Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Vai trò của Phật giáo đối với Tổng hạnh phúc quốc gia

Thành tựu được Tổng hạnh phúc quốc gia là niềm mong ước của tất cả người dân trong một quốc gia. Mọi công dân ở Bhutan cần nên nỗ lực để có thể trở nên văn minh, có tri thức và được giáo dục tốt cả về những căn nguyên bên trong, những điều kiện khách quan bên ngoài và những ảnh hưởng vào hạnh phúc thông qua các phương pháp mang tính hệ thống và thực tiễn.
Mục lục
 Bhutan, đất nước hạnh phúc nhất thế giới - Ảnh minh họa
Để đạt được toàn giác và hạnh phúc rốt ráo, Phật giáo yêu cầu phải thực hiện vô số phương tiện thiện xảo. Chính điều đó khiến cho mục tiêu trở nên khó khăn hơn. Đồng thời nó cũng giải thích tại sao Tổng hạnh phúc quốc gia là điều không thể đạt được trừ khi triết lý Phật giáo được mỗi người dân Bhutan tiếp thu và thực hiện một cách đầy đủ và hiệu quả. Nuôi dưỡng hạnh phúc là mục tiêu duy nhất của triết lý và pháp hành Phật giáo. Hạnh phúc có thể đạt được ở phương diện cá nhân hay tập thể thông qua nhiều con đường và phương thức được quy định trong giáo pháp. Hạnh phúc là một phẩm chất của tâm, nó xuất phát từ trạng thái tích cực, bao gồm những suy nghĩ không bao giờ làm tổn thương người khác, mong muốn giúp đỡ và hỗ trợ những người xung quanh, cảm thấy hài lòng, thỏa mãn với cuộc sống của chính mình.
Muốn đạt được hạnh phúc, ta cần chú ý đến việc phát triển tâm thức, làm cho tâm trở nên sáng suốt, thông tuệ và văn minh hơn. Muốn vậy, ta phải nỗ lực thực hành theo các triết lý liên quan đến lời dạy của Đức Phật. Ngoài ra, hạnh phúc có được nhờ khả năng nhận diện những suy nghĩ và hành động trong cuộc sống hàng ngày, cũng như những nhân, duyên có tác động, ảnh hưởng sâu sắc đến những suy nghĩ và hành động ấy. Bất kỳ ai khát khao, mong muốn hạnh phúc cũng nên nhìn thấy sự tương quan giữa hạnh phúc và khổ đau, từ đó chuyển hóa và thực hành một cách miên mật hơn.
Nhìn chung, hầu hết các triết gia, những vị thức giả và những bậc giác ngộ đều đồng ý rằng thành tựu được mục đích lớn lao và mục tiêu tối hậu trong cuộc sống là đạt được hạnh phúc. Có hai loại hạnh phúc: hạnh phúc tuyệt đối và hạnh phúc tương đối. Hạnh phúc tuyệt đối là trí tuệ của bậc toàn giác, ở đó sự rỗng lặng và lòng từ bi luôn tồn tại song song như hai đức tính không thể tách rời, trường tồn và vĩnh cửu. Trái lại, hạnh phúc tương đối được định nghĩa như một trạng thái có được từ việc không gây hại, giúp đỡ người khác và cảm thấy hài lòng, thỏa mãn. Tuy vậy, hạnh phúc tương đối thì vô thường, và có thể thay đổi phụ thuộc vào hoàn cảnh.
Hạnh phúc tương đối bao gồm hai phạm trù: hạnh phúc thuộc về vật chất và hạnh phúc thuộc về tinh thần. Hạnh phúc thuộc về vật chất xuất hiện khi ta được đáp ứng đầy đủ những nhu cầu về thực phẩm, y phục và chỗ ở. Một khi những nhu cầu căn bản này được đáp ứng thì phần còn lại sẽ phụ thuộc vào trạng thái tinh thần. Có thể nói đây là nguồn lực chính tạo ra hạnh phúc.
Con người có thể khởi lên hàng nghìn khuynh hướng và trạng thái tâm thức khác nhau. Một số trong đó có thể rất tích cực và hữu ích, những khía cạnh này của tâm cần phải được nuôi dưỡng và phát triển nhiều hơn. Ngược lại, những khuynh hướng khác của tâm mà chúng tiêu cực và bất thiện thì cần phải giảm thiểu, chuyển hóa và loại bỏ. Vì vậy, để tìm kiếm hạnh phúc chân thật thì bước đầu tiên là nhận diện và hiểu rằng hạnh phúc không thể tự nhiên mà có được. Phải nỗ lực, cố gắng để làm chủ các cảm xúc tiêu cực và thấy được rằng chúng là bất thiện, là ác nghiệp, làm tổn hại không những cho một cá nhân mà còn cho cả một xã hội, rộng hơn nữa là môi trường trên toàn thế giới. Để đạt được hạnh phúc chân thật, một người cần phải thay đổi cách nhìn và kiểm soát những suy nghĩ hàng ngày và các trạng thái tâm thức phức tạp và đa dạng.
Nếu xem xét các việc này, chúng ta thấy rằng một trong những động lực quan trọng nhất đối với việc phát triển Tổng hạnh phúc quốc gia có liên quan mật thiết đến thái độ cố gắng không làm tổn hại người khác. Triết lý Phật giáo cũng cho rằng nếu một người khát khao, mong muốn có được hạnh phúc thì người đó phải tìm kiếm những nguyên nhân và điều kiện đúng đắn làm khởi sinh hạnh phúc.
Mỗi một người dân Bhutan phải tự rèn luyện bản thân mình và phát triển thái độ mong muốn giúp đỡ người khác. Việc gieo trồng hạt giống thiện lành là hoạt động chính yếu của một vị Bồ-tát, những khía cạnh của tâm thức cũng là điều cần thiết đối với việc tạo ra hạnh phúc cho toàn xã hội. Nếu mỗi công dân đều gieo trồng và nuôi dưỡng hạt giống của sự cảm thông, yêu thương thì cánh cửa trong tâm sẽ rộng mở theo hướng tỉnh thức hơn, và thông qua tiến trình này, một người có thể làm việc một cách ý nghĩa hơn vì lợi ích của những người khác.
Ngài Drik Gyalpo Jigme Singye Wanchuck đã giải thích nguyên lý của tổng hạnh phúc quốc gia liên quan đến khái niệm về hạnh phúc mà Đức Phật đã dạy. Vị vua của nước này đã nói rõ rằng việc đánh giá sự tiến bộ của loài người bằng cách đo Tổng sản lượng quốc gia (GNP) là không thích đáng. Việc đo lường GNP có sự khiếm khuyết vì nó chỉ đề cập đến những hiện tượng hời hợt và bề mặt ở nơi thế giới chúng ta. Đức Phật dạy rằng hướng ngoại hay ỷ lại những yếu tố bên ngoài để có được hạnh phúc là nhầm lẫn và thiếu sót. Triết lý Phật giáo cho rằng việc dựa vào những yếu tố ngoại cảnh và xem chúng như là cội nguồn của hạnh phúc thì chỉ dẫn đến khổ đau. Đức Phật khuyên các Phật tử nên chú ý đến việc phát triển sự an lạc bên trong tâm thức nếu họ mong muốn hạnh phúc thực sự.

Các loại cảm thọ
Theo triết lý Phật giáo, có ba loại cảm thọ: lạc thọ, khổ thọ, và bất khổ bất lạc thọ. Lạc thọ tượng trưng cho hạnh phúc và những điều mà tất cả chúng sanh mong muốn có được từ khi sinh ra cho đến khi chết đi. Tuy nhiên, loại cảm thọ này cũng có mặt trái của nó. Khi tìm kiếm lạc thọ, chúng ta thường bị vướng vào những việc trần tục, chính điều này tạo ra nghiệp xấu ác như tham, sân, si. Đây là ba cảm xúc tiêu cực hay còn gọi là ba độc, chúng là những căn bản phiền não liên quan đến luân hồi của chúng sanh và ngăn cản việc đạt được chân hạnh phúc.
Phương thức hành trì của Phật giáo đóng một vai trò quan trọng đối với việc loại bỏ ba cảm xúc tiêu cực này, chỉ ra con đường và những phương tiện thiện xảo để đạt đến chân hạnh phúc. Tuy nhiên, cũng chính điều này cho ta thấy rằng thông thường, để đạt được hạnh phúc trọn vẹn là vô cùng khó. Bởi vì khó mà kiểm soát lòng tham đối với những thứ khả ái. Đó cũng chính là lý do tại sao triết lý Phật giáo xem con người như một chúng sanh tham đắm đang sống trong thế giới đầy dục vọng này.
Loại cảm thọ thứ hai của tâm là khổ thọ hay đau khổ và được xem là đối nghịch với hạnh phúc.
Cảm thọ được mô tả như là “bất khổ bất lạc thọ” thì không phải hạnh phúc cũng chẳng phải khổ đau nhưng có thể chuyển sang hai loại kia tùy thuộc vào hoàn cảnh, tình huống và hoạt động có liên quan trong một thời điểm nhất định.

 
Tạo ra Tổng hạnh phúc quốc gia thông qua quá trình chuyển hóa tâm thức
Nếu Bhutan muốn tạo ra Tổng hạnh phúc quốc gia thì đòi hỏi cả lĩnh vực kinh tế và tinh thần phải phát triển song song với nhau. Nhưng tinh thần thì nhờ đâu mà mà đạt được? Muốn vậy, quốc gia này phải thực hiện quá trình chuyển hóa tâm thức thông qua hệ thống giáo dục hiện đại và sự tuyên truyền của các phương tiện truyền thông như báo chí, truyền hình hay ra-đi-ô cũng như những phương cách truyền thống để đến được với tất cả mọi người dân. Nếu tất cả dân chúng đều được giáo dục thích hợp về việc phát triển tâm thức, họ sẽ trở nên tốt đẹp cả tinh thần, thể chất và hành động. Cũng do vậy mà họ sẽ ý thức được trách nhiệm của bản thân trong việc tạo ra một thế giới lý tưởng.
Phát triển chương trình giảng dạy, một hệ thống giáo dục sử dụng tài liệu dạy và học đa phương tiện, chính quy và không chính quy, tất cả đều có thể mở đường cho mục tiêu Tổng hạnh phúc quốc gia (GNH).

Lý luận cơ bản
Theo ý tôi, những giải pháp thông thường để tạo ra GNH như dân chúng tham gia vào việc đưa ra quyết định và có một chính quyền tiến bộ, việc phát triển công nghiệp như thủy điện và duy trì sự đa dạng sinh học, văn hóa và môi trường sẽ không mang đến hạnh phúc bền vững, bởi vì hạnh phúc như thế phụ thuộc vào mong muốn của con người có được đáp ứng hay không. Ví dụ, nếu một người vừa mới kéo điện vào ngôi nhà của mình, vị ấy sẽ thấy hạnh phúc giai đoạn đầu, nhưng sau đó, vị ấy sẽ không còn hạnh phúc ấy nữa nếu vị ấy không đủ tiền để chi trả cho hóa đơn. Xã hội phụ thuộc vào người tiêu dùng chứa đựng rất nhiều mâu thuẫn. Những người trong những xã hội ấy liệu có từng hài lòng bao giờ chưa?

 
Dạy cho người khác hạnh phúc: điều này có thể không?
Bởi vì Đức Phật nói rằng “Giác ngộ rốt ráo là hạnh phúc tối thượng” nên câu trả lời là có thể. Tuy nhiên, con người cần phải được dạy coi trọng tinh thần. Để đảm bảo thành công cho hành trình tìm kiếm sự giác ngộ thì cần một kế hoạch được xây dựng kỹ lưỡng và khả thi. Kế hoạch này được thiết lập để phù hợp với tất cả mọi người, từ những nhà quản lý cho đến những người quét dọn. Hãy nghĩ đến trường hợp của những người quét dọn, sự đóng góp của họ cho xã hội sẽ to lớn hơn rất nhiều nếu họ lau sàn nhà với một tinh thần trách nhiệm cao và sự thích thú đối với nơi mà họ sống. Bởi vì họ sẽ tự hào về công việc của họ. Ở cấp độ của những nhà quản lý thì hiệu quả sẽ lớn hơn rất nhiều, vì các nhà quản lý chịu trách nhiệm cho rất nhiều người khác.
 
Tình trạng hiện nay ở Bhutan
Một trong những vấn đề chính hiện nay là khoảng cách giữa mức độ hiểu biết tâm linh và kiến thức thực sự của thế hệ trẻ. Khoảng cách này ngày càng trở nên rộng hơn. Ví dụ, nhiều người trẻ ở Bhutan tham gia buổi pháp hội do các Lama và các Rinpoche tổ chức, nhưng họ không am hiểu và quý trọng ý nghĩa của pháp hội này. Vì thế, ngay bây giờ là thời điểm thích hợp để truyền bá giáo dục tâm linh, nếu không thì chỉ trong một vài năm tới hạnh phúc bên trong có được từ sức mạnh tinh thần sẽ bị lu mờ và phai nhạt. May mắn thay, ở Bhutan, Phật giáo và văn hóa có mối liên hệ hỗ tương khắn khít. Tuy nhiên, mỗi người phải biết quý trọng những giá trị tinh thần và những ứng dụng của chúng trong cuộc sống hàng ngày. Nếu không, khát khao và chân lý không thể dung hòa và mâu thuẫn với nhau, bởi vì gọi là phát triển xã hội tiên tiến, xã hội tìm kiếm hạnh phúc nhưng lại không thể tìm thấy.
Chính phủ không thể tạo ra hạnh phúc cho tất cả mọi người dân bằng cách phát triển kinh tế. Cũng vậy, một người dân không thể có được hạnh phúc bền vững cho chính mình nếu không giác ngộ và không có hướng phát triển đúng đắn. Nỗ lực và cố gắng là việc chung của cả một tập thể chứ không phải chỉ của riêng ai.
Tuy nhiên, nỗ lực tập thể này nên được dẫn dắt bởi tâm thức, mà không phải bởi thân thể hay lời nói. Theo Phật giáo Đại thừa, hạnh phúc bắt nguồn từ lòng vị tha và từ bi. Loại tâm này không những là cội nguồn của hạnh phúc mà còn khiến người khác cảm nhận và trải nghiệm được hạnh phúc. Trong đó, tâm là vua, lời nói là quan đại thần và hành động là quan lính và tùy tùng. Tâm là người tạo tác hay nguồn gốc cả tất cả mọi hành động. Như Đức Phật đã dạy:
“Tâm dẫn dầu các pháp
Tâm làm chủ tâm tạo
Nếu với tâm thanh tịnh
Nói lên hay hành động
Hạnh phúc sẽ theo sau
Như bóng không rời hình”.
Chỉ có thể đạt được GNH chính thức khi tất cả người dân đi theo con đường tịnh hóa tâm thức này. Khi tâm được kiểm soát, thì lời nói và hành động cũng theo đó mà tiến bộ. Đây chính là hạnh phúc căn bản.

Sự ảnh hưởng của nghiệp
Không phải tất cả người dân Bhutan đều có thể hiểu đúng căn nguyên vấn đề và đi đúng con đường, bởi vì họ được sinh ra và mang nghiệp khác nhau. Trong một ý nghĩa nào đó thì sự đa dạng về nghiệp là một điều tốt bởi vì hạnh phúc có thể đạt được bởi những cố gắng khác nhau. Ví dụ, những người nông dân hạnh phúc khi vụ mùa bội thu bởi vì nghề nghiệp của họ là nông dân. Vì vậy, sự đóng góp của họ cho GNH có thể tăng lòng tự hào của họ vì có được mùa màng bội thu. Tương tự, các thương gia có thể đóng góp bằng cách tạo ra lợi nhuận và đầu tư khôn ngoan, và thường dân đóng góp bằng cách thể hiện lòng trung thành và sự cống hiến hết lòng cho công việc của họ; còn những người thực hành tâm linh đóng góp bằng cách đạt được sự giác ngộ.
Theo Phật giáo, nghiệp đóng một vai trò cốt yếu trong việc định hình số phận của con người. Ví dụ, vào thời Đức Phật, nạn đói hoành hành ở Magadha và có nhiều người chết đói. Một trong những đệ tử của Đức Phật, vì lòng từ bi, đã dự định dùng thần thông để biến toàn bộ ngọn núi đất đá thành vàng, mong muốn người dân có thể dùng vàng để mua thực phẩm. Ông đã thỉnh ý Đức Phật về việc biến đá thành vàng này, nhưng Đức Phật từ chối việc này và giải thích rằng nếu đá hóa thành vàng thì nhiều người sẽ chết hơn bởi vì họ tranh giành nhau để lấy vàng.
Tương tự, một vị vua của Tây Tạng vào thế kỷ VIII tên là Muni Tsenpo cảm thấy thương những người dân nghèo và ông muốn họ hạnh phúc bằng cách cho họ lượng tài sản ngang bằng nhau. Trong thời gian tại vị, ông đã bố thí đến ba lần như vậy, nhưng những người nghèo vẫn hoàn nghèo và người giàu thì vẫn cứ giàu. Cuối cùng, vị vua này phải thừa nhận một điều rằng nghiệp lực rất mạnh, người ta phải chấp nhận nghiệp và kèm theo đó là sự nỗ lực của chính họ.
Thông điệp cốt yếu là rằng chính sự nỗ lực của tập thể mọi lúc mọi nơi sẽ quyết định một hành động là tốt hay xấu.

 
Sự tương đồng giữa phát triển kinh tế và chánh niệm
Ngày nay, có nhiều người tin rằng tốc độ phát triển kinh tế hiện nay sẽ góp phần tạo ra và phát triển hạnh phúc. Điều này giống như khởi động một cỗ máy nhỏ và tăng tốc để đạt được những gì mong muốn. Mặt khác, một phương pháp thiên về Phật giáo là sử dụng chánh niệm như một cái phanh để làm giảm tốc độ của cỗ máy để nó không bị mất kiểm soát. Cả hai khía cạnh đều cần thiết và không thể tách rời trong việc đóng góp cho sự thành tựu hạnh phúc. Có được một đời sống hạnh phúc là điểm đến, là mục tiêu của tất cả mọi người. Nhưng phương thức nhanh hay chậm phải được áp dụng với mức ngang bằng nhau để đạt được những gì mong muốn theo cách thành công nhất. Nếu một người hoàn toàn tin tưởng vào chiến lược phát triển nhanh hay chậm như là một phương tiện để đạt được hạnh phúc thì người ấy có nguy cơ thất bại và phá sản trong thời gian dài. Áp dụng triết lý xây dựng sự đồng lòng một cách chậm rãi là phương pháp tốt hơn, khả thi hơn đối với việc phát triển những điều kiện bên ngoài như sự cải tiến về phương thức.

Ba chướng ngại
Có ba chướng ngại làm cản trở con đường đạt lấy hạnh phúc, bao gồm những thứ bên trong, bên ngoài và những chướng ngại giấu mặt.
Những chướng ngại bên ngoài gồm hai loại: nạn đói và chiến tranh. Khi nạn đói hoành hành ở một khu vực nào đó thì nó được xem là thời đại đói kém. Trong suốt giai đoạn này, con người không thể trải nghiệm hạnh phúc bởi vì họ sống trong sự sợ hãi của đói khát và lấy cắp thực phẩm từ những người khác. Hạnh phúc duy nhất của họ nếu có trong thời điểm ấy là có được thức ăn và đồ uống.
Chướng ngại bên ngoài thứ hai là chiến tranh hay mâu thuẫn xảy ra, và nó được biết đến như là thời đại của chiến tranh. Trường hợp này cũng vậy, nó khiến con người không thể có được hạnh phúc, bởi vì trong trường hợp này người ta quan tâm hơn đến việc bị giết hay giết người khác vì nhiều nguyên nhân. Những lời dạy của Đức Phật về việc phi bạo lực có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc tránh những loại bạo lực như thế và giúp phát triển sự cảm thông giữa mọi người bằng cách khiến họ nhận ra lợi ích to lớn của hòa bình và hạnh phúc.
Chướng ngại bên trong của hạnh phúc liên quan đến khổ đau do ốm đau và bệnh tật hay nỗi sợ chết gây ra. Những khổ đau này có thể xuất hiện trước khi con người có cơ hội để hoàn thành quãng đời của họ. Theo Phật giáo, có đến 424 loại bệnh tật khác nhau có thể tấn công một người cả về thể chất lẫn tinh thần. Khi một người gặp phải những chướng ngại này trên đường tìm kiếm hạnh phúc, người ta cho đó là thời đại của bệnh tật. Trong đạo Phật, một người có thể tìm cho mình nhiều giải pháp, bao gồm dùng tâm tỉnh giác, hay năng lực của thiền định để phục hồi những bệnh tật hay ốm đau này. Người ta nói rằng Atisha Dipamkara, một vị Thánh sống vào thế kỷ thứ X, bị đau tay, nhưng khi ông yêu cầu một trong những người đệ tử thân cận nhất của ông cầu an cho ông, thì cơn đau liền biến mất.
Kinh Bồ-tát dạy rằng:
Cầu mong thời đại bệnh tật, nạn đói, và chiến tranh được trở thành yên bình
Cầu mong thời đại hòa bình, thịnh vượng và hạnh phúc được phát triển”.
Chướng ngại giấu mặt cũng ngăn trở hạnh phúc, đó chính là tham lam, sân hận, và si mê. Trong triết lý Phật giáo, chúng còn được gọi là tam độc, và một khi chúng ẩn tàng trong tâm thì cơ hội để có được hạnh phúc rất mong manh. Những cảm xúc này được gọi là tam độc bởi vì chúng có khả năng khiến con người đau khổ cả trong đời này và đời sau. Trong 84.000 pháp được Đức Phật dạy trong suốt 45 năm hoằng hóa, nhiều thông điệp của Ngài về cơ bản tập trung vào việc giúp đỡ nhân loại trừ bỏ tam độc ra khỏi tâm. Những lời dạy ấy được xem như giải pháp cho những chướng ngại giấu mặt.

 
Tứ Thánh đế đối với hạnh phúc tối thượng
Nếu một người thực sự mong muốn hạnh phúc, thì điều đầu tiên là phải nỗ lực ngăn ngừa hoặc loại bỏ những khổ đau nhanh nhất có thể. Cũng như Đức Phật khai ngộ cho năm vị đệ tử đầu tiên khi và chỉ khi họ đã lắng dịu và loại bỏ những khổ đau, lúc ấy hạnh phúc mới phát sinh. Dĩ nhiên hạnh phúc và khổ đau là hai khía cạnh trái ngược nhau và không thể tồn tại đồng thời. Khổ đau không thể trừ diệt nếu còn si mê. Đức Phật đã dạy nhiều bài kinh về nguyên nhân của khổ và giải thích rằng nếu một người thấy được nguyên nhân của khổ, thì ngay lúc ấy họ có thể cảm thấy thoải mái và hạnh phúc. Hơn thế nữa, lúc ấy, họ cảm thấy rất tích cực và khó có thể chờ việc thực hành con đường đưa đến hạnh phúc và giải thoát.
Nguyên nhân chính của khổ đau là tham ái và chấp thủ, đó là thứ trói buộc tất cả mọi chúng sanh trong vòng luân hồi. Mỗi khi tham ái hay khát ái đưa đến chấp thủ còn tồn tại thì ta còn tiếp tục tái sanh và tạo ra những đời sống mới. Lòng tham ái hay chấp thủ này thường liên quan đến nhu cầu về thú vui nhục dục, tìm kiếm sự hỷ lạc chỗ này chỗ kia, sự hài lòng hay thỏa mãn những cảm xúc khác nhau thông qua các giác quan.
Vì vậy, quan trọng là chúng ta nhìn thấu được sự thật về khổ, và nhận ra nguyên nhân, con đường, sự đoạn diệt của nó bằng cách học tập, suy ngẫm và thiền tập. Khi một người khám phá ra những sự thật về khổ đau, người ấy sẽ hiểu được nguyên nhân, con đường đưa đến đoạn diệt và sự đoạn diệt của nó. Đó chính là Tứ Thánh đế, là giáo lý trọng yếu của Đức Phật có thể giúp chúng ta đạt được hạnh phúc tối thượng.

 
Những nguyên nhân và điều kiện của Tổng hạnh phúc quốc gia
Triết lý Phật giáo giải thích rằng không có gì tự nhiên xuất hiện mà không có lý do, và khi các duyên đã hội đủ thì không gì có thể ngăn cản được quá trình trổ quả. Đạo Phật nhấn mạnh điều này nhằm khiến cho mọi người hiểu rõ và áp dụng vào đời sống hàng ngày. Đạo Phật cũng dạy rằng con đường đưa đến hạnh phúc chính là giải thoát khỏi khổ đau, và điều này cũng bao gồm cả sự hiểu biết sâu sắc về bản chất của sự hiện hữu.
Quan điểm của đạo Phật cho rằng có nhiều nhân duyên gây nên sự tái sinh trong vòng luân hồi bất tận. Nhưng con người có khả năng kết thúc vòng trầm luân này thông qua việc hiểu rõ bản chất thật sự của khổ đau. Đối với người Bhutan, một sự hiểu biết về mối quan hệ giữa nhân, duyên và quả là yếu tố quyết định đối với những yêu cầu hạnh phúc của mỗi cá nhân.
Bởi vì các duyên bên trong và các duyên bên ngoài hỗ tương nhau nên mỗi người dân Bhutan nên được trang bị và giáo dục về chúng để có thể đóng góp vào hiệu quả to lớn của GNH. Điều này bao gồm cả những thứ mà chúng ta không thể tự làm cũng như những thứ mà chúng ta có thể làm để giúp đỡ và hỗ trợ những người khác. Mỗi người nên được dạy và làm mới từng giây từng phút về sự ích lợi của hành động và việc làm được đặt trong yêu cầu của nhân và duyên. Mặc dù có vô số nguyên nhân bên trong nhưng chúng ta có thể nói cô đọng lại thành ba nguyên nhân căn bản cho sự hiểu biết rõ ràng hơn:
(a)  Thái độ bất hại (nguồn tự giải thoát hay hạnh phúc cá nhân)
(b) Thái độ giúp đỡ người khác (nguồn của tâm tỉnh giác hay cội nguồn của hạnh phúc cho tất cả chúng sanh hữu tình)
(c)  Sự mãn nguyện (nguồn của sự thỏa mãn hay hoan hỷ)
Nói chung, các duyên bên ngoài có thể là bất kỳ sự phát triển hay chính sách nào được thiết lập bởi chính phủ, mà chúng đưa đến một hoàn cảnh tốt hơn cho mọi người. Các duyên bên ngoài có thể tóm tắt thành 5 mục khác nhau như được liệt kê bên dưới:
(a)  Giáo dục (nguồn tri thức và trí tuệ)
(b) Chính quyền tốt (nguồn công bằng)
(c)  Đẩy mạnh phát triển văn hóa (nguồn tâm linh hay tính đồng nhất)
(d) Tăng trưởng kinh tế (nguồn thịnh vượng hay hạnh phúc về vật chất)
(e)  Bảo vệ môi trường (nguồn hòa hợp).
Phát triển thái độ bất hại nghĩa là chánh niệm và tỉnh giác đối với chính mình. Nếu một người mê mờ đối với tự thân thì đó là mối nguy cho cả bản thân và rộng hơn là xã hội, và hơn nữa gây tạo lỗi lầm có thể dẫn đến sự bất mãn hay không hạnh phúc cho tự thân và mọi người xung quanh. Nguyên tắc bất hại bàng bạc trong Phật giáo Nguyên thủy, trong khi sự phát triển thái độ giúp đỡ người khác được hàm chứa trong Phật giáo Đại thừa. Tuy nhiên, phương pháp thực tập để phát triển hạnh phúc được tìm thấy ở cả hai trường phái.
Ở phương Tây ngày nay hay thế giới hiện đại, sự phát triển đã đạt đến điểm mà hàng ngàn sự lựa chọn và tiện nghi dễ dàng nằm ở trong tầm tay của con người. Nhưng bởi vì sự mê mờ không thấu hiểu bản chất nhân và duyên của hạnh phúc cho nên con người không thể thấy rõ được bản thân họ. Những xã hội phát triển này được thuyết phục rằng chỉ tăng trưởng kinh tế và sự giàu có không thôi thì không bao giờ có thể mang lại hạnh phúc trọn vẹn, mà chỉ dẫn đến sự không thỏa mãn và tiếp tục tham lam. Sự thành tựu về kinh tế được xem như là duyên từ bên ngoài của hạnh phúc, và đối với các triết gia và hàng trí thức nó chỉ được xem như là thứ yếu và phụ trợ. Chân hạnh phúc an trú trong tâm và được tạo ra từ thái độ và hành động đúng đắn. Hạnh phúc không phải là một hiện tượng ở bên ngoài.
Như Acharya Aryadeva đã nói:
“Tất cả các hiện tượng bên ngoài là ngẫu nhiên và duyên sinh. Hạnh phúc và hy vọng nằm ở nơi thái độ và ước vọng đúng đắn”.
Hạnh phúc có thể được đo bằng sự bằng lòng của con người đối với những gì mà họ có và những nguyên tắc bên trong họ chứ không phải ở số lượng vật chất mà họ tích góp được. Đối với một người Phật tử, hạnh phúc không thể được đo lường dựa vào những vật chất hay hàng hóa mà họ sở hữu, những thứ này chỉ mang đến nhiều bất an hơn bởi vì phải quan tâm nhiều hơn để bảo vệ chúng. Tâm sẽ trở nên ô nhiễm bởi những mong muốn có thêm nhiều vật chất và của cải. Điều này xảy ra vì một người không ý thức được các căn nguyên bên trong của hạnh phúc.
Thực hiện theo nguyên tắc biết đủ không có nghĩa là con người không thể trở thành giàu có hay không thể đáp ứng những nhu cầu cần thiết của cuộc sống. Nếu ai đó có tâm biết đủ, họ sẽ trở nên khôn ngoan hơn trong việc sử dụng tài sản cho những việc ý nghĩa và sẽ biết trân quý những gì mà mình có, như thế hạnh phúc sẽ xuất hiện. Đối với những người chỉ dựa vào những duyên bên ngoài để tìm kiếm hạnh phúc, họ sẽ tìm thấy loại hạnh phúc tạm bợ và phù phiếm. Một giải pháp Phật giáo đối với hạnh phúc bảo đảm rằng hạnh phúc đó sẽ bền vững.

Thái độ bất hại
Như đã đề cập ở trên, một trong ba nguyên nhân bên trong bao gồm cả thái độ không làm tổn hại người khác. Đó là cội nguồn của hạnh phúc và giải thoát cá nhân. Đức tính này cần phải được học tập, rèn luyện và sau đó phát triển trong tâm vì nó hình thành hạnh phúc cơ bản. Ba cánh cửa thân, khẩu, ý  nên được rèn luyện bởi vì những thứ có hại có thể xuất phát dễ dàng từ ba cánh cửa này. Khi chúng ta xem xét ai đó, chúng ta phải chú ý đến cả hai loại là năng động và thụ động. Có người sẽ thắc mắc tại sao thái độ bất hại này lại cần thiết đối với những ai mong cầu hạnh phúc. Đó là bởi vì người Phật tử tin rằng mỗi chúng sanh đều có hai loại cảm thọ là đau đớn hay vui vẻ, tự thân mỗi người cũng đều trải nghiệm những cảm giác như thế.
Điều cực kỳ quan trọng là thiết lập một xã hội không có sự gây hại và thoát khỏi nỗi sợ bị gây hại giống như cộng đồng Tăng Ni lý tưởng. Ở Bhutan, một cộng đồng không có bạo lực có thể xây dựng được, vì chúng ta là Phật tử và ưa chuộng hòa bình. Hơn nữa, Bhutan được trị vì bởi vị vua Bồ-tát sáng suốt, ngài Druk Gyalpo Jigme Singye Wangchuck đáng kính.
Người Phật tử tin rằng việc phá hủy môi trường sẽ dẫn đến khủng hoảng xã hội. Dựa trên những quan điểm này, đạo Phật đề ra nguyên tắc không làm tổn hại người khác.
Theo Phật giáo, nguyên tắc bất hại cũng áp dụng cho nhiều khía cạnh của môi trường chẳng hạn như năm yếu tố đất, nước, lửa, gió và không khí, cũng như núi, rừng, sông và hồ, tất cả những gì hỗ trợ trực tiếp hay gián tiếp cho con người bằng cách nuôi dưỡng hay cung cấp các tài nguyên thiên nhiên. Những thứ này cũng đóng góp về kinh tế cho quốc gia bằng nhiều cách. Đạo Phật tin rằng những thảm họa không mong muốn sẽ xảy ra trên thế giới nếu môi trường bị lơ là và tàn phá. Đó là lý do tại sao các Phật tử rất chú ý việc trân quý môi trường và cố gắng giảm thiểu mọi sự tổn hại đến chúng.
Nếu muốn hạnh phúc sinh khởi trong tâm của tất cả những người dân Bhutan, thì điều quan trọng nhất nên được xem xét là chuyển hóa tâm thức để phát triển thái độ không làm tổn thương tất cả những người mong cầu hạnh phúc. Các nhà lãnh đạo nên đặt mục tiêu và các chính sách cho cơ chế phát triển liên quan đến thái độ không làm tổn hại người khác như đã được đề ra trong triết lý Phật giáo.
Nếu không có những việc làm để những ý tưởng này trở thành hiện thực thì hạnh phúc sẽ không thể đạt được; việc đạt được hạnh phúc không chỉ dựa vào việc nói về hạnh phúc hay cầu nguyện hạnh phúc. Như Đức Phật đã dạy:
“Lấy bản thân mình làm ví dụ, (nếu mình sợ) khổ đau thì nên cố gắng không làm tổn hại người khác”.

Thái độ giúp đỡ người khác
Nguyên nhân thứ hai có thể góp phần vào việc có được hạnh phúc là phát triển thái độ giúp đỡ người khác. Điều này thực sự là một sự hiểu biết cao cả nhất, là cội nguồn của hạnh phúc toàn cầu. Bản chất cốt yếu của lối thực hành hay thái độ này là có một tấm lòng rộng lớn, giàu tình thương và nhận ra rằng tất cả chúng sanh đều cần được yêu thương và giúp đỡ. Đây là một trong những triết lý chính yếu của Phật giáo Đại thừa và quan điểm này đã tồn tại trong nhiều thế kỷ ở Bhutan. Một người có thái độ như vậy thì được xem là một vị Bồ-tát và nhanh chóng trở thành một người có lòng từ ái và thương yêu người. Yêu thương và quan tâm một cách bình đẳng, họ làm việc không ngừng nghỉ vì trách nhiệm cao cả mà không khởi lên bất kỳ suy nghĩ nào không trong sáng và bất minh.
GNH có thể được xây dựng bằng trí tuệ và thái độ này. Nếu những khía cạnh này được phát triển thì người dân Bhutan có thể hiểu được làm thế nào để đạt được hạnh phúc bởi vì đó là một khái niệm có thứ lớp. Người Phật tử nói rằng cuộc sống chỉ có một, và chúng ta có thể sống vì tất cả trong mối quan hệ tương thuộc. Vì vậy, thật quý giá khi làm việc cho những điều cao thượng chứ không phải cho riêng bản thân mình.
Để phát triển thái độ ưu việt này, đầu tiên nên suy nghĩ về pháp hành và lời dạy của giáo pháp Đại thừa, và sau khi nhìn thấy những lợi ích của việc giúp đỡ người khác, hãy dấn thân vào con đường lý tưởng đã được đề ra thông qua bốn phương pháp và sáu thành tựu trong quá trình thực hiện GNH.
Triết lý Phật giáo Đại thừa cũng cho rằng hạnh phúc có được từ sự giúp đỡ người khác. Tuy nhiên, điều không thể thiếu là phải có những hướng dẫn đúng đắn cho việc thực hành các phương pháp và các chính sách tạo ra thái độ giúp đỡ người khác. Chỉ một số người có thể được giáo dục về việc phát triển thái độ giúp đỡ người khác, và ngay trong nhóm người này, có rất ít người có thể nhận ra lợi ích này; và càng ít người hơn có thể thực hành sự hỗ trợ đạo đức này, điều mang lại sự khích lệ để giúp đỡ người khác.
Thái độ này cần nên có và cần được thực hành, đặc biệt đối với những người làm chính sách và đưa ra các quyết định, khi điều này sẽ trao cho họ thêm sức mạnh trong việc hướng dẫn quần chúng. Cần nên tổ chức những chương trình mà chúng đem đến cho mỗi và mọi thành viên cơ hội học hỏi hoặc trong một nhóm hoặc xa hơn nữa là việc học của riêng họ thông qua người cố vấn có thẩm quyền và đáng tin cậy. Sau đó, tùy vào kiến thức và kinh nghiệm của họ, họ nên chia sẻ và truyền đạt kiến thức ấy cho những người có quan hệ gần gũi với họ.

Sự hài lòng
Nguyên nhân thứ ba của hạnh phúc là sự hài lòng, cội nguồn của việc nhận thức rõ và khả năng của hoan hỷ. Hạnh phúc có thể được đo lường bằng sự hài lòng và có chức năng như một giải pháp cho những cảm thọ tham, ganh tỵ và keo kiệt. Một người biết đủ sẽ hiểu rõ và hoan hỷ đối với sự giàu có và vận may của người khác khi biết rằng giàu có là kết quả của những nghiệp lành đời trước. Vì vậy, thể hiện sự hài lòng cũng bao gồm cả khía cạnh của trí tuệ, suy nghĩ tốt về của cải và sở hữu của người khác mà không có sự tham lam đối với chúng. Một người không biết đủ thì chỉ biết làm tăng thêm nhu cầu của bản thân và thường vô cùng khổ sở do vì  luôn mong muốn đạt được những thứ mình muốn, hết cái này đến cái khác mà không có điểm dừng.
Lại nữa, điều này trái ngược với hạnh phúc bởi vì những suy nghĩ trong thâm tâm luôn bị ô nhiễm bởi những ý định lừa gạt, dối trá hay có mưu đồ đạt lấy những thứ mà ta cảm thấy cần. Một người không biết đủ thì không thể hạnh phúc bởi vì họ sẽ luôn có cảm giác chưa bao giờ đủ. Họ cũng sẽ không thể phát triển những phương cách tốt cho việc tạo ra của cải ở giai đoạn đầu, họ sẽ khổ đau ở giai đoạn giữa vì sợ gặp phải các chướng ngại mà chúng khiến họ mất khả năng đạt lấy những gì mong muốn, và họ sẽ đau khổ ở giai đoạn cuối bởi vì sự lo lắng không cần thiết liên quan đến sự mất mát của cải. Tất cả những nỗi khổ này xuất hiện vì thiếu sự bằng lòng. Sự bằng lòng giống như một đường thẳng cân bằng giữa nhu cầu và sự hài lòng.
Nhiều người hiểu nhầm khái niệm về sự hài lòng. Một người biết hài lòng không có nghĩa rằng họ sẽ từ bỏ mọi thứ và phủ nhận những nhu cầu cơ bản để tồn tại. Biết hài lòng nghĩa là người ta có thể bằng lòng với bất cứ thứ gì họ có và giảm thiểu những nhu cầu và mong muốn đối với quá nhiều thứ.
Nhiều người cảm thấy khó khăn với việc đo lường mức độ giàu có và của cải. Tuy nhiên, từ cái nhìn của Phật giáo, có thể đo lường được người giàu bằng cách xem xét họ có thấy thỏa mãn hay không. Vào thế kỷ XII, có một vị vua Trung Quốc muốn biết ai là người giàu nhất ở Tây Tạng vào thời bấy giờ. Câu trả lời được đưa ra là nhà Du-già Milarepa là người giàu nhất. Điều đó hàm chỉ ý nghĩa rằng mặc dù về vật chất ông rất nghèo, nhưng về tinh thần thì ông cực kỳ giàu có và cảm thấy bằng lòng với bất cứ thứ gì mà ông tìm thấy trên con đường tâm linh. Ông là người hạnh phúc nhất thời đại đó. Như Đức Phật đã dạy: “Sự thể hiện tốt nhất về giàu có là lòng biết đủ. Và giác ngộ là sự thể hiện tối thượng đối với việc đo lường hạnh phúc”. 
Khenpo Phuntsok Tashi
- Nhuận Ngọc 
dịch
(Nguồn: bhutanstudies.org.bt)
Theo GIÁC NGỘ online

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm