Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Vụng tu thì chìm

Với tuệ nhãn của bậc Chánh đẳng giác, Đức Phật thấy rõ sự tái sinh của các chúng sinh ở trong các cảnh giới khác nhau, hoặc bất hạnh khổ đau hoặc may mắn hạnh phúc, hoàn toàn tùy thuộc vào nghiệp lực của các chúng sinh ấy.
Mục lục


Với tuệ nhãn của bậc Chánh đẳng giác, Đức Phật thấy rõ sự tái sinh của các chúng sinh ở trong các cảnh giới khác nhau, hoặc bất hạnh khổ đau hoặc may mắn hạnh phúc, hoàn toàn tùy thuộc vào nghiệp lực của các chúng sinh ấy.

“Những chúng sanh làm các ác hạnh về thân, làm ác ác hạnh về lời nói, làm các ác hạnh về ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến, những người này, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Còn những chúng sanh nào thành tựu những thiện hạnh về thân, thành tựu những thiện hạnh về lời nói, thành tựu những thiện hạnh về ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến, những người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các thiện thú, cõi Trời, trên đời này”[1].

Cũng với trí tuệ của bậc Giác ngộ, Đức Phật chứng thực về thế giới loài người:

“Ví như, này các Tỳ-kheo, trong cõi Diêm-phù-đề này, số ít là các khu vườn khả ái, các khu rừng khả ái, các vùng đất khả ái, các hồ ao khả ái. Và nhiều hơn là các chỗ đất cao đất thấp, các con sông khó lội qua, các khu vực rậm rạp những gậy gộc gai góc, các núi non lởm chởm. Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, số ít là các chúng sanh sau khi chết từ loài Người được tái sanh trong loài Người. Và nhiều hơn là các chúng sanh, sau khi chết từ loài Người, bị tái sanh ở địa ngục... ở các loại bàng sanh... ở cõi ngạ quỷ”[2].

Như vậy, dưới cái nhìn của đấng Giác ngộ thì sự sống là một dòng chảy tương tục trong thế giới luân hồi; phẩm chất của sự sống, khổ đau hay hạnh phúc của mỗi chúng sinh, là hoàn toàn tùy thuộc vào phẩm hạnh xấu hay tốt mà chúng sinh ấy đã thể hiện trong chuỗi các đời sống luân hồi. Lời Phật cũng lưu nhắc cho chúng ta rằng được sinh ra làm người là vô cùng khó khăn[3], thế nhưng phần lớn loài người không giữ được vị thế làm người sau khi thân hoại mạng chung; rất hiếm người tiếp tục duy trì được sự hiện hữu của mình ở trong cảnh giới loài người, đa phần phải đọa sanh ở các cảnh giới thấp kém đầy bất hạnh khổ đau như địa ngục, bàng sanh hay ngạ quỷ.

Do đâu mà xảy ra tình trạng không may mắn như vậy? Nói cách khác, hành nghiệp hay lối sống nào khiến cho loài người đánh mất đi cơ hội may mắn hiếm có của mình[4], từ ánh sáng lại đi vào bóng tối[5], tức là từ vị trí làm người rơi xuống các địa vị thấp kém đầy khổ đau như địa ngục, bàng sanh hay ngạ quỷ?

Theo lời dạy của Đức Phật thì sở dĩ con người tự để cho mình rơi vào tình trạng xuống dốc như vậy là do không biết nuôi dưỡng lòng tin trong các thiện pháp, không có lòng xấu hổ, không có lòng sợ hãi, không có tinh tấn trong các thiện pháp và không có trí tuệ[6]. Chính sự thiếu vắng các phẩm chất sáng suốt tốt đẹp như vậy trong tâm thức mà đời sống con người trở nên tối tăm, mất phương hướng, rơi vào mê lầm, bị cái ác lôi kéo và chi phối, trôi lăn theo cái ác; hệ quả là con người rơi dần vào vòng khổ đau bởi lối sống phi đạo đức của mình. Kinh Pháp Cú nói rằng người ác thấy là hiền và nghĩ là ngọt khi ác nghiệp chưa chín muồi, nhưng khi ác nghiệp chín muồi rồi thì người ác mới thấy ác, mới hứng chịu khổ đau[7].

Không biết nuôi dưỡng lòng tin trong các thiện pháp nghĩa là không tin tưởng đối với những gì là chân chánh, hiền thiện, tốt đẹp, cao thượng, giải thoát, an lạc; không quyết đoán về một lẽ sống chân chánh, hiền thiện, giải thoát, an lạc; không hiểu được sự lợi ích của thiện pháp và sự nguy hại của ác pháp; không tha thiết học tập điều hay lẽ phải và không cố gắng tu chỉnh các lề thói bất thiện.

Không có lòng xấu hổ tức là không hề có cảm giác mắc cỡ hay hổ thẹn khi suy nghĩ những điều không chân chánh, nói những lời không chân chánh hay làm những việc không chân chánh; không cảm thấy ăn năn hối tiếc tự trách móc mình về những hành vi sai trái xấu ác thuộc thân, miệng, ý; thể hiện lối sống phóng dật, lỗ mãng, dễ dàng làm các ác nghiệp.

Không có lòng sợ hãi nghĩa là không hề lo lắng sợ hãi về những ý nghĩ, lời nói và việc làm sai trái xấu ác của mình; không thấy được hậu quả nguy hại của những hành vi ác, bất thiện để từ bỏ; cứ ngang nhiên sống theo ác pháp, bất chấp các hậu quả.

Không tinh tấn trong các thiện pháp có nghĩa là không nỗ lực tu tập thiện pháp và diệt trừ ác pháp, không nhiệt tâm tu tập thiện pháp và diệt trừ ác pháp, không kiên trì tu tập thiện pháp và diệt trừ ác pháp, không tinh tấn tu tập thiện pháp và diệt trừ ác pháp; kết quả là các thiện pháp ngày càng giảm thiểu, các ác pháp ngày càng tăng trưởng.

Không có trí tuệ nghĩa là không chú tâm tìm hiểu và nhận thức rõ những gì là chánh-tà, thiện-ác, hạ liệt-cao thượng, trói buộc-giải thoát, phiền não-an lạc; không phân biệt được đâu là chánh-tà, thiện-ác, hạ liệt-cao thượng, trói buộc-giải thoát, phiền não-an lạc; không thấy được lợi ích của thiện pháp và sự nguy hại của ác pháp; không chuyên tâm sống theo thiện pháp và dứt bỏ ác pháp.


Một cách chi tiết, bậc Giác ngộ tuần tự giải thích vì sao con người không biết nuôi dưỡng lòng tin trong các thiện pháp, không có lòng xấu hổ, không có lòng sợ hãi, không có tinh tấn trong các thiện pháp và không có trí tuệ, tự để cho mình rơi vào vòng tối tăm khổ đau, từ ánh sáng đi vào bóng tối, từ loài người rơi xuống địa ngục, bàng sanh hay ngạ quỷ:

“Ở đây, này các Tỳ-kheo, có kẻ vô văn phàm phu, không đi đến các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không đi đến các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân, không biết rõ các pháp nên phục vụ, không biết rõ các pháp không nên phục vụ, không biết rõ các pháp nên thân cận, không biết rõ các pháp không nên thân cận. Vì không biết rõ các pháp nên phục vụ, không biết rõ các pháp không nên phục vụ, không biết rõ các pháp nên thân cận, không biết rõ các pháp không nên thân cận, vị này phục vụ các pháp không nên phục vụ, không phục vụ các pháp nên phục vụ, thân cận các pháp không nên thân cận, không thân cận các pháp nên thân cận. Vị này vì phục vụ các pháp không nên phục vụ, không phục vụ các pháp nên phục vụ, vì thân cận các pháp không nên thân cận, không thân cận các pháp nên thân cận, cho nên các pháp bất khả ái, bất khả lạc, bất khả ý tăng trưởng; các pháp khả ái, khả lạc, khả ý bị tiêu diệt. Vì sao vậy? Như vậy, này các Tỳ-kheo, là vì người ấy không có trí đối với pháp này”[8].

Thế nào là các pháp không nên phục vụ, không nên thân cận nhưng kẻ vô văn phàm phu thiếu trí lại phục vụ và thân cận, khiến cho các pháp bất khả ái, bất khả lạc, bất khả ý (phiền não khổ đau) tăng trưởng; các pháp khả ái, khả lạc, khả ý (hạnh phúc an lạc) bị tiêu diệt? Nói cách khác, lối sống nào kẻ vô văn phàm phu chuyên tâm theo đuổi để cuối cùng phải rơi vào bất hạnh khổ đau?

Bậc Giác ngộ nói đến bốn loại pháp hành hay bốn lối sống - (1) pháp hành hiện tại khổ, tương lai quả báo cũng khổ; (2) pháp hành hiện tại lạc, tương lai quả báo khổ; (3) pháp hành hiện tại khổ, tương lai quả báo lạc; (4) pháp hành hiện tại lạc, tương lai quả báo cũng lạc -và nêu rõ do vô trí, kẻ vô văn phàm phu rơi vào chấp trì pháp hành thứ nhất hoặc pháp hành thứ hai, khiến cho phiền não khổ đau đi đến tăng trưởng, hạnh phúc an lạc bị tiêu diệt:

“Ở đây, này các Tỳ-kheo, đây là pháp hành hiện tại khổ và tương lai quả báo cũng khổ. Do vô trí với pháp này, do si mê, nên không tuệ tri như chân: ‘Đây là pháp hành hiện tại khổ và tương lai quả báo cũng khổ’. Do vô trí với pháp này, do si mê, do không tuệ tri như chân, nên phục vụ pháp này, không tránh né pháp này. Vì phục vụ pháp này, vì không tránh né pháp này, nên đối với vị này, các pháp bất khả ái, bất khả lạc, bất khả ý tăng trưởng; các pháp khả ái, khả lạc, khả ý bị tiêu diệt. Vì sao vậy? Như vậy, này các Tỳ-kheo, là vì vị ấy không có trí đối với pháp này.

Này các Tỳ-kheo, thế nào là pháp hành hiện tại khổ và tương lai quả báo cũng khổ? Ở đây, này các Tỳ-kheo, có người với khổ, với ưu, sát sanh, và do duyên sát sanh, cảm thọ khổ ưu; với khổ, với ưu lấy của không cho, và do duyên lấy của không cho, cảm thọ khổ ưu; với khổ, với ưu sống theo tà hạnh trong các dục, và do duyên sống theo tà hạnh trong các dục, cảm thọ khổ ưu; với khổ, với ưu nói lời vọng ngữ, và do duyên nói lời vọng ngữ, cảm thọ khổ ưu; với khổ, với ưu nói lời hai lưỡi, và do duyên nói lời hai lưỡi, cảm thọ khổ ưu; với khổ, với ưu, nói lời ác ngữ, và do duyên nói lời ác ngữ, cảm thọ khổ ưu; với khổ, với ưu, nói lời phù phiếm và do duyên nói lời phù phiếm, cảm thọ khổ ưu; với khổ, với ưu, có tâm tham ái, và do duyên có tâm tham ái, cảm thọ khổ ưu; với khổ, với ưu có tâm sân hận, và do duyên có tâm sân hận, cảm thọ khổ ưu; với khổ, với ưu có tà kiến, và do duyên tà kiến, cảm thọ khổ ưu. Vị ấy sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

Này các Tỳ-kheo, ví như trái bí đắng có tẩm thuốc độc. Rồi một người đến muốn sống, muốn không chết, ưa lạc, hiềm ghét khổ, và có người nói với người ấy như sau: ‘Này bạn, trái bí đắng này có tẩm thuốc độc, nếu bạn muốn, hãy ăn. Trong khi ăn, bạn không được thích thú về sắc, về hương, về vị. Sau khi ăn, bạn có thể đi đến chết hay đau khổ gần như chết’. Người ấy có thể ăn không có suy nghĩ, không có từ bỏ. Trong khi ăn, người ấy không được thích thú về sắc, về hương, về vị. Sau khi ăn, người ấy bị chết, hay bi đau khổ gần như chết. Này các Tỳ-kheo, Ta nói pháp hành này giống như ví dụ ấy, tức là pháp hành hiện tại khổ và tương lai quả báo cũng khổ.

Ở đây, này các Tỳ-kheo, đây là pháp hành hiện tại lạc, tương lai quả báo khổ. Do vô trí với pháp này, do si mê nên không biết như chân: ‘Đây là pháp hành hiện tại lạc, tương lai quả báo khổ’. Do vô trí với pháp này, do si mê, do không tuệ tri như chân, nên phục vụ pháp này, không tránh né pháp này. Vì phục vụ pháp này, vì không tránh né pháp này, nên đối với vị này, các pháp bất khả ái, bất khả lạc, bất khả ý tăng trưởng; các pháp khả ái, khả lạc, khả ý bị tiêu diệt. Vì sao vậy? Như vậy này các Tỳ-kheo, là vì vị ấy không có trí đối với pháp này.

Này các Tỳ-kheo, thế nào là pháp hành hiện tại lạc, tương lai quả báo khổ? Ở đây, này các Tỳ-kheo, có người với lạc, với hỷ, sát sanh và do duyên sát sanh, cảm thọ lạc và hỷ; với lạc, với hỷ, lấy của không cho và do duyên lấy của không cho, cảm thọ lạc và hỷ; với lạc, với hỷ, sống theo tà hạnh trong các dục, và do duyên sống theo tà hạnh trong các dục, cảm thọ lạc và hỷ; với lạc, với hỷ, nói lời vọng ngữ, và do duyên nói lời vọng ngữ, cảm thọ lạc và hỷ; với lạc, với hỷ, nói lời hai lưỡi, và do duyên nói lời hai lưỡi, cảm thọ lạc và hỷ; với lạc, với hỷ, nói lời ác ngữ và do duyên nói lời ác ngữ, cảm thọ lạc và hỷ; với lạc, với hỷ, nói lời phù phiếm, và do duyên nói lời phù phiếm, cảm thọ lạc và hỷ; với lạc, với hỷ, có tâm tham ái và do duyên có tâm tham ái, cảm thọ lạc và hỷ, với lạc, với hỷ, có tâm sân hận, và do duyên có tâm sân hận, cảm thọ lạc và hỷ; với lạc, với hỷ, có tà kiến, và do duyên có tà kiến, cảm thọ lạc và hỷ. Vị này sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ địa ngục.

Này các Tỳ-kheo, ví như một bình đồng đựng nước uống, có sắc, có hương, có vị, và nước uống ấy có tẩm thuốc độc. Rồi một người đến, muốn sống, muốn không chết, ưa lạc, hiềm ghét khổ. Và có người nói với người ấy như sau: ‘Này bạn, bình đồng đựng nước uống này, có sắc, có hương, có vị, và nước uống ấy có tẩm thuốc độc. Nếu bạn muốn, hãy uống. Trong khi uống, bạn sẽ được thích thú về sắc, về hương, về vị. Sau khi uống, bạn có thể đi đến chết hay đau khổ gần như chết’. Người kia có thể uống, không suy nghĩ, không từ bỏ. Trong khi uống, người ấy được thích thú về sắc, về hương, về vị. Sau khi uống, người ấy có thể đi đến chết hay đau khổ gần như chết. Này các Tỳ-kheo, Ta nói pháp hành này giống như ví dụ ấy, tức là pháp hành hiện tại lạc, tương lai quả báo khổ”[9].

Như vậy, do không biết thân cận gần gũi các bậc Thánh và các bậc Chân nhân, không được nghe lời khuyên dạy của các bậc Thánh và các bậc Chân nhân, không tu tập theo giáo pháp của các bậc Thánh và các bậc Chân nhân nên kẻ vô văn phàm phu không thiết lập được lòng tin trong các thiện pháp, không có lòng xấu hổ, không có lòng sợ hãi, không có tinh tấn trong các thiện pháp và không có trí tuệ; không phân biệt được đâu là thiện nên theo, đâu là ác cần phải từ bỏ, chấp trì lối sống sai lạc, gây tạo các ác nghiệp (10 ác nghiệp), phải lãnh thọ các quả báo đau khổ ở cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục, tự đánh mất địa vị làm người hiếm có của mình, khiến cho mình phải chìm sâu vào khổ cảnh.
 

Kinh Pháp Cú nói như vầy:

Kẻ ngu si thiếu trí,
Tự ngã thành kẻ thù;
Làm ác nghiệp không thiện,
Phải chịu quả đắng cay
[10].

Nhìn chung, sự sống là một dòng chảy tương tục từ đời này sang đời khác với các hoàn cảnh khác nhau, hoặc may mắn hạnh phúc hoặc bất hạnh khổ đau, hoàn toàn tùy thuộc vào nghiệp duyên mà chúng sinh đã tích tập trong chuỗi các đời sống luân hồi. Được sinh ra làm người là một cơ hội may mắn hiếm có, vì người là sinh loại có lý trí, có nhiều thuận duyên để chuyển đổi vận mệnh của mình so với nhiều loại chúng sinh ở các cảnh giới khác. Mặc dù còn nằm trong vòng khổ đau luân hồi, con người có khả năng và cơ duyên thuận lợi để định hướng và thiết lập lối đi giải thoát của chính mình. Vấn đề là phải nhận ra và khéo vận dụng cơ duyện ấy một cách chính đáng thì mới quyết chắc tương lai tốt đẹp của chính mình.

Dân gian ta có câu: “Lênh đênh qua cửa Thần phù; khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm”.

Cửa Thần phù là cửa chết mà sớm muộn ai cũng phải đi qua. Con thuyền ngũ uẩn nào rồi cũng đến lúc phải tan vỡ và hủy hoại. Số kiếp chúng sinh lênh đênh là thế, có ai thay đổi được? Nhưng con người chết đi không phải là hết. Chết chỉ là khởi đầu một tiến trình mới của sự sống trong luân hồi. Đó chính là lúc con người rời xa cõi đời này, quay về với nghiệp thức của chính mình để tiếp tục một đời sống mới ở cảnh giới này hay cảnh giới khác, tùy theo nghiệp lực mà mình đã tích tập. Chính nghiệp lực thiện hay bất thiện của mỗi cá nhân, tức những hành vi thiện hay bất thiện thuộc ý nghĩ, lời nói và việc làm mà con người đã tích tập sẽ quyết định tính chất cuộc sống tiếp theo. Bậc Giác ngộ tuyên bố: “Cõi ác chờ đợi một tâm tư cấu uế; cõi lành chào đón một tâm hồn thanh tịnh”[11].

Vì thế mà con người cần biết cách sửa soạn tốt cho đời sống tương lai của chính mình, như lời Đức Phật dạy:

Ác hạnh không nên làm,
Làm xong, chịu khổ lụy;
Thiện hạnh, ắt nên làm,
Làm xong, không ăn năn
[12].

Con người may mắn hơn nhiều chúng sinh khác ở chỗ có đủ hiểu biết và lý trí để cân nhắc và quyết định tương lai của chính mình. Không ai có quyền ban phúc hay giáng họa cho con người. Chỉ có ý thức và hành động của con người quyết định hạnh phúc hay khổ đau của chính người ấy. Nói cách khác, chỉ có con người tự gây họa cho chính mình bằng lối sống sai trái xấu ác hoặc kiến tạo hạnh phúc cho mình bằng nếp sống chơn chánh hiền thiện. Nhận thức rõ như thế thì con người sẽ có lòng tin trong các thiện pháp, có lòng xấu hổ, có lòng sợ hãi, có tinh tấn trong các thiện pháp và có trí tuệ, sẽ thiết lập được lối sống sáng suốt hiền thiện đưa đến hạnh phúc an lạc, gọi là khéo tu thì nổi.

Trái lại, không quan tâm tìm hiểu và nhận thức rõ quy luật nhân quả nghiệp báo của sự sống thì sẽ không có lòng tin trong các thiện pháp, không có lòng xấu hổ, không có lòng sợ hãi, không có tinh tấn trong các thiện pháp và không có trí tuệ, sẽ rơi vào lối sống mê lầm xấu ác dẫn đến bất hạnh khổ đau, gọi là vụng tu thì chìm.

 


Chú thích:

1. Kinh Khiếp đảm và sợ hãi, Trung Bộ.
2. Kinh Một pháp, Tăng Chi Bộ.
3. Kinh Hiền ngu, Trung Bộ.
4. Kinh Lỗ khóa, Tương Ưng Bộ.

5. Kinh Người, Tương Ưng Bộ.
6. Kinh Ví dụ với nước, Tăng Chi Bộ.
7. Kinh Pháp Cú, kệ số 69, 119.
8. Đại kinh Pháp hành, Trung Bộ.
9. Đại kinh Pháp hành, Trung Bộ.
10. Kinh Pháp Cú, kệ số 66.
11. Kinh Ví dụ tấm vải, Trung Bộ.
12. Kinh Pháp Cú, kệ số 314.


Theo Văn hoá Phật giáo số 277 ngày 15-07-2017

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm