Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Phật dạy: Hãy cúng dường cha mẹ

Mùa Vu lan về, mọi người con Phật lại thêm một lần suy ngẫm sâu hơn về thâm ân sinh thành dưỡng dục của cha mẹ để lo báo đền. Hiếu tâm, hiếu kính, hiếu dưỡng, hiếu thuận… là những đức tính và công hạnh quý báu của người con Phật.
Mục lục

Dĩ nhiên, không phải ai cũng hội đủ duyên lành để trọn hiếu nhưng chí ít, chúng ta phải luôn tâm niệm về chữ hiếu, đau đáu trong lòng để tìm cách thể hiện.

Chữ hiếu thật lớn lao, bởi ‘Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”. Trong vô vàn diệu nghĩa của chữ hiếu, có người làm được phương diện này, người khác lại làm được ở phương diện kia. Tùy nhân duyên, hoàn cảnh cụ thể của mỗi người, mỗi nhà mà thực hành hạnh hiếu. Quan trọng là, cần phải xác định đâu là cốt tủy, là tinh túy của chữ hiếu để phụng hành. Bởi có khi, chúng ta có duyên lành làm được phần chính yếu của chữ hiếu mà lại không hay.

Tôn giả Xá-lợi-phất thuyết pháp cho mẹ đắc Sơ quả.

“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

Dạy hai người làm lành, không thể báo ân được. Thế nào là hai? Nghĩa là cha, mẹ.

Này Tỳ-kheo, nếu lại có người, vai phải cõng cha, vai trái cõng mẹ đến ngàn vạn năm, lo y phục, thức ăn, giường nằm, thuốc men trị bệnh, dù cha mẹ tiểu tiện, đại tiện ở trên vai, người ấy vẫn chẳng thể báo ân được. Tỳ-kheo nên biết, cha mẹ ân nặng, bồng ẵm, nuôi nấng, tùy lúc gìn giữ chẳng lỡ thời tiết như được thấy mặt trời, mặt trăng. Dùng phương tiện này, biết ân này, khó báo. Thế nên, các Tỳ-kheo, hãy cúng dường cha mẹ, thường nên hiếu thuận, chẳng lỡ thời tiết. Như thế, này các Tỳ-kheo, nên học điều này!

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm 20.Thiện tri thức, VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.349).

Thật rõ ràng, công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ bao la như trời biển, phận làm con thật khó đáp đền. Xem cha mẹ hiện còn như Phật (Phụ mẫu tại đường như Phật tại thế) nên trước phải lo cúng dường. Cúng dường hay phụng dưỡng cha mẹ là nền tảng căn bản nhất của chữ hiếu. Kế đó là kính và thuận thuộc phương diện tinh thần, tìm cách làm cho cha mẹ an tâm, vui vẻ, đẹp lòng. Phật dạy: ‘Hãy cúng dường cha mẹ, thường nên hiếu thuận, chẳng lỡ thời tiết’.

Hiếu thảo với cha mẹ, giúp cha mẹ có một tuổi già hạnh phúc, ít bệnh tật và ra đi trong bình an quả thật là điều khó làm; phải hội đủ nhiều phước duyên thì con cái mới làm được. Điều đáng lưu tâm là, Đức Phật vẫn chưa cho phép người con hiếu thảo an phận nơi đây, tự mãn với hạnh hiếu mà mình đã làm được. Ngài vẫn luôn răn nhắc là đối với cha mẹ thì ‘không thể báo ân’. Vì sao? Vì điều đó chỉ giúp cha mẹ an vui trong hiện đời. Trong khi tiêu chí của Đức Phật phải là ‘Nay vui đời sau vui’. Đây mới là vấn đề!

Mong rằng những người thân yêu của chúng ta hiện đời cũng như đời sau luôn được an vui. Đây chính là tâm hiếu và hạnh hiếu đích thực của người con Phật.

Thành ra, nếu chúng ta nhờ duyên phước đủ đầy, phụng dưỡng và kính thuận cha mẹ trọn vẹn, mà cha mẹ ta lại biết kính tin Tam bảo, siêng năng tích phước tu hành thì gia đình đại phước. Chắc chắn cha mẹ chúng ta ‘Nay vui đời sau vui/Làm phước hai đời vui’ (PC.16). Đây mới là chí hiếu, trọn hiếu theo lời Phật dạy. Nhược bằng chúng ta hiếu thảo mà cha mẹ vẫn chìu theo tập nghiệp, chưa biết nương theo Tam bảo để chuyển tâm hướng thiện, thì đời này tuy cha mẹ có an ổn nhưng đời sau thì chưa biết sẽ về đâu.

Ngay đây, người con Phật trọn hiếu phải tìm mọi cách để tạo hành trang thiện lành cho cha mẹ đủ tư lương mà bước vào thiện giới. Kinh văn nói: ‘Dạy cha mẹ làm lành’ có nghĩa hướng cha mẹ về các điều thiện lành như quy y, giữ giới, làm phước, tha thứ, hỷ xả…hay hơn nữa là tin nhân quả, nhân duyên, thành tựu chánh tri kiến. Đã là cha mẹ con cái của nhau hẳn có nhân duyên từ nhiều đời. Mong rằng những người thân yêu của chúng ta hiện đời cũng như đời sau luôn được an vui. Đây chính là tâm hiếu và hạnh hiếu đích thực của người con Phật.


Theo phatgiao.org.vn

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm