay đệ tử hầu tắm, sau khi rắc bột tắm trong thau bằng đồng, liền nhồi bột ấy với nước. Cục bột tắm ấy được thấm nhuần nước ướt, trào trộn với nước ướt, thấm ướt cả trong lẫn ngoài với nước, nhưng không chảy thành giọt. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân này với hỷ lạc do ly dục sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do ly dục sanh ấy thấm nhuần”[1].

Theo Thanh tịnh đạo luận (Visuddhimagga), “ly dục” có nghĩa là thoát ly những đối tượng của dục, tức thân viễn ly; còn “ly bất thiện pháp” là từ bỏ những cấu uế của tâm - tức dục vọng - hoặc từ bỏ tất cả bất thiện pháp, ám chỉ tâm viễn ly. Trong khi ly dục chỉ có nghĩa ‘từ bỏ khoái lạc giác quan, xa lìa đối tượng của dục’, thì ly bất thiện pháp còn ám chỉ đến sự khoái lạc viễn ly, vì lìa khỏi dục kể như cấu uế của tâm. Ly dục là từ bỏ cái nhân của tham, ly bất thiện pháp là từ bỏ cái nhân của si, ly dục là thanh tịnh thân nghiệp, ly bất thiện pháp là thanh tịnh ý nghiệp[2].

Trong sơ thiền, hành giả từ bỏ được năm chướng ngại và thành tựu năm thiền chi. Như mô tả trong kinh Mahāvedalla, thuộc Trung bộ 43. “Này Hiền giả, Thiền thứ nhất từ bỏ năm chi phần và thành tựu năm chi phần. Ở đây, này Hiền giả, vị Tỷ-kheo thành tựu Thiền thứ nhất, từ bỏ tham dục, từ bỏ sân, từ bỏ hôn trầm thùy miên, từ bỏ trạo hối, từ bỏ nghi, thành tựu tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm”[3].

Trong Sơ thiền, hành giả lìa bỏ được các ham muốn thế gian vì niềm an vui của nội tâm vừa đầy đủ, vừa thanh khiết, không cần phải giải trí bằng vật chất bên ngoài. Toàn thân hành giả luôn ở trong trạng thái vui hỷ lạc nhè nhẹ và tràn đầy. Cái ý niệm thầm kín về công phu và sự thành tựu của mình tạo nên một loại kiến giải Phật pháp và tâm tự hào bí mật. Hành giả sẽ dễ dàng đối đáp trôi chảy và nắm bắt các lĩnh vực khó, trừu tượng, hay say sưa diễn thuyết lưu loát nếu có cơ hội. Vì vậy, tuy Sơ thiền rất là vĩ đại nhưng cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ đối với đạo đức[4]. Nên Đức Phật khuyên hành giả không nên an trú, đắm say trong tầng thiền này quá lâu.
 

Nhị thiền

Khi hành giả đã thuần thục trong sơ thiền, có thể nhập xuất dễ dàng, nếu vị ấy không quá thỏa thích đến nỗi bám víu trong thiền chứng này, thì hoặc là vị ấy cố gắng từ bỏ tầm và tứ vì thấy chúng còn thô, hoặc do tâm định tiến triển hành giả tự động vượt qua hai chi thiền này một cách dễ dàng để vào tâm thiền thứ hai. Nhị thiền chỉ còn lại ba chi: hỷ, lạc, nhất tâm, là trạng thái được Đức Phật mô tả như sau:

“Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo làm cho tịnh chỉ tầm và tứ... chứng đạt và an trú Thiền thứ hai, nội tĩnh, nhất tâm, không tầm, không tứ với hỷ lạc do định sanh. Vị ấy thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân này với hỷ lạc do định sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do định sanh ấy thấm nhuần. Ví như, này các Tỷ-kheo, một hồ nước, nước tự dâng lên, phương Ðông không có lỗ nước chảy ra, phương Tây không có lỗ nước chảy ra, phương Bắc không có lỗ nước chảy ra, phương Nam không có lỗ nước chảy ra, và thỉnh thoảng trời lại mưa lớn. Suối nước mát từ hồ nuớc ấy phun ra, thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn tràn đầy hồ nước ấy với nước mát lạnh, không một chỗ nào của hồ nước ấy không được nước mát lạnh thấm nhuần. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thấm nhuần tẩm ướt làm cho sung mãn tràn đầy thân này với hỷ lạc do định sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do định sanh ấy thấm nhuần”[5].

Với tịnh chỉ của tầm tứ, nghĩa là làm lắng xuống, vượt qua tầm tứ, hai thiền chi này không có mặt trong nhị thiền. Nội tĩnh, nhất tâm. Nội là xuất phát từ tự tâm; Tĩnh ở đây là niềm tin. Thiền có niềm tin, vì nó liên hệ đến niềm tin hoặc vì làm cho tâm an ổn với niềm tin mà thiền đạt được và an ổn bằng cách làm lắng sự dao động do tầm và tứ[6]. Nhị thiền đem lại sự có mặt, làm tăng trưởng các yếu tố ‘duy nhất’ này nên gọi là ‘đem lại sự duy nhất’. Và cái duy nhất ấy thuộc về tâm không thuộc về gì khác, nên gọi là sự nhất tâm.

Nhị thiền là kết quả tiếp theo nếu hành giả đủ công đức. Hành giả sẽ thấy toàn thân mình giống như nước trong mát tuôn trào bất tận mà Đức Phật diễn tả như hồ nước được suối phun và mưa tuôn mãi mà không bao giờ lọt nước ra khỏi hồ. Dĩ nhiên nước thì mềm hơn, lỏng hơn nước sền sệt của xà bông. Từ toàn thân cứng của Chánh niệm, tiến lên Sơ thiền thì thân sền sệt như nước xà bông, tới Nhị thiền thì thân đã mềm hoàn toàn như nước nguyên chất, và lại còn thêm cảm giác tuôn tràn mãi mãi.

Niềm vui của Nhị thiền thì đằm thắm hơn Sơ thiền vì bớt đi cái tự hào và ý niệm. Đức Phật gọi Nhị thiền là định sinh hỷ lạc có nghĩa là niềm vui của Nhị thiền hoàn toàn an ổn trong Định mà có. Trong đời sống, hành giả không còn ham thích trình bày phô trương, và rất hiền lành. Phật gọi là hết tầm hết tứ.
 

Tam thiền

Do thấy Nhị thiền không được bảo đảm và dễ hoại bởi hỷ, hành giả tu tập một thái độ dửng dưng đối với thiền ấy, đồng thời tăng cường sự tác ý đến lạc và nhất tâm, xem chúng như an tịnh và cao thượng hơn. Chấm dứt sự bám víu vào Nhị thiền, hành giả tập trung tâm ý để đạt đến Tam thiền, một trạng thái có vẻ cao thượng hơn vì có lạc và nhất tâm không bị ảnh hưởng dao động của hỷ. Hành giả tái lập lại định trên đề mục thiền của mình với mục đích vượt qua Nhị thiền[7].

Đức Phật mô tả là trạng thái đó như sau:

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và an trú Thiền thứ ba. Vị Tỷ-kheo ấy thấm nhuần với lạc thọ không có hỷ ấy, không một chỗ nào trên toàn thân không được lạc thọ không có hỷ ấy thấm nhuần.

Ví như, này các Tỷ-kheo, trong hồ sen xanh, hồ sen hồng hay sen trắng, những bông hoa ấy sanh trong nước, lớn lên trong nước, không vượt khỏi nước, nuôi sống dưới nước, từ đầu ngọn cho đến gốc rễ đều thấm nhuần, tẩm ướt, tràn đầy thấu suốt bởi nước mát lạnh ấy, không một chỗ nào của toàn thể sen xanh, sen hồng hay sen trắng không được nước mát lạnh ấy thấm nhuần. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn tràn đầy thân này với lạc thọ không có hỷ ấy, không một chỗ nào trên toàn thân không được lạc thọ không có hỷ ấy thấm nhuần”[8].

Phần định nghĩa về Tam thiền nói rằng: Ly hỷ là vượt qua, làm rơi rụng tâm hỷ ở Nhị thiền. Ở đây, hành giả làm rơi rụng luôn cả hỷ, sau khi đã làm rụng (từ bỏ) tầm, tứ hay làm tịnh chỉ tầm, tứ. Trú xả, nghĩa là người đắc Tam thiền là vị “trú xả” vì tâm xả nơi vị ấy hiển nhiên, dồi dào và mạnh[9].

Niềm vui của Tam thiền rất đằm thắm nhỏ nhiệm và đầy khắp, giống như hoa sen ngập trong nước, tẩm ướt, tràn ngập, nhưng không thấm nước; cũng vậy, niềm vui của Tam thiền rất tự tại, bình an và vượt khỏi cơ thể, giống như cả không gian đều cùng an vui vậy. Thân của hành giả lúc này giống như một khối không khí hân hoan an lạc.

Ý nghĩa của xả niệm là hành giả đã kiểm soát được Vô thức. Kiểm soát được nó nghĩa là tâm hồn đã thật sự ổn định. Những bản năng sinh tồn, bản năng hưởng thụ... đều bị kiềm chế. Lúc này khi ngồi thiền nhập định, hành giả không còn nghe thấy mọi cảnh vật, tiếng động bên ngoài, hoàn toàn an trú vững chắc trong thế giới nội tâm sáng suốt vi diệu thanh tịnh của mình.
 

Tứ thiền

Khi định sâu hơn nữa, vi tế hơn nữa, thì ngay cả an lạc cũng được vượt qua, tâm hành giả có thể đi thẳng vào định không cần qua tầm, tứ, hỷ, lạc, chỉ còn chi thiền nhất tâm. Vì nhất tâm ở đây kiên cố hơn nhất tâm trong các bậc thiền trước nên tâm hoàn toàn bất động, hoàn toàn vô cảm đối với thế giới bên ngoài. Vì vậy trong tâm Tứ thiền có yếu tố xả luôn xuất hiện bên cạnh nhất tâm, và cũng vì vậy Tứ thiền được Đức Phật mô tả:

“Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm, thanh tịnh. Tỷ-kheo ấy ngồi thấm nhuần toàn thân mình với tâm thuần tịnh trong sáng, không một chỗ nào trên toàn thân không được tâm thuần tịnh trong sáng ấy thấm nhuần. Ví như, này các Tỷ-kheo, một người ngồi dùng tấm vải trắng trùm đầu, không một chỗ nào trên toàn thân không được vải trắng ấy che phủ. Cũng vậy, này các Tỷ- kheo, Tỷ-kheo ngồi thấm nhuần toàn thân này với tâm thuần tịnh trong sáng, không một chỗ nào trên toàn thân không được tâm thuần tịnh trong sáng ấy thấm nhuần”[10].

Định nghĩa Tứ thiền nói đến ‘sự từ bỏ lạc và khổ’ là từ bỏ lạc, khổ của thân. Những khổ lạc này không phải là ở giai đoạn thiền mới xảy ra. Diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước nghĩa là từ bỏ vui và khổ của tâm. Thuật ngữ ‘không khổ không lạc’ được giải thích như sau: Không khổ là vì vắng mặt thân khổ, không lạc là vì vắng mặt thân lạc. Loại cảm thọ thứ ba này “không khổ không lạc” còn gọi là xả[11].

Theo kinh Bát thành (Atthakanàgara sutta), thuộc Trung bộ, Tứ thiền này vẫn chưa phải là tối thượng, chúng vẫn là pháp hữu vi, nên cũng vô thường đoạn diệt. Vì vậy không nên an trú chấp chặt. Vị hành giả đã đạt Tứ thiền suy tư và được biết: “Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền và Tứ thiền là pháp hữu vi, do suy tư tác thành. Phàm sự vật gì là pháp hữu vi, do suy tư tác thành, thời sự vật ấy là vô thường, chịu sự đoạn diệt”[12].

Tuy nhiên, trong mức độ của thiền an chỉ thì bốn cấp độ thiền này là cơ sở vững chãi để đi trên con đường giác ngộ giải thoát.

Đạt được thiền thứ nhất cũng như người có mười loại oán thù đã thoát thân lìa bỏ được, một mình lên ở trên núi cao không ai hay biết mình ở đâu, cho nên không còn lý do gì phải sợ hãi nữa. Người xa lìa được dục tình thì cảm thấy bên trong thanh tịnh và tâm ý yên ổn. Khi đã đạt được thiền thứ nhất rồi thì tiến lên một bước nữa hướng về thiền thứ hai.

Đạt tới thiền thứ hai thì cũng như người đã thoát ly được những kẻ oán thù, tuy đang ở trên thâm sơn nhưng vẫn còn có chút lo lắng là những kẻ kia còn có thể tìm tới, cho nên lại còn muốn đi sâu hơn vào núi để ẩn mình.

Trong thiền thứ ba, hành giả duy trì chánh niệm của tâm ý một cách kiên cố, cả hai ý niệm thiện và ác cũng không lung lạc được mình; tâm an ổn như núi Tu-di, các điều thiện cũng không phải phát xuất từ bên ngoài; vì lý do là cả thiện và ác đều đã không xâm nhập được.

Tới thiền thứ tư thì cả hai ý niệm thiện và ác đều đã hoàn toàn khử bỏ, tâm không nhớ thiện cũng không giữ ác, nội tâm sáng trong như ngọc lưu ly, không một tỳ vết. Lúc này nội tâm thuần nhất, thanh tịnh thuần khiết.

Bốn cấp độ thiền là lộ trình của tâm đi từ từ thô đến tế. Sự thăng tiến từ bậc thiền này lên một bậc thiền khác được báo hiệu bằng sự diệt dần các chi thiền thô. Sơ thiền, như chúng ta đã thấy, có năm chi phần. Trong việc chuyển sang Nhị thiền, hai chi tầm và tứ được trừ bỏ; trong việc chuyển sang Tam thiền, hỷ được từ bỏ và trong việc chuyển sang Tứ thiền, lạc được từ bỏ, thay thế bằng bất khổ bất lạc thọ. Chúng ta có thể cho là tiến trình diệt các chi phần này diễn ra đồng thời với sự tăng cường định, nhờ đó năng lực vốn bị khuếch tán trong những chi thiền thô và nhiều này được dồn vào những chi thiền tế và ít hơn, cho định có khả năng tăng thêm cường độ và sự sâu lắng.
 


Ghi chú:

1 & 5 & 8 & 10. Đại tạng kinh Việt Nam, Kinh Tăng chi bộ.
2 & 6 & 9 & 11. Thích nữ Trí Hải, Thanh tịnh đạo, tập 1, tr.228-29.
3. Đại tạng kinh Việt Nam, Kinh Trung bộ.
4. https://vi.wikipedia.org/wiki.
7. Henepola Gunaratana, A Critical Analysis of the Jhanas in Theravāda Buddhist Meditation, The American University, Washington.
12. Đại tạng kinh; kinh Bát thành (Atthakanàgara sutta), thuộc Trung bộ.

 

Theo Văn hoá Phật giáo số 307 ngày 15-10-2018

 

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm