Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Phật đi khất thực

Một trong những hình ảnh đẹp và sinh động của văn học Kinh tạng Pàli là chuyện Phật đi khất thực hàng ngày. Khất thực là truyền thống hành trì của ba đời chư Phật, cũng là phương tiện độ sinh của các bậc Giác ngộ. Phật đi khất thực làm ấm lòng cho nhiều người. Nhân gian vui sống thuận hòa nhờ vào chiếc bát khất thực hàng ngày của Phật.
Mục lục
Ảnh minh hoạ

Phật đi khất thực mỗi ngày; ai có lòng thương kính cúng dường cho Phật thì Phật hoan hỷ thọ nhận, không phân biệt; ai có nỗi lòng muốn giải tỏa thì Phật sẵn sàng lắng nghe rồi Phật cho những lời khuyên thích hợp, lợi lạc. Chiếc bình bát khất thực của Phật có năng lực tiếp nhận và chuyển hóa mọi nỗi niềm của chúng sinh, là chỗ tin yêu của những tâm hồn hướng thiện. Các bản kinh thường ghi nhận: “Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm y bát đi vào Sàvatthi để khất thực... Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm y bát đi vào Ràjagaha để khất thực... Rồi Thế Tôn vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát vào Vesàli để khất thực... Rồi Thế Tôn vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát vào thành Kapilavatthu để khất thực”.

Với những bước chân khoan thai chánh niệm, Phật đi khất thực mỗi ngày, từ nhà này sang nhà khác, từ làng này sang làng khác, từ thị trấn này sang thị trấn khác, từ kinh đô này sang kinh đô khác, từ quốc độ này sang quốc độ khác. Bước chân khất thực của Phật không biên giới, vì tâm của Phật rộng lớn, không phân biệt. Không ai ngăn bước chân của Phật, vì Phật đi khất thực khiến cho mọi người được ấm lòng. Giữa cuộc đời không mấy bình yên, ai cũng mong có chỗ nương tựa ấm lòng. Phật đi đến đâu thì người người được hân hoan, nhà nhà được đầm ấm, xứ xứ được thanh bình.

Ngày xưa, các vị vua Ấn Độ rất tôn quý Đức Phật; ai cũng muốn Phật sống trên đất nước của mình. Các vị ấy mong muốn có Phật vì Phật mang lại thái bình cho xứ sở của họ. Phật không có quyền lực nhưng Phật dạy cho lòng tin hướng thiện. Phật không có tiền của nhưng Phật dạy cho trí tuệ sáng suốt. Phật không làm ra của cải vật chất nhưng Phật dạy cho giới đức an lạc. Gương sáng giác ngộ và những lời dạy hiền thiện của Phật tỏa ánh từ quang sưởi ấm cho mọi người, mọi nhà, mọi xứ sở.

Phật đi khất thực để giúp cho mọi người hiểu ra sự khổ và biết cách thoát khổ. Làm người thì ai cũng khổ, khổ bởi sanh, già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, không ai thoát được. Do nghiệp duyên mà khi sinh ra ở đời này có người khổ ít có người khổ nhiều, nhưng không ai tránh được cái khổ chung cuộc của số kiếp làm người, cái khổ hiển nhiên của sự kiện hiện hữu. Nhận ra cái khổ đồng đẳng ấy thì con người sẽ xích lại gần nhau, không còn hiềm khích đố kỵ nhau nữa.

Phật đi khất thực để nói cho mọi người rằng hết thảy chúng sinh đều chịu chung quy luật sanh, già, bệnh, chết; rằng con người cần thấy ra nỗi khổ chung cuộc đồng đẳng ấy của kiếp người để thương quý và tương trợ cho nhau cùng thoát ra khỏi nỗi khổ to lớn ấy, không nên vì cái nhìn thiển cận mà rơi vào tranh chấp, giành giật và xâu xé lẫn nhau chỉ vì mục đích thỏa mãn đôi chút danh lợi nhỏ nhoi và ngã tưởng hão huyền trong thế giới luân hồi khổ đau.

Bậc Giác ngộ buông lời cảnh tỉnh thế nhân:

Cười gì, hân hoan gì,
Khi đời mãi bị thiêu,
Bị tối tăm bao trùm,

Sao không tìm ngọn đèn?

Sau đây là đôi ba câu chuyện Phật đi khất thực-giáo hóa giữa nhân thế:

Một hôm, bước chân khất thực của Phật dừng nghỉ ở kinh đô Sàvatthi. Vua Pasenadi nước Kosala hay tin liền đi đến chỗ bậc Giác ngộ thăm hỏi. Đức Thế Tôn nói với vua Pasenadi nước Kosala đang ngồi một bên:

“- Thưa Đại vương, Đại vương đi từ đâu lại?

- Bạch Thế Tôn, con rất là bận rộn với những sự việc các vua chúa bận rộn. Các vua chúa Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, say đắm kiêu hãnh với vương quyền, thọ hưởng tham lam vật dục, đạt được sự an toàn quốc độ, và sống chinh phục cả vùng đất đai rộng lớn.

- Thưa Đại vương, Đại vương nghĩ thế nào? Ở đây, nếu có người đến với Đại vương từ phương Đông, hay từ phương Tây, hay từ phương Bắc, hay từ phương Nam, một người thân tín, đáng tin cậy. Người ấy đến Đại vương và thưa: ‘Tâu Đại vương, mong Đại vương được biết, con từ phương Đông, từ phương Tây, từ phương Bắc, từ phương Nam lại và có thấy tại đấy một ngọn núi cao như hư không, đang di chuyển và chà đạp, đè bẹp tất cả loại hữu tình. Tâu Đại vương, Đại vương hãy làm những gì cần phải làm’. Như vậy, thưa Đại vương, một khủng bố lớn khởi lên cho Đại vương, sự diệt tận nhân loại thật khủng khiếp, được tái sanh làm người thật khó khăn, thời Đại vương có thể làm được những gì?

- Như vậy, bạch Thế Tôn, một khủng bố lớn khởi lên, sự diệt tận nhân loại thật khủng khiếp, được tái sanh làm người thật khó khăn, thời con có thể làm được những gì, ngoại trừ sống đúng pháp, sống chơn chánh, làm các hạnh lành, làm các công đức!

- Thưa Đại vương, Ta nói cho Đại vương biết, Ta cáo cho Đại vương hay. Thưa Đại vương, già và chết đang tiến đến chinh phục Đại vương. Khi Đại vương bị già chết chinh phục, Đại vương có thể làm được gì?

- Bạch Thế Tôn, khi con bị già và chết chinh phục, thời con có thể làm được gì, ngoại trừ sống đúng pháp, sống chơn chánh, làm các hạnh lành, làm các công đức!

Bạch Thế Tôn, những sự việc như các vua chúa Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, say đắm, kiêu hãnh với vương quyền, thọ hưởng tham lam vật dục, đạt được sự an toàn quốc độ và sống chinh phục cả vùng đất đai rộng lớn cùng các trận chiến với tượng binh. Bạch Thế Tôn, các trận chiến với tượng binh không đem lại một hướng đi (gati), một điểm tựa cho các vua chúa ấy, một khi bị già chết chinh phục... Bạch Thế Tôn, các trận chiến với mã binh... với xa binh... với bộ binh không đem lại một hướng đi, một điểm tựa cho các vị vua chúa ấy một khi bị già chết chinh phục.

Bạch Thế Tôn, trong vương quốc này có những Đại thần tinh luyện về thần chú. Các vị này có thể với thần chú, phá tan quân địch tới tấn công. Nhưng bạch Thế Tôn, các trận chiến chú thuật không đem lại một hướng đi, một điểm tựa cho các vị vua ấy một khi bị già chết chinh phục.

Bạch Thế Tôn, trong vương cung này có nhiều số vàng được chứa cất trong những nhà hầm hay những lầu thượng, và với số vàng ấy chúng con có thể phá tan quân địch tấn công tài chánh. Nhưng bạch Thế Tôn, các trận chiến tài chánh không đem lại một hướng đi, một điểm tựa cho các vị vua chúa ấy một khi bị già chết chinh phục.

Và bạch Thế Tôn, khi con bị già chết chinh phục, thời con có thể làm được gì, ngoại trừ sống đúng pháp, sống chơn chánh, làm các hạnh lành, làm các công đức!

- Như vậy là phải, thưa Đại vương. Như vậy là phải, thưa Đại vương. Khi Đại vương bị già chết chinh phục, Đại vương có thể làm được gì, ngoại trừ sống đúng pháp, sống chơn chánh, làm các hạnh lành, làm các công đức!”[1].

Một hôm khác, bước chân khất thực của bậc Giác ngộ dừng lại trước cửa trú xứ của gia chủ Anàthapindika. Sự việc tranh cãi đáng buồn lại nổ ra trong gia đình cư sĩ Anàthapindika mà từ lâu, do tôn kính Đức Phật, Anàthapindika đã giữ kín trong lòng, không muốn làm phiền đến bậc Đạo sư. Chứng kiến chuyện cãi vã náo loạn ấy, Thế Tôn ngỏ lời hỏi thăm gia chủ Anàthapindika:

“- Này Gia chủ, vì sao trong nhà của Ông lại có nhiều người nói cao tiếng, nói lớn tiếng như những người đánh cá đang giành giựt cá?

- Bạch Thế Tôn, có nàng dâu Sujàtà giàu có đến đây từ một gia đình giàu có. Nàng không vâng lời mẹ chồng, không vâng lời cha chồng, không vâng lời chồng, cũng không cung kính, không tôn trọng, không lễ bái, không cúng dường Thế Tôn.

Rồi Thế Tôn cho gọi nàng dâu Sujàtà:

- Hãy đến đây, Sujàtà!
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Nàng dâu Sujàtà vâng đáp Thế Tôn, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với nàng dâu Sujàtà đang ngồi một bên:

- Này Sujàtà, có bảy loại vợ này cho người đàn ông. Thế nào là bảy? Vợ như người sát nhân, vợ như người ăn trộm, vợ như người chủ nhân, vợ như người mẹ, vợ như người chị, vợ như người bạn, vợ như người nữ tỳ. Này Sujàtà, có bảy loại vợ cho người đàn ông. Và con thuộc loại vợ nào?

- Bạch Thế Tôn, lời dạy tóm tắt này của Thế Tôn, con không hiểu rõ ý nghĩa một cách rộng rãi. Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết pháp cho con để con có thể hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi lời dạy tóm tắt này của Thế Tôn.

- Vậy này Sujàtà, hãy nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ nói.

- Thưa vâng, Sujàtà vâng đáp Thế Tôn.

Thế Tôn nói như sau:

Ai tâm bị uế nhiễm,
Không từ mẫn thương người,
Thích thú những người khác,
Khinh rẻ người chồng mình,

Bị mua chuộc bằng tiền,
Hăng say giết hại người,
Hạng người vợ như vậy,
Được gọi vợ sát nhân.
Còn hạng nữ nhân nào,
Tiêu xài tài sản chồng,
Do công nghiệp đem lại,
Hay thương nghiệp, nông nghiệp,
Do vậy, nếu muốn trộm,

Dầu có ít đi nữa,
Hạng người vợ như vậy,
Được gọi vợ ăn trộm.
Không ưa thích làm việc,
Biếng nhác, nhưng ăn nhiều,
Ác khẩu và bạo ác,
Phát ngôn lời khó chịu,
Mọi cố gắng của chồng,
Đàn áp và chỉ huy,
Hạng người vợ như vậy,
Được gọi là vợ chủ nhân.
Ai luôn luôn từ mẫn,
Có lòng thương xót người,
Săn sóc giúp đỡ chồng,
Như mẹ chăm sóc con,
Tài sản chồng cất chứa,
Biết hộ trì gìn giữ,
Hạng người vợ như vậy,

Được gọi vợ như mẹ,
Ai như người em gái,
Đối xử với chị lớn,
Biết cung kính tôn trọng,
Đối với người chồng mình,
Với tâm biết tàm quí,

Tùy thuận phục vụ chồng,
Hạng người vợ như vậy,
Được gọi vợ như chị.
Ai ở đời thấy chồng,

Tâm hoan hỷ vui vẻ,
Như người bạn tốt lành,
Đã lâu ta xa về,
Sanh gia đình hiền đức,
Giữ giới, dạ trung thành,
Hạng người vợ như vậy,
Được gọi vợ như bạn.
Không tức giận, an tịnh,
Không sợ hình phạt, trượng,
Tâm tư không hiềm hận,
Nhẫn nhục đối với chồng,
Không phẫn nộ tức giận,
Tùy thuận lời chồng dạy,
Hạng người vợ như vậy,
Được gọi vợ nữ tỳ.
Ở đời các hạng vợ,
Được gọi vợ sát nhân,
Kể cả vợ ăn trộm,
Và cả vợ chủ nhân,
Vợ ấy không giữ giới,
Ác khẩu và vô lễ,
Khi thân hoại mạng chung,
Bị sanh vào địa ngục.
Ở đời các hạng vợ,
Như mẹ, chị và bạn,
Và người vợ được gọi,
Là vợ như nữ tỳ,
An trú trên giới đức,
Khéo phòng hộ lâu ngày,
Khi thân hoại mạng chung,
Được sanh lên thiện thú.

Này Sujàtà, có bảy loại vợ này đối  với người đàn ông. Con thuộc hạng người nào?

- Bạch Thế Tôn, bắt đầu từ hôm nay, Thế Tôn hãy xem con là người vợ đối với chồng như người vợ nữ tỳ”[2].

Ảnh minh hoạ

Vào một dịp khác, bước chân khất thực của Phật lại quay trở lại Sàvatthi. Một vị Bà-la-môn đại phú bị những người con bất hiếu đuổi ra khỏi nhà, với dáng bộ tiều tụy, đắp y thô xấu, đi đến chỗ Thế Tôn. Bậc Giác ngộ lên tiếng hỏi thăm vị Bà-la-môn đại phú đang ngồi một bên:

“- Này Bà-la-môn, sao dáng bộ ông tiều tụy? Sao ông đắp y thô xấu?
- Thưa Tôn giả Gotama, ở đây bốn đứa con trai của con, chúng âm mưu với vợ của chúng, trục xuất con ra
khỏi nhà.
- Vậy này Bà-la-môn, hãy đọc thuộc bài kệ này, và khi nào quần chúng hội họp trong thính đường và cả các người con cùng ngồi họp, hãy đọc lên bài kệ:

Khi chúng sanh, tôi mừng
Tôi muốn chúng sinh thành.
Cùng vợ, chúng âm mưu,
Chống tôi và đuổi tôi,
Chẳng khác gì con chó,
Xua đuổi bầy heo lợn,
Ác độc và lỗ mãng,
Chúng gọi tôi: “Cha thân”.
Chúng thật quỷ Dạ-xoa,
Đội lốt là con tôi,
Và chúng trục xuất tôi,
Khi tôi đến tuổi già,
Như ngựa già suy nhược,
Bị tẩn xuất chuồng ăn.
Nay cha già bọn trẻ,
Phải ăn xin nhà người,
Thà cho tôi cái gậy,
Hơn lũ con bất hiếu.
Với gậy, chặn bò dữ,
Chặn được loại chó dữ,
Chỗ tối dò an toàn,
Chỗ sâu, tìm chân đứng,
Với sức mạnh chiếc gậy,
Vấp ngã đứng dậy được.

Bà-la-môn đại phú ấy học thuộc lòng bài kệ này từ Thế Tôn. Khi quần chúng tụ hội tại thính đường và giữa các người con đang ngồi họp, vị ấy đọc lên bài kệ:

Khi chúng sanh, tôi mừng,
...
Vấp ngã, đứng dậy được.
Rồi những người con Bà-la-môn đại phú ấy, dắt người cha về nhà, tắm rửa và mỗi người đắp cho cha một bộ áo”
[3].

Nhìn chung, bức tranh Phật đi khất thực như được lưu lại trong Kinh tạng Pàli thật đẹp và sống động, luôn luôn gợi niềm tin yêu hướng thiện cho nhiều người. Phật đi khất thực mỗi ngày, nhận đồ ăn bố thí thì ít mà cho công đức lợi lạc thì nhiều. Phật đi khất thực để đem lại an lạc cho mọi người, mọi nhà, “vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người”.

Chính vì thế mà quần chúng rất quý mến Đức Phật, vui buồn dõi theo từng bước chân khất thực-hóa độ của Ngài:

“Bạch Thế Tôn, khi chúng con được nghe: ‘Thế Tôn sẽ đi khỏi Sàvatthi để du hành giữa dân chúng Kosala’; khi ấy, chúng con không được hoan hỷ, có sự ưu buồn, nghĩ rằng: ‘Thế Tôn sẽ ở xa chúng ta’... ‘đi khỏi dân chúng Kosala để du hành giữa dân chúng Malla’... ‘đi khỏi dân chúng Malla để du hành giữa dân chúng Vajji’... ‘đi khỏi dân chúng Vajji để du hành giữa dân chúng Kàsi’... ‘đi khỏi dân chúng Kàsi để du hành giữa dân chúng Magadha’; khi ấy, chúng con không hoan hỷ, có ưu buồn, nghĩ rằng: ‘Thế Tôn sẽ ở xa chúng ta’...

Bạch Thế Tôn, khi chúng con được nghe: ‘Thế Tôn sẽ ra đi khỏi dân chúng Magadha để du hành giữa dân chúng Kàsi’; khi ấy, chúng con được vui vẻ, có sự hoan hỷ, nghĩ rằng: ‘Thế Tôn sẽ ở gần chúng ta’... ‘đi khỏi dân chúng Kàsi để du hành ở giữa dân chúng Vajji’... ‘đi khỏi dân chúng Vajji để du hành ở giữa dân chúng Malla’... ‘đi khỏi dân chúng Malla để du hành ở giữa dân chúng Kosala’...

Bạch Thế Tôn, khi chúng con được nghe: ‘Thế Tôn sẽ ra đi khỏi dân chúng Kosala để du hành giữa dân chúng Sàvatthi’; khi ấy, chúng con được vui vẻ, có sự hoan hỷ, nghĩ rằng: ‘Thế Tôn sẽ ở gần chúng ta’. Khi chúng con được nghe: ‘Thế Tôn trú ở Sàvatthi, Thắng Lâm, khu vườn ông Anàthapindika’; khi ấy vô lượng là sự vui vẻ của chúng con, vô lượng là hoan hỷ của chúng con, nghĩ rằng: ‘Thế Tôn đã ở gần chúng ta’”[4].
 


Chú thích:

1. Kinh Ví dụ hòn núi, Tương Ưng Bộ.
2. Kinh Các người vợ, Tăng Chi Bộ.
3. Kinh Mahàsàla, Tương Ưng Bộ.
4. Kinh Những người thợ mộc, Tương
Ưng Bộ.


Theo Văn hoá Phật giáo số 280 ngày 01-09-2017

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm