Vô lượng đời về trước, ở nước Tỳ-ma-đại, trong núi Tỷ-đà, có một con Dã can bị một con sư tử rượt bắt. Nó sợ hãi chạy, chẳng may rớt xuống giếng không thể lên được.
Đến ngày thứ ba, nghĩ mình không thoát được chết, mới làm bài tụng:
Thảm kịch! Ngày nay khổ đến cùng Chắc là mất mạng tại nơi đây Vạn vật, vô thường không thoát được Biết thế hiến thân sư tử rồi. Than ôi! Thân tội ách nạn gì Tiếc tham thân mạng, chết không công Không công mà chết đà đáng giận Lại để thân nhơ giếng của người. Nam-mô sám hối Phật mười phương Chứng biết lòng con đã sạch rồi Đời trước lỡ gây ba nghiệp tội Thân này nay nguyện trả đền xong. Các tội hết rồi ba nghiệp trong Tâm cần bất động, niệm thật chân Từ đây kiếp kiếp minh sư gặp Như pháp tu hành quả Phật nhanh.
Trời Đế Thích lúc ấy đang ở trên cung trời Đao Lợi, nghe đến chữ Phật, dựng tóc, bừng dậy, nhớ Phật xưa, nhận ra mình đơn thân không thầy dạy, hiện tại đang đắm chìm trong ngũ dục, không vượt nổi ngục ái... Nghĩ rồi, nước mắt trào ra, liền cùng tám vạn chúng thiên bay xuống nơi phát ra chữ Phật.
Đến bờ giếng, thấy Dã can hai tay bấu đất không lên được, liền nghĩ: “Thánh nhân ứng hiện nhiều phương cách, tuy là hình tướng Dã can, nhưng đó là Bồ-tát, chẳng phải kẻ phàm tình”. Suy nghĩ rồi mới làm bài kệ thỉnh cầu:
Nay xin giải đáp chỗ tôi nghi Cũng muốn chư thiên nhận pháp nghì Thánh giáo lâu rồi không được gặp Ở chốn mịt mờ, thầy cũng không. Lời của Thượng nhân chẳng phải phàm Xin ban pháp giáo giúp chúng con.
Dã can nghe kệ ngước lên trả lời: Ngài làm Thiên đế ai dạy đâu Nên rất ngạo si, chẳng biết thời Pháp sư ngồi dưới, mình trên ấy Cung kính đã không, hỏi pháp gì! Pháp như cam lộ, người được cứu Ngạo mạn làm sao có được đây?
Thiên đế nghe xong hổ thẹn về sự vô ý của mình, liền bảo chư thiên thòng thiên y xuống để Dã can nương đó leo lên, rồi vòng tay cúi đầu làm kệ sám hối, xin tha tội:
Chư Thiên thật đúng như thầy dạy Ngũ dục triền miên vô độ mê Thảy vì không có thầy hay giỏi Giảng nói khổ, vui, thường, vô thường.
Nói kệ rồi, cùng chư Thiên dâng cúng cam lộ.
Dã can không ngờ trong họa lại gặp phước, tâm tình phấn khởi vui mừng, tự xét bản thân tuy là Dã can, loài xấu xa thô tệ nhất trong đường súc sinh, nhưng nhờ sức trí tuệ mà được như hiện tại. Đáng mừng là đã có cơ hội hoằng pháp để thành tựu công đức cho chính mình. Xét rồi, chợt nghĩ đến lực của Bát-nhã và nhớ đến Hòa thượng tiên sư. Nhờ công đức, trí tuệ và phương tiện dạy bảo của Hòa thượng mà ngày nay chiêu cảm được công đức hiện tại, mới cảm thán kêu thầm: “Cung thỉnh thầy ta! Cung thỉnh thầy ta! Nam-mô Bát-nhã ! Nam-mô Bát-nhã! Tuy con làm tội sinh trong ác thú, nhưng con vẫn nhớ được đời trước và biết được nghiệp duyên của mình, là nhờ lực của Bát-nhã. Đã cảm hóa được chư thiên giáng thần, đến để tiếp tế cung dưỡng, lại còn được thỏa lòng hoằng pháp”.
Về phần Đế Thích, khi nghe Dã can nói đến việc thuyết pháp thì lòng rất vui mừng, liền dạy chư Thiên tỏ lòng kính cẩn cầu xin thầy thuyết pháp. Chư Thiên vâng lệnh, mỗi người kính cẩn trịch vai áo bên hữu, đồng bao quanh Dã can, rồi quỳ xuống chắp tay cùng nói kệ:
Hay thay, hay thay! Hòa thượng Dã can Xin ngài nói pháp Khai hóa chư thiên Cõi thiên mờ mịt Mê đắm ngũ dục Hằng sợ phước hết Vô thường kéo lôi Chết đọa ác thú Khó ngày ra khỏi Đã lâu đời lắm Mấy muôn ức năm Nay mới gặp một Ruộng phước tốt lành Xin thầy thương xót Nói pháp cho nghe Trời người đặng phước Chúng sinh đều được Nguyện cùng Hòa thượng Vĩnh kiếp theo nhau Đến khi thành Phật Thường kết duyên lành Minh sư khó gặp Nên phải thề nguyền.
Dã can thấy chư Thiên ưa thích nghe pháp và ân cần khuyến thỉnh, lòng vui mừng gấp bội, bèn dạy họ sắm sửa tòa cao rồi trang sức cho thanh tịnh, và thỉnh pháp sư thuyết pháp. Vì kinh pháp vốn tôn quý, không thể không dùng tâm tôn quý ra lãnh hội, nên cần lập tòa thuyết pháp trang nghiêm. Chư Thiên nghe dạy, liền dùng áo làm thành tòa cao, nghiêm sức thanh tịnh rồi, thỉnh thầy Dã can lên tòa thuyết pháp.
Nhân duyên thuyết pháp
Đầu tiên Dã can nêu nhân duyên thuyết pháp: - Ta nay nói pháp, chính vì hai nhân duyên lớn. Thế nào là hai? Một, vì thuyết pháp khai hóa chư thiên thì được phước không thể lường. Hai, vì cái duyên thí cho ăn, không thể không nói.
Đế Thích nghe vậy liền tỏ lời phản đối. Với ông, trong thiên hạ ai cũng cầu an, thích sống, không muốn chết. Do vậy công cứu mạng Dã can mới là thật lớn, chẳng phải công thuyết pháp khai hóa, sao lại không nói nhờ công cứu mạng mà thuyết pháp, lại nói vì công đức thuyết pháp lớn mà thuyết pháp.
Dã can giải thích:
- Thích sống, thích chết ở mỗi người thảy đều không giống nhau. Có người tham sống, có người không sợ chết. Kẻ tham sống nói đây là kẻ sống đời ngu si, chẳng biết chết rồi sinh lại trong đời sau, trái Phật xa pháp, không gặp minh sư, làm các việc sát, trộm, dâm, dối. Hễ gặp việc ác liền theo. Hạng người này tham sống sợ chết. Người không sợ chết nói đây là người muốn gặp minh sư, muốn phụng sự ngôi Tam bảo, cải dữ làm lành, hiếu dưỡng cha mẹ, kính thờ Thầy Tổ, hòa thuận vợ con, với tôi tớ quyến thuộc đều không có tâm coi thường. Hạng này không tham sống. Vì sao? Vì người lành chết đi, nhờ phước đã tu tạo sẽ sinh lên cõi trời, hưởng năm việc dục lạc, nên chẳng sợ chết. Còn người dữ chết đi, sẽ vào địa ngục, chịu khổ không cùng. Người lành không sợ chết, vì như tù ra khỏi ngục. Người dữ sợ chết, vì như tù vào trong ngục.
Thiên đế nghe xong, thông được tâm, bèn xin pháp sư Dã can giảng giải khai thị hai nhân duyên vừa nêu, xin Dã can cho biết thí thực và thí pháp có công đức gì?
Dã can trả lời:
- Bố thí ăn uống, có thể giúp mạng sống trong một ngày. Bố thí của quý, có thể giúp không thiếu thốn trong một đời. Cả hai tuy đều là pháp giúp người nhưng cũng là nhân duyên ràng buộc thêm lớn đường sinh tử. Thuyết pháp giáo hóa, gọi là pháp thí có thể khiến cho chúng sinh được đạo xuất thế. Đạo xuất thế có ba pháp là A-la-hán, Bích-chi Phật và Phật đạo. Ba pháp ấy đều phải nhờ nghe pháp, y pháp tu hành, sau mới chứng quả. Chưa kể, chúng sinh thoát được cái khổ trong ba đường ác, được hưởng cái vui cõi trời người cũng là nhờ nghe pháp. Cho nên, Phật dạy bố thí pháp thì được công đức lớn.
Đế Thích thưa:
- Xin hỏi thân hiện nay của thầy là do nghiệp báo mà có, hay là thân do ứng hóa mà hiện?
Dã can trả lời:
- Là thân nghiệp báo, chẳng phải là thân ứng hóa.
Chư Thiên nghe xong, lấy làm kinh hãi, thưa với Dã can:
- Chúng con vẫn tưởng là hóa thân của Bồ-tát ứng hóa cứu đời. Nay lại nghe là thân nghiệp báo. Có thể xin thầy nói rõ nhân duyên vì sao có thân đó chăng?
Do nhân duyên đó, Dã can nói về tiền kiếp của mình.
Thuật lại đời quá khứ
Vào đời thượng cổ, trong thành Ba-đầu-ma, nước Ba-la-nại, có cậu bé nghèo dòng Sát-đế-lợi tên A-dật-đa, 12 tuổi đã theo minh sư vào ở chốn thâm sơn, nhọc nhằn hầu hạ. Tuy tuổi còn nhỏ nhưng hâm mộ nghiên cứu học hành. Thầy cũng tận tình dạy bảo. Trải qua 50 năm thì 96 món kinh, thơ, ký, luận, phương y, chú thuật, xem tướng kiết, hung, tai, dị, họa, phước, không món nào mà không biết. Thành tựu được các thứ đó rồi, A-dật-đa muốn bán thân đền trả ơn thầy. Nhưng thầy không cho, chỉ dặn dò “Đã thành tựu trí tuệ biện tài thì nên đi giáo hóa thiên hạ. Vì pháp mà làm ngọn đèn sáng. Công giáo hóa ấy đã đủ trả ơn ta. Hãy đi khất thực nuôi sống tự thân. Không nên bán thân cúng dường ta”. A-dật-đa y đó làm theo.
Không bao lâu sau, quốc vương nước Ba-la-nại băng hà. Cuộc thi khảo chọn người tài làm vua diễn ra trong bảy ngày và A-dật-đa được chọn. Biết ở ngôi vua mà không làm chủ được thân tâm, khiến bá tánh khổ sở, sẽ đọa vào địa ngục như tên bắn, nhưng vì muốn có điều kiện báo ơn thầy nên ông ra làm vua. Thầy được mời về cung cúng dường và dạy pháp. Pháp Thập thiện được truyền dạy khá rộng trong quan dân.
Thời ấy có hai nước láng giềng đấu đá nhau không phân thắng bại. Một trong hai nước nghĩ ra cách dâng ngọc ngà châu báu và gái đẹp cho A-dật-đa để tìm viện binh. A-dật-đa nhận lời, nước kia bị tàn sát, A-dật-đa rơi vào cái nạn gái đẹp. Quan quân theo đó mê loạn, gió mưa không còn đúng thời, nhân dân đói khổ, đất nước đi đến chỗ diệt vong.
A-dật-đa sau khi chết thì sinh trong địa ngục, thân chịu khổ nhọc vô vàn, nhưng nhờ lực trí tuệ của đời trước, nhớ lại tội lỗi của mình, nên tâm tự phát lồ sám hối bỏ dữ làm lành. Chỉ trong chốc lát, hết thân địa ngục đến thân ngạ quỷ. Lại tiếp tục phát lồ sám hối và phát nguyện chuyên tu Thập thiện, lại thoát thân ngạ qủy vào thân súc sinh, làm Dã can.
Nhờ lực trí tuệ đã có, nên tuy làm Dã can mà vẫn hành Thập thiện và đi giáo hóa kẻ hữu duyên. Chẳng may gặp sư tử, lọt vào giếng sâu, và xảy ra nhân duyên hiện tại.
Dã can thuyết pháp giải nghi
Kể xong, mới nói với Đế Thích:
- Nếu ngươi không cứu ta thì bỏ thân này, ta sinh lên cõi trời, hết khổ được vui. Thế nên, ta nói ngươi cứu mạng ta không có công phu vậy. Cũng không phải nhân duyên giúp việc muốn sống của ta được toại nguyện.
Đế Thích vẫn chưa rõ, nên thưa:
- Nếu thầy không nắm vào áo chư thiên thì thầy không thể lên, không thể lên thì không thể sống. Nhưng do thầy nắm vào áo chư thiên nên thầy mới sống. Vậy thì biết thầy vẫn tham sống, chẳng phải không sợ chết.
Dã can giải thích:
- Ta nắm vào áo chư thiên không phải vì tham sống mà vì ba sự nhân duyên lớn. Một, là không làm trái bổn nguyện tốt lành của Thiên đế. Nếu làm trái thì mắc cái khổ lớn. Đời đời sinh ra chỗ nào chí nguyện cũng không toại, cầu chi cũng không đặng. Hai, vì thấy ý chư thiên muốn nghe pháp. Nếu không nói thì thành lẫn pháp. Tội lẫn pháp thì đời đời sinh ra ở chốn biên địa, ngu si vô trí, các căn hư hoại, đui, điếc, câm, ngọng. Nếu sinh được chỗ tốt lành thì tâm tánh cũng ám độn, sở học không thành tựu. Ba, là muốn tuyên truyền pháp hóa cùng khắp để khai ngộ chư thiên.
Đế Thích hiểu rồi, thưa tiếp:
- Pháp thí được công đức không lường. Nghĩa ấy thế nào xin thầy khai ngộ để lợi ích cho chư thiên?
Dã can trả lời:
- Truyền trao Chánh pháp giúp chúng sinh biết được có chết đây thì có sinh kia, làm lành thì được phước, làm ác phải chịu họa, tu đạo thì đắc đạo... Nhờ công đức đó, kiếp sau sinh ra được trí tuệ sáng suốt, thường biết việc đời trước. Nếu sinh lên cõi trời thì làm thầy của chư thiên. Nếu sinh trong thế gian thì làm vua Kim Luân thường đem Thập thiện giáo hóa trong thiên hạ. Không thì làm vị Nhân vương, dùng Chánh pháp trị nước, thường biết việc đời trước. Nhờ biết việc đời trước nên tâm không buông lung. Song người ở địa vị cao sang, hưởng thú vui của ngũ dục, phần nhiều gặp ma sự đến cám dỗ phá hoại. Nếu làm việc tội lỗi, phải chịu quả báo ở ba đường ác thì cũng nhờ lực trí tuệ, sẽ chóng được thoát khổ, hưởng phúc vui, dần dần tăng trưởng hạnh Bồ-tát, được Vô sinh nhẫn. Thế nên công giáo hóa được phước vô lượng.
Thiên đế vui mừng thưa:
- Hay thay! Con và chư thiên ngày nay mới biết công đức nhân duyên giữa tài thí và pháp thí tướng có sai khác. Tài thí như ngọn đèn soi sáng trong nhà nhỏ. Pháp thí như ánh mặt trời soi khắp bốn châu. Ánh sáng đến đâu thì mờ ám tiêu hết. Vì sao? Vì cái thể của mặt trời, tính nó tự sáng nên hay chiếu vật. Hòa thượng nay cũng lại như vậy. Vì sự tu tập mà được sáng suốt, lại đem trí tuệ sáng suốt đó trừ sự mờ tối cho chúng sinh.
Thiên đế nói lời ấy rồi, chư thiên đồng lòng bạch Dã can truyền dạy cho pháp Thập thiện.
Trước khi trao pháp Thập thiện, Dã can dạy người pháp sám hối giúp ba nghiệp thân, miệng và ý được thanh tịnh. Ba nghiệp thuộc thân là sát, đạo, dâm. Bốn nghiệp thuộc miệng là vọng ngữ, ỷ ngữ, lưỡng thiệt và ác khẩu. Ba nghiệp thuộc ý là tật đố[1], sân nhuế và tà kiến. Mười việc ấy đều phải sám hối không phạm. Không phạm, ấy là hành Thập thiện. Phạm thì hành Thập ác.
Sau khi sám hối xong, Thiên đế lại hỏi về quả báo của Thập thiện.
Dã can trả lời: - Ta từng nghe Hòa thượng tiên sư nói quả báo của việc tu Thập thiện là được sinh lên cõi trời Lục dục. Cung điện toàn thất bảo, ngũ dục đầy đủ, sống lâu không lường, thân bằng quyến thuốc xinh đẹp, sạch sẽ, hoan lạc. Nếu chư thiên tu pháp Thập thiện, sau khi phước báu cõi trời hết cũng trở lại sinh trong cõi trời, phước báu nhiều gấp bội. Không như quả báo của người đời tu Thập thiện. Vì người đời tu Thập thiện nhưng ba giới của tâm khó giữ gìn. Như giới không sân, trước phải thực hành tâm từ, rồi sau mới thành tựu được giới không sân. Song người đời giữ tâm từ chẳng được lâu. Hai là giới tật đố. Thấy người hơn mình thì tâm ấy mới phát ra. Ba là tâm kiêu mạn. Tâm kiêu mạn cũng tùy thời mà phát. Như thấy người ngu si, thiếu hụt các căn v.v… rồi thấy mình hơn người mà phát khởi tâm kiêu mạn. Nói chung, người đời giữ giới tâm rất khó. Dù cố gắng thì cũng thoạt được thoạt không. Nên quả báo của người đời tu Thập thiện không bằng quả báo của chư thiên tu Thập thiện.
Thiên đế thưa:
- Chư Thiên giữ tâm cũng không dễ, sao quả báo có thể hơn người đời thưa thầy?
Dã can trả lời:
- Chư thiên tuy giữ tâm không dễ nhưng không như người đời. Vì chư thiên có phước đức nên khổ ít, vui nhiều, tâm phiền não nhẹ. Người đời khổ nhiều vui ít, tâm phiền não nặng.
Thiên đế lại hỏi:
- Chẳng may phạm giới thì làm sao?
Dã can trả lời:
- Nghe Hòa thượng tiên sư nói: Nếu chẳng may mất giới thì nên đến bậc hiền đức xin sám hối và thọ lại.
Thiên đế nghe công đức Thập thiện lớn có thể giúp thoát được các đường khổ tâm tuy thấy vui, nhưng lại suy nghĩ: “Suy cho cùng, vẫn không tránh được cái nạn sinh tử vô thường. Trong cảnh sinh tử vô thường lại gây nghiệp tạo tội, chẳng tránh được việc lên xuống trong sáu đường”. Nghĩ rồi bèn thưa với Dã can:
- Vậy phải tu pháp gì để thoát sinh tử và tránh được sự cám dỗ của ma vương?
Dã can trả lời:
- Hòa thượng tiên sư dạy rằng:Người phát tâm Bồ-đề, tu nghiệp Bồ-tát thì dù là ma Ba Tuần cũng không thể làm hại. Vì đời đời sinh ra được trí tuệ sáng suốt, có thể nhớ lại nghiệp xưa. Nhờ vậy nên không tạo ác nghiệp, tâm thanh tịnh, được Vô sinh pháp nhẫn. Đối với Đạo không còn lui sụt, xa lìa sinh tử ưu hoạn khổ não. Muốn tu nghiệp Bồ-tát thì phải cầu Phật đạo. Muốn cầu Phật đạo phải từ nơi tâm phát ra. Cầu Phật đạo thì trước phải học rộng, hiểu rõ các pháp nhân duyên, tín tâm mới bền vững. Tín tâm có bền thì mới có được tâm tinh tấn. Nhờ sức tinh tấn mà không tạo nghiệp ác. Tâm được thuần thiện thì không buông lung, trí tuệ được thành tựu. Trí tuệ được thành tựu thì thu nhiếp Ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Người tu đạo Bồ-tát trước phải dùng phương tiện điều phục các căn. Phương tiện đó là Lục độ và Tứ vô lượng tâm.
Bố thí giúp phá trừ tâm xan tham, không còn tiếc nuối.
Trì giới thì không làm các việc ác, các việc lành giữ được.
Nhẫn nhục nên ác nghiệp đến không ôm lòng báo thù.
Tinh tấn thì đạo nghiệp siêng tu.
Thiền định giúp thu nhiếp thân tâm và không có tà niệm.
Trí tuệ giúp chiếu phá vô minh và phiền não.
Từ tâm có thì thấy người khổ nạn liền đứng ra cứu hộ, khiến họ được an ổn.
Bi tâm rộng thì vì chúng sinh khổ não mà thường siêng năng tu tập thiền định trí tuệ, chóng thành Phật đạo.
Thiền định và trí tuệ là phương tiện của Bồ-tát, giúp chúng sinh phá vỡ vô minh phiền não. Dù chưa thành Phật thì các nghiệp lành có được đều hồi hướng cho chúng sinh, khiến chúng sinh được an vui. Chúng sinh có tội thì sẵn sàng thay thế mọi khổ nạn cho họ, để thành tựu Bồ-đề vô thượng.
Hỷ tâm là thấy người vui, mình cũng tùy hỷ. Thấy người tạo được thiện nghiệp, có hạnh phúc, có công đức v.v… thảy đều hoan hỷ.
Xả tâm thì tuy tạo tất cả mọi công đức mà không cầu quả báo tốt đẹp cho đời sau.
Đó là Lục độ và Tứ vô lượng tâm. Gọi vô lượng vì chúng sinh vô lượng nên từ, bi, hỷ, xả cũng vô lượng. Cộng lại là mười pháp, tóm thâu hạnh Bồ-đề.
Thiên đế và chư thiên nghe xong, thân tâm rúng động, hoan hỷ đứng lên, đồng phát tâm Bồ-đề, đồng vâng làm hạnh Bồ-tát. Cũng xin dâng đồ ăn thức uống cho Dã can. Nhưng nghiệp Dã can, vật thọ dụng không thanh tịnh, nên chư thiên không thực hiện được ý muốn của mình. Rốt sau chỉ xin Dã can cho biết phải làm gì để trả ân sâu nặng này. Dã can dặn:
- Trở về cõi trời, cứ tùy nghi giáo hóa chư thiên, khiến họ tín thọ vâng làm các thiện nghiệp. Vậy thì không những trả ân cho ta mà còn trả ân cho tất cả chư Phật. Cứ tùy thuận mà giáo hóa khai ngộ cho người, công đức theo đó mà tăng trưởng. Ta hẹn trong bảy ngày, sẽ bỏ thân tội lỗi này, sinh lên cõi trời Đâu Suất. Các ngươi cũng nên sinh về cõi ấy. Vì ở đó có nhiều Bồ-tát thuyết pháp cầu Phật đạo.
Chư thiên vâng dạ, cùng nhau rải hoa trên thân Pháp sư Dã can, rồi từ biệt về trời.
Dã can vẫn ngồi yên một chỗ, nhất tâm chuyên niệm pháp Thập thiện, không đi kiếm ăn. Bảy ngày sau mạng chung, sinh lên cõi trời Đâu Suất làm con một vị thiên vương, vẫn nhớ được nghiệp xưa, đem Thập thiện giáo hóa chư thiên.
Xuất xứ câu chuyện
Câu chuyện trên được lấy từ Kinhvị tằng hữu thuyết nhân duyên, dựa theo bản dịch của HT.Thích Hành Trụ.
Dã can là tiền thân của Phật Thích Ca. Trời Đế Thích là tiền thân của Xá-lợi-phất. Giáo thọ của A-dật-đa ngày trước là tiền thân của Di Lặc. Tám vạn chư thiên là tám vạn Bồ-tát bất thối ở cõi Sa-bà này.
Chủng tử ẩn tàng trong thức thứ tám
Bài kinh cho thấy ngoài phần nghiệp hiện hành vẫn còn phần chủng tử (tập khí) ngủ ngầm trong tạng thức. Thức này còn gọi là thức thứ tám, cùng với thức thứ bảy âm thầm chuyển dịch bên trong, chi phối mọi hoạt động của sáu thức ngoài. Hệ A-hàm tuy có nhắc đến thức thứ tám, nhưng chỉ được khai triển rộng trong phần giáo lý Đại thừa. Đặc tính của chủng tử là chúng chỉ hiện khởi khi đủ duyên, còn bình thường thì không thấy dấu vết. Một khi chúng phát tán mà không ý thức được, cũng không đủ trí lực Bát-nhã để dừng, thì có thể vào địa ngục như tên bắn. Nương đây có thể giải thích vì sao thấy ai đó bình thường rất hiền lành, bỗng xảy ra việc giết người. Là do phần chủng tử bên trong đủ duyên hiện khởi. Đủ duyên trong trường hợp này là phần nghiệp duyên đã tạo từ quá khứ. Việc này được trình bày qua nhiều câu chuyện Phật đã nói trong kinh. Vua Lưu Ly, vì một lời nguyền xưa mà khi đủ duyên, liền trả báo dòng họ Thích. Vua Brahmadatta tuy biết đạo pháp, nhưng đủ duyên vẫn tiếp tục hiện khởi tập khí ăn thịt người của Dạ-xoa[2]. Tôn giả A-nan do cái duyên 500 kiếp làm vợ chồng với Ma-đăng-già, đủ duyên gặp lại xém mất giới thể[3]. Thiên đế trong bài kinh này, cũng nhờ chủng tập tu hành đời trước mà khi chữ Phật xuất hiện, liền đến tai và bừng tỉnh…
Dã can thông mọi pháp thế gian, cũng biết ngồi ở địa vị cửu trùng dễ gây tội tạo nghiệp, nhưng khi đủ duyên, mọi thứ vẫn không dừng được, là do phần chủng tử bên trong này. Phần tâm thức hiện hành của Dã can không thấy có dâm ái, vì nó được thay thế bằng việc nghiên cứu, học hành và tu đạo. Quan trọng là lúc ấy không có điều kiện để dâm ái hiện hành. Nhưng khi làm vua, đầy đủ điều kiện để dâm ái xuất hiện thì chủng tử đó hiện khởi. Do lực Bát-nhã chưa mạnh nên rơi vào cảnh dâm ái không thể dừng, kéo theo bao hệ lụy khác. Tuy vậy, khi rơi vào các đường khổ, là điều kiện để tập khí dâm ái không thể phát khởi được nữa, chủng Bát-nhã lại phát huy được tác dụng. Đó chính là thứ giúp Dã can vượt thoát các đường khổ. Nhờ Bát-nhã, Dã can nhận ra lỗi lầm đã phạm và sám hối. Cũng nhờ lực của Bát-nhã mà có thể giáo hóa chúng sinh khi đủ duyên.
Bài kinh cũng cho thấy trong quá trình tu đạo và hành đạo, phước báu có thể đưa đến quả báo danh lợi và mọi thứ đều được như ý, nhưng nếu lực trí tuệ chưa đủ giúp mình nhận ra những chủng tập còn ẩn sâu trong tàng thức của mình thì ác nghiệp vẫn có thể gây tạo, quả địa ngục vẫn dễ bước vào. Cho nên, cảnh bất như ý coi vậy mà không đáng ngại bằng mọi thứ đều được như ý, từ việc sung túc cho đến danh vọng và sự kính nể, là những thứ mình nghĩ do công phu tu hành mà có, thật ra chỉ mới là cái quả của phước báu, chưa hẳn định tuệ đã vững vàng. Thành ba nghiệp ở ý là tật đố, sân nhuế và tà kiến rất dễ nảy sinh khi bạn chưa trang bị được cho mình cái nhìn duyên khởi, là tinh thần tùy duyên nói trong bài kệ của Tổ Trần Nhân Tông. Để cho tật đố, sân nhuế, tà kiến sai sử thì mọi việc đều mang tính quy ngã và ngã sở. Ngã và ngã sở xuất hiện thì phân biệt và thương ghét không thể tránh khỏi. Đó là việc người tu cần cẩn trọng.
Phu nhân Bàng Long Uẩn nói: “Ý Tổ sư trên đầu ngọn cỏ”. Súc sinh vẫn còn có thể thuyết pháp cho chư thiên. Thì biết, pháp giới này không có gì không học được. Chỉ là mình có đủ tâm để thấy pháp giới này đều mang ý Tổ sư trong đó hay không. Phân biệt nhiều thì chỉ thấy ý mình là đúng, chẳng thể nhận được ý Tổ sư.
Chú thích:
1. Trong kinh Thập thiện không nêu tật đố mà nêu tham dục.
2. Tiểu bộ kinh tập IX, Đại sư Sutasoma (Chuyện tiền thân của Đức Phật).
3. Kinh Thủ lăng nghiêm.