Bồ-tát, là từ dùng để chỉ cho những ai phát tâm cầu Phật đạo. Cầu Phật đạo thì quả vị tối cùng mà bạn đạt được là thành Phật. Nói cách khác, bạn sẽ đạt được “trí tuệ và đức tướng Như Lai” mà Phật đã có, tức bạn sống được với tri kiến Phật của mình, chẳng phải là tri kiến chúng sinh như hiện nay.
Kinh Đại bát Niết-bàn I, phẩm Thánh hạnh nói: “Nếu Bồ-tát biết rằng do nhân duyên phá giới mà có thể làm cho người ưa thích thọ trì kinh điển Đại thừa, lại có thể làm cho người đọc tụng thông thuộc, biên chép quyển kinh, giảng thuyết rộng ra, chẳng thối chuyển đối với Chánh giác vô thượng, lúc đó Bồ-tát nên nghĩ rằng ta thà chịu tội nơi địa ngục A-tỳ một kiếp mà có thể giúp người này chẳng thối chuyển Bồ-đề vô thượng. Do nhân duyên này, Bồ-tát phá tịnh giới”. Đây là lý do vì sao nói giữ giới mà không nên có tâm chấp thủ. Nếu chấp thủ thì không thể lợi ích chúng sinh khi cần thiết. Lời dạy trên được dạy trong phẩm Thánh hạnh, cũng có nhắc đến địa ngục. Để hiểu, đó là việc làm của bậc Thánh và mọi thứ đều có nhân quả của nó. Thánh, thì nội lực phải tương ưng với Thánh, tập nghiệp đã hàng phục được. Có hiện tướng chúng sinh chỉ vì lợi ích cho chúng sinh. Quan trọng là chịu được cái quả của việc phạm giới. Không phải việc làm mang lợi ích chúng sinh thì việc phạm giới không nhận quả. Lợi ích, có công đức của lợi ích. Phạm giới, có cái quả của phạm giới. Tùy theo năng lực tu hành và lợi ích của hiện đời mà nhân quả theo đó an bày. Bồ-tát tại gia cần có trí tuệ hiểu rõ việc này. Nhắm không đủ lực chịu cái khổ ở các đường thì cứ đường thuận mà đi, khoan đi đường nghịch.
Ba pháp giúp không thối chuyển đạo Bồ-đề
“Này Đại Ca-diếp! Cha mẹ không tin Tam bảo thì làm cho cha mẹ có lòng tin. Cha mẹ hủy phạm giới pháp thì khuyên cha mẹ giữ giới. Cha mẹ tham lam bỏn xẻn thì khuyên cha mẹ bố thí, khen ngợi đạo Bồ-đề vô thượng mà vì người khác thuyết pháp. Đây là pháp thứ nhất được chẳng thối chuyển Bồ-đề vô thượng”. Nhiếp được chúng sinh ngoài tâm hướng về Đạo vô thượng, đồng nghĩa với việc nhiếp được chúng sinh trong tâm. Tự lợi, lợi tha đầy đủ. Đây là điều kiện tiên quyết không thối chuyển Bồ-đề vô thượng.
“Bồ-tát tại gia biết rõ đáng cúng dường cho người đáng cúng dường, không cúng dường cho người không đáng cúng dường. Dù chẳng cúng nhưng vẫn có lòng từ với họ. Đây là pháp thứ hai được chẳng thối chuyển Bồ-đề vô thượng”. Cúng dường cho người đáng cúng dường thì Chánh pháp trường tồn lâu dài. Cúng dường cho kẻ không đáng cúng dường thì tà pháp lẫn lộn, nhiễu hại chúng sinh. Đây là dạy người dùng trí tuệ trong việc bố thí cúng dường, không vì thuận với bản ngã hay do ái dục mà cúng dường. Đã có lòng từ thì không sân giận, không phỉ báng, không đánh đập. Có lòng từ thì vẫn có thể cúng dường khi cần thiết, nhưng cần phát nguyện “Nguyện do nhân duyên cúng dường này, chư vị nào chưa là Tăng Ni bảo thì tương lai thành Tăng Ni bảo, chư vị nào chưa hết tâm danh lợi phiền não thì tương lai sẽ hết tâm danh lợi phiền não, chỉ một lòng hướng về Đạo vô thượng”. Nếu tất cả Phật tử đều nguyện vậy khi cúng dường thì Tăng bảo thường trụ thế gian.
“Bồ-tát tại gia nhọc nhằn làm ra của cải, chẳng phung phí, chẳng để thất phát, chẳng đem cho bừa bãi, nên cất giữ kỹ lưỡng. Dù vậy, đối với các bậc Sa-môn, Bà-la-môn thanh tịnh cùng các chúng sinh, vẫn bình đẳng bố thí cúng dường, và không chướng ngại những người đồng bố thí. Đây là pháp thứ ba được chẳng thối chuyển Bồ-đề vô thượng”. Trung đạo, là con đường giúp thành tựu Đạo vô thượng. Chẳng và nên nói đây là giúp Bồ-tát tránh hai thái cực phung phí và bỏn xẻn, tiến dần vào Trung đạo, tùy duyên lợi ích chúng sinh, không lệ thuộc hình tướng hay quy tắc.
Các pháp cần tu học
“Này Đại Ca-diếp! Bồ-tát phải tu học ba pháp: Thường tùy thuận chư Phật, vì giảng dạy người khác nên tự mình siêng tu hành và tập rèn lòng từ với chúng sinh”.
“Có ba pháp cần tu hành: Thường có lòng muốn xuất gia, phải cung kính các bậc Sa-môn và Bà-la-môn. Nếu người thuyết pháp không đồng loại thì lánh xa. Chẳng nên học tập theo những tà pháp chẳng phải Phật đạo”.
Tùy thuận chư Phật, thì không quy y ngoại đạo tà giáo, niệm niệm tỉnh sáng, không để tâm chúng sinh dẫn chạy. Bồ-tát thì không chỉ có tự lợi mà còn lợi tha.
Tự lợi, là học và tu theo những gì Phật Tổ đã dạy, không học theo những tà pháp không thuận với Phật đạo. Người thuyết pháp dù là Tăng Ni, nếu không thuyết giảng kinh điển với tinh thần Đại thừa hoặc thường phỉ báng kinh Đại thừa, cũng không nên thân cận cúng dường, nghe pháp và theo đó tu học.
Lợi tha, là truyền bá những thứ đã học và tu đó cho người hữu duyên. Thứ gì là thực nghiệm luôn có giá trị thiết thực dạy người hơn là chỉ đọc học trên sách vở. Đó là lý do vì sao trong Tứ nhiếp pháp có phần đồng sự. Tứ nhiếp pháp là bốn pháp dùng để thu nhiếp chúng sinh: Bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự. Không có phần đồng sự này, Bồ-tát không trải qua những gì chúng sinh đã trải qua, không hiểu được tâm thức của họ. Thành Bồ-tát phải trải qua, vượt lên, để biết cách dẫn người vượt qua chướng nạn.
Song bước vào thế giới chúng sinh, nếu không tỉnh, không trí, Bồ-tát sẽ bị tri kiến chúng sinh của người đời vật chết. Tri kiến chúng sinh một khi phát tán thì trên cùng một sự việc mà có vô số tư tưởng khác nhau. Sự việc xảy ra không còn đúng như chính nó. Hình tướng của Bồ-tát không còn là hình tướng của chính Bồ-tát đó nữa. Chúng bị bóp méo theo tư kiến của người đời. Vấn đề là ai cũng cho cái thấy của mình là đúng. Họa, là chuyện gì có chiều hướng xấu thường được tin tưởng và phát tán nhiều hơn là chuyện tốt. Vì thế, để việc đồng sự được tốt đẹp, đòi hỏi Bồ-tát phải có nội lực. Ngoài việc giúp Bồ-tát an bình trước những điên loạn của người đời, nó còn giúp Bồ-tát định tĩnh trước các duyên, không để tri kiến chúng sinh làm loạn tâm thức của mình, khiến cái thấy cái nghe của mình thành lệch. Cho nên, việc tu hành của Bồ-tát không thể chỉ dừng ở mặt phước thiện hay công quả mà cần đặt nặng ở việc phát triển định tuệ. Có định thì an định được trước mọi thị phi. Có tuệ thì không thấy lầm, nghe lầm, hiểu hơn về cái gọi là tri kiến chúng sinh, về tập nghiệp của từng người mà tiến hay lùi. Có vậy thì lợi ích cho chúng sinh mới được thiết thực, cũng không lùi bước trước những khó khăn. Không định tuệ thì bố thí, ái ngữ, lợi hành chỉ là công cụ của ngã tướng, thu nhiếp người không phải vì lợi ích cho người mà vì vây cánh cho mình, đưa người đi từ bến mê này sang bến mê nọ. Không định tuệ thì nhiệt tình trở thành phá hoại.
Có định tuệ thì nhất định có bi từ đối với chúng sinh. Vì thế tập rèn lòng từ với chúng sinh không gì bằng trang bị cho mình giới, định, tuệ vững chắc. Đó là duyên giúp Bồ-tát có thể vào ra trong thế giới chúng sinh mà không thối tâm Bồ-đề.
Có định tuệ thì đối với chúng sinh, không có tâm coi ta hơn người, huống là với Sa-môn Bà-la-môn, những vị giữ giới thanh tịnh, ắt tự phát sinh tâm cung kính, nên nói: “Phải có tâm cung kính đối với Sa-môn Bà-la-môn”. Song với các Sa-môn giả danh thì thế nào? Kinh Đại bát Niết-bàn tập I, phẩm Tà chánh, Phật dạy: “Nếu có Tỷ-kheo phạm tội Du-lan-giá, thời không nên thân cận, cung kính, cúng dường…”, nhưng “Phải có lòng từ với họ”. Có lòng từ thì không bêu xấu, chửi mắng, đánh đập v.v…
Một pháp Bồ-tát cần niệm trong lòng nữa là thường có lòng muốn xuất gia. Xuất gia, tiếng Phạn là pravrajya, chỉ cho người theo Phật giáo, từ bỏ gia đình, sống đời phạm hạnh, không màng danh lợi hay dục lạc thế gian, chỉ một lòng hướng về Đạo vô thượng. Đó là hạng thân xuất gia mà tâm cũng xuất gia. Tuy vậy, vẫn có người thân xuất gia mà tâm không xuất gia, là “trường hợp những người gởi thân trong chùa nhưng tâm vẫn đuổi theo cái vui ngũ dục, xuất gia chỉ để hưởng lạc, vì tiếng thơm để người khác ngưỡng mộ, đời mạt pháp hạng này không phải ít”[9]. Đây là hạng xuất gia mà người tại gia chân chính không nên có lòng hướng đến.
Theo kinh Duy-ma-cật sở thuyết, phẩm Đệ tử, khi được hỏi về việc xuất gia: “Tôi nghe Phật dạy, cha mẹ không cho thì không được xuất gia…”, Ngài Duy Ma Cật đã trả lời: “Chư vị phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề thì đó là xuất gia”. Kinh Đại trang nghiêm pháp môn cuốn hạ ghi: “Bồ-tát xuất gia, chẳng phải tự thân cạo tóc mà gọi là xuất gia, chẳng phải tự thân giữ gìn luật nghi mà gọi là xuất gia. Rộng khởi Tứ vô lượng tâm an trí chúng sinh, đó gọi là xuất gia”[10]. Có lẽ vì đó mà hình thành nên một hạng xuất gia nữa, đó là tâm xuất gia mà thân không xuất gia. Theo thầy Thích Thiện Chánh, “Đây là hình thức xuất gia của bậc Thánh hay các vị Bồ-tát. Những vị này hoặc vì sợ lộ hình tướng khiến chúng sanh ngưỡng mộ mà thành mê tín, hoặc vì họ không còn chấp vào hình tướng mà chỉ chú trọng vào việc tu hành thực tiễn, nên không xuất gia. Thân của họ không cần ở chùa, nhưng tâm họ không còn ham thích thú vui của ngũ dục, cũng không màng danh lợi. Hình thức này rất đặc biệt, người phàm phu không thể thực hành được, vì vậy không thể làm mô phạm cho người xuất gia thông thường”.
Vậy, điểm nhấn chính của việc “thường có lòng muốn xuất gia” nói đây, chính là thân tâm đều xuất gia hoặc tâm xuất gia mà thân không xuất gia, không nhắm vào hạng chỉ có thân xuất gia. Nếu chỉ có thân xuất gia thì như kẻ tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, thoát ngũ dục và dây ái ngoài đời lại vướng vào ngũ dục và dây ái trong đạo, tiếp tục sự ràng buộc, còn gây thêm nghiệp địa ngục không biết bao giờ mới ra.
Cũng dạy: “Này Đại Ca-diếp! Bồ-tát tại gia, ở nhà nên quán sát thân mạng của mình giả tạm như khách. Với của cải đã bố thí thì có quan niệm như được chứa. Với của cải chưa bố thí, xem như xa lìa ta cả trăm do tuần. Chẳng có quan niệm chứa của cho vợ con”.
Quán sát thân mạng giả tạm là tập cho Bồ-tát có cái nhìn tương ưng với lý thật, cũng giúp Bồ-tát phá cái chấp thân.
Bồ-tát hiểu về nghiệp lực nhân quả, sẽ hiểu của cải vật chất chỉ có giá trị khi nó được cho đi. Vì cho đi là nhân của sung túc giàu có, xan tham là nhân của nghèo hèn bần khổ. Cũng biết, dù có để dành cho vợ, chồng, con cái mà tự bản thân vợ, chồng, con, cái không có phước để hưởng thì cũng không hưởng được, có phước mà không có đức thì của cải để lại là họa hơn là phước. Việc này có thể kiểm nghiệm ở thế gian. Chính vì thế, Bồ-tát không có quan niệm chứa chấp, chỉ dùng vật chất như là phương tiện độ sinh.
Các pháp Bồ-tát nên tránh
“Này Đại ca-diếp! Bồ-tát lại cần thân cận ba pháp: Lìa hẳn sự đánh đập, chẳng mắng nhiếc người, ban sự vô úy cho người đang kinh sợ.” Đánh đập, mắng nhiếc là cái quả của ghét bỏ, sân hận. Bồ-tát có tâm từ không làm việc đó. Đây là nêu cái quả không nên làm mà Bồ-tát tại gia phải tu ở nhân, mới tránh được quả ấy. Lòng từ nếu chưa đủ, các tướng ấy đủ duyên sẽ xuất hiện, thì cần dùng quán từ bi, quán nhân duyên và dùng pháp nhẫn để đối trị.
Có tâm bảo vệ, không để người sợ hãi là cái quả của bi từ. Tâm Bồ-tát nếu an bình và bi từ, chúng sinh hữu duyên khi thân cận, nhất định nhận được bình an. Đó cũng là một dạng mang vô úy đến cho người đang kinh sợ.
“Này Đại Ca-diếp, Bồ-tát tại gia không nên làm ba điều này: Không buôn bán người nam người nữ. Không mang thuốc độc cho người. Không nên gần gũi người làm các việc trên”. Cũng nói: Này Đại Ca-diếp! Bồ-tát tại gia lại chẳng nên đến nhà dâm nữ, chẳng nên gần gũi những người mai mối, chẳng ở chỗ hàng thịt sát sinh”. Đây là dạy cho hàng Bồ-tát sơ phát tâm, tâm Bồ-đề mới phát, định tuệ chưa đủ. Không nói cho hàng Bồ-tát ý sinh thân mà định tuệ đã vững vàng. Hạng này nương chủng tập, theo nguyện lực, vào thế giới chúng sinh làm hạnh đồng sự, trong bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
Không nên gần gũi, vì sự gần gũi dễ sinh nhiễm ô. Lại, gần gũi được là do đồng khí, tức Bồ-tát đã có sẵn các chủng đó. Nếu không có định lực và trí tuệ, chủng đó sẽ phát tán mạnh khi đủ duyên, nên nói không nên gần gũi.
“Này Đại Ca-diếp! Những đồ vật bố thí của người khác, không luận ít nhiều xấu tốt, nếu chủ nhân không mời thỉnh thời không nên tự ý mang bố thí. Khuyên người xuất gia và không làm trở ngại người muốn xuất gia. Với kẻ xây dựng chùa tháp nên trợ giúp, cũng không nhân việc xây cất đó mà lấy tiền của đồ vật”. Bồ-tát thì không thâm lạm của người. Trong việc bố thí, cũng không nên tự quyết định mọi việc khi tiền của không phải của mình. Đây là ngăn ngừa tâm tự thị.
“Chẳng trở ngại người thuyết pháp, phải khuyến thỉnh người thuyết pháp, thường thắp đèn đuốc. Chẳng ngăn trở thân thuộc ra mắt Tăng bảo và nghe Chánh pháp”.
Về việc khuyên người xuất gia, không làm trở ngại người muốn xuất gia, cũng như chẳng trở ngại người thuyết pháp và nghe pháp… là nói đối với người thuyết Chánh pháp, kẻ xuất gia chân chánh và nơi xuất gia là trụ xứ có thể giúp người tu học Chánh pháp. Trường hợp xuất gia vì danh lợi, thuyết tà pháp và xuất vào chỗ không chân chánh thì không nói như vậy. Với những bất chính đó thì cản mới là tốt. Việc này đòi hỏi Bồ-tát phải có trí tuệ. Không, thì nên dừng ở cửa trung đạo, không khuyên cũng không cản, hầu tránh sai lầm.
Vì sao không nên ngăn cản người xuất gia? Vì “Thấy người xuất gia tu trì tịnh giới, hướng đến chỗ giải thoát, mà phá công việc xuất gia của người ấy, làm việc ngăn cản, thì khi sinh ra thường bị mù, không thấy Niết-bàn. Như quán vô minh duyên hành, hành duyên thức v.v… sẽ được giải thoát, do phá người xuất gia, hủy hoại con mắt trí tuệ của họ nên mắt tuệ của mình bị che mờ. Từ đời này đến đời khác sinh ra bị mù, không thấy được tam giới là do ngăn cản người xuất gia vậy”[11]. Kinh ghi rõ “Người xuất gia tu trì tịnh giới, hướng đến giải thoát”. Cản kẻ xuất gia chân chính như vậy, quả báo mới bị mù và không có trí tuệ. Hành giả tu Phật mà không có trí tuệ, nhìn gà hóa cuốc, không thấy được các pháp duyên khởi thế nào v.v… thì khó mà thành tựu Phật đạo.
Thắp đèn đuốc, để mình người được sáng, nếu hồi hướng phước ấy về quả Bồ-đề vô thượng thì tương lai mình và người đều sáng, tức định tuệ được vững vàng[12].
Trừ bỏ thói quen thế gian
“Này Đại ca-diếp! Bồ-tát cần có ba việc: Lìa những sự buông lung chơi bời, theo thế gian cho tặng lẫn nhau, cùng lựa chọn ngày giờ tháng tốt, thành khẩn tránh nhận lãnh nhiều, phải nên tinh tấn siêng học Chánh pháp”.
Đây là ngăn dứt các thói quen mà người tại gia đã huân tập trong nhiều kiếp. Cho tặng lẫn nhau, buông lung chơi bời, chọn ngày lành tháng tốt, thích nhận lãnh nhiều… Chính là giúp phá trừ Tập đế trong Tứ đế.
Cho tặng lẫn nhau nói đây, là cách dùng tài vật để lấy lòng nhau, không phải do thân tình quý mến mà tặng. Lại dù quý mến mà tặng thì cũng cần giảm bớt. Vì thứ gì thành lệ sẽ làm mất thời gian tu tập, nhất là tu tâm. Nếu cứ để tâm cho người này cái này, tặng người kia cái kia, lo cho chu toàn mọi thứ, thì tâm khó yên vị. Tập “khởi tâm” ngày càng huân mạnh. Phước trời người thì có, nhưng an tịnh tâm thì không. Không dừng chỉ được sự loạn động của vọng tâm thì định tuệ không nương đâu phát huy được.
Không phải chỉ dừng cho mà còn tránh nhận lãnh nhiều. Thích nhận lãnh là hình thức của tâm tham. Bồ-tát không có tâm ấy. Nếu nhận lãnh nhiều do duyên tự mang tới, cũng là vòng xoáy của nợ nần. Chẳng phải lỗi của Bồ-tát nhưng cũng là duyên khiến luân hồi trong sự ràng buộc. Chưa đủ năng lực trả nợ (mà bản thân vẫn tự tại) thì Bồ-tát sẽ mất mình trong vòng xoáy trả vay, chẳng còn thời gian tu hành. Hiện trạng người tại gia phát tâm Bồ-đề rồi mà không có thời gian cho việc tu hành, cứ loay hoay mãi với những thứ gọi là trách nhiệm, bổn phận, Phật sự v.v… là đang vướng mình vào cái dây nợ nần vay trả, vì từng nhận lãnh nhiều. Nếu không cho việc trao tặng là do tu hành tốt mà có, thì sẽ tránh được tâm thích nhận lãnh nhiều.
Tin nhân quả thì không tin ngày lành tháng tốt. Đã tin có ngày lành tháng tốt thì không tin nhân quả. Tà kiến xuất hiện thì tà nghiệp, tà mạng v.v… xuất hiện. Tu phước trời người, việc đó còn không nên, huống là tu Bồ-tát hạnh. Mình lầm thì dạy người cũng lầm. Tội không kể xiết.
Buông lung chơi bời, là không thực hành độ Tinh tấn trong Lục độ Ba-la-mật. Muốn không buông lung chơi bời thì cần tập trung vào việc chính của Bồ-tát, là dành thời gian tu học và áp dụng những gì đã tu học vào đời sống thường nhật. Bởi không tập trung cho việc chính này thì không hiểu về nhân quả, nhân duyên, không biết gì là thiện, gì là ác mà làm và tránh.
Tổng kết
Đối với các việc trên, Bồ-tát nên khởi tâm kiên cố và tinh tấn thực hành. Kiên cố dùng nhiều phương tiện để nhiếp lấy Phật trí, dùng nhiều khổ hạnh để nhiếp thọ Phật trí. Nên phát nguyện kiên cố như thế để thêm lực tin cần, vĩnh viễn không rời Đạo vô thượng.
Kinh cũng nêu các pháp khiến Bồ-tát thối tâm qua Thanh văn thừa và Duyên giác thừa. Bồ-tát cần biết để tránh.
1- Sợ ba ác đạo, xem Đạo vô thượng quá khó, không thể tu tập những thiện căn đã từng tu tập, với pháp lành nản lòng cho là khổ, với vật đã bố thí sinh tâm hối tiếc không hồi hướng cầu Phật trí, chỉ thích học rộng, không tinh cần thực hành hạnh Đại thừa, thì thối tâm qua Thanh văn thừa mà nhập Niết-bàn hóa thành.
2- Dù đã phát tâm Bồ-đề nhưng bỏn xẻn Chánh pháp, ham coi sao hạn và đoán việc cát hung của thế gian, giải đãi không tu học hết các pháp trợ Bồ-đề, thì thối tâm qua Duyên giác thừa.
Cũng nêu các pháp khiến vun trồng căn lành và chứng Bồ-đề vô thượng:
- Thọ trì năm giới. - Siêng năng tu tập nghiệp của mình.
- Không ưa thích lục trần, của cải chức tước, chẳng trìu mến quyến thuộc.
- Không ca ngợi vui ngũ dục với người khác.
- Phát nguyện thôi gần gũi phụ nữ (nam giới), từ nay đến khi chứng Bồ-đề vô thượng không gặp sự vui ngũ dục thế gian.
- Nghe kinh Niết-bàn sinh lòng tin, cầu quả Niết-bàn và tinh tấn thực hành.
- Căn lành có được đều hồi hướng Bồ-đề vô thượng. Nguyện chư Bồ-tát tại gia khởi tâm kiên cố và tinh tấn với con đường mình đang đi.
Ghi chú:
(1) TT.Thích Thông Phương dịch.
(2) Kinh Đại Bửu Tích tập II. Phẩm Tam tự luật nghi.
(3) Kinh Đại Bửu Tích tập II. Phẩm Tam tự luật nghi.
(4) Từ điển Phật học Hán Việt - Chủ biên HT.Kim Cương Tử.
(5) Từ điển Phật học Hán Việt - Chủ biên HT.Kim Cương Tử.
(6) Kiến tánh thành Phật - Thiền sư Chân Nguyên. HT.Thích Thanh Từ dịch và giải. NXB. TP.HCM. PL. 2544 - DL. 2000.
(7) Thập thiện lược giải - Chân Hiền Tâm dịch và giải thích.
(8) Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục - HT.Thích Thanh Từ giảng giải.
(9) Nguồn: http://phatgiao.org.vn/doi-song/201306/Tai-sao-goi-la-xuat-gia-11179/ - Tác giả Thích Thiện Chánh.
(10) Từ điển Phật học Huệ Quang - HT.Thích Minh Cảnh chủ biên.
(11) Kinh Phật thuyết xuất gia công đức - TT.Thích Tâm Nhãn dịch. http://www.buddhamountain.ca/VT0707_TTamNhan.php.
(12) Nên hiểu vấn đề này theo Tứ ý thú.
Theo GIÁC NGỘ online