Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Bước thăng bằng trên đường không thăng bằng

Đức Phật có danh xưng là Thiện Thệ (Sugatà), có nghĩa là người đã khéo đi qua, đã khéo vượt qua mọi sóng gió hiểm nguy của biển sinh tử luân hồi và đã đạt đến bến bờ Niết-bàn một cách an toàn, nhờ rời bỏ con đường không thăng bằng (visama- magga), bước đi trên con đường thăng bằng (sama- magga); sau khi đã đi trên con đường thăng bằng và đạt đến Niết-bàn an toàn, Ngài khéo nói lại cho người khác các kinh nghiệm tu tập và chứng ngộ của mình.
Mục lục

“Bậc Thánh bước thăng bằng,
Trên đường mất thăng bằng”
[1]


Đức Phật có danh xưng là Thiện Thệ (Sugatà), có nghĩa là người đã khéo đi qua, đã khéo vượt qua mọi sóng gió hiểm nguy của biển sinh tử luân hồi và đã đạt đến bến bờ Niết-bàn một cách an toàn, nhờ rời bỏ con đường không thăng bằng (visama- magga), bước đi trên con đường thăng bằng (sama- magga); sau khi đã đi trên con đường thăng bằng và đạt đến Niết-bàn an toàn, Ngài khéo nói lại cho người khác các kinh nghiệm tu tập và chứng ngộ của mình.

Theo lời Phật thì con đường không thăng bằng (visama-magga) là con đường không bằng phẳng, lồi lõm, không vững chắc, mê lầm, xấu ác, đầy nguy hiểm, đầy chướng ngại, có tác dụng mang lại phiền não, có kết cục là khổ đau luân hồi. Đó là con đường tham-sân-si, con đường của vô số ác, bất thiện pháp biến thái từ tham-sân-si[2]. Trái lại, con đường thăng bằng (sama-magga) là con đường bằng phẳng, không lồi lõm, được xây dựng kiên cố, chân chánh, hiền thiện, không nguy hiểm, không chướng ngại, có tác dụng đem đến an lạc, có cứu cánh là Niết-bàn[3]. Đó là con đường dứt trừ tham-sân-si, dứt trừ mọi ác, bất thiện pháp phát tán từ tham-sân-si[4].

Suốt bốn mươi lăm năm thuyết pháp độ sinh, Đức Phật đã dùng nhiều phương tiện khác nhau, cốt yếu làm sáng tỏ hai con đường đối lập này. Ngài xác nhận chỉ thuyết giảng hai điều: khổ (dukkha) và diệt khổ (dukkhanirodha)[5]. Con đường không thăng bằng là khổ, tiếp tục đưa đến khổ đau, cần phải rời bỏ; con đường thăng bằng là diệt khổ, đưa đến chấm dứt khổ đau, cần phải thực hành. Với sự thuyết giảng về con đường không thăng bằng (khổ) và con đường thăng bằng (diệt khổ), Đức Phật được gọi là người đóng lại con đường nguy hiểm (kummaggam pidahati), mở ra con đường yên ổn, an toàn, đưa đến hoan hỷ (khema-sovatthika- pìti-gamanìya-maggam vivarati) cho loài hữu tình[6].

Thế nào là bước thăng bằng trên đường không thăng bằng?
Đó là đặt để những bước đi trên con đường Giới-Định-Tuệ đưa đến giải thoát (vimutti) và giải thoát tri kiến (vimutti-nàna), hay thực hiện những bước hành tập chân chánh (sammà) của Bát Thánh đạo - Chánh tri kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định - hướng đến Chánh trí (Sammà-nàna) và Chánh giải thoát (Sammà-vimokkha). Nói cách khác, đó là thực hành nếp sống “Không làm mọi điều ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch”[7], đưa đến đoạn giảm (sallekha) các ác, bất thiện pháp, dứt trừ mọi phiền não khổ đau, hoàn thiện giới đức, tâm đức, tuệ đức, hoàn thiện con người giải thoát, con người giác ngộ.

Một cách chi tiết, kinh Đoạn giảm (Sallekha-sutta) thuộc tuyển tập Trung Bộ xác định rõ con đường không thăng bằng (gồm 46 ác pháp) và con đường thăng bằng (gồm 46 thiện pháp), và nêu rõ năm cách thức nhằm từ bỏ con đường không thăng bằng, bước đi trên con đường thăng bằng, gọi là (1) pháp môn Đoạn giảm (Sallekhapariyàya), (2) pháp môn Khởi tâm (Cittuppàdapariyàya), (3) pháp môn Đối trị (Parikkamanapariyàya), (4) pháp môn Hướng thượng (Uparibhàvapariyàya), (5) pháp môn Giải thoát hoàn toàn (Parinibbànapariyàya).

Đoạn giảm (Sallekhapariyàya) tức là quyết tâm thực hành 46 thiện pháp, không để cho mình rơi vào 46 ác pháp, khiến cho các thiện pháp đi đến tăng trưởng và viên mãn, các ác pháp đi đến giảm thiểu và tiêu trừ.

Khởi tâm (Cittuppàdapariyàya) có nghĩa là phát khởi tâm thức sống theo 46 thiện pháp, rời bỏ 46 ác pháp.

Đối trị (Parikkamanapariyàya) có nghĩa là chấp trì 46 thiện pháp nhằm đối trị 46 ác pháp.

Hướng thượng (Uparibhàvapariyàya) nghĩa là thấy rõ 46 thiện pháp là hướng thượng (uparibhàvangamanìya) (cao thượng) so với 46 ác pháp là hướng hạ (adhobhàvangamanìya) (hạ liệt) để quyết tâm theo đuổi nếp sống cao thượng.

Giải thoát hoàn toàn (Parinibbànapariyàya) nghĩa là chứng nghiệm rõ 46 thiện pháp là giải thoát hoàn toàn mọi phiền não khổ đau so với 46 ác pháp là trói buộc vào luân hồi khổ đau nhằm nỗ lực thực thi lối sống giải thoát.
 

Chúng ta nghe lời Phật dạy về một trong năm cách thức thực hiện những bước đi thăng bằng, rời bỏ con đường không thăng bằng, gọi là tu tập pháp môn Đoạn giảm:

“Này Cunda, ở đây đoạn giảm được thực hiện khi các người nghĩ:

(1) “Những kẻ khác có thể là những người làm hại, chúng ta ở đây không thể là những người làm hại”.

(2) “Những kẻ khác có thể sát sanh, chúng ta ở đây sẽ từ bỏ sát sanh”.

(3) “Những kẻ khác có thể lấy của không cho, chúng ta ở đây sẽ từ bỏ lấy của không cho”.

(4) “Những kẻ khác có thể không phạm hạnh, chúng ta ở đây sẽ sống phạm hạnh”.

(5) “Những kẻ khác có thể nói láo, chúng ta ở đây sẽ từ bỏ nói láo”.

(6) “Những kẻ khác có thể nói hai lưỡi, chúng ta ở đây sẽ từ bỏ nói hai lưỡi”.

(7) “Những kẻ khác có thể nói lời độc ác”, chúng ta ở đây sẽ từ bỏ nói lời độc ác”.

(8) “Những kẻ khác có thể nói lời phù phiếm, chúng ta ở đây sẽ từ bỏ nói lời phù phiếm”.

(9) “Những kẻ khác có thể tham dục, chúng ta ở đây không tham dục”.

(10) “Những kẻ khác có thể có sân tâm, chúng ta ở đây sẽ không có sân tâm”.

(11) “Những kẻ khác có thể có tà kiến, chúng ta ở đây sẽ có chánh kiến.

(12) “Những kẻ khác có thể có tà tư duy, chúng ta ở đây sẽ có chánh tư duy”.

(13) “Những kẻ khác có thể có tà ngữ, chúng ta ở đây sẽ có chánh ngữ”.

(14) “Những kẻ khác có thể có tà nghiệp, chúng ta ở đây sẽ có chánh nghiệp”.

(15) “Những kẻ khác có thể có tà mạng, chúng ta ở đây sẽ có chánh mạng”.

(16) “Những kẻ khác có thể có tà tinh tấn, chúng ta ở đây sẽ có chánh tinh tấn”.

(17) “Những kẻ khác có thể có tà niệm, chúng ta ở đây sẽ có chánh niệm”.

(18) “Những kẻ khác có thể có tà định, chúng ta ở đây sẽ có chánh định”.

(19 “Những kẻ khác có thể có tà trí, chúng ta ở đây sẽ có chánh trí”.

(20) “Những kẻ khác có thể có tà giải thoát, chúng ta ở đây sẽ có chánh giải thoát”.

(21) “Những kẻ khác có thể bị hôn trầm thụy miên chi phối, chúng ta ở đây sẽ không có hôn trầm thụy miên chi phối”.

(22) “Những kẻ khác có thể có trạo hối, chúng ta ở đây sẽ không có trạo hối”.

(23) “Những kẻ khác có thể nghi hoặc, chúng ta ở đây sẽ trừ diệt nghi hoặc”.

(24) “Những kẻ khác có thể phẫn nộ, chúng ta ở đây sẽ không có phẫn nộ”.

(25) “Những kẻ khác có thể oán hận, chúng ta ở đây sẽ không có oán hận”.

(26) “Những kẻ khác có thể hư ngụy[8], chúng ta ở đây sẽ không hư ngụy”.

(27) “Những kẻ khác có thể não hại, chúng ta ở đây sẽ không não hại”.

(28) “Những kẻ khác có thể tật đố, chúng ta ở đây sẽ không tật đố”.

(29) “Những kẻ khác có thể xan tham, chúng ta ở đây sẽ không xan tham”.

(30) “Những kẻ khác có thể man trá, chúng ta ở đây sẽ không man trá”.

(31) “Những kẻ khác có thể khi cuống[9], chúng ta ở đây sẽ không khi cuống”.

(32) “Những kẻ khác có thể ngoan cố, chúng ta ở đây không thể ngoan cố”.

(33) “Những kẻ khác có thể cấp tháo[10], chúng ta ở đây không thể cấp tháo”.

(34) “Những kẻ khác có thể kiêu mạn, chúng ta ở đây không thể kiêu mạn”.

(35) “Những kẻ khác có thể quá mạn[11], chúng ta ở đây sẽ không quá mạn”.

(36) “Những kẻ khác có thể khó nói (nan thuyết)[12], chúng ta ở đây sẽ dễ nói”.

(37) “Những kẻ khác có thể là ác hữu, chúng ta ở đây sẽ là thiện hữu”.

(38) “Những kẻ khác có thể phóng dật, chúng ta ở đây sẽ không phóng dật”.

(39) “Những kẻ khác có thể là bất tín, chúng ta ở đây sẽ có tín tâm”.

(40) “Những kẻ khác có thể không xấu hổ, chúng ta ở đây sẽ có xấu hổ”.

(41) “Những kẻ khác có thể không sợ hãi, chúng ta ở đây sẽ có sợ hãi”.

(42) “Những kẻ khác có thể nghe ít, chúng ta ở đây sẽ nghe nhiều”.

(43) “Những kẻ khác có thể biếng nhác, chúng ta ở đây sẽ siêng năng”.

(44) “Những kẻ khác có thể thất niệm, chúng ta ở đây sẽ an trú niệm”.

(45 “Những kẻ khác có thể liệt tuệ, chúng ta ở đây thành tựu trí tuệ”.

(46) “Những kẻ khác có thể nhiễm thế tục, cố chấp tư kiến, tánh khó hành xả, chúng ta ở đây sẽ không nhiễm thế tục, không cố chấp tư kiến, tánh dễ hành xả”[13].

Nhận rõ 46 ác pháp và quyết tâm thực hành 46 thiện pháp như trên thì được gọi là tu tập pháp môn đoạn giảm (sallekhapariyàya), tức làm giảm thiểu và đoạn trừ các ác, bất thiện pháp, cũng có nghĩa là làm giảm thiểu và đoạn trừ các phiền não khổ đau, đưa đến chấm dứt sinh tử luân hồi.

Đáng chú ý rằng bài kinh nói đến khổ (dukkha) và sự diệt khổ (dukkhanirodha) dưới hình thức nêu trỏ 46 ác pháp song song với 46 thiện pháp, nhấn mạnh năm cách thức rời bỏ 46 ác pháp và thực thi 46 thiện pháp, giúp cho mọi người dễ dàng phân biệt rõ chủ trương và đường hướng của đạo Phật là chống lại cái xấu ác tiêu cực, khuyến khích lối sống hiền thiện tích cực, cũng đồng nghĩa là dứt trừ lối sống mê lầm khổ đau, xây dựng nếp sống chân chánh an lạc. Cứ nhìn vào biểu đồ 46 cặp các pháp thiện-ác đối lập mà tu tập thì hiểu được đạo Phật dạy những gì và thấy rõ lợi ích như thế nào khi chọn lối sống tuân theo lời Phật dạy.

Rõ ràng Phật chỉ dạy hai điều: khổ và diệt khổ. Đi theo con đường không bằng phẳng (visama-magga) gồm 46 ác pháp thì khổ, bị trói buộc trong sinh tử khổ đau; từ bỏ con đường không bằng phẳng, bước đi trên con đường bằng phẳng (sama-magga) gồm 46 thiện pháp thì diệt khổ, được giải thoát, được an lạc.

Bài kinh cũng nói đến năm pháp môn rời bỏ 46 ác pháp, thực hành 46 thiện pháp, giúp cho mọi người dễ dàng thực hiện con đường diệt khổ theo nhiều cách thức khác nhau, cùng lúc thấy được tính chất cao cả và giải thoát của việc sống theo lời Phật dạy. Từ bỏ 46 ác pháp, thực thi 46 thiện pháp được gọi là pháp môn hướng thượng hay nếp sống cao cả (uparibhàvapariyàya), vì đó là lẽ sống nâng cao đạo đức (adhisìla), thăng tiến tâm thức (adhicitta) và tăng trưởng trí tuệ (adhipannà) của con người, giúp cho con người phát huy đầy đủ các phẩm chất giác ngộ có sẵn trong chính mình để đi đến hoàn thiện. Từ bỏ 46 ác pháp, tu tập 46 thiện pháp cũng được mệnh danh là pháp môn hay nếp sống giải thoát hoàn toàn (parinibbànapariyàya), nghĩa là một nếp sống bặt dứt hoàn toàn tham-sân-si, gốc rễ của 46 ác pháp, giải thoát hoàn toàn mọi mê lầm khổ đau, chấm dứt sinh tử luân hồi, đạt đến Niết-bàn tịch tịnh. Đây hẳn là lẽ sống muôn thuở của các bậc Thánh và các bậc chân nhân hiện diện trên cuộc đời.

Ngày xưa có vị Thiên tử tên Kàmada[14] đến thưa với Đức Phật về sự khó khăn của việc rời bỏ con đường không bằng phẳng để bước đi trên con đường thăng bằng, và bậc Giác ngộ xác nhận đó là việc làm của các bậc Thánh, của những con người hiểu biết:

Thiên tử Kàmada:

Khó đi, bạch Thế Tôn,
Con đường thật lồi lõm.

Đức Thế Tôn:

Tuy vậy, Kàmada,
Bậc Hiền Thánh vẫn đi,
Trên con đường khó đi,
Và có nhiều lồi lõm.
Kẻ phàm phu vấp ngã,
Trên đường mất thăng bằng.
Con đường đối bậc Thánh,
Là con đường thăng bằng.
Bậc Thánh bước thăng bằng,
Trên đường mất thăng bằng.

Do tập quán mê lầm được tích tập lâu đời nên kẻ phàm phu, thiếu hiểu biết, không phân biệt được đâu là thiện, đâu là ác, con đường nào là thăng bằng và không thăng bằng, không thấy được sự nguy hại của ác pháp và lợi ích của thiện pháp, bị lôi cuốn vào con đường mê lầm xấu ác, dễ dàng bước đi trên con đường không thăng bằng, có nhiều lồi lõm, đầy tai họa, dễ vấp ngã; xa lạ với con đường chân chánh hiền thiện, con đường thăng bằng, không lồi lõm, an toàn, không vấp ngã. Nói cách khác, kẻ vô văn phàm phu không tránh khỏi tai họa khổ đau do đặt để những bước đi sai lầm xấu ác, gọi là bước đi trên con đường không thăng bằng, con đường tham-sân-si hay con đường gồm 46 ác pháp.

Khác với những kẻ phàm phu (putthujanà), các bậc Thánh (Ariyà) và các bậc Chân nhân (Sappurisà) hiện diện giữa cuộc đời vốn có nhiều mê lầm xấu ác với những bước đi chân chánh hiền thiện, gọi là bước đi thăng bằng trên đường không thăng bằng. Nhờ có trí tuệ phân biệt rõ về chánh-tà, thiện-ác, thấy rõ sự nguy hại của ác pháp và lợi ích của thiện pháp, nên các bậc Thánh và các bậc Chân nhân dễ dàng rời bỏ các thói quen mê lầm xấu ác, kiên trì bước đi trên con đường chân chánh hiền thiện, thực thi nếp sống đoạn giảm (sallekhapariyàya), hân hoan trong lối sống hướng thượng (uparibhàvapariyàya), an lạc trong lẽ sống giải thoát hoàn toàn (parinibbànapariyàya).

Họ được gọi là những người đã chứng nghiệm rõ “có cái hạ liệt (hìna) (khổ và khổ tập hay chấp trì 46 ác pháp) và có cái cao thượng (panìta) (khổ diệt và con đường đưa đến khổ diệt hay sự thực hành 46 thiện pháp)”[15]. Họ được tôn xưng là những người có trí, “tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê”[16], do quyết tâm rời bỏ 46 ác pháp, thực thi 46 thiện pháp, thể hiện lẽ sống không tham giữa cuộc đời đầy tham[17], không sân giữa cuộc đời đầy sân[18], không mê lầm giữa cuộc đời đầy mê lầm[19], gọi là bước thăng bằng trên đường mất thăng bằng.

Rõ ràng, mọi con đường, thăng bằng (sama-magga) hay không thăng bằng (visama-magga), đều do con người kiến tạo nên từ lối sống của chính mình. Người thiếu hiểu biết tạo ra và bước đi trên con đường không thăng bằng (visama-magga), con đường lồi lõm, đầy nguy hiểm, dẫn đến khổ đau, bằng chính lối sống mê lầm xấu ác, không thăng bằng của mình. Đó là con đường của 46 ác pháp biến thái từ tham-sân-si. Trái lại, người có trí tuệ sáng tạo ra và bước đi trên con đường thăng bằng (sama-magga), con đường bằng phẳng, không lồi lõm, không nguy hiểm, đưa đến an lạc, do chính nếp sống chân chánh hiền hiện hay những bước đi thăng bằng mà người ấy thể hiện trong cuộc đời. Đó chính là con đường của 46 thiện pháp lưu xuất từ tâm thức không tham-sân-si.


Chú thích:

1. Kàmada, Tương Ưng Bộ.
2. Kinh Thừa tự pháp, Kinh Ví dụ tấm vải, Kinh Đoạn giảm, Trung Bộ; Kinh Không thăng bằng, Kinh Mất gốc, Tăng Chi Bộ.

3. Kinh Đoạn giảm, Trung Bộ.
4. Kinh Thừa tự pháp, Kinh Ví dụ tấm vải, Kinh Đoạn giảm,Trung Bộ.
5. Kinh Xà dụ, Trung Bộ.
6. Kinh Song tầm, Trung Bộ.
7. Kinh Pháp Cú, kệ số 183.
8. Xử sự không chân thực, xem thường giá trị của người khác.
9. Gian manh, gian lận.
10. Thái độ thiếu suy nghĩ, bồng bột, hời hợt.
11. Cho rằng mình hơn người.
12. Cứng đầu, không cầu tiến, khó dạy bảo.
13. Kinh Đoạn giảm, Trung Bộ.
14. Kinh Kàmada, Tương Ưng Bộ.
15. Kinh Ví dụ tấm vải, Trung Bộ.
16. Kinh Pháp Cú, kệ số 29.
17. Kinh Pháp Cú, kệ số 199.
18. Kinh Pháp Cú, kệ số 197.
19. Kinh Pháp Cú, kệ số 200.


Theo Văn hoá Phật giáo số 278 ngày 01-08-2017

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm