Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Phương pháp tiếp cận Phật giáo về vấn đề phát triển kinh tế bền vững

Tham luận Hội thảo Vesak LHQ lần thứ 16 tại Chùa Tam Chúc - Hà Nam
Mục lục
Toát yếu:
Sản xuất và tiêu thụ là hai hoạt động kinh tế mang tính quyết định. Tuy nhiên, thực trạng sản xuất với nguồn lực và tài nguyên hữu hạn không thể đáp ứng được những mong muốn tiêu dùng vô hạn của con người đã đẩy hệ thống kinh tế đương thời rơi vào tình trạng mất cân bằng. Để giải quyết mâu thuẫn này, nền kinh tế đương đại cố gắng đạt được năng xuất và sản lượng đầu ra cao nhất có thể từ hạn mức nhất định của nguồn lực và nguyên liệu sản xuất. Điều này có nghĩa rằng, việc quản lý sử dụng hiệu quả các nguồn lực và nguyên liệu sản xuất là một vấn đề quan trọng, nhưng đồng thời điều này cũng hàm nghĩa rằng các kinh tế gia phải thừa nhận là nhu cầu của con người không có điểm giới hạn. Về mặt hiện tượng, những cố gắng nêu trên chỉ có thể duy trì sự cân bằng giữa sản xuất và tiêu thụ trong một thời gian ngắn, còn về bản chất thì nó cũng chẳng làm thay đổi được điều gì. Thêm vào đó, vô số vấn đề đã nảy sinh do hậu quả của sự tập trung kinh tế một chiều, thiên lệch như sự mất cân đối giữa phát triển kinh tế và phát triển xã hội, lợi ích của sự tăng trưởng kinh tế không tác động được đến đại đa số người dân; tăng sự chênh lệch về thu nhập và tiêu chuẩn sống của các tầng lớp xã hội; môi trường bị hủy hoại nghiêm trọng do việc khai thác khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên quá mức; đe dọa đến cân bằng đời sống của các thế hệ mai sau.
Bài tham luận này bắt đầu bằng một nghiên cứu về ham muốn tiêu dùng vô tận của con người dưới lăng kính Phật học. Nhận thức tường tận về vấn đề này theo quan điểm nhà Phật, có thể được xem là tính độc đáo của triết lý kinh tế Phật giáo, và có thể áp dụng đối với việc đưa ra các quyết định kinh tế, tiêu thụ có trách nhiệm, trợ giúp việc cân bằng giữa sản xuất và tiêu thụ trong xã hội và mở ra cơ hội duy trì nền kinh tế bền vững. Kế đến, khái niệm phát triển sẽ được phân tích trên quan điểm Phật học, cũng như lời Phật dạy có liên quan đến việc xây dựng kinh tế sẽ được bàn luận để chứng tỏ rằng phát triển kinh tế bền vững là sự phát triển mà ở đó cả hai phương diện vật chất và tâm linh đều phải được chú trọng như nhau. Cuối cùng, những phương pháp tiếp cận Phật giáo đối với các hoạt động kinh tế sẽ được trình bày như những lời gợi ý nhằm góp phần xây dựng một nền kinh tế phát triển bền vững.
 

Giới thiệu
Hơn ba thập kỷ qua, từ khi Báo cáo của Ủy ban Môi trường và Phát triển Thế giới[1] (UN, 1987) được đệ trình nhằm đóng góp cho Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc (UNDP, n.d.), phát triển bền vững đã trở thành một thuật ngữ thông dụng được đề cập trên nhiều phương diện như chính sách xã hội, môi trường, kinh tế, v.v… Cho đến nay, cả về cấp độ quốc gia và quốc tế, nhiều nỗ lực trên nhiều phương diện khác nhau đã được thực hiện nhằm đạt được những mục tiêu mà khái niệm phát triển bền vững bao hàm. Trên thực tế, những mục tiêu phát triển bền vững không thể đạt được nếu không có sự phát triển về mặt kinh tế. Song, kinh tế thường chỉ tập trung chủ yếu vào những tăng trưởng có sự tương tác qua lại giữ thu nhập và tiêu thụ. Đồng thời, những chính sách phát triển kinh tế cũng chỉ bám riết vào việc tập trung cho hai phương diện kể trên, bỏ mặt những vấn đề cấp bách mà thế giới ngày nay đang phải đối mặt. Ngày nay, chúng ta dường như bị dẫn lối bởi một thứ văn hóa mang tên “chủ nghĩa tiêu thụ”, trào lưu này khuyến khích con người mua sắm hàng hóa với một khối lượng khổng lồ hơn bao giờ hết. Những thói quen tiêu thụ này dẫn đến sự hủy hoại môi trường nghiêm trọng do việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên quá mức, đe dọa trực tiếp đến đời sống ổn định bền vững của những thế hệ tương lai. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện tại, cộng với những nghiên cứu khoa học về biến đổi khí hậu toàn cầu mới đây, đặt ra những câu hỏi đánh vào trọng tâm của những thói quen tiêu thụ mà xã hội ngày nay đang chìm đắm trong đó.
Dưới lăng kính Phật giáo, bài nghiên cứu này bắt đầu việc đánh giá, phê bình về phương diện tiêu thụ của kinh tế học, nơi mà lòng tham đóng một vai trò quan trọng. Những khảo cứu về lòng tham sẽ cung cấp một hướng tiếp cận mới đối với nền kinh tế đương đại, chính điều này tạo nên sự khác biệt giữa triết lý kinh tế của Phật giáo (kinh tế Phật giáo) và kinh tế chính thống (mainstream economics). Khảo sát này cũng sẽ mang đến những góc nhìn thú vị đối với những phương án đúng đắn trong việc điều tiết và kiểm soát lĩnh vực tiêu thụ trong xã hội. Kế đến, dựa trên quan điểm Phật giáo, khái niệm phát triển sẽ được phân tích ở cả hai phương diện vật chất và đạo đức để chứng tỏ rằng những quan niệm phổ biến xoay quanh khái niệm phát triển của kinh tế chính thống, vốn chỉ tập trung vào sự phát triển vật chất, cần được suy xét lại. Kinh tế Phật giáo chủ trương thành tựu mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, mà ở đó cả vật chất và đạo đức là hai khía cạnh đều cần được lưu tâm như nhau. Cuối cùng, với cảm hứng bắt nguồn từ lời dạy của đức Phật dành cho thiện nam tử Dīghajānu thuộc dòng tộc  Koliya về việc làm sao một người cư sĩ tại gia có thể có được đời sống an lạc và hạnh phúc (đời này lẫn đời sau) được ghi lại trong kinh Dīghajānu (AN 8. 54) thuộc Tăng Chi Bộ Kinh kèm theo một số bài kinh khác, ba hoạt động quản lý và sử dụng tài sản cơ bản, gồm: tạo ra tài sản, gìn giữ tài sản và tiêu thụ tài sản sẽ được bình luận và phân tích để lời xưa Phật dạy có thể áp dụng cho nền kinh tế đương đại, ngõ hầu đạt được mục tiêu hạnh phúc và an lạc trong đời sống, đồng thời đáp ứng được yêu cầu của hai chủ đề then chốt thuộc khái niệm phát triển bền vững được đề cập trong Báo cáo của Ủy ban Môi trường và Phát triển Thế giới.

Tính độc đáo của Triết lý Kinh tế Phật giáo
Nhìn chung, mục tiêu chính của kinh tế, là mang lại hạnh phúc và an lạc cho con người cả trên phương diện cá nhân và xã hội. Tuy nhiên, theo ý kiến của Clair Brown, mục tiêu kể trên của kinh tế chính thống được dựa trên ý niệm hạnh phúc thuộc chủ nghĩa hưởng lạc hay niềm vui vị kỷ với sự xa lánh khổ đau. Đối với mỗi cá nhân, ít nhất trong thời điểm hiện thời, niềm vui và cảm giác hạnh phúc này được tạo ra thông qua việc tập trung kiếm tìm tiền bạc rồi dùng nó mua bán, tiêu thụ. Thứ hạnh phúc ngắn ngủi này hết sức phù hợp với chủ nghĩa vật chất, vốn là định hướng mục tiêu của kinh tế chính thống (Brown, C. 2017). Từ phương diện tiếp cận này, tâm lý người tiêu dùng dường như bị dẫn dắt theo chiều hướng phải tạo ra tiền nhiều hơn, để rồi mua sắm, tiêu thụ nhiều hơn và sở hữu nhiều hơn. Từ nền tảng kinh tế này, lòng tham hay ham muốn của giới tiêu dùng bị thúc đẩy ngày một nhiều; ham muốn nhắm đến việc sở hữu những đối tượng vật chất mới cùng với những hoạt động mới nhằm thỏa mãn ham muốn được khuyến khích tăng trưởng. Phải thừa nhận rằng, ham muốn hay lòng tham là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động tiêu thụ. Tuy nhiên, do xuất phát từ nhận thức méo mó về nhu cầu thiết yếu thực sự của con người cùng với sự hình thành và tăng trưởng mỗi ngày của những ham muốn sai lạc, sự thống trị của chủ nghĩa tiêu thụ dần hình thành như là một hậu quả tất yếu. Bị điều khiển bởi lòng tham, xã hội tiêu dùng hiện tại đang bị mắc kẹt trong một vòng tròn bất tận của ham muốn và tiếp tục bị lèo lái để đưa đến những ham muốn nhiều hơn trong khi không hề đoái hoài đến việc bằng lòng hay biết đủ. Theo tâm lý học, cơ chế mà thông quá đó người ta tìm cách để thỏa mãn những ham muốn gọi là “tự động phóng tác”. Đó là một chiến lược tâm lý mơ hồ, tự phát mà dù cho người ta có đạt được mong muốn của họ hay không nó vẫn xuất hiện. Khi họ không thể đạt được những mục tiêu mà họ hình dung, họ quy kết những bất mãn tiếp theo cho sự thất bại trong việc tìm ra những biện pháp hiệu chỉnh, khắc phục. Còn khi họ thành công trong việc đạt được mục đích rồi, thường thì những điều này cũng lại không đáp ứng được những mong cầu và những cảm giác khó chịu, bực bội này cũng không hề có chiều hướng thuyên giảm. Vậy nên, nỗ lực để thỏa mãn những ham muốn không bao giờ mang đến cho con người sự toại nguyện mà họ mong mỏi (Grof, S. 1998). Có thể kết luận rằng, hình thức kinh tế bị điều khiển bởi ham muốn này, không mang đến hạnh phúc mà còn tạo nên những hậu quả bất ổn cho loài người và muôn loài.
Tứ Diệu Đế là giáo lý quan trọng nền tảng nhất của Phật giáo, được chính đức Phật tuyên thuyết trong bài pháp đầu tiên sau khi giác ngộ. Đó là tuyên bố về: (1) khổ (dukkha), (2) nguyên nhân của khổ (dukkhasamudaya), (3) Niết bàn (Nibbāna) – trạng thái khổ và nguyên nhân của khổ hoàn toàn được diệt tận và (4) phương pháp diệt tận hoàn toàn khổ và nguyên nhân khổ (ariya aṭṭhaṅgika magga). Trong phạm vi hai chi phần đầu của Tứ Diệu Đế được trình bày, Diệu Đế thứ nhất tuyên bố rằng đời là khổ. Như đức Phật đã liệt kê, hiện hữu trong kiếp sống nhân sinh là đau đớn, khổ não, sầu bi gắn liền với các sự kiện sinh, lão, bệnh, tử, oán ghét mà gặp gỡ, thương yêu phải chia lìa, mong muốn không đạt được và ngũ ấm hoạt động bất thường. Diệu Đế thứ hai xác định rằng, nguyên nhân của khổ là lòng tham hay ham muốn. Chúng ta đau khổ vì cố gắng một cách vô nghĩa nhằm thỏa mãn những ham muốn cá nhân. Nibbānaṃ paramaṃ sukhaṃ – Niết-bàn lạc tối thượng (Dhp. 203) là một định nghĩa khác của Diệu Đế thứ ba được tìm thấy trong Pháp Cú Kinh, còn nội dung của Diệu Đế thứ tư là là con đường đưa đến an lạc tối thượng này. Như vậy, mục tiêu tối thượng của Phật giáo là đạt được hạnh phúc (được gọi là sukha trong tiếng Pāli). Theo Phật giáo, để đạt được hạnh phúc thì khổ đau và nguyên nhân của nó phải được thấu suốt rồi sau đó đoạn giảm và diệt tận[2]. Cần phải lưu ý rằng, trong Phật giáo có nhiều cấp độ hạnh phúc khác nhau. Và dù có bao nhiêu cấp bậc hạnh phúc được liệt kê đi nữa, thì các thứ bậc này cũng đều bắt đầu từ cấp độ thấp nhất là dục lạc (kāmasukha) – hạnh phúc có được do thỏa mãn những khoái lạc giác quan, và đỉnh điểm là lạc diệt thọ tưởng (nirodha samāpattisukha) với sự vắng mặt hoàn toàn khổ đau (Kittiprapas, S. 2015). Ở đây, khái niệm “dục lạc” của Phật giáo đồng nghĩa với “hạnh phúc theo chủ nghĩa hưởng lạc” (hedonic happiness) được đề cập ở trên; và mặc dù được xếp là một loại hạnh phúc, tuy nhiên trên thực tế nó vẫn là nguyên nhân và động cơ làm tăng trưởng khổ đau. Thế nên, nó không được coi là hạnh phúc thực thụ. Bên cạnh đó, đối với Phật giáo, dục lạc cũng liên quan đến những nhu cầu vật chất thiết yếu đối với đời sống con người nhằm giảm thiểu những nỗi đau từ góc độ vật chất mà con người phải đối diện. Sau khi những nhu cầu cơ bản thiết yếu này của con người được đảm bảo, Phật giáo khuyến khích nên tiếp tục đào luyện để có thể đạt được những hạnh phúc cao thượng hơn. Tích lũy tài sản vật chất quá mức không đưa đến tăng trưởng hạnh phúc cũng như chẳng bao giờ đảm bảo hạnh phúc này một cách vững bền. Thay vào đó, chúng làm tăng trưởng những phiền toái, mang đến những khổ đau và đánh mất dần những hạnh phúc trong cuộc sống.
Có thể thấy rằng, cả trong giáo lý nhà Phật và nguyên lý kinh tế, ham muốn hay lòng tham đóng vai trò quan trọng đầu mối, mà từ đó nền móng cho cấu trúc phân tích và giải quyết vấn đề được thiết lập. Thêm vào đó, những vấn nạn liên quan đến kinh tế như khai thác quá mức các nguồn tài nguyên thiên nhiên, mất cân bằng giữa sản xuất và tiêu thụ hay sự độc tôn của chủ nghĩa tiêu thụ ngày càng xuất hiện rõ nét, v.v… sẽ không thể giải thích một cách tận tường nếu không suy xét nghiêm túc đến phạm trù ham muốn và hạnh phúc. Ở góc độ nền tảng, cả Phật giáo và kinh tế cùng thừa nhận vấn đề cốt lõi liên quan đến bản chất con người và xác định tác nhân cơ bản nhất đều xuất phát từ mỗi cá nhân. Tuy nhiên, điểm khác biệt cơ bản nhất đối với kinh tế chính thống, vốn chỉ tập trung vào việc “tối đa hóa lợi nhuận hay lợi ích nhằm thỏa mãn ham muốn” như là một triết lý cốt lõi; thì triết lý kinh tế Phật giáo chủ trương “giảm thiểu hay thậm chí phản đối ham muốn” nhằm đạt được hạnh phúc và an lạc. Đây chính là tính độc đáo của triết lý kinh tế Phật giáo.
Kinh tế Phật giáo đề xuất quan điểm không làm tăng trưởng mà thay vào đó là giảm thiểu ham muốn. Một trong những điểm đáng chú ý của giáo lý Phật giáo đó là nhận thức cũng như thực hành tri túc. Theo quan điểm của Phật giáo, hoạt động kinh tế cần phải được kiểm soát và điều tiết nhằm định hướng để đạt được mục tiêu thành tựu an lạc hạnh phúc hơn là có được “sự thỏa mãn tối đa”. Ở mô hình kinh tế chính thống, ham muốn bất tận được kiểm soát bởi sự thiếu thốn kinh tế, nhưng đối với mô hình Phật giáo, ham muốn bất tận được kiểm soát bằng nhận thức sâu sắc về sự tri túc hay tiết chế và điều độ cùng với mục tiêu hạnh phúc và an lạc. Một đề xuất cho việc tiêu thụ có kiểm soát được tìm thấy trong bài Kinh Tri Túc (AN 4.27) thuộc Tăng Chi Bộ Kinh. Bài kinh này đề cập đến việc đầy đủ bốn món gồm: thức ăn, quần áo, chỗ ở và thuốc men, có thể được xem là đáp ứng đầy đủ cho những nhu yếu cơ bản của con người. Đề xuất này có thể giúp chúng ta cùng suy gẫm về điều gì chúng ta thực sự cần và điều gì đối với chúng ta chỉ là mong muốn, và đôi khi, những điều chúng ta mong muốn vượt xa quá mức đối với những thứ chúng ta thực sự cần. Tư duy nghiền ngẫm theo cách này có thể được xem là một phương pháp nhận định và điều chỉnh, kiểm soát lòng ham muốn của con người. Ví dụ, bất cứ khi nào chúng ta tiêu thụ thức ăn, nước uống hay điện, v.v… chúng ta nên dành thời gian để suy ngẫm về mục đích thực sự của việc sử dụng chúng, chứ không nên sử dụng một cách thoải mái mà không hề lưu tâm hay lo lắng gì đến sự tổn hại các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Bằng cách này, chúng ta có thể tránh được việc tiêu thụ thiếu cân nhắc, đồng thời hiểu được “khối lượng tiêu thụ chính xác” mà chúng ta cần. Một cách tự nhiên, giảm bớt ham muốn sẽ tự khắc loại trừ những hậu quả xấu xuất phát từ những hoạt động kinh tế không kiểm soát cũng như mang đến những lợi ích lâu bền hơn cho cả cá nhân, cộng đồng và môi trường sống.
Cả Phật giáo và kinh tế chính thống đều thừa nhận rằng tiêu thụ là một hoạt động thiết yếu. Tuy nhiên, đối với kinh tế chính thống, tiêu thụ là một hoạt động nhằm thỏa mãn những ham muốn giác quan và mục đích của nó cũng chỉ dừng lại đó. Trong khi đó, kinh tế Phật giáo khẳng định rằng tiêu thụ chỉ là một phương tiện để đạt đến mục đích chứ không phải là tất cả; mục đích chính của tiêu thụ theo quan điểm Phật giáo là mang đến an ổn hạnh phúc, đồng thời nó chỉ được xem là một nấc thang để đưa đến những mục tiêu cao hơn. Đối với Phật giáo, bất kỳ hoạt động tiêu thụ nào không chỉ đơn giản là để đạt được niềm vui mà nó mang đến mà nhằm có được năng lượng cả về phương diện vật chất và tinh thần để phát triển trí tuệ và năng lực tâm linh hướng đến đời sống cao thượng hơn. Đối với Phật giáo, những hoạt động kinh tế cần được kiểm soát và định hướng nhằm đạt được an lạc hạnh phúc hơn là có được sự thỏa mãn tối đa.
Đóng góp quan trọng của tuệ giác Phật giáo đối với kinh tế có thể được ghi nhận thông qua nghiên cứu trên phương diện tâm lý học về lòng tham. Theo Phật giáo, có hai loại lòng tham, hay ham muốn: (1) loại đầu tiên có tên gọi là taṇhā trong tiếng Pāli – là ham muốn đối với những niềm vui, hạnh phúc giác quan, những điều vốn không thể nào thỏa mãn được; (2) loại thứ hai có tên gọi là chanda – ham muốn sự an lạc và hạnh phúc thuộc về phương diện nội tâm. Taṇhā hình thành trên căn bản là vô minh và không hướng đến sự thành tựu an lạc hạnh phúc. Trong khi chanda dựa trên căn bản là trí tuệ. Ví dụ, người bị dẫn dắt bởi động cơ taṇhā sẽ liên tục tìm kiếm cách này cách khác, hay đối tượng này đối tượng khác nhằm thỏa mãn những ham muốn mù quáng của mình, mà cụ thể trong trường hợp này là thỏa mãn những khoái lạc giác quan. Tuy nhiên, nếu được định hướng bởi chanda, lòng tham sẽ được định hướng và nhắm tới sự thành tựu an lạc và hạnh phúc nội tâm. Trong bối cảnh kinh tế học, theo như mô tả của Ngài Payutto, “một khi ham muốn (taṇhā) dẫn dắt những quyết định kinh tế, hành vi và thái độ kinh doanh cũng có xu hướng trở nên thiếu hoặc phi đạo đức; nhưng khi ham muốn ấy hướng đến an lạc và hạnh phúc (chanda) dẫn lối cho hoạt động kinh doanh, những hành vi kinh tế tự khắc trở nên có đạo đức” (Payutto, A. 1998). Tiêu thụ dựa trên nền tảng chanda là quá trình sử dụng của cải hàng hóa và dịch vụ để có được an lạc hạnh phúc, trong khi tiêu thụ dựa trên nền tảng tâm lý taṇhā chỉ nhằm thỏa mãn những giác quan hay dục lạc cá nhân mà thôi. Giá trị sản phẩm được sản xuất trên nền tảng tâm lý chanda được xác định bởi khả năng đáp ứng được nhu cầu hạnh phúc con người, trong khi những sản phẩm xuất phát từ tâm lý taṇhā chỉ đóng vai trò thỏa mãn khoái lạc, ham muốn giác quan. Có thể kết luận rằng, theo quan điểm kinh tế Phật giáo, hoạt động tiêu thụ được dẫn dắt với tâm lý chanda được xem là tiêu thụ đúng và hợp lý. Ngược lại, hoạt động tiêu thụ được dẫn dắt với tâm lý taṇhā là tiêu thụ bất hợp lý và sai.
Như đã đề cập, khổ đau xuất phát từ những trạng thái tâm lý của chúng ta, với cảm giác bất mãn bắt nguồn từ ham muốn mỗi lúc một nhiều. Trên thực tế, cảm giác thiếu thốn và ham muốn ngày càng nhiều hơn không xuất phát từ lòng tham cố hữu đối với những đối tượng ngoại giới mà chúng ta vẫn luôn luôn tìm kiếm mà nó xuất phát từ sự vô minh nằm sâu thẳm trong nội tâm của mỗi chúng ta. Với hai loại tâm lý ham muốn vừa nêu trên, để loại bỏ khổ đau xuất phát từ lòng tham liên quan đến phương diện tiêu thụ, nguyên nhân của đau khổ - taṇhā là trạng thái tâm lý cần được chuyển hóa, thay đổi. Thay vì tâm lý ham muốn thỏa mãn lòng tham (taṇhā) dẫn dắt hành vi kinh tế của một cá nhân, nó nên được chuyển hóa thành tâm lý mong muốn hướng đến sự nhận thức và thực hành nhằm có được hạnh phúc và an lạc (chanda) cho chính vị ấy và mọi người xung quanh.
Phương pháp tiếp cận Phật giáo khuyến khích người tiêu dùng chuyển hóa ham muốn của họ để thông qua việc tiêu thụ và sử dụng hàng hóa dịch vụ người tiêu dùng có được niềm vui và hạnh phúc. Một khi người tiêu dùng ngày càng ít bị tác động bởi tâm lý ham muốn taṇhā, cấp độ hạnh phúc và niềm vui trong cuộc sống của người đó sẽ gia tăng. Điều này sẽ dẫn đến sự đánh giá đúng cũng như giảm bớt những nhu cầu không cần thiết đối với việc tiêu thụ hàng hóa. Nhận thức về hai dạng tâm lý ham muốn theo tinh thần Phật giáo cung cấp ý tưởng cho những nhà doanh nhân trong việc giảm bớt sự tập trung đầu tư, cung cấp những sản phẩm xa xỉ hoặc không thiết yếu và chú trọng hơn trong việc sản xuất và giới thiệu ra thị trường tiêu thụ những sản phẩm và dịch vụ thiết yếu nhằm thúc đẩy đà tăng trưởng kinh tế quốc gia, giới thiệu những công nghệ mới nhằm tái tạo và phục hồi những thiệt hại môi trường, hỗ trợ người nghèo và những mảnh đời khó khăn cần sự giúp đỡ. Kết quả là kinh doanh nói chung, sẽ trở nên ít khai thác cũng như hủy hoại môi trường hơn đồng thời trở nên phục vụ nhân loại hữu ích và hiệu quả hơn.
Nói tóm lại, cả kinh tế chính thống và kinh tế Phật giáo đều chấp nhận rằng lòng tham không đáy là bản chất của con người. Tuy nhiên, nhận thức Phật giáo về hai loại ham muốn taṇhāchanda, sẽ mang đến khả năng tự phản tỉnh, điều có thể làm sáng tỏ và chấm dứt trạng thái nhận thức một cách mơ hồ hay nhầm lẫn giữa điều gì thực sự lợi ích và thứ gì thật sự có hại trong ý thức và hành vi tiêu dùng. Và dù cho ham muốn là bản chất cố hữu của con người, chúng vẫn có thể được chuyển hóa và kiểm soát bởi trí tuệ. Xác quyết tác nhân chính của mọi hành động đều xuất phát từ mỗi cá nhân, triết lý kinh tế Phật giáo khuyến khích khả năng tự quản lý, kiểm soát cũng như phát triển năng lực bản thân. Đây là một định hướng vô cùng tích cực đối với bản năng con người ngỏ hầu làm chủ vận mệnh của chính mình.

Khái niệm “phát triển” theo quan điểm Phật giáo
Thường thì quan điểm phổ biến về khái niệm “phát triển” là đạt được thịnh vượng kinh tế. Dựa trên quan điểm phổ biến này, sự phát triển của thế giới đã và đang được dẫn dắt bởi đầu tàu kinh tế cùng các chiến lược kinh tế vốn chỉ chú trọng vào tăng trưởng và gặt hái thành quả vật chất. Vào thời điểm hiện tại, những thành tựu về mặt khoa học kỹ thuật đã dẫn đến một niềm tin không có cơ sở về quyền lực vô song của những thành tựu này, đồng thời hình thành nên một làn sóng niềm tin mạnh mẽ rằng chỉ có những thành tựu này là phương tiện duy nhất để đạt được mục tiêu phát triển xã hội. Vào thời điểm hiện tại, dường như định chuẩn duy nhất dùng để đánh giá sự phát triển là số lượng hàng hóa vật chất được sản xuất và tiêu thụ, và kết quả số liệu Tổng sản phẩm nội địa (GDP) được xem là thước đo để đánh giá sự phát triển. Mặc dù, những thành tựu kinh tế đã tạo nên cuộc cách mạng hóa điều kiện vật chất đối với  đời sống hiện đại là điều không thể phủ nhận, nhưng điều này thất bại trong việc đương đầu với thách thức mang tên phát triển bền vững một cách đúng đắn và ý nghĩa. Theo như phát biểu của giáo sư Clair Brown, đây là thời điểm để chúng ta cùng nhìn nhận lại rằng kinh tế đã dẫn dắt nhận thức của chúng ta tập trung vào những giá trị và thước đo sai lệch. GDP cung cấp cho chúng ta một một hình ảnh phác thảo đại khái, sơ lược về tổng sản phẩm quốc gia mà không có bất kỳ sự liên hệ gì đến việc chúng được phân bổ và sử dụng như thế nào, hoặc chúng sẽ đưa chúng ta đi đâu, về đâu trong tương lai (Brown, C. 2015). Theo kinh tế gia Richard Welford, trong hai thập kỷ trở lại đây, kinh tế chính thống cùng với mô hình chú trọng phát triển vật chất đã được áp dụng một cách sai lệch và bừa bãi đã tạo nên nghèo đói, khổ đau, dẫn đến suy thoái giá trị xã hội trong khi không có bất kỳ động thái đáng kể nào để xoay chuyển tình trạng hủy hoại môi trường vẫn đang diễn ra (Welford, R. 2013). Cần lưu ý rằng, trong tiến trình thành tựu phát triển, hệ thống kinh tế hiện tại chẳng mấy quan tâm đến những phương thức đúng hay sai trong quá trình sản xuất, cũng như những hạn mức đúng – sai đối với những sản phẩm được sản xuất và tiêu thụ. Sự xa rời khía cạnh luân lý đạo đức trong quá trình phát triển dường như đã nhanh chóng dẫn dắt nhân loại đối mặt với hậu quả tự phá hủy và diệt vong cũng như như gây tổn hại cho xã hội và môi trường.
Nhìn nhận từ một góc độ khác đối với vấn đề này, Phật giáo phân tích khái niệm phát triển với quan điểm bao gồm hai loại hình phát triển gồm: vật chất và đạo đức hay thế tục và tâm linh. Theo tinh thần Phật giáo, sự phát triển chỉ tập trung vào vật chất sẽ nguy hại đến sự tồn vong của xã hội, bởi nó một chiều, mất cân bằng và đầy hiểm họa (Abeynayake, O. 2016). Về mặt kinh tế, phương pháp tiếp cận Phật giáo chủ trương tập trung cho sự phát triển một cách bền vững hơn thông qua một tiến trình phát triển gồm hai phương diện: một mặt phát triển những điều kiện vật chất đời sống, mặt còn lại là nâng cao phẩm chất đạo đức nhân sinh. Một giải thích quan trọng của Phật giáo liên hệ đến vấn đề này được tìm thấy trong Kinh Mù Lòa (AN 3. 29). Trong bài kinh này, đức Phật đề cập đến người hai mắt (dvicakkhu) xuất hiện ở đời, hạng người này dùng con mắt thứ nhất của mình để tạo ra của cải tài sản, và con mắt còn lại để phát triển luân lý đạo đức. Còn người không hướng tâm đến việc tự tạo ra của cải tài sản đồng thời không đối hoài đến phát triển đời sống đạo đức được đức Phật so sánh với kẻ hoàn toàn mù lòa. Đức Phật chỉ ra rằng, người có hai mắt tối thắng hơn người có một trong hai con mắt vừa nêu trên. Nói cách khác, sự phát triển không thể thành tựu nếu chỉ tập trung đề cao phát triển đạo đức hay chỉ thúc đẩy phát triển vật chất mà cả hai phương diện này đều phải được phát triển một cách song hành để có được một cuộc sống hạnh phúc, ý nghĩa.
Bên cạnh đó, tương tự với kinh tế chính thống vốn xem việc giảm thiểu và đẩy lùi đói nghèo là một trong những mục tiêu quan trọng của tiến trình phát triển kinh tế. Trong Kinh Nghèo Khổ (AN 6.45), đức Phật cũng tuyên bố rằng nghèo đói là đau khổ (dāliddiyaṃ bhikkhave dukkhaṃ lokasmiṃ) và chúng sanh cần phải vượt qua. Trong Kinh Chuyển Luân Thánh Vương Sư Tử Hống (DN 26), đức Phật đã chỉ ra rằng nghèo khổ chính là nguyên nhân trầm trọng nhất đưa đến bất ổn xã hội, và sự phân biệt giàu nghèo mở lối cho những sụp đổ về nền tảng đạo đức trong xã hội. Theo bài kinh này, trộm cắp, nói dối và tà dâm xuất hiện như một hệ quả tất yếu của nguyên nhân đói nghèo. Điều này đã phô bày một cách rõ ràng chân thật những hậu quả nghiêm trọng do đói nghèo gây trên cả hai phương diện cá nhân và xã hội. Mong ước về một đời sống đạo đức phát triển nhằm mang lại sự an bình và hòa hợp sẽ mãi là vô vọng đối với một xã hội đói nghèo như bài kinh nêu trên đã trình bày. Như vậy, theo Phật giáo, chỉ phát triển phương diện đạo đức hoặc vật chất một cách đơn lẻ, không đủ để đưa đến một đời sống hạnh phúc an lạc, đồng thời sự phát triển về mặt đạo đức chỉ có thể được thực hiện khi và chỉ khi xã hội đạt được sự phát triển về mặt vật chất.
Báo cáo Tương Lai Chung của Chúng Ta[3] được công bố bởi Ủy ban Môi trường và Phát triển Thế giới vào năm 1987, đã giới thiệu một định nghĩa về phát triển bền vững, cho đến ngày nay đây là một trong những định nghĩa về phát triển bền vững được công nhận rộng rãi nhất trên toàn thế giới.
“Phát triển bền vững là sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai. Nó bao gồm hai định nghĩa cốt yếu:
Khái niệm nhu cầu, đặc biệt là những nhu cầu thiết yếu đối với đói nghèo, đây chính là đối tượng nên được ưu tiên trước nhất;
Ý tưởng về việc chính phủ ban hành những chế tài đối với công nghệ cũng như tổ chức xã hội nhằm đảm bảo nguồn tài nguyên thiên nhiên có thể đáp ứng được những nhu cầu của xã hội hiện tại và tương lai. (UN, 1987)
Như vậy, Phật giáo xem vấn đề đói nghèo được đề cập trên đây liên quan hết sức mật thiết đối với ưu tiên trước nhất được đề cập trong định nghĩa cốt yếu đầu tiên của khái niệm phát triển bền vững. Cùng đề cập nghèo đói và khổ đau là những vấn đề cần phải vượt qua, Phật giáo đã nhận thức tầm quan trọng của của cải tài sản cũng như khuyến khích nhân loại tạo ra của cải tài sản thông qua những phương thức và nghề nghiệp chân chánh. Phật giáo quan niệm rằng, lợi dụng ai đó về mặt kinh tế, dù bằng bất cứ hình thức nào đều bị xem là tạo ra tài sản phi đạo đức. Một lời khuyên được nhấn mạnh trong Phật giáo đó là: dù tạo ra của cải tài sản bằng bất kỳ phương thức nào thì căn bản đạo đức đều phải được tuân thủ và áp dụng. “Dhammikehi dhammaladdhehi” (nghề kiếm sống chân chánh/ kế sinh nhai vô hại) là thành ngữ Pāli luôn được đức Phật dùng để tuyên thuyết về cách tạo ra của cải tài sản chân chánh, đúng pháp. Phương kế sinh nhai đúng pháp này được đức Phật chỉ rõ trong bài kinh Dīghajānu (AN 8.54) như: thiện xảo, siêng năng, cẩn trọng, tư duy sáng tạo và thành thạo trong quản lý. Theo Phật giáo, người Phật tử nên làm giàu nhưng tuân thủ và không phạm bất kỳ một trong năm giới pháp dành cho hàng cư sĩ tại gia, gồm: cấm sát sanh, cấm trộm cắp, cấm tà dâm, cấm nói dối và cấm uống rượu và sử dụng các chất gây nghiện. Thêm vào đó, người cư sĩ cũng bị nghiêm cấm hành nghề liên quan đến năm lĩnh vực buôn bán sau đây: vũ khí, thú và người, thịt, rượu, chất độc. Tuân thủ năm điều cấm kỵ liên quan đến năm việc kinh doanh buôn bán nêu trên được xem là thực hành chánh mạng (sammājīva) – chi phần thứ năm của Bát Thánh Đạo. Về phương diện xã hội, Phật giáo cũng lưu tâm đến tầm quan trọng của việc phân bổ tài sản hợp lý trong xã hội nhằm đảm bảo nghèo đói không xuất hiện. Phật giáo quan niệm rằng, chính phủ chịu trách nhiệm về việc tìm ra những chính sách thích hợp ngõ hầu tạo ra những cơ hội đồng đều cho công dân của mình có thể có được sự ổn định kinh tế đồng thời sắp xếp và phân bố tài sản một cách hợp lý để đảm bảo khoảng cách giàu nghèo không còn nới rộng thêm. Liên quan đến vấn đề này, bố thí ba-la-mật (dāna pāramī) được xem là một trong những phương án hữu hiệu, bởi đây thực sự là phương pháp tối ưu nhất trong phân bổ, san sẻ của cải tài sản. Trong Phật giáo, bố thí (dāna) là một hành động xuất phát từ động cơ mong muốn giảm thiểu đau khổ của cuộc đời được nhận thức và thực hành bởi những người có điều kiện và sẵn lòng chia sẻ và cho đi. Học giả Peter Harvey nhấn mạnh rằng: “Hành vi đạo đức căn bản mà một Phật tử cần học tập và trau dồi đó là bố thí, điều này sẽ tạo nên một nền tảng vững vàng cho sự phát triển về đạo đức và tâm linh cao thượng hơn. Lòng từ bi, sự độ lượng không chỉ được thực hành đối với Tăng đoàn, mà nó là một giá trị lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng Phật tử.” (Harvey, P. 2013). Theo đó, pháp hành này có thể được áp dụng cả trên phương diện cá nhân và xã hội; không chỉ bởi giới vua chúa, giai cấp lãnh đạo nhà nước, thương nhân, địa chủ như đã được liệt kê trong nhiều bài Kinh vào thời đức Phật mà còn được áp dụng bởi từng thành viên trong xã hội hiện tại bao gồm giới đại gia, công ty, tập đoàn thương mại, chính phủ, v.v…
Đề cập trong tác phẩm của mình, Giáo sư Oliver Abeynayake cho rằng, cả giảm bớt đói nghèo cùng phát triển kinh tế đều phụ thuộc vào ý nguyện sống hài hòa với thiên nhiên (Abeynayake, O. 2016). Ẩn dưới cái lốt phát triển vật chất để thỏa mãn những ham muốn vô độ của giới tiêu thụ, nền kinh tế hiện tại cố gắng thu được hiệu suất sản xuất tối đa từ những nguồn tài nguyên thiên nhiên. Khốn nỗi, trên thực tế, ham muốn vô độ thì không bao giờ có thể thỏa mãn trong khi các nguồn tài nguyên thiên nhiên thì đang đối diện với hiểm họa ngày một khan hiếm dần. Để rồi, những sách lược kinh tế này đang phải gánh chịu hậu quả là sự chìm dần trong vòng xoáy thảm họa môi trường, một vòng xoáy tệ hại mà ở đó sự thoái hóa môi trường đang tăng trưởng trên đà phát triển chóng mặt (Kovács, G. 2014). Nếu những xu hướng này tiếp tục tăng trưởng thì nghèo đói cũng không thể giảm thiểu mà phát triển kinh tế cũng không thành tựu. Phật giáo phản đối mạnh mẽ việc khai thác các nguồn khoáng sản tự nhiên một cách quá mức mà không màn tới hậu quả xảy đến là những tổn hại nghiêm trọng đối với môi trường tự nhiên, sự cạn kiệt những nguồn tài nguyên không thể tái tạo, vốn đang bị khai thác theo những chính sách của nền kinh tế chính thống đương thời. Phật giáo quan niệm rằng mọi sự vật hiện tượng trên thế giới này đều có sự liên hệ chặt chẽ với nhau và con người cũng không phải là những thực thể tồn tại độc lập. Phật giáo nhấn mạnh mối liên kết mật thiết của ba phạm trù trong kiếp sống nhân sinh (cá nhân, xã hội và môi trường sống xung quanh) dựa trên nền tảng Giáo lý Duyên khởi. Theo đó, Phật giáo nhấn mạnh tầm quan trọng của ý thức và tư duy thấu đáo về ý thức sản xuất, tiêu thụ cũng như những hoạt động kinh tế khác của nhân loại ngày nay cùng với hệ lụy lâu dài của nó ảnh hưởng đến hiện tại và cả thế hệ tương lai. Bởi vì mỗi hành động đều có sức ảnh hưởng đến toàn cầu và mỗi cá nhân trên thực tế cũng chỉ nằm trong mối liên kết mật thiết với mọi sự vật hiện tượng trong đời sống (chứ không hề tồn tại độc lập); thế nên hành động khai thác quá mức các nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường cũng chính là đang tự hủy hoại chính mình. Nguyên lý đồng nhất và hỗ tương của vũ trụ khơi gợi sự lưu tâm nhiều hơn đối với môi trường cũng như tìm ra những phương án hữu hiệu nhất trong việc khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Bởi vì bất kỳ những hành động này đều sẽ có thể nhận lấy những hậu quả bất lợi, xảy đến như một phản lực mà độ lớn của nó tương đương với chính những tác động mà chúng ta gây ảnh hưởng đến môi trường. Ý thức bảo vệ môi trường cùng với năng lực và cân bằng duy trì những giá trị bền vững vốn đã thấm đẫm trong lời Phật dạy như là một hệ quả tất yếu xảy đến trong lối sống tỉnh thức theo tinh thần nhà Phật. Nhà Phật hướng đến một đời sống hòa hợp cùng với những chuyển hóa đạo đức nhằm hướng đến một đời sống hài hòa với môi trường, an vui và ý nghĩa ngay trong kiếp sống này, đồng thời bảo tổn được những vốn quý của thiên nhiên và tài nguyên khoáng sản cho những thế hệ tiếp nối[4]. Những nguyên lý đạo đức thuộc Ngũ Giới (pañcasīla) cũng có liên hệ đến vấn đề bảo vệ môi trường và có thể khẳng định như những phương pháp gìn giữ trọn vẹn những nguồn tài nguyên tự nhiên cho tương lai nhân loại. Ngũ giới được xem là căn bản đạo đức môi trường Phật giáo (Harris, I. 1994; Harvey, P. 2000).
Nhiều thập kỷ trước, trong tác phẩm “Small is Beautiful”, Schumacher đã đưa ra một tiên đoán mà cho đến nay nó ngày càng trở nên chính xác. Đó là sống với thái độ và suy nghĩ luôn muốn lấp đầy ham muốn của chính mình thông qua mục tiêu duy nhất là kiếm tiền hay tạo ra tài sản, hay nói ngắn gọi là chủ nghĩa vật chất; điều này không phù hợp với quy luật đời sống, bởi vì bản thân lối sống này mang trong mình những yếu tố không có giới hạn đáp ứng, trong khi môi trường thiên nhiên nơi lối sống đó đang hiện hữu thì lại hoàn toàn hữu hạn. Đã đến lúc, môi trường lên tiếng báo động với chúng ta rằng những áp lực mà nó đang gánh chịu dần trở nên quá sức chịu đựng (Schumacher, E.F. 1973). Theo Phật giáo, một đức tính nữa cần được gắn liền với đời sống kinh tế của một người, đó là ý thức và khả năng cân bằng trong cách thức tiêu dùng của người đó. Hiện nay, toàn cầu hóa cùng với kinh tế thị trường tự do có xu hướng đẩy mạnh những ham muốn, thu hút người tiêu dùng vào việc mua bán và sở hữu những sản phẩm xa xỉ và chỉ mang tính chất trào lưu. Như phân tích của giáo sư Premasiri thì truyền thông với những phương tiện truyền bá của mình đã đóng vai trò chủ đạo trong việc tiêm nhiễm những giá trị vật chất vào thế hệ trẻ. Và ngày càng trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là đối với tầng lớp thanh thiếu niên và giới trẻ nói chung, để có thể cưỡng lại những cám dỗ và khát khao sở hữu những mặt hàng đang “hot” trên thị trường. Bởi dễ hiểu rằng, việc sở hữu những món đồ thời thượng này sẽ mang đến niềm vui và sự phấn khích lớn đối với chúng. Sự đam mê và ham muốn bất tận rồi sẽ đi đến kết quả là sự thất vọng và chán nản khi chúng nhận ra rằng mình không có đủ điều kiện tài chính để sở hữu những thứ mà chúng ước ao (Premaseri, P. 2011). Liên hệ đến vấn đề này, nhận thức Phật giáo đối với tham muốn và sự bình dị được phân tích ở phần trên được xem như là yếu tố then chốt để giải quyết vấn đề, bởi đây chính là đối trọng tiêu biểu nhất đối với hệ thống kinh tế chính thống. Tâm lý học Phật giáo xác nhận rằng, không hề có đỉnh điểm của sự thỏa mãn ham muốn các khoái lạc giác quan, do đó Phật giáo chủ trương rằng “biết đủ là tài sản (giàu) tối thượng” (santuṭṭhi paramaṃ dhanaṃ)[5]. Phật giáo khuyến khích con người nên bằng lòng với những nhu cầu tối thiểu của mình và tránh tham nhiễm với những đối tượng giác quan xung quanh, điều này có thể đóng góp xây dựng một xã hội an lạc hạnh phúc thông qua việc tránh thực hiện những hành vị tạo ra của cải tài sản cũng như tiêu thụ quá mức vốn xuất phát từ động cơ ham muốn. Bên cạnh đó, như phát biểu của Welford, ý niệm tri túc mang đến cơ hội cho những doanh nhân và kinh tế gia ý thức tập trung vào việc cung cấp những hàng hóa và dịch vụ thiết yếu cho thị trường, đồng thời giảm bớt sản xuất các mặt hàng không thiết yếu; thực hiện được điều này sẽ là hành động cứu lấy môi trường đang trên đà thương tổn và giúp đỡ người nghèo và những mảnh đời cơ cực (Welford, R. 2006).
Nói chung, Phật giáo chủ trương hai loại hình phát triển. Hay nói cách khác, phát triển là một tiến trình mà ở đó cả đạo đức và vật chất đều phải được phát triển song hành như một quy luật bất biến. Mục tiêu an lạc hạnh phúc cho cá nhân, an bình và ổn định xã hội là mục tiêu mà kinh tế nhắm đến. Nhưng trên thực tế, kinh tế hiện nay đang kiệt sức trên con đường hướng đến mục đích nêu trên. Hiện tại, mất cân bằng sinh thái xuất phát từ việc chỉ tập trung tạo ra của cải vật chất mà vắng mặt sự kiểm soát về mặt đạo đức dần trở thành mối hiểm họa lớn hơn bao giờ hết đối với thế giới. Đây là một minh chứng hùng hồn cho những hệ lụy về việc quên lãng tầm quan trọng của đạo đức đối với thước đo phát triển kinh tế. Theo Phật giáo, trong thời gian phấn đấu nhằm đạt được thành tựu phát triển kinh tế bền vững nhằm phục vụ lợi ích toàn xã hội cũng như bảo vệ thiên nhiên và bảo tồn sự đa dạng sinh học, để có thể thoát khỏi những hiểm họa cận kề mà nhân loại đang phải đối diện, thì đạo đức là phương diện không thể vắng mặt trong tiến trình này.

Những phương án gợi ý của Phật giáo đối với phát triển kinh tế bền vững
Như đã đề cập, mục tiêu chính của kinh tế là mang lại hạnh phúc và an lạc cho con người cả trên phương diện cá nhân và xã hội. Kết hợp với định nghĩa về phát triển bền vững được bàn đến bên trên, từ đó suy ra, mục tiêu phát triển kinh tế không chỉ là để đạt được hạnh phúc an lạc mà còn đáp ứng hai yêu cầu cốt lõi của định nghĩa phát triển bền vững. Tương tự như thế, quan điểm kinh tế Phật giáo cho rằng, bất kỳ hoạt động kinh tế nào cũng đều phải là cách thức nhằm giảm thiểu khổ đau và thành tựu an lạc hạnh phúc. Phật giáo cũng chỉ rõ rằng sự đoạn trừ khổ đau và thành tựu hạnh phúc an lạc không thể thực hiện nếu vắng mặt các hoạt động kinh tế liên quan đến của cải vật chất. Trong nhiều bài kinh khác nhau, đức Phật đã đưa ra nhiều lời khuyên và gợi ý khác nhau liên quan đến ba hoạt động quản lý của cải tài sản cơ bản gồm: tạo ra của cải, gìn giữ tài sản và tiêu thụ tài sản. Đồng thời đức Phật cũng dạy thông qua ba hoạt động cơ bản đảm bảo sự sung túc về mặt kinh tế cũng như sự cân bằng các mối liên hệ hỗ tương và phụ thuộc lẫn nhau giữa cá nhân, xã hội và môi trường kể trên, bằng cách nào một người có thể đạt được an lạc hạnh phúc ngay trong đời này. Lời Phật dạy liên hệ với ba vấn đề nêu trên có thể được xem là phương án gợi ý của Phật giáo đối với mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.
  • Tạo ra của cải
Quá trình tạo ra của cải tài sản bao gồm tất cả mọi hoạt động kinh tế của một cá nhân nhằm tạo ra của cải tài sản nuôi sống bản thân. Hay nói cách khác, đây là quá trình lao động sản xuất tạo ra sản phẩm, dịch vụ và thu được lợi tức hay của cải từ đó. Phật giáo chú trọng đến việc tuân thủ đạo đức đối với quá trình sản xuất và thu được cải cải tài sản bằng phương pháp chân chánh. Trong kinh Dīghajānu (AN 8.54) thuộc Tăng Chi Bộ Kinh, đức Phật đề cập đến bốn yếu tố đưa đến hạnh phúc và an lạc trong đời này. Trong số đó, yếu tố đầu tiên là “đầy đủ sự tháo vác” (uṭṭhānasampadā) chú trọng đến cách làm ra của cải. Theo đó, thiện xảo và biết suy tư hiểu phương tiện vừa đủ để tự mình làm việc và điều hành người khác làm việc là những điều kiện đưa đến thành tựu về của cải tài sản. Bài kinh cũng đề cập đến kiên nhẫn là một trong những yếu tố cần thiết để có thể cùng làm việc nhóm, và kiến thức để nhận biết khối lượng công việc tồn đọng; đồng thời đây cũng được hiểu là khả năng tư duy, trình bày, tổ chức và điều hành công việc một cách hệ thống và hiệu quả. Kỹ năng có thể được trau dồi thông qua việc giáo dục, đào tạo và đúc kết kinh nghiệm. Trong kinh Người Buôn Bán (AN 3. 20), đức Phật đề cập đến ba yếu tố đưa đến thành công trong kinh doanh. Đó là: (1) thông hiểu rõ sản phẩm cũng như công việc của mình để có thể đưa ra giá cả và ước tính lợi nhuận thu được một cách hợp lý, (2) có khả năng điều hành công việc kinh doanh, hiểu rõ thị trường mua – bán, có khả năng buôn bán, tiếp thị và hiểu rõ tâm lý khách hàng, và (3) thiết lập xếp hạng tín dụng tốt và tạo được uy tín đối với các nguồn hoặc nhà đầu tư tài chính.
Thêm vào đó, đức Phật nhấn mạnh khi đề cập đến yếu tố “đầy đủ sự tháo vác” rằng, sự thịnh vượng và sung mãn về tài chính phải được thành tựu thông qua nỗ lực, siêng năng và bất hại một cách hợp pháp và đạo đức. Không tổn hại (cá nhân, các loài hữu tình và môi trường sống), trung thực và đạo đức là điều luôn phải tâm niệm trong khi thực hành bất kỳ hình thức kinh doanh nào. Phật giáo cho rằng, không có sản phẩm nào được tạo mà bản chất của nó là sai, thực ra, vấn đề nằm ở ý niệm của người tạo ra nó, theo như Peter Harvey (2013) đề cập rằng “… sự chú trọng tích lũy của cải có khi tự nó ẩn chứa những hệ lụy, tuy nhiên của cải tài sản tự thân nó vốn không mang tội lỗi; điều quan trọng nhất là bằng cách nào nó được tạo ra và rồi sẽ được sử dụng như thế nào” (Bhar, S. 2018). Liên hệ đến vấn đề này, tư duy về khái niệm “tiêu chuẩn tự thân” được đề cập trong kinh Những Người Ở Veludavā (SN 55.7), lấy tự thân làm định chuẩn để quyết định đúng hay sai được xem là giải thích cụ thể liên quan đến phương thức tạo ra của cải tài sản. Ở đây, đức Phật giải thích rằng, làm thế nào một người tự tư duy như sau: như một người kinh sợ cái chết và khao khát được sống; ghét khổ muốn vui; hoảng sợ nếu bị người khác hãm hại; cũng tương tự vậy, chán ghét ghê sợ những bất hạnh tinh thần và khổ đau thể xác. Thấu rõ rằng ai cũng mong muốn tự thân được an ổn và phúc lạc, người ấy sẽ từ bỏ bất kỳ hành vi có hại nào tác động đến người khác mà tự thân cũng không muốn mình bị tác động ảnh hưởng bởi hành vi như vậy. Dựa trên “tiêu chuẩn tự thân”, một người sẽ tìm ra phương kế làm giàu mà không tham gia các bất kỳ nghề nghiệp xấu xa nào gây tổn hại trực tiếp hoặc gián tiếp cho người khác.
Bên cạnh việc làm thế nào để tạo ra của cải tài sản chân chánh, ở phương diện sản xuất, Phật giáo đề xuất ba gợi ý hỗ trợ cho việc quyết định những gì nên được áp dụng trong bối cảnh hiện tại dựa trên nhận thức sâu sắc về sự liên đới chặt chẽ giữa chúng ta và các thế hệ tương lai, trái đất và hệ sinh thái. Đó là: (1) sử dụng các nguồn tài nguyên cũng như tiết kiệm năng lượng một cách hữu hiệu nhất, (2) bằng tất cả khả năng, cố gắng giảm thiểu chất thải xuống mức thấp nhất, (3) tập trung trước nhất cho việc cung cấp các nhu yếu phẩm thiết yếu đến mọi người dân trong xã hội. Ba gợi ý nêu trên, như được phân tích bởi Priyanut, hạng mức chi phí tối thiểu có thể để tạo ra số lượng cần thiết cho đời sống cơ bản của con người trong xã hội, tùy thuộc vào sự hấp thụ chất thải cũng như khả năng tái tạo của các nguồn tài nguyên trong sinh quyển. Đó là khả năng lựa chọn những phương pháp hoặc công nghệ sản xuất tiêu tốn chi phí thấp nhất trong tất cả những sự lựa chọn; việc sản xuất hàng hóa nên được vận hành với số lượng thành phần đầu vào thấp nhất trong số tất cả các lựa chọn khả thi. Xã hội nên tập trung nhắm đến việc sản xuất những sản phẩm cần thiết để đáp ứng nhu cầu cơ bản của người dân – hay còn được gọi là mức độ cần thiết cơ bản (Priyanut, P. 1997).
  • Cất giữ và bảo vệ tài sản
Sau khi nỗ lực, siêng năng, cần mẫn tạo ra của cải, việc tiếp theo là làm thế nào một người bảo vệ của cải mà mình kiếm được để có thể duy trì và và kéo dài niềm vui cũng như những lời ích mà của cải tài sản mang lại. Phật giáo quan niệm rằng, các pháp (mọi sự vật hiện tượng) đều vô thường, do đó sống trong đời sống được cấu thành bởi những yếu tố điều kiện liên tục thay đổi, có nhiều lý do để chuẩn bị cho những hoàn cảnh bất ngờ không thể lường trước. Cũng đề cập đến trong kinh Dīghajānu (AN 8.54), đức Phật liệt kê những yếu tố ngoại tại có thể ảnh hưởng đến tài sản cá nhân. Đó là: thiên tai, lửa cháy, trộm cướp, những người thừa tự không khả ý sẽ tổn hại tài sản, tịch biên và cưỡng đoạt phi pháp bởi nhà nước. Kế đến, trong Kinh Không Con (SN 3.19) đức Phật nhấn mạnh rằng sử dụng tài sản một cách hợp lý cũng được xem là một phương pháp bảo vệ, gìn giữ tài sản[6].
Kinh Lợi Ích Cho Gia Đình (AN 4.258) cũng chỉ ra bốn phương pháp gìn giữ tài sản thông qua việc không thực hành những lối sống không phù hợp đưa đến tiêu tán tài sản như sau: (1) tìm lại những gì đã mất, (2) sửa lại những cái đã hư cũ, (3) ăn và uống có tiết độ, (4) đặt nữ nhân và nam nhân có đạo đức ở vị trí tối thắng. Bốn điều này có ý nghĩa nền tảng đối với cá nhân, gia đình, xã hội và quốc gia trong việc duy trì sự ổn định về mặt kinh tế. Trên thực tế, bốn phương pháp này phù hợp với quản lý và gìn giữ tài sản một cách ổn định, bền vững. Đặc biệt, hai phương pháp đầu khuyên chúng ta nên có trách nhiệm gìn giữ và bảo tồn độ khả dụng của thiên nhiên cũng như các nguồn tài nguyên về cả số lượng và chất lượng với sự kiểm soát bằng công nghệ và kiến thức khoa học, để có thể bảo vệ thiên nhiên và các nguồn tài nguyên không rơi vào tình trạng cạn kiệt và biến mất. Thực tế mà nói, cần nghiên cứu tìm tòi ra những phương pháp tái tạo những nguồn tài nguyên có thể tái tạo mà chúng ta đã sử dụng; đồng thời, đối với những nguồn tài nguyên không thể tái tạo cần khám phá những mỏ, quặng mới và khai thác cũng như sử dụng chúng một cách hợp lý. Cố gắng tìm ra những nguồn tài nguyên đã cạn kiệt, tái chế những sản phẩm đã qua sử dụng cũng như sửa sang, bảo trì những sản phẩm đang sử dụng để kéo dài tuổi thọ của nó. Nói tóm lại, sử dụng tất cả những công cụ và phương thức có thể để gìn giữ của cải tài sản một cách hợp lý để có thể sử dụng chúng lâu dài. Phương pháp thứ ba định hình ý thức sử dụng tài sản một cách ổn định, bền vững dựa trên tính chất cần thiết mà không phải vì lòng tham. Phương pháp cuối cùng thực sự rất quan trọng, bởi nó liên hệ đến việc giao tài sản đúng người để chịu trách nhiệm cho việc chi dùng tài sản đó. Có một điểm thú vị ở đây đó là vai trò của người phụ nữ trong việc cất giữ và bảo vệ tài sản cũng được Phật giáo nhấn mạnh[7]. Ở các nước phương Đông, lời dạy này vô cùng quan trọng đối với kinh tế gia đình bởi người vợ  thường là người cất giữ và quản lý tài sản, trong khi người chồng là trụ cột tạo ra kinh tế cho cả gia đình. Nếu người vợ không khéo léo trong việc cất giữ và quản lý tài sản, thì tải sản sẽ dễ dàng mất mát bởi không được sử dụng đúng cách, thiếu hợp lý và phung phí, v.v... Hơn nữa, gìn giữ và bảo vệ tài sản là một trong ba khía cạnh quản lý tài sản được đức Phật nhấn mạnh trong Kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt (DN 31): “Tài sản cần chia bốn/ Một phần mình an hưởng,/ Hai phần dành công việc,/ Phần tư, phần để dành,/ Phòng khó khăn hoạn nạn. Đây là những nguyên lý vẫn còn được áp dụng trong việc quản lý tài sản cho tới ngày nay. Ở đây, phần tài sản cuối cùng cần được chú ý lưu tâm. Trên thực tế, có rất nhiều khả năng xảy đến những rủi ro, thua lỗ, phá sản, v.v… trong công việc làm ăn, kinh tế. Thế nên, một phần tài sản được gìn giữ phòng khi bất trắc cần sử dụng đến là điều quan trọng. Trong một vài trường hợp, nó có thể được sử dụng như là vốn dùng để tái đầu tư. Ví dụ một người bất thình lình gặp tai nạn hay bệnh đau, không có tiền hoặc của cải sẵn dành, sẽ vô cùng khó khăn cho người đó để có thể chữa trị bệnh tình hay vượt qua khó khăn đang phải đối diện.
Theo Phật giáo, các yếu tố điều kiện liên quan trực tiếp đến việc gìn giữ và bảo vệ tài sản là công lý. Hơn nữa, các hoạt động kinh tế liên quan đến phát triển kinh tế bền vững được nối kết trực tiếp với khung sườn của hệ thống công lý xã hội. Bởi vì công lý có tính chất quyết định không chỉ với việc gìn giữ bảo vệ tài sản mà còn vun đắp cho nền tảng chính trực và công bằng xã hội, yếu tố then chốt trong việc hoạch định và phân bổ các nguồn tài nguyên trong xã hội. Mục tiêu chính của công lý trong kinh tế Phật giáo là kiểm soát, giảm thiểu và ngăn ngừa tội ác, phạm pháp và bất kỳ hiểm họa nào xuất hiện và gia tăng bởi động cơ lòng tham có mặt trong bất cứ hoạt động kinh tế nào. Liên quan đến vấn đề này, trong Kinh Khởi Thế Nhân Bổn (DN 27), đức Phật chỉ ra một trong những nguyên nhân dẫn đến bất ổn xã hội, vốn là vấn đề nan giải ngay cả đến ngày nay; đó là khi bị dẫn dắt bởi lòng tham, chúng sanh tư hữu hóa tài sản công cũng như tích trữ và chiếm hữu một cách tiêu cực, trái đạo đức, bất hợp pháp, tài sản cá nhân. Hậu quả là nghèo đói, tội phạm, bất ổn xã hội cũng như mất cân bằng phân phối tài nguyên xảy ra. Chịu trách nhiệm trước và trên hết đối với những vấn nạn xã hội này đó là nhà nước. Thế nên, ngoài việc ban hành các chính sách phù hợp để xóa đói giảm nghèo cũng như phát triển công nghiệp, nông nghiệp và thương mại để tăng trưởng kinh tế quốc gia; Phật giáo còn quan niệm rằng, nhà nước phải có nhiệm vụ gìn giữ và duy trì sự ổn định, trật tự xã hội bằng những biện pháp bảo đảm an ninh xã hội, cũng như không cho phép những hành vi sai trái, phạm tội lan tràn trong xã hội. Vai trò và chức năng của nhà nước phải được đặt trên căn bản công lý.
  • Sử dụng tài sản
Tiêu dùng là hoạt động quản lý tài sản cuối cùng sau khi tạo ra của cải tài sản đúng pháp và cất giữ bảo vệ chúng một cách hợp lý. Hình mẫu về việc sử dụng tài sản do đức Phật truyền đạt cho thanh niên Thi-ca-la-việt (Sigāla) trong Kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt (DN 31) được đề cập ở trên dường như phù hợp với mỗi cá nhân, gia đình, xã hội và quốc gia bất kể thời gian và không gian địa lý. Có ba khía cạnh của việc sử dụng tài sản được nhấn mạnh, gồm: tiêu dùng, đầu tư, và gìn giữ. Đặc biệt, chỉ một phần tư tài sản thu nhập được sử dụng để tiêu dùng, trong khi hai phần tư còn lại được dùng để tái đầu tư và phần cuối cùng, như được đề cập ở trên, được để dành phòng khi bất trắc. Ở đây, theo quan điểm Phật giáo, một người có toàn quyền tận hưởng cuộc sống hoặc làm cho cuộc sống trở nên sung túc và thoải mái hơn nhờ vào sự thịnh vượng về tài sản, thông qua cần cù lao động, phát huy được lợi ích của tài sản, được định hướng để làm những việc phước thiện nhằm giúp đỡ tự thân, cũng như gia đình, bè bạn, họ hàng thân quyến, xã hội và chúng sanh (Harvey, P. 2013). Mặt khác, người đó cũng có thể sử dụng tài sản cá nhân của mình để tái đầu tư trong một hạn mức tài chính nhất định, nhằm tạo thêm nhiều của cải tài sản mới[8]. Việc tiêu dùng của cải tài sản phù hợp với lời Phật dạy được gọi là “sống thăng bằng điều hòa” (samajīvita) được nhấn mạnh trong kinh Dīghajānu (AN 8.54) là sự thiện xảo trong việc sử dụng tài sản. Theo đó, ý thức về thu nhập và chi tiêu được chỉ rõ là điều kiện tiên quyết dẫn đến một đời sống cân bằng. Một người tiêu dùng lý tưởng là người không quá phung phí và cũng không quá keo kiệt. Phật giáo khuyến nghị rằng, chi tiêu và đầu tư của một người phải ít hơn hoặc ngang bằng với thu nhập trong một khoảng thời gian cụ thể nhất định. Tiêu dùng theo triết lý kinh tế Phật giáo cũng góp phần xây dựng một thái độ đạo đức đối với việc sở hữu tài sản, đó là sự bằng lòng với tài sản mà mình đã dốc hết sức lao động để có được và cất giữ, bảo vệ nó một cách hợp pháp. Người sử dụng và tận hưởng tài sản – thành quả lao động của mình theo cách này sẽ có một đời sống tràn đầy năng lượng và cân bằng, không phung phí thừa thãi cũng không nghèo đói túng thiếu.
Bên cạnh đó, đời sống thăng bằng điều hòa cũng bao hàm thái độ rộng lượng hào phóng đối với mọi người trong xã hội. Theo Phật giáo, sự rộng lượng hào phóng nên được nhận thức và thực hiện bằng những hành động có chủ ý nhằm giảm bớt khổ đau của chúng sinh, xuất phát từ lòng trắc ẩn cũng như hiểu rõ mối tương quan tương duyên, phụ thuộc lẫn nhau của vạn vật. Liên quan đến điểm này, bố thí ba-la-mật được xem là một trong những phương pháp thích hợp bởi bản chất từ bi và giàu lòng vị tha thấm động trong hành động chia sẻ của nó. Theo quan niệm Phật giáo, ở mức độ cá nhân, hành động bố thí xuất phát từ lòng vị tha sẽ tạo nên phước nghiệp cho chính mình, biểu hiện của phước lành ấy có thể được cảm nhận thông qua niềm vui khi thực hiện hành động bố thì và thành tựu về tài sản trong tương lai. Thọ quả phước từ việc bố thí một cách tự nhiên, không mong cầu sẽ tạo nên nguồn động lực thúc đẩy người đó bố thí nhiều hơn nữa, và cuối cùng dẫn đến một thái độ xả ly, không dính mắc với của cải vật chất, vốn là một trong những nguyên nhân đưa đến khổ đau. Ở mức độ xã hội, dựa trên giáo lý Nghiệp, Phật giáo cho rằng những yếu tố và tác nhân ngoại tại trong xã hội được hình thành theo cách mà chúng ta suy nghĩ, hành động và sống. Do đó, càng tiếp xúc với người giàu lòng độ lượng, vị tha, chúng ta càng có khả năng ảnh hưởng và hình thành những biểu hiện, hành động cũng như lối sống độ lượng vị tha trong cuộc sống; điều này sẽ càng thúc đẩy lòng vị tha, sự độ lượng hiện hữu trong xã hội gia tăng ngày càng nhiều. Lối sống  này sẽ tác động tích cực đối với cá nhân và thiết lập nền móng cho một xã hội ổn định bền vững hơn.
Giáo sư Peter Harvey phát biểu rằng, ngay cả khi của cải tài sản được tạo ra bằng phương pháp thiện lành, đồng thời được sử dụng phục vụ lợi ích tự thân và tha nhân, nó vẫn có thể trở nên trái đạo đức nếu người đó tiếp cận tài sản nhằm thỏa mãn ham muốn hoặc khao khát của mình trong quá trình gắn bó với của cải tài sản đó (Harvey, P. 2013). Mặc dù công nhận sự cần thiết của hoạt động tiêu thụ hay đúng hơn là tiêu thụ cơ bản, Phật giáo lên án mạnh mẽ thói cuồng tham mất kiểm soát trong khi tiêu thụ nhằm thỏa mãn vô vàn những ham muốn vô độ của chúng sinh. Theo đó, đức Phật chỉ rõ rằng đây chính là nền tảng cho sự xuất xuất hiện của trào lưu tiêu thụ hay chủ nghĩ tiêu thụ vào thời điểm hiện tại. Theo quan điểm Phật giáo, thông qua hệ thống tuyên truyền nhằm khắc sâu những giá trị vật chất cũng như tác động vào lòng tham cố hữu (tānha) của người tiêu dùng với sự trợ giúp của truyền thông xã hội, chủ nghĩa tiêu thụ đã tạo nên những giá trị sai lệch, đánh lừa người tiêu dùng trong việc xác định họ cần gì và muốn gì. Xuất phát từ thực tế này, chủ nghĩa tiêu thụ nuôi lớn tính vị kỷ cá nhân vốn chỉ luôn tập trung thỏa mãn lợi ích cá nhân mà không màn đến việc gây nên những tổn hại cho người khác cũng như môi trường sống xung quanh. Thực tế này chỉ ra tại sao chủ nghĩ tiêu thụ được xem là hoạt động có hại mà sự ảnh hưởng của nó đối với một cá nhân, các chúng sinh khác cũng như môi trường không hề khác biệt. Hơn nữa, ở phương diện đạo đức, chủ nghĩa tiêu thụ làm tăng trưởng sự dích mắc, ràng buộc, chấp thủ và sao lãng con đường tâm linh chân chánh hay tiến trình phát triển đạo đức. Phân tích tâm lý học về lòng tham được đề cập ở phần đầu bên tạo tiền đề cho việc suy gẫm lại xu hướng tiêu dùng hiện nay. Trí tuệ Phật giáo thể hiện qua sự nhận thức về hai loại ham muốn: chandatānha, có thể đưa đến khả năng tự ý thức để có thể dẹp tan mọi suy nghĩ mơ hồ giữa cái gì thật sự lợi ích và điều gì nguy hại trong việc tiêu dùng cũng như phân biệt được loại hàng hóa và dịch vụ nào được tiêu thụ nhằm đáp ứng những mong cầu chân chánh về hạnh phúc và an lạc hay chỉ để thỏa mãn đam mê khoái lạc giác quan hay ham muốn cá nhân. Dựa trên nhận thức về hai loại ham muốn chanda tānha, tiêu thụ đúng và sai, tiêu thụ có hại và vô hại, kinh tế Phật giáo đã gợi ý về một ứng dụng hết sức thực tế, xuất phát từ truyền thống tu tập của đạo Phật, đó là chánh niệm; mà liên hệ với vấn đề đang bàn có thể gọi bằng một cái tên cụ thể hơn là “tiêu thụ chánh niệm”. Nhiều bằng chứng được tìm thấy xuyên suốt lịch sử thực tập thiền định Phật giáo và những nghiên cứu mới đây cho thấy rằng chánh niệm là tăng khả năng thể hiện các hành vi đạo đức, duy trì những chuẩn mực đạo đức này cũng như hỗ trợ sự chú tâm, tư duy thấu đáo soi sáng để đưa ra mọi quyết định dựa trên căn bản đạo đức (Ruedy và Schweitzer, 2010). Thực vậy, đối với triết học Phật giáo, bất cứ hành vi đạo đức nào của một người đều phải dựa trên nền tảng “chánh niệm” (samma sati) trên chính hành vi ấy của vị đó. Chánh niệm có thể được định nghĩa một cách ngắn gọn là sự ý thức sáng suốt về những suy nghĩa đang diễn ra trong đầu mình. Nếu nguyên lý này được triển khai, áp dụng trong giới chủ nghĩa tiêu thụ ngày nay, mỗi người cần phải ý thức rõ ràng từng suy nghĩ của mình. Dựa trên ý thức này, người tiêu dùng có thể kiểm soát những suy nghĩ làm dấy khởi ham muốn tìm mua những món hàng hóa, sản phẩm mới lạ hay thói quen nghiện mua sắm, shopping. Thông qua tiêu thụ chánh niệm, người tiêu dùng có thể nhận ra những tác động mà việc tiêu thụ gây nên cũng như nhận thức rõ ràng về sự vô ích của những ham muốn, đam mê, chứng nghiện mua sắm, tiêu dùng.
Có thể thấy rõ ràng rằng cách tiếp cận Phật giáo không chỉ chú ý nhiều đến động cơ đúng sai về mặt đạo đức đằng sau tâm lý và thái độ tiêu dùng, nhấn mạnh trách nhiệm của người tiêu dùng; mà còn áp dụng phương pháp chánh niệm nhằm kiểm soát hoạt động tiêu dùng để đảm bảo rằng hoạt động tiêu dùng đó là chính đáng, không mang lại hậu quả xấu cũng như gây tổn hại dù là người hay vật trong suốt quá trình tiêu thụ. Do đó, tiêu thụ chánh niệm sẽ giúp cho ta đi theo con đường phát triển tâm linh và đạo đức để đảm bảo phát triển bền vững, an lạc và hạnh phúc cho cá nhân, xã hội, môi trường và thế giới tự nhiên, đảm bảo các nguồn tài nguyên thiên nhiên và tính khả dụng của mội trường cho các thế hệ mai sau.

Kết luận
Phương pháp tiếp cận Phật giáo đối với lòng tham của con người, yếu tố tâm lý chính yếu của mọi hoạt động kinh tế nói chung và hoạt động tiêu thụ nói riêng, là điểm độc đáo của triết lý kinh tế Phật giáo, phân biệt nó với kinh tế chính thống. Dựa trên phân tích tâm lý của hai loại tham muốn: chandatānha, kinh tế Phật giáo xác quyết rằng tiêu dùng phải là hoạt động kinh tế nhằm đáp ứng những mong cầu về an lạc và hạnh phúc (chanda); chứ không phải thỏa mãn những vui thú giác quan hay niềm vui vị kỷ (tānha). Thực tế này đưa ra một mô hình giúp quản lý xã hội tiêu dùng cũng như mở đường cho việc tìm kiếm những giải pháp thích hợp nhằm giảm bớt và ngăn chặn những tác động cũng như hậu quả tiêu cực của chủ nghĩa tiêu thụ ngày nay như khai thác cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên, phá hủy môi trường nghiêm trọng, mất cân bằng xã hội cũng như đe dọa sự sống ổn định, bền vững của các thế hệ tương lai, v.v…
Phật giáo nhận thức rằng mục tiêu phát triển bền vững không thể thành tựu nếu vắng mặt sự phát triển về kinh tế. Ngày nay, những thành tựu khoa học, kỹ thuật của nền kinh tế hiện đại đã cách mạng hóa những điều kiện vật chất của lối sống hiện đại; tuy nhiên, chỉ chú trọng đến việc đạt được thành tựu về vật chất mà quên lãng khía cạnh đạo đức đã làm cho nền kinh tế hiện tại thất bại trước những thách thức về một sự phát triển đảm bảo tính bền vững, cũng như đang phải đối diện với nhiều vấn đề liên quan đến chính bản thân sự phát triển kinh tế, cũng như môi trường, xã hội và cả sự an ổn của những thế hệ mai sau. Song song với phát triển vật chất, định hướng phát triển đạo đức luân lý cũng thấm đẫm trong triết lý kinh tế Phật giáo. Đây là một sự bổ sung thiết yếu cho hệ thống kinh tế hiện tại vốn được coi là chưa đầy  đủ và bất cập. Đối với Phật giáo, “phát triển”[9] là tiến trình mà cả vật chất cũng như đạo đức đều phải được bao gồm trong đó nhưng một quy luật. Bình luận về vấn đề này, Giáo sư Peter L. Daniels cho rằng mục tiêu thực sự của kinh tế phải phù hợp với hệ thống tôn giáo và đạo đức, định hướng lối sống và phương kế sinh nhai, đạo đức trên nhiều phương diện như hành vi cùng những thứ liên hệ đến nó, những phương tiện, biện pháp, lý tưởng khát vọng và mục tiêu phấn đấu của con người. Với ý nghĩa này, có một cơ sở chính đáng để phát triển những nối kết chặt chẽ giữa Phật giáo và các nghiên cứu thuộc lĩnh vực kinh tế (Peter L. D, 2013).
Chú trọng đến tính tuân thủ pháp luật, đạo đức, vô hại và không bạo lực của quá trình tạo ra của cải, gìn giữ và bảo vệ cũng như tiêu dùng của cải tài sản, lời Phật dạy về quản lý tài sản đã cung cấp một mô hình kinh tế gợi ý, có thể tham khảo dựa trên ý tưởng hướng đến nền kinh tế phát triển và thịnh vượng trong một xã hội bền vững và vắng bóng khổ đau. Thêm vào đó, như lời nhấn mạnh của Tiến sĩ Kovács, không chỉ bởi vì giúp phục hồi sự mất cân bằng của cấu trúc phân phối xã hội, mà lời triết lý kinh tế Phật giáo còn giúp ổn định những hiệu ứng xã hội và quan trọng hơn là nó có thể khôi phục niềm tin giữa các tác nhân kinh tế (Kovács, G. 2011). Do đó, có thể thấy rõ rằng, trong triết lý Phật giáo một hành động trong lĩnh vực kinh tế được quyết định là đúng hay sai về mặt đạo đức, không phải dựa trên sự đánh giá trực tiếp tài sản (thành quả của hoạt động kinh tế) hay đối tượng của hoạt động kinh tế, mà đúng hơn là bởi đánh giá quá trình sản xuất, sử dụng sản phẩm cũng như động cơ phía sau việc tiêu thụ sản phẩm đó. Nói cách khác, thay vì chú tâm đến tài sản hoặc phương thức sản xuất, để xác định phẩm chất đạo đức của nó, Phật giáo nhấn mạnh sự thiết yếu của việc thấu hiểu mối liên hệ giữa tác nhân kinh tế và tài sản mà họ tạo ra bằng cách suy gẫm về quá trình tài sản được tạo ra, được cất giữ, tích lũy và được chi tiêu, tiêu dùng.

 
(*) Tất cả những trích dẫn từ nguồn Kinh tạng trong nguyên tác, khi chuyển ngữ, người dịch đều sử dụng bản Việt dịch của cố HT. Thích Minh Châu.
Những từ viết tắt
AN                  Tăng Chi Bộ Kinh
DN                   Trường Bộ Kinh
Dhp                 Pháp Cú Kinh
SN                   Tương Ưng Bộ Kinh

 
Tài liệu tham khảo

Schumacher, E.F. (1973), Small is Beautiful, truy cập tại: https://www.ee.iitb.ac.in/student/~pdarshan/SmallIsBeautifulSchumacher.pdf (truy cập 01/12/2018).

Payutto, P.A. (1998), Buddhist Economics: A Middle Way for the Market Place, Bangkok: Buddha Dhamma Foundation, tr. 35.
Abeynayake, O. (2016), The Social and Economic Dimensions of Early Buddhism, Hong Kong: The Buddha – Dharma Center of Hong Kong, tr. 71-76; 95-100.
Grof, S. (1998), The Cosmic Game. Explorations of the Frontiers of Human Consciousness, New York: State University of New York Press, tr. 207.
Harvey, P. (2000), An Introduction to Buddhist Ethics, Cambridge: Cambridge University Press.
Harvey, P. (2013), An Introduction to Buddhism: Teachings, History and Practices, 2nd ed. Cambridge: Cambridge University Press, tr. 52; 267-268.
Harvey, P. (2013), “Buddhist reflections on “Consumer” and “Consumerism”, Journal of Buddhist Ethics, Vol. 20, tr. 334–356.
Welford, R. (2006), “Tackling Greed and Achieving Sustainable Development.”
In: Zsolnai, Laszlo and Knut Johannessen Ims, ed., Business within Limits. Deep Ecology and Buddhist economics, 1st ed. Bern: Peter Lang Academic Publisher, tr. 44.

Welford, R. (2013), Corporate Environmental Management 3: Towards Sustainable Development, New York: Earthscan, tr. 127-147.
Zsolnai, L. (2011), “Why Buddhist economics”. In: L. Zsolnai, ed., Ethical Principles and Economic Transformation – A Buddhist Approach, 1st ed. Dordrecht: Springer Press, tr. 4-5.

Stavrakakis, Y. (2006), “Objects of Consumption, Causes of Desire: Consumerism and Advertising in Societies of Commanded Enjoyment”, Journal of Theory and Criticism, Vol.14 No.6, tr. 83-105.

Kittiprapas, S. (2015), “Buddhist Approach and Happiness for Sustainable Development”, The Journal of International Buddhist Studies College (JIBSC), Vol.1 No.1, tr. 107-145.

Mutakalin, G. (2014), “Buddhist Economics: A Model for Managing Consumer society”, Journal of Management Development, Vol. 33 Issue: 8/9, tr.824-832, DOI: 10.1108/JMD-09-2013-0116.

Peter L. D, (2003), “Buddhist Economics and the Environment: Material Flow Analysis and the Moderation of Society's Metabolism”, International Journal of Social Economics, Vol. 30 Issue: 1/2, tr.8-33, https://doi.org/10.1108/03068290310453592

Brown, C. (2015), “Buddhist economics: An Enlightened Approach to the Dismal Science”, Challenge, Vol.58 No.1, tr. 23-28, DOI: 10.1080/01603477.2015.990826.

Brown, C. (2017), What Makes People Happy?, truy cập tại: https://www.psychologytoday.com/intl/blog/buddhist-economics/201706/what-makes-people-happy (truy cập 12/12/2018).

Kovács, G. (2011), “The Buddhist Solution for the Deficiencies of Corporate Social Responsibility (CSR)”, In: UNDV Conference Proceeding on Buddhist Virtues
in Socio-Economic Development
, organized by UNDV, Thailand: Mahachulalongkornrajavidyalaya University, tr. 87-99.

Kovács, G. (2014), Buddhist Approach to Sustainability and Achieving Millennium Development Goals, truy cập tại: https://www.researchgate.net/publication/322723238_Buddhist_Approach_to_Sustainability_and_Achieving_Millennium_Development_Goals (truy cập 27/12/2018).
United Nations (1987), Report of the World Commission on Environment and Development: Our Common Future 1987, truy cập tại: http://www.un-documents.net/our-common-future.pdf (truy cập 27/12/2018).
Harris, I. (1994), “Causation and Telos: The Problem of Buddhist Environmental Ethics”, Journal of Buddhist Ethics, Vol. 1, tr. 45-56.
Premasiri, P. (2011), “Role of Ethics in Socio-Economic Development: A Buddhist Perspective”, In: UNDV Conference proceeding on Buddhist Virtues
in Socio-Economic Development
, organized by UNDV, Thailand: Mahachulalongkornrajavidyalaya University, tr. 131-136.

Bhar, S. (2018), “Consuming with Mindfulness: Import of Buddhist Philosophy for an Ethic toward Consumerism’, Pertanika Journal of Social Science & Humanities, Vol. 26 (3), tr. 1563-1578.
Priyanut, P. (1997), Ph.D. Thesis – An Outline of Buddhist Economic Theory and System, truy cập tại: http://www.summit.sfu.ca/system/files/iritems1/7461/b18902819.pdf (truy cập 12/12/2018).
Ruedy, M. and Schweitzer, M. (2010), “In the Moment: the Effect of Mindfulness on Ethical Decision Making”, Journal of Business Ethics, Vol. 95 No. 1, tr. 73-87.

 

[1] Báo cáo Brundtland (còn gọi là Báo cáo Our Common Future).
[2] Trong Phật giáo, có nhiều cấp độ hạnh phúc khác nhau đối với quá trình phát triển của con người mà ở đó mỗi cá nhân có thể được đào luyện để đạt được những hạnh phúc cao thượng và thù thắng hơn. Do đó, không nên xem hạnh phúc là thực thể tĩnh mà phải nhìn nhận đúng đắn rằng đây là mà tiến trình sinh động xảy ra trong quá trình phát triển con người. Tiến trình phát triển hạnh phúc từ cấp độ cơ bản lên đến những cấp độ cao hơn có thể được xem là một quá trình giảm thiểu dần những khổ đau cho đến khi khổ đau hoàn toàn vắng mặt và đồng thời đạt được hạnh phúc và an lạc tối thượng, điều được gọi là an lạc hay hạnh phúc Niết-bàn (nibbānasukha).
[3] Báo cáo Brundtland (hay còn gọi là Báo cáo của Ủy ban Môi trường và Phát triển Thế giới).
[4] Theo Kinh Khởi Thế Nhân Bổn (DN 27), sự suy đồi những phẩm chất  đạo đức được cho là có những tác động nguy hại đến trật tự tự nhiên và thậm chí ảnh hưởng đến quy trình vận hành của mặt trời, mặt trăng và các tinh tú, quy luật thời tiết, khí hậu và nắng mưa. Những lưu tâm của đức Phật với vấn đề môi trường, cây cối, vườn rừng được nêu rõ trong Kinh Trồng Rừng (SN 1.47); bài kinh này khởi đầu bằng những lời tán thán hành động chăm sóc vườn tược, gieo trồng cây rừng. Theo Luật Tạng, các vị Tỳ-kheo bị nghiêm cấm đốn phá cây cối vì cây cối cũng được xem là những chúng sinh hữu tình. Trong Kinh Chuyển Luân Thánh Vương Sư Tử Hống (DN 26), đức Phật chủ trương rằng các chính sách cộng đồng cần kèm theo những quy định bảo vệ môi trường. Kinh Kūṭadanta (DN 5) cho rằng những kế hoạch quốc gia cần phải có những điều khoản về bảo vệ cây cối cũng như các loài động vật. Môi trường sống hay trú xứ thích hợp được xem là một trong bốn yếu tố đưa đến sự lớn mạnh và tăng thịnh tài sản được nhắc đến trong bài kinh Bánh Xe (AN 4. 31).
[5] Pháp cú 204.
[6] Khi các tài sản của một người được thọ dụng chơn chánh, thời vua chúa không cướp đoạt, hay trộm cắp không cướp đoạt, hay không bị lửa đốt, hay không bị nước cuốn trôi, hay không bị con cháu thừa tự thù nghịch cướp đoạt. Sự việc là như vậy, thưa Ðại vương, các tài sản nếu thọ dụng chơn chánh, sẽ đưa đến thọ hưởng, không đưa đến tổn giảm.” (Tương Ưng Bộ Kinh, Chương 3: Tương Ưng Kosala, Phẩm thứ 2, Kinh Không Con).
[7] Theo Kinh Ở Đời Này 1 (AN 8.49) đức Phật dạy rằng: “Ở đây, tiền bạc, lúa gạo, bạc và vàng người chồng đem về, nữ nhân ấy bảo vệ, phòng hộ chúng, giữ gìn để khỏi bọn ăn trộm, ăn cắp, kẻ uống rượu, kẻ phá hoại. Như vậy, là nữ nhân biết giữ gìn tài sản thâu hoạch được.”
[8] Trong Kinh Trở Thành Giàu (AN 5. 41) thuộc Tăng Chi Bộ Kinh, đức Phật đề cập rằng, ngân sách gia đình nên được chia làm năm phần, gồm: (1) tự làm mình an lạc, hoan hỷ và chơn chánh duy trì sự an lạc; làm cho mẹ cha an lạc, hoan hỷ và chơn chánh duy trì sự an lạc; làm cho vợ con, người phục vụ, các người làm công được an lạc, hoan hỷ và chơn chánh duy trì sự an lạc, (2) làm cho bạn bè thân hữu an lạc, hoan hỷ và chơn chánh duy trì sự an lạc, (3) các tai họa từ lửa, từ nước, từ vua, từ ăn trộm, từ kẻ thù hay từ các người thừa tự được chặn đứng, và vị ấy giữ tài sản được an toàn cho vị ấy, (4) thực hiện năm loại hiến cúng, gồm: hiến cúng cho bà con, hiến cúng cho khách, hiến cúng cho hương linh đã chết (peta), hiến cúng cho vua, hiến cúng cho chư Thiên, (5) tổ chức sự cúng dường tối thượng đối với các Sa-môn, Bà-la-môn nào ly kiêu mạn, ly phóng dật, an trú nhẫn nhục, nhu hòa, nhiếp phục tự mình, an tịnh tự mình, làm lắng dịu tự mình nhằm đưa đến cảnh giới chư Thiên, được quả dị thục, đưa đến cõi Trời. Ngài không nói rằng mỗi phần nên chiếm tỷ lệ 20% tài sản kiếm được mà Ngài dạy rằng nên lưu tâm để dự thảo ngân sách chi dùng cho những mục đích sử dụng tài sản nêu trên.
[9] Bất kỳ sự phát triển nào.
TK. Giác Minh Tường
Thạc sỹ Phật học,
Viện đào tạo sau Đại học chuyên ngành Pāli & Phật học – Đại học Kelaniya, Sri Lanka
Chuyển ngữ: TK. Giác Minh Tường

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm