Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Nghệ thuật sống: Thiền Minh sát tuệ

Mọi người đều tìm kiếm sự an lạc và hài hòa, vì đó là điều mà chúng ta thiếu trong cuộc sống của mình. Lúc này hay lúc khác, chúng ta đều có khi trải qua tình trạng bối rối, bứt rứt, lộn xộn. Khi ta khổ sở vì những điều bất hạnh ấy, ta cũng chẳng giữ chúng cho riêng mình mà lại phân bố chúng cho người khác nữa. Sự bất hạnh tỏa khắp khí quyển quanh con người đang khổ sở, và những ai tiếp xúc với người ấy cũng đều bị ảnh hưởng. Chắc chắn đó chẳng phải là cách sống khéo léo.
Mục lục


Mọi người đều tìm kiếm sự an lạc và hài hòa, vì đó là điều mà chúng ta thiếu trong cuộc sống của mình. Lúc này hay lúc khác, chúng ta đều có khi trải qua tình trạng bối rối, bứt rứt, lộn xộn. Khi ta khổ sở vì những điều bất hạnh ấy, ta cũng chẳng giữ chúng cho riêng mình mà lại phân bố chúng cho người khác nữa. Sự bất hạnh tỏa khắp khí quyển quanh con người đang khổ sở, và những ai tiếp xúc với người ấy cũng đều bị ảnh hưởng. Chắc chắn đó chẳng phải là cách sống khéo léo.

Chúng ta phải sống an lạc với chính mình và với người khác. Sau hết, con người là con người xã hội, phải sống trong xã hội và phải giao tiếp với nhau. Nhưng làm thế nào để chúng ta sống một cách an lạc? Làm cách nào chúng ta giữ được sự hài hòa nội tâm rồi duy trì được sự an lạc và hòa hợp quanh mình để người khác cũng có thể được sống trong sự hài hòa và an lạc?

Để làm dịu được nỗi khốn khổ của mình, chúng ta phải biết lý do căn bản về nó, nguyên nhân của đau khổ. Nếu tìm hiểu vấn đề, rõ ràng là bất cứ khi nào ta bắt đầu tạo nên một trạng thái tiêu cực hay ô nhiễm trong tâm, ta trở nên bị ràng buộc vào nỗi bất hạnh. Một trạng thái tiêu cực trong tâm, một tâm thức ô nhiễm hay cấu uế, không thể nào cùng tồn tại với sự an lạc và hài hòa.

Bằng cách nào chúng ta bắt đầu tạo nên một trạng thái tiêu cực? Cũng thế, khi tìm hiểu, vấn đề trở nên rõ ràng. Ta trở nên khó chịu khi ta thấy có ai đó hành xử theo cách mà ta không hài lòng, hoặc khi ta thấy có sự kiện gì xảy ra mà ta không thích. Điều không muốn xảy ra và ta tạo nên một sự căng thẳng nội tâm. Điều mong muốn không thành tựu, có những trở ngại trên tiến trình, và cũng thế, ta tạo nên một sự căng thẳng nội tâm; ta bắt đầu ghim gút trong lòng. Và suốt cả cuộc đời, những điều không thích cứ tiếp tục xảy ra, còn những điều mong muốn thì khi được khi không, và cái tiến trình phản ứng, tạo nên sự ghim gút - cái mớ bòng bong những sự kiện bất như ý - khiến cho toàn bộ cấu trúc thân và tâm của ta thật là căng thẳng, đầy những điều tiêu cực, khiến cho cuộc sống trở nên khốn khó.

Vậy thì, một cách để giải quyết vấn đề là dàn xếp để đừng xảy ra trong cuộc sống bất cứ chuyện gì ta không mong muốn, để mọi việc luôn luôn diễn ra theo đúng điều ta mong ước. Hoặc là ta phải mở rộng quyền lực, hoặc ai đó muốn giúp ta sẽ là người có đủ quyền lực, để thấy rằng những điều không thích không xảy ra và những điều ưa thích luôn có mặt. Nhưng đó là điều không thể. Chẳng một ai trên cõi đời này có được những ước muốn luôn thành tựu, mọi sự đều diễn ra theo ước muốn và không khi nào có sự bất như ý xuất hiện. Sự việc thường xảy ra trái ngược với những mong muốn và ao ước của con người. Cho nên, câu hỏi phải đặt ra là: Làm thế nào ta có thể chấm dứt phản ứng một cách mù quáng khi phải đối đầu với những điều ta không ưa thích? Làm thế nào ta có thể chấm dứt việc tạo ra sự căng thẳng để duy trì an lạcvàhàihòa?

Ở mọi nơi trên thế giới, các bậc thánh nhân xưa đã tìm hiểu vấn đề này- vấn đề đau khổ của con người-vàđã tìm được giải pháp: nếu điều gì đó không mong muốn vừa xảy ra và ta bắt đầu phản ứng bằng cách khởi phát sự giận dữ, sợ hãi hay bất kỳ một tình thức tiêu cực nào, ta nên chuyển sự chú tâm của ta vào bất kỳ chuyện gì khác, càng sớm càng tốt. Chẳng hạn, đứng lên, lấy một tách nước và bắt đầu uống - cơn giận của ta sẽ không nhân rộng, thay vào đó nó bắt đầu lắng xuống. Hoặc bắt đầu đếm: một, hai, ba, bốn... Hoặc bắt đầu lặp đi lặp lại một tiếng, một câu, một đoạn thần chú, hay tên của một vị thánh nào mà ta vẫn tôn thờ; tâm ta được chuyển hóa, và ở một mức độ nào đó, ta thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực, thoát khỏi cơn giận.
 

Giải pháp này có ích; nó có tác dụng thật. Giải pháp này vẫn có tác dụng. Phản ứng như vậy, tâm cảm thấy tự do trước mọi bối rối. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ có tác dụng ở tầng ý thức. Thực vậy, bằng cách chuyển hướng sự chú tâm, ta đẩy những phản ứng tiêu cực vào sâu trong tầng vô thức, và ở đó, ta tiếp tục gây tạo và nhân rộng những cấu uế. Trên tầng mặt, có một lớp an lạc và hài hòa; nhưng trong chiều sâu của tâm, cả một ngọn núi lửa yên ngủ chất chứa những phản ứng tiêu cực bị đè nén không biết bộc phát lúc nào thành một vụ nổ mãnh liệt.

Những người khác thăm dò sâu vào sự thật nội tâm, đi xa hơn trong những nghiên cứu của mình bằng những trải nghiệm thực tại của tâm và những vấn đề nội tâm bằng phép nội quan, nhận ra rằng việc chuyển hướng sự chú tâm chỉ là biện pháp chạy trốn vấn đề. Chạy trốn không phải là giải pháp; ta phải đối diện vấn đề. Bất kỳ lúc nào phản ứng tiêu cực xuất hiện trong tâm, hãy chỉ quan sát nó, đối mặt với nó. Ngay khi ta bắt đầu quan sát một tình trạng ô nhiễm của tâm, nó bắt đầu mất đi sức mạnh và từ từ nhạt dần.

Một giải pháp tốt: nó tránh được hai thái cực - đè nén và bày tỏ. Chôn vùi phản ứng tiêu cực vào vô thức sẽ không xóa bỏ được nó, còn cho phép nó biểu thị bằng những hành động thô tháo của thân và ngữ thì chỉ làm cho vấn đề thêm trầm trọng. Nhưng nếu ta chỉ quan sát, những phản ứng tiêu cực sẽ dần tan biến và ta tự tại trước nó.

Nghe có vẻ tuyệt vời đấy, nhưng phải chăng đây là giải pháp thực tiễn? Chẳng dễ gì đối mặt với sự ô uế trong tâm thức của chính mình. Khi cơn giận nổi lên, nó nhanh chóng tràn ngập tâm trí ta đến nỗi ta không thể nhận biết. Thế rồi, bị chế ngự bởi cơn giận, ta có những hành động của thân và ngữ gây hại cho người khác và cho chính mình. Lát sau, khi cơn giận qua đi, ta bắt đầu khóc lóc hối hận, cầu khẩn sự tha thứ của người này người kia hay của Trời Phật: “Ôi, tôi đã sai phạm, xin thứ lỗi cho tôi”. Nhưng lần sau, khi rơi vào tình huống tương tự, ta lại phản ứng y hệt. Sự hối hận muộn màng lặp đi lặp lại chẳng có ích gì.

Điều rắc rối là chúng ta không nhận biết được lúc nào phản ứng tiêu cực trong ta khởi phát. Nó nằm sâu trong tầng vô thức của ta và lúc nó có mặt ở tầng ý thức thì cơn giận đã có đủ sức mạnh để tràn ngập ta mà ta không thể quan sát được.

Giả sử tôi thuê một người thư ký riêng để mỗi khi cơn giận trong tôi nổi lên thì người ấy nhắc bảo, “Coi kìa, cơn giận đang nổi lên đấy!”. Vì tôi không biết lúc nào cơn giận nổi lên, tôi phải thuê ba thư ký cho ba ca liên tục. Cho rằng tôi thừa sức trả lương, và cơn giận của tôi bắt đầu xuất hiện. Ngay lập tức, một thư ký bảo tôi, “Ô kìa, cơn giận bắt đầu rồi đấy!”. Phản ứng đầu tiên của tôi là mắng anh ta, “Đồ ngốc! Anh tưởng tôi trả lương cho anh để anh dạy tôi à?”. Tôi đã bị khống chế chặt chẽ bởi cơn giận đến nỗi lời khuyên thích hợp không có giá trị.

Giả sử trí tuệ của tôi thắng thế khiến tôi không trách mắng người thư ký. Thay vào đó, tôi trả lời, “Cảm ơn. Vậy thì tôi phải ngồi lại để quán sát cơn giận của mình”. Nhưng điều đó có thực hiện được không? Ngay khi tôi nhắm mắt lại và cố gắng quán sát cơn giận, đối tượng của cơn giận lập tức có mặt trong tâm tôi - cái người hay cái sự kiện kích thích cơn giận. Như vậy, tôi chẳng hề quán sát chính cơn giận, tôi chỉ xem xét cái yếu tố kích thích bên ngoài của cảm xúc đó. Điều đó chỉ làm cho cơn giận của tôi tăng lên; và vì thế, đó cũng chưa phải là giải pháp. Rất khó để quán sát bất kỳ trạng thái tiêu cực trừu trượng nào, bất kỳ cảm xúc tiêu cực trừu tượng nào tách rời với đối tượng bên ngoài vốn là nguyên nhân gây nên trạng thái hay cảm xúc ấy.

Tuy nhiên, bậc đạt tới thực tại tối hậu đã tìm thấy giải pháp. Ngài phát hiện rằng khi nào có bất kỳ một cấu uế nào khởi lên trong tâm, về mặt vật lý, có hai sự kiện xảy ra đồng thời. Thứ nhất là hơi thở mất đi nhịp điệu bình thường. Chúng ta luôn bắt đầu thở nặng nề hơn mỗi khi có một trạng thái tiêu cực xảy ra trong tâm. Điều này dễ được quan sát. Ở tầng vi tế hơn, một phản ứng sinh hóa bắt đầu diễn ra trong thân để tạo nên một số cảm xúc. Mọi cấu uế trong tâm đều sẽ gây nên cảm xúc này hay cảm xúc khác nơi thân.

Điều này thể hiện một giải pháp thực tiễn. Một người bình thường không thể quan sát những cấu uế trừu tượng trong tâm - những sợ hãi, giận dữ hay đam mê chung chung. Nhưng với sự huấn luyện và thực hành thích hợp, người ta dễ dàng quán sát hơi thở và cảm giác nơi thân, cả hai đều trực tiếp liên hệ đến những cấu uế của tâm.

Hơi thở và cảm xúc sẽ hữu ích ở cả hai phương cách. Thứ nhất, chúng giống như những viên thư ký riêng. Ngay khi một tình thức tiêu cực xuất hiện, hơi thở bắt đầu gấp gáp; như thể nó bắt đầu la lên, “Coi kìa, có gì sai lầm đó!” Và ta chẳng thể trách mắng hơi thở; ta chỉ biết chấp nhận sự cảnh giác. Tương tự, các cảm giác cho ta biết rằng có gì lầm lạc đang diễn ra. Thế rồi, đã được nhắc nhở, ta bắt đầu quán sát hơi thở, quán sát cảm xúc; và rất nhanh, ta sẽ thấy các rối loạn nhạt dần.

Hiện tượng tâm-sinh lý này giống như đồng xu có hai mặt. Ở một mặt là những tư tưởng và các tình thức xảy ra trong tâm, mặt kia là hơi thở và những cảm giác xuất hiện nơi thân. Mọi tư tưởng hay tình thức, mọi cấu uế của tâm, khi xuất hiện, đều tự biểu thị trong hơi thở và trong những cảm xúc tại ngay thời điểm ấy. Như vậy, khi quan sát hơi thở và cảm xúc chính là khi ta quan sát những cấu uế tâm thức của mình nếu có. Thay vì chạy trốn vấn đề, chúng ta đang đối diện với thực tại như nó vốn vậy. Kết quả là ta phát hiện rằng những tình thức cấu uế ấy mất dần sức mạnh của chúng, chúng không còn có thể sai sử ta như trước đây. Nếu ta kiên trì, chúng dần dần biến mất hoàn toàn để chúng ta bắt đầu sống lại cuộc sống an lạc và hài hòa, một cuộc sống ngày càng tự do hơn trước mọi suy nghĩ tiêu cực.

Bằng cách đó, kỹ thuật tự quán sát này thể hiện cho chúng ta một thực tại ở cả hai khía cạnh, nội tâm và ngoại giới. Trước đây, chúng ta chỉ biết nhìn ra bên ngoài, bỏ quên thực tại nội tâm. Chúng ta luôn luôn nhìn ra bên ngoài để tìm kiếm những nguyên cớ gây cho ta đau khổ, chúng ta luôn luôn trách móc và cố gắng thay đổi thực tại ngoại giới. Không chút hiểu biết nào về thực tại nội tâm, chúng ta chẳng bao giờ hiểu được rằng nguyên nhân của đau khổ nằm trong tâm ta, trong sự phản ứng mù quáng của ta trước những cảm giác dễ chịu và những cảm giác bực bội.

Giờ đây, được huấn luyện, ta có thể thấy được mặt khác của đồng xu. Ta có thể nhận thức về hơi thở của ta cũng như những gì diễn ra trong tâm. Bất kể đó là gì, hơi thở hay cảm giác, ta học được cách chỉ quan sát chúng mà không làm mất đi sự quân bình nội tâm. Ta chấm dứt việc phản ứng và nhân rộng nỗi khổ sở của mình. Thay vào đó, ta mặc cho những cấu uế tự thể hiện rồi dần biến mất.

Kỹ thuật này càng được thực hành nhiều thì những tình thức tiêu cực càng nhanh chóng tan biến. Dần dần, tâm trở nên tự tại trước mọi uế nhiễm, trở nên trong sạch. Tâm trong sạch là một tâm tràn ngập tình thương yêu - một tình yêu vô ngã đối với tất cả tha nhân (từ), tràn ngập sự thương xót trước những thất bại và đau khổ của người khác (bi), tràn ngập niềm vui khi thấy người khác thành công và hạnh phúc (hỷ), tràn ngập sự bình thản trước mọi tình thế gặp phải (xả).

Khi hành giả đạt tới giai đoạn này, toàn thể lối sống của người đó bắt đầu thay đổi. Vị này không còn hành xử thô tháo về thân và ngữ để quấy rối sự an lạc và hài hòa của người khác. Thay vào đó, một tâm thức quân bình không chỉ trở nên an lạc mà cả bầu khí quyển chung quanh tâm thức đó cũng trở nên thấm đẫm sự an lạc và hài hòa để bắt đầu tác động đến người khác và giúp đỡ những người khác nữa.
 


Bằng việc học tập để gìn giữ sự quân bình khi đối diện với mọi trải nghiệm nội tâm, hành giả phát triển một sự độc lập đối với tất cả những gì mà người ấy gặp phải ở những tình thế bên ngoài. Tuy nhiên, sự độc lập này không phải là thái độ trốn chạy thực tại hoặc lãnh đạm trước những rắc rối của cuộc đời. Những người thường xuyên thực hành kỹ thuật nói trên trở nên mẫn cảm hơn trước những đau khổ của người khác và có khả năng làm hết năng lực của mình để xoa dịu sự đau khổ theo bất kỳ cách nào họ có thể làm được - với không một chút bối rối mà với một tâm tràn đầy từ bi hỷ xả. Họ học được thái độ lãnh đạm linh thiêng - làm thế nào để hết lòng dấn thân, hết lòng chú tâm đến việc giúp đỡ người khác, mà vẫn luôn duy trì được sự quân bình nội tâm. Bằng cách này, họ luôn an lạc và hài hòa trong khi vẫn làm việc để mang lại sự an lạc và hài hòa cho người khác.

Đây chính là điều Đức Phật dạy: một nghệ thuật sống. Đức Phật chẳng bao giờ thành lập hoặc giảng dạy bất kỳ một tôn giáo hay chủ thuyết nào. Ngài cũng chẳng bao giờ khuyến dụ ai đó đến với Ngài để thực hành bất kỳ những nghi thức hay nghi lễ nào, bất kỳ những lề thói hình thức trống rỗng nào. Thay vào đó, Đức Phật dạy chúng sanh chỉ cần tôn trọng thiên nhiên như nó vốn vậy bằng cách quán sát thực tại ở bên trong. Do vô minh, con người không ngớt phản ứng theo những cách gây hại cho chính mình và cho người khác. Nhưng khi tuệ giác phát sinh - tuệ giác có được nhờ quán sát thực tại như thị - cái thói quen phản ứng ấy rơi rụng. Khi con người chấm dứt phản ứng một cách mù quáng, bấy giờ con người mới có khả năng về hành động thực - hành động xuất phát từ một tâm quân bình, một tâm đã nhìn thấy và hiểu rõ chân lý. Hành động như thế luôn luôn là hành động tích cực, sáng tạo, có ích cho mình và cho mọi người.

Vậy thì điều cần chính là việc “biết được mình” - lời khuyên mà mọi bậc thánh đều khuyên nhắc. Chúng ta phải biết được chính mình, không chỉ về mặt tri thức trong các lãnh vực ý niệm và lý thuyết, cũng không chỉ về mặt cảm xúc và ý chí, chấp nhận một cách mù quáng những gì ta được nghe và được đọc. Tri thức như thế không đủ. Thay vào đó, ta phải biết về thực tại bằng sự trải nghiệm. Ta phải trực tiếp có trải nghiệm về cái thực tại của hiện tượng tâm-sinh lý này. Đây là phương tiện duy nhất giúp chúng ta giải thoát mọi khổ đau.

Việc trải nghiệm trực tiếp về thực tại nội tâm của chính mình như nói trên, cái kỹ thuật tự quán sát ấy, được gọi là Thiền Minh sát tuệ (Vipassana meditation). Trong ngôn ngữ Ấn Độ vào thời Đức Phật, passana có nghĩa là việc nhìn thấy theo cách thông thường, với đôi mắt mở lớn của con người; nhưng vipassana có nghĩa là việc quán sát mọi sự vật như chúng vốn vẫn thực sự như vậy, chứ không chỉ như cái diện mạo bên ngoài của chúng. Thực tại biểu kiến phải được xuyên thấu cho đến lúc chúng ta đạt được thực tại tối hậu của toàn thể cái cấu trúc tâm sinh lý đó. Khi đã trải nghiệm được thực tại này, chúng ta học được cách chấm dứt những phản ứng mù quáng, chấm dứt việc gây nên những trạng thái tiêu cực - và một cách tự nhiên, những tình thức tiêu cực cũ dần dần triệt tiêu. Chúng ta được giải thoát khỏi mọi bất hạnh và trải nghiệm một hạnh phúc chân thực. Có ba bước cho việc huấn luyện được định sẵn trong một khóa thiền. Trước hết, hành giả phải từ bỏ mọi hành động về thân và ngữ có tác dụng quấy rối sự an lạc và hài hòa của người khác. Hành giả không thể tự giải thoát mình khỏi những cấu uế của tâm trong lúc tiếp tục thực hiện những hành vi về thân và ngữ có tác dụng nhân rộng những cấu uế ấy. Cho nên, một tập hợp những quy tắc sống thích hợp với đạo đức là bước thiết yếu đầu tiên của việc thực hành. Hành giả cam kết không giết hại, không lấy của không cho, không quan hệ tình dục bừa bãi, không nói dối và không sử dụng các chất gây nghiện. Bằng việc kiêng cữ những loại hành vi không thích hợp ấy, hành giả khiến tâm đủ an tịnh để tiến bước xa hơn.

Bước kế tiếp là triển khai kỹ thuật làm chủ cái tâm chưa thuần thục bằng cách giữ cho tâm tập trung vào một đối tượng nhất định, đó là hơi thở. Hành giả phải cố giữ sự chú tâm của mình vào hơi thở càng lâu càng tốt. Đây không phải là một bài tập về hô hấp; hành giả không phải điều hòa hơi thở. Thay vào đó, hành giả quán sát sự hô hấp tự nhiên như nó vốn vẫn vậy, khi thở vào, khi thở ra. Bằng cách này, hành giả làm cho tâm được thuần thục hơn nữa, đến mức tâm không còn bị chế ngự bởi các trạng thái tiêu cực. Cùng lúc, tâm hành giả tập trung lại, trở nên sáng suốt, bén nhạy, có khả năng phát sinh tuệ giác.

Hai bước này, sống một cuộc sống có giới đức và kiểm soát tâm, là rất cần thiết và tự thân chúng là rất ích lợi, nhưng chúng cũng chỉ đưa tới sự đè nén những tình thức tiêu cực trừ khi hành giả thực hiện tiếp bước thứ ba: thanh lọc tâm khỏi mọi cấu uế bằng cách phát triển tuệ giác vào tận bản chất của chính mình. Đây chính là minh sát tuệ: trải nghiệm thực tại của chính mình bằng việc quan sát một cách thản nhiên và có hệ thống về mọi hiện tượng tâm-vật vẫn biến đổi liên tục trong nội tâm mình, được thể hiện bằng những cảm giác. Đây chính là đỉnh cao của giáo pháp của Đức Phật: tự tịnh hóa bằng cách tự quán sát.

Kỹ thuật này có thể được thực hành bởi mỗi người và tất cả mọi người. Ai cũng đối mặt với vấn đề đau khổ. Đó là một bệnh phổ quát, đòi hỏi một liệu pháp phổ quát chứ không phải là một liệu pháp mang tính cách bè phái, phe phái, giáo phái. Khi một người đang đau khổ vì giận dữ, đó không phải là cơn giận theo kiểu Phật giáo, cơn giận theo kiểu Ấn giáo hay cơn giận theo kiểu Thiên Chúa giáo. Giận dữ là giận dữ. Khi một người trở nên bất an vì cơn giận, sự bất an đó không mang tính cách Thiên Chúa giáo, Hồi giáo hay Do Thái giáo. Căn bệnh là phổ quát thì liệu pháp cũng phải là phổ quát.

Minh sát tuệ chính là một liệu pháp như vậy. Sẽ không ai phản đối một tập hợp những quy tắc sống tôn trọng sự an lạc và hài hòa của người khác. Không ai phản đối việc phát triển sự kiểm soát tâm. Không ai phản đối việc phát triển tuệ giác để thấy được bản chất của chính mình, nhờ đó có thể giải thoát tâm khỏi mọi uế nhiễm. Minh sát tuệ là con đường phổ quát.

Việc quan sát thực tại như thị bằng cách quan sát thực tại nội tâm chính là việc biết mình một cách trực tiếp và dựa trên thực nghiệm. Khi thực tập, hành giả không ngừng giải thoát mình khỏi sự đau khổ và mọi uế nhiễm của tâm. Từ thực tại thô lậu biểu kiến ở bên ngoài, hành giả đi sâu vào thực tại tối hậu của tâm và vật. Thế rồi hành giả vượt quá hơn trạng thái ấy, trải nghiệm một thực tại bên ngoài tâm và vật, bên ngoài thời gian và không gian, bên ngoài phạm vi bị điều kiện hóa của tính tương đối: đó là thực tại của sự giải phóng hoàn toàn khỏi mọi cấu uế, mọi nhiễm ô, mọi đau khổ. Gọi cái trạng thái tối hậu ấy bằng tên gì cũng chẳng quan trọng, nhưng đó là mục tiêu cuối cùng của tất cả mọi người.
 


Nguyện cho mọi người đều trải nghiệm được thực tại tối hậu này. Nguyện cho mọi người đều được giải phóng khỏi mọi đau khổ. Nguyện cho mọi người đều hưởng được sự an lạc chân thực, sự hài hòa chân thực và niềm hạnh phúc chân thực.

Satya Narayan Goenka
Phạm Chánh Cần dịch


Chú thích:
Satya Narayan Goenka (1924-2013) là người Ấn Độ sinh tại Miến Điện, tu tập theo truyền thống của Đại sư U Ba Khin người Miến Điện, sau đó đã phát triền kỹ thuật thiền Vipassana trên toàn thế giới, kể cả trong các nhà giam. Ông mất ngày 29-9-2013, thọ 89 tuổi.

Nguồn: The Art of Living: Vipassana Meditation, http://www. dhamma.org/en/art.shtml.


Theo Văn hoá Phật giáo số 263 ngày 15-12-2016

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm