Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

4 nỗi khổ mà mỗi người nên biết

Nếu chúng ta nhận thức được không có gì thường xuyên trường tồn mãi mãi. Đời là vô thường, thân vô thường, tâm vô thường, thời gian vô thường, tiền vô thường… thì cuộc sống của mỗi chúng ta sẽ nhẹ nhàng và bớt khổ đau hơn.
Mục lục

Đôi khi chúng ta khổ mà không hiểu vì sao mình khổ, vì vậy hãy nhận biết 4 nỗi khổ cơ bản dưới đây để con đường đi đến giải thoát của chúng ta được rút ngắn lại.

1. Không nhìn thấu chính mình

Ta còn khổ vì ta không thể tự nhìn thấy sự lòng vòng, luẩn quẩn của chính bản thân mình. Đôi khi ta cũng không hiểu nổi bản thân mình muốn gì, thích gì? Hàng ngày mỗi khi mở mắt dậy ta làm những công việc như mọi ngày và rồi kết thúc ngày cũng chẳng khác ngày hôm qua là mấy. Có lẽ cũng có lúc ta cảm nhận được có gì đó nhàm chán trong cuộc đời của ta nhưng ta vẫn cứ luẩn quẩn chẳng biết thoát khỏi nó như thế nào. Đó là nỗi khổ mà nhiều người gặp phải.

Đôi khi ta cũng không hiểu nổi bản thân mình muốn gì, thích gì? Nguồn ảnh: Internet

Đức Phật dạy chúng ta về những vòng luân hồi, nếu không hiểu chúng ta sẽ mãi chẳng thể nào thoát ra được những sự luẩn quẩn ấy. Đôi khi chúng ta cần lắng lại, bỏ qua những gì đang diễn ra xung quanh, ngồi xuống và lắng nghe bản thân xem mình thực sự là ai và cần gì trong cuộc sống này?.

2. Tiếc nuối quá khứ

Đức Phật từng dạy rằng: “Quá khứ đã không còn, tương lai thì chưa tới. Chỉ có giây phút hiện tại là đáng để chúng ta đầu tư và thật sự sống mà thôi.” Con người nếu còn bám chấp vào sự vật, hiện tượng thì con người còn khổ đau. Sự bám chấp là nguyên nhân của nỗi khổ và sự bất an. Vì vậy nếu cứ mãi bám chấp vào quá khứ ta sẽ bỏ lỡ đi những phút giây tuyệt vời của hiện tại,vì bám chấp quá khứ mà có thể ta sẽ bỏ lỡ một cơ hội nào đó ở hiện tại, một ai đó đang hiện hữu bên cạnh hay đơn giản chỉ là một phút hạnh phúc bình yên ngay lúc này.

Quá khứ đã không còn, tương lai thì chưa tới. Chỉ có giây phút hiện tại là đáng để chúng ta đầu tư và thật sự sống mà thôi. Nguồn ảnh: Internet

Con người rất dễ bị quá khứ đeo đuổi, nhất là khi nhìn lại những ngày tươi đẹp từng có. Ta luyến tiếc kỷ niệm dù kỷ niệm chỉ còn như sương khói, luyến tiếc những điều chưa thể làm dù chẳng còn cơ hội. Ta luyến tiếc danh tiếng, những tiếng vỗ tay đắc thắng dù nó chỉ là thứ hư vinh. Mãi luyến tiếc quá khứ chính là phủ một lớp mây mù ảm đạm lên chính hiện tại và tương lai của ta mà thôi.

3. Không vượt qua thất bại

Thất bại là chuyện thường trong đời mỗi người. Ai dám nói mình chưa từng gục ngã? Những người thành đạt nhất chắc hẳn chính là những người vấp ngã nhiều nhất. Quan trọng là bạn biết cách đứng dậy sau vấp ngã ra sao? Nếu xem những khó khăn, vấp ngã chúng ta gặp như những bài học cần có của cuộc đời thì có lẽ ta sẽ đối diện dễ dàng hơn, để rồi từ đó ta biết cách đứng dậy mạnh mẽ và tự nhủ không bao giờ phạm phải những sai lầm tương tự như vậy.

Lựa chọn mạnh mẽ kiên cường đứng lên hay nằm gặm nhấm những khó khăn hiện tại đều là quyết định của chính chúng ta. Nguồn ảnh: Internet

Cuộc đời là do chính ta quyết định, con đường là do chính ta chọn đi. Vậy lựa chọn mạnh mẽ kiên cường đứng lên hay nằm gặm nhấm những khó khăn hiện tại đều là quyết định của chính chúng ta.

4. Không biết buông bỏ

Phật dạy mọi đau khổ hay sung sướng của con người suy cho cùng đều tại tâm. Vì vậy để có cuộc sống hạnh phúc, mỗi người cần biết cải biến tâm tính, biết buông bỏ những sân si. Tất cả đều là ảo mộng, là bong bóng, sẽ vỡ tan một khi người ta nhắm mắt xuôi tay. Học cách buông bỏ chính là tận hưởng cuộc đời này một cách trọn vẹn nhất.

Học cách buông bỏ chính là tận hưởng cuộc đời này một cách trọn vẹn nhất. Nguồn ảnh: Internet

Làm sao bạn có thể đi đến đích cuộc đời nếu cứ chấp nhất, cứ đem những ràng buộc trói buộc bản thân?

Theo phatgiao.org.vn

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm