Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Sơ Lược Tiểu Sử Hòa thượng Thích Quảng Tâm

Trụ trì Tổ Đình Sắc Tứ Từ Lâm – Quảng Ngãi: Viện chủ tu viện Vĩnh Đức – Quận 2, Sài Gòn
Mục lục


I. Thân Thế

Hòa thượng Thích Quảng Tâm, húy Như Hảo, thế danh Lê Tấn  Quang, sinh ngày 12 tháng 8 năm Đinh Hợi (1947) tại làng Thạch Trụ huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi trong một gia đình nhiều đời thâm tín Tam Bảo và có truyền thống xuất gia tu học. Thân phụ là cụ ông Lê Hạnh, về sau cụ ông cũng xuất gia hành đạo và khai sơn chùa Từ Quang huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi, tức Hòa thượng Thích Pháp Bửu. Thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Trầm, pháp danh Chơn Hương. Hòa Thượng được sinh ra và lớn trong gia đình gồm 7 anh chị em. Ngài là con thứ 5 trong gia đình và rất hiếu thảo với cha mẹ. Tánh tình của Ngài hài hòa và rất nhanh nhẹn trong mọi công việc, đặc biệt có tiếng thông minh, hiếu học. Hòa Thượng có một người chị xuất gia, hiện là Ni trưởng Thích Từ Hương, trụ trì chùa Từ Thuyền, quận Thủ Đức.

II. Thời kỳ xuất gia tu học

Vốn sẵn túc duyên sâu dày với Phật pháp, khi vừa tròn 14 tuổi (năm 1962), Ngài được Sư phụ và Thân mẫu cho phép xuất gia và đã được Đại lão Tăng cang Hòa thượng thượng TRÍ hạ HƯNG thâu nhận làm đệ tử và ban cho Pháp tự là GIẢI TÂM. Từ đó, Ngài theo Thầy học đạo tại Tổ đình Sắc tứ Từ Lâm, tỉnh Quảng Ngãi. Cũng năm này, Hòa

thượng Bổn sư vân du hóa độ tại miền Nam, Ngài đã được Hòa thượng cho phép theo hầu và tu học tại chùa Thiên Tôn, Quận 5, Sài Gòn – Chợ Lớn.

Năm 1963, Ngài theo Hòa thượng Bổn sư đến Viện Hành Đạo thuộc Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng – Lục Hòa Phật tử ở đường Lục Tỉnh, Phú Lâm – Chợ Lớn để hoằng đạo. Hai năm sau, Hòa thượng Bổn sư của Ngài khởi công trùng kiến ngôi chánh điện và đổi tên thành chùa Thiền Lâm.

Năm 1964 - 1965, được sự cho phép của Hòa thượng Bổn sư, Ngài vào nội trú tu học tại Phật học viện Giác Sanh do Hòa thượng Thiện Thành làm Giám viện và theo học Trung học Đệ nhất cấp.

Cuối năm 1965, Ngài được Bổn sư cho phép thọ Sa di giới tại Giới đàn Phật học viện Huệ Nghiêm do Hòa thượng thượng THIỆN hạ HÒA làm Đàn đầu truyền giới. Cũng tại Giới đàn này, Ngài được sự thương mến của Hòa thượng Đàn đầu nên đã ban cho Pháp húy MINH ĐỨC, Hiệu THÍCH QUẢNG TÂM và cho theo học tại Phật Học viện Huệ Nghiêm (1966 – 1968) do Hòa Thượng THÍCH BỬU HUỆ làm Giám Viện.

Sau tết Mậu thân (1968), Ngài được Ban Giám Viện chuyển ra Phật học viện Nguyên Thiều - Bình Định để hoàn tất chương trình Trung Đẳng Phật học. Đến năm 1969, Ngài lại được Ban Giám viện chuyển vào Phật học viện Hải Đức - Nha Trang để học chương trình Cao Đẳng Phật học do Hòa thượng thượng TRÍ hạ THỦ làm Giám viện và cũng tại đây Ngài đã tốt Nghiệp Tú Tài toàn phần năm 1971.

Sau khi tốt nghiệp chương trình Phật học và thế học, năm 1972, Ngài được Ban Giám Viện và Hòa thượng Bổn sư cho phép đăng đàn thọ Cụ túc giới tại Đại giới đàn Phước Huệ do Hòa thượng thượng PHÚC hạ HỘ làm Đàn đầu Hòa thượng, chính thức dự vào hàng Cập đệ, nối dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh đời thứ 41 và được ban Pháp hiệu AN ĐỨC. Để nghiên tầm Phật lý và nâng cao nghiệp vụ làm hành trang trên bước đường hoằng hóa.

III. Thời kỳ hành đạo

Thực hiện chí nguyện của Thích tử Như Lai là hoằng pháp độ sanh từ bấy lâu, năm 1972, Hòa thượng đã về vùng quê Thủ Đức mua một mảnh đất khoản 500m2 lập thảo am nhỏ với tên gọi là chùa Vĩnh Đức, dân làng thường gọi là Chùa Lá. Sau năm 1975, Hòa thượng đã tích cực tham gia nhiều công tác Phật sự. Tại đây, Hòa thượng chuyên trì tụng

Kinh Pháp Hoa và tham gia nhiều công tác từ thiện xã hội như: mở Ký nhi viện, mở các lớp học tình thương và giảng dạy miễn phí cho học sinh nghèo trong vùng.

Năm 1981, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam thành lập, Hòa thượng vẫn tiếp tục có những đóng góp tích cực cho Phật giáo tại địa phương.

Năm 1982, Ban Trị sự Thành hội Phật giáo được thành lập, Ban Đại diện Phật giáo huyện Thủ Đức thành lập, Ngài được bổ nhiệm chức vụ Phó Ban đại diện Phật giáo huyện Thủ Đức trong VI nhiệm kỳ từ năm 1981 – 1997, Ngài công tác Phật sự tại quận Thủ Đức .

Năm 1989, Ngài cùng nhị vị Thượng tọa lúc bấy giờ là Thượng tọa Thích Đạt Niệm, Thượng tọa Thích Thông Kinh vận động mở trường Cơ bản Phật học, Sàigòn, cơ sở II tại chùa Thiên Minh, huyện Thủ Đức và được Ban giám hiệu mời tham gia với chức vụ phó Văn phòng của Bản trường. Cũng trong năm này, do nhu cầu tu học của Tăng sinh trẻ ở các Tỉnh tựu hội về, Hòa thượng xin phép trùng tu và đổi tên gọi chùa thành Tu viện Vĩnh Đức, làm nơi tiếp Tăng độ chúng cho khoảng 100 Tăng sinh yên tâm tu học. Tu viện Vĩnh Đức luôn là trú xứ tu học của chư Tăng trẻ từ khắp mọi miền đất nước, dưới sự bảo bọc, chở che trong đạo tình bao dung, rộng mở của Hòa thượng. Đồng thời để thực hiện tình thần Tỳ ni tạng trụ, nơi đây hằng năm Hòa thượng đều dạy chư Tăng kiết giới An cư tại chỗ; tuy là An cư tại chỗ nhưng số lượng hành giả An cư có năm lên đến hàng trăm vị, tất cả đều tuân theo thanh quy thiền môn. Năm 1997, huyện Thủ Đức chia thành ba cơ sở hành chánh. Hòa thượng được sự tín nhiệm của Tăng - Ni và Phật tử cung thỉnh Ngài làm Chánh Đại Diện Phật giáo Quận 9. Để tiếp tục trong sự nghiệp giáo dục đào tạo thế hệ Tăng - Ni trẻ, Ngài mở lớp Sơ cấp Phật học liên tiếp và làm Chủ nhiệm trong 5 khóa, mỗi khóa đào tạo trên 200 Tăng Ni sinh.

Với những cống hiến lớn lao đối với Đạo pháp và Nhân sinh, năm 1997, Ngài được Giáo hội Tấn phong lên hàng giáo phẩm Thượng tọa. Trong nhiệm kỳ này, Hòa thượng đã đóng góp rất nhiều Phật sự quan trọng như:

Mở khóa An cư kiết hạ tại chùa Thiên Minh cho chư Tăng và Ni viện Phước Long cho chư Ni để chư Tăng - Ni tấn tu tam vô lậu học, tạo điều kiện cho hành giả an cư có dịp giao lưu thi diễn giảng, viết báo tường qua nhằm đó phát hiện những nhân tố mới cho Giáo hội. Đồng thời, để đáp ứng những nhu cầu tu học này, Ngài tiến hành tu bổ, xây dựng mới một số hạng mục tại chùa Thiên Minh như: đài Quan Âm lộ thiên, cổng tam quan, xây dựng Tăng xá và văn phòng Ban Đại diện Phật giáo Quận 9, vv… và đẩy mạnh các hoạt động Phật sự quận nhà.

Từ năm 2002 đến ngày viên tịch, Hòa thượng được sự tín nhiệm của quý cấp Giáo hội nên Ngài đã đảm nhiệm qua các chức vụ như: Ủy viên Ban Trị sự, Phó Thư ký kiêm phó Văn phòng, Ủy viên pháp chế rồi đến phó Ban Pháp chế Thành Hội Phật giáo Tp Hồ Chí Minh.

Trong mỗi Phật sự, Ngài luôn hoàn thành tốt đẹp xứng đáng với sự tin tưởng mà Giáo hội giao phó. Với tinh thần“Tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức” trong những lần tổ chức đại giới đàn của Thành hội Phật giáo, Ngài được mời tham gia Ban quản giới tử, Phó Thư ký ban kiến đàn. Mặc dù bận nhiều Phật sự tại Tp.Hồ Chí Minh, song với tâm nguyện của Hòa thượng vẫn luôn hướng về Phật giáo tại quê nhà, đặc biệt là Môn phong Tổ đình Sắc tứ Từ Lâm, Hòa thượng đã động viên chư Tăng tập chúng An cư kiết hạ. Năm 2007, Tổ đình Sắc tứ Từ Lâm được khôi phục, Hòa thượng đảm nhiệm cương vị trưởng Ban quản trị Môn phong kiêm Trụ trì và tổ chức hai khóa An cư kiết hạ đã tạo niềm chánh tín Tam Bảo cho hàng thiện tín và đem lại sự khởi sắc cho Phật giáo tại quê nhà.

Tháng 01 năm 2010, Hòa thượng làm Phó Ban kiến đàn cùng Chư  tôn đức trong Ban trị sự Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ngãi tổ chức Đại giới đàn Pháp Hóa cho hơn 300 giới tử Tăng Ni cầu thọ giới pháp đã được thành tựu viên mãn. Đây là sự kiện mà sau hơn 40 năm qua chưa có điều kiện thực hiện. Trong dự nghiệp hoằng hóa lợi sanh, Hòa thượng đã để lại trong lòng Tăng Ni Phật tử những hình ảnh thân thương từ hòa khả ái.

Với dáng dấp ốm gầy nhưng tràn đầy nghị lực hướng tâm vì Phật pháp, Hòa thượng đã dang đôi tay từ hòa hóa độ hàng trăm Tăng Ni, có những vị đã thành tựu được sở học và ra hành đạo khắp các tỉnh thành trong và ngoài nước. Đối với hàng Phật tử tại gia, Hòa thượng là người tận tụy hướng dẫn tham gia các công tác Phật sự, đặc biệt là công tác tự thiện xã hội và cúng dường các trường hạ trong những mùa An cư; do vậy, có cả hàng ngàn Phật tử quy hướng về Ngài.

IV. Những ngày cuối đời

Với hoài bão “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh,” Ngài sẵn sàng xả ái tài kể cả sức lực để góp phần trang nghiêm ngôi nhà Chánh pháp, làm cho ngọn đèn thiền sáng tỏa tại nhân gian, góp sức đôi tay cho đạo pháp huy hoàng, chúng sanh an lạc. Tuy chí nguyện khôn cùng nhưng sức người có hạn, Hòa thượng đành gửi lại hoài bão của mình cho hàng đệ tử kế thừa. Nỗi bâng khuâng lớn nhất cuối cuộc đời Ngài là sự giáo dưỡng những huynh đệ nhỏ dại, mới xuất gia tu học và việc xây dựng ngôi chánh điện Tu viện Vĩnh Đức đang còn dang dở.

Ôi ! Năm tháng phù sinh diệc kiếp người,

Cuộc đời tựa như áng mây trôi,

Thỏng tay nhẹ gót về cảnh Phật,

Chín phẩm sen vàng tỏa ngát hương.


Thế là Hòa thượng đã thuận thế vô thường, an nhiên viên tịch lúc 15 giờ 15 phút, ngày 21 tháng Tư năm Canh Dần (nhằm ngày 03 tháng 6 năm 2010) trong sự hộ niệm chí thành và niềm kính tiếc vô hạn của Tứ chúng đệ tử. “Hạc vàng nay đã bay xa, thiền môn tứ chúng lệ nhòa trong tâm”, Ngài trụ thế 64 năm, trải qua 38 mùa An cư kiết hạ.

Sự viên tịch của Hòa thượng là niềm tiếc thương vô hạn của Giáo hội, là sự thiếu vắng một pháp lữ đồng hành trong Chánh pháp, là sự mất mát vô cùng lớn lao của Môn phong Tổ đình Sắc tứ Từ Lâm và trong nhân gian không có sự mất mát lớn lao nào hơn đối với Môn đồ đệ tử.

Môn đồ tứ chúng từ đây vĩnh viễn không sao tìm lại được một bậc Thầy từ hòa khả kính. Để truy niệm công đức và đạo hạnh của Ngài, Môn phong và Môn đồ đệ tử kính ghi lại đôi dòng tiểu sử của Hòa thượng.

Kính nguyện giác linh Hòa thượng thùy từ nhả giám.

Nam Mô Từ Lâm Tế Chúc Thánh Tông Tứ Thập Nhất Thế, Sắc Tứ

Từ Lâm Tổ Đình Phú Pháp, Khai Sơn Vĩnh Đức Tu Viện Đường

Thượng, Pháp Húy NHƯ HẢO, Tự Thượng GIẢI Hạ TÂM, Hiệu AN

ĐỨC, Đạo Hiệu QUẢNG TÂM, LÊ CÔNG Hòa Thượng Giác Linh.

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm