Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Nghiên cứu kinh Kim Cang phần Vô ngã

Thật ra, Đức Thích-ca Mâu-ni Thế Tôn cũng không nhận được một pháp nào từ Đức Phật Nhiên Đăng để được thành Phật cả. Vì lẽ các pháp vốn là như thế. Như thế có nghĩa là như như bất động. Pháp ấy vốn không đi, không còn, không mất.
Mục lục


Lúc ấy, ngài Tu-bồ-đề bạch Phật rằng:
“Thế Tôn, người trai lành, người gái tốt khi phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề  thì tâm ấy phải trụ như thế nào? Và tâm ấy
phải hàng phục ra sao?”.
Phật đáp:

“Tu-bồ-đề! Người trai lành, người gái tốt ấy khi phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề thì nên sanh tâm như thế này: Khi ta diệt độ, tất cả chúng sanh diệt độ. Tất cả chúng sanh diệt độ rồi mà không có một chúng sanh nào thật diệt độ cả. Vì sao vậy? Tu-bồ- đề! Nếu Bồ-tát có tướng ta, có tướng người, có tướng chúng sanh, có tướng thọ giả tức chẳng phải là Bồ-tát. Tại sao như vậy? Tu-bồ-đề! Thật ra chẳng có pháp để phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Tu-bồ-đề! Vì sao vậy? Như Lai ở nơi Phật Nhiên Đăng có chứng được pháp A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề chăng?”.
“Bạch không! Thế Tôn. Như con rõ biết chỗ nghĩa của Phật dạy thì nơi Phật Nhiên Đăng, Ngài không có pháp nào để chứng A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề cả”.
Phật bảo:
“Đúng thế, đúng thế Tu-bồ-đề! Thật chẳng có pháp nào Như Lai đã chứng A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề cả. Này Tu-bồ-đề! Nếu có pháp nào mà Như Lai chứng được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề thì Phật Nhiên Đăng tức chẳng thọ ký cho Ta rằng: Ngươi ở đời vị lai sẽ chứng quả Phật hiệu là Thích-ca Mâu-ni, thật ra cũng chẳng có pháp nào để chứng A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề cả. Cho nên Phật Nhiên Đăng đã thọ ký cho Ta và nói rằng: Ngươi ở đời sau sẽ được làm Phật, hiệu là Thích-ca Mâu- ni. Vì sao vậy? Như Lai nghĩa là các pháp như nghĩa vậy. Nếu có kẻ nào đó nói rằng Như Lai chứng A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề thì Tu-bồ-đề thật ra chẳng có pháp nào Như Lai chứng A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề cả. Này Tu-bồ-đề, chỗ mà Như Lai chứng A-nậu-đa-la Tam- miệu Tam-bồ-đề ở trong ấy không thật, không hư. Cho nên Như Lai nói là tất cả pháp đều là Phật pháp. Tu-bồ-đề ! Nói rằng tất cả pháp tức là chẳng phải tất cả pháp. Ấy mới chính là tất cả pháp...”.
Đọc một đoạn kinh Kim Cang như trên, ta đã thấy rõ thật tướng của các pháp rồi, đó là lời Phật dạy cho ngài Tu-bồ-đề thật ra tướng của các pháp vốn nó chẳng là gì cả. Nó không thật không hư, không đến, không đi, không còn, không mất và không có cái gì được gọi là pháp. Vì pháp vốn vô ngã vậy. Ngay cả danh từ gọi là chúng sanh ấy vốn không có thật. Tuy chúng ta vẫn gọi là chúng sanh. Tuy rằng có chúng sanh diệt độ ấy.  Vì nếu Bồ-tát còn tướng ta, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, đây chẳng phải là Bồ-tát. Nếu Bồ-tát trụ nơi hình tướng ấy phát tâm, đúng là không phải một vị Bồ-tát, vì tất cả những tướng ấy vốn không có thật, chỉ là giả tướng mà thôi. Đã là một Bồ-tát mà không nhận chân rõ pháp ấy vốn không thật. Rõ ràng vị ấy chẳng phải là một Bồ-tát.
Thật ra, Đức Thích-ca Mâu-ni Thế Tôn cũng không nhận được một pháp nào từ Đức Phật Nhiên Đăng để được thành Phật cả. Vì lẽ các pháp vốn là như thế. Như thế có nghĩa là như như bất động. Pháp ấy vốn không đi, không còn, không mất. Trước khi Đức Phật Thích-ca Mâu- ni ra đời, có Đức Phật Nhiên Đăng xuất hiện nơi đời này rồi. Trước Đức Phật Nhiên Đăng, có Phật Oai Âm Vương ra đời và sau khi Đức Thích-ca ra đời sẽ có Đức Phật Di-lặc ra đời. Tất cả các vị Phật ấy chỉ nói một pháp chứ không nói pháp gì khác ngoài pháp vị giải thoát ấy cả.

Như Lai có nghĩa là các pháp Như Nghĩa. Các pháp Như Nghĩa có nghĩa là pháp ấy vốn Như Thế nên gọi là Như Lai và Như Lai cũng không từ đâu đến và cũng không đi về đâu cả, nên gọi là Như Lai. Như vậy Như Lai chính là Chơn Như, là Thể Tánh bất động không thay đổi vì lý do này hay lý do khác. Các pháp vốn dĩ là thế, không vì ta khen tặng mà pháp ấy hiện hữu, cũng chẳng phải vì ta chê bai mà pháp ấy không còn hiện hữu nơi mỗi cá thể của mỗi chúng sanh và ngay cả những vị Bồ -tát hay những vị Phật. Phật cũng có dạy rằng: “Tất cả pháp đều là Phật pháp”. Rõ ràng là như vậy, vì trên thế gian này chẳng có cái gì không do nhân duyên sanh và cũng chẳng có cái gì không phải do nhân duyên diệt cả. Nhân duyên cũng là pháp. Pháp ấy chính là pháp sanh diệt. Ngược lại của pháp sanh diệt, tức pháp vô sanh. Pháp vô sanh cũng còn gọi là Chơn Như. Chơn Như ấy chính là Niết-bàn tịch tịnh không đến, không lui, không còn và chẳng mất. Tuy nhiên tất cả pháp ấy thật ra cũng chẳng phải là tất cả pháp thì đó mới chính là các pháp. Vì những pháp này vốn, như thị, không thay đổi bởi cái nhìn hay sự nhận thức của mỗi một cá thể của chúng ta.


“Tu-bồ-đề! Giống như Tu-bồ-đề nói người có thân to lớn thì Đức Thế Tôn Như Lai nói người có thân to lớn tức chẳng phải to lớn thì đó mới gọi là to lớn. Tu-bồ-đề! Bồ-tát cũng như vậy. Nếu lại nghĩ rằng khi ta diệt độ thì vô lượng chúng sanh tức chẳng gọi là Bồ-tát. Vì sao vậy Tu-bồ-đề? Thật chẳng có chúng sanh nào gọi là Bồ-tát cả. Cho nên Phật nói:‘Tất cả pháp đều vô ngã, vô nhơn, vô chúng sanh, vô thọ giả’. Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát nghĩ rằng: ‘Ta sẽ trang nghiêm Phật độ thì cũng không phải là Bồ-tát’. Vì sao vậy? Như Lai nói rằng: ‘Trang nghiêm Phật độ tức chẳng phải trang nghiêm thì mới gọi là trang nghiêm’. Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát rõ biết về pháp vốn vô ngã thì Như Lai nói đó mới thật là một Bồ-tát”.
Đọc qua đoạn này ta rõ biết được điều gì? Ta có thể thay thế bằng một mệnh đề khác như sau: “Nói là như thế, nhưng thật sự ra không phải như thế. Ấy mới là như thế”. Chữ như thế ở đây có thể hiểu là pháp nhĩ. Pháp nhĩ ấy vốn là như vậy. Như thế nhưng nếu chấp vào như thế thì không phải như thế. Vì như thế ấy còn bị cái ngã của ta làm chủ. Ngay cả Bồ-tát mà còn để cho cái ngã ấy chi phối thì đó cũng chẳng phải là một Bồ-tát.

Phật đối với chúng sanh lòng từ bi đều bình đẳng, nhưng mỗi chúng ta đón nhận lòng từ bi ấy có khác nhau. Vì lẽ tâm của ta còn phân biệt. Nếu đón nhận lòng từ bi ấy với Tu-bồ-đề vô phân biệt thì lòng từ bi ấy mới chính là sự thể hiện lòng từ của chư Phật. Cũng giống như một người mẹ có nhiều con. Bà ta bao giờ cũng thương tất cả những người con ấy đều giống nhau. Nhưng rủi có một đứa bịnh thì bà phải chăm lo đứa đó nhiều hơn. Đó không phải là có tâm phân biệt; nhưng vì muốn cho con mình mau lành bịnh vậy. Lẽ ra đứa trẻ bị bịnh ấy càng phải được thương nhiều hơn mới phải, nhưng ở đây ta lại có tâm phân biệt với kẻ bị bịnh kia. Do vậy mà tâm của ta chính là một tâm không như pháp.
Cũng như thế, với những người hành Bồ-tát hạnh lẽ ra khi gặp người gây chướng ngại cho Phật pháp, cố ý ngăn che hay làm cho Thánh pháp bị mang tiếng vì nhiều lý do này hay lý do kia. Lẽ ra ta phải thương người này nhiều hơn, những người bình thường khác nữa. Vì người này đang bịnh, mà ta lại còn có tâm khinh miệt hoặc oán hờn họ, sao lại như thế này hay như thế nọ. Thật ra Đức Phật A-di-đà trong lời nguyện thứ 18 không có sự phân biệt này. Tất cả chúng sanh đều phải được bình đẳng để được cứu độ và nhất là sự giác ngộ giải thoát không có sự phân biệt bỉ thử nơi đây.
 


Dưới mắt của Đức Phật chẳng có pháp nào được gọi là Bồ-tát. Vì lẽ tất cả pháp đều không có cái ta nơi ấy và cũng không có người nào nơi ấy, không có sự tồn tại của chúng sanh nơi ấy và cũng không có kẻ có đời sống lâu dài, không có kẻ cho cũng như người nhận. Ngay cả Bồ-tát mà còn thấy Phật đang trang nghiêm các quốc độ thì đó cũng chẳng phải là Bồ-tát vì lẽ chẳng phải có Phật quốc độ kia mới được trang nghiêm, mà vốn sự trang nghiêm ấy đã có sẵn trước khi vị Phật ấy ra đời hay nhập diệt. sau khi vị Phật kia nhập diệt hoặc ra đời cõi ấy vẫn trang nghiêm và trước đó cũng vậy. Chẳng vì thế này hay thế kia mà có sự trang nghiêm. Chính sự trang nghiêm ấy là như như bất động.
Nếu tất cả các Bồ-tát rõ biết các pháp vốn vô ngã thì đó mới thật là một Bồ-tát. Sỡ dĩ ta nhìn hay nhận xét một vật gì, vì ta lấy cái ta làm chủ thể để sai khiến sự nhận thức. Do vậy có sự sai lệch. Đã là ta thì ta không muốn ai hơn ta cả, ta chỉ muốn người đối diện thua ta thì cái ta ấy mới hả dạ và chứng tỏ rằng chủ thể kia là đúng. Khi chủ thể chủ trương như thế lại còn mang thêm vào những cái thuộc về ta nữa để thỏa mãn cho tự thể kia. Nhưng những gì thuộc về ta vốn nó không thật. Nhưng ta vẫn cố chấp vào đó và cho rằng có thật. Vì vậy cuối cùng ta chẳng phải là ta mà ta chính là kẻ bị cái ta và những cái thuộc về ta ấy sai khiến. Khi mình mà không còn biết về mình là ai thì đúng mình là giả danh chứ không phải là một thực tướng. Lại nữa những gì thuộc về ta ấy vốn do cái chủ thể chấp có, chấp không, chấp còn, chấp mất sai khiến. Cho nên phải khiến làm sao cho những đối tượng của chủ thể ấy như mình muốn mới được và lúc ấy cái ta này mới chấp nhận là đúng.
Nhưng ta này là gì? Thật sự ra nó chẳng là gì cả. Nó chỉ là một cái không to tướng khi tất cả các pháp đều đã được rõ biết như thật. Người học Phật nếu không biết mặt thật của các pháp vốn là vô ngã thì rõ ràng sự học Phật ấy chưa đạt đến chân thiện mỹ. Nhiều khi còn phải vượt qua và lên trên cả sự chân thiện mỹ này nữa. Vì chân thiện mỹ ấy cũng chỉ là một sự bình thường trong bao nhiêu pháp sinh diệt của thế gian mà thôi. Đã là sinh diệt tức không có thật tướng. Đã không thật tướng, tức pháp ấy là vô ngã. Ai sống trong vô ngã ấy mà rõ biết được vô ngã thì kẻ ấy, chính là người đang thong dong tự tại trong Niết-bàn hiện thế.

Niết-bàn cũng như vậy, vốn nó không phải là một nơi chốn, mà Niết-bàn chính là không, vô tướng và vô tác. Có nhiều người muốn rõ biết Niết-bàn là gì. Nhưng làm sao trả lời cho kẻ đối diện rõ được, vì pháp ấy vốn là không. Không này không phải là không có mà không này vốn vô sanh diệt. Niết-bàn ấy cũng không đến, không đi, không còn, không mất, không tăng, không giảm, nên gọi là vô tướng. Trong sự vô sanh ấy không có tướng đến và tướng đi. Nếu có chăng chỉ là sự thị hiện mà thôi. Chứ không phải là thực tướng. Ở đây sự còn và sự mất, sự tăng và sự giảm cũng vậy. Tất cả thế gian này đều là một hiện tượng, đã là một hiện tượng thì bị sinh diệt chi phối. Cái gì bị chi phối bởi sanh diệt, cái ấy chẳng phải là pháp vô ngã. Đã là vô ngã thì không có một pháp gì có thể chi phối cả. Như thế mới gọi là một Bồ-tát.
Bồ-tát khi độ chúng sanh không mang tâm phân biệt để độ. Vì nếu còn phân biệt thì đó không phải là chính danh Bồ-tát. Từ đó ta thấy Đức Phật A-di-đà khi còn là một Bồ-tát Pháp Tạng, hành Bồ-tát đạo, Ngài đã tư duy trải qua năm kiếp như thế để tự hỏi mình và đi sâu vào tâm thức của từng chúng sanh một, là có nên cho họ không? Vì lẽ họ có niệm đến danh hiệu của mình và dẫu cho họ bị phạm tội ngũ nghịch hay không tin kính ngôi Tam bảo? Cuối cùng sau năm kiếp tư duy Ngài đã rời chỗ ngồi của Bồ-tát và thành Phật A-di-đà để đi cứu độ quần sanh. Rõ ràng Bồ-tát đã quán sát rằng, tất cả các pháp đều có tính cách bất định, nên Nhứt xiển đề và những người phạm tội ngũ nghịch cũng bất định. Có thể ngày hôm qua họ là Nhứt xiển đề, nhưng ngày mai và đời sau họ hối hận ăn năn thì Nhứt xiển đề kia không còn là Nhứt xiển đề nữa. Đây chính là tánh không nhất định của pháp. Do vậy, Ngài đã hoan hỷ với cái tâm vô ngã để thành Phật và cứu độ chúng sanh.
Rõ ràng đây là một đại hạnh, một đại nguyện không phải vị Phật nào cũng phát ra lời thệ ấy được. Còn ta nếu không tin và không có tâm sám hối thì quyết ta vẫn còn chìm đắm trong bao nỗi luân hồi. Phật thấy như vậy mà cảm thương; nhưng biết làm sao hơn, khi chúng sanh chẳng tin vào nhân quả, thiện ác và nhất là không tin vào những lời thệ nguyện của Ngài
Có một hôm một vị Bà-la-môn hỏi Phật rằng:
“Bạch Đức Thế Tôn, Ngài là một vị Phật tại sao Ngài không cứu độ hết tất cả chúng sanh còn bị đọa vào địa ngục, mà chúng sanh vẫn còn khổ đau đây đó, vậy lòng từ bi của Ngài để ở nơi đâu?”.
Thay vì Phật trả lời cho ông Bà-la-môn này thì Phật hỏi lại ông ta rằng:
“Này ông Bà-la-môn! Nếu ông là người rất rành rẽ con đường từ đây cho đến xứ Ma-kiệt-đà. Ông chỉ rất rành mạch cho kẻ đi đường ấy rằng phải đi như thế này rồi rẽ trái, rẽ phải bao nhiêu lần, đoạn đi thẳng bao nhiêu lần và độ bao lâu thì đến, nhưng kẻ tìm đường kia vẫn bị lạc thì lỗi ấy tại ai?”.
“Bạch Ngài! Dĩ nhiên là kẻ đi đường kia”.


Phật nói:
“Ta cũng thế. Ta chỉ là người dẫn đường mà thôi”. Đó là kẻ dẫn đường, nhưng không phải là kẻ dẫn
đường bình thường mà là kẻ đã vượt lên khỏi sự sanh tử, không bị chìm đắm trong tử sinh và lấy phương dược thật tốt lành, ấy là cách hướng dẫn, nhưng người ấy vẫn không đi đúng. Rõ ràng lỗi ấy không phải ở kẻ chỉ đường.
Thông thường một vị A-la-hán sau khi lậu tận đã sạch, chỉ muốn an nghỉ nơi Niết-bàn đã đạt được, nhưng một bậc A-la-hán, một bậc Chánh Biến Tri không dừng nghỉ nơi ấy mà còn dùng nhiều phương tiện để hóa độ chúng sanh. Ở đây có thể nói chính vì lòng từ bi, lợi tha, vô ngã mà Đức Phật đã xuất hiện nơi đời để tế độ chúng sanh khắp tam thiên đại thiên thế giới như thế.
Tóm lại, khi đọc, khi tụng cũng như khi giải nói kinh Kim Cang ta hiểu được gì?
Nếu ta không trụ vào hình thức để sanh tâm. Nếu ta không trụ vào các pháp của xúc để sanh tâm mà nên trụ vào chỗ tâm vô trụ thì đó mới chính là chỗ trụ. Đa phần chúng ta trụ vào tâm hữu ngã cho nên bao giờ mới sanh được thật tướng. Bao giờ nơi tâm ta vô ngã thì tướng vô sanh mới hiện. Nếu ta còn trụ vào chỗ cảm nhận bởi các pháp hay thấy tốt xấu, lành dữ... thì đó chẳng phải là pháp chân thật. Vì tất cả những pháp này đều không thật tướng. Do vậy ta cần trụ vào chỗ vô trụ. Ấy mới là chỗ trụ.
Thế nào là chỗ vô trụ?
Chỗ ấy chính là Niết-bàn Diệu tâm Thật tướng, Vô tướng, là Như Lai tạng, là Chơn như, tịch diệt. Không thể dùng ý niệm để phân biệt lại càng không thể dùng cái ta để phán đoán xem xét mọi trạng huống của tâm.
Kinh Kim Cang là một loại kinh tối thượng thừa mà Đức Phật đã huyền ký trong kinh Niệm Phật Ba-la-mật cho các đệ tử trong đó có bà Hoàng Thái hậu Vi-đề-hy rằng:
“Trong đời mạt pháp tất cả mọi kinh điển đều mất lần lượt như kinh Lăng Nghiêm, kinh Kim Cang, kinh Lăng Già, kinh Bát-nhã, kinh Pháp Hoa và như thế rõ ràng kinh Kim Cang chúng ta nên đáng trân quý giữ”.
 

Theo Văn hoá Phật giáo số 267 ngày 15-02-2017

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm