Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Những nền tảng về quan điểm sinh thái của Thiền tông Phật giáo

Nếu chính bạn, kẻ vốn là những dòng suối trong thung lũng và là những ngọn núi, mà không thể triển khai được quyền lực để làm rực sáng sự chân thực của những ngọn núi và những dòng suối của thung lũng, thì còn ai khác có đủ khả năng thuyết phục bạn rằng bạn và những ngọn núi và những dòng suối đều là một và là như nhau?
Mục lục

Nếu chính bạn, kẻ vốn là những dòng suối trong thung lũng và là những ngọn núi, mà không thể triển khai được quyền lực để làm rực sáng sự chân thực của những ngọn núi và những dòng suối của thung lũng, thì còn ai khác có đủ khả năng thuyết phục bạn rằng bạn và những ngọn núi và những dòng suối đều là một và là như nhau?

Thiền sư Đạo Nguyên Hy Huyền (Dogen Kigen)


Có lẽ một phần của việc làm người là đặt câu hỏi chúng ta là ai và là cái gì. Thật không may, bởi vì hầu như chúng ta hoàn toàn dựa vào các cảm giác của minh, càng nhìn kỹ, chúng ta càng diễn dịch sai điều ta nhìn thấy. Một mặt, chúng ta tin rằng mình chỉ là một hạt bụi vô nghĩa trong vũ trụ, tách rời khỏi tất cả mọi người khác, nói chi tới cái thế giới tự nhiên này. Nhưng chúng ta cũng tin rằng mình là sinh vật tiến hóa cao nhất trong sự tạo thiên lập địa, được quyền sử dụng cho mục đích của mình bất kỳ thứ gì mà mình tóm được.

Người Phật tử có một quan điểm khác về nhân loại. Xét về mặt phát triển tâm lý-tâm linh, con người đứng ở khoảng giữa đường, một đầu là các vị Phật, đầu kia là những sinh vật đơn bào. Tuy nhiên, ở mức độ tuyệt đối thì con người, các vị Phật, các sinh vật đơn bào, con chó, dòng suối, ngọn núi... đều là một và đều như nhau. Phật giáo chỉ rõ sự khác biệt hiển nhiên giữa điều ta thấy và việc ta thực sự là gì. Và điều đó được thực hiện bởi việc đào sâu vào gốc rễ của việc là người thì có ý nghĩa gì.

Điều đó có liên quan gì đến quan điểm sinh thái của Phật giáo? Vì quan điểm sinh thái của Phật giáo là không thể tách rời sự hiểu biết về bản chất cái ngã thật sự của chúng ta hơn là những ngọn núi và những dòng suối có thể bị tách rời khỏi cái ngã thật sự của chúng ta. Tiền đề cho quan điểm sinh thái của Phật giáo là: Khi hiểu được chúng ta thực sự là gì, chúng ta sẽ ở trong trạng thái hòa hợp với chính mình và với môi trường chung quanh của mình. Chúng ta sẽ thôi cố gắng làm trương nở cái tôi của mình bằng việc thủ đắc thêm của cải và quyền lực, sẽ nhận trách nhiệm về cái ngã vũ trụ của mình - nghĩa là chính thế giới này - và bắt đầu sống cuộc sống cho đi thay vì nhận lại.

Một cuộc sống có sự sáng suốt là cuộc sống hòa hợp với thế giới tự nhiên. Trong một thời đại mà ở đó rác thải tấp vào bờ biển, ở đó chúng ta tàn phá những cánh rừng chỉ trong vòng vài phút, ở đó chúng ta làm ô nhiễm không khí và nguồn nước với những hóa chất độc hại, tư tưởng sống hòa hợp với thế giới tự nhiên chỉ là một giấc mơ đã từ lâu bị quên lãng. Giống như tòa lâu đài cát bị những lượn sóng cuốn phăng, chúng ta đang làm xói mòn cái nền tảng cho sự hiện hữu của chính mình. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể quay lại với lối sống giản dị hơn, chu đáo hơn, thận trọng hơn - nếu chúng ta biết đến con đường!

Có một câu chuyện mà các thiền sư thường kể cho những tu sĩ nhập môn. Câu chuyện nói về một tu sĩ đi tìm thầy, nhưng quả thực câu chuyện còn có ý nghĩa nhiều hơn thế. Như tất cả những câu chuyện cùng loại, câu chuyện này thoạt đầu cũng có vẻ bí hiểm, không thể hiểu được, nhưng cuối cùng lại truyền cảm hứng. Câu chuyện có liên hệ với vấn đề đang bàn vì nó biểu hiện một lối sống tiêu biểu cho quan điểm sinh thái của Thiền.

Trong Phật giáo Trung Hoa cổ, vẫn có một tập tục về việc những tu sĩ du phương đi khắp nơi trong xứ để cầu học với các vị thầy mà họ nghĩ đó là bậc đã có chứng đắc. Một tu sĩ du phương được nghe nói về một vị thiền sư nổi tiếng ẩn cư bên một dòng sông, đã quyết tâm tìm đến để cầu pháp. Sau nhiều tuần trèo non lội suối, cuối cùng ông tìm đến được chỗ ẩn cư của vị thiền sư. Nhìn chăm chăm vào dòng sông trước am tranh của vị thiền sư, ông tràn ngập niềm vui với suy nghĩ sắp được gặp thầy. Ngay lúc ấy, ông nhìn thấy một bẹ cải bắp rơi xuống dòng sông rồi trôi về hạ nguồn. Vỡ mộng và vô cùng thất vọng, ông lập tức quay đầu toan bỏ đi. Vừa quay bước thì qua khóe mắt, ông thấy vị sư già chạy vội ra bờ sông, tăng bào lộng lên trong gió. Vị sư già đuổi theo bẹ bắp cải, vớt nó lên khỏi mặt nước rồi mang về am tranh. Nhà sư du phương mỉm cười quay lại. Ông đã tìm thầy được vị thầy của mình.

Để hiểu được vì sao nhà sư du phương muốn bỏ vị thầy mà đi ngay trước khi gặp ngài thì phải biết được những nền tảng về quan điểm sinh thái của Phật giáo. Tại sao một bẹ cải bắp đã bị thải loại lại làm dấy lên sự thất vọng nặng nề đến như vậy? Phải chăng ông này là người bảo vệ môi trường cuồng tín đến mức không thể chấp nhận được hành vi làm ô nhiễm nhỏ nhặt kia của người có thể là thầy của mình? Hay có một điều gì khác mà ông ta đã cảm nhận được? Xét cho cùng, hầu hết người ta chẳng nghĩ gì về về việc bỏ đi một mảnh bắp cải. Chắc chắn rất ít người coi đó là một sự phí phạm. Và nếu xảy ra chuyện nó trôi theo dòng suối... có sao đâu! Với tình trạng đất liền và biển cả bị tắc nghẽn bởi vô số những mảnh vụn của nền văn minh, một mảnh cải bắp dật dờ trôi xuôi dòng nước có thể được xem như điều không đáng kể, đến mức có thể còn là điều thú vị. Tuy nhiên, với nhà sư du phương, bẹ bắp cải trôi dạt kia có ý nghĩa nhiều hơn. Rác rưởi, sự phí phạm, phải đó, nhưng còn là chiếc cửa sổ nhìn vào sự thành tựu tâm linh của người sắp sửa là thầy mình. Đối với nhà sư mẫn cảm ấy, trong một khoảnh khắc, đó là một chứng cớ hùng hồn cho thấy vị thầy kia chưa vượt qua được dãy hàng rào cuối cùng của thiền định.

Cách chúng ta liên hệ và tương tác với môi trường nói lên nhiều điều hơn về mình so với những phần thưởng, những mảnh bằng tiến sĩ hay những thành công trong kinh doanh của ta. Điều ấy nói lên về ta nhiều hơn những bức tranh Chagalls, những chiếc nhẫn kim cương, những căn phòng ngủ ba giường mà ta sở hữu. Bởi vì chẳng phải những gì ta có mà chính là cách sống của ta tiết lộ nhân cách của chúng ta. Việc lãnh đạm đối với dù chỉ một mảnh bắp cải nhỏ bé cũng tiết lộ cái quan điểm nhị nguyên của ta về thế giới: Tôi tồn tại ở đây, còn thế giới này và tất cả những gì chứa đựng trong đó là ở ngoài kia - để tôi muốn làm gì với chúng thì làm tùy ý. Sự bất cẩn đó để lộ một sự thiếu nhận thức về giá trị duy nhất vốn có trong mỗi khía cạnh của sự sáng tạo. Nhận thức đó, vốn là linh hồn đối với quan điểm sinh thái của thiền Phật giáo, không phải là điều mà ai sinh ra cũng đã có ngay được; nó phải tăng trưởng dần xuyên suốt những năm tháng của sự giáo dục, huấn luyện và thực hành tôn giáo.

Mục tiêu của quan điểm sinh thái Phật giáo lớn lao hơn là một môi trường không ô nhiễm. Đó là một đời sống của sự giản dị, của tinh thần bảo tồn và của sự tự kiềm chế. Trên hết, quan điểm sinh thái ấy là một biểu thị về sự thành tựu tâm linh của cá nhân. Nó sinh ra với cá nhân rồi đơm bông kết trái thông qua sự hiểu biết và việc thực hành tôn giáo của cá nhân. Bắt rễ trong hành động, chứ không phải ở sự hiểu biết tri thức, cuối cùng nó trở thành hiện thực và được biểu thị thông qua hành vi hàng ngày của một con người. Những công việc tầm thường như dọn rác, nấu ăn, chùi rửa phòng vệ sinh, làm vườn... là tất cả những cơ hội để nuôi dưỡng sự tỉnh giác về mặt tâm linh.

Đối với nhà sư du phương, mảnh bẹ bắp cải bị bỏ rơi thể hiện rằng vị thiền sư kia vẫn thiếu sự tỉnh giác ấy. Nó cho thấy rằng vị thiền sư vẫn chưa tự thanh lọc được quan điểm cho mình là quan trọng. Hiểu sai bản chất thực của mọi hiện tượng, vị ấy vẫn còn giữ lối nhìn của một người bình thường. Chắc chắn, đó không phải là điều mà người ta trông đợi ở một vị thiền sư đã tỉnh giác thâm sâu.

Cho nên, quan điểm sinh thái của Phật giáo phải bắt nguồn từ kỷ luật và sự giáo dục về mặt tâm linh. Đối với một người hành thiền, kỷ luật đó khơi nguồn với một loại thiền định gọi là tọa thiền. Việc thực hành thiền định cho phép hành giả tập trung, gom tụ và làm tĩnh lặng tâm thức của mình. Thuật ngữ “tọa thiền” có nghĩa là ngồi yên với tâm gom tụ vào hay hoàn toàn bị thu hút vào một sự việc. Thông thường, tâm luôn bị che mờ bởi những suy nghĩ vẩn vơ, những mơ mộng, lo âu, phán đoán và khao khát đến nỗi ta không có khả năng thấy được mọi sự vật đúng với thực tướng của chúng. Chúng ta sống trong một cơn mộng, tiêu phí những ngày dài trong sự tiếc nuối hay phủ nhận quá khứ trong lúc vẫn hướng đến một tương lai với những lo âu và hy vọng. Và cứ thế, hiện tại thoát khỏi chúng ta ngay trước khi chúng ta nhận biết là có nó.

Mục đích của việc huấn luyện thiền định là học cách sống ngay tại đây và ngay bây giờ - nắm bắt từng khoảnh khắc đúng như thực tướng của nó. Việc thực hành thiền định đòi hỏi sự chú ý hoàn toàn vào nhiệm vụ đang trong tầm tay: tỉnh thức trọn vẹn và hoàn toàn bị thu hút vào từng khoảnh khắc. Chẳng hạn, địa vị của người trưởng nhà bếp trong một thiền viện thường được nắm giữ bởi một vị tăng hay một vị ni thuộc hàng tinh tấn nhất, vì chỉ có những vị như thế mới biết niềm nở đón tiếp và quan tâm đến những đòi hỏi của thực phẩm. Thiền sư Đạo Nguyên nói rằng một đầu bếp phải biết đối xử với gạo và rau quả như thể đó chính là con mắt của mình. Ngài đã khuyên nhủ người đầu bếp của tu viện phải có thái độ đúng mực trong việc chuẩn bị thực phẩm bằng những lời lẽ sau: Hãy mở to con mắt của ông ra. Đừng để cho rơi vãi dù chỉ một hạt gạo. Hãy vo gạo thật sạch rồi đổ gạo vào nồi, bật lửa lên và nấu chín. Cổ nhân từng nói, ‘Hãy xem cái nồi như đầu của chính mình. Hãy xem nước như máu của chính mình’.

Việc thực hành sự chú ý không ngừng nghỉ cho phép - thực ra là bắt buộc - hành giả đối mặt với từng khoảnh khắc mà không bị che mờ bởi những phán đoán. Làm chủ được kỷ luật ấy, hành giả có thể đối đầu với sự ô nhiễm nền tảng nhất của tất cả mọi sự ô nhiễm, đó là sự ô nhiễm của sự thanh tịnh hay Phật tánh của chúng ta - với tâm thức - cái trí năng suy diễn của chúng ta có nền tảng là tự ngã.

Theo quan điểm của Thiền Phật giáo, trí năng và kẻ hầu cận trung thành của nó, tự ngã, chính là nguồn gốc ban đầu của mọi sự nhiễm ô. Tuy nhiên, không phải nhờ sự loại bỏ trí năng, nhưng hiểu biết đúng về chức năng của nó, mà chúng ta tiêu diệt được nguồn gốc của sự ô nhiễm. Vai trò chủ yếu của trí năng là đánh giá thế giới hiện tượng thông qua việc xếp hạng, phân tích và phán đoán. Vì chúng ta thường nhìn mọi sự vật thông qua khả năng đặc biệt này, chúng ta chia môi trường của chúng ta thành ra những gì mà chúng ta cảm nhận được như là bên trong và bên ngoài. Bằng cách làm như vậy, chúng ta phát minh ra một cái “tôi” gắn liền với những cảm giác “của tôi”, suy nghĩ “của tôi”, nhu cầu “của tôi”, khát vọng “của tôi”. Cái “tôi” ấy, Phật giáo gọi là “tự ngã”, thống trị cá nhân đến mức lần lần nó trở thành nhà độc tài toàn hiện, tác động không chỉ chính cá nhân ấy mà ảnh hưởng tới bất kỳ những gì liên kết với cá nhân ấy. Mặc dù ta có một niềm tin mù quáng về tính chân thực của cái ngã nhỏ bé ấy, thực tế, cái ngã ấy không hề tồn tại. Việc hành thiền chỉ ra một cách nhằm giải thoát con người khỏi sự níu kéo của tự ngã bằng việc mô tả rõ ràng về bản chất thực của nó. Một khi chúng ta phát hiện tính không có thực của tự ngã, chúng ta sẽ không còn liên hệ với thế giới này từ một quan điểm cá nhân tự coi mình là trung tâm, mà thay vào đó là từ một quan điểm phổ quát. Đó chính là thế giới quan của một nhà sinh thái học chân chính. Hầu như chẳng có ai được sinh ra với thế giới quan thống nhất ấy. Bằng cách nào người ta đạt tới đó? Thực ra, vào lúc này hay lúc khác, nhiều người có những trải nghiệm mơ hồ về tính tương quan tương liên của sự sống. Những cái nhìn thấu thị đó thường làm thay đổi cách họ nhìn về cuộc đời, giúp cho họ có cảm giác họ là một phần gắn bó nhiều hơn với thế giới và vì thế khiến họ có trách nhiệm nhiều hơn với sự an toàn của thế giới.

Một sinh viên nói với tôi rằng lần đầu tiên cậu ta được thuyết phục về tính thống nhất của mọi sự vật đang hiện hữu là lúc đang bơi: Trong khoảnh khắc, mọi sự dần biến mất. Chẳng còn bãi biển, đại dương, tiếng động, sự chuyển động, cũng chẳng còn cả tôi nữa. Mọi sự kết nối với nhau trong một sự hòa hợp hoàn hảo, một trạng thái hư vô tràn ngập mọi sự vật. Tôi bị lấp đầy bởi một niềm vui và một sự ngạc nhiên không thể diễn tả được. Cảm giác đó kéo dài chưa tới một giây đồng hồ, nhưng tôi không bao giờ quên được. Chính trải nghiệm đó đưa tôi đến với việc thực hành thiền định vài năm sau.

Những người khác kể về những kinh nghiệm tương tự khi đi dạo trong rừng, lúc nghe nhạc, lúc lướt ván, khi ngồi yên, hoặc làm bất kỳ việc gì khác có thể tưởng tượng được. Đối với hầu hết mọi người, kinh nghiệm đó sớm nhạt dần, để lại một cảm giác phù du về tính duy nhất của tất cả mọi cuộc đời. Khao khát sống lại và kiểm soát được kinh nghiệm đó thường kích thích các cá nhân thực hiện một hành trình tâm linh.

Sự tự nhận thức hay sự tỉnh thức ấy mang lại một sự thuyết phục không thể lay chuyển được rằng tất cả mọi sự về bản chất chỉ là một, là toàn thể và là trọn vẹn. Theo thời gian, những cảm giác từng xuất hiện từ một sự chấp nhận bởi lý trí hoặc từ một ấn tượng mơ hồ về tính tổng thể ấy trở thành một kiến thức vững vàng về tính thống nhất của mọi sự sống. Sự tỉnh giác về tâm linh ấy đưa tới nhận thức rằng chúng ta không chỉ là một cái vảy nhỏ trong vũ trụ, có hai tay hai chân một gương mặt và một tâm thức, mà chúng ta gồm cả mọi hiện hữu. Nói khác đi, sự tỉnh giác mang lại nhận thức rằng chúng ta không hề bé nhỏ hơn cả vũ trụ này. Đó chính là điều Đức Phật đã khẳng định bằng những lời dạy sau: Quả thực, Ta tuyên bố với các người rằng chính trong tấm thân này, mặc dù nó là đối tượng của cái chết và chỉ dài hơn một trượng, nhưng có ý thức và được phú cho một cái tâm, là cả thế giới tăng giảm từ đó, và là cả con đường đưa tới sự tiêu vong từ đó.

Người Phật tử không tin rằng cây cối, gió nước, trăng sao cũng như cả trái đất rộng lớn vĩ đại này có được một sự thiêng liêng nào đó thông qua quá trình khai thiên lập địa của một vị thượng đế. Thực ra, họ được thuyết phục rằng bản chất của vũ trụ này chẳng là gì khác hơn sự hoàn hảo thiêng liêng của tự thân nó, tóm lại, chính là sự Tỉnh Thức. Điều hiểu biết này, có nền tảng là sự tỉnh giác về mối quan hệ tương thuộc của tất cả mọi hiện hữu, tự nhiên làm phát sinh những cảm giác sâu xa về sự thân mật, về tình thương phổ quát, về tinh thần trách nhiệm đối với thế giới tự nhiên. Thiền sư Vinh Tây phát biểu điều đó như sau: Vì có tôi mà bầu trời vẫn lơ lửng và trái đất được chống đỡ. Vì có tôi mặt trăng và mặt trời vẫn quay tròn. Bốn mùa nối tiếp nhau, mọi vật sinh thành, bởi vì có tôi, nghĩa là, bởi vì có Tâm.

Nếu ở một mức độ sâu sắc, chúng ta chấp nhận rằng về bản chất mọi hiện tượng đều là một với chính thân xác ta, ta sẽ đối xử với tất cả bằng sự tôn kính,dù đó có là sinh động hay không. Vì tất cả không có gì là những thực thế riêng biệt, điều gì xảy ra cho vũ trụ này thì cũng xảy ra cho chính thân xác chúng ta. Cho nên, quan điểm sinh thái của Phật giáo không chỉ bao gồm hành tinh này, mà bao gồm toàn thể vũ trụ.

Một người có nhận thức tâm linh sâu sắc sẽ có mối quan tâm dịu dàng đối với mọi khía cạnh của sự sáng tạo. Một người như vậy sẽ không còn lảm hại bất kỳ một sinh thể nào hơn là người ấy có thể làm hại chính mình. Kinh điển Phật giáo cho rằng một vị Bồ-tát còn không dám đi trên cỏ vì sợ làm hại cỏ. Quả thực, giới điều đầu tiên của Phật giáo là khuyên không giết hại, thay vào đó phải coi trọng mọi sự sống. Thái độ đó đặc biệt quan trọng đối với thực phẩm, vì bất kỳ cái gì chúng ta ăn thì chúng cũng phải chết đi để nuôi dưỡng ta. Tuy nhiên, sẽ ít tệ hại hơn ở mức độ tương đối nếu như ta lấy đi sự sống của một củ cà-rốt, một trái táo thay vì ta lấy đi sự sống của một sinh vật ở mức độ tiến hóa cao như con bò, con gà hay con tôm. Cũng vậy, từ một quan điểm thuần túy vì sinh thái, sẽ ít thiệt hại cho môi trường khi ta chỉ ăn những thực phẩm ở mức thấp trong chuỗi thực phẩm. Tất cả những điều đó giải thích tại sao những người Phật tử thường là người ăn chay.

Thêm một khía cạnh quan trọng khác của Phật giáo có ảnh hưởng đến quan điểm sinh thái. Phật giáo dạy về nghiệp, được giải thích là mối quan hệ nhân quả đối với hành động của ta. Nghiệp có nghĩa là bất kỳ điều gì người nào gieo thì người ấy sẽ gặt, cho dù tốt hay xấu. Hậu quả của những hành động tốt luôn là tốt. Ngược lại, hành động xấu sẽ mang tới sự đáp trả đau đớn. Phật tử nhận thức rằng mọi hành động của chúng ta đều thường xuyên tạo nghiệp. Người tin vào luật nhân quả sẽ cẩn thận không gây ra đau đớn cho người khác, cho sinh vật cây cỏ hoặc ngay cả hành tinh này, vì làm hại chúng đồng thời cũng là làm hại chính mình.

Điều đó xảy ra ở hai mức độ. Từ quan điểm của một sự nhận thức tâm linh, ta làm hại chính mình mỗi khi ta gây hại cho môi trường vì ta chính là môi trường. Từ quan điểm của luật nhân quả, ta làm hại chính ta vì ta tạo ra một nghiệp xấu, điều mà sẽ làm ta phải chịu đau khổ sớm hay muộn. Một Phật tử thành tâm sẽ không bao giờ đổ hóa chất độc hại xuống sông vì người đó biết một cách dứt khoát rằng như vậy nghĩa là người ấy tự đầu độc mình cả ngay bây giờ lẫn trong tương lai. Điều đó nghĩa là người ấy đầu độc ngay bây giờ cái thân xác tuyệt đối của mình - thế giới này; và đầu độc tương lai của mình thông qua nghiệp xấu phải trả.

 

Tất nhiên, phải mất nhiều năm trước khi một thiền sinh có khả năng chấp nhận ý niệm về sự đáp trả của nghiệp. Bên cạnh đó, nghiệp phục vụ như một yếu tố ngăn cản hành động xấu hơn là khuyến khích một hành vi có tránh nhiệm đối với sinh thái. Vậy thì làm thế nào để một thiền sinh vốn là kẻ thiếu những kinh nghiệm giác ngộ thúc đẩy lại có thể nuôi dưỡng một thái độ thể hiện sự tôn kính trái đất và tất cả cư dân của nó?

Trước hết, những phương tiện ban đầu của việc tiếp nhận một sự tỉnh giác về sinh thái nằm ở sự giáo dục và các hành động gương mẫu. Chẳng hạn, những thiền sinh sơ cơ được dạy rằng không được phung phí nước mà phải biết tiết kiệm. Trong những cuộc ẩn tu hoặc những dịp khác, người thầy nhắc nhở những vị sơ cơ đừng để nước tiếp tục chảy trong lúc đánh răng. Tương tự, khi tắm, các vị ấy cũng phải biết tắt nước lúc xoa xà-bông lên người và khi gội đầu. Cũng vậy, người có trách nhiệm trong nhà bếp nhắc nhở không để nước chảy tràn khi rửa rau hay rửa chén đĩa.

Việc tránh phung phí không chỉ đối với nước. Người thiền sinh sơ cơ được dạy phải biết tận dụng lại từng mẩu giấy và nghĩ đến việc tái sử dụng chúng. Phần lớn giấy trắng đã dùng được sử dụng vào các mục đích khác. Các loại rác thải có thể tái sản xuất sẽ được tách riêng rồi đưa đến cơ sở chế biến lại. Phần rau củ không dùng để nấu nướng ngay trở thành nguyên liệu dự trữ cho nồi súp hoặc trở thành chất bón cho các loài thực vật. Thực phẩm không bao giờ bị phí phạm. Trong bữa ăn, thiền sinh sơ cơ học cách làm sạch mọi miếng thức ăn trên dĩa bằng cách vét với bánh mì, các loại dưa cải ngâm hoặc mẩu cà- rốt. Việc cầu nguyện trước bữa ăn nhắc nhở các thiền giả phải sử dụng thực phẩm trong chánh niệm với tinh thần biết ơn người tạo ra chúng.

Những người đang được huấn luyện thiền tập Phật giáo cũng được dạy phải biết bảo vệ môi trường. Các phương tiện được dùng để làm sạch phải có tính cách an toàn đối với môi trường. Các loại thuốc xịt hầu như không bao giờ được nghe nói tới ở các trung tâm thiền. Đèn luôn luôn được tắt khi không cần thiết.

Thiền sinh cũng được dạy phải đối xử với mọi sinh vật bằng tâm từ. Thảo mộc cũng có đời sống, không được tự tiện hủy hoại. Tại nhiều trung tâm thiền, hiếm khi hoa được hái chỉ để trang trí mặc dù hoa vẫn được dùng để cúng dường trên bàn thờ. Thường thường, cây xanh trên bàn thờ là sản phẩm nhân tạo hoặc đã được xấy khô để có thể sử dụng lâu. Ngay cả hoa trên bàn thờ cũng vậy.

Như một cách dâng hiến cho thế giới chứ không chỉ lấy về từ đó, nhiều trung tâm thiền vẫn trồng cây trồng hoa. Nhiều nhóm Phật tử gìn giữ những khu vườn xanh và sạch. Thành viên của những trung tâm thiền thường tham gia vào việc quét đường quét chợ nơi họ sinh sống. Các trung tâm khác luôn luôn có những ngày không dùng bữa để cúng dường chi phí của những bữa ăn ấy cho những tổ chức cứu đói.

 

Ban đầu, các thiền sinh sơ cơ làm những điều ấy với một cảm giác bắt buộc; đó là việc “đúng” phải làm, nhưng bên cạnh, đó là một phần của chương trình huấn luyện. Tuy vậy, khi tâm thức của người thiền sinh phát triền, những thực hành ấy trở thành thói quen. Hơn nữa, chúng trở thành một phần lối sống của một người. Chẳng hạn, việc tái chế rác không bao giờ là vấn đề quá rắc rối, quá không thuận tiện hoặc không cần thiết đối với họ. Thiển sinh thực hiện điều ấy với cùng trạng thái không cần phải tự ý thức, chẳng khác việc đánh răng hàng ngày. Cuối cùng những điều ấy trở thành lối sống và là một sự thể hiện của sự tỉnh giác về tâm linh của một con người, một sự hiểu biết ngấm sâu vào mọi khía cạnh của cuộc sống của người ấy.

Sống hòa hợp với thiên nhiên không thể xảy ra chỉ qua một đêm. Phải trải qua nhiều năm huấn luyện và có sự hiểu biết về tâm linh sâu sắc để hành động của một người trở nên tự động hướng đến cái chung chứ không còn chỉ thấy mình là trung tâm. Trở lại với câu chuyện của nhà sư du phương với vị Thiền sư đã được kể ở trước. Nhà sư du phương ở lại với thầy vì thấy vị thầy đuổi theo chiếc lá; vị thầy chẳng thể nào làm khác. Hành động của ngài ra ngoài ý thức chẳng khác việc ngài tự động tìm chiếc gối bị rời ra khỏi đầu khi đang ngủ say. Cuộc đời của vị thầy thấm đẫm từ tâm và sự chăm sóc cẩn thận đối với tất cả mọi sự, kể cả một bẹ bắp cải. Ngài biết rất rõ rằng chẳng có điều gì tách rời khỏi vũ trụ này, nghĩa là tách rời khỏi chính chúng ta.

Nếu bạn bị thuyết phục vì điều đó, như Thiền sư Đạo Nguyên nói, “ngươi và những dòng suối và những ngọn núi chỉ là một và đều như nhau” làm sao bạn có thể sống cuộc sống vị kỷ làm hại môi trường? Khi một khối dầu tràn đe dọa đến đại dương, có thể nào một con sóng đứng yên bên ngoài, hành động như thể nó không bị ô nhiễm, hay chỉ hành động để làm sạch riêng nó? Không, con sóng và đại dương hành động như một, vì trong thực tế, chúng là một. Điều tác động vào đại dương cũng tác động đến con sóng. Hệt như vậy, điều gì ảnh hưởng đến vũ trụ, cũng ảnh hưởng đến từng người trong chúng ta, vì chúng ta và vũ trụ chẳng hề là hai. Cho nên, ở một con người có trí tuệ và có từ tâm thì mối quan tâm đối với thế giới này tự nhiên xuất hiện. Sự biểu lộ của lòng từ phổ biến ấy chính là sinh thái.


Nguyên tác: The Foundations of Ecology in Zen Buddhism, Ven. Sunyana Graef, Religious Edication Vol. 85, Issue 1 Winter 1990. Tác giả: Sunyana Graef sinh tại Boston và lớn lên ở New York Hoa Kỳ. Sau khi nghiên cứu về tôn giáo và triết học tại trường Đại học Bard, bà bắt đầu thực hành thiền Phật giáo vào năm 1969 dưới sự hướng dẫn của Đại sư Philip Kapleau. Bà đã thụ giới vào năm 1986 và được công nhận là người thừa kế pháp của ngài Philip Kapleau. Bà sáng lập Vermont Zen Center vào năm 1988. Nguồn: http://enlight.lib.ntu.edu. tw/FULLTEXT/JR-ADM/graef.htm.


Ven.Sunyana Graef
Nguyễn Văn Nhật dịch
Theo Văn hoá Phật giáo số 312 ngày 1-1-2019

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm