Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Nghĩa "Như" của tất cả các pháp

Khi tâm như như bất động và các pháp như như bất động, người ta thấu hiểu câu nói thường có trong các kinh điển Đại thừa “Sanh tử tức là Niết-bàn”. Sanh tử (tâm, các pháp) là Niết-bàn (như như bất động).
Mục lục


Kinh Kim Cương nói, “Như Lai tức là nghĩa ‘Như’ của tất cả các pháp”.
Nghĩa “Như” hay tánh “Như” được nói đến trong hầu hết các kinh điển Đại thừa. Bộ kinh Đại Bát-nhã, mà kinh Kim Cương là một kinh ngắn trong đó, chủ yếu nói về tánh Không, đồng thời cũng nói về tánh Như; như thế tánh Không và tánh Như là một; chỉ có điều mỗi cái nhấn mạnh một phương diện khác. Sau đây, chúng ta nói về tánh Như, chỉ giới hạn trong kinh Kim Cương.
“Nghĩa ‘Như’ của tất cả các pháp” nghĩa là tất cả các pháp - nói theo ngôn ngữ hiện thời, tất cả các hiện tượng - đều là nghĩa Như, đều đồng một tánh Như. Như thế, Như là sự bình đẳng ở nền tảng của tất cả các pháp.

Chính vì không thấy nghĩa Như, nền tảng bình đẳng của tất cả các pháp, mà thấy các pháp khác nhau, xung đột nhau, và tham gia vào xung đột ấy để gây nghiệp mà kinh dạy “... phải quán thấy tất cả các pháp là như mộng, huyễn, bọt, bóng...”.
Thật sự, vì tất cả pháp đồng một nghĩa Như, một tánh Như. Nhưng vì vô minh phân biệt, cộng thêm những phiền não tham, sân, si, kiêu mạn, đố kỵ... mà pháp giới nghĩa Như thành ra phân mảnh, xung đột, hỗn loạn... tạo thành sanh tử khổ đau. Ngay khi phân biệt hư vọng dừng lại, nghĩa Như hiện ra vì nó vẫn có mặt ở đó từ xưa đến nay. Để phân biệt hư vọng dừng lại và tiêu tan, một phương pháp mà người xưa gọi là “Chánh quán Bát-nhã”: tất cả pháp được thấy là phân biệt đều như huyễn, như mộng. Ngay khi thấy các phân biệt là như huyễn, như mộng, nghĩa Như vô phân biệt lập tức hiện ra trước mắt.
“Như Lai tức là nghĩa Như”; mà Như Lai theo kinh là “Như Lai là không từ chỗ nào đến, cũng không chỗ nào đi, nên gọi là Như Lai”. Như thế nghĩa Như là “không từ chỗ nào đến, cũng không chỗ nào đi”. Tất cả các pháp là nghĩa Như, có nghĩa là tất cả các pháp không từ chỗ nào đến cũng không chỗ nào đi.
Dùng Tám cái chẳng phải (Bát bất) trong phần mở đầu Trung luận của Bồ-tát Long Thọ thì các pháp “chẳng đến cũng chẳng đi, chẳng một cũng chẳng khác, chẳng thường cũng chẳng đoạn, chẳng sanh cũng chẳng diệt”. Đây là điều trong Bát-nhã Tâm kinh chúng ta vẫn tụng mỗi ngày: “Thế nên các pháp là tướng Không, chẳng sanh chẳng diệt, chẳng dơ chẳng sạch, chẳng tăng chẳng giảm”; đây là “thật tướng của các pháp”.
Thấy các pháp “không đến không đi, không một không khác, không thường không đoạn, không sanh không diệt” là thấy tánh Như và cũng là tánh Không. Cái thấy này phá tung những giới hạn không gian và thời gian ảo tưởng. Cái thấy ấy chính là giải thoát.

Cái thấy ấy lìa tất cả tướng, phá tung những giới hạn của tất cả tướng, mà “... lìa tất cả tướng gọi là chư Phật”. Tánh Như ấy vốn đã là sự trang nghiêm tối thượng và rốt ráo. Trên nền tảng vốn trang nghiêm ấy, Bồ-tát “trang nghiêm cõi Phật” như là phương tiện hóa độ chúng sanh. Sự trang nghiêm của Bồ-tát chỉ có ý nghĩa đối với chúng sanh, còn vị Bồ-tát đã thấy và sống được tánh Như thì sự trang nghiêm ấy là việc làm như huyễn. Nói cách khác, vị chứng được Pháp thân tánh Như thì Hóa thân ở thế gian và việc làm của Hóa thân ấy là như huyễn.
Người thấy được tánh Như, các pháp không đến không đi, không một không khác, không thường không đoạn, không sanh không diệt, là người “Chẳng giữ lấy tướng, Như như bất động”.
Sự như như bất động này không phải chỉ là tâm như như bất động, mà cảnh cũng như như bất động, vì các pháp không đến không đi.
Trọn cả đoạn kinh chấm dứt kinh Kim Cương là thế này:
“Thế nào là vì người diễn nói? Chẳng giữ lấy tướng, như như bất động. Vì sao thế? Tất cả pháp hữu vi, như mộng huyễn bọt bóng, như sương như điện chớp. Phải quán thấy như vậy”.
Tâm như như bất động và các pháp cũng như như bất động, vì các pháp thì như huyễn như mộng.
Khi tâm như như bất động và các pháp như như bất động, người ta thấu hiểu câu nói thường có trong các kinh điển Đại thừa “Sanh tử tức là Niết-bàn”. Sanh tử (tâm, các pháp) là Niết-bàn (như như bất động) .

Theo Văn hoá Phật giáo số 280 ngày 01-09-2017

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm