Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Góp phần đề nghị một đề cương biên dịch cho Đại tạng kinh Việt Nam

Hơn 60 năm của thế kỷ XX, chúng ta đã phiên dịch được khá nhiều, nhưng do những điều kiện khách quan và chủ quan, Đại tạng kinh Việt Nam vẫn chưa được hoàn thành. Thế kỷ XXI đã đi qua được 4 năm, thời gian vẫn đang mở rộng trước mắt - mở rộngnhưng không phải là vô tận - vì hầu như không còn lý do gì để chần chừ, trì trệ; hoàn thành Đại tạng kinh Việt Nam phải là Phật sự hàng đầu của Phật giáo Việt Nam trong những thập niên đầu của thế kỷ XXI.
Mục lục

 

Góp phần đề nghị một đề cương biên dịch  cho Đại tạng kinh Việt Nam

 

Góp phần đề nghị một đề cương biên dịch 
cho Đại tạng kinh Việt Nam

Đào Nguyên

 

Hơn 60 năm của thế kỷ XX, chúng ta đã phiên dịch được khá nhiều, nhưng do những điều kiện khách quan và chủ quan, Đại tạng kinh Việt Nam vẫn chưa được hoàn thành. Thế kỷ XXI đã đi qua được 4 năm, thời gian vẫn đang mở rộng trước mắt - mở rộngnhưng không phải là vô tận - vì hầu như không còn lý do gì để chần chừ, trì trệ; hoàn thành Đại tạng kinh Việt Nam phải là Phật sự hàng đầu của Phật giáo Việt Nam trong những thập niên đầu của thế kỷ XXI.
Đại tạng kinh Việt Nam nói ở đây tức là Đại tạng kinh được biên chép bằng tiếng Việt Nam hiện đại (chữ Quốc ngữ), biên dịch từ cơ sở là 2 nguồn: Đại tạng kinh Nam truyền (tạng Pali) và Đại tạng kinh Bắc truyền (tạng Hán. Sau này có điều kiện sẽ tham khảothêm tạng Tây Tạng).
Nơi bài viết Một vài suy nghĩ về Đại tạng kinh Việt Nam trước thế kỷ mới, in trong sách Phật giáo trong thế kỷ mới, tập 2, NXB Giao Điểm, Hoa Kỳ, 1997, tr. 301-322, chúng tôi đã biện giải khá chi tiếtvề một số vấn đề có tính lý luận, lịch sử và giá trị. Bài viết này chỉ xin bàn về mấy vấn đề có tính thực tiễn.
Trước hết là xin giới thiệu tóm lược nội dung của 2 Đại tạng kinhNam truyền và Bắc truyền. Về Đại tạng kinh Nam truyền, chúng tacó thể tham khảo bài viết Tam tạng Thánh giáo Nam truyền củaThượng tọa Phước Sơn đăng ở Nguyệt san Giác Ngộ số 59, tháng 2-2001 (tr. 77-90), sau in trong sách Phật học cơ bản, tập 4.Hiện tình dịch thuật của Đại tạng kinh này, những công việc cầntiếp tục thực hiện v.v..., chúng tôi xin dành cho chư vị có thẩm quyền. Ở đây chỉ xin "góp phần đề nghị một đề cương biên dịch" đối với Đại tạng kinh chữ Hán.

Đại tạng kinh chữ Hán, chỉ nói về phần gốc, tức 3 tạng Kinh, Luật, Luận được dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Trung Hoa, về nội dung,chúng tôi dựa theo bố cục của Đại tạng kinh Đại Chánh tân tu (ĐTK/ĐCTT) xin nêu vắn tắt như sau:

I. Tạng Kinh: Phân làm 9 bộ với 17 tập (không kể phần Mật giáo), mỗi tập theo khổ 22 x 27 với số trang từ 800 - 1.000 trang.
1. Bộ A Hàm: Gồm 2 tập 1 và 2, tập hợp các kinh mang số hiệu từ 1 đến 151.
2. Bộ Bản Duyên: Gồm 2 tập 3, 4 với các kinh mang số hiệu từ 152 đến 219.
3. Bộ Bát Nhã: Gồm 4 tập 5, 6, 7, 8, giới thiệu các kinh mang số hiệu từ 220 đến 261.
4. Bộ Pháp Hoa: Gồm non nửa tập 9, giới thiệu các kinh mang số hiệu từ 262 đến 277.
5. Bộ Hoa Nghiêm: Gồm hơn nửa tập 9 và tập 10, tập hợp các kinh mang số hiệu từ 278 đến 309.
6. Bộ Bảo Tích: Gồm tập 11 và 1/3 tập 12, tập hợp các kinh mang số hiệu từ 310 đến 373.
7. Bộ Niết Bàn: Gồm 2/3 tập 12, tập hợp các kinh mang số hiệu từ 374 đến 396.
8. Bộ Đại Tập: Gồm 1 tập 13, giới thiệu các kinh mang số hiệu từ 397 đến 424.
9. Bộ Kinh Tập: Gồm 4 tập 14, 15, 16, 17, tập hợp các kinh mang số hiệu từ 425 đến 847.

II. Tạng Luật: Gồm 3 tập 22, 23, 24, tập hợp giới thiệu toàn bộ hệ thống Luật tạng của các bộ phái, mang số hiệu từ 1421 đến 1504. (Khoảng cách về số hiệu từ Kinh: 847 sang Luật: 1421 là 4 tập 18, 19, 20, 21 giới thiệu về Mật giáo).

III. Tạng Luận: Phân làm 5 bộ, 8 tập (từ tập 25 đến 32).
1. Bộ Thích kinh luận: Gồm 1 tập 25 và 1/3 tập 26, tập hợp các luận với nội dung là giải thích kinh, mang số hiệu từ 1505 đến 1535.
2. Bộ Tỳ đàm: Gồm 2/3 tập 26, các tập 27, 28, 29, tập hợp các luận thuộc hệ A tỳ đàm, mang số hiệu từ 1536 đến 1563.
3. Bộ Trung quán: Gồm 1/3 tập 30, tập hợp các luận thuộc hệ Trung quán, mang số hiệu từ 1564 đến 1578.
4. Bộ Du già: Gồm 2/3 tập 30 và tập 31, giới thiệu các luận thuộc hệ Du già - Duy thức, mang số hiệu từ 1579 đến 1627.
5. Bộ Luận tập: Gồm 1 tập 32, tập hợp các luận và luận thích mang số hiệu từ 1628 đến 1692, không thể sắp vào 4 bộ kể trên.

Số lượng như vậy là quá nhiều và hết sức phong phú. Tuy nhiên, do hoàn cảnh lịch sử, hoàn cảnh địa lý, trong quá trình chuyển dịch để hoàn thành Đại tạng kinh chữ Hán, chúng ta cần lưu ý mấy điểm:

* Thứ 1: Dịch trùng. Tức một bản kinh chữ Phạn có nhiều bản Hán dịch, ra đời vào những thời gian khác nhau. Ví như kinh Duy Ma có 3 bản Hán dịch, kinh Kim Cương có 6 bản Hán dịch, kinh A Di Đà có 2 bản Hán dịch, Bát Nhã Tâm kinh có 7 bản Hán dịch v.v... (chỉ căn cứ theo số lượng còn lưu truyền, được ĐTK/ĐCTT tập hợp).
* Thứ 2: Kinh chính và kinh Biệt hành: Kinh chính là kinh đầy đủ, gồm nhiều quyển. Kinh Biệt hành là những mảng kinh rời, ngắn, thường là 1 phẩm, 1 đoạn của kinh chính kia, hầu hết được dịch trước kinh chính. Ví dụ một số kinh Biệt hành của kinh Hoa Nghiêm:
- Kinh Tiểu Thập Trụ, 1 quyển, No 283: là phẩm Thập trụ nơi kinh Hoa Nghiêm (phẩm thứ 15).
- Kinh Đại Thập Trụ, 4 quyển, No 285: là phẩm Thập địa (phẩm thứ 26).
- Kinh Đẳng Mục Bồ Tát Sở Vấn Tam Muội, 3 quyển, No 288: là phẩm Thập định (phẩm thứ 27).
- Kinh Độ Thế, 6 quyển, No 292: là phẩm Ly thế gian (phẩm thứ 38) v.v...
Tất cả các kinh chính, Biệt hành, dịch trùng, đều được ĐTK/ĐCTT tập hợp đủ cả.
* Thứ 3: Về chất lượng của một số bản Hán dịch:
Ở đây không hề có ý khen chê, mà chỉ nêu lên một sự kiện có tính lịch sử. Được dịch vào giai đoạn đầu, người cộng tác ít, câu văn dịch còn đang ở giai đoạn hình thành, từ ngữ cũng như thuật ngữ Phật học còn đang dò dẫm, nội dung lại bàn về các vấn đề cao siêu, vi tế, nên một số bản kinh Hán dịch rất khó đọc, khó lĩnh hội. Đáng kể nhất cho trường hợp này là Pháp sư Trúc Pháp Hộ (226-304). Pháp sư Trúc Pháp Hộđược xem là một trong 3 dấu mốc tiêu biểu nơi quá trình dịch thuật và hoàn thành Đại tạng kinh chữ Hán nói chung, kinh điển Hán tạng nói riêng. (Hai dấu mốc kia là Pháp sư Cưu Ma La Thập (344-413) và Pháp sư Huyền Tráng (602-664). Đóng góp của Pháp sư Trúc Pháp Hộ cho Đại tạng kinh chữ Hán là rất lớn.Pháp sư đã dịch đến 95 tên kinh gồm 208 cuốn, nhưng do các yếu tố như vừa nêu, nên một số lượng khá nhiều bản kinh Hán dịch của Pháp sư đã thuộc vào loại rất khó lĩnh hội.
Từ 3 điểm cần lưu ý như thế, chúng ta có thể đưa ra một kết luận mang tính khẳng định: Trong tiến trình chuyển dịch 3 tạng Kinh, Luật, Luận chữ Hán sang chữ Việt để góp phần hoàn thành Đại tạng kinh Việt Nam, chúng ta không nên dịch toàn bộ mà chỉ chọn dịch. Đây là điều mà người Nhật đã làm. Người Nhật đã dựa vào ĐTK/ĐCTT, chọn dịch để hoàn thành Đại tạng kinh Nhật Bản và đó là một tham khảo tốt chochúng ta. Vậy tham khảo và chọn dịch như thế nào? Chúng tôi xin đi sâu hơn vào nội dung của từng phần, từng bộ, và cũng xin đề xuất hướng chọn dịch cụ thể:

IV. Tạng Kinh:
1. Bộ A Hàm: Bộ A Hàm gồm 2 phần chính và rời. Phần A Hàm chính tức gồm 4 bộ kinh A Hàm:
* Trường A Hàm: Mang số hiệu 1, gồm 22 quyển với 30 kinh, Hán dịch là 2 Đại sư Phật Đà Da Xá và Trúc Phật Niệm, tương đương với kinh Trường Bộ (Dìgha-Nikàya) của tạng Pali.
* Trung A Hàm: Mang số hiệu 26, gồm 60 quyển với 222 kinh, Hán dịch là Đại sư Cù Đàm Tăng Già Đề Bà, tương đương với kinh Trung Bộ (Majjhima-Nikàya) của tạng Pali.
* Tạp A Hàm: Mang số hiệu 99, gồm 50 quyển với 1.362 kinh ngắn, Hán dịch là Đại sư Cầu Na Bạt Đà La, tương đương với kinh Tương Ưng Bộ (Samyutta-Nikàya) của tạng Pali.
* Tăng Nhất A Hàm: Mang số hiệu 125, gồm 51 quyển, 52 phẩm với 471 kinh và phẩm tự, Hán dịch là Đại sư Cù Đàm Tăng Già Đề Bà, tương đương với kinh Tăng Chi Bộ (Anguttara-Nikàya).
Phần A Hàm rời tức các kinh ngắn, về nội dung hầu hết đều có mặt trong 4 bộ kinh chính kia, nhưng đã được dịch riêng, lẻ tẻ, phần lớn được dịch từ đời Tây Tấn (265-317) trở về trước:
- Các kinh mang số hiệu từ 2 đến 25: là Trường A Hàm rời.
- Các kinh mang số hiệu từ 27 đến 98: là Trung A Hàm rời.
- Các kinh mang số hiệu từ 100 đến 124: là Tạp A Hàm rời. Riêng kinh Ương Quật Ma La có 3 bản Hán dịch: 118, 119, 120, nên chọn 1 bản 118, bỏ bớt 2 bản kia).
- Các kinh mang số hiệu từ 126 đến 151: là Tăng Nhất A Hàm rời.
Học giả Lương Khải Siêu (1873-1929) trong bài viết Bàn về bốn bộ A Hàm đã đưa ra 6 điểm để nhấn mạnhvề tầm quan trọng của 4 bộ kinh ấy. Xin trích 2 điểm sau (5, 6):
- A Hàm chẳng những không xung đột với kinh điển Đại thừa (Bắc truyền) mà giáo nghĩa Đại thừa đượccưu mang trong đó không ít.
- A Hàm trình bày rất nhiều về tình hình xã hội đương thời. Đọc A Hàm có thể biết được hoàn cảnh sinh hoạt của Đức Thế Tôn và Ngài đã có những nỗ lực để ứng cơ giáo hóa như thế nào... (dẫn theo: Định Huệdịch. Tập văn Suối Nguồn, số 4, Vu lan 1999).
Do tính chất quan trọng như vậy nên theo chúng tôi, về bộ A Hàm nên Việt dịch hết, cả phần chính và phần rời. Các kinh ngắn nơi phần A Hàm rời sẽ góp phần soi sáng thêm cho các kinh ở phần chính. Ví như kinh Thiện Sinh (còn gọi là kinh Thiện Sinh Tử, kinh Thi Ca La Việt Lục Phương Lễ), một bản kinh ngắn nhưng rất tiêu biểu, nêu bày quan điểm của Phật giáo về một số vấn đề thuộc nhân sinh - xã hội, có mặt cả ở điển tịch Nam truyền và Bắc truyền. Nơi Kinh tạng Nam truyền, kinh ấy được ghi lại trong kinh Trường Bộ, kinh số 31, có tên là kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt (kinh Trường Bộ, tập 2, HT. Minh Châu dịch, 1991, tr. 529-547). Nơi Hán tạng, kinh này ngoài 2 bản được ghi lại nơi kinh Trường A Hàm, kinh số 16, quyển 11) và kinh Trung A Hàm (kinh số 135, quyển thứ 33), còn có 2 bản Hán dịch nữa: Một do Đại sư An Thế Caodịch, mang tên kinh Thi Ca La Việt Lục Phương Lễ, No 16, 1 quyển. Một do Đại sư Chi Pháp Độ dịch, mang tên kinh Thiện Sinh Tử, No 17, 1 quyển, đều nằm trong phần Trường A Hàm rời. Một sự dồi dào như thế sẽ giúp ích rất nhiều cho các nhà nghiên cứu.
2. Bộ Bản Duyên: Gồm 2 phần: Các kinh viết về lịch sử Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và mảng kinh viết vềtiền thân (tiền thân Phật Thích Ca, Phật A Di Đà, Phật Di Lặc, chư vị Bồ tát, các vị đại đệ tử của PhậtThích Ca).
a) Các kinh viết về lịch sử: gồm 14 kinh, kệ tán, sưu tập, mang số hiệu từ 184 đến 197. Có mấy điểm đáng chú ý:
* Ngoài yếu tố lịch sử vẫn luôn được tôn trọng, các kinh thuộc phần này đều có những chi tiết tô đậm khía cạnh linh diệu, kỳ vĩ, mang tính tượng trưng, ẩn dụ cao, cũng là điều thường gặp nơi phần lớn các kinh thuộc Phật giáo Bắc truyền.
* Về niên đại xuất gia - thành đạo của Đức Bổn Sư:
- Các kinh mang số hiệu 184, 185, 189 (Kinh Tu Hành Bản Khởi, 2 quyển, Hán dịch là Trúc Đại Lực vàKhang Mạnh Tường, dịch vào đời Hậu Hán (25-220). Kinh Thái Tử Thụy Ứng Bản Khởi, 1 quyển, Hán dịch là cư sĩ Chi Khiêm, dịch vào đời Đông Ngô (229-280). Kinh Quá Khứ - Hiện Tại Nhân Quả, 4 quyển, Hán dịch là Đại sư Cầu Na Bạt Đà La dịch vào đời Lưu Tống (420-478) đã nêu rõ: 17 tuổi kết hôn với công chúa Da Du Đà La, 19 tuổi xuất gia, 25 tuổi thành đạo. Đây có thể là những tư liệu căn bản để các nhànghiên cứu về Hán tạng thuộc những thế hệ trước hình thành kiến giải: Theo Phật giáo Bắc truyền, Đức Phật Thích Ca xuất gia năm 19 tuổi, thành đạo năm 25 tuổi.
- Kinh No 195: Kinh Thập Nhị Du, 1 quyển, Hán dịch là Sa môn Ca Lưu Đà Dà, dịch vào đời Đông Tấn (317-419), là một bản kinh rất ngắn, giới thiệu sơ lược về cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã ghi rõ: 29 tuổi xuất gia, 35 tuổi thành đạo. Nhất là kinh No 190: Kinh Phật Bản Hạnh Tập, 60 quyển, Hán dịch làĐại sư Xà Na Quật Đa, dịch vào đầu đời Tùy (580-618), là bộ kinh bề thế nhất thuộc Hán tạng viết về lịch sử Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, nơi các quyển 10, 12, 14, 16 đã cho thấy niên đại xuất gia và thành đạo là 29 tuổi và 35 tuổi.
Như thế, nơi bộ Bản Duyên thuộc Hán tạng đã có ít nhất là 2 kinh nêu rõ về niên đại xuất gia, thành đạocủa Phật Thích Ca giống với Phật giáo Nam truyền. Hầu hết các nhà nghiên cứu Phật học hiện đại đều theo thuyết ấy: 29 tuổi xuất gia, 35 tuổi thành đạo, 80 tuổi nhập Niết bàn.
Về phần này, chọn dịch nên bỏ bớt kinh No 186: Kinh Phổ Diệu, 8 quyển, Hán dịch là Pháp sư Trúc Pháp Hộ, dịch vào đời Tây Tấn (265-317). Kinh này có 2 bản Hán dịch. Chúng ta chọn bản sau, No 187: KinhPhương Quảng Đại Trang Nghiêm, 12 quyển, Hán dịch là Đại sư Địa Bà Ha La (613-687), dịch vào đời Đường (618-906).
* Các tác phẩm: No 192: Phật Sở Hành Tán, thi kệ, tác giả là Bồ tát Mã Minh, 5 quyển, Hán dịch là Đại sưĐàm Vô Sấm, dịch vào đời Bắc Lương (397-439); No 193: Kinh Phật Bản Hạnh, thi kệ, 7 quyển, Hán dịch là Đại sư Bảo Vân, dịch vào đời Lưu Tống (420-478) là 1 dị dịch của tác phẩm Phật Sở Hành Tán; No 194: Kinh Tăng Già La Sát Sở Tập, do Đại sĩ Tăng Già La Sát (Samgharaksa) soạn tập, Hán dịch là Đại sưTăng Già Bạt Trừng, dịch vào đời Phù Tần (351-394), là những thi kệ, soạn thuật viết về lịch sử Đức PhậtThích Ca, nổi bật nhất là Phật Sở Hành Tán. Đây là tác phẩm thi ca đầu tiên thuộc Phật giáo Bắc truyền ghi nhận mô tả về cuộc đời Đức Bổn Sư. Phật Sở Hành Tán qua bản Hán dịch của Đại sư Đàm Vô Sấm gồm 5 quyển, 28 phẩm, với 9.216 câu thơ 5 chữ, là một thành tựu rất đáng kể trong nỗ lực “thi ca hóa” cuộc đờicủa Đức Bổn Sư. (Xem thêm bài viết của chúng tôi: Phật Sở Hành Tán, tác phẩm thi ca..., Nguyệt sanGiác Ngộ, số 26, tháng 5-1999).
Ba tác phẩm trên, nên chọn dịch mỗi Phật Sở Hành Tán.
b) Mảng kinh viết về tiền thân: gồm 54 kinh ngắn, vừa, còn lại nơi bộ Bản Duyên. Có mấy ghi nhận:
* Đây là mảng kinh mang đậm tính chất văn học hơn hết, đã có một ảnh hưởng rất lớn đối với văn họcTrung Quốc, là điều đã được học giả Lương Khải Siêu khẳng định. Học giả Nguyễn Hiến Lê (1912-1984), nơi sách Sử Trung Quốc, phần bàn về tiểu thuyết đời Đường, đã cho: “Nhờ đọc kinh Phật, trong đó chép đời nhiều vị Phật, nhiều truyện tưởng tượng nên văn nhân Trung Quốc bắt chước lối viết truyện của Ấn Độ” (Sử Trung Quốc, tập 1, NXB Văn Hóa, 1997, tr. 351). Kinh Phật mà ông Nguyễn nói đến ấy chính là phần kinh viết về tiền thân nơi bộ Bản Duyên.
* Một số truyện tiền thân mang dáng dấp thần thoại nên đã chịu ảnh hưởng theo hệ thần thoại của Ấn Độ. Một số truyện khác, khi mô tả, phản ánh các sự việc, các tương quan về xã hội, nhân sinh, cũng khôngvượt qua yếu tố thời đại, yếu tố lịch sử, khiến chúng hầu như không còn thích hợp theo cách nhìn của con người trong xã hội hôm nay chăng? Đây là vấn đề cần được các nhà nghiên cứu Phật học Việt Nam hiện đại soi sáng đối chiếu, biện minh để tìm ra những lý giải hợp lẽ.
* Một số truyện tiền thân mô tả về quá trình hành hóa độ sinh của Đức Bổn Sư thuộc loại “siêu việt”, nên cần được lĩnh hội theo ý nghĩa tượng trưng thuộc phạm trù “không thể nghĩ bàn”. Đó là những “nhân không thể nghĩ bàn” (tiền thân) để dẫn tới “quả không thể nghĩ bàn” là thành tựu đạo quả Bồ đề Vô thượng. Tóm lại, ở phần này, người đọc kinh, học kinh, nói như HT. Thiện Siêu là phải có “con mắt trạch pháp”.
Chọn dịch nơi mảng kinh viết về tiền thân, nên bỏ bớt:
* No 1578: Kinh Đại Bi Phân Đà Lợi, 8 quyển, Hán dịch: Mất tên người dịch. Kinh này đã có bản Hán dịch của Đại sư Đàm Vô Sấm: Kinh Bi Hoa, No 157, 10 quyển, (văn nơi kinh No 1578 hầu hết đều tối nghĩa, khó đọc).
* No 160: Luận Bồ Tát Bản Sinh Man, 16 quyển, Hán dịch: Đại sư Thiệu Đức, Huệ Tuân. Luận này gồm 2 phần: 4 quyển đầu kể về tiền thân Phật (14 truyện), từ quyển 5 - 16 là một thứ “thơ biện giải”, phần nhiều mỗi câu 8 chữ, nội dung rất dàn trải, mơ hồ. Có thể giữ lại 4 quyển đầu, bỏ 12 quyển sau.
3. Bộ Bát Nhã: Gồm 2 phần: chính và Biệt hành.
A. Phần chính: Tức kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa (Mahà Prajnà pàramita-Sùtra), mang số hiệu 220, gồm 600 quyển (chiếm 3 tập 5, 6, 7 nơi ĐTK/ĐCTT), Hán dịch là Pháp sư Huyền Tráng (602-664), dịch vào đời Đường, cụ thể là từ tháng Giêng năm 660 đến tháng 10 năm 663, và đó là công trình lớn sau cùng củaPháp sư Huyền Tráng, vì tháng 2 năm sau (664) thì Pháp sư viên tịch. Kinh được thuyết giảng tại 4 nơi (xứ) với 16 hội:
- Núi Linh Thứu, thuộc thành Vương Xá: 7 hội (hội 1, 2, 3, 4, 5, 6, 15).
- Khu Lâm viên Kỳ Đà - Cấp Cô Độc: 7 hội (hội 7, 8, 9, 11, 12, 13, 14).
- Cung trời Tha Hóa Tự Tại: 1 hội (hội 10).
- Gần ao Bạch Lộ trong tinh xá Trúc Lâm, thành Vương Xá: 1 hội (hội 16). Hội dài nhất là hội 1 gồm 400 quyển. Các hội, 8, 9, 13, mỗi hội chỉ gồm 1 quyển.
Căn cứ theo 16 hội, thì: - 9 hội: 1, 3, 5, 11, 12, 13, 14, 15, 16 gồm 481 quyển là phần Pháp sư Huyền Tráng dịch mới. - 7 hội: 2, 4, 6, 7, 8, 9, 10 gồm 119 quyển đã có các vị thuộc thế hệ trước dịch rồi, Pháp sưHuyền Tráng dịch lại. (Có một số kinh được dịch sau Pháp sư Huyền Tráng).
Cần chú ý là về các thuật ngữ, một số địa danh, nhân danh, Pháp sư Huyền Tráng đã sử dụng nơi bộ kinhnày, hoặc theo lối phiên âm, hoặc theo cách dịch ý, có khác so với các dịch giả đi trước:
- Bạc Già Phạm (Thế Tôn).
- Mười tôn hiệu của Phật: Như Lai, Ứng Chánh Đẳng Giác, Minh Hành Viên Mãn, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Trượng Phu, Điều Ngự Sĩ, Thiên Nhân Sư, Phật - Bạc Già Phạm.
- Bốn chúng đệ tử: Bí sô, Bí sô ni, Ô ba sách ca, Ô ba tư ca.
- Tám bộ chúng hộ pháp: Thiên, Long, Dược xoa, Kiền đạt phược, A tố lạc, Yết lộ đồ, Khẩn nại lạc, Ma hô lạc già.
- Sáu Ba la mật: Bố thí, Tịnh giới, An nhẫn, Tinh tấn, Tĩnh lự, Bát nhã.
- Ba đường ác: Địa ngục, Quỷ giới, Bàng sanh.
- Hữu tình (chúng sanh) Dị sanh (phàm phu) Cụ thọ (Tôn giả) Đỗ đa (đầu đà) Tát ca da kiến (thân kiến) Tốt đổ ba (tháp) Thiết lợi đa (xá lợi) Du thiện na (do tuần) Nhất sanh sở hệ (Nhất sanh bổ xứ) Rừng Thệ Đa(rừng Kỳ Đà) Thất La Phiệt (Xá Vệ) Căng già (sông Hằng)...
Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa đã được HT. Trí Nghiêm Việt dịch và đã được biên tập, dò lại tạm gọi là hoàn chỉnh.
B. Phần Biệt hành: Tức nơi tập 8 ĐTK/ĐCTT. Có 3 chi tiết:
a) Các kinh Biệt hành: gồm:
- No 221: Kinh Phóng Quang Bát Nhã: 20 quyển, Hán dịch là Đại sư Vô La Xoa, dịch vào đời Tây Tấn (265-317) thuộc về hội thứ 2 nơi kinh chính (gồm 78 quyển, từ quyển 401 - 478).
- No 222: Kinh Quang Tán Bát Nhã: 10 quyển, Hán dịch là Pháp sư Trúc Pháp Hộ, dịch vào đời Tây Tấn, cũng thuộc về hội thứ 2 nơi kinh chính.
- No 223: Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật: 27 quyển, Hán dịch là Pháp sư Cưu Ma La Thập, dịch vào đời Hậu Tần (384-417), cũng thuộc về hội thứ 2.
- No 224: Kinh Đạo Hành Bát Nhã, 10 quyển, Hán dịch là Đại sư Chi Lâu Ca Sấm, dịch vào đời Hậu Hán (25-220), thuộc về hội thứ 4 (gồm 18 quyển, từ quyển 538 - 555).
- No 225: Kinh Đại Minh Độ, 6 quyển, Hán dịch là cư sĩ Chi Khiêm, dịch vào đời Đông Ngô (229-280), thuộc về hội thứ 4.
- No 226: Kinh Ma Ha Bát Nhã Sao, 5 quyển, Hán dịch là Đại sư Đàm Ma Bì và Trúc Phật Niệm, dịch vào đời Phù Tần (351-394), thuộc về hội thứ 4.
- No 227: Kinh Tiểu Phẩm Bát Nhã, 10 quyển, Hán dịch là Pháp sư Cưu Ma La Thập, cũng thuộc về hội thứ 4...
Nói chung, các kinh Biệt hành này, kể cả một số kinh được dịch sau Pháp sư Huyền Tráng, đều có nơi kinh chính.
Về phần các kinh Biệt hành, ở đây. Chỉ nên Việt dịch 2 kinh No 223 và No 227 do Pháp sư Cưu Ma La Thập Hán dịch. Kinh No 223: Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật, 27 quyển (còn gọi là kinh Đại Phẩm Bát Nhã) đã được HT. Trí Tịnh Việt dịch. Và xin nhắc lại: Bộ luận Đại Trí Độ (No 1509, 100 quyển) của Bồ tát Long Thọchính là giải thích kinh Đại Phẩm Bát Nhã ấy.
b) Kinh Kim Cương: Kinh Kim Cương vốn là 1 hội trong kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa: hội thứ 9, quyển 577, mang tên là “Phần Năng Đoạn Kim Cương”, do tính chất quan trọng nên đã được tách riêng ra và Hán dịch rất sớm. Như vậy, kinh Kim Cương, ngoài bản dịch của Pháp sư Huyền Tráng, còn có 5 bản Hán dịch nữa, 4 bản dịch trước và 1 bản dịch sau:
- No 235: Kinh Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật, 1 quyển, Hán dịch là Pháp sư Cưu Ma La Thập.- No 236: Kinh Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật, 1 quyển, Hán dịch là Đại sư Bồ Đề Lưu Chi, dịch vào đời Hậu Ngụy (đầu thế kỷ thứ VI TL).
- No 237: Kinh Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật, 1 quyển, Hán dịch là Đại sư Chân Đế, dịch vào đời Trần (giữa thế kỷ thứ VI TL).
- No 238: Kinh Kim Cương Năng Đoạn Bát Nhã Ba La Mật, 1 quyển, Hán dịch là Đại sư Cấp Đa, dịch vào đời Tùy (580-618).
- No 239: Kinh Năng Đoạn Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Đa, 1 quyển, Hán dịch là Đại sư Nghĩa Tịnh, dịch vào đời Đường, đầu thế kỷ thứ VIII. 
Trong ấy, bản dịch của Pháp sư Cưu Ma La Thập ra đời sớm nhất và cũng là bản dịch có giá trị và được biết đến nhiều nhất.
Các bản Việt dịch kinh Kim Cương hiện có đều dịch từ bản Hán dịch của Pháp sư Cưu Ma La Thập. Nên Việt dịch luôn 4 bản Hán dịch kia.
c) Tâm kinh Bát Nhã:
Xuất xứ của Tâm kinh Bát Nhã được tìm thấy ít nhất là ở 6 đoạn nơi kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa, rõ nhất là nơi phẩm thứ 3: phẩm Tương ưng, phần 1, thuộc quyển 4 (ĐTK/ĐCTT, tập 5, tr. 22A - 22B). (Xem thêm bài viết của chúng tôi: Giới thiệu kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa, nguyệt san Giác Ngộ số 24, 25, tháng 3-4/1998).
Tâm kinh Bát Nhã mà người Phật tử thường đọc tụng là theo bản Hán dịch của Pháp sư Huyền Tráng (No 251, ĐTK/ĐCTT, tập 8, tr. 848C). Ngoài ra, còn có 6 bản Hán dịch Tâm kinh Bát Nhã nữa, mang số hiệu 250, 252, 253, 254, 255, 257, trong đó, bản No 250 là của Pháp sư Cưu Ma La Thập dịch, 5 bản còn lại đều được dịch sau Pháp sư Huyền Tráng, và đều có phần mở đầu (Như thị ngã văn, nhất thời Phật tại...) cùng phần kết thúc (đại chúng nghe kinh, hoan hỷ phụng hành).
Nên chọn dịch thêm bản Hán dịch của Pháp sư Cưu Ma La Thập.
4. Bộ Pháp Hoa: Gồm 2 phần chính và liên hệ.
A. Phần chính: Tức kinh Pháp Hoa với 3 bản Hán dịch:
- No 262: Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, 7 quyển, 28 phẩm, Hán dịch là Pháp sư Cưu Ma La Thập. Đây là bản Hán dịch phổ cập nhất. Toàn bộ các bản Việt dịch kinh Pháp Hoa hiện có đều dịch từ bản Hán dịch này.
- No 263: Kinh Chánh Pháp Hoa, 10 quyển, 27 phẩm, Hán dịch là Pháp sư Trúc Pháp Hộ. Đây là bản Hán dịch đầu tiên về kinh Pháp Hoa.
- No 264: Kinh Thiêm Phẩm Diệu Pháp Liên Hoa, 7 quyển, 27 phẩm, Hán dịch là 2 Đại sư Xà Na Quật Đavà Đạt Ma Cấp Đa, dịch vào khoảng cuối thế kỷ thứ VI TL, đời Tùy (580-618). Có mấy ghi nhận:
a) Bản Hán dịch của Pháp sư Cưu Ma La Thập gồm 28 phẩm, tức có thêm phẩm Đề Bà Đạt Đa (phẩm 12), 2 bản Hán dịch kia không có. Việc tách phần nói về Đề Bà Đạt Đa thành 1 phẩm riêng không phải là không có lý do chính đáng. Ngay nơi kinh Tát Đàm Phân Đà Lợi (No 265, ĐTK/ĐCTT, tập 9), số lượng chỉ hơn 1 trang ĐTK, là một đoạn rất ngắn của kinh Pháp Hoa cũng đã nói đến phẩm Đề Bà Đạt Đa. Còn theo học giảngười Nhật Nikkyo Niwano thì phẩm ấy là nói về “sự lớn lao và toàn hảo của giáo lý Đức Phật...” (Đạo Phật ngày nay, Trần Tuấn Mẫn dịch, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam xuất bản, 1997, tr. 320).
b) Bản Hán dịch của Pháp sư Cưu Ma La Thập đã đặt phẩm Chúc lụy ở phẩm 22, sau đấy còn 6 phẩm nữa, và phẩm cuối kinh (phẩm 28) là “Phẩm Phổ Hiền Bồ tát khuyến phát”. (Trong khi 2 bản Hán dịch kia thì phẩm Chúc lụy được đưa xuống cuối kinh). Một số nhà nghiên cứu, chú giải kinh Pháp Hoa đã có ý kiến về vị trí gọi là không hợp lý của phẩm Chúc lụy nơi bản Hán dịch của Pháp sư Cưu Ma La Thập. Nhưng học giả Nikkyo Niwano đã đưa ra những biện giải rất có lý để xác nhận tính chất logic của sự việc ấy (Sđd, tr. 691 - 692).
c) Pháp sư Cưu Ma La Thập đã dịch rất chuẩn tên của vị Bồ tát Avalo Kitesvara trong tiếng Phạn là “Bồ tát Quan Thế Âm”. Trước đó, nơi bản Hán dịch của mình, Pháp sư Trúc Pháp Hộ đã dịch là Bồ tát Quang Thế Âm ( ) với hàm nghĩa là vị Bồ tát luôn có ánh sáng ứng hợp với mọi âm thanh nơi thế gian. Sau này, Pháp sư Huyền Tráng đã dịch là Quán Tự Tại. Cũng nên kể thêm, Đại sư Trí Huệ Luân, đời Đường, nơi bản Hán dịch Tâm kinh Bát Nhã của mình, đã dịch là Bồ tát Quan Thế Âm Tự Tại (ĐTK/ĐCTT, T8, tr. 850A-850B).
d) Phẩm “Phổ Môn” nơi bản Hán dịch của Pháp sư Trúc Pháp Hộ không có kệ. Còn nơi bản Hán dịch đời Tùy thì cả phần văn xuôi và kệ đều y như bản Hán dịch của Pháp sư Cưu Ma La Thập (tên của 27 phẩm nơi bản Hán dịch ấy cũng dùng lại y như bản Hán dịch đời Hậu Tần).
Bài kệ nơi phẩm Phổ Môn gồm 104 câu 5 chữ, nhìn ở góc độ văn học là một thành tựu tuyệt vời trong sựkết hợp hài hòa giữa thi ca, âm nhạc, hội họa và triết lý. Học giả Lương Khải Siêu đã gọi Pháp sư Cưu Ma La Thập là “ông vua trong giới phiên dịch” là rất xác đáng.
Kinh Pháp Hoa, xét về mặt số lượng thì chỉ là một bộ kinh thuộc loại vừa, nhưng về mặt tư tưởng với việcthuyết minh cùng khẳng định về giáo pháp Nhất thừa, khẳng định khả tính giác ngộ nơi mọi chúng sinh - kể cả những kẻ xấu ác nhất v.v... nên hầu hết các nhà nghiên cứu xưa nay đều xác nhận đấy là một bộ kinhvĩ đại của Phật giáo Bắc truyền. Cứ nhìn vào số lượng các sách chú giải, giảng luận về kinh Pháp Hoahiện có trong ĐTK/ĐCTT cũng đủ thấy bộ kinh ấy đã được chú trọng và có ảnh hưởng lớn như thế nào. Vềphương diện kế thừa và phát huy, kinh Pháp Hoa được xem là nền tảng giáo pháp của tông Thiên Thai với những xiển dương của Đại sư Trí Khải (538-597).
Kinh Pháp Hoa theo bản Hán dịch của Pháp sư Cưu Ma La Thập đã được Việt dịch khá sớm và nhiều. Nên dịch cả 2 bản Hán dịch kia.
B. Phần liên hệ: Gồm các kinh mang số hiệu từ 265 đến 277, nên Việt dịch hết.
5. Bộ Hoa Nghiêm: Cũng gồm 2 phần chính và Biệt hành.
A. Phần chính: Gồm 3 bộ Hoa Nghiêm:
a)No 278: Kinh Hoa Nghiêm, bản 60 quyển, 34 phẩm, 7 xứ (nơi chốn thuyết giảng), 8 hội, Hán dịch là Đại sư Phật Đà Bạt Đà La (359-429) dịch vào năm 418, cuối đời Đông Tấn (317-419).
b) No 279: Kinh Hoa Nghiêm, bản 80 quyển, 39 phẩm, 7 xứ, 9 hội, Hán dịch là Đại sư Thật Xoa Nan Đà(652-710) dịch vào năm 695-699, đời Đường (Võ Tắc Thiên, 624-705). Đây là bản Hán dịch đầy đủ nhất vềkinh Hoa Nghiêm.
c) No 293: Kinh Hoa Nghiêm, bản 40 quyển, Hán dịch là Đại sư Bát Nhã (734-?) dịch vào năm 796-798 đời vua Đường Đức Tông. Từ quyển 1 - 39 tương đương với phẩm 39 (phẩm Nhập pháp giới, bản 80 quyển), quyển 40 tương đương với phẩm 36 (phẩm Phổ Hiền hạnh).
Kinh Hoa Nghiêm là bộ kinh vĩ đại bậc nhất của Phật giáo Bắc truyền, xét về mặt số lượng, cách thế diễn đạt và tư tưởng. Phẩm Nhập pháp giới là một phát hiện, một soi sáng kỳ diệu, độc nhất vô nhị về hành trìnhgiác ngộ, giải thoát của con người. Giáo sư D.T. Suzuki viết: “Còn về kinh Hoa Nghiêm, đấy quả thực là một toàn hảo của tư tưởng Phật giáo. Theo ý tôi, không có một nền văn học tôn giáo nào trên thế giới có thể sánh kịp với sự lớn lao về quan niệm, sự sâu thẳm của cảm thụ và mức vĩ đại của sự biên soạn mà kinh này đạt được. Đấy là cái dòng suối vĩnh cửu của cuộc đời mà không một tâm thức nào có tính cáchtôn giáo đến đó rồi quay về mà còn khao khát hay còn chưa hoàn toàn thỏa mãn” (Nghiên cứu kinh Lăng Già, Thích Chơn Thiện - Trần Tuấn Mẫn... dịch, 1992, tr. 110-111).
Về phương diện kế thừa và phát huy, kinh Hoa Nghiêm là giáo pháp căn bản của tông Hoa Nghiêm, người khởi xướng là Đại sư Pháp Thuận (577-640) với phát hiện về pháp quán “Chu biến hàm dung”, dẫn tới việcthành lập 10 Huyền môn nổi tiếng, là một lý giải, một quảng diễn sáng giá nhất, tuyệt vời nhất trong sứ mạng phát huy diệu lý duyên khởi.
Kinh Hoa Nghiêm, bản 80 quyển, đã được HT. Trí Tịnh Việt dịch từ lâu. Được sự đồng ý của HT., chúng tôiđã biên tập, dò lại rất kỹ lưỡng và có thể xem đấy là bản Việt dịch hoàn chỉnh về kinh Hoa Nghiêm 80 quyển. Nên dịch luôn cả 2 bản Hán dịch kia (bản 60 quyển và bản 40 quyển).
Có một điểm cần lưu ý: Nơi quyển 25 của bản 40 quyển, tương đương với quyển 72 của bản 80 quyển, thuộc phẩm Nhập pháp giới, có một vài chi tiết vô lý, mâu thuẫn, cần được xem lại và có thể lược bỏ để giữ nguyên giá trị cho bộ kinh.
B. Phần biệt hành: Gồm các kinh ngắn, vừa, mang số hiệu từ 280 đến 292, từ 294 đến 309, tất cả đều có nơi kinh chính 80 quyển, nên bỏ khỏi dịch, vì hầu hết đã có rồi, đã không phát hiện gì thêm mà nhiều bảnbiệt hành rất tối nghĩa, khó lĩnh hội. Chẳng hạn các kinh No 288/3 (phẩm Thập định), kinh No 292/6 (phẩm Ly thế gian) v.v... trong khi nơi kinh chính, văn sáng, nghĩa rõ, thì rất nhiều đoạn nơi các kinh ấy, người đọc không biết dịch giả muốn nói gì.
6. Bộ Bảo Tích: Gồm 2 phần chính và phần liên hệ.
A. Phần chính: Tức kinh Đại Bảo Tích (Mahàratnakùta-sùtra), No 310, 120 quyển, 49 hội, do Đại sư Bồ Đề Lưu Chí (562-727) dịch và tập hợp các kinh đã được dịch từ trước. Công việc này được tiến hành từ năm 706, kéo dài trong 8 năm thì hoàn thành. Trong tổng số 49 hội, 120 quyển, thì:
* Các kinh được dịch từ trước: 23 hội, hơn 80 quyển.
* Các kinh do Đại sư Bồ Đề Lưu Chí dịch gồm 26 hội, hơn 39 quyển. Bảo Tích có nghĩa là tích tập cácPháp bảo, nên mỗi hội có thể xem như một bộ kinh với chủ đề riêng và có một vài trùng lặp với các bộ khác. Chẳng hạn:
* Hội thứ 46 mang tên: hội “Văn Thù thuyết Bát Nhã” gồm 2 quyển 115, 116, Hán dịch là Đại sư Mạn Đà La Tiên, dịch vào khoảng đầu thế kỷ thứ VI TL, đời Lương (502-556), chính là hội thứ 7 của kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa (quyển 574, 575).
* Hội thứ 47 mang tên “Hội Bồ tát Bảo Kế” gồm 2 quyển 117, 118 do Pháp sư Trúc Pháp Hộ dịch vào đời Tây Tấn thì trùng với kinh Đại Tập, quyển 25, 26, do Đại sư Đàm Vô Sấm dịch vào đời Bắc Lương (397-439).
Kinh Đại Bảo Tích đã được HT. Trí Tịnh Việt dịch và cũng đã được biên tập, dò lại tương đối hoàn chỉnh.
B. Phần liên hệ:
Các kinh thuộc hệ Bảo Tích mang số hiệu từ 311 đến 373 hầu hết đều có trong kinh Đại Bảo Tích, vậy chỉ nên dịch một số kinh sau đây:
* Kinh Thắng Man Sư Tử Hống Nhất Thừa Đại Phương Tiện Phương Quảng (gọi tắt là kinh Thắng Man), No 353, 1 quyển, Hán dịch là Đại sư Cầu Na Bạt Đà La, dịch vào đời Lưu Tống (420-478). Kinh này thuộc hội 48 của kinh Đại Bảo Tích mang tên hội "Phu nhân Thắng Man”, 1 quyển, nhưng do tầm quan trọng của nội dung kinh nên cần được Việt dịch thêm, giúp các nhà nghiên cứu đối chiếu, tham khảo. (Hiện chúng tađã có bản Việt dịch, chú giải công phu của HT. Trí Quang).
* Kinh Vô Lượng Thọ: No 360, 2 quyển, Hán dịch là Đại sư Khương Tăng Khải, dịch vào đời Tào Ngụy (220-265).
* Kinh Đại A Di Đà: No 364, 2 quyển, do cư sĩ Vương Nhật Hưu (?-1173) hiệu đính biên tập vào khoảngnăm 1160-1162 đời Triệu Tống (960-1276).
* Kinh Quán Vô Lượng Thọ: No 365, 1 quyển, Hán dịch là Đại sư Cương Lương Da Xá, dịch vào khoảngnăm 424 đời Lưu Tống (420-478).
* Kinh A Di Đà: No 366, 1 quyển, Hán dịch là Pháp sư Cưu Ma La Thập.
* Kinh Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ: No 367, 1 quyển, Hán dịch là Pháp sư Huyền Tráng, là một dị dịch của kinh A Di Đà.
Các kinh trên (360, 364, 365, 366, 367) là những kinh chủ yếu của tông Tịnh Độ và tín ngưỡng Tịnh độ. (2 kinh 360, 364 đều có nơi hội thứ 5 của kinh Đại Bảo Tích, mang tên: hội “Như Lai Vô Lượng Thọ”, gồm 2 quyển 17, 18).
7. Bộ Niết Bàn: Cũng gồm 2 phần: phần chính và phần liên hệ.
A. Phần chính: Tức kinh Đại Bát Niết Bàn (Mahà-parinirvàna-sùtra) cũng là một bộ kinh tiêu biểu của Phật giáo Bắc truyền, thuyết minh về các giáo nghĩa như Như Lai thường trụ, chúng sinh đều có Phật tính, xiển đề đều thành Phật... Kinh này có 2 bản Hán dịch:
* Kinh Đại Bát Niết Bàn Bắc bản: No 374, 40 quyển, 13 phẩm, do Đại sư Đàm Vô Sấm (385-433) Hán dịchvào khoảng năm 415-421 đời Bắc Lương.
* Kinh Đại Bát Niết Bàn Nam bản: No 375, 36 quyển, 25 phẩm, do các Đại sư Huệ Nghiêm (363-443), Huệ Quán (thế kỷ V TL) và cư sĩ Tạ Linh Vận (385-433) dựa vào bản Hán dịch kinh Đại Bát Nê Hoàn của Đại sư Pháp Hiển (380-418/423), No 376, 6 quyển, tham khảo Bắc bản của Đại sư Đàm Vô Sấm để tu đính, soạn thành vào khoảng sau năm 421 đầu đời Lưu Tống.
Sự kiện “Niết bàn” của Đức Bổn Sư đã được nói đến trong kinh Trường A Hàm (kinh số 2: kinh Du Hành, ĐTK/ĐCTT, T1, tr. 11A - 30B) và một số kinh thuộc Trường A Hàm rời (các kinh mang số hiệu 5, 6, 7), nhưng với kinh Đại Bát Niết Bàn, nội dung đã không dừng ở việc thuật lại giai đoạn sau cùng của cuộc đờiĐức Thế Tôn, mà đã nhân nơi bối cảnh ấy thuyết minh, quảng diễn một số diệu lý then chốt như đã nêu trên.
Nên Việt dịch cả 2 bản Hán dịch kinh Đại Bát Niết Bàn.
B. Phần liên hệ:
Những kinh thuộc bộ Niết Bàn mang số hiệu từ 376 đến 396 nên Việt dịch hết.
8. Bộ Đại Tập: Cũng gồm 2: phần chính và phần liên hệ.
A. Phần chính: Là kinh Đại Phương Quảng Đại Tập (Mahàsamnipàta-sùtra), gọi tắt là kinh Đại Tập, No 397, 60 quyển, 17 phẩm, Hán dịch do các Đại sư:
- Đàm Vô Sấm (385-433) dịch vào đời Bắc Lương, từ phẩm 1 đến phẩm 11 và phẩm 13, gồm 29 quyển.
- Trí Nghiêm (350-427) và Bảo Vân (376-449) dịch phẩm 12 (4 quyển) vào đời Lưu Tống.
- Đại sư Na Liên Đề Da Xá (490-589) dịch vào đời Cao Tề (550-576) gồm các phẩm 15, 16, 17 (15 quyển) và phẩm 14 gồm 12 quyển, dịch vào đầu đời Tùy (580-618).
Công việc sắp xếp này là do Đại sư Tăng Tựu thực hiện vào đời Tùy. Nội dung kinh Đại Tập thuyết minhvề một số pháp tu tập của hạnh Bồ tát như Ba học, 6 Ba la mật, các pháp Tam muội, Tổng trì, cùng nhấn mạnh về sự nghiệp hộ pháp của 8 bộ chúng.
Có 2 điểm cần lưu ý:
- Một số đoạn nơi phần sau của phần Nhật tạng (phẩm 14, quyển 34 - 45), nội dung hoặc lạc đề, hoặc quá xa rời tính chất giác ngộ, giải thoát của Phật giáo, đề nghị lược bỏ.
- Đoạn cuối của phần Nguyệt tạng (phẩm 15, quyển 46 - 56) nêu việc phân công hộ trì Chánh pháp của chư vị trong 8 bộ chúng cùng các vị tiên, các ngôi sao trong “Nhị thập bát tú” v.v... cần được tóm lược, bỏ bớt.
B. Phần liên hệ: Các kinh thuộc bộ Đại Tập mang số hiệu từ 398 đến 424, chỉ nên Việt dịch các kinh:
* Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bản Nguyện: No 412, 2 quyển, Hán dịch là Đại sư Thật Xoa Nan Đà, dịch vào đời Đường. (Đại sư Thật Xoa Nan Đà là dịch giả kinh Hoa Nghiêm, bản 80 quyển).
* Kinh Đại Phương Đẳng Đại Tập Bồ Tát Niệm Phật Tam Muội Phần: No 415, 10 quyển, Hán dịch là Đại sưĐạt Ma Cấp Đa, dịch vào đời Tùy.
* Kinh Ban Chu Tam Muội: No 418, 3 quyển, Hán dịch là Đại sư Chi Lâu Ca Sấm, dịch vào đời Hậu Hán.
* Kinh Đại Tập Hội Chánh Pháp: No 424, 5 quyển, Hán dịch là Đại sư Thi Hộ, đời Triệu Tống.
9. Bộ Kinh Tập: Bộ này gồm 4 tập 14, 15, 16, 17 của ĐTK/ĐCTT. Có mấy ghi nhận:
a) Nên tách và tập hợp các kinh ngắn, vừa, nói về Thiền, Quán thành một mảng và Việt dịch. Đó là các kinh mang số hiệu: 463, 464, 465, 466, 467 (tập 14), 602, 603, 604, 605, 609, 610, 611, 612, 613, 614, 616, 617, 618, 619, 620, 621, 622, 623, 624, 625, 627, 630, 631, 632, 633, 634 đến 648 (tập 15).
b) Đưa kinh Bột Kinh Sao (kinh Hiền Nhân), No 790, 1 quyển, Hán dịch là cư sĩ Chi Khiêm (thế kỷ thứ III TL) lên bộ Bản Duyên, vì nội dung kinh này nói về tiền thân của Phật Thích Ca Mâu Ni.
c) Đưa kinh Thủ Lăng Nghiêm, No 945 (tập 19), 10 quyển, Hán dịch là Đại sư Bát Thích Mật Đế, dịch vào khoảng đầu thế kỷ VIII TL, đời Đường, lên bộ Kinh Tập.
d) Chúng tôi dựa theo sự lựa chọn của người Nhật về các kinh nên dịch (Việt dịch) thuộc bộ Kinh Tập này như sau (có nhắc tới các kinh đã được Việt dịch)(*):
* Tập 14: Các kinh mang số hiệu: 425 (8 quyển) 426 (1 quyển) 427 (1 quyển) 433 (1 quyển) 434 (3 quyển) 450 (1 quyển): Kinh Dược Sư, Hán dịch là Pháp sư Huyền Tráng. 452 (1 quyển): Kinh Quán Di Lặc Bồ TátThượng Sanh, Hán dịch là Thư Cừ Kinh Thanh, dịch vào đời Lưu Tống. 454 (1 quyển): Kinh Di Lặc Hạ Sanh Thành Phật, Hán dịch là Pháp sư Cưu Ma La Thập. 456 (1 quyển) 460 (1 quyển) 461 (2 quyển) 471 (1 quyển) 475 (3 quyển): Kinh Duy Ma, Hán dịch là Pháp sư Cưu Ma La Thập. 477 (1 quyển) 480 (1 quyển) 482 (4 quyển) 485 (4 quyển) 489 (20 quyển) 512 (1 quyển) 513 (1 quyển).
* Tập 15: 586 (4 quyển) 600 (1 quyển): Kinh Thập Thiện, Hán dịch là Đại sư Thật Xoa Nan Đà. 650 (2 quyển) 653 (3 quyển).
* Tập 16: 656 (14 quyển) 657 (10 quyển) 661 (1 quyển) 663 (4 quyển): Kinh Kim Quang Minh, Hán dịch làĐại sư Đàm Vô Sấm. 666 (1 quyển) 668 (1 quyển) 669 (2 quyển) 670 (4 quyển) 671 (10 quyển) 672 (7 quyển): 3 kinh 670, 671, 672 là kinh Lăng Già, với 3 bản Hán dịch của các Đại sư: Cầu Na Bạt Đà La (4 quyển), Bồ Đề Lưu Chi (10 quyển) và Thật Xoa Nan Đà (7 quyển). Nên Việt dịch hết 3 bản Hán dịch. 673 (2 quyển) 676 (5 quyển): Kinh Giải Thâm Mật, Hán dịch là Pháp sư Huyền Tráng. 680 (1 quyển) 682 (2 quyển) 683 (1 quyển) 684 (1 quyển) 685 (1 quyển) 686 (1 quyển) 687 (1 quyển): Các kinh từ 684 đến 687 là các kinh ngắn nói về đạo Hiếu, trong ấy kinh 685 là kinh Vu Lan. (Xem thêm bài viết của chúng tôi: Giới thiệu chùm kinh ngắn trong Hán tạng nói về chữ Hiếu, nguyệt san Giác Ngộ số 77, 78 tháng 8-9/2002). 688 (1 quyển) 692 (1 quyển) 695 (1 quyển) 697 (1 quyển) 700 (1 quyển) 701 (1 quyển) 702 (1 quyển) 708 (1 quyển) 709 (1 quyển) 714 (1 quyển) 717 (2 quyển).
* Tập 17: 721 (70 quyển) 723 (1 quyển) 726 (1 quyển) 727 (10 quyển) 734 (1 quyển) 735 (1 quyển) 741 (1 quyển) 745 (1 quyển) 765 (7 quyển) 766 (1 quyển) 769 (1 quyển) 775 (1 quyển) 779 (1 quyển): Kinh Bát Đại Nhân Giác, Hán dịch là Đại sư An Thế Cao, dịch vào đời Hậu Hán. 780 (1 quyển) 781 (1 quyển) 784 (1 quyển): Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Hán dịch là 2 vị Đại sư Ca Diếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan, tương truyền là kinh được Hán dịch sớm nhất ở Trung Quốc. 788 (1 quyển) 792 (1 quyển) 796 (1 quyển) 799 (1 quyển) 801 (1 quyển) 807 (1 quyển) 810 (2 quyển) 811 (1 quyển) 814 (1 quyển) 815 (3 quyển) 818 (2 quyển) 821 (2 quyển) 822 (1 quyển) 829 (1 quyển) 832 (1 quyển) 833 (1 quyển) 835 (1 quyển) 837 (1 quyển) 839 (2 quyển) 840 (1 quyển) 842 (1 quyển): Kinh Viên Giác, Hán dịch là Đại sư Phật Đà Đa La, dịch vào đời Đường. 843 (3 quyển) 846 (1 quyển).
II. Về tạng Luật (3 tập 22, 23, 24, mang số hiệu từ 1421 đến 1504) và tạng Luận (8 tập: tập 25 - 32, mang số hiệu từ 1505 đến 1692) chúng ta nên theo sự chọn dịch của người Nhật, như họ đã ghi rõ nơi phần Mục lụcĐTK/ĐCTT (tr. 150 - 178).
Cùng với Phong trào Chấn hưng Phật giáo dấy khởi khắp 3 miền Nam Trung Bắc với các tạp chí Phật họcnhư Từ Bi Âm (Nam, 1932), Viên Âm (Trung, 1933), Đuốc Tuệ (Bắc, 1935), công việc biên dịch 3 tạng Kinh, Luật, Luận từ Hán tạng sang tiếng Việt để hình thành Đại tạng kinh Việt Nam đã được xúc tiến và nối tiếp. Hơn 60 năm của thế kỷ XX, chúng ta đã chuyển dịch được khá nhiều, nhưng do những điều kiệnkhách quan và chủ quan, Đại tạng kinh Việt Nam vẫn chưa được hoàn thành. Thế kỷ XXI đã đi qua được 4 năm, thời gian vẫn đang mở rộng trước mắt - mở rộng nhưng không phải là vô tận - vì hầu như không cònlý do gì để chần chừ, trì trệ; hoàn thành Đại tạng kinh Việt Nam phải là Phật sự hàng đầu của Phật giáo Việt Nam trong những thập niên đầu của thế kỷ XXI.
(*) Sự dựa theo này không hoàn toàn cố định, vẫn có thể có một số thay đổi cho hợp lý, ví dụ nơi tập 14: 2 kinh No 461 (2 quyển) và 462 (3 quyển). Hai kinh này là hai bản Hán dịch từ 1 bản tiếng Phạn:
* Kinh No 461/2: kinh Văn Thù Sư Lợi hiện bảo tạng, Hán dịch là Pháp sư Trúc Pháp Hộ, đời Tây Tấn (ĐTK/ĐCTT, T14, tr.452B - 466A).
* Kinh No 462/3: kinh Đại Phương Quảng Bảo Khiếp, Hán dịch là Đại sư Cầu Na Bạt Đà La, đời Lưu Tống (ĐTK/ĐCTT, T14, tr.466B-480A). Người Nhật đã chọn bản No 461/2 trong khi bản No 462/3 văn sáng rõ, thuận hợp dễ hiểu, còn bản No 461/2 văn có rất nhiều đoạn lủng củng, tối nghĩa, rất khó đọc. Đề nghị chúng ta nên chọn bản No 462/3.

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm