Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Tại sao lại có sanh tử

Nguyên nhân của sanh tử được nêu rõ trong Thập nhị nhân duyên, thuộc giáo lý căn bản của Phật giáo.
Mục lục


Nguyên nhân của sanh tử được nêu rõ trong Thập nhị nhân duyên, thuộc giáo lý căn bản của Phật giáo. Trong mười hai nhân duyên này, nguyên nhân khởi đầu là vô minh, từ đó có nguyên nhân chủ yếu của sanh là hữu (nguyên nhân thứ mười), tức là sự hiện hữu của ba cõi: dục giới, sắc giới và vô sắc giới; và nguyên nhân chủ yếu của tử là sanh. Sanh tử là cái thứ mười một và mười hai trong Thập nhị nhân duyên, mà cái khởi đầu là vô minh. Từ vô minh sinh hành, hành sinh thức, thức sinh danh sắc... cho đến sanh và tử. Tóm lại sanh tử là do vô minh của tâm và những hoạt động của tâm vô minh đó.
Thế giới với vô vàn sự khác biệt giới hạn lẫn nhau, xung đột nhau, sanh diệt lẫn nhau, đó là cái chúng ta gọi là sanh tử. Sanh tử xuất hiện là do vô minh phân biệt, điều này kinh nói trong hầu hết các bài kệ:

Tự cho mình là nam
Thấy kia là người nữ
Do tâm phân biệt này
Mà sanh lòng ái dục
Lòng dục vô sở hữu
Tâm tướng bất khả đắc
Do vì vọng phân biệt...

(Nam tướng tam-muội)

Huân tập tánh sai biệt
Khởi lên các thứ nghiệp
Nghiệp cũng không có sanh
Tất cả chẳng chân thật...

(Long tướng tam-muội)

 

Kia do nơi danh tự
Theo thế tục an lập
Trong ấy không có pháp
Mà vọng khởi phân biệt.

(Ma-hầu-la tam-muội)

Trong ấy không tác giả
Do tự phân biệt sanh
Lúc ta ngồi đạo tràng
Biết tướng vô sanh này
Vì vô tướng, vô sanh
Tánh ấy như hư không
Tướng ấy đều tịch tịnh...

(Địa ngục tướng tam-muội)

Nhưng phân biệt do đâu sanh? Sự phân biệt căn bản là sự phân biệt giữa tôi và những cái khác tôi, giữa cái của tôi và những cái của người khác. Sự phân biệt ban đầu là sự phân biệt giữa tôi và cái chẳng phải tôi. Sự phân biệt ấy là do lập nên một cách hư vọng một cái tôi giả tạo đối lập với người khác và với thế giới.
Trong thực tại “không có pháp mà vọng khởi phân biệt”. Trong thực tại không có thân “mà lấy vô thân làm thân”. Trong thực tại vô tác mà lấy “pháp vô tác làm tác”. Mọi việc làm, bám chấp, tham lam, sân giận, hy vọng và lo sợ... đều là việc làm với hư không, vô ích.

Phàm phu trong vô si
Hư vọng sanh tưởng si
Trong vô trước sanh trước
Như thắt nút hư không.
Lạ thay cho người ngu

Chẳng đáng làm mà làm
Các pháp đều chẳng có
Do nhiễm phân biệt sanh.
Như muốn nắm hư không
Giữ yên ở một chỗ

Dẫu trải ngàn vạn kiếp
Không hề tích tụ được.
Kẻ ngu từ xưa nay
Trải qua vô số kiếp
Vọng khởi thắt nút si
Như không chút phần tăng.
Như người nắm hư không
Không hề tăng hay giảm
Gom góp si nhiều kiếp
Không tăng giảm cũng vậy...

(Vô minh tướng tam-muội)

Cái gì khiến trong chỗ không có sự bám níu (trước) lại sanh bám níu? Cái gì muốn thắt nút hư không, muốn nắm giữ, gom tụ hư không mà không biết rằng hư không không hề tăng hay giảm?
Đó là sự chấp ngã hư vọng; sự chấp ngã này là sự thắt nút hư không. Nói theo Tám thức, thì thức chấp ngã là thức Mạt-na, với những sức mạnh của nó là ngã kiến, ngã ái, ngã si, ngã mạn.
Vọng chấp vào một cái tôi, liền phân biệt giữa tôi và chẳng phải tôi, tôi và người khác, tôi và thế giới. Có một cái tôi, đó là sự phân biệt ban đầu và căn bản; đó là si (vô minh).

Thức chấp ngã thứ bảy này chỉ huy, cai trị thức thứ sáu là ý thức và năm thức giác quan. Suy nghĩ là tôi suy nghĩ, cho tôi và vì tôi. Con mắt thấy, lỗ tai nghe là tôi thấy tôi nghe cho tôi và vì tôi. Thức Mạt-na chấp ngã này còn làm nhiễm ô thức căn bản là thức thứ tám A-lại-da bằng ý niệm tôi và cái của tôi.
Cái tôi hư giả do vọng lập đã phân chia thế giới thành tôi và cái chẳng phải tôi. Sự phân biệt, chia cắt ấy lan dần và thấm nhập toàn bộ tám thức để chia xẻ thực tại thành từng manh mún mà chúng ta gọi là sanh tử. Thức chấp ngã đã xé nát thực tại thành sanh tử. Nói xé nát chỉ là một cách nói, vì thực tại tánh Không không thể bị hư hoại, như Bát-nhã Tâm kinh nói, nó là “chẳng sanh, chẳng diệt, chẳng tăng, chẳng giảm, chẳng dơ, chẳng sạch”. Hay nói theo cách nói của hệ Pali, “thực tại là Niết-bàn, Niết-bàn ấy không rộng thêm khi có ít người vào, không hẹp lại khi có rất nhiều người vào”.
Hai dòng lớn nhất của Đại thừa là Trung quán hay Trung đạo của ngài Long Thọ và Duy thức của ngài Thế Thân đều nói cái đầu tiên và cuối cùng của Phật giáo là vô ngã và vô pháp.
Nền tảng của Phật giáo là vô ngã và vô pháp. Con đường hay phương pháp của Phật giáo là đi trong vô ngã và vô pháp để thực hiện được vô ngã vô pháp. Và Quả là vô ngã vô pháp. Để thực hiện vô ngã vô pháp, Phật giáo có rất nhiều pháp môn, chẳng hạn như các tam-muội của tướng tham, sân, si, tướng các loại chúng sanh... trong kinh Pháp hội Văn-thù-sư-lợi Phổ môn này. Và ở đây, chúng ta chỉ nói về những pháp quán của kinh này để giải tan những vọng tưởng và vọng tướng đã tạo thành các cõi sanh tử.
 


Tại sao phải quán? Bởi vì hiện thời cái quán, cái thấy của chúng ta là do phân biệt, và chính sự quán thấy phân biệt sai lầm ấy tạo ra sanh tử hư vọng. Chúng ta phải phản quán trở lại để thấy thực tại đúng như nó là. Bởi vì do phân biệt mà chúng ta quán sát ngã và pháp có tự tánh, có thật. Cho nên chúng ta phải chánh quán trở lại để thấy ngã và pháp là không có tự tánh, không thật, như huyễn, như mộng. Do đó mà giải thoát khỏi mê lầm, giải thoát khỏi sanh tử do chúng ta hư vọng tạo nên.
Trong kinh thường nói quá trình tu tập là Văn, Tư, Tu. Văn là nghe giảng, đọc, nghiên cứu... Văn chỉ làm cho chúng ta thích thú, muốn tìm hiểu rộng hơn, sâu hơn. Tiếp theo là Tư, tư duy, suy nghĩ, phản biện, áp dụng  cái đã nghe vào chính đời sống, thử nghiệm xem nó có đúng không. Khi thấy sự thật là như vậy, không thể sai khác, chúng ta mới có niềm tin vào Pháp để thực sự thực hành. Thứ ba là thực hành, Tu, đem những điều đã học, đã suy ngẫm và đã thử áp dụng vào thực hành thiền định, thiền quán. Có những kinh, như kinh Kim Cương, nói chỉ bốn câu kệ là đủ cho cả quá trình Văn, Tư, Tu. Vấn đề là chúng ta phải chứng nghiệm nó, hiện thực hóa nó trong cuộc sống trần gian này.
Nhờ thiền định thiền quán theo định hướng nhất định, cộng thêm những yếu tố khác làm động lực như phát nguyện, làm công đức, tinh tấn, sùng mộ... những tấm màn chấp ngã chấp pháp được tháo gỡ. Cho đến một lúc những tấm màn che ấy đã thưa bớt, chúng ta chạm mặt, thấy trực tiếp tánh Không, mặc dầu chỉ thấy được một phần.
Sau đó, đã có sự xác quyết do chứng nghiệm sự thật là như vậy, chúng ta gỡ bỏ cho đến khi các che chướng hoàn toàn hết hẳn. Cái thấy, chánh kiến về tánh Không, ban đầu chỉ chiếm một phần trong cuộc đời chúng ta, sau đó trùm cả thân, tâm, thế giới và chúng sanh. Có lẽ, khi cái thấy tánh Không bao trùm tất cả hiện hữu, chúng ta sẽ thấy tất cả là giải thoát, hay nói theo kinh điển, tất cả sanh tử là Niết-bàn.
 


Theo Văn hoá Phật giáo số 325 ngày 15-07-2019

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm