Tùy niệm (anussati) nghĩa là chú tâm nhớ đến, nghĩ đến, suy tư đến, nhận thức rõ về một đối tượng nhờ đó tâm được an trú trên đối tượng ấy, trở nên chuyên chú vào đối tượng ấy, đạt đến tịnh tín, hân hoan sanh khởi, các phiền não của tâm được đoạn tận[1]. Đây là pháp môn tu tập có công năng an trú tâm, thanh lọc tâm, tịnh hóa tâm, đưa đến tâm định tĩnh, an tịnh, vắng bặt các phiền não tham-sân-si. Theo cách này, một số các đối tượng tùy niệm được đề xuất như Phật, Pháp, Tăng, giới đức, bố thí, chư Thiên gọi là niệm Phật (Buddhànussati), niệm Pháp (Dhammànussati), niệm Tăng (Sanghànussati), niệm Giới (sìlànussati), niệm Thí (càgànussati), niệm Thiên (devatànussati). Kinh Phật gọi pháp môn tu tập này là sự gột sạch một tâm tư cấu uế bằng phương pháp thích nghi[2].
Sở dĩ các đối tượng trên được đề xuất ấy là do Phật, Pháp, Tăng, giới đức, bố thí, chư Thiên có liên quan mật thiết đến niềm tin của người Phật tử, gần gũi với tâm niệm tu tập hàng ngày của người Phật tử; nghĩa là người Phật tử thường xuyên lấy các đối tượng trên để thiết lập và củng cố lòng tin hướng thiện của mình, dùng các đối tượng trên để sách tấn, khích lệ mình nỗ lực học hỏi và tu tập, tìm thấy hân hoan thanh thản trong các pháp tu tập ấy. Luận Thanh tịnh đạo nói rằng sáu đối tượng tùy niệm trên là các pháp khiến hỷ giác chi (yếu tố phấn khích của tâm dự phần vào mục đích giác ngộ) sinh khởi[3].
Một bận, Đức Thế Tôn giảng dạy cho nam cư sĩ Mahànàma:
“Ở đây, này Mahànàma, Ông hãy tùy niệm Như Lai: ‘Đây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn’. Này Mahànàma, trong khi Thánh đệ tử tùy niệm Như Lai, trong khi ấy, tâm không bị tham ám ảnh, tâm không bị sân ám ảnh, tâm không bị si ám ảnh; trong khi ấy, tâm được chánh trực nhờ duyên Như Lai. Vị Thánh đệ tử, này Mahànàma, với tâm chánh trực, có được nghĩa tín thọ, có được pháp tín thọ, có được hân hoan liên hệ đến pháp. Khi có hân hoan, hỷ sanh; khi có hỷ, thân được khinh an; khi thân khinh an, cảm giác được lạc thọ; khi có lạc thọ, tâm được định tĩnh. Này Mahànàma, như vậy gọi là bậc Thánh đệ tử sống đạt được bình đẳng với chúng sanh không bình đẳng, sống đạt được vô sân với chúng sanh có sân, nhập được pháp lưu, tu tập Phật tùy niệm.
Lại nữa, này Mahànàma, Ông hãy tùy niệm Pháp: ‘Khéo thuyết là pháp Thế Tôn thuyết giảng, thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, do người trí tự mình giác hiểu’. Này Mahànàma, trong khi vị Thánh đệ tử tùy niệm Pháp, trong khi ấy, tâm không bị tham ám ảnh, tâm không bị sân ám ảnh, tâm không bị si ám ảnh; trong khi ấy, tâm được chánh trực nhờ duyên Pháp. Vị Thánh đệ tử, này Mahànàma, với tâm chánh trực, có được nghĩa tín thọ, có được pháp tín thọ, có được hân hoan liên hệ đến pháp; khi có hân hoan, hỷ sanh; khi có hỷ, thân được khinh an; khi thân khinh an, cảm giác được lạc thọ, khi có lạc thọ, tâm được định tĩnh. Này Mahànàma, như vậy gọi là bậc Thánh đệ tử sống đạt được bình đẳng với chúng sanh không bình đẳng, sống đạt được vô sân với chúng sanh có sân, nhập được pháp lưu, tu tập Pháp tùy niệm.
Lại nữa, này Mahànàma, Ông hãy tùy niệm Tăng: ‘Thiện hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn, trực hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn, ứng lý hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn, tịnh hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn, tức là bốn đôi, tám vị. Chúng đệ tử này của Thế Tôn là đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay là ruộng phước vô thượng ở đời’. Này Mahànàma, trong khi vị Thánh đệ tử tùy niệm Tăng, trong khi ấy, tâm không bị tham ám ảnh, tâm không bị sân ám ảnh, tâm không bị si ám ảnh; trong khi ấy, tâm được chánh trực nhờ duyên Tăng. Vị Thánh đệ tử, này Mahànàma, với tâm chánh trực, có được nghĩa tín thọ, có được pháp tín thọ, có được hân hoan liên hệ đến pháp. Khi có hân hoan, hỷ sanh; khi có hỷ, thân được khinh an; khi thân khinh an, cảm giác lạc thọ; khi có lạc tho, tâm được định tĩnh. Này Mahànàma, như vậy gọi là bậc Thánh đệ tử sống đạt được bình đẳng với chúng sanh không bình đẳng, sống đạt được vô sân với chúng sanh có sân, nhập được pháp lưu, tu tập Tăng tùy niệm.
Lại nữa, này Mahànàma, Ông hãy tùy niệm Giới của mình: ‘Không có bể vụn, không có cắt xén, không có vết nhơ, không có chấm đen, đưa đến giải thoát, được người trí tán thán, không bị chấp trước, đi đến Thiền định’. Này Mahànàma, khi nào bậc Thánh đệ tử tùy niệm Giới... trong khi ấy, tâm được chánh trực nhờ duyên Giới... nhập được pháp lưu, tu tập Giới tùy niệm.
Lại nữa, này Mahànàma, Ông hãy tùy niệm Thiên: ‘Có bốn Thiên vương thiên, có chư Thiên cõi Trời Ba-mươi-ba, có chư Thiên Yàma, có chư Thiên Tusita (Đâu-suất), có chư Thiên Hóa lạc, có chư Thiên Tha hóa Tự tại, có chư Thiên Phạm chúng, có chư Thiên cao hơn nữa. Đầy đủ với lòng tin như vậy, chư Thiên ấy, sau khi chết ở chỗ này, được sanh tại chỗ kia. Lòng tin như vậy cũng có đầy đủ nơi Ta. Đầy đủ với giới như vậy, chư Thiên ấy, sau khi chết ở chỗ này, được sanh tại chỗ kia. Giới như vậy cũng có đầy đủ nơi Ta. Đầy đủ với nghe pháp như vậy, chư Thiên ấy, sau khi chết ở chỗ này, được sanh tại chỗ kia. Nghe pháp như vậy cũng có đầy đủ nơi Ta. Đầy đủ với thí như vậy, chư Thiên ấy sau khi chết ở chỗ này, được sanh tại chỗ kia. Thí như vậy cũng có đầy đủ nơi Ta. Đầy đủ với tuệ như vậy, chư Thiên ấy sau khi chết ở chỗ này, được sanh tại chỗ kia. Tuệ như vậy cũng có đầy đủ nơi Ta’. Trong khi vị ấy tùy niệm tín, giới, nghe pháp, thí và tuệ của tự mình và chư Thiên ấy, trong khi ấy, tâm không bị tham ám ảnh, tâm không bị sân ám ảnh, không bị si ám ảnh; trong khi ấy, tâm vị ấy được chánh trực nhờ duyên chư Thiên. Vị Thánh đệ tử, này Mahànàma, với tâm chánh trực, có được nghĩa tín thọ, có được pháp tín thọ, có được hân hoan liên hệ đến pháp. Khi có hân hoan, hỷ sanh; khi có hỷ, thân được khinh an; khi thân khinh an, cảm giác lạc thọ; khi có lạc tho, tâm được định tĩnh. Này Mahànàma, như vậy gọi là bậc Thánh đệ tử sống đạt được bình đẳng với chúng sanh không bình đẳng, sống đạt được vô sân với chúng sanh có sân, nhập được pháp lưu, tu tập chư Thiên tùy niệm”[4].
Theo lời Phật thì có sáu đối tượng tùy niệm có công năng giúp cho người Phật tử nhiếp phục tham-sân- si, thành tựu tâm chánh trực, chứng được nghĩa tín thọ (atthaveda), tức hiểu rõ ý nghĩa và mục đích của việc tu học theo lời Phật là nhằm diệt trừ tham-sân-si, chứng quả giải thoát Niết-bàn, đạt được Pháp tín thọ (Dhammaveda), tức biết rõ Bát Thánh đạo hay Giới- Định-Tuệ chính là phương pháp có khả năng diệt trừ tham-sân-si, đưa đến Niết-bàn, thực nghiệm tâm hân hoan liên quan đến việc tu học Phật pháp, thành tựu Tăng thượng tâm đưa đến Thiền định, thể hiện nếp sống không tham-sân-si giữa cuộc đời còn lắm tham- sân-si gọi là “nhập pháp lưu, sống đạt được bình đẳng với chúng sanh không bình đẳng, sống đạt được vô sân với chúng sanh có sân”.
Nói cách khác, đó là sáu pháp môn tu tập giúp cho người Phật tử thể hiện những bước đi trên con đường Giới-Định-Tuệ của Phật, tuần tự hoàn thiện giới đức, tâm đức và tuệ đức, chứng nhập pháp lưu (thể nhập Thánh đạo hay con đường đưa đến giải thoát khổ đau), lần lượt dứt trừ các kiết sử, thành tựu các đạo quả giác ngộ.
“Nhập pháp lưu” tức là có trí tuệ hay đắc pháp nhãn (Dhammacakkhu) thể nhập Phật pháp hướng đến đoạn trừ các kiết sử, tâm thức trôi chảy thuận hợp với Bát Thánh đạo, quyết chắc hướng đến giác ngộ, giải thoát khổ đau sinh tử luân hồi. “Sống đạt được bình đẳng với chúng sanh không bình đẳng, sống đạt được vô sân với chúng sanh có sân” nghĩa là thể hiện nếp sống giải thoát an lạc giữa cuộc đời còn lắm tham-sân-si. Người tu Phật nhiếp phục được tham-sân-si thì tâm không còn thiên vị[5], không rơi vào thuận ứng hay nghịch ứng, không rơi vào các cực đoan sai lầm, không còn bị tham hay sân chi phối, gọi là đạt được bình đẳng, đạt được vô sân. Nói cách khác, người tu hành có trí tuệ, thấy rõ tự thân (năm uẩn) và thế giới chung quanh (mười hai xứ, mười tám giới) là vô thường, khổ, không phải của mình, thì không còn thích thú ham muốn những gì có được, cũng không giận dữ bực phiền khi chúng ra đi, sống an nhiên tự tại giữa cuộc đời.
Kinh Pháp Cú nói như vầy:
Vui thay chúng ta sống,
Không rộn (không tham) giữa rộn ràng (tham dục);
Giữa những người bận rộn,
Ta sống không rộn ràng[6].
Vui thay chúng ta sống,
Không hận giữa hận thù;
Giữa những người thù hận,
Ta sống không hận thù[7].
Vui thay chúng ta sống,
Không gì gọi của ta;
Ta sẽ hưởng hỷ lạc,
Như chư Thiên Quang Âm[8].
Như vậy, người Phật tử hàng ngày nghĩ nhớ đến công đức tu chứng và độ sanh cao cả của Phật, nghĩ nhớ đến giáo pháp chân chánh thiết thực do Phật thuyết giảng, nghĩ nhớ đến gương hạnh tinh cần tu học của chư Tăng đệ tử của Phật, nghĩ nhớ đến nếp sống giới đức hiền thiện mà mình phát nguyện tuân giữ, nghĩ nhớ đến cảm giác hoan hỷ mà mình có được nhờ mở tâm cúng dường bố thí, nghĩ đến các cảnh giới thanh thản của chư Thiên mà mình sẽ có mặt ở đấy sau khi từ bỏ thế giới này. Nhờ thực tập an trú tâm theo cách như vậy mà người Phật tử đạt được nhiều kết quả lợi lạc trong đời sống tu tập tâm thức. Vị ấy làm lớn mạnh tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn và tuệ căn trong chính mình; phát khởi lòng tịnh tín bất động đối với Tam bảo; hiểu rõ ý nghĩa, phương pháp và mục đích của việc tu học Phật pháp; nhiếp phục được các phiền não tham-sân-si; thực nghiệm tâm hân hoan và an tịnh trong đời sống hàng ngày; có được nhiều hiểu biết và kinh nghiệm liên quan đến Thiền định hay pháp môn Tăng thượng tâm; dự phần vào Thánh đạo; thể hiện nếp sống thanh thản an lạc giữa cuộc đời có lắm phiền não bất an.
Nói cách khác, đó là cách an trú tâm, tu tập tâm, nhiếp phục tâm, khích lệ tâm, phát triển tâm theo chánh đạo, theo lộ trình Giới-Định-Tuệ của Phật; là phương pháp tịnh hóa tâm thức, giúp cho người Phật tử nhiếp phục các phiền não tham-sân-si, xua tan các triền cái, bào mòn các kiết sử. Đó là Thiền trong đạo Phật.
Luận sư Buddhaghosa nói rằng Thiền tức là lựa chọn một đối tượng rồi thiền tư trên đối tượng ấy khiến đốt cháy các pháp đối nghịch (năm triền cái: tham, sân, hôn trầm thụy miên, trạo hối, nghi hay các phiền não tham-sân-si)[9]. Ở đây, Phật, Pháp, Tăng, giới đức, bố thí, chư Thiên là các đối tượng được chọn lựa để an trú tâm gọi là tầm (vittaka), sự nhiếp tâm trên đối tượng ấy, dán chặt niệm trên đối tượng ấy không tách rời gọi là tứ (vicàra); nhờ chú tâm trên đối tượng chọn lựa, áp chặt tâm trên đối tượng ấy không tách rời, khiến tâm không tán loạn, không dao động, nên vị hành giả có được tâm tư hân hoan phấn khích gọi là hỷ (pìti), thân thể trở nên nhẹ nhàng khoan khoái gọi là lạc (sukha), và tâm đạt đến định tĩnh gọi là nhất tâm (ekaggatà).
Như vậy, khi người Phật tử chú tâm nghĩ nhớ đến công đức đặc biệt của Phật, Pháp, Tăng, giới đức, bố thí, chư Thiên, tức là vị ấy đang tu Thiền hay thực hành Tăng thượng tâm với kết quả năm Thiền chi (tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm) phát sinh có công năng xua tan năm triền cái (tham, sân, hôn trầm thụy miên, trạo hối, nghi), đưa đến chứng đắc tâm Thiền thứ nhất gọi là thực nghiệm hỷ lạc do ly dục sinh có tầm có tứ. Tiếp tục công phu tùy niệm theo cách ấy, người Phật tử lần lượt chứng nghiệm các tâm Thiền thứ hai, thứ ba và thứ tư gọi là chứng đắc bốn Thiền sắc giới thuộc Tăng thượng tâm, qua đó vị ấy thành tựu đời sống an lạc ngay trong đời này gọi là hiện tại lạc trú (ditthadhammasukhavihàra), đồng thời tích tập được nhiều kinh nghiệm lợi lạc gắn liền với đạo lộ giải thoát.
Đáng chú ý rằng phần lớn những người cư sĩ thời Phật tại thế đều dốc tâm thực hành pháp môn tùy niệm theo lời Phật dạy và đạt được những tiến bộ vượt trội về phương diện tâm thức. Họ được mô tả là những người chứng đắc không khó khăn, không mệt nhọc, không phí sức bốn Thiền sắc giới thuộc Tăng thương tâm, dự phần vào Thánh đạo và Thánh quả gọi là nhập pháp lưu[10].
Cũng cần lưu ý rằng sáu đối tượng tùy niệm được đề xuất là các phương tiện giúp cho người Phật tử thực tập Tăng thượng giới, Tăng thượng tâm, Tăng thượng trí tuệ để ra khỏi khổ đau, không phải là các đối tượng để chấp thủ. Chẳng hạn, tùy niệm chư Thiên, tức nhận rõ công đức của việc tái sinh ở các Thiên giới, chỉ với mục đích giúp cho mình nỗ lực phát huy hơn nữa về tín tâm, giới đức, nghe pháp, bố thí, trí tuệ để giải thoát khổ đau luân hồi, không phải với tâm niệm cầu mong được tái sinh trong các cảnh giới ấy. Đây là sự khác biệt giữa những người có học tu theo lời Phật dạy, có trí tuệ thấy rõ giới hạn khổ đau của các cảnh giới tái sinh và những người chưa có cơ duyên được nghe lời Phật, tiếp tục bị trôi lăn trong các cảnh giới luân hồi do còn mê lầm.
Bậc Giác ngộ xác nhận:
“Ở đây, này các Tỳ-kheo, có hạng người ly dục, ly pháp bất thiện, chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ. Vị ấy nếm được vị ngọt của Thiền ấy, ái luyến Thiền ấy và do vậy tìm được an lạc; an trú trên ấy, chú tâm trên ấy, sống phần lớn với Thiền ấy, không có thối đọa; khi thân hoại mạng chung, được sanh cộng trú với chư Thiên ở Phạm chúng thiên. Một kiếp, này các Tỳ-kheo, là tuổi thọ vô lượng của chư Thiên ở Phạm chúng Thiên. Tại đấy, kẻ phàm phu, sau khi an trú cho đến hết tuổi thọ ấy, sau khi sống trọn vẹn tuổi thọ của chư Thiên ấy, đi đến địa ngục, đi đến bàng sanh, đi đến ngạ quỷ. Còn đệ tử Như Lai, tại đấy, sau khi an trú cho đến hết tuổi thọ ấy, sau khi sống trọn vẹn tuổi thọ của chư Thiên ấy, nhập Niết-bàn trong hiện hữu ấy. Này các Tỳ-kheo, đây là sự đặc thù, đây là sự thù thắng, đây là sự sai khác giữa Thánh đệ tử có nghe pháp và kẻ phàm phu không nghe pháp, tức là vấn đề sanh thú.
Lại nữa, này các Tỳ-kheo, ở đây có hạng người làm cho tịnh chỉ tầm và tứ, chứng đạt và an trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Vị ấy nếm được vị ngọt của Thiền ấy... được sanh cộng trú với chư Thiên ở cõi Quang âm Thiên. Hai kiếp, này các Tỳ-kheo, là tuổi thọ vô lượng của chư Thiên ở Quang âm thiên. Tại đấy, kẻ phàm phu, sau khi an trú... Đây là sự đặc thu, đây là sự thù thắng, đây là sự sai khác giữa vị Thánh đệ tử có nghe pháp và kẻ phàm phu không nghe pháp, tức là vấn đề sanh thú.
Lại nữa, này các Tỳ-kheo, ở đây có hạng người ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng đạt và an trú Thiền thứ ba, vị ấy nếm được vị ngọt của Thiền ấy... được sanh cộng trú với chư Thiên ở Biến tịnh Thiên. Bốn kiếp, này các Tỳ-kheo, là tuổi thọ vô lượng của chư Thiên ở Biến tịnh Thiên. Tại đấy, kẻ phàm phu, sau khi an trú... Đây là sự đặc thù, đây là sự thù thắng, đây là sự sai khác giữa vị Thánh đệ tử có nghe pháp và kẻ phàm phu không nghe pháp, tức là vấn đề sanh thú.
Lại nữa, này các Tỳ-kheo, ở đây có hạng người xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Vị ấy nếm được vị ngọt của Thiền ấy, ái luyến Thiền ấy, do vậy tìm được an lạc; an trú trên ấy, chú tâm trên ấy, sống phần lớn với Thiền ấy, không có thối đọa, khi thân hoại mạng chung được sanh cộng trú với chư Thiên ở Quảng quả Thiên. Năm kiếp, này các Tỳ-kheo, là tuổi thọ vô lượng của chư Thiên ở Quảng quả Thiên. Tại đấy, kẻ phàm phu, sau khi an trú cho đến hết tuổi thọ ấy, sau khi sống trọn vẹn tuổi thọ của chư Thiên ấy, đi đến địa ngục, đi đến bàng sanh, đi đến ngạ quỷ. Còn đệ tử Như Lai, tại đấy, sau khi an trú cho đến hết tuổi thọ ấy, sau khi sống trọn vẹn tuổi thọ của chư Thiên ấy, nhập Niết-bàn trong hiện hữu ấy. Này các Tỳ-kheo, đây là sự đặc thù, đây là sự thù thắng, đây là sự sai khác giữa vị Thánh đệ tử có nghe pháp và kẻ phàm phu không nghe pháp, tức là vấn đề sanh thú”[11].
Được tái sinh ở các cảnh giới chư Thiên là kết quả tất yếu của tiến trình chuyển hóa tâm thức, nhưng người con Phật thực hành tùy niệm không phải để được sanh lên Thiên giới. Cùng sanh Thiên giới nhưng kẻ phàm phu thì bị đọa lạc; trong khi đệ tử Phật tiếp tục công phu nhiếp niệm tu tập và thành tựu Niết-bàn tại các cảnh giới chư Thiên. Đó là do đệ tử Như Lai có chánh kiến, có trí tuệ, gọi là nhập pháp lưu, biết phân biệt rõ đâu là phương tiện đâu là cứu cánh, không để cho mình thiếu tỉnh giác rơi vào mê đắm chiếc bè (các Thiền chứng hay các cảnh giới chư Thiên) mà bỏ quên bờ kia là Niết-bàn, sự dập tắt hoàn toàn tham-sân-si, gốc rễ của luân hồi tái sanh.
Chú thích:
1. Kinh Các lễ Uposatha, Tăng Chi Bộ.
2. Kinh Các lễ Uposatha, Tăng Chi Bộ.
3. Thanh tịnh đạo (Tập1), Thích nữ Trí Hải dịch, tr.247,Nxb Hồng Đức, 2014.
4. Kinh Mahànàma, Tăng Chi Bộ.
5. Tiểu kinh Ái tận, Trung Bộ.
6. Kinh Pháp Cú, kệ số 199.
7. Kinh Pháp Cú, kệ số 197.
8. Kinh Pháp Cú, kệ số 200.
9. Thích Minh Châu, Hành Thiền, tr.19-20, Nxb Hồng Đức, 2013.
10. Kinh Acela, Tương Ưng Bộ; Kinh Cha mẹ của Nakula (1), Kinh Mẹ của Nanda, Tăng Chi Bộ.
11. Kinh Hạng người sai khác, Tăng Chi Bộ.