Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Quy trình của lòng nhân

Đã có ai đó cho rằng tình trạng vô cảm vẫn còn trong một “bộ phận” quan chức! Hay đúng hơn trong những nấc thang quan lộ, có tiêu chuẩn nào về lòng nhân không? Thời trước, một viên quan trấn nhậm địa phương nào khi được điều đi nơi khác mà dân không tiếc, không tiễn đưa thì xem như thất bại! Chúng ta nói nhiều về tầm nhìn, về dự kế ngắn hạn hay dài hạn nhưng thiếu chữ tâm thì chữ tầm cũng vứt! Vả chăng người có tâm thì sẽ có tầm nhìn xa hơn đến an sinh xã hội, đến kế sách lâu dài chứ không phiến diện cạn cợt nông nổi, ăn xổi ở thì.
Mục lục


Làm theo quy trình để làm gì?

Theo bản tin các báo, khoảng 20.000 viên thuốc đặc trị chữa ung thư có giá trị gần 14 tỉ đồng tồn kho (đơn giá tháng 8-2015) phải hủy vì hết hạn sử dụng theo như kết luận của Thanh tra TP.HCM.

Có người gọi đây là một “hung tin” không chỉ cho người bệnh ung thư và gia đình của họ, mà cho toàn xã hội; vì trong khi bao nhiêu người mắc bệnh bạch cầu mãn tính thiếu thuốc điều trị thì bệnh viện phải hủy thuốc. Cần biết thêm số thuốc này thuộc chương trình viện trợ nhân đạo. Vậy mà từ khi bệnh viện nhận được thư đề nghị hiến tặng cho đến khi thuốc nhập vào kho mất đến 13 tháng (!). Đến lúc này hạn sử dụng của lô thuốc chỉ còn 10 tháng. Không ai hiểu vì sao lòng vòng suốt một năm trời - từ bệnh viện cho đến các cơ quan quản lý có thẩm quyền - số thuốc viện trợ mới có thể về đến kho.

Một nhà báo bức xúc đã nêu câu hỏi “Có phải do trong máu của những người có trách nhiệm liên quan ấy đã thiếu mất đi những ‘bạch cầu’ thuộc họ ‘nhân’ nên ở mỗi cấp hồ sơ mới đọng lại lâu như vậy. Nếu ngay từ đầu, những người có trách nhiệm liên quan phải giải quyết việc này còn đủ số hồng cầu thuộc họ ‘nhân’, ắt hẳn họ sẽ nhắn với nhau rằng ‘có cái lô thuốc viện trợ chữa ung thư, là thuốc mới hơn thứ đang xài, mình lo cho nhanh đi để người bệnh được nhờ...’. Đã có lúc nào trong suốt thời gian xử lý hồ sơ nhập thuốc đó, họ đã có ý muốn hay ý định nhấc điện thoại hỏi thăm và đốc thúc hay không?” (Danh Đức, Thiếu một chữ nhân! Thời báo Kinh tế Sài Gòn).

Nếu phải kiểm điểm xem vì sao lại xảy ra cớ sự như những vụ việc trên thì trong cái quy trình thiếu chữ Nhân này sẽ lại gặp mẫu số chung “đúng quy trình” với một dây chuyền đùn đẩy “tại, bị, do...”.

Chợt nhớ năm ngoái, khi biện minh cho việc xả lũ ở DakLak hay Quảng Nam, có quan chức cũng cao giọng cãi rằng mình xả lũ “đúng quy trình”, bất chấp bao nhiêu hộ dân hạ nguồn chạy lũ không kịp, mất sạch hoa màu, tài sản, thậm chí tính mạng!

Cũng theo các báo, trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn, các nhà máy thủy điện dù đang vận hành đúng “quy trình”, ngoài việc làm biến dạng địa hình, còn ngăn dòng gây cạn kiệt dòng chảy từ các nhánh sông lớn nhỏ. Kèm theo đó, ở thượng nguồn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, lén lút sử dụng hóa chất thủy ngân, cyanure (cái này thì không theo quy trình nào vì chẳng có ai kiểm tra!) đã biến nhiều dòng sông đục ngầu do nhiễm chất độc. Cụ thể, sông Bồng Miêu đoạn chảy qua xã Tam Lãnh (Phú Ninh) nhiều năm nay quanh năm đục ngầu không phải do lượng phù sa từ thượng nguồn đổ xuống mà từ hệ lụy tận thu vàng. Từ năm 2014, nguồn nước nơi đây bị ô nhiễm dầu mỡ, cyanua vượt ít nhất hơn 5 lần cho phép, ô nhiễm coliform vượt 1,8 lần. Các chỉ số khác đều ở mức báo động. Cách đó không xa, sông Trường đoạn qua xã Sông Trà (Hiệp Đức), nguồn nước tiếp tục bị ô nhiễm bởi chất rắn lơ lửng và Pb (chì). Và còn nhiều con sông khác cũng đang bị đầu độc từ từ... và tàn bạo!

Gần đây, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã chấp nhận thu hồi gần 50ha rừng dừa nước ở xã Bình Phước (huyện Bình Phước) để xây hồ chứa nước cho Nhà máy Bột giấy VNT19 trên địa bàn. Đây là dự án do Công ty cổ phần Bột giấy làm chủ đầu tư, đang trong giai đoạn xây dựng và lắp đặt thiết bị tại mặt bằng trên diện tích khoảng 117ha.

Ông Nguyễn Thế Nhân, Chủ tịch UBND xã Bình Phước cho biết, rừng dừa nước có giá trị lịch sử, che bộ đội du kích trong kháng chiến. Đây cũng là mảnh đất kiếm kế sinh nhai cho nhiều gia đình. Việc phá hủy tới 50ha - 70ha diện tích dừa nước ở đây khiến người dân không chỉ tiếc nuối mà còn lo ngại đến môi trường về sau. Bà Hà Thị Anh Thư, Bí thư Huyện ủy Bình Sơn (Quảng Ngãi), xác nhận trên báo Thanh Niên: “Quan điểm của huyện là ủng hộ chủ trương của tỉnh trong việc thu hồi đất để làm dự án. Tuy nhiên, không thể đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế. Do vậy, nhà đầu tư cần phải trồng lại diện tích rừng thay thế nhằm đảm bảo cân bằng môi trường sinh thái trong khu vực”.

Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường, thì vị trí xả thải của dự án tại vịnh Việt Thanh, huyện Bình Sơn cách bờ biển khoảng 500m - 1,5km. Và với vị trí xả thải này, thì chủ đầu tư dự án sẽ phải lắp đặt ống ngầm dưới nước, giống như trường hợp của Nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh mà bài học đau thương còn nóng hổi! Phải nói là họ đang theo đúng quy trình mà một chủ đầu tư cần làm nhưng gây nhiều băn khoăn quá!

Một trường hợp theo quy trình nữa là của UBND tỉnh Phú Yên dù thừa nhận những thiếu sót của dự án phá rừng làm sân golf. Đây không phải là lần đầu tiên tỉnh Phú Yên cho đánh đổi hàng trăm hecta rừng để giao cho doanh nghiệp. Có ý kiến là dự án này chưa đánh giá tác động môi trường, chưa được phê duyệt, chưa có quyết định cho thuê đất, chưa có hợp đồng thuê đất, chưa có giấy phép xây dựng... mà tỉnh đã đồng ý cho New City thi công sân golf và các hạng mục khác. UBND tỉnh Phú Yên cho rằng tỉnh đã xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng nhưng hạ tầng cơ sở du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu. UBND tỉnh Phú Yên cho biết dự án Khu phức hợp cao cấp New City Việt Nam triển khai thực hiện đã theo “đúng quy trình”, đã lấy ý kiến các bộ ngành liên quan thống nhất về chủ trương đầu tư và được Chính phủ có ý kiến chấp thuận đồng ý về nguyên tắc xây dựng Khu du lịch liên hợp cao cấp có vốn nước ngoài tại tỉnh Phú Yên.


Quy trình của lòng NHÂN?

Chúng ta luôn nghe những người có trách nhiệm về tài nguyên, về môi trường luôn bày tỏ “quan ngại” và lưu ý nhà đầu tư phải..., phải... và phải..., nhưng sau đó có ai kiểm tra hay không thì là câu chuyện khác!

Thiệt hại không chỉ về tiền của nhân dân mà còn là sinh mạng, bao nhiêu bệnh nhân ghép tủy lẽ ra được cứu sống, bao nhiêu người lẽ ra không bị nhiễm độc dần dần qua những năm tháng sử dụng nguồn nước có cyanure, và còn bao nhiêu hậu quả liên quan khác, nếu ta tiếp tục suy diễn rộng ra, dài hơn. Tiếc vì chữ nhân không định lượng được nhưng hậu quả thì hoàn toàn có thể!

Đã có ai đó cho rằng tình trạng vô cảm vẫn còn trong một “bộ phận” quan chức! Hay đúng hơn trong những nấc thang quan lộ, có tiêu chuẩn nào về lòng nhân không? Thời trước, một viên quan trấn nhậm địa phương nào khi được điều đi nơi khác mà dân không tiếc, không tiễn đưa thì xem như thất bại! Chúng ta nói nhiều về tầm nhìn, về dự kế ngắn hạn hay dài hạn nhưng thiếu chữ tâm thì chữ tầm cũng vứt! Vả chăng người có tâm thì sẽ có tầm nhìn xa hơn đến an sinh xã hội, đến kế sách lâu dài chứ không phiến diện cạn cợt nông nổi, ăn xổi ở thì.

Lý tưởng của bất kỳ cuộc cách mạng nào cũng nằm ở việc xây dựng một tư duy mới, nhưng tư duy nào đi nữa thì cũng xuất phát từ con người, vì con người và cho con người. Chúng ta muốn nhân dân có một đời sống bình yên, an vui và hạnh phúc thì trước tiên phải xây dựng lại quy trình sao cho phát triển quanh trục Nhân: nhân chủ, nhân bản và nhân sinh. Nhân chủ thì như chúng ta vẫn thường tuyên bố nhân dân làm chủ, chính quyền quản lý đấy thôi còn những chữ nhân khác là nền tảng cho mọi chính sách. Những chiến lược, chính sách nào bất lợi cho con người đều phải được nghiêm cẩn xem xét và loại trừ ngay nếu cảm thấy tiềm ẩn những rủi ro về môi trường, về xã hội hôm nay hoặc trong tương lai. Nếu chúng ta làm một điều gì mà gây khó khăn hoặc khổ đau cho người khác, chúng ta đã vi phạm quy trình của lòng nhân. Chúng ta chỉ muốn thỏa mãn kế hoạch hay mong muốn của mình mà bất chấp di hại, chúng ta cũng khó trả lời với thế hệ mai sau về nhưng hậu quả tai hại do chính mình vì bất cẩn hay vì một động cơ không trong sáng nào đó gây ra.

Suy cho cùng, theo Phật giáo, cội nguồn hạnh phúc chính là lòng từ bi. Từ bi bao gồm mong muốn cho người khác thoát khổ (từ) và giúp người khác thoát khổ (bi).

Người làm quan, vui sau thiên hạ, khổ trước thiên hạ như người xưa từng dạy, phải phát triển tâm từ của mình bằng sự rèn luyện thường xuyên. Hãy nghĩ đến người dân như thân nhân của mình, ai cũng có thể là mẹ là chị là con... Khi chúng ta thay đổi thái độ, tư tưởng và quan điểm tích cực, những thứ tiêu cực sẽ bị loại trừ và tâm chúng ta cũng đổi thay.

Nhưng nói như ngài Đạt-lai Lạt-ma, mọi thứ sẽ không thể thay đổi trong một đêm. “Tâm” rất ngoan cố, nó sẽ chống lại. Chỉ bằng nỗ lực liên tục và lòng tin đặt cơ sở trên lý trí và ý chí vì người khác, khi nhận ra sự thay đổi là cần thiết, “tâm” chúng ta sẽ chuyển biến:

“Bằng cách nghĩ đến nỗi khổ của người khác, thể hiện sự từ bi đối với kẻ khác, nỗi khổ đau của chúng ta trở nên dễ chuyển hóa hơn.

Mỗi ngày cố gắng từ bi hơn, chúng ta có thể phát triển những cảm thông cho sự đau khổ của người khác, có ý muốn giúp họ loại bỏ nỗi đau. Kết quả là sự thanh thản đến với chúng ta và sức mạnh nội tâm ngày càng gia tăng”.

Lòng từ bi thay đổi xã hội, và cả thế giới, trên bình diện rộng. Tất cả chúng ta đều có nhu cầu về tình thương yêu. Lòng từ bi không chỉ là lý tưởng tôn giáo đơn thuần, nó là yêu cầu cần thiết cho toàn nhân loại nói chung. Làm quan như người xưa dạy phải có đức, nghĩa là đạo đức, phẩm hạnh. Trong xã hội từ xưa đến nay, dù là bình dân bá tánh, quan lại hay kẻ làm lãnh đạo đều phải biết “tu dưỡng đạo đức”. Điều đó đủ để thấy rằng một chữ “đức” đã gồm thâu lại tất cả những phẩm chất tốt đẹp của con người.

Thầy trò Khổng Tử trên đường vân du, một hôm Khổng Tử gọi Tử Cống (một trong 72 học trò hiền của Khổng Tử) hỏi:

“Theo con, thế nào là người nhân, thế nào là người trí?”.

Tử Cống suy nghĩ một lát rồi đáp:

“Thưa thầy! Người nhân là người biết thương người, còn người trí là người biết hiểu người”.

Khổng Tử khen hay rồi kêu Tăng Tử vào hỏi lại câu trên. Tăng Tử suy nghĩ một hồi rồi đáp:
“Thưa thầy! Người nhân là người biết thương mình,
người trí là người tự biết mình”.

Khổng Tử chịu quá! Ông tiếp tục gọi người học trò thứ ba là Tử Lộ vào và hỏi giống y như câu hỏi hai người học trò trước.

Tử Lộ ngẫm nghĩ một lúc rôi thưa:

“Theo con, người nhân là người làm sao cho người khác thương được mình, còn người trí là người làm sao cho người khác hiểu được mình!”.

Khổng Tử rất đỗi ngạc nhiên, ngửa mặt khen rằng:

“Bất ngờ thay!”.

(Theo “Thuật xử thế người xưa” của Ngô Nguyên Phi)

Muốn người khác thương mình thì điều gì mình không muốn người khác làm cho mình thì mình đừng làm cho người khác, còn điều gì mình muốn làm hãy làm cho người khác trước (‘Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân’ và ‘Kỷ sở dục giả, viết thi ư nhân’).

Có quan chức nào suy nghĩ nếu gia đình mình ở vùng hạ lưu mà mình xả lũ bất ngờ thì sao? Nếu con cháu mình uống nước, tắm gội trên những nhánh sông của Vu Gia hay Thu Bồn ngày mai đây thì sao? Hay số phận những người dân mất rừng dừa sống bằng gì trong khi nơm nớp sợ sự cố Formosa tập 2 tái diễn? Đặt mình vào địa vị của người dân, khơi lên sự “đồng cảm” (empathy) với hoàn cảnh của họ, chúng ta sẽ biết quy trình thuận hay nghịch lòng dân. Nếu nó đi ngược lại nhân tâm, nhân đức, nhân đạo thì không thể gọi là quy trình đúng được, bất chấp có bao nhiêu ông tiến sĩ ngồi sau cái quyết định ấy!

Tại Nhật Bản, một trong những doanh nhân mẫu mực là ông Kazuo Inamori, người sáng lập Tập đoàn Kyocera và là Chủ tịch hiện tại của Hàng không Nhật Bản. Trong 47 năm từ khi thành lập, Tập đoàn Kyocera chưa bao giờ bị lỗ, đây là một thành quả vượt bậc.

Khi được hỏi về bí mật thành công, ông Inamori có một câu trả lời vô cùng đơn giản. Ông tin rằng điều quan trọng nhất trong cuộc đời là phải đặt câu hỏi: “Tại sao chúng ta có mặt tại đây?”.

Câu trả lời của ông là: “Chúng ta có mặt ở đây để nâng cao đức tính của chúng ta. Chúng ta muốn trở thành một người có đạo đức tốt hơn khi chúng ta mới sinh ra, và không còn một mục đích nào khác. Để hiểu tại sao chúng ta có mặt tại đây, chúng ta cần phải tìm một con đường chân chính”. Nghĩa là “Làm người trước, làm việc sau”.

Ông cho rằng một người cho dù là thông minh bao nhiêu đi nữa, có năng lực lớn đến đâu đi nữa, điều kiện hoàn cảnh tốt đến mức nào đi nữa, nhưng nếu không hiểu được đạo lý làm người thì nhân phẩm sẽ rất kém.

Chỉ có làm người trước thì mới có thể làm thành được việc đại sự, đây vừa là đạo lý, vừa là lời giáo huấn của người xưa. “Nhân phẩm” và “năng lực” giống như tay trái và tay phải của một người. Nếu chỉ có năng lực không có nhân phẩm thì người ấy không được trọn vẹn, đầy đủ.

Năng lực được ví như một con dao hai lưỡi. Nếu như “năng lực” được một người có phẩm đức nắm giữ thì họ sẽ sáng tạo cho xã hội vô số những điều có giá trị. Trái lại, nếu “năng lực” được một người có phẩm đức kém nắm giữ thì không biết bản thân người ấy và xã hội sẽ đi đến nguy hiểm gì. Một quan chức dựa vào năng lực thuần túy sẽ bất chấp nhân sinh đưa ra những kế sách tai hại, chỉ vì mục đích kinh tế hoặc vì động cơ “nhóm lợi ích”.

Thế nên chúng ta hiểu kế sách phải toàn diện, triệt để và hướng thượng. Toàn diện là phải xét các mặt, không thể không xuất phát từ cái tâm cùa người lãnh đạo: mọi dự án phải gắn với dân sinh; “triệt để” là không thể giải thích qua loa rằng sẽ yêu cầu nhà đầu tư lưu ý cái này cái nọ mà sẽ đánh giá tác hại môi trường bằng những chỉ số rạch ròi nếu vi phạm thì phải xử lý, kể cả xử lý trên căn bản Luật Hình sự, nếu cần. Còn “hướng thượng” là phải tiến lên sáng tạo cái mới, hướng đến lý tưởng, không có yếu tố hay lý do nào kéo lùi sự tiến bộ, phản bội lý tưởng ban đầu, ví như vì kinh tế mà tàn phá môi trường, vì du lịch mà tàn hại dân sinh...

Khẩu hiệu “Ngày một mới” không còn xa lạ với nhiều quốc gia cũng thoát ra từ chiến tranh như ta. Chúng ta nhớ Nhật Bản cũng chỉ mất chưa đầy 20 năm đã trở thành một cường quốc kinh tế mà vẫn duy trì tình trạng môi sinh cực tốt, còn Trung Quốc tiến bộ vượt rất xa chúng ta về kinh tế nhưng cũng đang đau đầu với bài toán ô nhiễm môi trường! Cũng do họ quá vội vàng phát triển mà đánh giá không đầy đủ hai mặt của cuộc cách mạng kinh tế kỹ thuật: phá hoại và kiến thiết.

Phá cái cũ nhưng không thể phá sạch như chúng ta từng học trong phép biện chứng, không thể phủ định sạch trơn mà phải duy trì nền móng nhằm xây dựng cái mới. Thành thị hóa nông thôn không thể là cái cớ cho những công trình, hay những kế hoạch thu hẹp diện tích đất nông nghiệp dẫn đến mất cảnh giác về môi trường và an ninh lương thực!

Và hãy nhớ quy trình nào thì cũng phải khởi đi từ lòng dân, bắt đầu và kết thúc cũng quay về một chữ nhân. Khởi đi từ động cơ vì con người, cứu cánh cũng vì con người, trên cái trục nhân bản, nhân sinh và nhân đạo. Ngoài trục ấy, quy trình nào, dù khoa học đến đâu, cũng trở thành tai họa và thiếu nhân đức. Quy trình luôn là một vòng tròn và tâm của nó là chữ Nhân viết hoa rất lớn.

Đó là ý nghĩa khởi nguyên của Từ và tận cùng của Bi, quy trình của mọi kế sách an sinh xã hội và đích đến của mọi quốc gia hạnh phúc trên thế giới.
 


Theo Văn hoá Phật giáo số 274 ngày 01-06-2017

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm