Như lý khởi tư duy hay còn gọi là như lý tác ý (yoniso manasikàra) [1] có nghĩa là chú tâm quán sát, suy tư chân chánh, khởi nghĩ hợp với Thánh đạo, tâm đặt đúng hướng, có khả năng đâm thủng vô minh, làm minh sanh khởi, đưa đến đoạn tận khổ đau [2]. Đó là phương pháp thực tập có công năng khiến cho bất thiện pháp giảm thiểu, đi đến tiêu trừ; các thiện pháp sinh khởi, đi đến tăng trưởng. Như lý khởi tư duy có nghĩa là tập trung vào một đối tượng và thẩm sát đối tượng ấy với một tâm thức hoàn toàn định tĩnh và sáng suốt, thấu rõ bản chất như thật (duyên sinh, vô thường, khổ, vô ngã) của đối tượng ấy khiến cho tâm rời bỏ các thói quen tham ái và chấp trước, đạt đến thanh tịnh và tỉnh thức. Đó là một hình thức Thiền quán về tính chất vô thường sanh diệt của các pháp hay các hiện tượng, theo đó tâm thức hướng đến nhàm chán, ly tham, giải thoát đối với mọi hiện hữu. Nói cách khác, đó là sự vận hành của Chánh kiến và Chánh tư duy trong đời sống người Phật tử, có công năng ngăn chặn, làm giảm thiểu và tiêu trừ ác pháp, làm sinh khởi và tăng trưởng thiện pháp.
Trong kinh Tất cả lậu hoặc, Trung bộ, Đức Phật tuyên bố như sau về pháp môn như lý khởi tư duy hay như lý tác ý:
“Có như lý tác ý và không như lý tác ý. Này các Tỷ-kheo, do không như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh được sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được tăng trưởng. Này các Tỷ-kheo, do như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh không sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được trừ diệt”[3].
Không như lý tác ý hay không như lý khởi tư duy nghĩa là khi một đối tượng đi vào giác quan, hoặc mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân cảm xúc, ý nhận thức pháp, thì tâm thức liền dao động, bị đối tượng ấy lôi cuốn, trói buộc, rơi vào thuận ứng hay nghịch ứng, tức yêu thích hay ghét bỏ đối tượng ấy khiến cho tham (abhijjhà) và ưu (domanassa) hay tham-sân-si sinh khởi, đi đến tăng trưởng, gọi là các lậu hoặc chưa sanh được sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được tăng trưởng. Trái lại, có như lý tác ý hay như lý khởi tư duy, nghĩa là có chú tâm nhận biết và suy tư về tính chất duyên sinh, vô thường, khổ, vô ngã của các đối tượng, thì tham và ưu, các bất thiện pháp không có cơ hội sinh khởi. Ví dụ, khi mắt thấy một sắc khả ái hoặc không khả ái, nếu một người không biết thế nào là như lý tác ý hay như lý khởi tư duy thì theo thói quen người đó sẽ thích thú đối với sắc khả ái và chán ghét đối với sắc không khả ái, khiến tham và ưu, các bất thiện pháp khởi lên, chi phối tâm tư người ấy. Trái lại, nếu có như lý tác ý hay như lý khởi tư duy, nghĩa là có chú tâm nhận rõ về bản chất duyên sinh, vô thường, khổ, vô ngã của sắc pháp, thì bấy giờ tâm thức không bị kích thích dao động, không rơi vào yêu thích hay ghét bỏ sắc pháp ấy, khiến tham và ưu, các bất thiện pháp không có cơ hội sinh khởi, gọi là các lậu hoặc chưa sanh không sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được trừ diệt.
Về cách thức ứng dụng phương pháp như lý khởi tư duy nhằm ngăn chặn và dứt trừ các bất thiện pháp, làm sinh khởi và tăng trưởng các thiện pháp, bậc Giác ngộ gợi ý một số các đối tượng thực tập và nói rõ lợi ích của pháp môn này:
“Có năm sự kiện này, này các Tỷ-kheo, cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia. Thế nào là năm?
‘Ta phải bị già, không thoát khỏi già’ là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia.
‘Ta phải bị bệnh, không thoát khỏi bệnh’ là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia.
‘Ta phải bị chết, không thoát khỏi chết’ là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia.
‘Tất cả pháp khả ái, khả ý đối với ta sẽ phải đổi khác, sẽ phải biến diệt’, là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia.
‘Ta là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào ta sẽ làm, thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy’ là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia.
Do duyên lợi ích như thế nào, này các Tỷ-kheo, ‘Ta phải bị già, không thoát khỏi già’, là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia?
Có những loài hữu tình, này các Tỷ-kheo, đang còn trẻ, kiêu mạn trong tuổi trẻ, say đắm trong kiêu mạn ấy, thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Do vị ấy thường xuyên quán sát sự kiện này, sự kiêu mạn tuổi trẻ trong tuổi trẻ được hoàn toàn đoạn tận hay được giảm thiểu.
Do duyên lợi ích này, này các Tỷ-kheo, ‘Ta phải bị già, không thoát khỏi già’, cần phải thường xuyên quán sát như vậy bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia. Do duyên lợi ích như thế nào, này các Tỷ-kheo, ‘Ta phải bị bệnh, ta không thoát khỏi bệnh’ là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia?
Có những loài hữu tình khỏe mạnh, này các Tỷ-kheo, kiêu mạn trong khỏe mạnh. Do say đắm trong kiêu mạn ấy, thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Do vị ấy thường xuyên quán sát sự kiện này, sự kiêu mạn khỏe mạnh trong khỏe mạnh được hoàn toàn đoạn tận hay được giảm thiểu.
Do duyên lợi ích này, này các Tỷ-kheo, ‘Ta phải bị bệnh, không thoát khỏi bệnh’ cần phải thường xuyên quán sát như vậy bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia. Do duyên lợi ích như thế nào, này các Tỷ-kheo, ‘Ta phải bị chết, ta không thoát khỏi chết’, là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia?
Có những loài hữu tình đang sống, này các Tỷ-kheo, kiêu mạn trong sự sống. Do say đắm trong kiêu mạn ấy, thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Do vị ấy thường xuyên quán sát sự kiện này, sự kiêu mạn sự sống trong sự sống được hoàn toàn đoạn tận hay được giảm thiểu.
Do duyên lợi ích này, này các Tỷ-kheo, ‘Ta phải bị chết, không thoát khỏi chết’, cần phải thường xuyên quán sát như vậy bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia. Do duyên lợi ích như thế nào, này các Tỷ-kheo, ‘Tất cả pháp khả ái, khả hỷ đối với ta sẽ phải đổi khác, sẽ phải biến diệt’ là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia?
Có những loài hữu tình, này các Tỷ-kheo, có lòng tham dục đối với các vật khả ái. Do say đắm với lòng tham dục ấy, thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác Do vị ấy thường xuyên quán sát sự kiện ấy, nên tham dục đối với các vật khả ái được đoạn tận hoàn toàn hay được giảm thiểu.
Do duyên lợi ích này, này các Tỷ-kheo, ‘Tất cả pháp khả ái, khả hỷ đối với ta sẽ phải đổi khác, sẽ phải biến diệt’ là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia. Và do duyên lợi ích như thế nào, này các Tỷ-kheo, ‘Ta là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào ta sẽ làm, thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy’ là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia?
Có những loài hữu tình, này các Tỷ-kheo, thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Do vị ấy thường xuyên quán sát như vậy, ác hạnh được hoàn toàn đoạn tận hay được giảm thiểu. Do duyên lợi ích này, này các Tỷ-kheo, ‘Ta là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào ta sẽ làm, thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy’ là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia.
Nếu vị Thánh đệ tử, này các Tỷ-kheo, suy tư như sau: ‘Không phải chỉ một mình ta bị già, không thoát khỏi già, nhưng phàm có những loài hữu tình nào có đến, có đi, có diệt, có sanh, tất cả loài hữu tình ấy phải bị già, không thoát khỏi già’. Do vị ấy thường xuyên quán sát sự kiện ấy, con đường được sanh khởi. Vị ấy sử dụng con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn. Do vị ấy sử dụng con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn nên các kiết sử được đoạn tận, các tùy miên được chấm dứt.
‘Không phải chỉ một mình ta bị bệnh, không thoát khỏi bệnh, nhưng phàm có những loài hữu tình nào có đến, có đi, có diệt, có sanh, tất cả loài hữu tình ấy phải bị bệnh, không thoát khỏi bệnh’. Do vị ấy thường xuyên quán sát sự kiện ấy, con đường được sanh khởi. Vị ấy sử dụng con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn. Do vị ấy sử dụng con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn, nên các kiết sử được đoạn tận, các tùy miên được chấm dứt.
‘Không phải chỉ một mình ta bị chết, không thoát khỏi chết, nhưng phàm có những loài hữu tình nào, có đến, có đi, có diệt, có sanh, tất cả các loài hữu tình ấy phải bị chết, không thoát khỏi chết...’ ... ‘Không phải chỉ có các pháp khả ái, khả ý của riêng một mình ta sẽ phải đổi khác, sẽ phải biến diệt. Phàm có các loài hữu tình nào có đến, có đi, có diệt, có sanh, các pháp khả ái, khả ý của tất cả loài hữu tình ấy sẽ phải đổi khác, sẽ phải biến diệt...’. ‘Không phải chỉ có một mình ta là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào ta sẽ làm, thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy. Phàm có các loài hữu tình nào có đến, có đi, có diệt, có sanh, tất cả các loài hữu tình ấy là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào họ sẽ làm thiện hay ác, họ sẽ thừa tự nghiệp ấy’. Do vị ấy thường xuyên quán sát sự kiện ấy, nên con đường được sanh khởi. Vị ấy sử dụng con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn. Do vị ấy sử dụng con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn, nên các kiết sử được đoạn tận, các tùy miên được chấm dứt”[4].
Lời Phật khuyên cho thấy rõ ý nghĩa và lợi ích của pháp môn như lý khởi tư duy hay như lý tác ý. Trước hết, như lý khởi tư duy có nghĩa là nhìn thẳng nhìn thật vào thực tại, chấp nhận thực tại, thực tại diễn tiến như thế nào thì nhìn nhận như thế ấy, không lẩn tránh thực tại, không cố công bóp méo thực tại bằng ý tưởng này hay toan tính khác. Các đối tượng như lý tác ý hay như lý khởi tư duy được đề xuất trong bài kinh là rất cụ thể, thiết thực, gắn liền với đời sống của con người. Các sự kiện già, bệnh, chết, sự biến hoại của các vật khả ái, nghiệp (hành động) và nghiệp quả (kết quả của hành động) là các thực tại đang diễn tiến chung quanh đời sống của con người và mỗi người.
Tập trung vào các đối tượng ấy để quán sát, như lý khởi tư duy, thì bắt đầu thấy ra đời người thật mong manh, không an toàn, không chắc thật, không có chỗ nương tựa, chỉ là một vòng quay bất tận của nhân quả nghiệp báo. Nghĩ sâu xa hơn thì thấy hết thảy loài hữu tình đều chịu chung quy luật tương tự, nghĩa là chịu sự già, bệnh, chết, sự chia ly mọi thứ khả ái, sự tác động của nghiệp, không ai thoát khỏi sự thật phiền toái khổ đau của hiện hữu. Đây gọi là như lý tác ý hay như lý khởi tư duy, tức chú tâm nhận rõ chính mình, thấy rõ thực tại già, bệnh, chết, sự chia ly, sự trói buộc của nghiệp gắn liền với ngũ uẩn, với đời người. Theo kinh nghiệm của Đức Phật thì sự thấy biết nhờ như lý tác ý hay như lý khởi tư duy như vậy là hết sức quan trọng, ví nó có công năng làm thay đổi đời sống con người, chuyển hóa các lề thói sai lầm của con người, khuyến khích con người giảm thiểu điều ác, tăng trưởng điều lành; cụ thể là giúp con người xa lìa thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, thực thi lối sống đạo đức hiền thiện; từ bỏ thói kiêu mạn về bản thân, thể hiện lối sống cung kính khiêm tốn; buông bỏ lòng tham dục đối với các thứ khả ái, chấp nhận đời sống thiểu dục tri túc, không còn vì lòng tham mà gây tạo ác nghiệp. Nói cách khác, khi thực trạng bất an và vô vọng của đời người được trí tuệ làm cho hiện rõ thì bấy giờ con người trở nên hiền thiện và chân thành hơn.
Vua Pasenadi nước Kosala từng thổ lộ lòng mình sau câu hỏi gợi ý của Thế Tôn:
“- Thưa Đại vương, Ta nói cho Đại vương biết, Ta cáo cho Đại vương hay. Thưa Đại vương, già và chết đang tiến đến chinh phục Đại vương. Khi Đại vương bị già chết chinh phục, Đại vương có thể làm được gì?
- Bạch Thế Tôn, khi con bị già và chết chinh phục, thời con có thể làm được gì, ngoại trừ sống đúng pháp, sống chơn chánh, làm các hạnh lành, làm các công đức!
Bạch Thế Tôn, những sự việc như các vua chúa Sát-đế- lỵ đã làm lễ quán đảnh, say đắm, kiêu hãnh với vương quyền, thọ hưởng tham lam vật dục, đạt được sự an toàn quốc độ và sống chinh phục cả vùng đất đai rộng lớn cùng các trận chiến với tượng binh. Bạch Thế Tôn, các trận chiến với tượng binh... các trận chiến với mã binh... các trận chiến với xa binh... các trận chiến với với bộ binh... các trận chiến chú thuật... các trận chiến tài chánh không đem lại một hướng đi, một điểm tựa cho các vị vua chúa ấy một khi bị già chết chinh phục.
Và bạch Thế Tôn, khi con bị già chết chinh phục, thời con có thể làm được gì, ngoại trừ sống đúng pháp, sống chơn chánh, làm các hạnh lành, làm các công đức!”[5].
Tài liệu Trưởng lão Ni kệ (Therìgàthà) thuật câu chuyện rằng Khemà, hoàng hậu yêu quý của vua Bimbisàra, rất kiêu hãnh về sắc đẹp của mình. Một hôm, theo gợi ý của nhà vua, nàng thực hiện một cuộc viếng thăm Đức Phật tại Trúc Lâm (Veluvana). Với uy lực thần thông, bậc Đạo sư để lộ cho nàng thấy tấm thân tiều tụy và bất tịnh của một cô gái kiều diễm lúc nàng trở về già và rơi vào bệnh hoạn. Ưu tư về số phận của chính mình, hoàng hậu Khemà quyết tâm xuất gia, dùng sự kiện già, bệnh, chết làm đề tài Thiền quán và nhanh chóng thoát ly các kiết sử, đoạn tận các lậu hoặc, chứng quả A-la-hán. Kinh Tăng chi bộ cho biết Đức Phật xác chứng Khemà là đệ nhất Thiền quán trong số các Tỷ-kheo-ni đệ tử của Ngài[6].
Nhìn chung, việc chú tâm quán sát hay như lý khởi tư duy về thực tại vô thường, khổ, vô ngã của hiện hữu nói chung, cụ thể là thực tại già, bệnh, chết của kiếp người đưa đến sự thay đổi căn bản và sâu sắc trong tư duy nhận thức và trong lối sống của con người, khiến cho đời người thành ra có ý nghĩa và giá trị lớn. Tùy thuộc vào mức độ hành trì mà pháp môn này đem lại những kết quả lợi lạc trong tiến trình tu tập làm giảm thiểu các bất thiện pháp và làm tăng trưởng các thiện pháp, hướng đến giải thoát tối hậu.
Vua Pasenadi nước Kosala nghĩ đến sự kiện già chết không thể tránh của kiếp nhân sinh thì ngán ngẩm cảnh chiến tranh, không còn ham thích thực thi quyền lực hay thể hiện uy quyền, chỉ mong sống một cuộc đời khiêm tốn, chuyên tâm làm các hạnh lành, làm các việc công đức. Hoàng hậu Khemà thì dứt khoát hơn ngay sau khi nhận ra sự thật trớ trêu của hiện hữu. Buông bỏ mọi ham muốn thế gian, hoàng hậu quyết tâm xuất gia, dành trọn đời mình để tìm ra chân tướng của sanh, già, bệnh, chết. Nàng chuyên tâm hành sâu Thiền định, suy tư sâu sắc về sự thật sanh, già, bệnh, chết và ngộ ra rằng mọi toan tính ham muốn của thế nhân chỉ tiếp tục mời gọi sự khổ đau sanh, già, bệnh, chết. Với Tỷ-kheo-ni Khemà, như lý khởi tư duy được vận dụng thường xuyên và sâu sắc đến độ các bất thiện pháp hoàn toàn được tiêu trừ, các thiện pháp đi đến viên mãn, gọi là “Do vị ấy thường xuyên quán sát sự kiện ấy, con đường được sanh khởi. Vị ấy sử dụng con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn. Do vị ấy sử dụng con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn, nên các kiết sử được đoạn tận, các tùy miên được chấm dứt”[7]. Tài liệu Trưởng lão Ni kệ nói rằng một ngày kia, Tỷ-kheo-ni Khemà đang ngồi nghỉ trưa dưới một gốc cây thì Ác ma hiện lên dưới hình thức một thanh niên và cám dỗ nàng với lời ngon ngọt.
Vị Thánh nữ đáp trả Ác ma như sau:
Với thân hôi thúi này,
Bệnh hoạn và mỏng manh,
Ta nhàm chán ghét bỏ,
Dục ái đã nhổ lên.
Dục ví như gươm giáo,
Các uẩn, đoạn đầu đài,
Điều ngươi nói dục lạc,
Nay Ta đã xa lìa.
Mọi nơi, hỷ duyệt đoạn,
Khối si ám tan tành.
Hãy biết vậy, ác Mahàpajàpati!
Ngươi bị bại, Mahàpajàpati vương[8].
Thông tin từ các tập Trưởng lão Tăng kệ (Theragàthà) và Trưởng lão Ni kệ (Therìgàthà) cho biết các Tỷ-kheo và Tỷ-kheo-ni thường vận dụng năng lực Thiền quán hay công lực Như lý khởi tư duy nhằm đối trị sự tấn công của tham dục hoặc các thế lực xấu ác muốn quấy rầy nếp sống an tịnh của người xuất gia. Chư vị hành sâu Thiền quán và vận dụng Như lý khởi tư duy trong đời sống hằng ngày nên công lực của pháp môn này rất lớn và sắc bén, đến độ chỉ tác ý đến đối tượng thì ngay lập tức tâm thức đi đến nhàm chán, ly tham, giải thoát.
Chúng ta nghe câu chuyện Tỷ-kheo Sundara Samuda bị một kỹ nữ cám dỗ và vận dụng Như lý khởi tư duy đối trị sự tấn công của tham dục, chứng quả giải thoát:
Trang sức mặc áo đẹp,
Đeo vòng hoa trang điểm,
Chân bôi sơn màu đỏ,
Một kỹ nữ đi dép.
Chân rút ra khỏi dép,
Chắp tay, hướng phía trước,
Nàng với giọng nhẹ dịu,
Mở đầu nói với Ta:
‘Chàng trẻ tuổi xuất gia,
Hãy dừng, lãnh vực em,
thọ hưởng năm dục vọng,
Em cho chàng phương tiện,
Em hứa chàng sự thật,
Em đem chàng lửa thề.
Khi chàng em đều già
Cả hai đều chống gậy,
Cả hai cùng xuất gia,
Hai phần được vận may’.
Thấy người kỹ nữ ấy,
Chắp tay, lời van xin,
Trang sức, mặc áo đẹp
Như thần chết gieo mồi.
Rồi Ta tự tác ý,
Như ý khởi tư duy,
Các hiểm nguy hiển lộ,
Nhàm chán Ta an trú.
Và tâm Ta giải thoát,
Thấy pháp nhĩ là vậy,
Ba minh chứng đạt được,
Lời Phật dạy làm xong”[9].
Chú thích:
1. Thuật ngữ Yoniso manasikàra có nghĩa là Như lý tác ý, đôi khi cũng được dịch là Như lý tư duy (xem kinh Đại bổn, Trường bộ; kinh Tất cả lậu hoặc, Trung bộ).
2. Kinh Tâm đặt sai hướng, Tăng chi bộ.
3. Kinh Tất cả lậu hoặc, Trung bộ.
4. Kinh Sự kiện cần phải quán sát, Tăng chi bộ.
5. Kinh Ví dụ hòn núi, Tương ưng bộ.
6. Xem F.L. Woodward, The Book of the Gradual Sayings, tập I, tr.21.
7. Kinh Sự kiện cần phải quán sát, Tăng chi bộ.
8. Chuyện Tỷ-kheo-ni Khemà, Trưởng lão Ni kệ, Tiểu bộ.
9. Chuyện Tỷ-kheo Sundara-Samuda, Trưởng lão Tăng kệ, Tiểu bộ.