Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Hương hoa cúng dường chư Phật

Dâng hoa cúng Phật sẽ là cao tột cùng trong các pháp, nếu đó là hoa của Giới, của Định và của Tuệ
Mục lục


Truyền thống cúng dường Tam bảo đã có từ thời các vị cổ Phật. Trong thời Đức Phật Thích-ca Mâu-ni, vị nổi bật trong hạnh cúng dường là Trưởng giả Cấp Cô Độc, được gọi là người thực hành đại bố thí nhất, từng cúng đến nhiều ngàn ức vàng. Không có nhiều phương tiện và cơ duyên như ngài Cấp Cô Độc, người cư sĩ thường giữ hạnh cúng dường tứ sự để duy trì Chánh pháp và để chư tôn đức Tăng-già có phương tiện tu hành và hoằng pháp. Tuy nhiên, để cúng dường Đức Phật, có một kinh cho biết rằng cúng dường hương hoa là thích nghi nhất.
Có phải hương hoa là một ẩn nghĩa?
Cũng có thể vì Đức Phật từng tự ví như hoa sen...
Kinh Tương ưng bộ 22.94, bản dịch của Thầy Minh Châu ghi lời Đức Phật:

“Ví như, này các Tỷ-kheo, bông sen xanh, hay bông sen hồng, hay bông sen trắng sanh ra trong nước, lớn lên trong nước, vươn lên khỏi nước, và đứng thẳng không bị nước nhiễm ướt. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Như Lai sanh ra ở trong đời, lớn lên trong đời, vươn lên khỏi đời, và sống không bị đời ô nhiễm”[1].

Trong Tăng nhất A-hàm, có kinh EA-20.3, bản dịch của Thầy Tuệ Sỹ và Thầy Đức Thắng, có đoạn viết là khi nói về cúng dường, ghi rằng nên cúng Đức Phật hương hoa thay vì vàng bạc trân bảo.

Kinh này trích như sau:

“... Ông lại nghĩ như vầy: ‘Trong sách có ghi, Như Lai không nhận vàng bạc trân bảo, ta có thể đem năm trăm lạng vàng này, dùng mua hoa hương rải lên Như Lai’. Lúc đó, bà-la-môn liền vào trong thành tìm mua hương hoa”[2]

Khi nói nên cúng hương hoa thay vì vàng bạc trân bảo, có thể vì hương hoa mang ẩn nghĩa là hoa của giới, hoa của định, hoa của tuệ? Cũng có thể có ẩn nghĩa đó.

Bởi vì kinh Tăng chi bộ 5.175, bản dịch của Thầy Minh Châu, ghi lời Đức Phật rằng hoa sen còn tượng trưng Chánh tín của người cư sĩ.

Kinh này trích như sau:

“Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, một nam cư sĩ là hòn ngọc trong giới nam cư sĩ, là hoa sen hồng trong giới nam cư sĩ, là hoa sen trắng trong giới nam cư sĩ. Thế nào là năm? Có lòng tin; có giới; không đoán tương lai với những nghi lễ đặc biệt; không tin tưởng điềm lành; tin tưởng ở hành động; không tìm kiếm ngoài Tăng chúng người xứng đáng tôn trọng và tại đấy phục vụ trước. Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, một nam cư sĩ là hòn ngọc trong giới nam cư sĩ, là hoa sen hồng trong giới nam cư sĩ, là hoa sen trắng trong giới nam cư sĩ”[3].

Trong khi chúng ta đọc Thánh nhân Ký sự, bản dịch của Tỳ-khưu Indacanda[4], ghi về các cơ duyên tiền kiếp của các Trưởng lão A-la-hán nổi bật, sẽ thấy trong những kiếp lâu xa về trước, các vị đó khi còn là cư sĩ, hoặc khi còn là một chúng sanh trong loài thú, rất nhiều trường hợp đã dâng hoa cúng dường cho các vị cổ Phật.

Như trường hợp của Trưởng lão Pāṭalipupphiya, trong một kiếp xa xưa, khi là con trai của một nhà triệu phú đã cầm một bông hoa tới dâng cúng Đức Phật Tissa. Đọc tích này, chúng ta có thể nhận ra rằng con trai của nhà triệu phú tất nhiên có rất nhiều vàng bạc trân bảo, nhưng trong mắt của chàng trai này, quý giá nhất lúc đó là bông hoa pāṭali và cậu đã dâng cúng hoa này.

Trích Thánh nhân Ký sự, bản dịch của Tỳ-khưu Indacanda, về ngài Pāṭalipupphiya như sau:

“Ký sự về Trưởng lão Pāṭalipupphiya

Lúc bấy giờ, tôi đã là con trai nhà triệu phú, mảnh mai, khéo được nuôi dưỡng. Tôi đã đặt bông hoa pāṭali vào lòng và đã mang theo bông hoa ấy.

Bậc Toàn giác có màu da vàng chói đang đi ở khu phố chợ. Ngài có ba mươi hai hảo tướng, tợ như cây cột trụ bằng vàng.

Tôi đã trở nên mừng rỡ, với tâm mừng rỡ tôi đã cúng dường bông hoa. Tôi đã lễ bái Đấng Hiểu biết Thế gian Tissa, đấng Bảo hộ, vị Trời của nhân loại.

Kể từ khi tôi đã thực hiện việc làm ấy trước đây chín mươi hai kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường bông hoa.

Trước đây sáu mươi ba kiếp, (tôi đã là) vị có tên Abhisammata, là đấng Chuyển luân vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.

Bốn (tuệ) phân tích, - (như trên) - tôi đã thực hành lời dạy của Đức Phật”[4].
 


Nếu chỉ cúng hoa, hẳn là không cần phải giàu như con của một nhà triệu phú như tiền kiếp của Trưởng lão Pāṭalipupphiya. Vì cũng trong Thánh nhân Ký sự, trong “Ký sự về Trưởng lão Kaṇaverapupphiyakể rằng tiền kiếp lâu xa của Trưởng lão này chỉ là một người canh gác ở hậu cung đức vua. Đó là thời của Đức Phật có tên là Siddhattha.

Người lính gác này lúc đó đã dâng cúng bằng cách “... cầm lấy bông hoa kaṇavera và đã rải rắc ở Hội chúng Tỳ-khưu. Tôi đã thực hiện nhiều lần ở Đức Phật, sau đó đã rải rắc nhiều hơn nữa. (Kể từ khi) tôi đã dâng lên bông hoa trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường bông hoa...”.

Trong khi đó, một nghệ nhân bình thường cũng có thể cúng hoa (đúng ra, nghèo cỡ nào, cũng cúng hoa được). Như trường hợp ghi trong Thánh nhân Ký sự, nơi “Ký sự về Trưởng lão Ucchaṅgapupphiya”, khi tiền kiếp lâu xa của Trưởng lão này là “người làm tràng hoa ở thành phố Bandhumatī” trong thời Đức Phật có tên là Vipassī.

Nên ghi nhận Trưởng lão nói rằng cúng hoa đã dẫn tới cơ duyên thoát khổ (hưởng phước) và tới cơ duyên hoàn toàn giải thoát (đoạn tận lậu hoặc, có nghĩa rằng cúng hoa mang ẩn nghĩa là hoa của Giới Định Huệ). Trích lời ngài như sau:

“(Kể từ khi) tôi đã cúng dường bông hoa trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường Đức Phật.

Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc”.

Thậm chí, loài chim cúng hoa cũng được hưởng phước. Đó là trường hợp Thánh nhân Ký sự ghi trong sự tích “Ký sự về Trưởng lão Salalapupphiya” - lúc đó ngài là “loài kim-xí-điểu” trong thời Đức Phật Vipassī, và kết quả từ khi “... tôi đã cúng dường bông hoa trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường Đức Phật”.

Nếu không có cơ duyên gặp Đức Phật, chúng ta có thể dâng cúng các bậc Thánh Tăng cũng được nhiều phước duyên thiện lành. Thánh nhân Ký sự trong “Ký sự về Trưởng lão Tivaṇṭipupphiyakể rằng một tiền kiếp Trưởng lão này dâng cúng hoa cho nhà sư “có tên Sunanda, Thanh văn của Đức Phật bậc Hiền Trí Dhammadassī”. Kết quả ghi là “...tôi đã không đi đến đọa xứ trong một ngàn tám trăm kiếp”.

Trong kinh Pháp cú Nam truyền, có một phẩm tên là Hoa. Bài kệ 54 và 55 do Thầy Minh Châu dịch như sau:

“Hương các loại hoa thơm, không ngược bay chiều gió. Nhưng hương người đức hạnh, ngược gió khắp tung bay. Chỉ có bậc chân nhân, tỏa khắp mọi phương trời.

Hoa chiên-đàn, già-la, hoa sen, hoa vũ quý, giữa những hương hoa ấy, Giới hương là vô thượng”[5]

Trong khi đó, Đức Phật cũng từng dạy rằng hãy giữ tâm “vô sở trụ” y hệt như nước bùn không dính vào hoa sen được. Lời dạy đó nằm trong nhóm kinh Nhật tụng Sơ thời, các kinh chư Tăng dùng làm nhật tụng trong những năm đầu Đức Phật hoằng pháp. Đó là kinh Tương ưng bộ Sn 4.6 (Jara Sutta).

Bản dịch của Nguyên Giác trích như sau:

“Người trí không nương tựa vào bất kỳ gì, không thấy gì để trân quý hay ghét bỏ. Sầu khổ và tham đắm không dính vào người này, hệt như nước không dính vào chiếc lá.

Như giọt nước trên lá sen, như nước không dính vào bông sen; những gì được thấy, nghe, nhận biết không dính mắc gì vào người trí.

Người thanh tịnh không khởi niệm tư lường về những gì được thấy, nghe, nhận biết, cũng không muốn tìm thanh tịnh qua bất kỳ cách nào vì đã không còn gì để tham đắm hay ghét bỏ”[6].

Đọc kỹ bài kinh vừa dẫn, sẽ thấy đó là pháp tu “không có gì để tu hết” của Thiền tông, cũng là Thiền Trúc Lâm của Việt Nam. Bởi vì “không khởi niệm” và “không muốn tìm thanh tịnh qua bất kỳ cách nào” cũng có nghĩa là buông hết cả ba thời, và là xa lìa ngũ uẩn của ba thời quá, hiện, vị lai.

Ngài Trần Nhân Tông gọi đó là “Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền” - là đối trước cảnh, tâm không dao động, thì chớ hỏi Thiền làm chi. Lục tổ Huệ Năng cũng gọi đó là “Chớ nghĩ thiện, chớ nghĩ ác...” và kinh Kim cang gọi đó là “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”...

Bất kỳ ai cũng có thể nhìn lại tâm mình, và chớ nghĩ gì tới thiện/ác, lành/dữ, và chớ nghĩ gì tới quá/hiện/vị lai... ngay khi đó, chính là một cái nhìn của tỉnh thức, của tịch lặng, của xa lìa tham sân si. Ngay đó là Niết- bàn, ngay trước mắt. Và đó chính là hương hoa cúng dường chư Phật.


Ghi chú:

1. Kinh Tương ưng bộ SN 22.94: https://suttacentral.net/ sn22.94/vi/minh_chau.

2. Kinh Tăng nhất A-hàm, Kinh EA-20.3: https://suttacentral. net/ea20.3/vi/tue_sy-thang.

3. Kinh Tăng chi bộ AN 5.175: https://suttacentral.net/ an5.175/vi/minh_chau.

4. Thánh nhân Ký sự, bản dịch Tỳ-khưu Indacanda: https:// www.tamtangpaliviet.net/VHoc/39/Ap_00.htm. và https://www.tamtangpaliviet.net/VHoc/40/Ap_00b.htkm.

5. Kinh Pháp cú: https://thuvienhoasen.org/p15a7961/pham- 01-10.

6. Kinh Tương ưng bộ 4.6: https://thuvienhoasen.org/p15a30599/ sn-4-6-jara-sutta-kinh-ve-tuoi-gia.


Theo Văn hoá Phật giáo số 337-338 ngày 15-01-2020

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm