Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Đón một mùa xuân an lạc

Hầu như mọi người chúng ta đều có tâm lý tin rằng xuân về là đồng nghĩa với an lạc, là rời xa khổ đau; đón xuân là đón an lạc, là xa lìa khổ đau. Gởi lòng tin vào mùa xuân cũng có nghĩa là mong ước có được một mùa xuân thanh thản an lạc, rời xa mọi phiền muộn khổ đau.
Mục lục


1. Nhận diện mùa xuân

Hầu như mọi người chúng ta đều có tâm lý tin rằng xuân về là đồng nghĩa với an lạc, là rời xa khổ đau; đón xuân là đón an lạc, là xa lìa khổ đau. Gởi lòng tin vào mùa xuân cũng có nghĩa là mong ước có được một mùa xuân thanh thản an lạc, rời xa mọi phiền muộn khổ đau.

Thực ra, an lạc hay khổ đau không do mùa xuân mà tùy ở lòng người. Cũng mùa xuân ấy mà cảm thức của mỗi người thì không giống nhau.

“Người buồn, cảnh có vui đâu bao giờ”[1].

Còn mê (lòng còn tham-sân-si) thì xuân có đến cũng không thanh thản, nhưng hết mê (tâm không có tham- sân-si) thì xuân không về vẫn thấy an lạc.

Với lòng sạch trong, vắng bóng tham-sân-si, chư vị thiền sư Việt Nam cảm nghiệm mùa xuân như vầy:

Xuân lai xuân khứ nghi xuân tận,
Hoa lạc hoa khai chỉ thị xuân.

春去春來疑春盡,
花開花落只是春.

Xuân đến xuân đi ngỡ xuân hết,
Hoa nở hoa tàn ấy là xuân.

(Chân Không thiền sư)

 

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

莫謂春殘花落盡,
庭前昨夜一枝梅.

Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua sân trước một cành mai.

(Mãn Giác thiền sư)

Đức Phật dạy: “Khi tâm thanh tịnh (sạch tham-sân-si) thì thế giới thanh bình”[2].

Đạo Phật xem tham-sân-si là gốc rễ của khổ đau, sự đoạn diệt tham-sân-si là cội nguồn của an lạc. Bởi tham-sân-si là căn nguyên của bất thiện[3]; làm hoen ố tâm thức; khiến cho con người thành ra mê mờ mù lòa, không còn tỉnh táo sáng suốt; suy nghĩ những điều hại mình, hại người, hại cả hai; làm các ác hạnh về thân, về lời, về ý; không như thật rõ biết lợi mình, lợi người, lợi cả hai; khiến cho đời người rơi vào khổ ưu[4]; tham- sân-si là các ngọn lửa vô hình thiêu cháy cá nhân, thiêu cháy gia đình, thiêu cháy xã hội, thiêu cháy cả thế gian[5]. Chính vì thế mà tham-sân-si sinh khởi thì lòng người không có mùa xuân, tham-sân-si đoạn diệt thì đời người mãi mãi là mùa xuân.

Người con Phật đón xuân với tâm không có tham- sân-si tức là đón xuân an lạc trọn vẹn, không có bóng dáng phiền muộn khổ đau. Cố nhiên, người nào dứt bỏ tham-sân-si thì hưởng trọn mùa xuân an lạc.

2. Sửa soạn đón xuân

Để giúp cho mọi người đón xuân an lạc, mãi mãi an lạc, ngoài những lo toan tiễn đưa năm cũ, đón mừng năm mới, Đức Phật dạy chúng ta cần lưu tâm đến một số việc căn bản sau đây:

Khởi tâm quy ngưỡng Tam bảo - Phật-Pháp-Tăng

Quy ngưỡng Tam bảo có nghĩa là tự mình tìm hiểu và phát khởi lòng tin đối với Phật-Pháp-Tăng, tự mình quay về với con người thật của chính mình để nhận ra khả năng giác ngộ (Phật tánh), điều kiện giác ngộ (Pháp tánh) và ý chí giác ngộ (Tăng tánh) vốn có sẵn trong chính mình. Chỉ cần mình biết đánh thức và phát huy thì chính các tiềm năng ấy sẽ quyết định đời sống an lạc của chính mình. Đó là ý nghĩa quy ngưỡng Tam bảo, tức khởi lòng tin và nương vào đức năng cao quý của Phật-Pháp-Tăng để nỗ lực tu tập, chuyển hóa bản thân, để nuôi lớn giới đức, tâm đức, tuệ đức, để hoàn thiện chính mình, để thực nghiệm hạnh phúc an lạc. Đây là bước sửa soạn căn bản, có chức năng đánh thức các phẩm chất giác ngộ có sẵn trong mỗi cá nhân, giúp cho con người có đủ tự tin và nghị lực bước đi trên con đường giác ngộ hiền thiện của Phật. Kinh văn gợi ý như vầy về cách thức quy ngưỡng Tam bảo:

“Thánh đệ tử thành tựu lòng tin tuyệt đối đối với Phật: Ngài là bậc Thế Tôn, A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.

Vị ấy thành tựu lòng tin tuyệt đối đối với Pháp: Pháp được Thế Tôn khéo thuyết giảng, thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người có trí tự mình chứng hiểu.

Vị ấy thành tựu lòng tin tuyệt đối đối với chúng Tăng: Diệu hạnh là chúng Tăng, đệ tử Thế Tôn; Trực hạnh là chúng Tăng, đệ tử Thế Tôn; Như lý hạnh là chúng Tăng, đệ tử Thế Tôn; Chánh hạnh là chúng Tăng, đệ tử Thế Tôn. Tức là bốn đôi tám vị. Chúng Tăng, đệ tử Thế Tôn, đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là phước điền vô thượng ở đời”[6].

Bởi Phật-Pháp-Tăng có ý nghĩa cao quý như thế nên Đức Phật xem việc khởi tâm quy y và niệm tưởng đến Tam bảo là đồng nghĩa với việc khai mở lẽ sống chân chánh sáng suốt, khiến lòng tin được trong sáng, tâm được hân hoan, các phiền não của tâm (tham-sân-si) được đoạn tận[7], cũng có nghĩa là khai mở nguồn nước công đức, nguồn nước thiện, đưa đến chơn chánh an lạc cho con người. Bậc Giác ngộ xác nhận:

“Ở đây, này các Tỳ-kheo, Thánh đệ tử quy y Phật. Này các Tỳ-kheo, đây là nguồn nước công đức thứ nhất, là nguồn nước thiện, món ăn cho an lạc, làm nhơn sanh Thiên, quả dị thục an lạc, đưa đến cõi trời, dẫn đến khả ái, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc.

Lại nữa, này các Tỳ-kheo, Thánh đệ tử quy y Pháp. Này các Tỳ-kheo, đây là nguồn nước công đức thứ hai, là nguồn nước thiện, món ăn cho an lạc làm nhơn sanh Thiên, quả dị thục an lạc, đưa đến cõi trời, dẫn đến khả ái, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc.

Lại nữa, này các Tỳ-kheo, Thánh đệ tử quy y Tăng. Này các Tỳ-kheo, đây là nguồn nước công đức thứ ba, là nguồn nước thiện, món ăn cho an lạc làm nhơn sanh Thiên, quả dị thục an lạc, đưa đến cõi trời, dẫn đến khả ái, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc”[8].

“Ở đây, này Visàkhà, Thánh đệ tử niệm Phật: “Đây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác...”. Do vị ấy niệm Phật như vậy, tâm được tịnh tín, hân hoan sanh khởi, các phiền não của tâm được đoạn tận.

Lại nữa, này Visàkhà, Thánh đệ tử niệm Pháp: “Pháp được Thế Tôn khéo thuyết giảng, thiết thực hiện tại...”. Do vị ấy niệm Pháp, tâm được tịnh tín, hân hoan sanh khởi, các phiền não của tâm được đoạn tận.

Lại nữa, này Visàkhà, Thánh đệ tử niệm Tăng: “Diệu hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn...”. Do vị ấy niệm Tăng, tâm được tịnh tín, hân hoan sanh khởi, các phiền não của tâm được đoạn tận”[9].

Sửa soạn đón xuân mà được tắm mình trong nguồn nước Chánh pháp, nguồn công đức, nguồn nước thiện, nguồn nước gia trì của Tam bảo thì cảm thức ngày xuân sẽ thanh thản an bình đến dường nào!

Đề phòng và dập tắt ba ngọn lửa - tham-sân-si

Ngoài việc khởi tâm quy ngưỡng Tam bảo - Phật- Pháp-Tăng, có chức năng khơi nguồn công đức và gợi mở lối sống trí tuệ, bước tiếp theo mà người Phật tử cần quan tâm thực hiện là nhận ra ba ngọn lửa nguy hại đang tiềm ẩn trong chính mình, cần phải thường xuyên đề phòng và nỗ lực dập tắt khiến cho đời sống không rơi vào phiền não khổ đau. Đây là việc làm quan trọng, có tính cách quyết định đối với đời sống hạnh phúc an lạc của người Phật tử. Bậc Giác ngộ lưu nhắc và giải thích cho chúng ta vì sao ba ngọn lửa tham-sân- si cần phải đề phòng và dập tắt:

“Này Bà-la-môn, ba ngọn lửa này cần phải đoạn tận, cần phải tránh xa, không nên thân cận. Thế nào là ba?

Lửa tham, lửa sân, lửa si.

Vì sao, này Bà-la-môn, lửa tham cần phải đoạn diệt, cần phải tránh xa, không nên thân cận?

Người bị tham làm cho ái nhiễm, chinh phục, tâm bị xâm chiếm, này Bà-la-môn, làm ác hạnh với thân, làm ác hạnh với lời nói, làm ác hạnh với ý. Người ấy sau khi làm ác hạnh với thân, làm ác hạnh với lời nói, làm ác hạnh với ý, khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Do vậy, lửa tham này cần phải đoạn tận, cần phải tránh xa, không nên thân cận.

Và này Bà-la-môn, vì sao lửa sân cần phải đoạn tận, cần phải tránh xa, không nên thân cận?

Người bị sân làm cho tức giận, chinh phục, tâm bị xâm chiếm, này Bà-la-môn, làm ác hạnh với thân, làm ác hạnh với lời nói, làm ác hạnh với ý. Người ấy sau khi làm ác hạnh với thân, làm ác hạnh với lời nói, làm ác hạnh với ý, khi thân hoại mạng chung sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Do vậy, lửa sân này cần phải đoạn tận, cần phải tránh xa, không nên thân cận.

Và này Bà-la-môn, vì sao lửa si cần phải đoạn tận, cần phải tránh xa, không nên thân cận?

Người bị si làm cho mê mờ, chinh phục, tâm bị xâm chiếm, này Bà-la-môn, làm ác hạnh với thân, làm ác hạnh với lời nói, làm ác hạnh với ý. Người ấy sau khi làm ác hạnh với thân, làm ác hạnh với lời nói, làm ác hạnh với ý, khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Do vậy, lửa si này cần phải đoạn tận, cần phải tránh xa, không nên thân cận.

Ba ngọn lửa này, này Bà-la-môn, cần phải đoạn tận, cần phải tránh xa, không nên thân cận”[10].

Ngày xuân mà không để hỏa hoạn xảy ra, nhất là hỏa hoạn tham-sân-si ngự trị ở trong lòng, thì sắc xuân càng nhẹ nhàng tươi thắm, không khí xuân càng thanh bình ấm áp, cảm thức xuân càng thanh thản an lạc.

Làm lắng dịu năm sợ hãi hận thù

Kiểm soát được ba ngọn lửa tham-sân-si ở trong lòng tức là cơ bản kiểm soát được lối sống của mình, khiến cho cuộc đời không còn mê lầm, không rơi vào các việc làm sai trái xấu ác. Tuy nhiên, Đức Phật cũng lưu ý với mọi người về năm hành vi bất thiện bắt nguồn từ tham-sân-si - sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, nói láo, đắm say rượu men, rượu nấu, cần phải kiên quyết từ bỏ để tránh cho mình và tránh cho người khác khỏi rơi vào phiền muộn khổ đau, gọi là làm lắng dịu năm sợ hãi hận thù.

Thế Tôn nói cho Gia chủ Anàthapindika:

“Này Gia chủ, sát sanh; do duyên sát sanh, tạo ra sợ hãi hận thù ngay trong hiện tại, tạo ra sợ hãi hận thù trong tương lai, khiến tâm cảm thọ khổ ưu. Người từ bỏ sát sanh, không tạo ra sợ hãi hận thù trong hiện tại, không tạo ra sợ hãi hận thù ngay trong tương lai, không khiến tâm cảm thọ khổ ưu. Người từ bỏ sát sanh, làm lắng dịu sợ hãi hận thù này.

Này Gia chủ, lấy của không cho; do duyên lấy của không cho, tạo ra sợ hãi hận thù ngay trong hiện tại, tạo ra sợ hãi hận thù trong tương lai, khiến tâm cảm thọ khổ ưu. Người từ bỏ lấy của không cho, không tạo ra sợ hãi hận thù trong hiện tại, không tạo ra sợ hãi hận thù ngay trong tương lai, không khiến tâm cảm thọ khổ ưu. Người từ bỏ lấy của không cho, làm lắng dịu sợ hãi hận thù này.

Này Gia chủ, tà hạnh trong các dục; do duyên tà hạnh trong các dục, tạo ra sợ hãi hận thù ngay trong hiện tại, tạo ra sợ hãi hận thù trong tương lai, khiến tâm cảm thọ khổ ưu. Người từ bỏ tà hạnh trong các dục, không tạo ra sợ hãi hận thù trong hiện tại, không tạo ra sợ hãi hận thù ngay trong tương lai, không khiến tâm cảm thọ khổ ưu. Người từ bỏ tà hạnh trong các dục, làm lắng dịu sợ hãi hận thù này.

Này Gia chủ, nói láo; do duyên nói láo, tạo ra sợ hãi hận thù ngay trong hiện tại, tạo ra sợ hãi hận thù trong tương lai, khiến tâm cảm thọ khổ ưu. Người từ bỏ nói láo, không tạo ra sợ hãi hận thù trong hiện tại, không tạo ra sợ hãi hận thù ngay trong tương lai, không khiến tâm cảm thọ khổ ưu. Người từ bỏ nói láo, làm lắng dịu sợ hãi hận thù này.

Này Gia chủ, đắm say rượu men, rượu nấu; do duyên đắm say rượu men, rượu nấu, tạo ra sợ hãi hận thù ngay trong hiện tại, tạo ra sợ hãi hận thù trong tương lai, khiến tâm cảm thọ khổ ưu. Người từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu, không tạo ra sợ hãi hận thù trong hiện tại, không tạo ra sợ hãi hận thù ngay trong tương lai, không khiến tâm cảm thọ khổ ưu. Người từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu, làm lắng dịu sợ hãi hận thù này”[11].

Ý thức đón xuân với việc tuân thủ năm nguyên tắc đạo đức (Ngũ giới) đưa đến chấm dứt năm sợ hãi hận thù như trên tức là biết sửa soạn tốt cho mùa xuân an lạc. Việc làm này nói rõ thái độ sáng suốt của người con Phật đối với vấn đề hiện hữu. Giáo lý Duyên khởi (Paticcasamuppàda) của đạo Phật bảo cho người Phật tử biết tuân thủ các nguyên tắc đạo đức liên quan đến bản chất của sự sống. “Cái này có thì cái kia có; cái này sanh thì cái kia sanh. Cái này không có thì cái kia không có; cái này diệt thì cái kia diệt”.

Phật tử phát nguyện thọ trì Ngũ giới – không sát sanh, không lấy của không cho, không tà hạnh trong các dục, không nói dối, không đắm say rượu men, rượu nấu – tức là thể hiện nếp sống chân chánh sáng suốt, không làm tổn hại đến người khác, tôn trọng hạnh phúc của người khác; cũng có nghĩa là không làm tổn hại đến mình, tôn trọng hạnh phúc của chính mình; bởi theo quan niệm tương hệ sinh tồn của đạo Phật thì “hộ trì mình tức là hộ trì người, hộ trì người cũng tức là hộ trì mình”[12]. Đây chính là lẽ sống cao quý, đưa đến lợi mình lợi người, mà những ai ý thức tuân thủ tức là thi ân lớn cho cuộc đời, như lời bậc Giác ngộ xác chứng:

“Ở đây, này các Tỳ-kheo, Thánh đệ tử đoạn tận sát sanh, từ bỏ sát sanh, đem cho không sợ hãi cho vô lượng chúng sanh, đem cho không hận thù cho vô lượng chúng sanh, đem cho không hại cho vô lượng chúng sanh; sau khi cho vô lượng chúng sanh không sợ hãi, không hận thù, không hại, vị ấy sẽ được san sẻ vô lượng không sợ hãi, không hận thù, không hại. Này các Tỳ-kheo, đây là đại bố thí, là nguồn nước công đức, là nguồn nước thiện, món ăn cho an lạc làm nhơn sanh Thiên, quả dị thục an lạc, đưa đến cõi trời, dẫn đến khả ái, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc.

Lại nữa, này các Tỳ-kheo, Thánh đệ tử đoạn tận lấy của không cho, từ bỏ lấy của không cho, đem cho không sợ hãi cho vô lượng chúng sanh, đem cho không hận thù cho vô lượng chúng sanh, đem cho không hại cho vô lượng chúng sanh...

Lại nữa, này các Tỳ-kheo, Thánh đệ tử đoạn tận tà hạnh trong các dục, từ bỏ tà hạnh trong các dục, đem cho không sợ hãi cho vô lượng chúng sanh, đem cho không hận thù cho vô lượng chúng sanh, đem cho không hại cho vô lượng chúng sanh...

Lại nữa, này các Tỳ-kheo, Thánh đệ tử đoạn tận nói láo, từ bỏ nói láo, đem cho không sợ hãi cho vô lượng chúng sanh, đem cho không hận thù cho vô lượng chúng sanh, đem cho không hại cho vô lượng chúng sanh...

Lại nữa, này các Tỳ-kheo, Thánh đệ tử đoạn tận đắm say rượu men, rượu nấu, từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu, đem cho không sợ hãi cho vô lượng chúng sanh, đem cho không hận thù cho vô lượng chúng sanh, đem cho không hại cho vô lượng chúng sanh; sau khi cho vô lượng chúng sanh không sợ hãi, không hận thù, không hại, vị ấy sẽ được san sẻ vô lượng không sợ hãi, không hận thù, không hại. Này các Tỳ-kheo, đây là đại bố thí, là nguồn nước công đức, là nguồn nước thiện, món ăn cho an lạc làm nhơn sanh Thiên, quả dị thục an lạc, đưa đến cõi trời, dẫn đến khả ái, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc”[13].

3. Thực nghiệm xuân an lạc

Chuẩn bị đón xuân với việc phát khởi thiện tâm quy ngưỡng Tam bảo, đề phòng ba ngọn lửa tham-sân-si, làm lắng dịu năm sợ hãi hận thù như lời Đức Phật dạy thì hưởng trọn mùa xuân an lạc. Đó là mùa xuân của tâm giác ngộ, mùa xuân của sự vắng bóng tham-sân-si, mùa xuân của nếp sống trưởng dưỡng công đức, mùa xuân của an lạc miên viễn, mùa xuân mà chư vị thiền sư từng thực nghiệm và bảo: “Hoa nở hoa tàn ấy là xuân” hay “Đêm qua sân trước một cành mai”.

Người Việt chúng ta may mắn được tiếp thu lời Phật từ rất sớm nên biết cách sửa soạn chu đáo cho lối sống an lạc, biết cách thực nghiệm an lạc ở mọi lúc mọi nơi. Đó là thể hiện nếp sống quy ngưỡng Tam bảo, nỗ lực nhiếp phục tham-sân-si ở trong lòng, quyết tâm từ bỏ những việc làm sai trái xấu ác khiến cho mình được an lạc và khiến cho người khác cũng được an lạc. Đó là cảm thức hân hoan thanh thản được tắm mình trong nguồn nước Chánh pháp, nguồn nước công đức, nguồn nước thiện, nguồn nước của tâm trong sáng không tham-sân-si, nguồn nước của lối sống chân chánh sáng suốt từ bỏ điều ác làm các hạnh lành.

Ngày xưa, Phật hoàng Trần Nhân Tông có nhân duyên học Phật từ thuở nhỏ, thấm nhuần giáo lý từ bi trí tuệ của Phật, thể hiện cuộc đời chân chánh hiền thiện của một vị vua Phật tử thương nước thương dân. Nhà vua ra sức bảo vệ đất nước khi gặp họa xâm lăng; hết giặc ngoài thì vua quay về chăm lo cái ăn cái mặc no đủ cho dân, khuyên dạy thần dân tôn trọng phép nước, thực thi nếp sống bỏ ác làm lành. Khi người người đều an ổn hướng thiện, nhà nhà đều an ổn hướng thiện, nhà vua nhường ngôi cho con và xuất gia, lên núi Yên Tử tinh cần nhiếp hộ tự thân và tiếp tục khơi nguồn diệu pháp làm lợi lạc cho cuộc đời.

Trải qua nhiều mùa xuân chuyên tâm học tập và vận dụng lời Phật chăm lo lợi ích cho muôn dân trong sứ mạng một vị minh quân; tuổi về già, Phật hoàng quy ẩn chốn thiền lâm, tâm thanh thản, lòng sạch trong. Một mùa xuân nữa lại về. Ngồi bên bờ khe vắng một buổi chiều xuân thoảng cánh hồng rơi, Phật hoàng cảm nghiệm từng mùa xuân công đức đi qua đời mình cho đến lúc thản nhiên ngộ ra xuân vốn ở trong lòng; lòng trong sạch thì an lạc miên viễn, tâm trong sáng thì xuân miên trường:

Niên thiếu hà tằng liễu sắc không,
Nhất xuân tâm sự bách hoa trung.
Như kim khám phá đông hoàng diện,
Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng.

年少何曾了色空,
一春心在百花中.
如今勘破東皇面,
禪板蒲團看墜紅.

Thuở nhỏ chưa từng rõ sắc không,
Xuân về hoa bướm rộn trong lòng.
Chúa xuân nay bị ta khám phá,
Chiếu trải giường thiền ngắm rụng hồng[14].

 


Chú thích:

1. Truyện Kiều Nguyễn Du.
2. Kinh Ưu-đàm-bà-la sư tử hống, Trường Bộ.
3. Kinh Chánh tri kiến, Trung Bộ.
4. Kinh Channa, Tăng Chi Bộ.
5. Đại kinh Khổ uẩn, Trung Bộ; Kinh Bị bốc cháy, Tương Ưng Bộ.
6. Kinh Cần phải khích lệ, Tăng Chi Bộ.
7. Kinh Mahànàma, Tăng Chi Bộ.
8. Kinh Nguồn nước công đức, Tăng Chi Bộ.
9. Kinh Các lễ Uposatha, Tăng Chi Bộ.
10. Kinh Lửa, Tăng Chi Bộ.
11. Kinh Sợ hãi và hận thù, Tăng Chi Bộ.
12. Kinh Sedaka hay Ekantaka, Tương Ưng Bộ.
13. Kinh Nguồn nước công đức, Tăng Chi Bộ.
14. Thơ Trần Nhân Tông.


Theo Văn hoá Phật giáo số 265-266 ngày 15-01-2017

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm