Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Ảnh hưởng của phong trào Chấn hưng Phật giáo Việt Nam(1920) đến việc thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam(1981)

Phật giáo Việt Nam vào thời kỳ cực thịnh Đinh, Lê, Lý, Trần hơn 400 năm, nhưng khi bước sang thời Hậu Lê, Phật giáo mất dần ảnh hưởng và không phát triển, càng ngày càng lu mờ do chế độ phong kiến đề cao Nho giáo, Phật giáo ảnh hưởng giai đoạn nầy hơn 300 năm, đến thời kỳ Pháp thuộc Phật giáo bị thế lực Tây phương đàn áp, chèn ép không cho hình thành và phát triển, ảnh hưởng gần 100 năm.
Mục lục


Phật giáo Việt Nam vào thời kỳ cực thịnh Đinh, Lê, Lý, Trần hơn 400 năm, nhưng khi bước sang thời Hậu Lê, Phật giáo mất dần ảnh hưởng và không phát triển, càng ngày càng lu mờ do chế độ phong kiến đề cao Nho giáo, Phật giáo ảnh hưởng giai đoạn nầy hơn 300 năm, đến thời kỳ Pháp thuộc Phật giáo bị thế lực Tây phương đàn áp, chèn ép không cho hình thành và phát triển, ảnh hưởng gần 100 năm.

Tuy nhiên tiềm năng Phật giáo vẫn còn sống mãi trong tâm tư của Tăng Ni, Phật tử Việt Nam, chỉ chờ có cơ hội là tái phát, sinh hoạt trở lại trên mảnh đất Việt Nam là Phật giáo, Phật giáo là Việt Nam như máu với thịt không bao giờ cách ly. Yếu tố thuận lợi tác động từ phong trào Chấn hưng Phật giáo các nước bên ngoài như:

1. Tại Ấn Độ, ngài Dharmapala (1891-1933) người Tích Lan, đã phát tâm trùng tu Bốn động tâm nơi Phật Đản sinh, Thành đạo, Chuyển Pháp luân, Nhập Niết-bàn (Lumbini, Bodhigaya, Sarnath, Kusinara), làm đường vào bốn Thánh địa trên. Ngài còn thành lập Hội Maha Bodhi (Maha Bodhi Society), cho xuất bản nguyệt san Đại Bồ Đề (Maha Bodhi Magazine)...

2. Tại Nhật Bản, vào thời Minh Trị Duy Tân (1868- 1912), Phật giáo được phân định như sau: Tăng có hai: Tân Tăng, sinh hoạt theo mọi hình thức xã hội; Thanh tịnh Tăng, tu trì tại các tu viện, thiền viện, tự viện, các đại bản sơn... Phật pháp được phát triển qua các tông: Thiền, Tịnh và Pháp Hoa...

3. Tại Trung Quốc, với cuộc Cách mạng Tân Hợi năm 1911 của Tôn Dật Tiên, chủ trương chính sách Tam dân: Dân tộc - Dân quyền - Dân sinh, nên năm 1913 ngài Thái Hư đại sư chủ trương bốn cuộc cách mạng: Tăng- già, giáo sản, giáo lý và giáo chế. Thành lập Hội Phật giáo Trung Quốc, cho xuất bản tuần san Hải Triều Âm và thành lập nhiều Phật học viện: Vũ Xương, Vũ Hán, Nam Kinh, Phúc Kiến...

Trong nước, nhất là sau khi Tổ Lê Khánh Hòa tham quan nghiên cứu tình hình Phật giáo Campuchia, Hòa thượng Trí Hải tham cứu Phật giáo Hồng Kông và Trung Quốc, đã rút ra những bài học kinh nghiệm cho phong trào Chấn hưng Phật giáo Việt Nam.

Năm 1920, tại chùa Giác Hải ở Chợ Lớn, Tổ Khánh Hòa cùng quý Tổ Từ Phong - Như Nhãn, Huệ Quang, An Lạc, Long Triều... thành lập Hội Lục hòa mục đích đoàn kết hòa hợp cùng tu học, hành trì pháp Phật, trao đổi những kinh nghiệm vào các ngày hiệp kỵ chư Tổ... hằng năm, cho ra đời tạp chí Pháp Âm do Tổ Khánh Hòa làm Chủ bút, tạp chí Phật Hóa Tân Thanh Niên do Hòa thượng Thiện Chiếu làm Chủ bút.

Ý tưởng chấn hưng Phật giáo bắt đầu từ đấy. Như Tổ Khánh Hòa huấn thị: “Phật pháp suy vi là do Tăng-già thất học, trở thành mê tín dị đoan làm trò đùa cho thế gian. Do đó, muốn chấn hưng Phật giáo Việt Nam: Phải chấn chỉnh Tăng-già, thành lập tổ chức duy nhất, đoàn kết, hòa hợp, chung lo Phật sự. Mở trường Phật học đào tạo Tăng tài cho Phật giáo Việt Nam. Phiên dịch kinh điển để truyền bá rộng rãi trong nước. Mở rộng bang giao Phật giáo các nước Campuchia, Lào, Trung Quốc, Nhật Bản. Có như thế mới phát triển Phật giáo được”. Trên đây được xem như là năm nội dung, phong trào Chấn hưng Phật giáo Việt Nam do Tổ Khánh Hòa đề xuất.

Dẫn đi từ khái niệm, hành động tích cực ấy, năm 1931 Tổ cùng quý Hòa thượng Thiện Chiếu, Huệ Quang... vận động thành lập Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học (gọi đúng là Hội Nghiên cứu và bảo vệ Phật giáo tại Nam Kỳ), được chính quyền Pháp cho phép thành lập, trụ sở đặt tại chùa Linh Sơn, Sài Gòn do Hòa thượng Khánh Hòa làm Hội trưởng và xuất bản tạp chí Từ Bi Âm, do Hòa thượng Khánh Hòa làm Chủ nhiệm, Hòa thượng Bích Liên làm Chủ bút.

Đầu năm 1933, khai giảng Phật học viện Linh Sơn, chỉ hoạt động vài tháng thì tạm giải tán, vì chính quyền Pháp không cho phép. Từ đấy, Tổ lui về Bến Tre, ngày 20/02/1933 thành lập Liên đoàn Phật học xã tại chùa Viên Giác, đây là trường Phật học lưu động, tiền thân của các Phật học đường, Phật học viện sau nầy. Mỗi địa điểm giảng dạy ba tháng, xong chuyển sang địa điểm khác. Đầu tiên là chùa Long Hòa Trà Vinh rồi đến chùa Thiên Phước Vĩnh Long, cuối cùng là chùa Viên Giác Bến Tre. Trường chỉ hoạt động được ba khóa thì tạm ngưng, vì chính quyền tỉnh Bến Tre không cho phép.

Từ đó, Tổ quyết tâm vận động các cư sĩ Phật tử Trà Vinh, xin phép chính quyền tỉnh thành lập Hội Lưỡng Xuyên Phật học năm 1934, trụ sở đặt tại chùa Long Phước Trà Vinh, do Tổ Khánh Hòa làm Tổng lý, ông Huỳnh Thái Cữu, Hòa thượng An Lạc làm Hội trưởng. Hội xuất bản tạp chí Duy Tâm Phật Học do Hòa thượng Huệ Quang làm Chủ nhiệm, ông Trần Huỳnh làm Chủ bút, bác sĩ Nguyễn Văn Khỏe làm quản lý. Đến năm 1935, thành lập Thích Học đường Lưỡng Xuyên Trà Vinh, Tổ Khánh Hòa làm Đốc học, Hòa thượng Huệ Quang làm Tổng lý. Từ năm 1935-1938 khai giảng Lớp Sơ đẳng Phật học; năm 1939-1942 khai giảng Lớp Trung đẳng Phật học; năm 1943 khai giảng Lớp Cao đẳng Phật học. Qua mười năm hoạt động, một số vị giáo phẩm Phật giáo Việt Nam thời hiện đại như Hòa thượng Thiện Hòa, Thiện Hoa, Huyền Quang, Quảng Liên, Hành Trụ, Thiền Định, Trí Minh, Huệ Hưng, Bửu Ngọc, Bửu Lai, Huệ Hải, Nhựt Long, Viên Hảo, Tắc An, Đồng Huy... đều xuất thân từ Phật học đường Lưỡng Xuyên - Trà Vinh. Phật học đường Lưỡng Xuyên hoạt động đến năm 1945 thì cả Hội và Phật học đường đều ngưng hoạt động vì chiến tranh Việt - Pháp leo thang.

Năm 1932, Hội An Nam Phật học Trung Kỳ thành lập, với sự lãnh đạo của Tổ Giác Tiên, cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám cùng tạp chí Viên Âm ra đời. Thành lập các trường Phật học Tây Thiên, Báo Quốc - Huế...

Năm 1934, Hội Phật giáo Bắc Kỳ thành lập và ra đời báo Đuốc Tuệ, do cụ Nguyễn Năng Quốc làm Hội trưởng, Hòa thượng Trí Hải làm cố vấn, Tổ Tuệ Tạng chứng minh, Hòa thượng Thanh Hanh (Vĩnh Nghiêm) làm Thiền gia Pháp chủ, trụ sở đặt tại chùa Quán Sứ Hà Nội. Từ đó, Phật giáo ba miền có ba Hội Phật giáo cùng các tạp chí Việt ngữ hoạt động đều đặn và cứ như thế phát triển liên tục, riêng Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học bị ngưng hoạt động từ năm 1945. Do đó, đến năm 1950, thành lập Hội Phật học Nam Việt (gồm hai thành phần Tăng-già và cư sĩ). Trụ sở đặt tại chùa Khánh Hưng ở Chí Hòa, Sài Gòn sau dời về chùa Phước Hòa ở Bàn Cờ, cuối cùng là chùa Xá Lợi. Ngày 06/5/1951 thành lập Giáo hội Tăng-già Nam Việt, do Hòa thượng Đạt Thanh, Thượng tọa Đạt Từ lãnh đạo, để tham dự Đại hội thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam ngày 09/5/1951 tại chùa Từ Đàm - Huế, do Hòa thượng Tịnh Khiết làm Hội chủ; Ban Chứng minh gồm Hòa thượng Tuệ Tạng, Hòa thượng Giác Nhiên, Hòa thượng Đạt Thanh. Trụ sở đặt tại chùa Từ Đàm - Huế. Đến năm 1952, thành lập Giáo hội Tăng-già Toàn quốc, Hòa thượng Trí Hải làm Trị sự trưởng; Hòa thượng Tố Liên, Tổng Thư ký. Trụ sở đặt tại chùa Quán Sứ, Hà Nội. Thành lập các trường Phật học Quán Sứ, Bồ Đề, Cao Phong, Bằng Sở...


Ngày 20 tháng 7 năm 1954, thực hiện Hiệp định Geneve chia đôi đất nước. Miền Bắc thuộc nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Phật giáo miền Bắc tiến hành thành lập Hội Thống nhất Phật giáo Việt Nam do Hòa thượng Trí Độ làm Hội trưởng. Phật giáo miền Nam thuộc nước Việt Nam Cộng hòa vẫn sinh hoạt như cũ: Tổng hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Tăng-già Toàn quốc, Giáo hội Tăng-già Nam Việt, Giáo hội Tăng-già Bắc Việt tại miền Nam, Hội Phật giáo Trung phần, Hội Phật học Nam Việt, Hội Phật học Trung phần, Hội Phật tử Bắc Việt... Thành lập Phật học đường Nam Việt, chùa Ấn Quang, xuất bản nguyệt san Phật giáo Việt Nam.

Tại miền Nam, sau khi lên nắm chính quyền, Ngô Đình Diệm đã tiếp tục áp dụng Dụ số 10/1950 của chính quyền Pháp và Bảo Đại để lại, nên một mặt diệt trừ các đảng phái đối lập, đàn áp các tôn giáo, nhất là Phật giáo, dẫn đến phong trào đòi tự do tín ngưỡng, bình đẳng các tôn giáo của Phật giáo miền Nam, cộng với phong trào của quần chúng nhân dân đòi độc lập dân tộc, giải phóng quê hương, thống nhất đất nước, là những nguyên do chính dẫn đến cuộc Cách mạng 01/11/1963 do quân đội chủ xướng thành công, chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm cáo chung.

Sau ngày Cách mạng thành công, các tổ chức Phật giáo sinh hoạt tại miền Nam (chủ yếu là các thành viên Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo thành lập ngày 25 tháng 5 năm 1963) họp Đại hội thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ngày 04/01/1964 tại chùa Xá Lợi - Sài gòn, gồm 11 giáo phái tập đoàn Phật giáo sinh hoạt tại miền Nam (trừ một vài tổ chức không tham gia), do Hòa thượng Tịnh Khiết làm Tăng thống, từ năm 1973 do Hòa thượng Giác Nhiên làm Tăng thống; Hòa thượng Tâm Châu làm Viện trưởng Viện Hóa đạo. Đến năm 1966, Hòa thượng Thiện Hoa làm Viện trưởng. Từ năm 1973 do Hòa thượng Trí Thủ làm Viện trưởng Viện Hóa đạo, thành lập Viện Cao đẳng Phật học Sài Gòn, Viện Đại học Vạn Hạnh, Viện Cao đẳng Phật học Huệ Nghiêm, Viện Cao đẳng Phật học Hải Đức - Nha Trang và 23 Phật học viện khác trong toàn quốc.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra đời, do đó Phật giáo cũng thống nhất thành một tổ chức thống nhất. Được sự cho phép của Chính phủ tại Công văn số 621 ngày 19/9/1981, Đại hội thống nhất Phật giáo Việt Nam được tổ chức tại chùa Quán Sứ - Hà Nội (nơi đã diễn ra Đại hội thành lập GHTGTQ năm 1952), gồm chín tổ chức Giáo hội, Hệ phái Phật giáo đang sinh hoạt tại Việt Nam. Hội Thống nhất Phật giáo Việt Nam do Hòa thượng Đức Nhuận đại diện; GHPGVNTN do Hòa thượng Trí Thủ đại diện; Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam do Hòa thượng Bửu Ý đại diện; Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam do Hòa thượng Giác Nhu và Ni trưởng Huỳnh Liên đại diện; Giáo hội Thiên Thai Giáo Quán do Hòa thượng Đạt Hảo đại diện; Hội Sư sãi Yêu nước miền Tây Nam Bộ do Hòa thượng Châu Mum đại diện; Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước do Hòa thượng Minh Nguyệt, Hòa thượng Thiện Hào đại diện; Hội Phật học Nam Việt do cư sĩ Tăng Quang, cư sĩ Tống Hồ Cầm đại diện. Đại hội suy tôn Hòa thượng Đức Nhuận lên ngôi vị Pháp chủ GHPGVN, những nhiệm kỳ sau do Hòa thượng Tâm Tịch, Hòa thượng Phổ Tuệ làm Pháp chủ; Hòa thượng Trí Thủ, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN nhiệm kỳ I, từ năm 1984 do Hòa thượng Trí Tịnh làm Chủ tịch Hội đồng Trị sự (đến năm 2014 Hòa thượng viên tịch).


Đến nay trải qua hơn 35 năm, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thành lập 63/63 đơn vị hành chánh Giáo hội tỉnh, thành trong toàn quốc; có 53.941 Tăng Ni, 18.466 cơ sở tự viện và hằng chục triệu tín đồ Phật tử.

Qua đó, từ 5 nội dung của phong trào Chấn hưng Phật giáo Việt Nam do Tổ Khánh Hòa khởi xướng, qua kinh nghiệm thực tiễn GHPGVN đã thực hiện:

1. Đoàn kết, hòa hợp, thống nhất các tổ chức Phật giáo trong nước. GHPGVN đã thống nhất thành một tổ chức duy nhất gồm 09 tổ chức Giáo hội, Hệ phái Phật giáo đang sinh hoạt tại Việt Nam, hoạt động ổn định, có hiệu quả, không ngừng phát triển chiều rộng lẫn chiều sâu, tôn trọng truyền thống hệ phái, pháp môn... như Bắc tông, Nam tông Khmer, Nam tông Kinh, Phật giáo Khất sĩ, Phật giáo người Hoa, Phật giáo người Chăm...; Các pháp môn tu học: Thiền (Như Lai thiền, Tổ sư thiền, Thiền Trúc Lâm Yên Tử), đạo tràng Tịnh độ, Pháp Hoa, Di-lặc, Đại Bi (Kim Cang thừa).

2. Chỉnh đốn Tăng-già, bài trừ mê tín dị đoan... GHPGVN ngày nay thông qua Hiến chương Giáo hội, Nội quy Ban Tăng sự Trung ương, cụ thể hóa, chi tiết hóa sinh hoạt Tăng Ni, tự viện, xuất gia, tu học, thụ giới, an cư kiết hạ, tấn phong giáo phẩm, tuyên dương công đức, kỷ luật sai phạm, quản lý tài sản Tam bảo, bổ nhiệm trụ trì... Do đó, cơ sở tự viện là môi trường đạo đức, môi trường lành mạnh, trang nghiêm thanh tịnh, nơi qui hướng tâm linh, trau dồi trí tuệ, gạn lọc thân tâm dẫn đến an lạc giải thoát cho mọi người và xã hội. Tăng Ni, Phật tử Việt Nam đầy đủ bốn đức: có tu, có học, có hạnh, có dấn thân phục vụ. Phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, văn hóa Phật giáo Việt Nam, bài trừ mê tín dị đoan, các hủ tục tập quán không phù hợp đạo đức, văn hóa nhân văn và Phật giáo tại các trường Phật học, giảng đường, các cơ sở tự viện, đạt kết quả nhất định.

3. Thành lập trường đào tạo Tăng tài, Giáo hội có bốn trường đại học Phật giáo (đã đào tạo 7.000 Tăng Ni, đang đào tạo 2.500 Tăng Ni; thạc sĩ 160, tiến sĩ 80, cử nhân 6.760 Tăng Ni); 476 Tăng Ni du học tại nhiều nước trên thế giới như: Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Đài Loan, Nhật Bản, Anh, Pháp, Mỹ v.v...; 08 lớp cao đẳng (đã đào tạo 2.000 Tăng Ni, đang đào tạo trên 1.000 Tăng Ni); 31 trường trung cấp Phật học (đã đào tạo trên 10.000 Tăng Ni, đang đào tạo trên 5.000 Tăng Ni) cùng hàng trăm cơ sở tiểu học Phật giáo trong cả nước, Giáo hội đã đào tạo được một thế hệ Tăng Ni có trình độ Phật học, phẩm hạnh, tài đức song toàn, hiện đang phục vụ các ban ngành viện của Giáo hội Trung ương và địa phương.

4. Phiên dịch kinh điển: Thông qua Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Hội đồng Phiên dịch và Ấn hành Đại tạng kinh Việt Nam đã phát hành Đại tạng kinh Việt Nam gồm 34 tập chủ yếu, năm bộ Nikaya và bốn bộ A-hàm (phần còn lại đang thực hiện). Ấn hành trên 150 đầu sách đủ loại, gồm Kinh, Luật, Luận, sử, nghiên cứu v.v...

Ban Văn hóa đã thực hiện các bộ toàn tập như:

- Trí Hải toàn tập
- Thiện Hoa toàn tập
- Trí Tịnh toàn tập
- Tâm Như Trí Thủ toàn tập
- Trí Quang toàn tập
- Trí Đức toàn tập
- Minh Châu toàn tập
- Thanh Từ toàn tập
- Đỗng Minh toàn tập
- Tịnh Sự toàn tập
(Phật giáo Nguyên thủy)
- Thiều Chửu toàn tập
- Tâm Minh toàn tập
- Chánh Trí toàn tập
- Lê Mạnh Thát toàn tập

Nếu tập hợp các bộ toàn tập, chúng ta sẽ có bộ Việt Nam Phật học tòng thư, tạm thay cho bộ Đại tạng kinh Việt Nam khi chưa thực hiện hoàn thành.

5. Giao lưu với các nước lân cận: Hiện nay, GHPGVN có mối quan hệ với nhiều quốc gia trên thế giới, là thành viên sáng lập các tổ chức quốc tế như: Hội Phật giáo châu Á vì Hòa bình (1970), trụ sở đặt tại Ulan Bator - Mông Cổ; Hội Phật giáo Thế giới Truyền bá Chính pháp WBSC (năm 1998), trụ sở đặt tại Kobé - Nhật Bản; Cơ quan Tổ chức Quốc tế Phật đản LHQ (ICDV 2004), trụ sở đặt tại Vương quốc Thái Lan; Liên minh Phật giáo Toàn cầu (2011 - IBC), trụ sở đặt tại New Delhi - ẤnĐộ; Ủy ban Quốc tế tổ chức giao lưu Văn hóa Phật giáo châu Á (2010), trụ sở đặt tại Hồng Kông; Hiệp hội các Trường Đại học, Cao đẳng Phật giáo Thế giới (ICBU - 2007), trụ sở đặt tại Trường Đại học Mahachulalongkorn - Vương quốc Thái Lan; Hội Sakyadhita Thế giới thành lập năm 1987, trụ sở chính tại Hoa Kỳ, chi nhánh tại Bồ Đề Đạo Tràng, Bihar - Ấn Độ...

Đồng thời, có các Hội Phật tử Việt Nam tại các nước: Pháp, Nhật Bản, Cộng hòa Czech, Ba Lan, Hungary, Ucraina, Liên bang Nga, Cộng hòa Liên bang Đức, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Vương quốc Campuchia, chùa Đại Lộc Sivali, Varanasi - Ấn Độ, chùa Phật Tích Vientiane - Luang Prabang - Lào, chùa Phước Long, Đại Hạnh - Battambang, Campuchia, chùa Đại Phúc - Myanmar v.v...

Tóm lại, từ phong trào Chấn hưng Phật giáo Việt Nam năm 1920 do Tổ Khánh Hòa khởi xướng đến nay đã 97 năm trôi qua trong dòng chảy lịch sử Phật giáo Việt Nam là những dấu ấn, những chặng đường phát triển của Phật giáo Việt Nam trên mọi lĩnh vực, là một bài học kinh nghiệm thực tiễn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, là đỉnh cao của thời đại, đánh dấu một giai đoạn lịch sử vẻ vang và quý báu mà các bậc tiền bối Tổ sư đã hằng mong ước và luôn luôn bồi đắp qua nhiều thế hệ để có được ngày hôm nay trong bối cảnh lịch sử huy hoàng của Phật giáo Việt Nam, đủ điều kiện để thực hiện hữu hiệu phương châm hoạt động của Giáo hội: Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ hội nhập và phát triển ở thế kỷ XXI và những thế kỷ tiếp theo.


Tài liệu tham khảo:

- Tạp chí Từ Bi Âm: Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học.
- Tạp chí Duy Tâm Phật học: Hội Phật học Lưỡng Xuyên.
- Tạp chí Viên Âm: Hội An Nam Phật học.
- Tạp chí Đuốc Tuệ: Hội Phật giáo Bắc Kỳ.
- Kỷ yếu Đại hội Phật giáo Kỳ II: Tổng hội Phật giáo Việt Nam
(1956).
- Kỷ yếu Đại hội Thống nhất Phật giáo Việt Nam năm 1964.
- Thành lập Hội Phật giáo Việt Nam: Hòa thượng Trí Hải
(1965).
- Kỷ yếu Đại hội thống nhất Phật giáo Việt Nam năm 1981.
- Kỷ yếu Hội thảo 30 năm thành lập GHPGVN (1981-2011).
- 50 năm Chấn hưng Phật giáo Việt Nam: Hòa thượng Thiện
Hoa (1973).
- Danh tăng Việt Nam: Thích Đồng Bổn (1995).
- Từ phong trào Chấn hưng Phật giáo Việt Nam: Nguyễn Đại
Đồng (2007).


Theo Văn hoá Phật giáo số 275 ngày 15-06-2017

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm