Trong đường hướng giáo dục nhắm đến mục tiêu giác ngộ, Đức Phật xếp bố thí là pháp tu đầu tiên của người Phật tử[1]. Truyền thống tu tập này tiếp tục được tuân thủ bởi các thế hệ Phật tử về sau, với việc nhấn mạnh về Lục độ: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ.
Bố thí đơn giản là sự mở lòng ra đối với thế giới chung quanh. Đó là sự hiểu biết cảm thương đến hoàn cảnh không may của người khác để rộng lòng giúp đỡ. Mở tâm là dấu hiệu của giác ngộ, điều kiện để vượt qua tập quán tham chấp khổ đau và thực nghiệm giải thoát an lạc.
Theo quan niệm của đạo Phật thì tham-sân-si là các nhân tố khép kín tâm thức con người, khiến cho tâm con người bị giam hãm trong thế giới mê muội ích kỷ, không mở ra, không cảm thương, không độ lượng, không giải thoát, không thanh thản, không an lạc[2]. Bố thí do đó là pháp tu có khả năng nhiếp phục tập quán tham-sân-si, khiến cho tâm thức được mở ra, được giải thoát, được thanh thản, được an lạc. Đó là hướng đi tốt đẹp của tâm giác ngộ đưa đến lợi mình và lợi người, tức hạnh phúc cho mình và lợi lạc cho người khác.
Có vị chư Thiên đến hỏi Đức Phật:
Cho gì là cho lực?
Cho gì là cho sắc?
Cho gì là cho lạc?
Cho gì là cho mắt?
Cho gì cho tất cả?
Xin đáp điều con hỏi.
Đức Thế Tôn dạy:
Cho ăn là cho lực.
Cho mặc là cho sắc.
Cho xe là cho lạc.
Cho đèn là cho mắt.
Ai cho chỗ trú xứ,
Vị ấy cho tất cả.
Ai giảng dạy Chánh pháp,
Vị ấy cho bất tử[3].
Tùy thuộc vào căn tánh và năng lực tu tập của mỗi người mà tâm thức được mở ra, tức tâm bố thí được mở ra ở các mức độ khác nhau. Những người có căn tánh nặng về tham-sân-si thì khó có cơ hội mở tâm. Những ai nỗ lực nhiếp phục tham-sân-si thì tâm thức dần dần được mở ra. Những bậc giác ngộ đã giải thoát tham-sân-si thì tâm thức luôn luôn rộng mở đối với thế giới chung quanh, không hạn chế, không phân biệt.
Có ba hình thức bố thí (dàna) được nói đến trong đạo Phật theo đó mọi người có thể tùy vào điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của mình và thế giới chung quanh mà thực tập hạnh bố thí. Thứ nhất là tài thí, thứ hai là Pháp thí và thứ ba là vô úy thí.
Tài thí (àmisa-dàna) nghĩa là hiến tặng vật thực, chăm sóc sức khỏe, cung cấp phương tiện học tập giúp nâng cao tri thức hay tạo điều kiện làm ăn sinh sống cho người khác, giúp cho người khác thoát khỏi cảnh khó khăn vất vả trong cuộc sống, hướng đến xây dựng tương lai tươi sáng. Đây là việc làm căn bản và thiết thực, giúp cho con người có được cuộc sống tương đối ổn định trước khi nghĩ đến tương lai. “Có thực mới vực được đạo”. Làm người thì không ai không cần đến tài thí, không ai không cần đến sự chăm sóc giúp đỡ của người khác về điều kiện vật chất trước khi đứng vững trên đôi chân của mình. Có thể nói rằng kể từ lúc chào đời cho đến lúc rời khỏi thế gian này, con người tiếp nhận một nguồn lượng lớn về tài thí từ thế giới chung quanh.
Pháp thí (dhamma-dàna) có nghĩa la chỉ bảo cho người khác về đạo lý làm người, giúp cho người khác nhận rõ quy luật nhân quả thiện ác, khuyến khích người khác bỏ ác làm lành, tu nhân tích đức, thực thi nếp sống giác ngộ. Đây là việc làm quan trọng đối với mục tiêu hạnh phúc của con người, giúp cho con người biết cách thực hiện đạo lý giác ngộ, từng bước đi đến hoàn thiện, đi đến giải thoát. Làm người thì cần phải hiểu biết đạo lý, tôn trọng đạo lý, khao khát đạo lý mới có được tiến bộ, mới thiết lập được hạnh phúc, mới xây dựng được gia đình đầm ấm và xã hội thái bình. Loài người hơn hẳn các sinh vật khác chính là nhờ lối sống có đạo lý. Nói cho người khác hiểu rõ thế nào là đạo lý làm người, khuyến khích người khác thực hành đạo lý giác ngộ, tức là giúp cho người khác biết cách xây dựng an lạc cá nhân, hạnh phúc gia đình và tiến bộ xã hội, một việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống nhân loại.
Đức Phật là người thể hiện trọn vẹn nhất mục tiêu Pháp thí, vì Ngài là đấng Chánh đẳng giác, bậc Thầy của chư Thiên và loài người, có đầy đủ đức năng trí tuệ và từ bi, hiểu rõ căn tánh và xu hướng sai biệt của chúng sinh, luôn luôn đưa ra những lời khuyên dạy thích hợp, khiến cho ai cũng tìm thấy tiến bộ lợi lạc trong cuộc sống. Kho tàng Pháp bảo của Phật còn lưu lại cho chúng ta ngày nay chính là kết quả Pháp thí lớn nhất mà bậc Giác ngộ để lại cho cuộc đời.
Vô úy thí (abhaya-dàna) tức là tỏ rõ lòng từ bi, tôn trọng và thương tưởng người khác bằng cách thực thi nếp sống đạo đức hiền thiện, không làm điều sai trái xấu ác, không gây tổn hại, tránh cho người khác khỏi mọi lo âu sợ hãi, khiến cho mọi người có được sự an tâm và tin tưởng vào lẽ sống đạo đức hiền thiện. Đó là hệ quả tốt đẹp của lối sống phát triển giới đức, tâm đức và tuệ đức được thể hiện có tác dụng ảnh hưởng tích cực đến người khác, đến môi trường chung quanh. Sống ở trên đời thì ngoài cái ăn cái mặc, ngoài lý tưởng cao quý, con người còn cần đến môi trường sống hiền thiện tốt đẹp để được an lạc và theo đuổi hoài bão của mình. Sự tin tưởng, không lo lắng sợ hãi đối với thế giới chung quanh chính là điều kiện để con người sống an lạc và hân hoan thực hiện ước mơ của mình. Vô úy thí, tức tạo niềm tin an ổn, ban cho sự không sợ hãi, chính là điều kiện giúp cho con người có được sự tự tin và khích lệ lớn về một lối sống đạo đức hiền thiện được thể hiện trên cuộc đời.
Các bậc giác ngộ đã đoạn tận tham-sân-si luôn luôn là chỗ nương tựa lớn cho con người về niềm tin an toàn, không lo sợ, vì chư vị là những con người vô hại (ahimsakà)[4], có đầy đủ giới đức, tâm đức và tuệ đức, hiện diện trong cuộc đời chỉ với mục đích duy nhất mang lại niềm tin giải thoát cho mọi người, giúp cho mọi người thoát khỏi lo lắng sợ hãi.
Kinh Pháp cú nói như vầy:
Như ong đến với hoa,
Không hại sắc và hương,
Che chở hoa, lấy nhụy,
Bậc Thánh đi vào làng”[5].
“Làng mạc hay rừng núi,
Thung lũng hay đồi cao,
La-hán trú chỗ nào,
Đất ấy thật khả ái[6].
Do tầm quan trọng của vô úy thí đối với môi trường sống an ổn và hiền thiện của con người, Đức Phật khuyên người Phật tử chuyên tâm thực thi nếp sống đạo đức hiền thiện, chấp trì năm giới cấm: không sát sanh, không lấy của không cho, không tà hạnh trong các dục, không nói láo, không uống rượu, xem đây là hạnh tu thể hiện đức vô úy thí.
Ngài dạy:
“Này các Tỷ-kheo, có năm bố thí này, là đại bố thí, được biết là tối sơ, được biết là lâu ngày, được biết là truyền thống cổ xưa, trước không tạp loạn, hiện tại không tạp loạn, tương lai không tạp loạn, không bị những Sa-môn, những Bà-la-môn có trí khinh thường. Thế nào là năm?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử đoạn tận sát sanh, đem cho không sợ hãi cho vô lượng chúng sanh, đem cho không hận thù cho vô lượng chúng sanh, đem cho không hại cho vô lượng chúng sanh; sau khi cho vô lượng chúng sanh không sợ hãi, không hận thù, không hại, vị ấy sẽ được san sẻ vô lượng không sợ hãi, không hận thù, không hại. Này các Tỷ-kheo, đây là bố thí thứ nhất, là đại bố thí, được biết là tối sơ, được biết là lâu ngày, trước không tạp loạn, hiện tại không tạp loạn, tương lai không tạp loạn, không bị những Sa-môn, những Bà-la-môn có trí khinh thường.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử đoạn tận lấy của không cho, từ bỏ lấy của không cho, đem cho không sợ hãi cho vô lượng chúng sanh, đem cho không hận thù cho vô lượng chúng sanh, đem cho không hại cho vô lượng chúng sanh; sau khi cho vô lượng chúng sanh không sợ hãi, không hận thù, không hại, vị ấy sẽ được san sẻ vô lượng không sợ hãi, không hận thù, không hại. Này các Tỷ-kheo, đây là bố thí thứ hai, là đại bố thí, được biết là tối sơ, được biết là lâu ngày, trước không tạp loạn, hiện tại không tạp loạn, tương lai không tạp loạn, không bị những Sa-môn, những Bà-la-môn có trí khinh thường.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử đoạn tận tà hạnh trong các dục, từ bỏ tà hạnh trong các dục, đem cho không sợ hãi cho vô lượng chúng sanh, đem cho không hận thù cho vô lượng chúng sanh, đem cho không hại cho vô lượng chúng sanh; sau khi cho vô lượng chúng sanh không sợ hãi, không hận thù, không hại, vị ấy sẽ được san sẻ vô lượng không sợ hãi, không hận thù, không hại. Này các Tỷ-kheo, đây là bố thí thứ ba, là đại bố thí, được biết là tối sơ, được biết là lâu ngày, trước không tạp loạn, hiện tại không tạp loạn, tương lai không tạp loạn, không bị những Sa-môn, những Bà-la-môn có trí khinh thường.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử đoạn tận nói láo, từ bỏ nói láo, đem cho không sợ hãi cho vô lượng chúng sanh, đem cho không hận thù cho vô lượng chúng sanh, đem cho không hại cho vô lượng chúng sanh; sau khi cho vô lượng chúng sanh không sợ hãi, không hận thù, không hại, vị ấy sẽ được san sẻ vô lượng không sợ hãi, không hận thù, không hại. Này các Tỷ-kheo, đây là bố thí thứ tư, là đại bố thí, được biết là tối sơ, được biết là lâu ngày, trước không tạp loạn, hiện tại không tạp loạn, tương lai không tạp loạn, không bị những Sa-môn, những Bà-la-môn có trí khinh thường.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử đoạn tận đắm say rượu men, rượu nấu, đem cho không sợ hãi cho vô lượng chúng sanh, đem cho không hận thù cho vô lượng chúng sanh, đem cho không hại cho vô lượng chúng sanh; sau khi cho vô lượng chúng sanh không sợ hãi, không hận thù, không hại, vị ấy sẽ được san sẻ vô lượng không sợ hãi, không hận thù, không hại. Này cácTỷ- kheo, đây là bố thí thứ năm, là đại bố thí, được biết là tối sơ, được biết là lâu ngày, trước không tạp loạn, hiện tại không tạp loạn, tương lai không tạp loạn, không bị những Sa-môn, những Bà-la-môn có trí khinh thường”[7].
Như vậy, tùy vào nhân duyên, điều kiện và khả năng cụ thể của mỗi người mà việc bố thí có thể được thực hiện bằng nhiều cách thức khác nhau.
Chẳng hạn, người có điều kiện về tài lực thì dễ thực hiện hành vi tài thí. Người có nhân duyên hiểu sâu và hành sâu về đạo lý giác ngộ thì có thể chia sẻ với người khác về mặt Pháp thí. Trong khi một người không có đủ hai điều kiện trên, chỉ có tâm nguyện sống nếp sống đạo đức hiền thiện, tránh làm điều sai trái xấu ác, không gây tổn hại cho bản thân và người khác, thì được gọi là vô úy thí, tức đem cho người khác sự không sợ hãi, không hận thù, không hại. Nhìn chung, mọi người đều có khả năng thực hành hạnh bố thí và điều đó là hết sức cần thiết và lợi lạc cho đời sống tự thân và đời sống cộng đồng.
Có thể nhận ra rằng ba hình thức bố thí được đề xuất bởi đạo Phật chính là sự trợ duyên thiết thực và tốt đẹp nhất mà hết thảy mọi người, nhất là người con Phật, cần phải nỗ lực thực hiện vì nó mang lại kết quả hết sức lợi lạc cho tự thân và cho cuộc đời.
Trước hết, bố thí là việc làm có khả năng chuyển hóa lòng tham, giúp cho người thực hành giảm thiểu tập quán tham-sân-si, mở đường cho con người đi đến giải thoát, đi đến giác ngộ. Như vậy, tự nó, bố thí là pháp môn tu tập đưa đến lợi ích cho người thực hành. Thêm vào đó, bố thí có công năng giúp cải thiện điều kiện và môi trường sống của con người, khiến cho con người thoát khỏi cảnh gian nan vất vả, tìm thấy ánh sáng tương lai (tài thí); giúp soi sáng đạo lý giải thoát cho con người, khiến cho con người vững tin bước đi trên con đường giác ngộ an lạc (Pháp thí); giúp xây dựng nền tảng đạo đức và củng cố niềm tin hướng thiện của con người, khiến cho con người được vui sống yên ổn trong môi trường đạo đức hiền thiện (vô úy thí).
Có thể hiểu ba hình thức bố thí hay chia sẻ nói trên chính là dấu hiệu tỏ rõ tấm lòng từ bi của người con Phật đối với cuộc đời nói chung, đồng thời phản ánh thái độ hiểu biết sáng suốt của đạo Phật đối với thực tại “cộngsinh” của hiện hữu. Trong một môi trường mà mọi thứ đều sinh khởi và tồn tại hỗ tương thì cái tâm hướng thiện của con người luôn luôn là nhân tố quan trọng để xây dựng một xã hội hiền thiện.
Kinh Tương ưng bộ xác nhận: “Làm việc thiện cho mình tức là hộ trì người khác. Làm điều nhân cho người khác tức là hộ trì mình”[8].
Đạo Phật quan niệm cuộc sống là một hợp thể của các yếu tố nhân duyên vận hành và tồn tại hỗ tương trong đó bất cứ hành vi nào của con người, dù thiện hay bất thiện, đều trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng và tác động lên toàn thể hiện hữu. Chính vì vậy mà đạo Phật rất chú trọng đến cơ sở đạo đức trong mọi hành vi của con người, nhắc nhở mọi người dứt bỏ việc ác, khuyến khích mọi người tích lũy điều lành, xem đó là nền tảng căn bản cho sự vận hành tốt đẹp và hài hòa của xã hội và thế giới.
Bố thí - dù dưới hình thức nào, hoặc tài thí, Pháp thí hay vô úy thí - chính là hành vi đạo đức hiền thiện, có khả năng làm giảm thiểu tham-sân-si, có tác dụng ảnh hưởng tích cực đến lối sống tiến bộ hiền thiện của con người, gián tiếp ảnh hưởng đến sự tiến bộ hiền thiện chung của cộng đồng. Người con Phật được khuyên thực hành hạnh bố thí bởi bố thí là hành vi đạo đức hướng thượng, một hạnh tu cao đẹp, có khả năng nhiếp phục tham-sân-si, đưa đến lợi ích cho mình, lợi ích cho người, lợi lạc cho cuộc đời.
Rõ là trong cục diện một thế giới chịu nhiều khổ đau, có bản chất thiếu thốn, khao khát, nô lệ cho tham dục[9] do nghiệp duyên tham-sân-si của chúng sinh tạo thành thì việc giúp cho người khác bớt khổ (tài thí), hiểu ra con đường thoát khổ (Pháp thí) và thể hiện nếp sống không gây khổ hại cho người khác (vô úy thí) là việc làm sáng suốt rất đáng trân trọng. Người con Phật suốt đời lặng lẽ làm công việc bố thí vì họ tìm thấy lợi lạc của việc mở tâm bố thí và hiểu rõ tác dụng lợi ích lớn lao của công hạnh bố thí.
Chú thích:
1. Kinh Tướng quân Sìha; kinh Ugga ở Vesàli, Tăng chi bộ.
2. Đại kinh Phương quảng, Trung bộ.
3. Kinh Cho gì, Tương ưng bộ.
4. Kinh Ahimsaka, Tương ưng bộ.
5. Kinh Pháp cú, kệ số 49.
6. Kinh Pháp cú, kệ số 98.
7. Kinh Nguồn nước công đức, Tăng chi bộ.
8. Kinh Sedaka, Tương ưng bộ.
9. Kinh Ratthapàla, Trung bộ.