Ngày nay, khi khoa học phát triển, người ta đã tìm thấy sự gần gũi giữa Phật giáo và khoa học. Những bài viết nghiên cứu về sự tương đồng giữa Phật giáo và khoa học ngày càng nhiều. Khi Phật giáo tiếp tục lan rộng ở các nước phương Tây, sự tiếp cận Phật giáo với khoa học hiện đại ngày càng được nghiên cứu và ứng dụng trong việc lý giải một số vấn đề về nền tảng đạo đức cơ bản. Phật giáo xuất phát từ Ấn Độ, một đất nước thuộc truyền thống văn hóa châu Á. Do vậy, người ta thường tò mò về cách thức truyền thống châu Á cổ đại này sẽ đáp ứng như thế nào đến những tình huống tiến thoái lưỡng nan về đạo đức đang đối mặt với thế giới hiện đại. Đạo đức sinh học Phật giáo là một lĩnh vực nghiên cứu học thuật ở phương Tây không phải là mới mẻ, nhưng trong những năm gần đây cũng đã có sự gia tăng đáng kể ở các nước châu Á. Các trường phái Phật giáo có truyền thống phong phú về tư tưởng đạo đức sinh học. Nhà nghiên cứu đạo đức Phật giáo phải đối mặt bây giờ là phải tạo ra một sự thích ứng đối với vấn đề mới, phù hợp với tinh thần của các giá trị Phật giáo và phù hợp với truyền thống kinh điển phong phú của nó. Đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng vì có rất ít bài kinh và sự nghiên cứu bài bản trong lĩnh vực mới mẻ này. Bởi lẽ, nền văn học tiên phong nhất của Phật giáo đã hơn 2.600 năm nay, và nhiều vấn đề chúng ta phải đối mặt ngày nay là kết quả của sự phát triển kinh tế, xã hội hiện đại mà gần như không thể tưởng tượng được trong thời cổ đại. Trong việc xây dựng cây cầu từ cũ đến mới, có rất nhiều vấn đề khập khiễng và bất đồng có thể xảy ra. Và còn quá sớm để nói đến những giải pháp dứt khoát. Đồng thời, nó trở nên thích hợp để điều tra làm thế nào những vấn đề trong thực tế giữa các Phật tử, những người hoạt động tự nhiên trong một thế giới mà vai trò của tôn giáo ảnh hưởng lớn đến hành vi của họ.
Trong phạm vi bài nghiên cứu nhỏ này, chúng tôi sẽ tiến hành khảo sát về các báo cáo đề xuất liên quan đến các lợi ích của nghiên cứu đạo đức sinh học và các vấn đề liên quan khác từ quan điểm đạo đức Phật giáo.
Đạo đức sinh học (Bioethics)
Đạo đức sinh học là một xu hướng hiện tượng trong thế giới mới của nền văn minh hiện đại. Nó như là một lĩnh vực nghiên cứu nhằm theo dõi một số nguyên nhân quan trọng trong các lĩnh vực công nghệ khoa học và những giá trị cơ bản của con người, nhất là vấn đề sức khỏe. Vấn đề này đã trở nên nóng bỏng và được quan tâm rất lớn đối với các nhà đạo đức học, khoa học và những nhà quản lý có thẩm quyền. Mặc dù nhiều vấn đề về đạo đức sinh học đã được thảo luận từ thời cổ đại, việc giới thiệu các công nghệ y sinh học hiện đại, đặc biệt là từ những năm 1950, ngành nghiên cứu này đã có những thành tựu đáng kể. Thứ nhất, nó đã khám phá ra khá nhiều điều mới mẻ, trong đó chủ yếu là việc làm sao kéo dài cuộc sống của con người, chẩn đoán trước khi sinh, phá thai; thử nghiệm trên con người, các can thiệp di truyền và công nghệ sinh sản; kiểm soát hành vi và tâm lý học; định nghĩa về cái chết; vấn đề bảo vệ động vật; phân bổ các nguồn lực sức khoẻ và những khó khăn trong việc duy trì sức khoẻ môi trường... Thứ hai, có sự quan tâm sâu rộng đối với đạo đức sinh học, bởi nó tạo ra một thách thức về trí tuệ và đạo đức. Thứ ba, sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực đạo đức sinh học đã tạo điều kiện cởi mở cho các nghiên cứu đa ngành, cho nhiều học giả và các viện hàn lâm ngày nay. Đặc biệt là trong các vấn đề liên quan đến các khía cạnh hành vi con người cá nhân và xã hội.
Đạo đức sinh học là một thuật ngữ hỗn hợp có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp ‘bios’, nghĩa là đời sống và ethike là đạo đức. Nó có thể được định nghĩa là nghiên cứu có hệ thống về hành vi của con người trong lĩnh vực khoa học về sự sống và chăm sóc sức khoẻ. Công việc này được kiểm tra dưới ánh sáng của các giá trị đạo đức và nguyên tắc chặt chẽ. Sinh đạo đức được G. Hottois định nghĩa như: “Một toàn thể nghiên cứu, phát biểu và thực hành, thường là đa ngành, nhằm mục đích làm sáng tỏ hoặc giải quyết những vấn đề mang tính chất đạo đức, gây nên bởi những phát triển và áp dụng kỹ thuật khoa học trong sinh học và y học”[1]. Đạo đức sinh học mở rộng đến các vấn đề liên quan đến giá trị nghiên cứu về sinh học và hành vi. Mặt khác nó cũng tìm hiểu các vấn đề xã hội, cuộc sống và sức khoẻ con người, nhằm làm sáng tỏ mối liên hệ hữu cơ giữa con người với môi trường thiên nhiên, các hệ sinh thái, động và thực vật. Khái niệm về đạo đức sinh học đã cung cấp một nền tảng đạo đức và triết học; đồng thời làm rõ khái niệm và đánh giá đúng nghĩa về hòa bình, sự hài hòa giữa nhân loại và môi trường sinh học. Nó có thể được xem là một khoa học khái niệm có chiều hướng triết học, đồng thời là một hướng hoạt động thực tiễn. Từ góc độ triết học, đạo đức sinh học liên quan chặt chẽ đến nguyên tắc tôn trọng cuộc sống. Điều quan trọng nhất đối với đạo đức sinh học là ý tưởng triết học rằng bất kỳ cá nhân, bất kỳ hình thức bios nào cũng có giá trị tuyệt đối duy nhất. Ý tưởng triết học cơ bản về sự thống nhất nội tại của cuộc sống con người và các sự sống khác đòi hỏi trách nhiệm của con người đối với tất cả các bios. Sự phát triển của đạo đức sinh học đòi hỏi phải vượt qua những thái độ biểu hiện cho rằng các sinh vật chỉ là những công cụ hữu ích, và thái độ xem nhẹ đối với cuộc sống, phủ nhận sự khác biệt chủ yếu giữa chúng sinh và vật chất không phải là sinh vật.
Các vấn đề đạo đức sinh học
Đạo đức sinh học đã trở thành một hiện tượng quốc tế thật sự. Đạo đức sinh học có cơ sở và ý nghĩa đối với các yếu tố tôn giáo, chính trị và pháp lý của các nền văn hoá. Là một lĩnh vực nghiên cứu, đạo đức sinh học đã thèm muốn một diễn đàn chính trị quốc tế. Các nhà đạo đức sinh học Tây phương muốn có một tiếng nói chung, phổ quát về sự đúng đắn của luân lý đạo đức chính đáng, bao gồm cả nền tảng của luật pháp và chính sách công, cũng như quyền đạo đức cho các thể chế trong nước và quốc tế để đảm bảo tính đồng nhất của thực tiễn, đảm bảo các quyền cơ bản của con người và thúc đẩy công bằng xã hội. Chuyên môn về đạo đức học được tìm kiếm rộng rãi trong khuôn khổ của chính sách công và các thể chế. Sự đa dạng đạo đức tôn giáo và văn hoá đang tiến sâu trong đời sống con người. Đạo đức sinh học đã đạt được những tiến bộ rõ rệt. Chúng tách biệt với các viễn cảnh y sinh học, đạo đức khu vực, tôn giáo và văn hoá. Nghiên cứu này sẽ cung cấp một cái nhìn tổng quát về trạng thái phản chiếu sinh học trên khắp thế giới ở ngưỡng cửa của thế kỷ XXI. Một mặt, họ chứng minh rằng sự quan tâm đến đạo đức sinh học lan tỏa và có sức ảnh hưởng trên toàn cầu. Nó cũng rất hữu ích để xem xét một số trục dọc. Theo đó, sự khác biệt đạo đức trong đạo đức sinh học có thể được hiển thị. Chúng tôi đã cố gắng để thảo luận về các vấn đề nghiên cứu tế bào gốc trong đạo đức sinh học. Mục đích của chúng tôi là nêu lên tất cả các vấn đề có liên quan đến đạo đức sinh học đang phải đối mặt với thế giới do kết quả của nền công nghệ mới, những quan điểm thế giới khác nhau và sự đóng góp của Phật giáo đến các xã hội khác nhau. Khi thế kỷ XXI mở ra một chân trời mới rộng lớn hơn về các thành tựu khoa học công nghệ, đó là một trong những thách thức lớn nhất mà Phật giáo phải đối mặt. Trong thế giới hiện đại này, việc thiết lập một hệ thống nền tảng đạo đức toàn diện là điều rất cần thiết. Mặc dù, nó vượt quá phạm vi của bất kỳ một nghiên cứu nào để đạt được cả hai mục tiêu này.
Những thập kỷ gần đây đã chứng kiến một sự bùng nổ về sự quan tâm đến tất cả các khía cạnh trong nghiên cứu Phật giáo. Đặc biệt là các đặc tính cơ bản của Phật giáo liên quan đến ranh giới của các tông phái đã trở thành một xu thế trong nghiên cứu. Gần đây có các dấu hiệu cho thấy rằng điều này đang bị lãng quên, cần phải được khắc phục và những sáng kiến đã không đến từ các nghiên cứu Phật học mà đến từ những nghiên cứu so sánh về đạo đức tôn giáo (Little, D. and Twiss: 1978). Trong khi đó Reynolds cho rằng cần có những tạp chí nghiên cứu Phật học và khoa học mang tính định kỳ để tìm hiểu sâu hơn về sự đóng góp của đạo đức Phật giáo cho các ngành khoa học hiện đại (Reynolds, 1979). Một số học giả cho rằng phần lớn các nghiên cứu về Phật giáo là dưới hình thức chung chung, và chưa có một nghiên cứu nào có hệ thống nhằm cung cấp cho mọi người một cách cụ thể về đặc tính, cấu trúc chính thức của hệ thống đạo đức Phật giáo làm chuẩn mực để sử dụng trong việc đánh giá các giá trị đạo đức triết học khác. Vấn đề này chúng tôi sẽ giới thiệu một cách cụ thể về quan điểm đạo đức học Phật giáo được trích dẫn trong Kinh tạng để xem xét đối chiếu và ứng dụng rộng rãi trong việc giải quyết các vấn đề đạo đức trong thời hiện đại.
Đạo đức sinh học và Phật học
Nếu Phật giáo không vượt qua những thách thức của thế giới hiện đại, thì sẽ bị lụi tàn và diệt vong. Phật giáo có thể cung ứng tất cả những thắc mắc và lý giải đến tận cùng về bản chất thật của sự vật hiện tượng trong đó bao gồm cả vấn đề đạo đức sinh học. Khi động lực của hiện đại hoá tập trung, khó có thể duy trì một thái độ dửng dưng và hy vọng những vấn đề của hiện đại sẽ biến mất. Sự phát triển toàn cầu trong khoa học và công nghệ y tế có nghĩa là thế giới hiện đại xâm nhập bất cứ điều gì chúng ta thích hay không. Đức Phật đã dạy về sự tồn tại của một đạo luật luân lý vĩnh cửu (dhamma sanātano) và tin rằng qua lý trí, phân tích, suy tư và thiền định, người ta có thể biết được các yêu cầu của luật này trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Đạo đức sinh học là một khía cạnh liên quan trực tiếp đến giáo lý Phật giáo và đã được sử dụng rộng rãi trong nhiều kinh điển Phật giáo. Lời dạy của Đức Phật về bất bạo động và không xâm lược, không hận thù là sự thể hiện những lẽ thật tuyệt vời của đạo đức sinh học. Khái niệm Brahmavihāras hay ‘Tứ vô lượng tâm’ bao gồm từ (maitrī), bi (karuṇā), hỷ (muditā) và xả (upekkhā) và Lục độ ba-la-mật: bố thì (dāna), trì giới (sīla), nhẫn nhục (kṣanti), tinh tấn (vīraya), thiền định (samādhi) và trí tuệ (paññā) có thể được diễn giải để tái cấu trúc đạo đức Phật giáo cho thế giới hiện đại. Hơn nữa mô tả về giới (sīla) đầu tiên xuất hiện trong văn học Phật giáo là không giết hại sinh vật sống (panatipāta vermāni) cũng thể hiện rõ quan điểm của Phật giáo đối với đạo đức sinh học. Trong kinh Sa- môn quả (Samaññaphala) của Trường bộ kinh có nhắc đến năm loại hạt giống như “hạt giống từ rễ sanh, hạt giống từ nhánh cây sanh, hạt giống từ đốt cây sanh, hạt giống từ chiết cây sanh, hạt giống từ hạt giống sanh và có những hướng dẫn rõ ràng về việc đừng làm hại chúng. “Vị ấy từ bỏ làm hại đến các hạt giống, và các loại cây cỏ”[2]. Tức không làm tổn hại đến bất kỳ sự sống nào, ngay cả những mầm sống mới bắt đầu. Kinh Từ bi (Mettā Sutta) của kinh Tập (Suttanipāta) dạy rằng những tạo vật thậm chí không có hình dạng của chúng, cũng không được giết hại. Còn kinh Pháp cú (Dhammapada) cho rằng: “Thân người là khó được, việc duy trì đời sống lại càng khó hơn. Bất kỳ loại giết chóc nào cũng gây ra bất thiện nghiệp, và nhận kết quả là bất thiện. Do đó chịu đau khổ và thọ báo trong luân hồi sinh tử”. Trong kinh Chánh kiến của Trung bộ kinh, có một mô tả rõ về nghĩa jāti (sinh): “Thuộc bất kỳ hữu tình giới nào trong từng mỗi loại hữu tình, sự sanh, hiện khởi, xuất hiện, hiện diện, hiện hành các uẩn, tụ đắc các xứ; Chư Hiền, như vậy gọi là sanh”[3]. Sinh được mô tả thành bốn loại đó là, noãn sanh, thai sanh, thấp sanh và hóa sanh. Noãn sanh là chúng sinh sanh ra từ trứng, như gà vịt, chim chóc..., thai sinh là sinh từ bào thai như người, trâu bò..., thấp sanh là các loại côn trùng sanh ra từ nơi ẩm thấp, và hóa sanh là sanh do biến hóa, như ong, bướm, tằm, kén... Trong cùng bản kinh ấy, chúng ta tìm thấy mô tả về cái chết. Cái chết đã được định nghĩa là “Chư Hiền, thế nào là chết? Thuộc bất kỳ hữu tình giới nào trong từng mỗi loại hữu tình, sự mệnh một, từ trần, hủy hoại, hoại diệt, tử biệt, mệnh chung, hủy hoại các uẩn, vất bỏ hình hài; chư Hiền, như vậy gọi là chết”[4].
Sinh ra và chết đi được kinh điển định nghĩa rõ ràng, đó là tiến trình của quy luật tự nhiên. Mọi hành động của con người can dự và làm trái ngược vào hai tiến trình này được xem là không chánh đáng và cần nghiêm cấm. Như vậy, có rất nhiều hình thức của sự sống được mô tả trong kinh điển. Bất kỳ hình thức của sự sống nào, theo Phật giáo, cũng không được giết hại. Phật giáo luôn đề cao tinh thần tôn trọng và bảo vệ sự sống kể cả động, thực vật. Sự tôn trọng và bảo vệ sự sống này rất hợp với quan niệm của đạo đức sinh học hiện đại.
Như vậy, trên nền tảng đạo đức dựa trên các cấm giới cho thấy đạo đức sinh học hiện đại cũng bao hàm trong các nội dung của đạo đức Phật giáo. Trong các chú giải chi tiết về các giới điều cho người xuất gia cũng như tại gia có liên quan mật thiết với các nền tảng đạo đức sinh học. Sự sống, bao gồm cả vật hữu tình và vô tình đều được tôn trọng và bảo vệ. Hai yếu tố từ bi và trí tuệ luôn là hạt nhân chính yếu để giải quyết tất cả các vấn đề.
Chú thích:
1. Hottois g., Parizeau m.h., Les mots de la bioéthique. Un vocabulaire encyclopédique, De Boeck- Université, coll “Sciences Ethiques Sociétés”, 1993.
2. Trường bộ kinh, kinh Sa-môn quả.
3 & 4. Trung bộ kinh, kinh Chánh kiến.
Nguồn: Stem Cell Research and Bioethical Issues: A Buddhist Perception, by, Dr. Arvind Kumar Singh (Director, International A airs & Assistant Professor), School of Buddhist Studies & Civilization, Gautam Buddha University.