Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Sống một mình

"Sống một mình” (Eko vupakattho viharati) hay còn gọi là “sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời”(anissito ca viharati na ca kinci loke upàdiyati) là nếp sống giác ngộ của chư Phật và chư vị Thánh giả đã đoạn tận các lậu hoặc tham-sân-si.
Mục lục


"Sống một mình” (Eko vupakattho viharati) hay còn gọi là “sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời” (anissito ca viharati na ca kinci loke upàdiyati)[1] là nếp sống giác ngộ của chư Phật và chư vị Thánh giả đã đoạn tận các lậu hoặc tham-sân-si[2]. Đó là nếp sống tịch tịnh, giải thoát, không vướng mắc, không trói buộc, không phiền muộn, an nhiên tự tại của những người đã thực tập và chứng nghiệm trọn vẹn đời sống viễn ly, gồm thân viễn ly (kàyaviveka), tâm viễn ly (cittaviveka) và hữu viễn ly (bhavaviveka), thể hiện tâm giải thoát, tuệ giải thoát giữa cuộc đời, không còn bóng dáng ngã tưởng đi theo sau những gì được tiếp xúc hàng ngày.
Thiên tử Kakudha bạch hỏi Thế Tôn:
“- Thưa Sa-môn, Ngài có hoan hỷ không?
- Ta được cái gì, này Hiền giả, mà Ta hoan hỷ?
- Nếu vậy, thưa Sa-môn, có phải Ngài sầu muộn?
- Ta mòn mỏi cái gì, này Hiền giả, mà Ta sầu muộn?
- Vậy thời thưa Sa-môn, Ngài không hoan hỷ và không
sầu muộn?
- Thật như vậy, này Hiền giả.

Làm sao, này Tỳ-kheo,
Ngài không có sầu muộn,
Tuy vậy, Ngài cũng không,
Có được sự hoan hỷ?
Làm sao nay Ngài lại,
Ngồi cô độc một mình,
Không có được hoan hỷ,
Cũng không bị dao động?
Thật sự, này Dạ-xoa,
Ta không có sầu muộn,
Tuy vậy ở nơi Ta,
Hoan hỷ không khởi lên,
Dầu nay Ta có ngồi,
Riêng một mình cô độc,
Ta không có hoan hỷ,
Cũng không bị dao động.
Làm sao, này Tỳ-kheo,
Ngài không có sầu muộn,
Làm sao ở nơi Ngài,
Hoan hỷ không khởi lên?
Làm sao nay Ngài lại,
Ngồi cô độc một mình,

Không có được hoan hỷ,
Cũng không bị dao động?
Hoan hỷ chỉ có đến,
Với người tâm sầu muộn,
Sầu muộn chỉ có đến,

Với người tâm hoan hỷ.
Do vậy, vị Tỳ-kheo,
Không hoan hỷ, sầu muộn.
Vậy nên, này Hiền giả,
Ông phải biết như vậy.

Đã lâu, con mới thấy,
Bà-la-môn tịch tịnh,
Vị Tỳ-kheo không sầu,
Cũng không có hoan hỷ,
Đã an toàn vượt khỏi,
Chỗ người đời đắm say”
[3].

Thông thường, con người không có xu hướng sống một mình, trừ những lúc tâm lý rơi vào thất vọng hoặc do hoàn cảnh bắt buộc. Tập quán ái ngã không thích cảm giác cô đơn, luôn khích động tâm vùng vẫy theo cách này hay cách khác nhằm khẳng định ngã tính, không chấp nhận cảm giác bị thua cuộc:

“Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn người đến chốn lao xao”.

Khác với những tâm tư còn luyến ái trần thế, không thích thú lối sống lặng lẽ một mình, những người có tâm thiên về viễn ly yêu mến đời sống độc cư, tìm thấy lợi lạc trong lối sống ẩn dật, tinh cần trong lẽ sống đơn độc, hân hoan trong nếp sống một mình; vì ở đấy chư vị dễ dàng tìm thấy chính mình, tức tìm thấy như thật (yathàbhùtam pajànàti) về con người (sáu căn) và thế giới chung quanh (sáu trần, sáu thức, sáu xúc, sáu thọ, sáu ái...) chống đỡ cho con người tồn tại. Tất cả đều là vô thường, tạm bợ, sinh diệt liên tục, hư huyễn, không chắc thật, không phải của mình, mình không làm chủ được.

Kinh Phật thường nói đến trường hợp một số Tỳ- kheo (thường là những vị đã trải qua quá trình tu học ổn định trong Tăng chúng, đã thành tựu các Thánh quả giải thoát, trừ quả vị A-la-hán) chọn lối sống độc cư ở những nơi rừng núi hoang vu để tinh cần hành sâu Thiền quán, phát triển trí tuệ nhằm đoạn tận các lậu hoặc, chứng quả giải thoát[4]. Chư vị ấy được mô tả như vầy:

“Rồi Tôn giả ấy sống một mình, an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, không bao lâu đạt được mục đích mà các thiện nam tử chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình hướng tới. Đó chính là cứu cánh Phạm hạnh, ngay trong hiện tại với thắng trí tự mình chứng ngộ, chứng đạt và an trú. Vị ấy biết rõ rằng: ‘Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc gì nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa’”.

Đáng chú ý rằng lối sống một mình ở giai đoạn này được gọi là thân viễn ly (kàyaviveka), tức sống độc cư ở những nơi hoang vắng nhằm hạn chế các ràng buộc phức tạp (năm dục trưởng dưỡng; hay tài, danh, sắc, thực, thùy) của thế gian để chuyên tâm hành sâu lời Phật dạy nhằm mục đích đoạn tận các lậu hoặc, chứng đắc tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Đây là giai đoạn thực tập cần thiết của các bậc hữu học, tạo thuận lợi cho việc hành sâu Thiền định, tu tập tâm viễn ly (cittaviveka), chứng nghiệm thực tại vô thường, vô ngã của hiện hữu, thực hiện tâm giải thoát, tuệ giải thoát, đạt đến địa vị vô học. Hẳn nhiên, sự thực tập thân viễn ly (kàyaviveka) như vậy là cần thiết nhưng không phải là mục tiêu cứu cánh của lối sống giải thoát được nói đến trong đạo Phật.

Trong quan niệm giải thoát của đạo Phật, mục tiêu duy nhất mà con người nỗ lực nhắm tới là chứng đắc tâm viễn ly (cittaviveka) hay tâm giải thoát (cittavimutti), nghĩa là một tâm thức hoàn toàn thoát khỏi mọi vướng mắc và trói buộc đối với các pháp hữu vi, thấy rõ bản chất sanh diệt của những gì được thấy, được nghe, được thọ tưởng, được thức tri, không còn thuận ứng hay nghịch ứng, không tham ưu, không vui buồn, không yêu ghét. Tâm ấy như đất, nước, lửa, gió, hư không[5], như núi đá kiên cố, không gió nào lay động[6] ; là thong dong giữa ràng buộc, tự tại giữa khổ đau. Nói cách khác, đó là một tâm thức được tu tập và phát triển đúng đắn trở nên tịch tịnh, giải thoát, hiện diện giữa cuộc đời thực hư biến động nhưng không dao động, không luyến ái, không chống đối, độc lập, không trói buộc, giải thoát, không hệ lụy[7].
 


Kinh Mahàmangala, Tiểu Bộ, nói như vầy về tâm viễn ly, tâm giải thoát:

Khi xúc chạm việc đời,
Tâm không động, không sầu,
Không uế nhiễm, an ổn,
Là điềm lành tối thượng
[8].

Đó là ý nghĩa rốt ráo của lối sống một mình được nhấn mạnh trong đạo Phật, nghĩa là sống với sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) không dính mắc sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp), một nếp sống không có dục hỷ (nandi), không có luyến ái (tanhà), không có chấp thủ (upàdàna) đối với mọi hiện hữu (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) do các căn nhận biết. Đó là nếp sống giải thoát giữa đời thường, không tham giữa tham đắm[9], không sân giữa sân hận[10], không chấp giữa chấp trước[11], không có bóng dáng ngã tưởng, phiền muộn, sầu ưu, khổ não sinh khởi.

Tôn giả Migajàla bạch hỏi Đức Thế Tôn:

“Sống một mình! Sống một mình!”, bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Bạch Thế Tôn, cho đến như thế nào là sống một mình? Và cho đến như thế nào là sống có người thứ hai?”.

“Này Migajàla, có những sắc do mắt nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu Tỳ-kheo hoan hỷ, tán dương và trú với lòng tham luyến sắc ấy; do vị ấy hoan hỷ, tán dương và trú với lòng tham luyến sắc ấy nên hỷ (nandi) khởi lên. Do hỷ có mặt nên dục tham (sàràgo) có mặt. Do dục tham có mặt nên triền phược có mặt. Bị trói buộc bởi hỷ triền phược, này Migajàla, nên Tỳ-kheo được gọi là người sống có người thứ hai.

... có những tiếng do tai nhận thức... có những hương do mũi nhận thức... có những vị do lưỡi nhận thức... có những xúc do thân nhận thức...

Này Migajàla, có những pháp do ý nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu Tỳ- kheo hoan hỷ, tán dương và trú với lòng tham luyến pháp ấy ; do vị ấy hoan hỷ, tán dương và trú với lòng tham luyến pháp ấy nên hỷ khởi lên. Do hỷ có mặt nên dục tham có mặt. Do dục tham có mặt nên triền phược có mặt. Bị trói buộc bởi hỷ triền phược, này Migajàla, nên Tỳ-kheo được gọi là người sống có người thứ hai.

Tỳ-kheo sống như vậy, này Migajàla, dầu cho đến ở các trú xứ xa vắng, các khóm rừng, các khu rừng, ít tiếng động, ít ồn ào, khỏi hơi thở quần chúng (vijanavàtàni), vắng người, thích hợp với tịnh; dầu vậy, vẫn được gọi là sống với người thứ hai.

Vì sao? Vì rằng ái, người thứ hai, chưa được đoạn tận cho nên được gọi là sống có người thứ hai.

Và này Migajàla, có các sắc do mắt nhận thức, khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu Tỳ-kheo không hoan hỷ, không tán dương và trú với lòng không tham luyến sắc ấy; thời do vị ấy không hoan hỷ, không tán dương, trú với lòng không tham luyến sắc ấy, nên hỷ đoạn diệt; thời do hỷ không có mặt nên dục tham không có mặt. Do dục tham không có mặt nên triền phược không có mặt. Do không bị trói buộc bởi hỷ triền phược, này Migajàla, nên Tỳ-kheo được gọi là người trú một mình.

... Này Migajàla, có những vị do lưỡi nhận thức...

Này Migajàla, có những pháp do ý nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu Tỳ- kheo không hoan hỷ, không tán dương và trú với tâm không tham luyến pháp ấy; thời do vị ấy không hoan hỷ, không tán dương, trú với tâm không tham luyến pháp ấy nên hỷ đoạn diệt. Do hỷ không có mặt nên dục tham không có mặt. Do dục tham không có mặt nên triền phược không có mặt. Do không bị trói buộc bởi hỷ triền phược, này Migajàla, nên Tỳ-kheo được gọi là người trú một mình.

Tỳ-kheo sống như vậy, này Migajàla, dầu có ở giữa làng tràn đầy những Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ, vua chúa, đại thần của vua, các ngoại đạo và các đệ tử các ngoại đạo, vị ấy vẫn được gọi là vị sống một mình.

Vì sao? Vì rằng ái, người thứ hai, được đoạn tận, do vậy được gọi là sống một mình”[12].

Cứ theo lời Phật thì người sống với ái được đoạn tận tức là sống một mình, không có người thứ hai, là giải thoát ngay trong đời này, không có hệ lụy, không có phiền não, không có khổ đau. Ái được gọi là người thứ hai, vì sự thích thú luyến ái đối với những gì mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, thân cảm xúc, ý nhận thức (sắc ái, thanh ái, hương ái, vị ái, xúc ái, pháp ái) tạo nên hệ lụy đưa đến phiền não khổ đau sinh tử luân hồi; tựa như nam nhân rơi vào luyến ái nữ nhân thì không tránh khỏi phiền não khổ đau, vì mọi hệ lụy phiền toái có thể xảy ra do nhân biến đổi[13].

Những người học Phật đều biết rằng ái (tanhà), đôi khi cũng được gọi là dục hỷ (nandi) hay dục tham (kàmaràga), là một trong mười hai mắt xích (thập nhị nhân duyên) trói buộc chúng sinh trong vòng khổ đau gọi là luân hồi (samsàra). Ái được gọi là người thứ hai theo nghĩa “vướng vào vòng phiền toái” hay “tạo ra hệ lụy khổ đau”, vì ái sinh khởi và vận hành tức là mười một mắt xích khác đồng sinh khởi và vận hành, khiến cho khổ đau tiếp tục được tạo ra, sự tái sinh được tiếp diễn, dây chuyền sinh tử luân hồi tiếp tục được chuyển vận, không chấm dứt. Ái được xem là nguyên nhân của khổ đau, vì nó đưa đến tái sinh, tạo ra danh sắc (nàmarùpa) hay thân ngũ uẩn (panca-khandha), chỗ chất chứa và hiện hành của muôn vàn khổ đau bởi sanh, già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Hẳn nhiên, một thân ngũ uẩn có mặt đã phải gánh chịu bao nỗi khổ rồi mà còn muốn có thêm người thứ hai hay người thứ ba nữa thì luân hồi càng kéo dài và khổ đau càng chồng chất.

Chính vì thế mà sống một mình, không có người thứ hai, là lẽ sống minh triết được nhấn mạnh trong đạo Phật, một lẽ sống giác ngộ, giải thoát, không luyến ái, không chấp thủ đối với sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, cắt đứt các duyên hay điều kiện dẫn đến hệ quả tái sinh, chấm dứt khổ đau sinh tử luân hồi, gọi là hữu viễn ly (bhavaviveka) hay viễn ly sanh y (upadhiviveka). Đó là sự bặt dứt mọi ý niệm phân biệt - có không, tốt xấu, hơn thua, được mất - gắn liền với nhãn xúc, nhĩ xúc, tỷ xúc, thiệt xúc, thân xúc, ý xúc; sự buông bỏ mọi ý tưởng liên hệ đến ngã và ngã sở; sự trả lại cho thế giới những gì như nó là. “Trong cái thấy sẽ chỉ là cái thấy, trong cái nghe sẽ chỉ là cái nghe, trong cái thọ tưởng sẽ chỉ là cái thọ tưởng, trong cái thức tri sẽ chỉ là cái thức tri”[14]. Đó chính là tâm viễn ly (cittaviveka), tâm giải thoát (cittavimokkha), hiện diện giữa dòng hiện hữu chuyển biến và sanh diệt liên tục nhưng tâm ấy không vọng động, không chuyển biến, không sanh diệt, như như bất động.
 

 

Tôn giả Sàriputta nói cho Tôn giả Kotthika:

“Này Hiền giả, Thế Tôn có mắt. Với con mắt, Thế Tôn thấy sắc. Tham dục không có nơi Thế Tôn. Khéo giải thoát là tâm Thế Tôn. Này Hiền giả, Thế Tôn có tai. Với tai, Thế Tôn nghe tiếng. Tham dục không có nơi Thế Tôn. Khéo giải thoát là tâm Thế Tôn. Này Hiền giả, Thế Tôn có mũi. Với mũi, Thế Tôn ngửi hương. Tham dục không có nơi Thế Tôn. Khéo giải thoát là tâm Thế Tôn. Này Hiền giả, Thế Tôn có lưỡi. Với lưỡi, Thế Tôn nếm vị. Tham dục không có nơi Thế Tôn. Khéo giải thoát là tâm Thế Tôn. Này Hiền giả, Thế Tôn có thân. Với thân, Thế Tôn xúc chạm. Tham dục không có nơi Thế Tôn. Khéo giải thoát là tâm Thế Tôn. Này Hiền giả, Thế Tôn có ý. Với ý, Thế Tôn biết pháp. Tham dục không có nơi Thế Tôn. Khéo giải thoát là tâm Thế Tôn”[15].

Nhìn chung, sống một mình được nói đến trong Kinh tạng Nikàya là nếp sống thoát ly khổ đau luân hồi, được thực hiện trên cơ sở thực hành thân viễn ly (kàyaviveka), tâm viễn ly (cittaviveka), hữu viễn ly (bhavaviveka). Đó là tiến trình tu tập và phát triển Tăng thượng giới (Adhisìla), Tăng thượng tâm (Adhicitta) và Tăng thượng trí tuệ (Adhipannà), đưa đến đoạn tận các lậu hoặc (àsava), chứng đắc tâm giải thoát (cittavimutti), tuệ giải thoát (pannàvimokkha), chấm dứt khổ đau sinh tử luân hồi ngay trong đời này. Câu chuyện Tỳ-kheo Migajàla quyết định thực hiện đời sống một mình tại trú xứ xa vắng hoang vu cho thấy tiến trình tu tập của một hành giả chuyên tâm thực hành thân viễn ly, tâm viễn ly, hữu viễn ly:

“Rồi Tôn giả Migajàla đi đến Thế Tôn...
Ngồi xuống một bên, Tôn giả Migajàla bạch Thế Tôn: - Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết pháp

vắn tắt cho con. Sau khi nghe pháp ấy con sẽ sống một mình, an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.

- Này Migajàla, có những sắc do mắt nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu Tỳ-kheo hoan hỷ, tán dương, sống với tâm tham luyến sắc ấy ; do vị ấy hoan hỷ, tán dương, sống với tâm tham luyến sắc ấy nên hỷ sanh. Này Migajàla, Ta nói rằng do hỷ tập khởi nên khổ tập khởi... các tiếng... các hương... các vị... các xúc...

Này Migajàla, có những pháp do ý nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu Tỳ- kheo hoan hỷ, tán dương, sống với tâm tham luyến pháp ấy ; do vị ấy hoan hỷ, tán dương sống với tâm tham luyến pháp ấy nên hỷ sanh. Này Migajàla, Ta nói rằng do hỷ tập khởi nên khổ tập khởi.

Này Migajàla, có những sắc do mắt nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu Tỳ-kheo không hoan hỷ, không tán dương, sống với tâm không tham luyến sắc ấy ; do vị ấy không hoan hỷ, không tán dương, sống với tâm không tham luyến, không an trú tham luyến sắc ấy nên hỷ diệt. Này Migajàla, Ta nói rằng do hỷ đoạn diệt nên khổ đoạn diệt... các tiếng... các hương... các vị... các xúc...

Này Migajàla, có những pháp do ý nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu Tỳ- kheo không hoan hỷ, không tán dương, sống với tâm không tham luyến pháp ấy; do vị ấy không hoan hỷ, không tán dương, sống với tâm không tham luyến pháp ấy nên hỷ diệt. Này Migajàla, Ta nói rằng do hỷ đoạn diệt nên khổ đoạn diệt.

Rồi Tôn giả Migajàla, sau khi hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi ra đi.

Rồi Tôn giả Migajàla sống một mình, an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, không bao lâu đạt được mục đích mà các thiện nam tử chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình hướng tới., Đó chính là cứu cánh Phạm hạnh, ngay trong hiện tại với thắng trí tự mình chứng ngộ, chứng đạt và an trú. Vị ấy biết rõ rằng: ‘Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc gì nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa’.

Và Tôn giả Migajàla trở thành một vị A-la-hán nữa”[16].
 


Chú thích:

1. Kinh Niệm xứ, Trung Bộ.
2. Kinh Thửa tự pháp, Trung Bộ.
3. Kinh Kakudha, Tương Ưng Bộ.
4. Kinh Cẩu hành giả, Kinh Ratthpàla, KinhAngulimàla, Trung Bộ; Kinh Mắt, Kinh Chấp trước, Kinh Migajàla, Kinh Bàhiya, Tương Ưng Bộ.

5. Đại kinh Rahula, Trung Bộ.
6. Kinh Pháp Cú, kệ số 81.
7. Kinh Bất đoạn, Trung Bộ.
8. Kinh Điềm lành tối thượng, Kinh tập, Tiểu Bộ.
9. Kinh Pháp Cú, kệ số 199.

10. Kinh Pháp Cú, kệ số 197.
11. Kinh Pháp Cú, kệ số 200.
12. Kinh Migajàla, Tương Ưng Bộ.
13. Kinh Devadaha, Trung Bộ.
14. Kinh Phật tự thuyết, Tiểu Bộ.
15. Kinh Kotthika, Tương Ưng Bộ.
16. Kinh Migajàla, Tương Ưng Bộ.


Theo Văn hoá Phật giáo số 281 ngày 15-09-2017

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm