Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Nếp sống đạo đức, lành mạnh của người Phật tử

Đối với hàng Phật tử tại gia, năm giới là năm điều học căn bản để tạo dựng nên một nếp sống đạo đức, tốt đẹp và lành mạnh. Không chỉ trong đạo Phật mà năm điều đạo đức này còn là năm điều kiện để tạo dựng một xã hội an lành, trật tự và phát triển bền vững.
Mục lục
Nếp sống đạo đức, lành mạnh của người Phật tử

 

Đạo đức là điều kiện để tạo dựng một xã hội an lành, trật tự và phát triển bền vững - Ảnh minh họa

Năm giới gồm: 1- Từ bỏ sự hại chết sinh mạng. 2- Từ bỏ việc lấy của không cho. 3- Từ bỏ hành vi tà vạy gian dâm. 4- Từ bỏ lời nói dối. 5- Từ bỏ sự uống rượu và các chất say. (1)

Người sống thiện hạnh, luôn sống trong thiện pháp, năng gìn giữ giới hạnh, trau dồi đạo đức, hạnh kiểm thì hẳn nhiên không bao giờ cảm thấy gánh nặng của sợ hãi và hổ thẹn. Trái lại, gánh nặng này đè lên tâm của người ác, người phá năm giới suốt ngày đêm, khiến họ ăn không ngon, ngủ không yên. Vì thế, Đức Phật dạy rằng việc gìn giữ năm giới sẽ đem đến năm sự lợi ích: 1- Do nhân không dễ duôi nên đạt được tài sản lớn. 2- Danh thơm tiếng tốt đồn xa. 3- Đi đến bất cứ hội chúng nào cũng dạn dĩ ung dung. 4- Chết không hôn mê. 5- Sau khi thân hoại mạng chung sẽ sinh vào nhàn cảnh cõi trời. (2)

Ai không hại sinh linh/ Không nói láo ở đời/ Không lấy của không cho/ Không đi đến vợ ngưi/ Ngưi nào không đm say/ Rưu men và rượu nấu/ Ðoạn tận năm hận thù/ Ðược gọi là có giới/ Mạng chung, sinh trí tuệ/ Ðược sinh lên cõi lành. (3)

Trong 45 năm thuyết pháp, Đức Phật đã dành nhiều thời giờ để trực tiếp nói chuyện với những gia chủ sống tại gia, có vợ con, nhiều tài sản. Đối với những người như vậy, Đức Phật luôn luôn khuyến cáo họ sống đạo đức, sống thiện, giữ năm giới. Vì thế, chúng ta cần tìm hiểu xem năm giới cấm mà Đức Phật khuyên dạy trong đời sống thực tiễn, nên áp dụng như thế nào cho đúng đắn với tinh thần của Phật giáo.

1. Tránh xa sự sát sinh

Đứng đầu là giới không sát sinh, yêu cầu mọi người chớ có tự mình giết hay bảo người khác giết. Bảo vệ, tôn trọng giá trị của sự sống, đó là một khái niệm trung tâm của đạo đức Phật giáo. Cống hiến lớn lao của đạo Phật là tôn trọng mạng sống muôn loài chúng sinh, chứ không phải chỉ riêng mạng sống của loài người. Đức Phật lên án mọi hình thức hủy hoại sự sống, Ngài từng lên án tập tục tế đàn của đạo Bà-la-môn vì giết hàng trăm dê, cừu, bò để cúng thần linh.

Chú giải Pháp cú kể rằng: Ngày xưa có người lính thấy cô vợ quá đẹp của người khách trọ nên bày kế độc giết hại người chồng để cướp người vợ. Do ác nghiệp nặng nề nên mạng chung người lính bị đọa địa ngục A-tỳ, chịu cực hình khổ sở rất lâu, bị đánh như thế liên tiếp một trăm kiếp(4).  Một câu chuyện khác, có cô gái vì giết cừu để đãi bạn mà phải sinh vào địa ngục đau khổ vô vàn, sau đó còn phải bị cắt cổ vô số lần bằng với số lông cừu đã giết (5).

2. Tránh xa sự trộm cướp

Nói về giới trộm cướp, không phải chỉ là trộm cướp mà còn gồm cả những hành vi như buôn lậu, tham nhũng, lừa đảo, lật lọng trong buôn bán để kiếm lợi bất chính, lạm dụng hay chiếm dụng của công… Việc tránh sự trộm cướp chính là dạy cho mình nếp sống lương thiện, không tham của người khác và biết đủ với những gì mình đang có. Sống trung thực, lương thiện, tuyệt đối không xâm phạm tới tài sản, của cải của người khác, dù là cây kim, sợi chỉ. Sống biết đủ, bằng lòng với số tài sản của mình, có được nhờ lao động của bản thân, không nghĩ cách làm giàu thêm bằng những cách lừa lọc, không chính đáng, phi đạo đức.

Kinh Tiểu bộ có ghi: Vua Bimbisāra nằm mộng nghe thấy những âm thanh rùng rợn, bất an. Vua đến trình bạch Đức Thế Tôn sự việc này. Đức Thế Tôn giải thích rằng: đó là những quyến thuộc của vua trong thời quá khứ, vì phạm ác nghiệp trộm cắp vật thực nên phải sinh vào làm loài ngạ quỷ đau khổ. Nhờ vua Bimbisāra phát tâm thiết lễ đặt bát vật thực, cúng dường y phục đến Đức Thế Tôn cùng Tăng chúng suốt một tuần lễ tại hoàng cung để hồi hướng phước lành đến thân nhân đang khổ đau trong cõi khổ. Do sự hồi hướng đó, thân nhân thoát kiếp ngạ quỷ, sinh làm chư thiên ở trong sự cai quản của Tứ đại Thiên vương (6).

3. Tránh xa sự tà dâm

Những người nào có hành vi tà vạy, bất chính xấu xa trong quan hệ tình ái mà không phải là vợ, là chồng của nhau, những người ấy vi phạm thuần phong mỹ tục, bị xã hội lên án mà còn vi phạm học giới thứ ba này. Con người hiện đại nếu như không tiết dục sẽ phát sinh những hậu quả như: gia đình tan nát, tỷ lệ ly dị cao, dẫn tới tình cảnh trẻ con sống bơ vơ, thiếu tình cảm, không được giáo dục, thanh thiếu niên phạm tội ngày càng nhiều.

Không vừa đủ vợ mình/ Được thấy giữa dâm nữ/ Được thấy với vợ mình/ Chính cửa vào bại vong. (7)

Vào thời Đức Phật Kassapa, có bốn thanh niên vô công rỗi nghề, chỉ biết ăn nhậu và tung tiền mua chuộc vợ người để tiêu khiển. Cứ như thế họ phạm tội tà dâm, đến lúc mạng chung bị đọa vào địa ngục A-tỳ, bị khổ hình đau đớn trong thời kỳ giữa hai vị Phật ra đời. Vì quả báo ác nghiệp chưa tiêu, tái sinh họ lại bị đọa vào Thiết địa ngục lớn sáu mươi dặm. Mỗi người đều mong muốn đọc lên một câu kệ, nhưng chỉ thốt được một vần đầu, rồi lại rơi vào Thiết địa ngục (8).

4. Tránh xa sự nói dối

Nói dối tai hại nhiều mặt, nhất là ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín cá nhân, đến sự ổn định xã hội. Con người chỉ có thể sống chung an lạc trong bầu không khí tin cậy lẫn nhau, mọi người đều nói thật. Nếu mọi người đều nói dối thì đó là dấu hiệu sụp đổ của một xã hội. Một người đã sống không thật với người khác và với bản thân mình thì sẽ không bao giờ tìm đến sự thật, chứ đừng nói chứng ngộ sự thật.

Cũng vậy, này Rāhula, đối với ai biết mà nói láo, không có tàm quý, thời Ta nói rằng người ấy không có việc ác gì mà không làm. (9)

Trong thời Đức Phật Kassapa, có hai anh em, người anh tên Sodhana, người em tên Kapila. Cả hai đều có đức tin trong sạch nơi Tam bảo, xin xuất gia trở thành Tỳ-khưu. Khi xuất gia, Tỳ-khưu Sodhana hành thiền và đắc quả A-la-hán. Còn Tỳ-khưu Kapila được học thông kinh điển, có đông đồ chúng và được nhiều lợi dưỡng. Say sưa với kiến thức của mình và bị ma tham danh chi phối, Kapila trở nên tự phụ. Khi người ta nói đúng thì Kapila bảo sai, khi người ta nói sai thì Kapila bảo đúng, việc có tội Kapila nói là vô tội, việc vô tội cho là có tội v.v… Về sau lâm chung, Kapila với thái độ như thế đã vào ngục Avīci. Kapila thọ khổ trong ngục Avīci suốt vô số kiếp trôi qua trong thời gian giữa hai vị Phật. Do dư báo của nghiệp ác, về sau tái sinh làm con cá nơi dòng sông Aciravatī có màu vàng óng nhưng hơi thở hôi thối vô cùng. (10)

5. Tránh xa sự uống rượu và các chất say

Tác hại của say nghiện thì ai cũng biết, tỷ lệ tai nạn giao thông, các vụ tội phạm, vô vàn bệnh tật do say nghiện tăng cao tới mức báo động.

Này Gia chủ tử, đam mê các loại rượu có sáu nguy hiểm: Tài sản hiện tại bị tổn thất, đu tranh tăng trưởng, bệnh tật dễ xâm nhập, thương tổn danh dự, để lộ âm tàng (lõa lồ thân thể), và thứ sáu là trí lực tổn hại. Này Gia chủ tử, đam mê các loi rượu có sáu nguy hiểm như vậy. (11)

Một người bình thường không dám làm việc ác, nhưng một khi người ấy uống rượu bia và các chất say vào bị kích thích, không còn tự chủ, trở thành người hung hăng, liều lĩnh, dám làm mọi ác nghiệp như sát sinh, trộm cắp, tà dâm, chửi rủa.

Chuyện kể rằng, trong kinh thành Bārāṇasī thời ấy, vào ngày giới hàng tháng, người ta không sát sinh, cho nên người đầu bếp phải mua thêm thịt vào trước ngày giới, để dành phần cho ngày hôm sau. Do sơ suất, ông cất giữ món thịt ấy không cẩn thận, nên bị con chó ăn mất hết. Ông đã cố gắng làm những món ăn thơm tho ngon lành xong, mà chưa dám đem dâng lên đức vua. Ông vào tâu với hoàng hậu và được bảo rằng: vua yêu mến hoàng tử lắm, cứ cho hoàng tử ngồi chung với vua thì vua sẽ không để ý. Theo kế hoạch, hoàng tử được đặt ngồi trên vế của đức vua. Tuy nhiên, khi vua ngự thiện, trong cơn say rượu và thèm thịt, vua đã giết hoàng tử và ra lệnh làm món ăn cho vua thưởng thức. Sáng ngày hôm sau thức dậy, tỉnh cơn say, vua muốn gặp hoàng tử nên hỏi thăm mới biết sự thật như vậy. Khi đã nhận thức rõ tội ác khủng khiếp phát sinh từ rượu, vua bèn chắp chặt đôi tay đưa lên trán, phát nguyện rằng: “Kể từ kiếp này về sau, trẫm nguyện sẽ không bao giờ uống rượu nữa, để không còn thấy cảnh tự làm khổ mình và làm khổ những người thân yêu”. (12)

Người cư sĩ sống tại gia, có những điều mà xã hội vẫn xem là hành xử tốt đẹp lương thiện (như uống rượu mừng trong lễ tiệc chẳng hạn), nhưng xét về mặt đạo đức Phật pháp hay nhân quả nghiệp báo thì những điều ấy có thể vẫn gây ác nghiệp đưa đến quả báo khổ đau. Do đó, người cư sĩ cần phải có lòng hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi, để tu tập giữ giới cho tốt đẹp. Khi có sự hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi thì tự nguyện giữ giới, không cần sự bắt buộc.

Trên đây là năm giới cấm dành cho người Phật tử tại gia, được xem như là năm lối sống đạo đức, giúp hoàn thiện nhân cách để xây dựng một nếp sống lành mạnh, an lạc cho tự thân, gia đình và xã hội. 

Bhik.Samādhipuñño Định Phúc

-------------

1: Tăng chi bộ kinh, kinh Sợ hãi hận thù (A.iii.204). 
2: Kinh Phật tự thuyết, kinh Dân làng Pāṭali (Ud.86). 
3: Tăng chi bộ kinh, kinh Sợ hãi hận thù (A.iii.204). 
4: Chú giải kinh Pháp cú, kệ 161 (DhpA.iii.151). 
5:
 Chú giải kinh Pháp cú, kệ 60 (DhpA.ii.19). 
6: Chú giải chuyện Ngạ quỷ ngoài bức tường (PvA.19ff). 
7: Kinh Tập, kinh Bại vong (Sn.18). 
8: Chú giải kinh Pháp cú, kệ 60 (DhpA.ii.19). 
9: Trung bộ kinh, kinh Giáo giới Rāhula (M.i.415). 
10: Chú giải kinh Pháp cú, kệ 334-337 (DhpA.iv.37ff). 
11: Trường bộ kinh, kinh Giáo giới Thi-ca-la-việt (D.iii.183). 
12:Chuyện Bổn sinh Dhammadhaja (J.384; JA.iii.268ff).

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm