Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Trách nhiệm phổ quát

Điều căn bản và phổ quát là mọi người đều muốn có một cuộc sống thành công và hạnh phúc. Đây không chỉ là mục đích của chúng ta, mà còn là quyền hợp pháp của tất cả mọi người. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để có được cuộc sống hạnh phúc ấy. Dường như, trong thời đại hiện nay, khi công nghệ phát triển khiến những tiện nghi vật chất dễ dàng có sẵn, chúng ta có quan niệm rằng điều kiện vật chất là yếu tố tối hậu trong việc thỏa mãn những ước muốn của mình và giúp thành tựu mọi mục đích của chúng ta.
Mục lục


Điều căn bản và phổ quát là mọi người đều muốn có một cuộc sống thành công và hạnh phúc. Đây không chỉ là mục đích của chúng ta, mà còn là quyền hợp pháp của tất cả mọi người. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để có được cuộc sống hạnh phúc ấy. Dường như, trong thời đại hiện nay, khi công nghệ phát triển khiến những tiện nghi vật chất dễ dàng có sẵn, chúng ta có quan niệm rằng điều kiện vật chất là yếu tố tối hậu trong việc thỏa mãn những ước muốn của mình và giúp thành tựu mọi mục đích của chúng ta. Từ đó, chúng ta trông đợi quá nhiều vào của cải vật chất và đặt vào chúng quá nhiều tin tưởng. Niềm tin vào vật chất quá mạnh mẽ ấy của chúng ta mang lại cho chúng ta niềm hy vọng sai lạc, ở chỗ niềm tin ấy thực sự thiếu một nền tảng vững chắc. Kết quả là chúng ta lơ là những giá trị nội tại và trạng thái tâm thức của con người.

Bằng việc trông cậy quá nhiều vào sự vật ngoại giới để mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của con người, chúng ta ngày càng rời xa những giá trị nhân bản nền tảng. Dĩ nhiên, sự phát triển vật chất là thiết yếu và rất hữu dụng, nhưng thật sai lầm khi trông chờ rằng tất cả mọi vấn đề của loài người đều có thể được giải quyết bởi những phương tiện ngoại giới. Chúng ta cần phải thấy rằng chỉ khi có sự phát triển hài hòa cả về vật chất lẫn tâm linh thì loài người mới có thể thành tựu mục tiêu của mình là đạt tới một cuộc sống hạnh phúc. Cho nên, trong lúc tập chú vào việc phát triển vật chất, điều cần thiết là chúng ta cũng phải quan tâm đến những giá trị nội tại.

Vấn đề tâm linh được nói đến ở đây không nhất thiết phải là niềm tin tôn giáo. Chúng ta cũng cần phải nhận biết rằng có hai mức độ tâm linh - tâm linh với niềm tin tôn giáo và tâm linh không cần đến niềm tin ấy. Hiển nhiên, một người có thể sống một cuộc sống có ý nghĩa mà không cần đến niềm tin tôn giáo, nhưng hẳn là không người nào có thể cảm thấy hạnh phúc mà không có một tâm thức bén nhạy về những giá trị nhân bản nền tảng. Bao lâu chúng ta còn là con người, chẳng có cách nào mà chúng ta lại có thể lơ là vấn đề này.

Những giá trị nhân bản nền tảng ấy là gì? Có hai mức độ. Ở mức độ ban đầu, có một ý thức về việc săn sóc lẫn nhau, chia sẻ với nhau – ý thức về sự đồng nhất xuất hiện khi thấy mọi người đều là anh chị em với nhau trong một đại gia đình nhân loại, mang lại sự tôn trọng, khoan dung, và việc biết tự chế ngự mọi xúc cảm. Chúng ta cũng có thể phát hiện những phẩm chất như vậy ngay trong một vài giống loài động vật. Tuy nhiên, ở một mức độ khác, vì trí thông minh của loài người và sự hiểu biết về những hậu quả có ảnh hưởng sâu rộng, chúng ta có thể cân nhắc tăng cường đôi chút về những phẩm chất này trong khi cố gắng kiềm chế đôi chút những phẩm chất kia. Bằng cách đó, con người phức tạp hơn các động vật khác rất nhiều.

Loài người cũng như loài vật có cùng khát vọng căn bản về hạnh phúc hay sự thoả mãn. Điều đó là chung cho tất cả những sinh vật có cảm giác. Tuy nhiên, điều chỉ có ở con người chính là trí thông minh của chúng ta. Khát vọng đạt được hạnh phúc, niềm vui, và sự thoả mãn thông qua năm giác quan không phải là điều chỉ có ở con người; về phương diện này, chẳng có gì cụ thể để phân biệt giữa chúng ta với các loài động vật khác. Điều phân biệt chúng ta với loài vật chính là bản lĩnh của con người biết sử dụng năng lực của trí thông minh trong những truy cầu của mình để đáp ứng khát vọng tự nhiên của chúng ta là đạt được hạnh phúc và vượt qua đau khổ. Chính khả năng phán đoán giữa những hậu quả dài hạn và hậu quả ngắn hạn do các hành vi hay đường lối cư xử của chúng ta mang lại mới là điều thực sự phân biệt con người với con thú; việc sử dụng phẩm chất chỉ riêng loài người chúng ta có theo đường lối đúng đắn chính là điều chứng tỏ chúng ta thật sự là loài người.

Một yếu tố quan trọng khác là có hai loại cảm giác đau đớn và thích thú - đau đớn và thích thú ở mức độ thể chất hay cảm quan, và cùng những cảm giác đó ở mức độ tinh thần. Nếu chú tâm khảo sát cuộc sống hàng ngày của mình, điều rõ ràng là chúng ta luôn có thể sử dụng tinh thần để làm dịu nỗi đau thể chất. Khi chúng ta vui vẻ hoặc bình tĩnh, chúng ta có thể dễ dàng bỏ qua những điều gây phiền nhiễu về vật chất, như cơn đau hay những cảm giác không dễ chịu. Thế nhưng, khi chúng ta buồn rầu hoặc bối rối thì ngay cả những yếu tố tốt nhất của ngoại cảnh, như có những người bạn quý, có tiền bạc hay danh vọng, cũng không làm cho chúng ta phấn khởi. Điều đó cho thấy rằng những kinh nghiệm cảm quan của chúng ta có thể mạnh mẽ đến thế nào chăng nữa, chúng cũng không thể lấn át được tâm trạng của chúng ta, trải nghiệm tâm thức hơn hẳn trải nghiệm thể chất. Chính là ở lãnh vực hạnh phúc và đau khổ hay đau đớn và vui thích về mặt tinh thần này mà việc áp dụng trí thông minh của loài người đóng một vai trò có ảnh hưởng vô cùng quan trọng.

Tự thân trí thông minh của loài người vốn trung tính; nó chỉ là một công cụ có thể được sử dụng hoặc mang tính cách xây dựng hoặc mang tính cách huỷ hoại. Chẳng hạn, rất nhiều nỗi đau khổ của chúng ta xảy đến như là kết quả của năng lực tưởng tượng và khả năng suy nghĩ của chúng ta về tương lai, những điều có khả năng tạo ra sự ngờ vực, sự hy vọng, sự chán ngán, sự sợ hãi... Các loài động vật khác không gặp những vấn đề như vậy. Nếu một con thú tìm được thức ăn và chỗ ẩn nấp tốt mà trước mắt không có điều gì quấy rầy, nó có thể sống yên ổn; nhưng ngay cả khi con người đã được cung đốn đầy đủ, được vây quanh bởi bạn tốt, nhạc hay... bản chất phức tạp và những mong đợi của chúng ta vẫn không cho phép chúng ta buông xả. Nói cách khác, trí thông minh của loài người chính là nguồn gốc của âu lo và những điều phải giải quyết. Nỗi buồn chán dẫn xuất từ sự tưởng tượng quá mức không thể được giải quyết bởi những phương tiện vật chất.

Cho nên, trí thông minh của loài người có thể có ảnh hưởng rất lớn cả về mặt tích cực lẫn mặt tiêu cực. Yếu tố then chốt để hướng trí thông minh ấy vào hướng tích cực hơn là có một thái độ tinh thần thích đáng. Để có được một cuộc sống hạnh phúc - những ngày hạnh phúc và những đêm hạnh phúc - điều hết sức quan trọng là phải phối hợp được trí thông minh loài người của chúng ta với những giá trị nhân bản nền tảng. Nếu chúng ta có tâm thức thanh thản, cởi mở và bình tĩnh vào ban ngày, giấc mơ ban đêm của chúng ta sẽ phản ánh những trải nghiệm ấy và chúng ta có hạnh phúc. Ngược lại, nếu ban ngày chúng ta trải qua những sự sợ hãi, bối rối, ngờ vực... chúng ta sẽ tiếp tục gặp gỡ những điều bất an ấy trong giấc mơ của mình. Cho nên, để có được hạnh phúc hai mươi bốn giờ một ngày, chúng ta phải có một thái độ tinh thần thích đáng.

Thay vì nghĩ về tiền bạc và của cải vật chất từng giây phút trong ngày, chúng ta nên chú ý nhiều hơn đến thế giới nội tâm của mình. Thật là thú vị khi tự đặt ra những câu hỏi cho mình như, “Tôi là ai?” và “Cái tôi của tôi là ở đâu?”. Thông thường, chúng ta cho rằng “cái Tôi” của chúng ta vốn là điều dĩ nhiên. Chúng ta cảm thấy bên trong chúng ta có một điều gì đó bền chắc và độc lập, rằng đó chính là người chủ sở hữu cả tâm hồn, thân thể lẫn tài sản của chúng ta; nếu chúng ta suy nghĩ và khảo sát xem cái điều được gọi là bản ngã mạnh mẽ và quý giá đó thực sự khu trú ở đâu, việc đó sẽ chứng tỏ là thật sự có ích. Khi xuất hiện một tâm trạng phiền muộn, chúng ta cũng nên tự hỏi, “Trạng thái tâm lý này là gì? Nó từ đâu xuất hiện?” bởi vì sức mạnh lớn nhất gây nên tất cả những phiền não chính là những cảm xúc tiêu cực. Khi những cảm xúc có tác dụng gây hại ấy phát triển đến cực độ, chúng ta trở thành kẻ nô lệ của chúng, như thể điên loạn. Cho nên, khi những cảm xúc tiêu cực xuất hiện, điều có lợi là thăm dò, “tất cả những điều này đến từ đâu?”.

Yếu tố then chốt trong việc phát triển và làm tăng trưởng những giá trị nhân bản nền tảng - ý thức về việc chăm sóc lẫn nhau và chia sẻ với nhau - là lòng yêu mến con người, một cảm giác gần gũi với nhau giữa người và người. Phẩm chất này hiện hữu bên trong chúng ta ngay từ lúc thụ thai. Theo một số nhà khoa học ngành y, đứa trẻ còn trong thai bào đã có thể nhận biết giọng nói của người mẹ. Điều đó chỉ ra rằng ngay cả vào lúc bấy giờ, đứa trẻ đã bắt đầu có cảm tưởng gần gũi và thân thiết đối với người mẹ của nó. Một khi đã ra đời, đứa trẻ tự ý rúc vào vú mẹ tìm sữa. Người mẹ cũng có một cảm tưởng gần gũi với đứa con của mình. Vì thế, dòng sữa của người mẹ tự động tuôn chảy. Mỗi người trong chúng ta đều bắt đầu cuộc sống của mình như vậy, và nếu không có lòng yêu mến con người thì chắc chắn chúng ta đã không tồn tại.

Y khoa cũng dạy cho chúng ta rằng cảm xúc đóng một vai trò quan trọng trong việc gìn giữ sức khoẻ. Sợ hãi và ghét bỏ, chẳng hạn, là những cảm xúc rất tệ đối với chúng ta. Lại nữa, khi những cảm xúc tiêu cực ấy xuất hiện mạnh mẽ, một số phần trong não bộ của chúng ta bị ngăn chặn và trí thông minh của chúng ta không vận hành thích hợp. Chúng ta có thể thấy từ những kinh nghiệm hàng ngày rằng những cảm xúc tiêu cực có thể làm cho chúng ta bất an, căng thẳng, dẫn tới những vấn đề về tiêu hóa, và đặc biệt là sự mất ngủ khiến chúng ta phải tìm đến các loại thuốc ngủ, rượu, ma tuý...

Hơn nữa, khi những xúc cảm tiêu cực nào đó phát triển, chúng có thể làm rối loạn sự cân bằng tự nhiên của cơ thể của chúng ta, mang lại huyết áp cao và những chứng bệnh khác. Một nhà nghiên cứu y học đã trình bày những dữ liệu tại một hội nghị cho thấy người nào thường xuyên sử dụng những từ ngữ như “tôi”, “thuộc về tôi”, “của tôi” thường dễ bị đau tim hơn. Thế thì, có vẻ là nếu quý vị muốn có một cơn đau tim, quý vị cứ lặp lại những từ ngữ ấy như câu thần chú và lúc nào cũng cứ nói, “tôi”, “tôi”, “tôi”...

Nếu chúng ta nghĩ về bản thân mình như là rất quý giá và tuyệt đối, toàn thể sự tập trung tâm thức của chúng ta trở nên rất hẹp hòi và bị giới hạn đến nỗi ngay cả những vấn đề không đáng kể cũng có thể trở thành không chịu đựng được. Tuy nhiên, nếu chúng ta có thể suy nghĩ ở mức độ bao quát hơn và xem xét các vấn đề của mình từ một góc nhìn rộng lớn hơn, chúng sẽ trở nên không đáng kể. Chẳng hạn, nếu chúng ta chuyển thái độ tâm thức của mình từ việc chỉ quan tâm đến sự hạnh phúc của mình đến việc quan tâm đến hạnh phúc của người khác, tâm thức của chúng ta tự động rộng mở và những vấn đề của chúng ta hoá ra chẳng quan trọng là bao và ta cảm thấy dễ dàng đối mặt với chúng hơn.

Người thực sự được hưởng lợi từ sự thực hành lòng từ ái và quan tâm đến người khác không ai ngoài chính mình. Chúng ta thường có ấn tượng rằng những đối tượng của việc thực hành lòng từ là những người được hưởng lợi chính của việc thực hành này; rằng việc thực hành lòng từ chỉ thích đáng với những người có liên quan đến người khác chứ không thích đáng với những người không có liên quan, vì lợi ích chính của việc thực hành này là hướng đến người khác. Đó là một sự nhầm lẫn. Thật ra, lợi ích trực tiếp của việc thực hành lòng từ thực sự được trải nghiệm bởi chính hành giả.

Vì tâm thức của chúng ta mở rộng và chúng ta cảm thấy dễ chịu hơn khi nghĩ đến tình người và hạnh phúc của người khác, nếu chúng ta có thể phát khởi loại thái độ tâm thức ấy, bất kỳ lúc nào ta gặp một người nào, ta đều cảm thấy đó là một người anh người chị người em trong đại gia đình nhân loại và ngay lập tức sẽ có khả năng giao tiếp một cách dễ dàng. Khi chúng ta chỉ biết nghĩ đến chính mình, cánh cửa nội tâm của chúng ta vẫn đóng kín và chúng ta cảm thấy thật khó khăn khi giao tiếp với những người bạn đồng loại của chúng ta.

Việc thực hành lòng từ và quan tâm đến người khác lập tức mang lại cho chúng ta sức mạnh và sự an bình nội tại. Tất nhiên, việc thực hành lòng từ cũng mang lại lợi ích cho người khác một cách gián tiếp, nhưng chắc chắn là có lợi ích mà chính người thực hành chúng ta cảm nhận. Cho nên, hết sức rõ ràng rằng nếu chúng ta thực sự quan tâm đến tương lai và hạnh phúc của đời sống của chính chúng ta, chúng ta nên phát triển một thái độ tâm thức mà trong đó việc thực hành lòng từ đóng một vai trò quan trọng.

Rất nhiều nơi trên thế giới này hiện có cả những cộng đồng vẫn phải vật lộn để đạt được những điều kiện căn bản của cuộc sống bình thường. Khi người ta phải phấn đấu cho những phương tiện sinh sống hàng ngày, hầu như mọi năng lực và sự tập trung của họ đều hướng đến mục tiêu ấy, khiến những băn khoăn về tinh thần khó có thể xuất hiện trên bề mặt của tâm thức. Ngược lại, có rất ít sự tranh đấu cho sự sống còn hàng ngày tại những quốc gia giàu có ở phương Bắc vì những xã hội ấy đã đạt tới một mức độ phát triển khả quan về phương diện vật chất. Nhờ thế, cư dân nơi đó có thể chú tâm nhiều hơn đến những vấn đề về bản chất mang tính xúc cảm và tâm thức.

Thông qua việc rèn luyện tâm thức, chúng ta có thể trở nên thanh thản hơn. Điều đó sẽ mang lại cho chúng ta những cơ hội lớn hơn để tạo dựng những gia đình và những cộng đồng yên tĩnh làm cơ sở cho nền hoà bình thế giới. Với sức mạnh nội tâm, chúng ta có thể đối diện với những vấn đề ở tầm mức gia đình, xã hội và kể cả ở mức độ toàn cầu theo một đường lối thực tiễn. Không bạo động không có nghĩa là thụ động. Chúng ta cần giải quyết mọi vấn đề thông qua sự đối thoại trong một tinh thần hoà giải. Đó chính là ý nghĩa chân thực của bất bạo động và là nguồn gốc của hoà bình thế giới.

Phương pháp này cũng hết sức hữu dụng trong lãnh vực sinh thái. Chúng ta luôn nghe nói tới một môi trường tốt hơn, một nền hoà bình thế giới, một tinh thần bất bạo động... nhưng những mục tiêu ấy không thể đạt được thông qua việc áp dụng những quy tắc hay những nghị quyết của Liên Hiệp Quốc; nó đòi hỏi có sự chuyển hoá cá nhân. Một khi chúng ta đã phát triển được một xã hội bình an trong đó những vấn đề được thương thảo thông qua việc đối thoại, chúng ta có thể nghiêm túc nghĩ đến việc giải trừ binh bị - truớc hết là ở cấp độ quốc gia; và sau cùng, ở cấp độ toàn cầu. Tuy nhiên, sẽ hết sức khó khăn để đạt được những điều ấy trừ khi chính từng cá nhân một thực hiện được một sự chuyển hoá từ trong chính tâm thức của mình.

Nguồn: Universal Responsibility, trích trong Illuminating the Path to Enlightenment, Tenzin Gyatso (Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV).

Đạt-Lai Lạt-ma
Nguyễn Văn Nhật dịch
Theo Văn hoá Phật giáo số 274 ngày 01-06-2017

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm