Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Ích lợi của việc sám hối

Sám hối trong đạo Phật không phải là lời xin lỗi suông để xóa đi sự ray rứt trong lòng. Sám hối cũng không phải là hành động mua chuộc dâng cúng, lễ lạy hành xác tạ tội, rồi sau đó tánh nào tật nấy, mà sám hối đây là một pháp môn tu tập.
Mục lục

Người theo đạo Phật tin vào thuyết luân hồi, tin vào nhân quả nghiệp báo. Cho nên con người không chỉ chịu trách nhiệm về những tội lỗi của mình gây ra trong đời hiện tại, mà còn phải gánh vác thừa tự tội lỗi nghiệp chướng mà mình đã gây ra từ nhiều đời trong quá khứ theo quy luật nhân quả. Để chuyển hóa nghiệp lực, tiêu trừ tội lỗi trong quá khứ cũng như hiện tại, người Phật tử hiểu đạo đều mong muốn thực hiện “Pháp tu sám hối”. 

Sám hối mang lợi ích tích cực giúp con người chuyển đổi nhận thức, dựng lại lòng tự tin, chừa bỏ không tái phạm những lỗi lầm xấu ác cũ.

Pháp tu sám hối là phương tiện vi diệu để con người ngăn chặn kịp thời các tội ác...

1. Sám hối có thể chuyển hóa nghiệp lực, tiêu trừ tội lỗi, tu hành đạt quả vị giải thoát an vui:  

Lịch sử Phật giáo có ghi nhiều sự kiện sám hối như việc vua A-Xà-Thế vốn mang tội ngũ nghịch, vì muốn soán ngôi hoàng đế, nên đã ra lệnh giết chết vua cha Tần-Bà-Sa-La thật tàn nhẫn. Thời gian sau đó, nhà vua sống trong ngày đêm đau khổ vì hối hận. Nghe lời khuyên của trung thần, vua A-Xà-Thế đã đến yết kiến Đức Phật và bày tỏ lòng sám hối về tội ác do mình gây ra. Với lòng đại từ đại bi, Đức Phật đã ân cần ban pháp nhủ và an ủi nhà vua rằng: “Trên thế gian có hai loại người có thể có hạnh phúc chân chính, một là người tu thiện pháp không tạo tội, hai là người tạo tội mà thành tâm sám hối”. Ngài cũng giảng thêm rằng: “Trên đời này có ai là người không phạm tội? Biết lỗi thì sửa đổi, không tái phạm, đó là cách hành xử của người đứng đắn”. Tiếp theo Đức Phật khuyên vua hãy bỏ qua chuyện quá khứ, để chuộc lại lỗi lầm, từ nay nên lấy chánh pháp, lấy đức độ cai trị nhân dân, nên làm việc thiện lành, tránh xa việc ác thì tâm trí nhà vua sẽ được an ổn, hạnh phúc.

Nghe Đức Phật giáo huấn như thế, vua A-Xà-Thế cảm thấy hơi thở mình phút chốc được nhẹ nhàng như vừa trút bỏ được tảng đá đè nặng trên lồng ngực trong thời gian qua. Và ngay trong giây phút đó, thâm tâm nhà vua lóe lên một niềm hy vọng, một niềm tin tưởng mới. Vua xin quy y Tam Bảo, trở thành đệ tử của Phật. Và từ đó vua A-Xà-Thế vâng lời Phật dạy, luôn thực hiện nhiều việc công ích, phước thiện, nổi tiếng là một vị vua hộ pháp rất mạnh mẽ trong thời Phật.

2. Sám hối giúp ngừng ngay việc làm xấu ác trong hiện tại và ngăn chận những việc xấu ác phát sinh trong tương lai: 

Trong kinh Trung Bộ số 86 kể lại vào thời Phật, có một tên sát thủ nổi tiếng, biệt danh là Daku Angulimala (nghĩa là đeo xâu chuỗi bằng ngón tay người).  Angulimala còn có tên là Vô Não, chuyên chận bắt và giết người ở ven rừng để thu hoạch 100 ngón tay, dùng làm lễ vật dâng vị thầy hứa dạy thần thông cho ông ta. Khi đã giết được 99 người, thì không còn tìm thấy một ai lãng vãng ở ven rừng, nên hắn ta quay về nhà định giết mẹ ruột của mình. Ngay khi đó, Đức Phật quán chiếu thấy hắn ta có duyên với Ngài vào đời trước, nên Ngài xuất hiện với tâm từ muốn độ hắn ta buông đao thoát tội ngũ nghịch. Lúc gặp Phật, Angulimala chuyển ý định giết mẹ sang giết Phật để cắt lấy ngón tay của Ngài cho đủ số. Câu chuyện kể rằng chỉ một chút thần thông “đi nhanh” khiến tên tướng cướp không đuỗi theo kịp. Và khi Ngài dừng lại, chỉ vài câu đối thoại hai bên, Đức Phật đã giúp cho Angulimala giựt mình tỉnh ngộ, tâm trí thiện lương bị vô minh che lấp bấy lâu, bỗng chốc bừng sáng. Angulimala xin được theo Phật, một lòng sám hối, từ bỏ ác nghiệp.

Kinh Trung Bộ cho biết sau đó Angulimala trở thành một vị tỳ kheo tu hành tinh tấn, tôn giả nhẫn nhục chịu nhiều quả báo đau khổ. Sau cùng cũng đạt thánh quả A-La-Hán. Nếu không gặp Phật và không được Ngài thu phục thì người kế tiếp bị Angulimala giết chính là mẹ của mình, và ông sẽ tiếp tục chìm đắm trong ác đạo, tiếp tục là mối họa kinh hoàng cho dân chúng thời đó.

3. Phát triển tánh thành thật, hạnh thanh cao, hiện tiền được hạnh phúc an vui: 

Người gây tội lỗi dù lớn hay nhỏ, nếu có lương tâm chắc chắn phải trải qua những ngày tháng sống trong ray rứt lo âu. Nếu thành tâm sám hối, không làm việc ác nữa mà làm những điều thiện lành sẽ khiến cho tâm hồn được phần nào nhẹ nhàng an ổn. Tâm an ổn là điều kiện cần thiết cho những quyết định sáng suốt đưa tới thành công trong nghề nghiệp, mang niềm vui, hạnh phúc cho mình và cho gia đình. Tâm an ổn, không lo âu, không phiền não, cũng chính là mục tiêu của việc tu tập trên con đường tâm linh đưa tới giải thoát giác ngộ. Vì thế “Pháp tu sám hối” rất quan trọng và cần thiết cho tất cả mọi người.

Theo phatgiao.org.vn

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm