Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Hưởng thụ lạc bị Như Lai chê trách

Ở đời có nhiều thú vui, những niềm vui ấy thường là hưởng thọ năm dục lạc. Mắt thích nhìn những cảnh sắc đẹp đẽ, tai ưa nghe những tiếng du dương, mũi thích ngửi hương thơm, lưỡi ưa nếm vị ngọt ngon, thân thích xúc chạm êm ái.
Mục lục

Hưởng thọ đầy đủ năm dục lạc của giác quan, vừa ý, vui thích có thể xem là hạnh phúc thế gian. Trong chừng mực nào đó, người có phước báu mới hưởng được năm dục này. Tuy vậy, với người đang hướng đến viễn ly để thành tựu phạm hạnh và giải thoát mà chìm đắm trong những thú vui này thì Như Lai chê trách.

Ai thấu cảm được cái vui nhờ buông bỏ thì người ấy có thể tiến bước vững chắc trên đường đạo - Ảnh: Shuttersrock

Lại có những thú vui, niềm hoan lạc vốn mang tính ác, nhưng với một số người ác vậy... mới vui. Đó là: Vui thích khi giết hại chúng sinh như câu cá, săn thú, bắn chim. Hả hê khi trộm cắp trót lọt tài vật của người khác. Thỏa lòng lúc lang chạ ngoại tình, chinh phục càng nhiều người (phá nát gia cang người khác) thì càng tự hào về thành tích bất hảo của mình. Nói dối trá, nói thô ác, nói chia rẽ, nói nịnh nọt để lợi mình hại người thì thỏa lòng hả dạ. Say sưa nghiện ngập, cờ bạc, rượu chè, bê tha phóng đãng, đắm chìm trong tội lỗi ấy mà vui. Những thú vui này, nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì người đời chê trách, pháp luật trừng trị, vui trong đau khổ thật quá rõ ràng.

 

“Một thời, Phật ở tại nước Ca-duy-la-vệ, trong khu rừng của Ưu-bà-tắc Miến-kỳ, cùng với chúng Đại Tỳ-kheo 1.250 người…

 

Phật lại nói:

 

Hoặc có Phạm chí ngoại đạo đến nói: Sa-môn Thích tử hưởng thụ các thứ hoan lạc. Nếu có người nói như vậy, nên trả lời rằng: Ngươi chớ nói như vậy, rằng Sa-môn Thích tử ham hưởng thụ các thứ hoan lạc. Vì sao? Có thứ lạc nếu hưởng thụ thì bị Như Lai chê trách.

 

Có thứ lạc nếu hưởng thụ thì được Như Lai khen ngợi. Nếu Phạm chí ngoại đạo hỏi: Thứ lạc nào mà nếu hưởng thụ thì bị Cù-đàm chê trách? Nếu có hỏi như vậy, nên trả lời rằng: Năm phẩm tính của dục, đáng ưa đáng thích, mọi người đều đam mê. Thế nào là năm?

 

Mắt nhận thức sắc, đáng ưa đáng thích, mọi người đều đam mê. Tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân biết xúc cảm, đáng ưa đáng thích, mọi người đều đam mê. Này chư Hiền, do duyên là năm dục mà sanh hỷ lạc; đó là điều mà Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác chê trách. Cũng như có người cố tình sát hại chúng sanh, tự cho thế là hoan lạc; đó là điều mà Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác chê trách. Cũng như có người lén lút trộm cắp của người, cho thế là khoái lạc; đó là điều mà Như Lai chê trách. Cũng như có người xâm phạm tịnh hạnh của người khác, tự cho thế là khoái lạc; đó là điều mà Như Lai chê trách. Cũng như có người cố ý nói dối, tự cho thế là khoái lạc; đó là điều mà Như Lai chê trách. Cũng như có người sống phóng đãng buông thả; đó là điều Như Lai chê trách. Cũng như có người hành khổ hạnh bề ngoài, không phải là hành chân chánh mà Như Lai dạy, tự cho thế là khoái lạc; đó là điều Như Lai chê trách.

 

(Kinh Trường A-hàm, kinh Thanh tịnh, số 17 [trích])

 

Pháp thoại này còn đề cập đến một niềm vui “khổ hạnh bề ngoài” của những người tu mà bên trong không chân chánh thực hành theo lời dạy của Như Lai. Những vị này giả khổ để mong cầu sự cung kính và xót thương, hỗ trợ của người. Họ cũng đắc ý lắm khi lợi dụng niềm tin của tín đồ Phật tử. Những cái vui dạng này thực chất cũng chính là dối gạt, lọc lừa nên bị Như Lai quở trách nặng nề.

 

Dĩ nhiên con người sống ở đời rất cần có niềm vui nhưng phải an lạc trong các pháp lành thì mới lâu bền. Nên lạc phải hướng đến an lạc, thường lạc. Còn lạc mà thiên về khoái lạc hay hoan lạc thì không bền và bất an. Riêng với người đệ tử Phật, nếu hàng tại gia thì phải phấn đấu theo tiêu chí “Nay vui, đời sau vui”, hàng xuất gia thì hãy vui đạo, vui vì buông bỏ. Có thể nói, ai thấu cảm được cái vui nhờ buông bỏ thì người ấy có thể tiến bước vững chắc trên đường đạo, chắc chắn Như Lai không chê trách người này.

Theo GIÁC NGỘ online

 

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm