Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Từ bi quán

Từ bi quán là một phép quán để phát triển tâm từ và tâm bi, nhưng cũng là một phép quán để đối trị sân hận và căm thù. Trong kinh Anguttaranikaya (V.161), Bụt có dạy “Nếu tâm sân hận nổi lên, người khất sĩ có thể thực tập pháp từ quán, bi quán hay xả quán đối với người đã gây nên tâm niệm sân hận của mình.”
Mục lục


Từ bi quán là một phép quán để phát triển tâm từ và tâm bi, nhưng cũng là một phép quán để đối trị sân hận và căm thù. Trong kinh Anguttaranikaya (V.161), Bụt có dạy “Nếu tâm sân hận nổi lên, người khất sĩ có thể thực tập pháp từ quán, bi quán hay xả quán đối với người đã gây nên tâm niệm sân hận của mình.” Từ (maitri) là tâm nguyện muốn đem tới an lạc và hạnh phúc cho kẻ khác. Bi (karuna) là tâm nguyện muốn làm vơi đi khổ đau nơi kẻ khác. Đó là ý nghĩa của câu từ năng dữ lạc, bi năng bạt khổ. Từ và bi khi đã trở nên những nguồn năng lượng trong ta sẽ có tác dụng đem tới an lạc và hạnh phúc cho kẻ khác và cả cho bản thân của ta nữa.

Mỗi chúng ta đều có sẵn trong ruộng tâm những hạt giống của từ và bi mà chúng ta có thể làm nứt mầm và phát triển thành những nguồn năng lượng tốt đẹp và nhiệm mầu ấy. Từ và bi đều là tình thương, nhưng không phải thứ tình thương có tác dụng chiếm hữu, có tính cách độc tài và thường gây ra đau khổ cho mình và cho người mình thương. Từ và bi là những tâm trạng thương yêu không cần đền trả và không có điều kiện, bởi vậy không đem lại lo âu, chán chường và sầu khổ.

Bản chất của từ và bi là sự hiểu biết, nghĩa là sự nhận chân được tính trạng khổ đau của kẻ khác. Như vậy có nghĩa là ta phải tiếp xúc được với khổ đau của người khác. Những khổ đau này có thể là những khổ đau về thể xác, về vật chất hay về tinh thần, hoặc cả ba thứ hợp lại. Muốn tiếp xúc thực sự với khổ đau của kẻ khác, ta phải đặt ta vào địa vị của kẻ khác, vào “da thịt” của kẻ khác. Ta đi vào thân thể, cảm thọ và tâm hành của người ấy và chứng nghiệm được những khổ đau của người ấy. Một sự quán sát cạn cợt có tính cách bên ngoài không thể giúp ta thấy được một cách hiện thực những khổ đau ấy. Kinh dạy chúng ta phải đồng nhất ta với đối tượng quán chiếu: quán thân trong thân, thọ trong thọ và tâm hành trong tâm hành. Tiếp xúc được với khổ đau của người khác, tự khắc ta thấy phát hiện xót thương trong ta. Niềm xót thương ấy tức là bi vậy. Từ ngữ compassion có thể tạm dùng để dịch chữ bi. Nó có nghĩa là “chia sẻ sự khổ đau.” Là “cùng khổ đau với kẻ kia.” Từ ngữ xót thương cũng hàm chứa kinh nghiệm khổ đau do sự tiếp xúc với khổ đau. Nhìn để thấy và để cảm nhận sự có mặt của khổ đau cùng bản chất của khổ đau, đó là công trình của thiền quán. Ngồi lại trong tư thế hoa sen, điều phục hơi thở và quán chiếu về một người, ta có thể tiếp xúc được với những khổ đau của người ấy và ta làm phát sinh trong ta năng lượng của tâm bi. Nhưng không phải ta chỉ có thể làm việc này trong tư thế thiền toạ. Ta có thể tới với người ấy, quán sát người ấy trong khi người ấy đi, đứng, nằm, ngồi, nói năng và hành xử. Dấu hiệu của những đau khổ nội tâm và thân thể sẽ phát hiện rõ ràng dưới công trình quán sát của ta. Khi tâm bi đã phát sinh, ta phải tìm cách nuôi dưỡng và biểu hiện nó, nghĩa là ta phải chứng minh cho ta thấy đó thực sự là tâm bi chứ không phải chỉ là một cảm tưởng về tâm bi. Tiếp xử với người ấy, ta có những ý nghĩ, tư tưởng và hành động không trái ngược với tâm bi của ta, và có thể biểu hiện tâm bi của ta với người đó, và dù người đó có những ý nghĩ, lời nói và hành động không dễ thương, tâm bi của ta cũng không vì vậy mà bị suy suyễn. Thực tập như thế đến khi ta nhận thấy tình thương của ta không đòi hỏi người kia phải đền trả hoặc phải dễ thương, nói cách khác là khi ta thấy tính thương ta là một tính thương không có điều kiện thì ta biết rằng tâm bi của ta bây giờ đã là một tâm bi đích thực. Và lúc đó ta chỉ cần tiếp tục quán chiếu và đối xử để triển khai thêm tâm bi của ta. Đứng về phương diện bản thân, ta bắt đầu tiếp nhận những hiệu quả tốt đẹp của tâm bi: ta ngủ ngon hơn, ta thức dậy nhẹ nhàng hơn, ta không có ác mộng, ta không có lo lắng và sầu khổ, ta được mọi người và mọi vật chung quanh che chở và bảo vệ, những người và những vật được bao phủ trong tâm bi của ta đem lại cho ta nhiều niềm vui. Đứng về phương diện kẻ khác, ta thấy nhờ ảnh hưởng của tâm bi ta mà những đau khổ của họ được vơi đi, và cuộc đời dần dần bớt đen tối và sầu khổ.

Sau đó ta tập quán chiếu để tiếp xúc được những nổi khổ nằm sâu hơn trong đối tượng quán chiếu. Có khi người kia không có vẻ gì đang khổ, nhưng ta có thể thấy rằng người ấy có những nổi khổ đau ẩn dấu và thầm kín. Một người ăn mặc sang trọng, có nhà có xe, cũng có thể đang chịu đựng những khổ đau và có thể sẽ đi tự tử trong một vài ba ngày nữa. Ít ai mà không khổ đau, dù nhiều hay ít. Người đã và đang làm cho ta khổ đau, chính người ấy cũng đang khổ. Ta chỉ cần ngồi lại, điều phục hơi thở và quán chiếu, tự khắc thấy được những đau khổ của người ấy. Một ít những khó khăn và khổ đau của ta có thể là do sự vụng về của cha mẹ ta gây ra hồi ta còn thơ ấu. Nhưng chính cha mẹ ta cũng có thể đã là nạn nhân của những thế hệ ông bà đi trước. Đau khổ cũng có thể truyền lại từ đời này sang đời khác và cũng có thể luân hồi. Thấy được những điều ấy, ta không còn trách móc những người làm khổ ta, bởi ta biết những người ấy cũng là nạn nhân của những người khác. Quán chiếu là để hiểu biết, một khi đã hiểu biết, ta có thể tha thứ và bao trùm kẻ kia bằng tâm bi của ta.

Quán chiếu về những khổ đau của người đã và đang làm cho ta đau khổ là một phương pháp quán chiếu rất thần hiệu. Nhờ quán chiếu ta biết được rằng người ấy đang khổ, rằng người ấy có thể đang nghĩ là người ấy sẽ bớt khổ nếu người ấy làm khổ được ta. Thấy được và tiếp xúc được với cái khổ của người ấy rồi, ta sẽ thấy niềm hận thù và cay đắng trong ta đối với người ấy không còn nữa, và ta lại còn mong muốn cho người ấy bớt khổ nữa. Lúc ấy là lúc nguồn suối của tâm bi đã khơi chảy. Ta được thấm nhuần nguồn suối ấy trước. Ta cảm thấy mát mẻ, nhẹ nhàng, có thể cười, có thể ngủ ngon. Ta không cần có đủ hai người mới làm được công việc hoà giải. Do công trình quán chiếu, ta hoà giải được với ta, và ta xem là vấn đề không còn nữa. Người kia sớm muộn gì cũng có thể thấy được thái độ và tâm tư của ta, và sớm muộn gì cũng được thừa hưởng sự mát mẻ của dòng suối yêu thương tuôn chảy tự lòng ta.

Bi quán thực hiện được thì từ quán trở thành một phép quán tương đối dễ dàng. Tâm từ là năng lực có tác dụng đem tới an lạc và hạnh phúc cho kẻ khác. Cố nhiên, cũng như tâm bi, tâm từ được khơi dòng từ bản thân hành giả đem lại an lạc và hạnh phúc cho hành giả trước hết. Ta biết rằng nếu ta không an lạc thì ta sẽ không có an lạc để chia xẻ cho kẻ khác. Vì vậy các pháp từ quán và bi quán đều có tác dụng vừa tự lợi vừa lợi tha.

Làm vơi bớt nổi khổ niềm đau nơi kẻ khác cũng đã là đem an lạc hạnh phúc cho kẻ ấy rồi. Tuy nhiên ta biết rằng cuộc đời này tuy có khổ đau mà cũng có mầu nhiệm. Sức khoẻ, sự an vui, khả năng xúc tiếp với những hiện tượng mầu nhiệm của cuộc sống như một buổi mai đẹp trời, một đêm trăng thu, một đoá hoa vàng, một cành trúc tím, một dòng nước trong, một bé thơ xinh đẹp, v.v... Khi ta bị khổ đau giam hãm, ta không tiếp xúc được với những thực tại mầu nhiệm đó. Vì vậy bất cứ một lời nói, một ý nghĩ hay một hành động nào có thể tháo gỡ được khổ đau, có thể đưa lại những điều kiện cho sự vui sống, từ những quyền lợi như tự do, bình đẳng, cho đến những điều kiện tâm lý, tình cảm và xã hội cần thiết để con người được sống xứng đáng là một con người đều được gọi là từ và bi. Do công trình quán chiếu ta cũng thấy được những khổ đau của các loài động vật và của các loài thực vật nữa, và tâm từ và tâm bi của ta cũng sẽ bao trùm được các loài này một cách trọn vẹn. Từ và bi là những đoá hoa đẹp nhất nở trên căn bản hiểu biết và tiếp xúc. Mà thiền quán là yếu tố đưa tới sự tiếp xúc và hiểu biết ấy. Cũng như khi ta thực hiện tâm bi, khi thực hiện tâm từ ta phải đi đến với đối tượng mà ta quán chiếu. Tâm từ của ta phải là một nguồn năng lực có thật và có tác dụng chứ không phải là một điều ta tưởng tượng.

Kinh có nói trong khi thiền quán ta có thể gửi tâm từ và tâm bi đi bốn phương và bao trùm mọi loài chúng sanh trong các tâm ấy. Nhưng ta hãy cẩn thận, đừng hiểu lầm rằng từ quán và bi quán là ngồi yên và tưởng tượng rằng tâm từ và tâm bi của ta có thể được phóng đi trong không gian như những luồng sóng âm thanh hay những luồng ánh sáng. Âm thanh và ánh sáng phóng đi tới đâu thì có tác dụng đến đó. Từ và bi cũng vậy. Nếu từ và bi là chất liệu có thật thì khi phóng đi sẽ có tác dụng trên mọi loài. Nếu từ và bi chỉ là một thứ tưởng tượng (như một đám mây màu trắng đục toát ra và dần dần lan rộng bao trùm cả thế giới) thì sẽ không có tác dụng gì cả. Đám mây này chỉ là một đám mây tưởng tượng. Đám mây thật thì có thể làm mưa. Chính trong đời sống hàng ngày và bằng cách tiếp xử với mọi người mọi loài, trong đó có đối tượng quán chiếu của ta, mà ta biết được tâm từ và tâm bi của ta đã thật sự có mặt chưa và đã vững mạnh đến mức độ nào. Từ và bi luôn luôn được biểu hiện trong đời sống hằng ngày và trong cách tiếp xử ta với mọi vật. Tư thế thiền toạ không phải là tư thế duy nhất trong đó ta có thể khơi mở được dòng suối từ bi.

Nhiều người cho rằng nếu không có thế lực và tiền bạc thì không thể thực hiện được lòng từ và lòng bi. Thật ra, khi đã có nguồn suối từ bi trong ta, ta có thể giúp cho nhiều người bớt khổ và đem lại cho họ rất nhiều hạnh phúc mà không cần tới tiền tài hay quyền thế. Mỗi một lời nói, một động tác hay một ý nghĩ của ta cũng có thể làm cho người kia bớt khổ và có thêm hạnh phúc. Một lời nói có thể an ủi, có thể gây được niềm tin, có thể làm tiêu tán sự nghi ngờ, có thể giúp cho kẻ kia tránh được lỗi lầm tai hại, có thể hoà giải xung đột, có thể khai mở lối thoát cho người, hoặc chỉ dẫn cho người con đường đi đến thành công và hạnh phúc. Một cử chỉ cũng có thể làm được những công trình tương tự, có thể cứu được mạng người hay mạng vật, có thể giúp những người kia nắm lấy được cơ hội ngàn năm một thuở của họ. Một ý nghĩ cũng thế, bởi vì ý nghĩ luôn luôn đưa tới lời nói và hành động. Có chất liệu từ bi trong tâm thì mọi ý nghĩ, lời nói và việc làm của ta đều có thể tạo nên phép lạ. Bởi vì hiểu biết là bản chất của từ bi, cho nên những lời nói và hành động do từ bi phát động sẽ là những lời nói và hành động phù hợp với tình trạng “yêu nhau mà lại bằng mười phụ nhau”, nghĩa là tình trạng muốn giúp mà vì vụng về chỉ làm cho người được thương thêm khổ. Người hành giả không thể không nhớ rằng thương yêu là một với hiểu biết.

Trích từ sách: Con đường chuyển hoá
Theo thuvienhoasen.org

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm