Trong kinh Pháp Cú, Đức Phật từng buông lời tự thán:
“Lang thang bao kiếp sống,
Ta tìm nhưng không gặp,
Người xây dựng nhà này [1],
Khổ thay phải tái sanh"[2].
Trong nhiều văn cảnh khác thuộc Kinh tạng Pàli, khi thuyết giảng về các kinh nghiệm tu chứng đạo quả, bậc Giác ngộ nói rõ bản thân mình từng lang thang làm khách trọ trần gian trong nhiều đời kiếp:
“Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Ta dẫn tâm, hướng tâm đến túc mạng trí. Ta nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, hai trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp. Ta nhớ rằng: “Tại chỗ kia, Ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, ăn uống như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, Ta được sanh ra tại chỗ này. Tại chỗ này, Ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, ăn uống như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ này, Ta được sanh ra ở đây”[3].
Theo quan niệm luân hồi của đạo Phật thì trừ những bậc đã giác ngộ và những vị có duyên may bước đi trên con đường giác ngộ, hết thảy chúng sinh đều phải chịu luân chuyển sinh tử trong các cảnh giới tái sinh thuộc cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc, mãi mãi làm khách phiêu bạt trong nhiều cõi giới sinh diệt khác nhau, với các đời sống nổi trôi vô định, không có gì là chắc chắn và an toàn. Con người (sáu căn) và thế giới chống đỡ cho con người tồn tại (sáu trần) đều do nghiệp duyên mà có mặt[4], là chuyển biến, vô thường, giả hợp, không thường trú, không tồn tại mãi, không thuộc của ai, không ai làm chủ được. Giống như nhiều loại sinh vật khác, con người hiện hữu trên trái đất chỉ là khách trọ nhất thời, do nghiệp lực mà đến với thế giới này và rồi tiếp tục đi đến một cảnh giới khác tùy theo nghiệp lực tích tập, không mang theo được cái gì, vì mọi cảnh giới tái sinh đều do nghiệp tạo tác và quyết định. Kinh Phật nói như vầy:
“Chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ. Những chúng sanh làm những ác hạnh về thân, làm những ác hạnh về lời nói, làm những ác hạnh về ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến; những người này, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Còn những chúng sanh nào thành tựu những thiện hạnh về thân, thành tựu những thiện hạnh về lời nói, thành tựu những thiện hạnh về ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến; những người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các thiện thú, cõi Trời, trên đời này”[5].
Nghiệp lực hay còn gọi là tâm tạo tác (cetanà) quyết định thân phận hiện hữu và cảnh giới tái sanh của chúng sinh. “Các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình, nghĩa là có liệt, có ưu”[6]. Câu chuyện hoàng hậu Upari tái sinh làm con bọ hung cái được nói đến trong văn học Phật giáo cho thấy cùng một dòng tâm thức trôi chảy trong một người mà hai cảnh giới hiện hữu hoàn toàn khác nhau. Tâm trước là cảnh giới của một quý bà cao quý sống trong nhung lụa nhưng tâm sau thì biến thành cảnh giới của con bọ hung cái sống trong môi trường chất thải của loài người. Tâm sanh thì thế giới sanh, tâm diệt thì thế giới diệt. Con bọ hung cái không còn hay biết gì đến cảnh giới cao sang mà nó từng hiện hữu. Đối với nó, không hề có thế giới loài người với những lầu đài cao sang và trăng sao lấp lánh. Nó chỉ biết môi trường chất thải cùng với con bọ hung đực bạn nó là thế giới hấp dẫn thân thương nhất của nó! Cái vọng tâm trong chúng sinh đáng thương đáng sợ là vậy.
Con người mãi hoài là khách trọ trần gian, không phải là chủ nhân của thế giới, vì con người do nghiệp mà đến với thế gian này và rồi phải ra đi, chịu sự sinh tử, không tồn tại mãi, không có quyền hành gì đối với bản thân mình[7], không thay đổi được quy luật chuyển biến sinh diệt của hiện hữu. Rõ là không ai biết chắc mình sống được bao lâu và thế giới nào con người sẽ đi sau khi chết. Tất cả đều do nghiệp quyết định. Ấy thế, ngay chính bản thân mình còn không làm chủ được thì huống nữa là thế giới bên ngoài?
Kinh Pháp Cú khéo nhắc như vầy:
Con tôi, tài sản tôi,
Người ngu sinh ưu não,
Tự ta, ta không có,
Con đâu, tài sản đâu?[8].
“Tự ta, ta không có”, nghĩa là bản thân mình, thân ngũ uẩn của mỗi người, là hoàn toàn trống không, rỗng không, không thực thể, không tồn tại mãi, không phải của mình, mình không làm chủ được. Nó chỉ là một hiện tượng giả hợp do sắc, thọ, tưởng, hành, thức nhóm họp lại mà thành, tồn tại nhờ ngoại duyên, chịu sự thay đổi và biến diệt, không có ai là chủ thể. Thân ngũ uẩn của mỗi người được ví như ngôi nhà khách, một ngôi nhà không có chủ, trong đó sắc (thân thể), thọ (cảm giác), tưởng (nhận biết), hành (ý chí) và thức (tri thức) do duyên mà đến và đi, tụ và tán, sanh và diệt liên tục, không có cái gì là đứng yên, chắc chắn, thường hằng, bền vững để ta có thể nương tựa hay gọi là “của tôi”. Do sắc, thọ, tưởng, hành, thức thường xuyên thay đổi, chịu sự biến diệt, chúng được ví như đống bọt nước, như bong bóng nước, như ráng mặt trời, như cây chuối không lõi cứng, như trò ảo thuật, hoàn toàn trống không, hư huyễn, không thực thể, nhanh chóng tan biến[9].
“Ví như, này các Tỳ-kheo, một nhà khách, ở đấy, từ phương Đông có người đến ở. Từ phương Tây, có người đến ở. Từ phương Bắc, có người đến ở. Từ phương Nam, có người đến ở. Những người Sát-đế-lỵ đến ở, những người Bà-la-môn đến ở, những người Phệ-xá (Vessa) đến ở, những người Thủ-đà (Suddà) đến ở. Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, trong cái thân này có nhiều loại thọ sai biệt khởi lên. Lạc thọ khởi lên, khổ thọ khởi lên, bất khổ bất lạc thọ khởi lên”[10].
“Chư Hiền, như một khoảng trống được bao vây bởi cây gậy, bởi dây leo, bởi cỏ, bởi bùn, được biết là một nhà ở. Cũng vậy, chư Hiền, một khoảng trống được bao vây bởi xương, bởi dây gân, bởi thịt, bởi da, được biết là một sắc pháp. Chư Hiền, nếu nội mắt không bị hư hại, nhưng ngoại sắc không vào trong tầm mắt, không có sự quy tụ xúc chạm thích hợp, thì thức phần thích hợp không có hiện khởi. Chư Hiền, nếu nội mắt không bị hư hại, ngoại sắc vào trong tầm mắt, nhưng không có sự quy tụ xúc chạm thích hợp, thì thức phần thích hợp không có hiện khởi. Chư Hiền, chỉ khi nào nội mắt không bị hư hại, ngoại sắc vào trong tầm mắt, có sự quy tụ xúc chạm thích hợp, thì thức phần thích hợp có hiện khởi. Bất cứ sắc pháp gì được hiện khởi như vậy đều quy tụ trong sắc thủ uẩn; bất cứ cảm thọ gì được hiện khởi như vậy đều quy tụ trong thọ thủ uẩn; bất cứ tưởng gì được hiện khởi như vậy đều được quy tụ trong tưởng thủ uẩn; bất cứ hành gì được hiện khởi như vậy đều quy tụ trong hành thủ uẩn; bất cứ thức gì được hiện khởi như vậy đều quy tụ trong thức thủ uẩn. Vị ấy tuệ tri như sau: “Như vậy, như người ta nói, có sự quy tụ, sự tập hợp, sự hòa hợp của năm thủ uẩn này. Thế Tôn đã nói như sau: “Ai thấy được lý duyên khởi, người ấy thấy được pháp; ai thấy được pháp, người ấy thấy được lý duyên khởi”. Những pháp này do duyên khởi lên chính là năm thủ uẩn. Sự tham dục, chấp trước, tham đắm, mê say trong năm thủ uẩn này tức là khổ tập khởi; sự nhiếp phục tham dục, sự từ bỏ tham dục tức là sự khổ đoạn diệt”[11].
Như vậy, sắc (thân thể), thọ (cảm giác), tưởng (nhận biết), hành (ý chí) và thức (tri thức) là khách trọ của thân ngũ uẩn, là các nhân tố nhất thời tạo nên thân ngũ uẩn giả hợp; đến lượt thân ngũ uẩn của mỗi người là khách trọ trần gian. Đã là khách thì không có gì là chắc chắn, bền vững, thoải mái, an toàn, không có gì là của mình, không có gì thuộc về mình cả. Sắc, thọ, tưởng, hành, thức là trống không, hư huyễn, không chắc thật, không phải của mình; thế giới mà mình đang sống cũng trống không, hư huyễn, không chắc thật, không phải của mình. Tất cả chỉ là hiện tượng sanh và diệt do nghiệp duyên tạo nên. Tất cả chỉ là khách trọ bất như ý của nghiệp lực hay của quy luật sinh tử luân hồi.
Bậc Giác ngộ lưu nhắc cho chúng ta về muôn vàn nỗi bất hạnh khổ đau của thân kiếp làm khách trọ bị giam cầm trong các cảnh giới luân hồi:
“Ví như, này các Tỳ-kheo, một cây gậy được ném lên trên hư không, khi thì rơi trên đầu gốc, khi thì rơi chặng giữa, khi thì rơi đầu ngọn. Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, các chúng sanh bị vô minh che đậy, bị tham ái trói buộc, lưu chuyển luân hồi, khi thì từ thế giới này đi thế giới khác, khi thì từ thế giới khác đến thế giới này[12].
Cái này là nhiều hơn, này các Tỳ-kheo, tức là sữa mẹ mà các Ông đã uống trong khi các Ông lưu chuyển luân hồi trong một thời gian dài, chớ không phải nước trong bốn biển[13].
Cái này là nhiều hơn, này các Tỳ-kheo, tức là dòng máu tuôn chảy do đầu bị thương tích khi các Ông lưu chuyển luân hồi trong thời gian dài này, chớ không phải là nước trong bốn biển lớn.
Này các Tỳ-kheo, dòng máu tuôn chảy do đầu các Ông bị thương tích khi các Ông là bò, sanh ra làm bò trong thời gian dài, chớ không phải là nước trong bốn biển lớn.
Này các Tỳ-kheo, dòng máu tuôn chảy do đầu bị thương tích khi các Ông là trâu, sanh ra làm trâu trong thời gian dài...
Này các Tỳ-kheo, dòng máu tuôn chảy do đầu bị thương tích khi các Ông là cừu, sanh ra làm cừu trong thời gian dài...
... khi các Ông là dê, sanh ra làm dê...
... khi các Ông là nai, sanh ra làm nai...
... khi các Ông là gia cầm, sanh ra làm gia cầm...
... khi các Ông là heo, sanh ra làm heo...
Này các Tỳ-kheo, dòng máu tuôn chảy do đầu bị
thương tích khi các Ông làm đạo tặc, làm kẻ trộm làng bị bắt trong thời gian dài...
Này các Tỳ-kheo, dòng máu tuôn chảy do đầu bị thương tích khi các Ông làm đạo tặc, ăn cướp đường bị bắt trong thời gian dài...
Này các Tỳ-kheo, dòng máu tuôn chảy do đầu bị thương tích khi các Ông làm đạo tặc, tư thông vợ người trong thời gian dài, chớ không phải là nước trong bốn biển lớn.
Vì sao? Vô thỉ là luân hồi, này các Tỳ-kheo, khởi điểm không thể nêu rõ đối với lưu chuyển luân hồi của các chúng sanh bị vô minh che đậy, bị tham ái trói buộc.
Cho đến như vậy, này các Tỳ-kheo, là vừa đủ để các Ông nhàm chán, là vừa đủ để các Ông từ bỏ, là vừa đủ để các Ông giải thoát đối với tất cả các hành”[14].
Nhận thức rõ số kiếp làm khách trọ lang thang vô định trong các cảnh giới tái sinh là cơ hội thức tỉnh lớn để cho con người tìm thấy lối đi ra khỏi luân hồi khổ đau. Đó chính là nhận ra sự thật khổ đau bất hạnh hàm tàng trong chính mình, trong sắc, thọ, tưởng, hành, thức và mọi cảnh giới tái sinh, không một chỗ nào là tuyệt đối an toàn ở trong thế giới sinh tử luân hồi. Con người không bao giờ tìm thấy thoải mái và an lạc thật sự một khi bị trói buộc nổi trôi trong các cảnh giới luân hồi; vì ở đó không có tự do, không có an toàn, không có giải thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Đó hoàn toàn là thế giới mê lầm khổ đau (thuật ngữ Phật học gọi là các hành: sankhàra), do vô minh và tham ái tạo ra, cần phải sinh tâm nhàm chán và buông bỏ. Nhận thức rõ như thế về thân phận làm khách trọ trần gian, về sự hiện hữu bất an của mình trong thế giới luân hồi tức là có chánh kiến, có trí tuệ, có khả năng đi ra khỏi khổ đau trầm luân.
Rõ ràng, thật khó thừa nhận ý tưởng rằng sự có mặt của thân ngũ uẩn (con người) trên cuộc đời là mê lầm khổ đau, càng không dễ tiếp nhận quan niệm cho rằng sự nỗ lực nhiếp phục và buông bỏ các đam mê khoái lạc trần thế (dục ái) chính là cách thức hạn chế mê lầm và buông bỏ khổ đau. Tập quán ái ngã ái lạc che chắn mọi cơ hội thức tỉnh và giải thoát của chúng sinh, không ngừng lôi kéo chúng sinh đi từ mê lầm này đến mê lầm khác, từ khổ đau này đến khổ đau khác trong các nẻo đường sinh tử luân hồi. Thế nhưng, bậc Giác ngộ nhắc bảo cho chúng ta rằng chính thái độ thiếu hiểu biết đúng đắn về ngũ uẩn (khổ) đi đôi với tập quán ham thích mê lầm đối với các khoái cảm thế gian (dục ái = khổ tập) là nguyên nhân đưa đẩy con người trôi dạt chỗ này chỗ kia trong biển sinh tử luân hồi, mãi mãi làm khách không mời trong ngôi nhà lửa tam giới, không thoát khỏi khổ đau bởi sanh, già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não.
Kinh Pháp Cú lưu nhắc như vầy:
Đêm dài cho kẻ thức,
Đường dài cho kẻ mệt,
Luân hồi dài, kẻ ngu,
Không biết chơn diệu pháp[15].
Với mục đích khai thị cho chúng sinh con đường giải thoát khổ đau, bậc Giác ngộ gợi ý với mọi người về hai lối sống, phi Thánh cầu (anariya-pariyesàna) và Thánh cầu (ariya-pariyesàna), nói rõ sự trói buộc tinh tế của tập quán vô minh và tham ái khiến cho chúng sinh không nhận ra sự thật phiền toái của thân phận làm khách trọ trần gian, phản tưởng khổ là lạc[16], tiếp tục mê lầm tìm cầu thế giới khổ đau sinh tử luân hồi. Chỉ những ai nhận ra sự thật khổ đau của sự kiện tái sinh, thấy rõ sự nguy hại của sinh tử luân hồi, mới hy vọng thoát khỏi thân phận làm khách trọ trần gian, mới chấm dứt chuỗi tháng năm lang thang không hạn định trong thế giới khổ đau luân hồi:
“Này các Tỳ-kheo, thế nào là phi Thánh cầu? Ở đây, này các Tỳ-kheo, có người tự mình bị sanh lại tìm cầu cái bị sanh, tự mình bị già lại tìm cầu cái bị già, tự mình bị bệnh... tự mình bị chết... tự mình bị sầu... tự mình bị ô nhiễm lại tìm cầu cái bị ô nhiễm.
Này các Tỳ-kheo, cái gì theo các ngươi gọi là bị sanh? Này các Tỳ-kheo, vợ con là bị sanh; đầy tớ nam, đầy tớ nữ là bị sanh; dê và cừu là bị sanh; gà và heo là bị sanh; voi, bò, ngựa đực, ngựa cái là bị sanh; vàng và bạc là bị sanh. Này các Tỳ-kheo, những chấp thủ ấy bị sanh, và người ấy lại nắm giữ, tham đắm, mê say chúng, tự mình bị sanh lại tầm cầu cái bị sanh.
Và này các Tỳ-kheo, cái gì theo các ngươi gọi là bị già? Này các Tỳ-kheo, vợ con là bị già; đầy tớ nam, đầy tớ nữ là bị già; dê và cừu là bị già; gà và heo là bị già; voi, bò, ngựa đực, ngựa cái là bị già; vàng và bạc là bị già. Này các Tỳ-kheo, những chấp thủ ấy là bị già, và người ấy lại nắm giữ, tham đắm, mê say chúng, tự mình bị già lại tìm cầu cái bị già.
Và này các Tỳ-kheo, cái gì theo các ngươi gọi là bị bệnh? Này các Tỳ-kheo, vợ con là bị bệnh; đầy tớ nam, đầy tớ nữ là bi bệnh; dê và cừu là bị bệnh; gà và heo là bị bệnh; voi, bò, ngựa đực, ngựa cái là bị bệnh. Này các Tỳ- kheo, những chấp thủ ấy là bị bệnh, và người ấy lại nắm giữ tham đắm, mê say chúng, tự mình bị bệnh lại tìm cầu cái bị bệnh.
Và này các Tỳ-kheo, cái gì các ngươi nói là bị chết? Này các Tỳ-kheo, vợ con là bị chết; đầy tớ nam, đầy tớ nữ là bị chết; dê và cừu là bị chết; gà và heo là bị chết; voi, bò, ngựa đực, ngựa cái là bị chết. Này các Tỳ-kheo, những chấp thủ ấy là bị chết, và người ấy lại nắm giữ, tham đắm, mê say chúng, tự mình bị chết lại tìm cầu cái bị chết.
Và này các Tỳ-kheo, cái gì theo các ngươi gọi là bị sầu? Này các Tỳ-kheo, vợ con là bị sầu; đầy tớ nam, đầy tớ nữ là bị sầu; dê và cừu là bị sầu, gà và heo là bị sầu; voi, bò, ngựa đực, ngựa cái là bị sầu. Này các Tỳ-kheo, những chấp thủ ấy là bị sầu, và người ấy lại nắm giữ, tham đắm, mê say chúng, tự mình bị sầu lại tìm cầu cái bị sầu.
Và này các Tỳ-kheo, cái gì theo các ngươi gọi là bị ô nhiễm? Này các Tỳ-kheo, vợ con là bị ô nhiễm; đầy tớ nam, đầy tớ nữ là bị ô nhiễm; dê và cừu là bị ô nhiễm; gà và heo là bị ô nhiễm; voi, bò, ngựa đực, ngựa cái là bị ô nhiễm; vàng và bạc là bị ô nhiễm. Và này các Tỳ-kheo, những chấp thủ ấy là bị ô nhiễm, và người ấy lại nắm giữ, tham đắm, mê say chúng, tự mình bị ô nhiễm lại tìm cầu cái bị ô nhiễm. Này các Tỳ-kheo, như vậy gọi là phi Thánh cầu.
Và này các Tỳ-kheo, thế nào là Thánh cầu? Ở đây, này các Tỳ-kheo, có người tự mình bị sanh, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị sanh, tìm cầu cái vô sanh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị già, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị già, tìm cầu cái không già, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị bệnh, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị bệnh, tìm cầu cái không bệnh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị chết, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị chết, tìm cầu cái bất tử, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết- bàn; tự mình bị sầu, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị sầu, tìm cầu cái không sầu, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị ô nhiễm, sau khi biết rõ sự nguy hại của ô nhiễm, tìm cầu cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn. Này các Tỷ-kheo, như vậy, gọi là Thánh cầu”[17].
Chú thích:
1. Chỉ cho thân ngũ uẩn gắn liền với già, bệnh, chết.
2. Kinh Pháp Cú, kệ số 153.
3. Kinh Sợ hãi và khiếp đảm, Trung Bộ.
4. Kinh Samiddhi, Kinh Biến hoại, Kinh Thế giới, Tương Ưng Bộ.
5. Đại kinh Sư tử hống, Trung Bộ.
6. Kinh Tiểu nghiệp phân biệt, Trung Bộ.
7. Tiểu kinh Saccaka, Trung Bộ; Kinh Năm vị, Tương Ưng Bộ.
8. Kinh Pháp Cú, kệ số 62.
9. Kinh Bọt nước, Tương Ưng Bộ.
10. Kinh Khách xá, Tương Ưng Bộ.
11. Đại kinh Ví dụ dấu chân voi, Trung Bộ.
12. Kinh Cây gậy, Tương Ưng Bộ.
13. Kinh Sữa, Tương Ưng Bộ.
14. Kinh Khoảng ba mươi, Tương Ưng Bộ.
15. Kinh Pháp Cú, kệ số 60.
16. Kinh Màgandiya, Trung Bộ.
17. Kinh Thánh cầu, Trung Bộ.