Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Suy tư & nhận biết

Tư duy là hoạt động nhận thức của con người; nhờ có tư duy con người mới có tiến bộ, phát triển. Giá trị lớn lao của tư duy là điều quá rõ ràng. Tuy vậy, nỗi khổ đau của con người phần lớn cũng bắt nguồn từ tư duy, suy nghĩ.
Mục lục
Suy tư thì suy luận, ức đoán, phân biệt nhị nguyên, đánh giá phán xét... trên tính chủ quan hữu ngã - Ảnh minh hoạ

Trong kinh Đế Thích sở vấn (Kinh Trường bộ), Thiên chủ Sakka thỉnh vấn Đức Phật vì sao nhân loại ai cũng mong ước sống trong bình an hạnh phúc, nhưng sao luôn có chiến tranh hận thù, chống đối tàn hại lẫn nhau. Đức Phật nói rằng đấy là do tư tưởng, quan niệm, suy tư của con người mà ra.

Thật vậy, suy tư nếu không đặt trên nền tảng của sự nhận thức trong sáng thì đều dẫn đến khổ đau. Dưới tác động của vô minh, mọi suy nghĩ đều chứa mầm bất hạnh. Trong môi trường của tư duy hữu ngã, cái tôi chủ quan bao giờ cũng có mặt trong nhận thức. Suy tư vì vậy sẽ không bao giờ đưa đến cái thấy sáng tỏ khách quan toàn diện, chỉ là nắm bắt, tiếp cận một khía cạnh nào đó của sự vật, hiện tượng theo quan kiến của riêng mỗi người. Vì thế trong suy tư luôn chứa đựng sự mâu thuẫn và chống đối nhau. Các hệ tư tưởng trên thế giới từ xưa đến nay luôn cho thấy sự mâu thuẫn và xung đột như thế. Đó là bản chất bất toàn và xung đột của tư duy lý tính bị tập nhiễm bởi các khuynh hướng tham ái, ngã mạn và chấp thủ. Đức Phật thấy được điều đó nên luôn thận trọng nhắc nhở chúng ta rằng đừng nên kết luận “chỉ đây là chân lý, ngoài ra là sai lầm”.

Đức Phật không bao giờ kết luận một điều gì theo sự đánh giá, phán đoán của tư duy. Bởi nếu kết luận theo sự suy đoán của tư duy sẽ đưa đến nhận thức cực đoan. Kết luận theo kinh nghiệm chủ quan, theo Đức Phật, là một tà kiến. Ngài nói: “Này Vacchagotta, kết luận thế giới là thường trú hay vô thường; thế giới hữu biên hay vô biên; thân thể và tâm thức là một hay khác; Như Lai tồn tại hay không tồn tại sau khi chết, đều là tà kiến” (Kinh Trung bộ).

Thực tại là những gì rất sinh động luôn trôi chảy mới mẻ. Kết luận là đóng khung thực tại, nhốt thực tại vào những khái niệm; bấy giờ thực tại không còn là thực tại diễn tiến sinh động mới mẻ nữa mà là một thực tại chết. Dưới nhãn quan của Đức Phật, kết luận thế giới là thường trú hay vô thường đoạn diệt, vũ trụ hữu biên hay vô biên… chỉ là những ảo tưởng, ảo kiến, hý luận mà thôi. Những kết luận như vậy chỉ làm cho thế giới nhận thức của con người thêm phần rối ren, hỗn loạn, xung đột tranh chấp với nhau mà Ngài gọi là kiến tranh chấp, kiến hoang vu, kiến kiết phược…

Với thực tại sinh động đang diễn tiến trôi chảy, Đức Phật chỉ quan sát nhận biết chúng một cách chân thật trong sáng khách quan. Các pháp sinh khởi thì Ngài nhận biết là sinh khởi; các pháp hoại diệt thì Ngài nhận biết là hoại diệt, chỉ quán chiếu thực tại với bản chất duyên sinh duyên diệt của chúng mà không đi đến một suy tư kết luận nào cả. Ngài nói: “Này Vacchagotta, đây là điều Như Lai nhận biết: Đây là sắc, đây là sắc tập, đây là sắc diệt; đây là thọ… đây là tưởng… đây là hành…đây là thức, đây là thức tập, đây là thức diệt. Do vậy, Ta nói rằng, với sự đoạn trừ, ly tham, đoạn diệt, xả bỏ, vứt bỏ tất cả ảo tưởng, tất cả hôn mê của tất cả ngã kiến, ngã sở kiến, mạn tùy miên, mà Như Lai được giải thoát, không còn chấp thủ” (Kinh Trung bộ).

Sự khác nhau giữa suy tư và nhận biết mà người viết dụng ý ở đây là một bên mang tính tư duy chủ quan, suy biện triết học dựa trên cấu trúc danh ngôn, khái niệm; một bên là rỗng rang vô niệm, đạo học vô vi. Suy tư thì suy luận, ức đoán, phân biệt nhị nguyên, đánh giá phán xét… trên tính chủ quan hữu ngã. Nhận biết là tỉnh thức trong sáng, rỗng rang vô vi, không có cái ta chủ quan tạo tác (hữu vi) lăng xăng trong đó. Phật giáo khởi thủy là đạo học chứ không phải triết học. Sau này, Phật giáo đi vào giai đoạn bộ phái, trào lưu Abhidharma hình thành, Phật giáo mới đi vào lãnh vực triết học. Hẳn bạn đọc sẽ thắc mắc, đạo Phật khởi thủy cũng có những kết luận mang tính triết học như vô thường, vô ngã…, làm sao nói không có tính triết học?

Thực ra nói các pháp là vô thường hay sắc, thọ, tưởng, hành, thức là vô thường; đó không phải là một kết luận mang tính triết học, chỉ là cách nói dẫn đạo, giúp con người thoát ra khỏi tâm lý tham chấp vào mọi thứ ở đời để sống an lạc hạnh phúc mà thôi. Bởi bản chất rốt ráo của các pháp thì siêu việt thường và vô thường. Với Đức Phật, người nào tìm đến Ngài với thiết tha mong được chỉ dẫn tu tập giải thoát khổ đau thì Ngài tận tình chỉ dạy; còn với những ai tìm đến Ngài với mong muốn tìm kiếm một tri thức triết học, một kết luận mang tính trừu tượng siêu hình thì đều bị Ngài từ chối. Vacchagotta là một du sĩ năm lần bảy lượt tìm đến Ngài với mong muốn khai thác ở Ngài những tri thức triết học nhưng đều bị Ngài từ chối bằng cách giữ im lặng, không trả lời những câu hỏi của vị này. Nơi đây, tác giả Nguyễn Tường Bách có nhận định:

“Ta sẽ sớm thất vọng nếu muốn tìm nơi Đức Phật một nền triết học hoàn chỉnh về nhận thức, một vũ trụ quan hẳn hoi, một lời giải thích tường tận về thế giới hiện tượng. Lý do là, Đức Phật đến với đời không phải là để lý luận về vũ trụ và thế giới. Ngài không trình bày những nhận thức triết lý như những nhà triết học. Mục đích của Đức Phật là tuyên bố cho thế gian biết cuộc đời này là khổ, là phiền não, thế nhưng có những cách để thoát khổ, để diệt phiền não… Đức Phật không có dáng dấp của một triết gia nêu lên những nhận thức hay kết luận về vũ trụ rồi tìm cách chứng minh và bào chữa cho chúng”.

Có thể nói mọi khổ đau của tất cả chúng ta đều bắt nguồn từ nhận thức sai lầm về thực tại, không thấy đúng bản chất như thực của thực tại. Thử nhìn vào thái độ yêu ghét của bạn. Bạn nghĩ rằng thực sự có một thực tại đáng yêu đáng ghét bên ngoài phản ánh lên tâm thức bạn như thế. Nhưng quả thật không phải vậy, thái độ yêu ghét của bạn là do chính bạn phản ứng với cái ta tham ái trong tự tâm bạn tạo ra. Thực tại bên ngoài mà bạn thấy đáng yêu đáng ghét đó là hình chiếu của cái ta tham ái chấp thủ của tâm thức bạn, chứ không phải là thực tại tự nó. Thực tại tự nó thì không có thuộc tính đáng yêu đáng ghét. Đó là sự nhầm lẫn của tất cả chúng ta. Và đó chính là nguyên nhân của mọi khổ đau.

Thực tại là sợi dây mà bạn không nhận ra là sợi dây. Bạn thấy nó là con rắn nên bạn mãi sống trong sự sợ hãi khổ đau. Con rắn là ảo tưởng, ảo kiến, là những suy tư tưởng tượng theo cái ta vẽ vời của bạn, là sự nhận thức sai lầm về thực tại của bạn.

Trong kinh Tiểu bộ, Đức Phật có dạy một bài pháp vắn tắt giúp cho Bahiya chứng ngộ ngay Niết-bàn. Bài pháp giản đơn mà súc tích, ngắn gọn mà sâu xa, trực tiếp đi vào nhận thức thực tại chân thực: “Này Bahiya, ông nên tu tập thế này, trong cái thấy sẽ chỉ là cái thấy. Trong cái nghe sẽ chỉ là cái nghe. Trong cái thọ tưởng sẽ chỉ là cái thọ tưởng. Trong cái thức tri sẽ chỉ là cái thức tri”. Thấy mà không có người thấy, nghe mà không có người nghe, thọ tưởng mà không có người thọ tưởng, nhận biết mà không có người nhận biết, thì thực tại hiện ra rất chân thực, rất sáng rõ. Mọi thấy nghe, cảm thọ, nhận biết mà không có cái ta tạo tác đằng sau thì thực tại hiện lên với tính chất chân thực của nó. Trong sự nhận biết là thuần túy nhận biết ấy, bấy giờ thực tại không còn là thực tại đáng yêu hay đáng ghét nữa mà chỉ thuần một tính chất bình yên nguyên thủy của nó. Thực tại ấy chính là Niết-bàn. Thảo nào mà Bahiya sau khi nghe những lời dạy vắn tắt cô đọng ấy của Đức Phật liền giác ngộ, thể nhập vào thực tại Niết-bàn.

Nhận biết rỗng rang vô ngã chính là cái nhìn tánh Không, cái nhìn rỗng không về cái ta suy tư đánh giá, phán xét, kết luận theo kinh nghiệm. Tánh Không là một trải nghiệm nhận thức rất sâu sắc, thâm huyền mà ở đó không có cái ta tạo tác xen vào. “Tánh Không là một kiểu nhận thức, một cách nhìn vào kinh nghiệm. Nó không thêm gì vào và không lấy gì đi” (Thanissaro Bhikku). Nhận thức rỗng không như thế, tức không có cái ta yêu ghét thêm bớt gì vào, sẽ đưa bạn vào an trú trong tánh Không, an trú trong Niết-bàn.
Suy tư tất nhiên là có giá trị nhưng đối với vấn đề thể nhập thực tại tối hậu hay Niết-bàn, suy tư chỉ là một gã khờ loay hoay trước cửa mà thôi. Muốn bước vào cánh cửa Niết-bàn, mọi suy tư cần phải rũ bỏ, chỉ còn lại sự nhận biết trong sáng rỗng lặng. Nói như ngài Dharmakirti: “Niết-bàn hoặc thực tại là cái gì giải thoát khỏi tất cả những gì do tư duy cấu thành”.

Theo GIÁC NGỘ online

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm