Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Gần đèn thì sáng

Cư sĩ Citta đã đạt được mắt sáng tuệ giác và đã giúp cho bạn cũ của mình, du sĩ lõa thể Kassapa, hiểu ra Phật là người đem đèn sáng vào trong bóng tối để cho những ai có mắt có thể thấy sắc. Citta đã khiến cho Kassapa rời xa bóng tối, đến gần ánh sáng; đã giới thiệu cho bạn mình xuất gia theo giáo pháp của Phật, nhờ đó Tôn giả Kassapa đắc quả giải thoát, trở thành một bậc A-la-hán, hoàn thành mục đích chân chính của một người xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.
Mục lục


Nam cư sĩ Citta là đệ tử tại gia của Thế Tôn, có một người bạn thân là Kassapa xuất gia tu theo hạnh lõa thể. Sau ba mươi năm đôi bạn cũ mới có duyên gặp lại nhau cùng hàn huyên tâm sự. Cư sĩ Citta nói với lõa thể Kassapa:

“- Tôn giả Kassapa, Tôn giả xuất gia đã bao lâu?
- Này Gia chủ, ta đã xuất gia khoảng ba mươi năm.
- Thưa Tôn giả, trong ba mươi năm ấy, Tôn giả có chứng được pháp thượng nhân nào, tri kiến thù thắng nào xứng đáng bậc Thánh và được lạc trú?

- Này Gia chủ, trong suốt ba mươi năm ấy, ta không chứng được và không được lạc trú một pháp thượng nhân nào, một tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh, ngoại trừ sự lõa thể, sự trọc đầu, sự phủi bụi và đất cát.

Khi nghe nói vậy, gia chủ Citta nói với lõa thể Kassapa:

- Thật là bất tư nghì, thật là hy hữu, Chánh pháp được thuyết trong suốt ba mươi năm ấy, không chứng được, không được lạc trú một pháp thượng nhân nào, một tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh!

- Này Gia chủ, đã bao lâu Ông làm người cư sĩ?

- Thưa Tôn giả, tôi thành người cư sĩ đã được ba mươi năm.

- Trong suốt ba mươi năm ấy, này Gia chủ, Ông có chứng được và được lạc trú pháp thượng nhân nào, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh?

- Sao lại không vậy được, thưa Tôn giả! Nếu tôi muốn, thưa Tôn giả, tôi ly dục, ly pháp bất thiện, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Nếu tôi muốn, thưa Tôn giả, tôi chỉ tịnh tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Nếu tôi muốn, thưa Tôn giả, tôi ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là “xả niệm lạc trú”, tôi chứng và trú Thiền thứ ba. Nếu tôi muốn, thưa Tôn giả, tôi xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Nếu tôi mệnh chung sớm hơn Thế Tôn, thưa Tôn giả, không có gì lạ, nếu Thế Tôn sẽ nói về tôi như sau: “Không có một kiết sử nào, do bị trói buộc bởi kiết sử ấy, Citta trở lui tại thế giới này nữa”.

Khi nghe nói vậy, lõa thể Kassapa nói với gia chủ Citta:

- Thật là vi diệu, thưa Tôn giả! Thật là hy hữu, thưa Tôn giả, Chánh pháp được khéo thuyết. Một gia chủ mặc áo trắng lại có thể chứng đạt được, lại có thể lạc trú pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh! Thưa Gia chủ, hãy cho tôi được xuất gia trong Pháp và Luật này. Hãy cho tôi thọ đại giới.

Rồi gia chủ Citta đưa lõa thể Kassapa đến một số Tỳ-kheo trưởng lão; sau khi đến, thưa với các Tỳ-kheo trưởng lão:

- Bạch chư Thượng tọa, lõa thể Kassapa này là một người bạn của chúng con khi chúng con còn là gia chủ. Chư Thượng tọa hãy cho người này xuất gia, cho thọ đại giới. Con sẽ cố gắng cúng dường các vật liệu như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh.

Lõa thể Kassapa được xuất gia trong Pháp và Luật này, được thọ đại giới. Được thọ đại giới không bao lâu, Tôn giả Kassapa sống một mình, an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. Không bao lâu vị ấy đạt được mục đích mà các thiện nam tử chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình hướng đến. Đó là Vô thượng cứu cánh Phạm hạnh, tự mình chứng tri với thượng trí, chứng đạt và an trú. Vị ấy biết rõ: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”[1].

Và Tôn giả Kassapa trở thành một vị A-la-hán nữa”.
 


Câu chuyện đàm đạo giữa cư sĩ Citta và du sĩ Kassapa gợi cho chúng ta nhiều điều đáng suy nghĩ.

Du sĩ Kassapa sau ba mươi năm tu theo đạo lõa thể không đạt được sự tiến bộ nào về tâm thức và trí tuệ, ngoài hình thức một vị Sa-môn sống theo hạnh lõa thể, với cái đầu cạo trọc cùng với đôi bàn tay chuyên phủi bụi và đất cát. Kinh tạng Pàli mô tả hạnh tu của những người theo đạo lõa thể:

“Ở đây, này các Tỳ-kheo, có người sống lõa thể, sống phóng túng, không theo lễ nghi, liếm tay cho sạch, đi khất thực không chịu bước tới, đi khất thực không chịu đứng lại, không nhận đồ ăn mang đến, không nhận đồ ăn đặc biệt nấu cho mình, không nhận mời đi ăn, không nhận đồ ăn từ nơi nồi chảo, không nhận đồ ăn đặt tại ngưỡng cửa, không nhận đồ ăn đặt giữa những cây gậy, không nhận đồ ăn đặt giữa những cối giã gạo, không nhận đồ ăn từ hai người đang ăn, không nhận đồ ăn từ người đàn bà có thai, không nhận đồ ăn từ người đàn bà đang cho con bú, không nhận đồ ăn từ người đàn bà đang giao cấu, không nhận đồ ăn đi quyên, không nhận đồ ăn tại chỗ có chó đứng, không nhận đồ ăn tại chỗ có ruồi bu, không ăn cá, ăn thịt, không uống rượu nấu, rượu men, cháo cám.

Vị ấy chỉ nhận ăn tại một nhà, chỉ nhận ăn một miếng, hay vị ấy chỉ nhận ăn tại hai nhà, chỉ nhận ăn hai miếng, hay vị ấy chỉ nhận ăn tại bảy nhà, vị ấy chỉ nhận ăn bảy miếng. Vị ấy nuôi sống chỉ với một bát, nuôi sống chỉ với hai bát, nuôi sống chỉ với bảy bát. Vị ấy chỉ ăn một ngày một bữa, hai ngày một bữa, bảy ngày một bữa. Như vậy vị ấy sống theo hạnh tiết chế ăn uống cho đến nửa tháng mới ăn một lần. Vị ấy chỉ ăn cỏ lúa để sống, lúa tắc, gạo lức, ăn hột cải nivara, ăn da vụn, ăn cám, uống nước bột gạo, ăn bột vừng, ăn cỏ, ăn phân bò, ăn trái cây, ăn rễ cây trong rừng, ăn trái cây rụng để sống.

Vị ấy mặc vải gai thô, mặc vải gai thô lẫn với các vải khác, mặc vải tẩn liệm quăng đi, mặc vải phấn tảo y, mặc vỏ cây tikitaka làm áo, mặc da con sơn dương đen, mặc áo bện từng mảnh da con sơn dương đen, mặc áo bằng cỏ cát tường, mặc áo vỏ cây, mặc áo bằng tấm gỗ nhỏ, mặc áo bằng tóc bện lại thành mền, mặc áo bằng đuôi ngựa bện lại, mặc áo bằng lông cú.

Vị ấy là người sống nhổ râu tóc, là người theo tập tục sống nhổ râu tóc, là người theo hạnh thường đứng không dùng chỗ ngồi, là người ngồi chò hỏ, sống theo hạnh ngồi chò hỏ một cách tinh tấn, là người dùng gai làm giường, thường ngủ nằm trên giường gai, sống dùng ván gỗ làm giường, sống nằm trên đất trần, thường nằm ngủ một bên hông, sống để bụi và nhớp che giấu thân mình, sống và ngủ ngoài trời, theo hạnh bạ đâu nằm đấy, sống ăn các uế vật, theo hạnh ăn các uế vật, sống không uống nước lạnh, theo hạnh không uống nước lạnh, sống một đêm tắm ba lần, theo hạnh xuống nước tắm (để gột sạch tội lỗi). Như vậy, vị ấy sống theo hạnh hành hạ xác thân dưới nhiều hình thức như vậy”[2].

Đáng chú ý rằng trên đây là đường lối tu hành của phần lớn các nhóm phái Sa-môn xuất hiện ở Ấn Độ trước thời Đức Phật và chính Đức Phật cũng từng theo đuổi lối tu này trong khoảng thời gian năm sáu năm trước khi Ngài phát hiện ra con đường Trung đạo - Bát Thánh đạo[3]. Đó chính là hạnh tu tập mà du sĩ Kassapa đã theo đuổi trong ba mươi năm nhưng không chứng được và không được lạc trú một pháp thượng nhân, một tri kiến thù thắng nào xứng đáng bậc Thánh. Nói cách khác, đó là một hình thức chấp trì giới cấm thủ (sìlabbataparàmàsa), tức tuân thủ một cách mù quáng các pháp môn tu tập mê lầm, tà vạy, mang tính tập tục, xưa bày nay làm, thiếu sự xem xét, cân nhắc, không đưa đến kết quả xác đáng. Chính vì thế mà Kassapa đã uổng phí ba mươi năm chỉ để mang về một hình thức lõa thể, cái đầu trọc và thói quen phủi bụi. Đây là tình trạng không may xảy ra khá phổ biến cho các du sĩ tu theo các giáo phái phi Phật giáo[4] mà theo giải thích của Đức Phật thì do các giáo pháp ấy được trình bày một cách vụng về, không có hiệu năng hướng dẫn, không hướng đến an tịnh, không do một vị Chánh đẳng giác tuyên thuyết[5].

Trái lại, cư sĩ Citta may mắn được gần gũi bậc Chánh đẳng giác, đi theo con đường sáng suốt của Phật, đạt được Tăng thượng giới, Tăng thượng tâm và Tăng thượng trí tuệ, nhờ đó đoạn trừ được năm hạ phần kiết sử (thân kiến, nghi, giới cấm thủ, tham dục, sân hận), chứng quả Bất lai, dự phần vào hàng Thánh giả giác ngộ. Đây là một thành tựu to lớn của người cư sĩ ở trong giáo pháp của Đức Phật. Các bản kinh Pàli ghi nhận cư sĩ Citta là đệ nhất về thuyết pháp trong hàng nam cư sĩ đệ tử của Đức Phật[6], trở thành cán cân và mẫu mực cho các đệ tử tại gia của Thế Tôn[7].

Thế nào là con đường đưa đến đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, chứng đắc Thánh quả Bất lai? Đại kinh Màlunkyaputta thuộc tuyển tập Trung Bộ nói rõ tiến trình tu tập của một vị đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, chứng quả Bất lai:

“Này Ànanda, có vị Đa văn Thánh đệ tử, đến yết kiến các bậc Thánh, thuần thục pháp các bậc Thánh, tu tập pháp các bậc Thánh, đến yết kiến các bậc Chân nhân, thuần thục pháp các bậc Chân nhân, tu tập pháp các bậc Chân nhân, sống với tâm không bị thân kiến triền phược, không bị thân kiến chi phối, và vị này như thật tuệ tri sự xuất ly thân kiến đã khởi lên. Thân kiến này của vị ấy với tùy miên được đoạn trừ. Vị này sống với tâm không bị nghi hoặc triền phược, không bị nghi hoặc chi phối, và vị này như thật tuệ tri sự xuất ly nghi hoặc đã khởi lên. Nghi hoặc này của vị ấy với tùy miên được đoạn trừ. Vị ấy sống với tâm không bị giới cấm thủ triền phược, không bị giới cấm thủ chi phối và vị này như thật tuệ tri sự xuất ly giới cấm thủ đã khởi lên. Giới cấm thủ này của vị ấy với tùy miên được đoạn trừ. Vị này sống với tâm không bị dục tham triền phược, không bị dục tham chi phối, và vị này như thật tuệ tri sự xuất ly dục tham đã khởi lên. Dục tham này của vị ấy với tùy miên được đoạn trừ. Vị này sống với tâm không bị sân triền phược, không bị sân chi phối, và vị này như thật tuệ tri sự xuất ly sân đã khởi lên. Sân này của vị ấy với tùy miên được đoạn trừ.

Và này Ànanda, thế nào là con đường, thế nào là lộ trình đưa đến sự đoạn trừ năm hạ phần kiết sử?

Ở đây, này Ànanda, Tỷ-kheo do viễn ly các sanh y (Upadhiviveka) do đoạn trừ các bất thiện pháp, do làm cho an tịnh thân thô ác hành một cách toàn diện, ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ. Vị này chánh quán mọi sắc pháp, thọ pháp, tưởng pháp, hành pháp, thức pháp là vô thường, khổ, như bệnh, như cục bướu, như mũi tên, như điều bất hạnh, như bệnh chướng, như kẻ địch, như phá hoại, là không, là vô ngã. Vị này giải thoát tâm khỏi các pháp ấy. Sau khi giải thoát tâm khỏi các pháp ấy, vị ấy tập trung tâm vào bất tử giới (Amatadhatu), nghĩ rằng: “Đây là tịch tịnh, đây là vi diệu, tức là sự an chỉ tất cả hành, sự xả ly tất cả sanh y, sự ái diệt, vô tham, đoạn diệt, Niết-bàn”. Nếu an trú vững chắc ở đây, vị này đạt đến sự đoạn tận các lậu hoặc. Nếu vị ấy không đạt đến sự đoạn tận các lậu hoặc, thời do sự tham pháp, hỷ pháp của mình, do sự đoạn tận năm hạ phần kiết sử, vị ấy được hóa sanh, nhập Niết-bàn ở đấy, không phải trở lui đời này nữa. Này Ànanda, đây là con đường, đây là lộ trình đưa đến sự đoạn trừ năm hạ phần kiết sử.

Lại nữa, này Ànanda, Tỳ-kheo diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhứt tâm... chứng và trú Thiền thứ ba... chứng và trú Thiền thứ tư. Vị này chánh quán mọi sắc pháp, thọ pháp, tưởng pháp, hành pháp, thức pháp là vô thường... không phải trở lui đời này nữa. Này Ànanda, đây là con đường, đây là lộ trình đưa đến sự đoạn trừ năm hạ phần kiết sử.

Lại nữa, này Ànanda, Tỳ-kheo vượt lên mọi sắc tưởng, diệt trừ mọi chướng ngại tưởng, không tác ý đối với dị tưởng, nghĩ rằng: “Hư không là vô biên”, chứng và trú Hư không vô biên xứ. Vị này chánh quán mọi sắc pháp, thọ pháp, tưởng pháp, hành pháp, thức pháp là vô thường... không phải trở lui đời này nữa. Này Ànanda, đây là con đường, đây là lộ trình đưa đến sự đoạn trừ năm hạ phần kiết sử.

Lại nữa, này Ànanda, Tỳ-kheo vượt lên mọi Hư không vô biên xứ, nghĩ rằng: “Thức là vô biên”, chứng và trú Thức vô biên xứ... vượt lên mọi Thức vô biên xứ, nghĩ rằng: “Không có vật gì”, chứng và trú Vô sở hữu xứ. Vị này chánh quán mọi sắc pháp, thọ pháp, tưởng pháp, hành pháp, thức pháp là vô thường, khổ, như bệnh, như cục bướu, như mũi tên, như điều bất hạnh, như bệnh chướng, như kẻ địch, như phá hoại, là không, là vô ngã. Vị này giải thoát tâm khỏi các pháp ấy. Sau khi giải thoát tâm khỏi các pháp ấy, vị ấy tập trung vào bất tử giới, nghĩ rằng: “Đây là tịch tịnh, đây là vi diệu, tức là sự an chỉ tất cả hành, sự xả ly tất cả sanh y, sự ái diệt, vô tham, đoạn diệt, Niết-bàn”. Nếu an trú vững chắc ở đây, vị ấy đạt đến sự đoạn tận các lậu hoặc. Nếu vị ấy không đạt đến sự đoạn tận các lậu hoặc, thời do sự tham pháp, hỷ pháp của mình, do sự đoạn tận năm hạ phần kiết sử, vị ấy được hóa sanh, nhập Niết-bàn ở đấy, không phải trở lui đời này nữa. Này Ànanda, đây là con đường, đây là lộ trình đưa đến sự đoạn trừ năm hạ phần kiết sử”[8].

Như vậy, cư sĩ Citta đã hành sâu lời Phật dạy, đã thuần thục về con đường Giới-Định-Tuệ đưa đến đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, đưa đến chứng đắc Thánh quả Bất lai, quả vị giải thoát thứ ba trong bốn Thánh quả giác ngộ được nói đến trong hệ thống giáo lý của đạo Phật Nguyên thủy.

Kinh tạng Pàli thường nói đến bốn Thánh quả giải thoát - Dự lưu (Sotàpanna), Nhất lai (Sakadàgàmì), Bất lai (Anàgàmì), A-la-hán (Arahanta), tương ứng với sự đoạn trừ mười kiết sử (dasa-samyojanàni), tức mười mắt xích trói buộc chúng sinh trong vòng sinh tử luân hồi, gồm: (1) thân kiến (sakkàyaditthi), (2) nghi (vicikicchà), (3) giới cấm thủ (sìlabbataparàmàsa), (4) tham dục (kàmacchanda), (5) sân (patigha), (6) sắc ái (rùparàga), (7) vô sắc ái (arùparàga), (8) mạn (màna), (9) trạo cử (uddhacca), (10) vô minh (avijjà). Trong số mười kiết sử này, năm kiết sử đầu gọi theo Kinh tạng Pàli là năm hạ phần kiết sử (pancamàni orambhàgiyàni samyojanàni), trong khi năm kiết sử cuối là năm thượng phần kiết sử (pancamàni uddhambhàgiyàni samyojanàni).

Theo lời Phật dạy[9] thì nhờ đoạn diệt thân kiến (sakkàyaditthi), nghi (vicikicchà), giới cấm thủ (sìlabbataparàmàsa), một người được biết là bậc Dự lưu (Sotàpanna). Do đoạn diệt thân kiến (sakkàyaditthi), nghi (vicikicchà), giới cấm thủ (sìlabbataparàmàsa) và làm muội lược tham (kàmacchanda), sân (patigha), si (moha) hay vô minh (avijjà), người ấy trở thành bậc Nhất lai (Sakadàgàmì). Một người được biết là bậc Bất lai (Anàgàmì) khi vị ấy đã loại trừ năm hạ phần kiết sử, nhưng nếu đoạn tận tất cả mười kiết sử, vị ấy được xem là một bậc A-la-hán (Arahanta).

Cứ theo định nghĩa trên thì Bất lai là người đã thoát khỏi mọi ám ảnh của ngã tưởng (sakkàyaditthi), không còn nghi ngờ (vicikicchà) đối với lời dạy của bậc Đạo sư, không rơi vào các đường lối mê lầm (sìlabbataparàmàsa), không còn tham dục (kàmacchanda), không còn sân hận (patigha). Do thực hành trọn vẹn giới học và định học[10] và nhờ thường xuyên thẩm sát tính chất phiền toái của ngũ uẩn (pancakkhandhà), vị Bất lai thoát khỏi các trói buộc của dục giới (kàmaloka)[11], không còn ham muốn tái sanh[12]. Vị ấy được mô tả là người sống quán tưởng sâu sắc về tính chất sanh diệt của sắc, thọ, tưởng, hành, thức[13] do vậy vị ấy thành tựu tám giải thoát (vimokkhà) liên quan đến sắc giới (rùpaloka) và vô sắc giới (arùpaloka)[14]. Vị Bất lai thực hành đầy đủ mười đạo chi gồm chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định, chánh trí, chánh giải thoát[15]. Vị ấy có sự hiểu biết đầy đủ về bốn sự thật cao cả (cattàri ariyasaccàni)[16], được cho là có khả năng phát triển các thần thông (iddhipada)[17] và được xem là rất thiện xảo về các Thiền chứng (jhàna)[18].

Nhìn chung, nhờ đi theo con đường sáng suốt do Như Lai giảng dạy, cư sĩ Citta đã thành tựu Tăng thượng giới, Tăng thượng tâm, Tăng thượng trí tuệ, chứng quả Bất lai, trở thành một Thánh giả giác ngộ, đã đặt một bước chân lên bờ Niết-bàn. Cuộc đời và hành trạng của cư sĩ Citta như được ghi lại trong phẩm Tâm thuộc Tương Ưng Bộ cho thấy vị cư sĩ này đã thể hiện vai trò của một nam cư sĩ chân chính, xứng đáng với lời tuyên bố của Thế Tôn: “Vị nam cư sĩ chơn chánh, sáng suốt, có kỷ luật, sẵn sàng, đa văn, duy trì Chánh pháp, thành tựu Chánh pháp và tùy pháp, sống chơn chánh, sống theo Chánh pháp; sau khi học hỏi giáo lý, đã có thể tuyên bố, diễn giảng, trình bày, xác định, khai minh, phân tách, và giải thích rõ ràng Chánh pháp; khi nào có tà đạo khởi lên, đã có thể chất vấn và hàng phục một cách khéo léo, đã có thể truyền bá Chánh pháp thần diệu"[19].

Cư sĩ Citta đã đạt được mắt sáng tuệ giác và đã giúp cho bạn cũ của mình, du sĩ lõa thể Kassapa, hiểu ra Phật là người đem đèn sáng vào trong bóng tối để cho những ai có mắt có thể thấy sắc. Citta đã khiến cho Kassapa rời xa bóng tối, đến gần ánh sáng; đã giới thiệu cho bạn mình xuất gia theo giáo pháp của Phật, nhờ đó Tôn giả Kassapa đắc quả giải thoát, trở thành một bậc A-la-hán, hoàn thành mục đích chân chính của một người xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.


Chú thích:

1. Kinh Acela, Tương Ưng Bộ.
2. Đại kinh Sư tử hống, Đại kinh Saccaka, Trung Bộ.
3. Xem Đại kinh Sư tử hống, Đại kinh Saccaka, Trung Bộ.
4. Tiểu kinh Khổ uẩn, Kinh Cẩu hành giả, Trung Bộ.
5. Kinh Thanh tịnh, Trường Bộ.
6. Kinh Nam cư sĩ, Tăng Chi Bộ.
7. Kinh Con trai, Tương Ưng Bộ.
8. Đại kinh Màlunkyaputta, Trung Bộ.
9. M. Walshe, The Long Discourses of the Buddha, tr.421.
10. F.L. Woodward, The Book of the Gradual Sayings, tập I, tr.212.
11. I.B. Horner, The Collection of the Middle Length Sayings,
tập II, tr.105-06.
12. Kinh Thăm người bệnh, Tương Ưng Bộ.
13. F.L. Woodward, The Book of the Gradual Sayings, tập II, tr.100.
14. Xem F.L. Woodward, The Book of the Gradual Sayings,
tập II, tr. 99-100, nói về tám giải thoát của vị Bất lai, và xem M. Walshe, The Long Discourses of the Buddha, tr. 250, đoạn giải thích về tám giải thoát.
15. F.L. Woodward, The Book of the Gradual Sayings, tập II, tr.99.

16. Xem Kinh Tập (Sutta Nipàta), kệ số 129-30.
17. E.M. Hare, The Book of the Gradual Sayings, tập III, tr.67.
18. F.L. Woodward, The Book of the Kindred Sayings, tập V, tr.110.
19. Kinh Đại bát Niết-bàn, Trường Bộ.


Theo Văn hoá Phật giáo số 274 ngày 01-06-2017

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm